Bản
thảo giáo khoa Cao Đài
Trong đạo Cao Đài hiện nay
đang có nhu cầu biên soạn các bài giảng về kinh cúng, ngõ hầu triển khai trong
các khóa học thường được tổ chức tại các Hội Thánh, thánh thất, thánh tịnh, học
viện, v.v… Vì vậy, mục BẢN THẢO GIÁO KHOA CAO ĐÀI được mở ra nhằm dần dần đáp
ứng chút ít tài liệu tham khảo, ước mong góp phần bé mọn để quý đạo hữu phụ
trách giảng dạy ở các nơi ấy có thể nhẹ được phần nào “gánh nặng” trong muôn
một.
Việc đăng bài nơi đây sẽ tùy
duyên, nghĩa là trong khả năng hạn hẹp, hễ có được bài giảng nào thì phổ biến
bài đó. Phần chú giải từ ngữ thường có kèm thêm chữ Nho, hay tiếng Anh, để việc
giải thích thêm rõ ràng, tránh hiểu lầm, nhất là đối với những từ đồng âm khác
nghĩa (homonyms). Khi triển khai bài
giảng, dĩ nhiên quý đạo hữu phụ trách sẽ tùy nghi lược bớt cho phù hợp hoàn
cảnh, điều kiện ở họ đạo mình.
Biển học vô bờ. Chúng tôi kính
mong và tin tưởng quý đạo hữu luôn hoan hỷ lượng thứ mọi nhầm lẫn, thiếu sót nếu
chúng tôi vướng phải, và sẽ vui lòng chỉ giáo để chúng tôi kịp thời sửa chữa
chỗ sai lầm, bổ túc chỗ thiếu sót. Gọi mục này là “Bản thảo giáo khoa” cũng vì
lẽ ấy.
Huệ Khải
BÀI NIỆM HƯƠNG
I.
KINH VĂN
Đạo
gốc bởi lòng thành, tín, hiệp
Lòng
nương nhang khói tiếp truyền ra
Mùi
hương lư ngọc bay xa
Kỉnh
thành cầu nguyện Tiên Gia chứng lòng.
5.
Xin Thần Thánh ruổi giong cỡi hạc
Xuống
phàm trần vội gác xe tiên
Ngày
nay đệ tử khẩn nguyền
Chín
tầng trời đất thông truyền chiếu tri.
Lòng
sở vọng gắn ghi đảo cáo
10. Nhờ Ơn Trên bố báo phước
lành.
II.
KHẢO DỊ
Nhiều bản kinh Cao Đài in là Niệm Hương, lược bớt chữ Bài trong nhan đề gốc.
Câu 4, bản kinh Minh Lý Đạo in là kỉnh thành. Nhiều bản kinh Cao Đài in là
kính thành. (Kỉnh và kính đồng nghĩa.)
Câu 8, bản kinh Minh Lý Đạo in là chiếu tri. Nhiều bản kinh Cao Đài
in là chứng tri.
Câu 9, bản kinh Minh Lý Đạo in là gắn (tức là gắn bó). Một vài bản kinh
Cao Đài in là gắng (tức là cố gắng).
Câu 10, bản kinh Minh Lý Đạo in là bố (ban bố). Nhiều bản kinh Cao Đài in
là bổ. (Bố báo, bổ báo, báo bổ
đồng nghĩa.)
III. XUẤT XỨ
Bài kinh
này nguyên là kinh tụng của Minh Lý Đạo, có in trong phần mở đầu Kinh Sám Hối, nhan đề là Bài Niệm Hương, do Đức Nam Cực Chưởng
Giáo giáng cơ ban cho. Vì vậy, khi nêu rõ năm chỗ khác nhau như khảo dị trên đây,
chúng tôi ước mong rằng sau này kinh Cao Đài nên giữ đúng theo bản gốc xưa kia đã
thỉnh từ Minh Lý Đạo.
Tháng 8-1926, vâng
lệnh Ơn Trên, các vị tiền khai Cao Đài đến Minh Lý Đạo để thỉnh kinh. Cùng thời gian ấy, trong đàn
cơ ngày 28-6 Bính Dần (Thứ Sáu
06-8-1926), Ơn Trên dạy các vị tiền khai của Minh Lý Đạo như sau:
“Ngã Lục Đinh Thần giáng đàn. Hỷ chư nhu.
Ta vâng lệnh Đạo Tổ giáng
xuống, truyền cho chư nhu rõ: Chư nhu phải sắm mười
hai cuốn Kinh Sám Hối cho thiệt tốt, sạch, chẳng có
chút bợn nhơ gì hết. Sắm rồi thì phải cho đi mời Trung, Lịch, Kỳ lại nhà
chư nhu, biểu chúng nó làm
lễ mà thỉnh kinh ấy. Nơi bìa
kinh phải đề hiệu Tam Tông Miếu.” ([1])
Trung, Kỳ, Lịch tức là các ngài Lê Văn Trung (1876-1934),
Vương Quan Kỳ (1880-1939), và Lê Văn Lịch (1890-1947). Ơn Trên dạy ba vị “lại nhà
chư nhu (…) làm lễ mà thỉnh kinh ấy” bởi vì thuở đó Minh Lý Đạo chưa cất được thánh sở riêng trên đường
Chasseloup Laubat (nay là số 82 đường Cao Thắng, quận 3), nên đang phải mượn Linh Sơn Tự ở số 149 đường Douamont, khu Cầu Muối (nay
là số 149 đường Cô Giang, quận 1) để cúng kiếng vào giờ Tý ngày 14 và 30 mỗi tháng.
“(N)hà chư nhu” tức là nhà ngài Minh Chánh (thế danh Âu Kích,
1896-1941), một trong số mười hai vị tiền khai của Minh Lý Đạo. Nhà ngài nằm
trong một con hẻm ở đường Barbier
(nay là đường Thạch Thị Thanh, phường Đa Kao, quận 1). Vị trí ngôi nhà ấy hiện
nay là vị trí nhà số 78/2 đường Võ
Thị Sáu, quận 1.([2])
Kinh Sám
Hối của Minh Lý Đạo gồm có phần Lễ Nghi,
và Các Bài Kinh. Trong một lần hầu
đàn ngày Thứ Sáu 21-8-1925, ngài Minh Thiện (thế danh Nguyễn Văn Miết,
1897-1972) bạch: “Mỗi khi phát Kinh Sám Hối thì chúng tôi có đặng phát luôn các
bài Khai Kinh, các bài Chú Tịnh Khẩu…
kèm theo?” Đức Thái Thượng Đạo Tổ
dạy: “Phát luôn.” ([3])
Như thế,
khi thỉnh Kinh Sám Hối các vị tiền khai Cao Đài đã thỉnh luôn các bài kinh, bài
chú có in trong quyển kinh của Minh Lý Đạo. Bởi vậy, trong quyển Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh, do
ngài Nguyễn Ngọc Thơ in tại nhà in Xưa Nay, số 62-64, Boulevard Bonnard, Sài
Gòn, năm 1926, có tám bài trích từ quyển Kinh Sám Hối như sau: Niệm Hương, Tịnh Khẩu Chú, Tịnh Tâm Chú,
Tịnh Thân Chú, An Thổ Địa Chú, Khai Kinh, Kinh Sám Hối, Bài Khen Ngợi Kinh Sám
Hối.
Bài
Niệm Hương và Bài
Khai Kinh chú giải sau đây được căn cứ theo bản của Minh Lý, vì là gốc ban đầu.
IV. CHÚ GIẢI
Câu 1:
Đạo 道: Cái nguyên lý (the
Principle) hay luật tắc (the Law)
sinh thành, nuôi dưỡng và chi phối tất cả vạn vật trong vũ trụ. Con người
thường phải nhờ tôn giáo làm phương tiện để học hỏi, thực hành mới có thể hiểu
biết và đạt được Đạo (đắc đạo). Theo nghĩa này, tôn giáo - thường gọi là đạo (religion) - là con đường, là phương tiện đưa con người
đi đến Đạo. Đức Chí Tôn dạy: “Đạo tức là
con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do [= noi] theo mà hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi
luân hồi. Nếu chẳng phải do theo đạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết
ngôi phẩm.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Quyển
thứ Nhì. Tòa Thánh Tây Ninh, 1963, tr. 3.)
Gốc
bởi: Chủ yếu là do ở (consisting
in).
Thành
誠:
Thành thật (sincere). Lòng thành (誠心 thành tâm): Tấm lòng chân thật (sincerity).
Tín 信: Tin
tưởng, đức tin (good faith).
Hiệp:
Hiệp hòa, hợp hòa 協和, 合和 (harmony).
Câu 1: Người theo đạo (là tín đồ một tôn
giáo), cốt yếu phải có một tấm lòng thành thật, một đức tin mạnh mẽ, và tình
hòa hiệp, hòa thuận với người khác.
Câu 3:
Lư (incense burner) chữ Nho là lô 爐, có
thể là một trong hai loại sau đây: (1) Lư
trầm: Còn gọi là đỉnh 鼎, có
ba chân (gọi là chân quỳ), có hay không nắp đậy, thường bằng đồng (hay gốm,
sứ), dùng đốt trầm; (2) Lư nhang: Chữ
Nho là hương lô 香爐, còn gọi lư hương, bát hương (bát nhang), vùa
hương, loại giản dị thường có dạng như cái thố, cái tô.
Tại sao nói lư ngọc? Ngọc là một từ hoa, tỏ vẻ trân trọng, tôn kính. Lư ngọc là
lối thậm xưng, nghĩa là lư quý, không nên hiểu là lư làm bằng ngọc.
Đối với người phương Đông, từ xưa ngọc
vẫn được dùng để chỉ cho những gì cực kỳ tốt đẹp. Người xưa ví đức độ của bậc
chính nhân quân tử đẹp và sáng như ngọc, nên Lễ Ký có câu: Quân tử ư ngọc
tỷ đức. 君子於玉比德 . Thượng Đế là vua cõi trời thì tôn xưng là
Ngọc Đế, Ngọc Hoàng... Lời nói được tôn quý thì gọi là lời châu tiếng ngọc (châu 珠 là ngọc trai).
Câu 5:
Ruổi
giong cỡi hạc: Cỡi hạc bay đến mau cấp kỳ, thật nhanh (arriving quickly on a crane).
Hạc 鶴:
Loài chim thường có lông trắng, cổ cao, chân cao, mỏ dài, bay lẹ (crane).
Hạc được quý trọng vì nhiều đức tính.
Người ta cho đây là giống chim linh, rất khôn ngoan.
Sau chim phượng, hạc đứng hàng thứ hai,
được tin là có nhiều khả năng huyền bí. Hạc được coi là tổ loài lông vũ, được các
vị Tiên dùng làm phương tiện đi lại (the
aerial courser). Người xưa cho có bốn loại hạc là đen, vàng, trắng, và
xanh, trong đó hạc đen tuổi thọ cao nhất. Truyền thuyết bảo hạc sống rất lâu.
Do đó, thơ văn dùng hai chữ tuổi hạc
để nói tới những người già trường thọ. Bài Kinh
Tụng Cha Mẹ Ðã Quy Liễu trong đạo Cao Đài có câu: Xem thân tuổi hạc càng cao
/ E ra tử biệt Thiên Tào định phân.
Truyện cổ thường kể rằng khi Tiên sắp giá
ngự nơi nào thì có hạc bay đến trước réo, để báo tin; có khi chính Tiên hóa thành
hạc để ngao du. Cuối đời nhà Hồ, khi Hồ Hán Thương (1336-1407) đốt núi Na (tức núi
Nứa, ở xã Cổ Định, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), vị ẩn sĩ nơi ấy hóa thành
hạc đen bay lên không trung.
Câu 6:
Gác:
Dừng lại (stopping).
Xe
tiên: Theo huyền thoại, thay vì cỡi hạc chư Tiên còn dùng hạc kéo một
cỗ xe để du hành (immortal cart).
Câu 7:
Khẩn
nguyền: Thành tâm, tha thiết cầu xin (praying earnestly).
Câu 8:
Chín
tầng trời (đất): Theo đạo Lão, trời cao có chín từng, gọi là cửu trùng, cửu giai, cửu tiêu, cửu thiên
(the nine celestial spheres). Mỗi
từng lại thêm ba từng nữa, tổng cộng là (4x9) ba mươi sáu từng trời, nên còn
gọi là tam thập lục thiên 三十六天 (the thirty-six heavens).
Theo chín bài kinh cúng cửu trong đạo Cao
Đài thì chín từng trời lần lượt từ thấp lên cao như sau:
- Từng
1 và 2: Trong kinh không cho biết tên gọi.
- Từng
3: Thanh Thiên 青天.
- Từng
4: Huỳnh Thiên 黃天.
- Từng
5: Xích Thiên 赤天.
- Từng
6: Kim Thiên 金天.
- Từng 7: Hạo
Nhiên Thiên 浩然天.
(Di Lạc Chơn Kinh gọi là Hạo Nhiên
Pháp Thiên 浩然法天.)
- Từng
8: Phi Tưởng Thiên 非想天. (Di Lạc Chơn
Kinh gọi là Phi Tưởng Diệu Thiên 非想妙天.)
- Từng
9: Tạo Hóa Thiên 造化天. (Di Lạc Chơn
Kinh gọi là Tạo Hóa Huyền Thiên 造化玄天.)
Chiếu tri 照知: Tri
là biết. Chiếu là hiểu rõ, biết rõ.
Thí dụ: Tâm chiếu bất tuyên 心照不宣 (Trong
lòng đã rõ nhưng không nói ra). Chiếu
còn có nghĩa là quan tâm, đoái hoài tới, như chiếu cố 照顧. Chiếu
cũng có nghĩa là soi rọi. Gộp hết các nghĩa này, thì chiếu tri nghĩa là [Ơn Trên] đoái tưởng, soi xét mà thấu hiểu cho
[lòng đệ tử].
Câu 9:
Lòng
sở vọng: Lòng ước muốn của riêng mình (one's wishes, one's expectations).
Gắn
ghi: Gắn bó không dời đổi, ghi nhớ chẳng quên.
Đảo
cáo 禱吿: Cầu
xin với Đấng thiêng liêng (praying).
Câu 10:
Ơn
Trên: Gọi chung các Đấng thiêng liêng thượng đẳng như Trời, Phật, Bồ
Tát, Tiên, Thánh... (Heavenly Powers).
Bố
báo: Báo bổ 報補, ban
bố (bestowing).
IV.
TỔNG LUẬN
Lúc dâng hương, tín đồ quỳ trước Thiên
Bàn, tay trái cầm năm cây nhang, tay phải úp bọc ngoài tay trái. Hai tay nâng
nhang lên ngang trán.
Khi cắm nhang, xếp thành hai hàng.
Cắm
hàng trong ba cây nhang, gọi
là án Tam Tài (Thiên, Địa,
Nhân), ngụ ý con người (tiểu
thiên địa) đồng đẳng
với trời đất
(đại thiên địa).
Cắm
thêm hàng ngoài hai cây nhang thì đủ năm, gọi
là tượng Ngũ Khí (hay Ngũ Hành: Mộc,
Hỏa, Thổ, Kim, Thủy).
Hiện nay có hai cách cắm nhang như hình vẽ sau đây (1: cây
nhang cắm trước tiên…; 5: cây nhang cắm sau cùng). Nhiều tài liệu thuộc Tòa
Thánh Tây Ninh hướng dẫn cắm nhang theo cách 2; các nơi khác theo cách 1.
Theo Phật Giáo, năm cây nhang còn tượng
trưng cho: Giới Hương, Định Hương, Huệ [Tuệ] Hương, Tri Kiến Hương, và Giải
Thoát Hương.
Tại sao mở đầu thời cúng, dâng hương lại
nói ngay đến thành, tín và hiệp?
1.
Thành
1.1. Người
được Trời phú cho lương tri để biện phân phải trái. Theo tiếng nói của lương
tri bỏ dữ làm lành tức là thành với mình. Bậc quân tử vì không dám tự khi mình
nên dù ở một mình nơi khuất lấp vẫn e dè không sai với đạo lý, nên được trọn
thành.
Người xưa nói: Có lòng thành thì có Thần
[chiếu tri], không có lòng thành thì không có Thần [chiếu tri]. (Hữu kỳ thành tắc hữu kỳ Thần, vô kỳ thành
tắc vô kỳ Thần. 有其誠則有其神, 無其誠則無其神.)
Vậy linh hay chẳng linh chỉ tại tâm mình.
(Linh tại ngã, bất linh tại ngã. 靈在我, 不靈在我.)
Dâng hương để cầu sự thông công nơi thiêng liêng vì thế mở đầu phải nói ngay
đến thành.
Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 30-9 Canh
Tuất (Thứ Năm 29-10-1970), Hội Đồng Tiền Bối Khai Đạo dạy:
“Đừng
bao giờ có quan niệm rằng ngồi chờ đợi một ngày nào đó Thiêng Liêng sẽ đến làm
cho Đạo thành nếu trong lòng mỗi người chưa sẵn sàng thành.”
1.2. Thành (hay chí thành) là điều kiện đầu tiên và cuối cùng của người tu.
- Đầu tiên, vì là điều kiện để tìm tới
cửa đạo. Tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng, quận 3, Sài Gòn), ngày 20-5 Ất Tỵ
(19-6-1965), Đức Giáo Tông Lý Bạch dạy:
Tôn
giáo ấy cửa vào tìm Đạo
Đạo
là đường hoài bão nhơn sanh
Người tu ý thức tri hành
Hễ vào cửa đạo chí
thành mà tu.
- Cuối
cùng, vì là điều kiện để đắc đạo. Tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự, quận 10, Sài
Gòn), ngày 15-8 Ất Tỵ (Thứ Sáu 10-9-1965), Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu
dạy:
Thành đạo do con trọn chí thành
Ngăn ngừa tư dục ở tâm sanh
Bụi trần chớ để mờ chơn tánh
Ngôi vị Tiên cung Mẹ sẵn dành.
1.3. Ba điều tự xét mình để biết mình có lòng chí thành hay
không. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 12-10 Nhâm Tuất,
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
“Chí
thành đây có nghĩa là tự bản thân của mỗi người phải xét lại lòng mình ba
điều có đầy đủ chí chơn không. Ấy là: Có thật sự hết lòng vì Thầy, vì Đạo chưa?
Có thật sự hết lòng vì Hội Thánh, vì nhơn sanh chưa? Có thật sự hy sinh vong
kỷ, vị tha, vô công, vô kỷ, vô danh chưa?”
2. Tín
2.1. Người tu không thể không có tín, không có đức tin. Trong
Đại Thừa Chơn Giáo, bài Đức Tin có đoạn:
- Đạo là đạo đức nghĩa nhân
Cảnh Tiên muốn nhập phải cần đức tin
Đức tin để giúp cho mình
Đức
tin cứng cát giữ gìn đường chơn.
- Đức
tin nung chí vững bền
Đức
tin là một cái nền Phật Tiên
Đức tin là chiếc pháp thuyền
Đưa ta cho đến tận miền Bồng Lai
Đức tin quyết định chẳng phai
Người tu chứng quả đức tài minh quang
Đức tin là một cái thang
Leo lên tận chốn Thiên Đàng như chơi
Đức
tin giúp ích cho đời
Đức
tin có sẵn Phật Trời độ cho.
Trời Phật thì siêu hình. Không thể lấy óc
luận lý để biện giải, minh chứng. Tìm đến Đạo không phải bằng lý trí luận lý,
mà bằng tâm, bằng đức tin cảm nhận, thực chứng sự hiện hữu mầu nhiệm của các
Đấng thiêng liêng.
2.2. Trong
việc hành đạo, phải vững lòng tin. Tại thánh tịnh Xích Long Minh Đức (Kế Sách,
Sóc Trăng), ngày 05-5 Tân Sửu (Thứ Bảy 17-6-1961), Đức Pháp Lực Kim Tiên dạy:
“Tín
là tin, con người nếu chẳng có lòng tin, tức nhiên không làm nên một việc gì,
dù lớn hay nhỏ, bởi câu ‘Nhơn vô tín bất lập’.”
Tại thánh thất Tây Thành (Cần Thơ), ngày
12-3 Kỷ Dậu (Thứ Hai 28-4-1969), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Khởi
đầu giờ cúng, miệng hằng đọc ‘Đạo gốc bởi lòng thành, tín, hiệp’, thử hỏi lại
xem, mình có được trọn tin những đàn anh hướng đạo mình chưa? Mình có được lòng
tin yêu quý mến đồng đạo khác chi phái của mình chưa? Mình có giữ tròn chữ tín
với mình chưa? Hay là khi vui, khi mến thì nghĩ vầy, nói vầy; khi buồn, khi hết
thương mến lại nghĩ khác. Lòng ngưỡng mộ đạo của mình ngày hôm nay có còn nồng
nhiệt thiết tha như ngày mới nhập môn cầu đạo chăng? Hay đã thỏn mỏn, uể oải,
và giãi đãi từ lâu rồi? Nếu quả thật vậy, đó là không giữ được chữ tín và lòng tin.”
2.3. Tín
là trước sau như một để thành Người. Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân,
quận Tư, Sài Gòn), ngày 30-4 rạng 01-5 Ất Tỵ (Chủ Nhật 30-5-1965),
Đức Giác Thế Đạo Nhơn dạy:
Tín đức buộc ở tiền như hậu
Tín vốn người đã tạo tín nhân
Tín là một vị thuốc thần
3.
Hiệp
3.1. Hiệp
có nghĩa là hòa hiệp với mọi người. Trong Đại
Thừa Chơn Giáo, bài Hòa Hiệp, có
đoạn:
- Đạo
Trời khắp cả dân gian
Lấy
câu hòa hiệp làm thang vượt trần.
- Cao
thượng làm nên lẽ hiệp hòa
Hiệp
hòa mới có các con ra
Tu
thành Tiên Phật do hòa hiệp
Hiệp
nhứt hư không ở với Già.
3.2. Hiệp
hòa là điều kiện để Đạo thành. Tại Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 30-9 Canh Tuất (Thứ
Năm 29-10-1970), Hội Đồng Tiền Bối Khai Đạo dạy:
“Chúng
Tiên Huynh xin lặp lại là nơi lòng mỗi em phải tạo sẵn cái
móc hòa hiệp, chúng Tiên Huynh cùng
các Đấng thiêng liêng sẽ đem những cái móc đó móc nối chuyền nhau để thành một
sợi dây thiêng liêng bền chặt, kết gộp bè thân yêu hòa ái.
3.3. Hiệp
còn có nghĩa là hiệp tác. Tại thánh thất Tây Thành (Cần Thơ), ngày 12-3 Kỷ Dậu
(Thứ Hai 28-4-1969),
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Còn
chữ hiệp. Thử hỏi lòng mình có thật
sự muốn hiệp tác vô điều kiện trong giáo thuyết, giáo điều để thực thi tôn chỉ
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và sẵn sàng liên hiệp, trao đổi kinh nghiệm trên đường
hành đạo với người khác hay chưa? hay vẫn còn chủ quan và quan trọng hóa đường
hướng của mình là tuyệt đối, ngồi một chỗ chờ người khác đến hiệp và chịu điều
kiện tiên quyết của mình? Có được vậy mới làm xong câu kinh ấy, nếu chưa được
thì chỉ là lý thuyết suông.”
4. Ơn
Trên giảng giải câu “Đạo gốc bởi lòng thành, tín, hiệp”
4.1. Thành,
tín, hiệp để mọi việc suôn sẻ từ đầu tới cuối. Tại Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang
Sắc (quận 8, Sài Gòn), ngày 06-8 Tân Hợi (Thứ Sáu 24-9-1971), Đức Trưng Trắc Nữ
Vương dạy:
“Các
em nên gìn câu ‘Đạo gốc bởi lòng thành…’ thì vạn sự điều hòa chung thủy.”
4.2. Thành,
tín, hiệp là kim chỉ nam cho việc hành đạo của người hướng đạo. Tại Cao Thượng
Bửu Tòa (Bạc Liêu), ngày 18-8 Bính Ngọ (Chủ
Nhật 02-10-1966), Đức Đông Thắng Chơn Như dạy:
“Còn
đạo, nếu thiếu lòng thành, thiếu tín nhiệm, thiếu đức tin, thiếu hiệp hòa, thì
đừng nói tới đạo đức gì nữa.”
(…)
“Ngược
lại, nếu không lòng thành, không hành đạo, làm sao có uy tín với nhân gian. Mà
khi mất uy tín với nhân gian thì làm sao ai dám đến hiệp với mình. Mà khi không
ai hiệp với mình, làm sao kêu họ về với đạo, để trở lại bổn nguyên. Do đó, hàng
hướng đạo phải tâm niệm câu nhựt tụng đó để làm kim chỉ nam cho việc hành đạo,
lãnh đạo nhơn sanh.”
4.3. Thành,
tín, hiệp để cảm thông, hiệp tâm, hiệp chí, hiệp lực phổ truyền một giáo lý Cao
Đài thuần nhứt. Tại Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày 30-9 Canh Tuất (Thứ Năm 29-10-1970),
Hội Đồng Tiền Bối Khai Đạo dạy:
“Hằng
ngày, mỗi khi cúng thời, các em mở miệng đọc câu kinh ‘Đạo gốc bởi lòng thành,
tín, hiệp’. Các em chịu khó khai triển học tập phân tích kỹ lưỡng về ý nghĩa
của câu kinh ấy để rồi sửa đổi đường lối và phương pháp hành đạo lại như thế
nào để cùng nhau thông cảm, đặt trọn niềm tin ở nhau cho trọn chữ tín, để:
Nghĩa
nhân đành gởi thân trăm tuổi
Dạy
bảo cho nhau một chữ hòa.
“Có
vậy mới đi đến chỗ hiệp tâm, hiệp chí, hiệp lực phổ truyền một giáo lý Cao Đài
thuần nhứt.”
4.4. Thành,
tín, hiệp để đồng đạo hiệp hòa, thống nhứt trước khi phổ truyền đạo Cao Đài ra
nước ngoài. Tại Cao Thượng Bửu Tòa (Bạc Liêu), ngày 03-01 Kỷ Hợi (Thứ Ba 10-02-1959),
Đức Chí Tôn dạy:
Câu ‘Đạo
gốc…’ đừng quên ‘tín, hiệp’
Chữ
‘lòng thành’ cần kíp rèn trau
Anh em nghi kỵ cho nhau
Chia lìa thủ túc, có đau đớn lòng?
Các con cũng người trong đất Việt
Lấy đại đồng còn biết bao la
Nhỏ nhen nội bộ bất hòa
Nói chi ngoại quốc truyền ra xứ người.
(…)
Lời Thầy nay đã phân minh
Nhớ câu ‘Đạo gốc lòng thành tín’ chi?
(…)
Việc thống nhứt mỗi con đều biết
Chữ ‘lòng thành tín hiệp’ nghe con
Chẳng nên chê méo khen tròn
Vọng tâm bị quỷ tiêu lòn rẽ chia.
4.5. Thành, tín, hiệp để bản thân chứng quả. Tại Văn Phòng
Phổ Thông Giáo Lý (quận 1, Sài Gòn), ngày 14-5 Đinh Mùi (Thứ Tư 21-6-1967), Đức
An Hòa Thánh Nữ dạy:
“Tệ Nữ trước kia kể ra thì sự tu hành công
quả chưa có là bao. Ngày nay được đắc vị vào hàng Thánh Nữ là nhờ những đặc
điểm sau đây:
“1. Những ngày tàn tạ của chuỗi đời, Tệ Nữ
đã trọn thành trọn kỉnh, nhìn nhận
rằng trên không đã có bộ máy huyền linh do Thợ Trời cai quản sắp xếp mọi điều.
“2. Trọn
lòng tin tưởng trong việc thiện từ nhơn nghĩa, khuyến khích tử tôn noi theo
đàng đạo lý đừng để dở dang, và cũng chính tự mình ráng làm những gì có thể
được.
“3. Đến giờ phút cuối cùng sắp cổi bỏ nhục thể, bao nhiêu ăn năn hối hận những gì trong chuỗi
đời đã tạo gây, và xin nguyện nếu được về cõi tiên thiên, nguyện sẽ cùng các
Đấng tùy duyên hóa độ người đời theo đường Đạo lý, để thuận lòng người và hạp lòng Trời.
“4. Nhờ công quả và đại nguyện của các con
phục vụ Đạo Trời với tất cả tấm lòng thành và mọi sở hữu.
“Nhờ bốn yếu tố đó nên ngày nay Tệ Nữ được
thoát ngoài bánh xe luân hồi chuyển kiếp, không bỏ một dịp nào có thể khuyên
nhủ cùng tỉnh thức người đời.”
Huệ Khải biên soạn