Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

03 BA BÀI THÁNH GIÁO (ĐẠO UYỂN HẠ 2018)


BA BÀI THÁNH GIÁO
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam
Tuất thời, 15-4 Giáp Dần (Thứ Hai 06-5-1974)
Thông công: Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Pháp Đàn: Chơn Tâm. Đồng Tử: Thanh Thủy (xuất khẩu). Độc giả: Hồng Mai.
BẢO PHÁP CHƠN QUÂN HUỲNH CHƠN
Chào mừng chư Thiên ân hướng đạo. Chào mừng hiền huynh Tổng Lý Minh Đạo.([1]) Mừng hiền đệ, hiền muội, đạo tâm nam nữ.
(. . .)
Đàn hôm nay sẽ có Đức Thiền Sư Vạn Hạnh đến giáo đạo và Cao Triều Tiền Bối sẽ đến với các em thanh thiếu niên.
Nhân đây, Huynh cũng để lời khuyên chư hiền đệ, hiền muội hãy an lòng tu niệm vì đường càng dài càng đổi thay cảnh sắc. Không những sự vật bên ngoài mà chính nhục thân này cũng tàn lụn theo dòng quá khứ của thời gian. Gánh đạo, gánh đời càng thấm thía trên đôi vai người sứ mạng; do đó, mới đặt thành tập thể, tổ chức để nương tựa lẫn nhau, bảo vệ hộ trì với nhau tiếp nối tiến hóa ngõ hầu đạt đến mục tiêu mà mình đã nhắm. Có quan trọng sự kết hợp, có ý thức thương yêu xem tổ chức là mình, mình là tổ chức thì tâm chí mới vững vàng, hăng hái để phát triển thêm nhiều sức sống cho mọi vấn đề. Tệ Huynh đã qua một cuộc đời hành đạo sẽ kinh nghiệm ([2]) những điều ưu khuyết để nhắc nhở cho các em mỗi khi gặp gỡ. Mong rằng:
Bóng dầu khuất thâm tình vẫn đậm
Đường có qua mới gẫm thiệt hơn
Chọn rồi mục đích chánh chơn
Thệ lòng ([3]) một tấm keo sơn ([4]) chớ rời.
(. . .)
Đức Thiền Sư đã đến. Tệ Huynh xin tạm biệt chư hiền đệ, hiền muội. Chào chư đạo tâm liệt vị nam nữ. Chào anh Huệ Lương, các em Hiệp Thiên Đài. Xin nhường bút. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
VẠN HẠNH THIỀN SƯ
Chào chư Thiên ân hướng đạo. Chào chư đạo hữu nam nữ. Sau giờ tịnh tọa, nhìn đến cõi trần gian thấy có nhiều ánh hồng quang đang ẩn hiện mờ ảo trong ác khí âm u. Nhân giờ đàn lệ,([5]) Bần Tăng quá bước ([6]) tạm mượn linh cơ tìm người có căn nguyên giác ngộ độ dẫn, kết hợp đạo mầu cùng giải thoát vạn linh ra vòng khổ nạn. Mời chư liệt vị đồng an tọa.
THI
Ta đến trần gian với tấc lòng
Lòng thương sanh chúng cảnh nguy vong
Khêu từng đuốc tuệ trong nhân bản
Soi sáng đêm đen rọi ánh hồng.
Hôm nay là ngày được thiết lễ đản sanh của Đức Thế Tôn trong Tam Giáo Đạo Tổ. Với cương vị một Thiền Sư, Bần Tăng xin đem ý thức về chơn lý Đạo giúp cho chư đạo hữu được tinh tấn thêm trên đường tu niệm.
Chư đạo hữu đã qua những cuộc thăng trầm bĩ thới ([7]) của kiếp sống nhơn sinh, đã nhận xét nhiều rồi, mọi cảnh giả trần đang diễn biến. Có nhận xét, chư đạo hữu mới tìm một lối đi, một hướng tiến cho chính mình trong chơn lý Đạo.
Ngoài hình thức thông thường của mọi tổ chức tôn giáo, còn điều quan trọng nhứt là Đạo, là tâm linh. Đạo có hiện bày thật tướng cứu cánh ([8]) là do tâm linh bừng tỉnh được giấc ngủ tự năm nào nơi bến khởi nguyên. Tâm linh có bừng tỉnh mới nhận định được điều quan trọng của kiếp sống nhơn sinh.
Nhơn sinh vào đời là vào trường tiến hóa cho vạn vật, vạn linh. Vào đời là vào trong luật tắc vận hành của Đạo, của Tạo Hóa. Có vận hành trưởng dưỡng, có un đúc trui rèn thì con người mới trở nên hàng siêu nhơn thánh triết, nên bậc Phật Tiên. Các giá trị ấy đều do Đạo mà có.
Đạo tuy vô vi mà hằng luân động trong cái to tát như vũ trụ, nhỏ như hạt vi trần.([9]) Do đó người học đạo chơn tu, bậc Thiên ân hướng đạo cần phải thấu triệt chơn lý tuyệt đối của Đạo để quyết định cho đời một hướng tiến tới đích của giá trị nhơn sinh.
Phật đã bảo chúng sanh là Phật chưa thành,([10]) và bảo với A Nan tại Trúc Lâm Thôn ([11]) về ý chỉ hậu đại ([12]) cho Đạo là chơn lý tự quán.([13]) Phật là ai? Như Lai là thế nào? Có phải là Thái Tử Đạt Ta ([14]) và xá lợi cốt ([15]) không? Phải mà không phải. Bởi chính đó mà không phải đó, mới thật là đó. Phật cũng bảo: “Nhược dĩ sắc tướng âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo bất năng kiến Như Lai.” ([16]) Đó là chơn lý tự nó phủ nhận chơn lý.
Đạo vô vi, đời vô thường, thế mà các Đấng đã đạt được lý vô vi và vô thường để sống hằng thường trong mọi cái hữu vi. Đó là phi thường, chánh đẳng, chánh giác vậy. Chính Bần Tăng ngộ nhập được chơn lý ấy để xuất thế, thoát trần tiêu dao tự tại ([17]) và cũng chính chơn lý ấy mà có lần phải nhập thế xây dựng triều đại thanh bình cho nước nhà dân tộc.([18])
Chư đạo hữu! Chư Thiên ân hướng đạo và dân tộc này được ơn Thượng Đế, được ơn ban quyền pháp Đạo giữa thời buổi loạn ly tang tóc, tất phải ý thức đến trách nhiệm đương vi nội tu ngoại tiến, nhứt tề ([19]) làm động năng thúc đẩy tinh thần tập thể giác ngộ được chơn lý đơn thuần thì người sẽ tự cầm lấy đuốc mà soi đường, tự khơi dòng nước bản thể lưu thông về đại dương. Không những lý thuyết tư tưởng mà cần phải thực hành. Được như thế, nước nhà dân tộc này mới mong hoàn thành sứ mạng thiêng liêng để phục hưng thạnh trị thì thế giới mới hòa bình.
(. . .)
Bần Tăng xin tạm biệt nơi đây, hẹn sẽ còn dịp gặp lại. Xả đàn ba mươi phút để bình lại thánh giáo và chư quan khách tùy nghi hồi gia hay lưu lại gặp Cao Triều Tiền Bối.
Tái cầu Hồng Mai độc giả. Bần Tăng xin giã từ. Thăng.
TÁI CẦU
(Đồng tử: Thanh Thủy; độc giả: Hồng Mai)
CAO TRIỀU PHÁT
Chào hiền hữu Huệ Lương. Chào chư hiền đệ, hiền muội. Mừng các em thanh thiếu niên.
Tiên Huynh rất may mắn hội ngộ cùng chư hiền đệ, hiền muội, viếng thăm sức khỏe và cùng nhau chỉ dẫn cho thanh thiếu niên. Chư hiền đệ, hiền muội hoan hỷ an tọa.
Nầy các em! Thời gian trôi qua, thời gian thử thách trui rèn đối với các em, Tiên Huynh rất mừng và mừng trong thương cảm.
Các em còn nhớ lời Tiên Huynh đã nói với các em là Tiên Huynh vẫn cùng các em trong những lúc buồn vui sinh hoạt, thì tâm tư của các em là tâm tư của Tiên Huynh.
Tiên Huynh mừng là mừng các em đã bảo trì được ý chí của người thanh thiếu niên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý trong mọi cám dỗ và ràng buộc giữa cuộc đời đầy sức sống của tuổi trẻ.
Tiên Huynh cảm thương các em là những mầm non cao quý đang vươn lên trong sức uốn nắn của tay thợ vườn. Chính điểm đó đã làm cho các em mang mặc nhiều vấn đề trước các đoàn thể thanh thiếu niên trong Đại Đạo.
Các em ôi! Các em là những cánh sen mọc trong ao bùn, các em không phải là những cánh sen cắm xuống ao bùn. Tiên Huynh đã nói lời này với các em từ năm Kỷ Dậu ([20]) và đã chấp nhận sự hiến dâng của các em dù là hiến dâng trong bảo chứng vô vi.([21]) Bốn năm qua, các em đã trưởng thành từ ý chí, học vấn và tâm linh, Đức Chí Tôn Từ Phụ mới ban ơn cho các em:
Thầy dành sẵn ân hồng chan rưới
Cho tược mầm vạn đợi sum sê… ([22])
Từ nay các em sẽ khởi sự tiến thân vào hàng Giáo Sĩ và các em sẽ là hoài bão ([23]) tương lai của những người Tiền Bối trong Đại Đạo.
Hỡi các em thân mến! Tiên Huynh để các em tự nguyện ghi tên vào lớp Giáo Sĩ cho toàn thể các cấp chức vụ trong Cơ Quan nói chung, gia đình phụ huynh các em nói riêng, được hãnh diện đặt niềm tin trước những người con trai, những đứa con gái chuẩn bị lên đường phụng Thiên sự dân ở mai hậu, như lời Đức Chí Tôn Từ Phụ đã dạy.
Tiên Huynh cũng bảo trước với các em: (. . .) Các em là đoàn tiền phong ([24]) trên con đường nhiều trở ngại, hãy thật tâm nương tựa, dìu dắt, nâng đỡ lẫn nhau. Anh chị lớn lo cho các em nhỏ tiếp nối tiến hóa để hoàn thành công cuộc phổ thông giáo lý Đại Đạo trong tương lai.
Các em lưu ý điều này là: Người tu sĩ, giáo sĩ có một giá trị tuyệt đích để tiến đến hàng lãnh đạo, nhưng giá trị ấy chỉ dành riêng cho những ai có cơ duyên và tự nguyện trước sứ mạng. Như vậy không phải để kiện toàn ([25]) cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý mà thành phần này phải góp tay vào mục đích tạo điều kiện thế nhơn hòa ở xã hội mai sau.
Đây chỉ là mong muốn hiện thời. Các em hãy lành mạnh và hệ thống hóa thành phần trong thanh thiếu niên.
(. . .)
Non sông gấm vóc tư bề
Hóa hoằng chánh đạo phá mê cho đời.([26])
(. . .)
Thiên Vương, Huệ Thiện! ([27]) Tiên Huynh gởi gắm niềm tin nơi nhị đệ. Nhị đệ hãy giúp Tiên Huynh phần hữu hình ([28]) lo lắng cho các em thanh thiếu niên, nhứt là chương trình cho lớp Giáo Sĩ sắp đến. Thời khóa biểu, đề tài từ một tiến lên. Tiên Huynh tin nhị đệ sẽ thực hiện đầy đủ.
Kiểng non khéo uốn sẽ thành rồng
Dạy dỗ nhờ người có cảm thông
Phân nước đủ đầy cây trái đẹp
Xanh cành rậm lá đẹp vườn hồng.
Đã đến giờ, Tiên Huynh xin tạm biệt chư hiền đệ, hiền muội và hiền hữu Huệ Lương. Tiên Huynh chúc chư hiền đệ muội được ơn lành của Đức Chí Tôn Từ Phụ. Tạm biệt các em thanh thiếu niên. Thăng.



Huệ Khải chú thích:
([1]) Tổng Lý Minh Đạo là tiền bối Huệ Lương, thế danh Trần Văn Quế (1902-1980), đắc quả Quảng Đức Chơn Tiên (1981).
([2]) Kinh nghiệm là danh từ, nhưng ở đây dùng như động từ, có nghĩa là rút kinh nghiệm (từ việc gì). Ngữ học gọi cách này là chuyển từ loại. Xem thêm mục “7. Chuyển từ loại”, trong bài “Vài Biện Pháp Tu Từ Trong Thánh Giáo Cao Đài”, in trong: Huệ Khải, Đôi Điều Về Bình Giảng Thánh Giáo, Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2016, tr. 84-85,
([3]) thệ lòng: Thề với lòng mình.
([4]) tấm keo sơn: Tấm lòng gắn bó, khăng khít.
([5]) đàn lệ: Đàn cơ thiết lập theo thông lệ sóc, vọng.
([6]) quá bước: Quá bộ, dời gót, đi tới.
([7]) bĩ thới (thái) 否泰: Vận rủi, xấu () và vận may, tốt (thái). Sướng khổ, may rủi.
([8]) Ba la mật đa 波羅蜜多 (paramita) dịch sang chữ Hán là đáo bỉ ngạn 到彼岸 (sang bờ bên kia, qua bờ giác), cũng dịch là cứu cánh 究竟. Thế nên cứu cánh ở đây có nghĩa là cứu độ, giải thoát khỏi luân hồi sanh tử.
([9]) vi trần 微塵: Hạt bụi nhỏ xíu. | A particle of dust.
([10]) Kinh Phạm Võng 梵網經 có câu: “Ngã thị dĩ thành Phật, nhữ thị vị thành Phật.” 我是已成佛, 汝是未成佛. (Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật chưa thành.)
([11]) Trúc Lâm Thôn: Là ngự viên Veluvana của vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra), tức Bình Sa Vương. Vua sinh năm 558 trước Công Nguyên [TCN], trị vì nước Ma Kiệt Đà (Magadha) từ năm 543 TCN đến khi tạ thế năm 491 TCN. Vua Tần Bà Sa La là vị tục gia đệ tử vương giả đầu tiên của Đức Phật. Sau khi chứng quả, Đức Phật ghé kinh thành Vương Xá (Rājagḱha, cũng viết Rajagaha) lần đầu tiên và chấp nhận thành tâm của nhà vua xin cúng dường ngự viên này. Vua chọn Veluvana vì ngự viên không quá gần kinh thành để Đức Phật và tăng đoàn được thanh tịnh, và cũng không quá xa kinh thành để nhà vua thuận tiện đến chầu Phật và nghe thuyết pháp. Vào mùa mưa, Ðức Phật và tăng đoàn hay an cư ba tháng ở Trúc Lâm Thôn.
([12]) Năm ấy mất mùa, để bá tánh khỏi nhọc nhằn việc cúng dường, Đức Phật dạy tăng đoàn rời khỏi Trúc Lâm Thôn, chỉ riêng thị giả A Nan được ở lại bên cạnh. Tôn giả A Nan nhìn thấy kim thân Phật khác lạ, đoán biết Phật sắp lìa thế gian mà vào Niết Bàn, liền quỳ xuống hỏi về ý chỉ hậu đại, tức là những lời dạy cốt tủy nhằm hướng dẫn chúng sanh biết cách tu hành đúng đắn sau khi Đức Phật đã tịch diệt.
([13]) Nhân có tôn giả A Nan hỏi về ý chỉ hậu đại, Đức Phật bèn dạy: “Ông nên lấy chính mình làm nơi quy y, lấy pháp làm nơi quy y, đừng nương theo ai khác bên ngoài. Hãy tự xét, xem mình tinh tấn [siêng năng] hay giãi đãi [lười biếng], dứt trừ sự tham nhiễm lo buồn theo thế gian. Hãy quán thân, thọ, tâm, pháp, thấu triệt lý bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, để đối trị bệnh chấp tịnh, lạc, thường, ngã, theo quan niệm chúng sanh. Đây là chân lý tự quán của ta khi thành chánh giác và cũng là căn bản quy y của người học đạo.”
Nguồn: Hòa thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992), Phật Học Tinh Yếu, Thiên thứ nhất, Chương 5, Tiết VI: Ðức Thế Tôn Vào Niết Bàn.
([14]) Đạt Ta: Tức là Siddhārtha Gautama (Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm).
([15]) xá lợi cốt 舍利骨: Xương xá lợi.
([16]) Nhược dĩ sắc tướng âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai. 若以色相音聲求我, 是人行 邪道, 不能見如來: Nếu lấy sắc tướng âm thanh cầu ta, người ấy theo đạo tà, không thể thấy Như Lai.
Nơi đây, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nhắc lại lời Đức Phật dạy trưởng lão Tu Bồ Đề 須菩提 (Subhūti), chép trong Kim Cang Kinh. Câu kinh chữ Hán-Việt được Đức Thiền Sư nhắc tới không giống câu kinh bá tánh ở Việt Nam vốn quen thuộc. Tại sao vậy?
Kinh Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra (tiếng Sanskrit), gọi tắt là Vajra Sūtra; dịch sang chữ Hán là 金剛般若波羅蜜 多經 (Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh), gọi tắt là Kim Cang Kinh 金剛經; tiếng Anh dịch gọn là Diamond Sūtra.
Kinh này có vài bản dịch chữ Hán khác nhau, chẳng hạn bản dịch năm 509 của đại sư Bồ Đề Lưu Chi 菩提流支 (Bodhiruci), và bản dịch năm 558 của đại sư Chân Đế 真諦 Paramārtha, 499-569)...
Tuy nhiên, ở Việt Nam, bản dịch năm 401 trước Công Nguyên của đại sư Cưu Ma La Thập 鳩摩羅什 (Kumārajīva, 344-413 TCN) được phổ biến hơn cả. Lời Đức Phật dạy trưởng lão Tu Bồ Đề được đại sư Cưu Ma La Thập dịch như sau: Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai. 若以色見我, 以音聲求我, 是人行邪道, 不能見如來. (Nếu lấy sắc mà thấy ta, lấy âm thanh mà cầu ta, người ấy theo đạo tà, không thể thấy Như Lai.)
Như đã nói rõ ở trên, lời Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang được dịch sang chữ Hán theo vài cách khác nhau. Do đó, Đức Thiền Sư không nhất thiết phải nhắc lại đúng y câu dịch chữ Hán của đại sư Cưu Ma La Thập.
([17]) tiêu dao tự tại 逍遙自在: An nhàn, ung dung, không vướng bận buộc ràng (vì không còn bị phiền não, không còn bị tình cảm phàm tục như lục dục thất tình sai khiến) | Free, at ease and unrestrained.
([18]) Đức Vạn Hạnh Thiền Sư (938-1018) họ Nguyễn, quê làng Cổ Pháp (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ngài làm cố vấn vua Lê Đại Hành, giúp vua chống ngoại xâm; là thầy của Lý Công Uẩn, giúp học trò lên ngôi (tức Lý Thái Tổ), mở ra triều Lý cường thịnh, lâu dài trong lịch sử Việt Nam.
([19]) nhứt tề 一齊: Đồng loạt, cùng lúc. | At the same time, simultaneously.
([20]) Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, ngày 15-10 Kỷ Dậu (Thứ Hai 24-11-1969), Đức Cao Triều Phát dạy thanh thiếu niên: “Các em sẽ là cánh sen mọc trên ao bùn. Các em không phải là những cánh sen cắm xuống ao bùn. Có như vậy các em mới lập được một công trình cho vĩ nghiệp tương lai.”
([21]) Tại Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, ngày 23-4 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 07-6-1969), Đức Cao Triều Phát dạy thanh thiếu niên: “Hôm nay, Tiên Huynh đến với các em để nhắc lại và giải thích hai chữ hiến dâng để các em được tận tường ý nghĩa hầu quyết định cho đời mình một tương lai vững chắc.”
([22]) Đức Cao Triều nhắc lại hai câu thánh thi Đức Chí Tôn ban ơn cho thanh thiếu niên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam trong đàn cơ tại Cơ Quan, Tuất thời, 15-10 Quý Sửu (Thứ Sáu 09-11-1973). Toàn bài thánh thi của Đức Chí Tôn như sau:
Thanh thiếu niên mầm non quốc đạo
Truyền thống nhiều hoài bão tương lai
Đời còn có một ngày mai
Nhờ nơi các trẻ nghiêng vai gánh gồng.
Thầy dành sẵn ân hồng chan rưới
Cho tược mầm vạn đợi sum sê
Non sông gấm vóc tư bề
Hóa hoằng chánh đạo giác mê cho đời.
([23]) hoài bão 懷抱: Lý tưởng, ước vọng cao đẹp | An ideal, an aspiration. Ở đây, hoài bão nên hiểu như kỳ vọng.
([24]) tiền phong 前鋒: Người dẫn đầu, mở đường trong một hoạt động mới mẻ, một phong trào tiên tiến. | Vanguard.
([25]) kiện toàn 健全: Làm cho trở nên vững vàng, tốt đẹp trọn vẹn. | Perfecting something, bringing something to perfection, making something perfect.
([26]) Xem chú thích (22).
([27]) Đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, ngày 15-4 Tân Hợi (Chủ Nhật 09-5-1971), Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Trần Quang Mãnh! Hiền đệ có chí thành chí kỉnh, Bần Đạo thâu nhận hiền đệ vào Nội Chánh Vụ phụ trách về thanh thiếu niên, đào tạo mầm non Đại Đạo.”
Tiền bối Trần Quang Mãnh (1929-2014) được Đức Chí Tôn ban thánh danh Huệ Thiện trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý vào Tuất thời, ngày 15-02 Nhâm Tý (Thứ Tư 29-3-1972). Tiền bối đắc quả Minh Đức Chơn Nhơn (2014).
Khi Thanh Niên Vụ Trưởng (Huệ Thiện) vắng mặt vì thời cuộc, vào ngày 15-7 Ất Mão (Thứ Năm 21-8-1975) Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Hiện tại, Thanh Niên Vụ Trưởng vắng mặt, Bần Đạo do Thánh ý truyền đạt, chỉ định hiền đệ Thiên Vương tạm quyền Xử Lý Điều Hành trước hiện tại về phần hữu hình.”
([28]) Phần vô vi có Đức Cao Triều Tiền Bối nhận trọng trách. Đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, ngày 29-12 Bính Ngọ (Thứ Tư 08-02-1967), Đức Chí Tôn dạy: “Thầy đã truyền lịnh cho Cao Triều Phát lai đàn hầu dạy thanh thiếu niên Phổ Thông Giáo Lý, để cho các con được thông cảm tình đồng đạo, và Cao Triều Phát lập công tiến vị theo sự khẩn cầu của Tiền Bối Đại Đạo đang ở bên cạnh Thầy.”
Huệ Khải chú thích