PHẠT HỮU HÌNH
HUỆ LƯƠNG
Sau
thời gian phát hành các tập mỏng quay ronéo trên giấy duplicateur khổ 21x27cm (từ tháng 12-1965), Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (số 171 Cống Quỳnh, quận 1, Sài Gòn) mỗi tháng bắt
đầu xuất bản Cao Đài Giáo Lý in typo
từ tháng 01-1972, đánh số 74 để liên tục với các tập quay ronéo trước đó. Do
thời cuộc, Cao Đài Giáo Lý tự đình
bản vào tháng 3-1975 với số 95. Mỗi tập dày mỏng không đều, dao động từ khoảng
52 trang (khổ 15,5x23,5cm) kể cả bìa tới khoảng 70-80 trang. Ghép hai tháng 11
và 12-1973, riêng số 87 dày nhất (98 trang kể cả bìa).
Tiền
bối Huệ Lương (Trần Văn Quế, 1902-1980) là Tổng Lý Minh Đạo của Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý, đắc quả Quảng Đức Chơn Tiên (tháng 7-1981). Tiền bối cho đăng
bài Phạt Hữu Hình trên Cao Đài Giáo Lý số 79, tháng 8-1972 (tr.
31-35) và số 80, tháng 9-1972 (tr. 42-47). Chúng tôi trân trọng đăng lại đây
trọn vẹn bài viết năm xưa của tiền bối. (Đạo
Uyển)
Ngài Huệ Lương (Trần Văn Quế). Ảnh: CQPTGL CĐGVN
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, buổi sơ khai, có lắm chuyện ly kỳ để thức tỉnh người đời và đưa họ vào cửa Đạo. Các mẩu chuyện ấy được liệt vào ba loại, và cả ba đồng chứng minh là có thế giới vô hình, có các Đấng Thiêng Liêng. Ba loại ấy là: Sự linh ứng về sự phù cơ thỉnh Tiên xuyên qua các bài thi nói rõ tâm sự của người hầu đàn, khiến họ cảm phục mà vào Đạo. Tính cách độc đáo về các thể văn được mô tả ra trong một thời gian hết sức ngắn. Thí dụ một bài một bài thi bát cú thuộc thể văn vĩ tam thanh,([1]) được tả xong trong chốc lát (năm hoặc mười phút là cùng). Sau cùng là sự linh hiển được thị hiện bằng cách phạt hữu hình những kẻ ngoài đời hoặc trong Đạo phạm lỗi nặng.
Trong
bài tường thuật này các mẩu chuyện đều thuộc về loại thứ ba mà thôi.
I. THÁNH THẤT CẦU KHO:
Sự thật thánh
thất Cầu Kho, vào buổi sơ khai của Đạo Thầy, vốn là tư gia của cụ Đốc Học Đoàn
Văn Bản, hiệu trưởng trường tiểu học Cầu Kho, nay đổi lại là trường tiểu học
Trần Hưng Đạo. Ngôi nhà ấy tọa lạc tại góc hai con đường Général Le Man (nay là
đường Cao Bá Nhạ) và đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Phát Diệm). Vì là
một nhà giáo ngay chính và liêm khiết, tư thất của cụ không phải là một biệt
thự nguy nga mà chỉ là một ngôi nhà trệt ba căn xông,([3]) cột cây, vách ván, lợp ngói và lót gạch tàu.
Phía sau một dãy cũng ba căn xông, nhưng bề sâu hẹp hơn dùng làm phòng trù và
nơi tiếp khách. Ngôi nhà phía trước được biến thành bửu điện tam gian: gian
giữa có thiết Thiên Bàn thờ Đấng Chí Tôn (tượng Thiên Nhãn); ở ngoài ngó vô
gian bên tả có thiết bàn thờ Đức Phật Quan Âm; gian bên hữu có thiết bàn thờ Quan
Thánh Đế Quân. Đối diện với chính điện, ở phía trước cửa thì có thiết bàn thờ
Đức Hộ Pháp.
Thời
buổi ấy các chức sắc, chức việc và chư tín hữu thánh thất sở tại phần nhiều là
công, tư chức và thợ thuyền làm việc ngày hai buổi ở các công, tư sở và các xưởng.
Vì lẽ đó mà, thay vì mỗi tháng có hai kỳ đại lễ ngày mồng một và ngày rằm như ở
các thánh thất khác, thì thánh thất Cầu Kho được đặc ân thiết đại đàn mỗi buổi
chiều Thứ Bảy từ 11 giờ đến 3 giờ khuya. Vì là thánh thất đầu tiên trong Đạo và
lại là nơi mỗi đêm có đàn cơ, mọi người bất phân sang hèn, quý tiện, nam phụ
lão ấu đều được hầu đàn và đều được Ơn Trên ban thi phú và đôi khi ban cho toa
thuốc. Từ đó sắp sau, chư tín hữu mỗi chiều Thứ Bảy đến hầu đàn rất đông, và vì
chật chỗ phải đứng lan ra mé chái phía tay mặt và đôi khi tràn ra tận ngoài sân
phía trước. Mỗi buổi chiều Thứ Bảy có một giờ thuyết đạo, ngoài các cuộc hội
thảo về đạo sự. Thời buổi ấy, tinh thần chư tín hữu Cầu Kho rất cao, và ảnh
hưởng sâu xa đến các thánh thất khác trong xứ. Hầu hết các anh lớn trong Đạo
Thầy đều xuất thân từ thánh thất Cầu Kho, hay đúng hơn, đều đã hành đạo tại thánh
thất Cầu Kho, trước khi Tòa Thánh Tây Ninh được tạo lập.
1. Mẩu chuyện thứ nhứt
Một buổi
chiều Thứ Bảy kia, trong lúc chư chức sắc và chư tín hữu chầu lễ trên đại điện,
thì ở hậu đường, một bà nói chuyện lớn tiếng với các bà khác. Bà ấy cãi vã với
mấy bà kia về một việc gì đó, tiếng cãi cọ quá to ấy vang động lên đại điện
khiến các vị chầu lễ rất lấy làm khó chịu. Thấy thế cụ Giáo Hữu Thượng Tường
Thanh (cụ Ký Tường) bèn lén rời khỏi chỗ quỳ của mình và đi thẳng vào hậu
đường. Đến trước bà nói lớn tiếng kia, cụ bèn lột Ngưỡng Thiên Mạo màu xanh của
cụ xuống, chắp hai tay xá bà ấy và nói rằng: “Tôi lạy chị! Chị im một chút để
cho người ta cúng!” Nói xong, cụ bèn quày quả trở lên đại điện. Tức thì bà bị
quở kia tự mình lấy hai tay vả vào mặt tới tấp cho đến nỗi hai bên má đỏ rần và
sưng lên. Biết là bà ấy bị chư Thần phạt, một bà khác chạy lên đại điện lại gần
vị chứng đàn, khẽ xin vị ấy cầu nguyện Ơn Trên tha tội cho phạm nhân. Lễ xong
bà ấy mới hết bị phạt.
2. Mẩu chuyện thứ nhì
Cũng tại
thánh thất Cầu Kho có một bà quanh năm chỉ chuyên môn cho vay lấy lãi. Các thân
chủ của bà toàn là gái tứ thời.([4]) Như vậy, bà phải là người thế nào mới làm
công việc ấy được. Thì đây, tới kỳ đóng
tiền lãi, các con nợ nào trễ nãi đều bị bà chửi mắng không tiếc lời. Người rành
câu chuyện cho biết như sau: “Nếu con nợ nào đóng tiền trễ thì bà chửi chạy mồ
chạy mả,([5]) và chỉ còn có nước dỡ nhà đi mà thôi!” Tính
hung hăng ấy của bà đã thành tật dù rằng bà đã nhập môn và đã ăn chay.
Một đêm
kia bà nằm mơ thấy một ông lão râu tóc bạc phơ điểm mặt bà mà nói rằng: “Mi dữ
lắm. Ta phạt mi câm ba năm!” Sáng ra, thức dậy, bà nói không được, bà câm
thiệt. Bà bèn chạy đến nhà cụ Giáo Sư phái Thượng Lê Văn Sanh ở đường Frères
Louis ([6]) và ra dấu cho biết rằng bà bị phạt câm. Bà
lại ra dấu bằng cách đưa ngón tay trỏ ngay thẳng lên trời, rồi co lại đưa xuống
đất, ý muốn nói: “Ngay thẳng thì đi lên trời, cong queo tà vạy thì đi xuống
đất.” Bà đi về nhà và kể từ ngày ấy bà lấy con dao phay bén mỗi ngày khắc vào
cột một khấc, mãi cho đến cuối năm thứ ba.
Đúng ba
năm, ngày mãn án bà lại chạy đến nhà cụ Giáo Sư Thượng Sanh Thanh ra dấu mà cụ Giáo
Sư không hiểu được. Tức thì bà chạy xuống nhà bếp của cụ giáo sư bưng lên một
chén tương, lấy ngón tay chỉ vào chén tương và từ đó chỉ thẳng ra hướng Bà Rịa,
hai tay chắp lại và xá xá. Cụ Giáo Sư bèn hội ý mới hỏi lớn bà như sau: “À! Chị
bảo tôi dắt chị ra Bà Rịa cho anh Phủ Tương cúng cho chị phải không?” Bà ấy gật
đầu. (Bà bị câm nhưng bà còn nghe và hiểu được người khác nói.) Thấy thế cụ Giáo
Sư và cụ bà cùng với bà ấy thuê xe ra quận Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa) là nơi thuộc
quyền cai trị của cụ Tri Phủ Nguyễn Ngọc Tương. Đến nơi cụ Giáo Sư tỏ bày tự sự,
cụ Phủ vui lòng làm lễ giải tội cho bà.
Trong
khi làm lễ, cụ Phủ chứng đàn quỳ phía trước, bà bị câm quỳ phía sau. Lễ xong
đến lúc tụng Ngũ Nguyện, cụ Phủ chứng đàn nghe bà ấy đã niệm rõ ràng năm câu
nguyện. Lễ xong cụ Phủ ngó lại đàng sau và hỏi rằng: “Chị nói được rồi sao?” Bà
ấy chậm rãi lễ phép thưa: “Dạ, tôi nói được rồi.”
Từ đó
sắp sau tánh tình bà ấy rất đằm thắm, và lời nói rất hiền lành, từ tốn, không
còn hung dữ như xưa nữa.
3. Mẩu chuyện thứ ba
Một nam
tín hữu thuộc thánh thất Cầu Kho rất nghèo, làm nghề chạy xe kéo. Anh ấy có một
căn nhà nhỏ ở sát đường Nguyễn Tấn Nghiệm.([7]) Trong nhà anh đã có thượng tượng thờ Thầy.
Một bữa kia, cúng tứ thời xong, anh ấy gài cửa lại và đi kéo xe. Thừa dịp anh
vắng mặt, một tên phù thủy bên cạnh nhà bèn lén viết một lá phù [bùa] rồi do
kẹt cửa ném vào Thiên Bàn. Tức thì chư Thần phạt tên phù thủy ấy chạy từ đường
Nguyễn Tấn Nghiệm ra tới đường Frères Louis rồi từ đó chạy riết đến chợ Thái
Bình, quanh lên đường Général Le Man, rồi chạy thẳng đến thánh thất Cầu Kho.
Lúc ấy độ 6 giờ chiều ngày Thứ Bảy, cửa thánh thất được mở hoát để đêm đến sẽ
hành đại lễ. Tên phù thủy, đầu cổ chơm bơm, hai mắt ngơ ngác như dại như ngây,
miệng không nói được một tiếng gì. Khi chạy đến trước cửa thánh thất, tên ấy bị
huyền lực gì chặn đứng ngay tại ngạch cửa, hai chơn anh ta hình như bị đóng
đinh xuống đất, cứng ngắc, không giở lên được. Đồng thời thể xác anh ta bị bắt
cúi đầu vập trán xuống đất lạy lia lịa (ngoài Bắc gọi là lạy như tế sao). Thấy
thế một vị đạo hữu đến sớm bèn lật đật chạy vào báo cho cụ Đốc Bản hay. Cụ
đang dùng cơm chiều, nghe vậy cụ bèn buông đũa, mau lên chánh điện mặc áo lễ
vào, tay bưng một chung nước (…) và quỳ xuống khấn vái. Vái xong cụ trao chung
nước phép cho vị đạo hữu nói trên và dạy đem ra lấy một cành hoa nhúng vào nước
ấy rồi rảy lên đầu kẻ bị phạt. Công
việc được thi hành đúng như lời dặn. Lần lần người phù thủy tỉnh lại, rút chơn
lên được, đi vào tạ ơn cụ Đốc Học và thuật lại câu chuyện như đã nói trên cho cụ
nghe.
II. THÁNH TỊNH NGỌC TUYỀN:
BA
MẨU CHUYỆN PHẠT HỮU HÌNH
Thánh
tịnh Ngọc Tuyền là một ngôi thánh tịnh cột cây, vách ván, lợp lá dừa, nền hình
vuông, mỗi cạnh có 9 thước. Ngôi thánh tịnh này được dựng lên trên một trong số
bảy hòn núi đất thuộc làng Long Tân (xưa kia là làng Mỹ Hội), tổng Thành Tuy
Hạ, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa.
Chủ
thánh tịnh này là cụ Trần Văn Tồn,([8]) thông Nho, Y, Lý, Số. Dưới quyền có lối vài
mươi vị tu sĩ, nam lẫn nữ, đều quá ba mươi tuổi, hoặc ở phương xa đến, hoặc ở
các làng lân cận đến. Chung quanh thánh tịnh có nhiều cây to, và có vườn trồng
thơm từ trên đỉnh núi xuống đến chân núi.
Thánh
tịnh Ngọc Tuyền là một nơi ẩn tu rất mát mẻ và thanh tịnh ngày lẫn đêm nhờ ở xa
chợ búa và làng xóm. Tại thánh tịnh Ngọc Tuyền, trước năm 1945, đêm thường có
đàn cơ dạy pháp và cách tu tịnh. Đồng tử thì có cụ Trần Văn Tồn và hai đồng tử
nữ độ mười bảy, mười tám tuổi. Những bài cơ tiếp được nơi đây rất là linh hiển
về hai mặt: một là giá trị văn chương với nhiều thể văn mới lạ; hai là giá trị
linh diệu về phần siêu hình.
1.
Mẩu chuyện thứ nhất
Ông Qu.
được về Ngọc Tuyền tịnh ba mươi sáu ngày. Trong thời gian tịnh luyện ông phải
cúng tứ thời Tý Ngọ Mẹo Dậu, và sau mỗi thời cúng, ông phải ra ngồi tịnh trước
bửu điện. Theo phép, người nhập tịnh chỉ được rời phòng khi đến giờ ăn và tắm
rửa. Ngoài ra tịnh viên không được ra ngoài nói chuyện.
Một đêm
kia, đã 11 giờ rồi mà ông Qu. vẫn còn mê ngủ trong tịnh phòng. Phòng này chỉ
cách bửu điện có một tấm vách ván mỏng. Trong lúc đó, ông Qu. mơ màng nghe
trong bửu điện có tiếng nói lớn như sau: “Sao không dậy cúng với Thầy, con!”
Ông Qu. lật đật ngồi dậy, ra xem đồng hồ thì đã quá 11 giờ rồi. Ông lật đật đi
rửa mặt và mặc lễ phục vào cúng thời Tý.
Qua đêm
sau, tánh nào tật nấy, đến giờ cúng thời Tý ông cũng ngủ quên nữa. Lần này ông
không được Ơn Trên gọi dậy như lần trước nữa mà vía ông thấy có người cầm roi
mây quất lia lịa vào mình ông. Ông giật mình thức dậy và lật đật đi cúng thời
Tý vì đã quá 11 giờ rồi.
Một buổi
sáng kia sau khi cúng và tịnh xong giờ Mẹo, ông đi xuống giếng dưới chân núi để
tắm giặt. Tắm xong, ông lên phòng tịnh và nằm nghỉ vì chưa đến 11 giờ. Sớm mơi
mát trời, gió thổi hiu hiu ông bỗng ngủ quên. Vía ông nội ông cầm đại ngọc cơ
và viết ra như sau: “Má của Qu. về hỏi Qu. sao không làm phận sự?” Ông lật đật
thức dậy ra coi đồng hồ thì đã 11 giờ rồi, đúng thời cúng Ngọ.
Chẳng
những ông Qu. mà thôi, còn nhiều tịnh viên nữa, trong thời gian tu tịnh, đã
được Ơn Trên cho thấy nhiều việc chứng minh kết quả sự tu tịnh của mình.
2. Mẩu chuyện thứ hai
Ông Văn
Văn H. ở Võ Dõng (Xuân Lộc, Biên Hòa) được lịnh về Ngọc Tuyền tịnh ba mươi sáu
ngày.
Ông đã
đi được hơn phân nửa con đường và tưởng chừng ông sẽ dễ dàng đi đến cuối đợt
tịnh.
Nhưng
không may một bữa sáng kia, ông rời phòng tịnh vào hậu đường trêu ghẹo hai nữ
đồng tử. Lúc ấy ông chủ tịnh là ông Trần Văn Tồn đang tắm ở giếng dưới chân
núi. Tức thì điển nhập cho ông, ông lật đật mặc quần áo và đi mau lên chánh
điện.
Thấy ông
như thế chư vị hành sự tại thánh tịnh biết sẽ có chuyện bất ngờ, bèn lật đật
lấy khăn trắng và áo rộng trắng mặc vào cho ông. Ông đi thẳng vào chánh điện và
ngồi bẹp xuống đất, hai mắt nhắm híp lại, hai chân xếp bằng tròn, đầu đảo qua
đảo lại như lên đồng. Lúc ấy mọi người đều lật đật lên đèn hương và đi lấy đại
ngọc cơ đem lại cho ông. Ông bèn nương cơ khai khẩu và ra bài thi xưng danh là
Đức Thái Thượng Đạo Tổ. Cơ gõ gọi tịnh viên Văn Văn H. vào hầu đàn, và quở vị
ấy sao không lo phận sự tu tịnh lại còn nghĩ tới việc trăng hoa? Tịnh viên kiếm
lời tự bào chữa. Cơ bèn viết: “H., đệ đừng trú trớ!” Trong bài thơ kể tội có
câu “Tính phóng dật lưu hà bất úy?” Tức thì Đức Đạo Tổ hạ lịnh cho ông lập tức
xuống núi.
Không
thể cưỡng lại được, ông H. bèn thu xếp hành lý xuống núi và về luôn Võ Dõng.
Về đến
nhà, trong sáu tháng trường ông bị bịnh sưng mặt như cái sàng rồi chết một cách
thê thảm.
3. Mẩu chuyện thứ ba
Sư kiện
này đã xảy ra tại thánh tịnh Ngọc Tuyền. Trước năm 1939, nghĩa là trước Đệ Nhị Thế
Chiến, một bữa kia Ơn Trên dạy nhơn viên trong thánh tịnh phải lập minh thệ và
phải lập bàn thỉnh Ngũ Lôi xuống chứng thệ. Đêm ấy tất cả nhơn viên trong thánh
tịnh đều tề tựu đủ mặt và quỳ trước bàn Ngũ Lôi để để lập thệ. Lúc đó đồng tử
nương vào một cái cơ đặc biệt. Thần Ngũ Lôi giáng xuống với một điệu bộ khác
thường (cơ lên thụt tới thụt lui, đồng tử khai khẩu, với giọng nói cụt ngủn mà
cương quyết). Thần Ngũ Lôi hỏi: “Chư vị biết lập thệ chưa? Chớ chúng tôi không
tây vị đa!” ([9]) Nói thế Ngũ Lôi Thần chứng cho mỗi người lần
lượt đọc lên lời minh thệ của mình.
Trong số
người lập thệ có ông Nguyễn Văn Ph, trước kia là một thầy phù thủy có danh. Sau
này ông tu theo Đạo Thầy và từ bỏ nghề cũ. Nhưng có lẽ bị tà quái xúi giục, cho
nên ông không kể gì lời minh thệ của ông, và sau đó tự ý rời thánh tịnh Ngọc
Tuyền đi xuống hang Bánh Xe (núi Long Hải) luyện đạo và lập ra chi phái riêng.
Theo làm đệ tử của ông có một số người. Sau đó một thời gian ông bị bịnh nặng.
Vợ của ông, người làng Phước Thọ, cách thánh tịnh Ngọc Tuyền mười hai cây số,
hay tin bèn xuống hang Bánh Xe thuê xe rước ông về. Về đến nhà ông vẫn mê man,
nằm thiêm thiếp, không nói năng gì, cơm nước đều không biết. Thấy thế bà vợ của
ông bèn đến thánh tịnh Ngọc Tuyền thành tâm lạy Đức Lý Giáo Tông một ngàn lạy,
xin tội cho chồng.
Sau đó,
trong một đàn cơ, Đức Lý Giáo Tông giáng xuống, bảo lấy một chung bạch thủy,
họa phù trong đó rồi dạy ông Hai Bường (Võ Văn Bường) thuộc bộ phận Hiệp Thiên
Đài như sau: “Bường! Hiền đệ đem chung bạch thủy này vào nhà Ph. đứng trên đầu
nó, niệm danh Lão rồi gọi tên nó ba lần và cho nó uống để Ph. tỉnh lại mà nhận
tội.”
Ra
đàn, ông Hai Bường rất phân vân vì lẽ ông Ph. và gia đình ông không còn hiệp
tác với thánh tịnh Ngọc Tuyền và có thể từ chối không tiếp ông.
Đàn cơ
sau, Đấng Chí Tôn giáng. Ông Bường đem việc ấy bạch hỏi Đấng Chí Tôn có nên thi
hành lịnh ấy không.
Cơ viết
ra như sau: “Giáo Tông, người sáng suốt lắm, con à. Con nên tuân lịnh người
đi.” Thế là ông Bường tuân lịnh nói trên. Ngày hôm sau ông đến làng Phước Thọ,
vào nhà ông Ph. cho gia đình ông này biết ông có lịnh dạy làm vậy, làm vậy. Sau
khi được sự chấp thuận của gia đình người bịnh, ông làm y lời Đức Lý Giáo Tông
dạy, và cho bịnh nhân uống bạch thủy (phải cạy miệng đổ nước vào). Sau đó ít
phút thì ông Ph. lần lần tỉnh lại, nhìn biết ông Hai Bường và người trong nhà.
Chiều bữa đó ông ăn được một tô cháo. Nhưng đến đêm ông mệt trở lại và thở hơi
cuối cùng! Sau khi ông tuyệt khí, cửu khiếu của ông đều ra máu (hai con mắt,
hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn và lỗ tiểu tiện đều ra máu). Việc an
táng ông được gia đình ông và chòm xóm lo liệu. Ngoài Ngọc Tuyền không một ai
vào tham dự.
Được hơn
ba tháng vong hồn ông Ph. về, cho một người trong thánh tịnh nằm chiêm bao và
trách rằng: “Tôi chết sao mấy anh không cầu siêu cho tôi?”
Thấy thế
trong thánh tịnh mới lập đàn cầu siêu cho ông.
Thì ra,
một vị nào phạm lỗi, bị Ơn Trên phạt là đối với Ơn Trên, chớ còn tình anh em thì
không nên xao lãng. Trong trường hợp ấy, nhớ câu “Thố tử hồ bi” ([10]) những thân bằng cố hữu của phạm nhân phải
thành tâm cầu nguyện xá tội, hoặc cầu siêu cho người quá cố. Không làm cái việc
nầy, là chúng ta không làm tròn phận sự vậy.
III. TÂN AN: MỘT CHUYỆN PHẠT HỮU HÌNH
Câu
chuyện này xảy ra tại tư gia ông Giáo Đồ (châu thành Tân An).
Một đêm
nọ, có lẽ vào khoảng 1936-1938, tại nhà ông Giáo Đồ có thiết đàn cầu cơ. Có mặt
tại đàn ấy, ngoài số đông tín hữu địa phương, có bác sĩ Nguyễn Văn Nhã ([11]) và ít anh em mộ điệu ở Sài Gòn. Thêm vào đó
có một cậu trạc độ trên hai mươi tuổi, đồng tử hành sự tại đàn cơ Tân Trụ và
một vài vị nữa. Đồng tử nầy đã bị Ơn Trên cấm nương cơ trong một tháng tại đàn
Tân Trụ. Vì thế mà đương sự rỗi rảnh mới đến đàn cơ này.
Lúc đầu,
ông Giáo Đồ, chủ đàn, chọn hai đồng tử âm dương của đàn nhà lên nương cơ. Cơ
lên nhưng điển rất yếu, cơ viết rất khó khăn. Được một lúc thì cơ ngưng. Nhơn
dịp ấy ông chủ đàn bèn thay đồng tử. Ông mời đồng tử đàn Tân Trụ vào nương cơ.
Tưởng
rằng bị cấm nương cơ tại đàn Tân Trụ, đương sự có thể nương cơ ở nơi khác, nghĩ
như vậy cho nên đồng tử nói trên chấp cơ ngay. Cơ vừa lên chuyển động được vài
lần là đồng tử buông cơ ngã ngửa ra, bất tỉnh, mặt mày tái ngắt. Mọi người xúm
lại khiêng đồng tử để nằm trên bộ ván bên cạnh. Đồng tử thiêm thiếp, thở thoi
thóp mà thôi.
Nhiều
người hầu đàn đâm ra lo sợ tự bảo rằng: “Không khéo rồi mình lại dính líu vào
một vụ án mạng chẳng chơi.”
Ông chủ
đàn bèn dùng cặp đồng tử nhà trở lại. Khi cơ lên, Đức Lý Giáo Tông giáng đàn.
Ông chủ đàn bạch: “Xin Đức Giáo Tông từ bi tha tội cho đồng tử.”
Đức Giáo
Tông nói: “Hồn gã xuất du thiên ngoại, không hề chi. Cứ để gã yên.”
Nói thế
rồi Đức Giáo Tông bèn dạy việc này việc nọ cho chư tín hữu địa phương. Công
việc kéo dài có hơn một tiếng đồng hồ. Khi gần thăng, Đức Giáo Tông dạy đem
chung bạch thủy lại cho Ngài họa phù và dạy đem chung nước ấy cho đồng tử vừa
bị phạt uống. Sau đó Ngài thăng.
Ông chủ
đàn lật đật đem nước phép đổ vào miệng đồng tử. Vài phút sau đồng tử tỉnh lại
và rất ngạc nhiên mà thấy mình ở trong tình trạng đặc biệt ấy.
Kết luận
câu chuyện này là: Mỗi khi đồng tử bị cấm nương cơ trong một thời gian thì lịnh
ấy phải được áp dụng cho tất cả các địa điểm cầu cơ đối với đồng tử bị bắt nghỉ
phận sự ấy.
HUỆ LƯƠNG
([8])
Là anh thứ tư của tiền bối Trần Văn Quế, tiền bối Trần Văn Tồn đã tiến dẫn bào
đệ nhập môn tại thánh thất Phú Hội (làng Phú Mỹ, tổng Thành Tuy Hạ, quận Long
Thành, tỉnh Biên Hòa) ngày 15-7 Kỷ Tỵ (Thứ Hai 19-8-1929). Tại thánh tịnh Ngọc
Tuyền hai vị Tồn và Quế được Đức Lý Giáo Tông ban thánh danh là Huệ Thánh và
Huệ Lương, qua thánh thi: TỒN tâm HUỆ
THÁNH độ nhơn hiền / QUẾ đức HUỆ LƯƠNG trợ bổn nguyên...