Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

13 RỔ TRẦU CAU LẶNG LẼ GIỮA LÒNG SÀI GÒN (ĐẠO UYỂN HẠ 2018)



RỔ TRẦU CAU LẶNG LẼ
GIỮA LÒNG SÀI GÒN
ANH NGUYÊN
Ai ra bến xe Chợ Lớn, tạt qua bên kia đường Lê Quang Sung (quận 6), nơi mấy hàng trầu cau còn sót lại (của một thời vàng son) sẽ thấy… một người cụ bà tóc bạc, lưng còng, ngày ngày ngồi giữa chợ, lặng lẽ từ sáng sớm đến chiều tà.
Cư dân Sài Gòn hẳn không quên con đường đầy những gánh trầu cau của các mẹ, các chị trải dài, nằm cạnh với phố người Hoa. Lúc mới hình thành, nơi đây chuyên phục vụ cho các lễ hội, đặc biệt trong mùa cưới hỏi luôn tấp nập khách. Đây từng được xem là chợ đầu mối cung cấp trầu cau chủ yếu cho các chợ ở Sài Gòn và lớn nhất nhì vùng Đông Nam Bộ.
Cụ Nguyễn Thị Lên (84 tuổi) hiện tại được xem là người cao niên nhất ở chợ trầu cau này. Gắn bó từ thời thanh xuân, từng con hẻm, quán cóc lớn nhỏ ở đây cụ đều thân thuộc. Cả những thế hệ người trước, sau. Họ như một phần của ký ức. Mỗi sáng, lúc trời còn tờ mờ, cụ đón xe buýt từ nhà tại Bà Điểm (Hóc Môn) xuống dọn hàng. Bê cái này, xếp cái kia cho đúng chỗ, độ mươi phút, cụ xem đó như một cách tập thể dục. Ngày còn khỏe, cụ còn quang gánh, giờ chỉ vỏn vẹn với mấy cái  cái rổ nhỏ, một chiếc ghế tựa cỏn con. “Tui bán ở đây từ trẻ đến giờ. Vòng vòng đây, mấy đứa toàn con cháu mình hết,” hướng về những chủ quầy kế bên, cụ nói.
Không con cái, cụ Lên ở với cháu. Đối với cụ, niềm vui tuổi già không phải là việc ngồi yên nghỉ ngơi mà là được ra bán tại chợ. Có khi bệnh, cụ cũng chỉ tịnh dưỡng vài hôm rồi lại lật đật ra bán hàng. Cụ Lên không phải đi mua cau mà có người từ Long An giao sỉ về, hoặc có khi các cháu lấy rồi san cho bán. Cụ bảo: “Không bán thì buồn, nhớ lắm!” Mấy chục năm ròng người phụ nữ này cứ ngồi y một góc, chiếc mái dù che chỗ cụ ngồi đã phai màu, rách lõm chõm. Khi được hỏi mùa này oi bức, ngồi ở đây có mệt không, cụ bà nhanh nhẹn đáp: “Quen rồi.” Buổi trưa, cụ cũng chỉ tựa lưng nghỉ ngay trên chiếc ghế nhỏ ấy.
Bây giờ, người ta không còn ăn trầu nhiều như trước. Nói cách khác là tập tục ấy đang mất dần. Thứ hàng này cũng chỉ dành cho lễ cưới hỏi. Hay đôi khi người ta mua lá trầu, miếng vôi về để trị bệnh. Cái chợ nhộn nhịp, sầm uất một thời giờ chỉ còn mấy gian hàng nhỏ. Có nhiều người già đã bỏ công việc, lớp trẻ thì ít ai chọn nghề này. Còn cụ Lên, ngần ấy năm gồng gánh mưu sinh, đến giờ vẫn miệt mài. Dù người mua đìu hiu, dù tuổi cao sức yếu, lời lãi không nhiều, cụ vẫn ngồi đó như một chứng nhân của thời gian. Trong câu chuyện, bất chợt cụ thì thầm: “Tui bán ở đây chừng nào chết thì thôi.”
ANH NGUYÊN
Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc,
số 2146 (tuần lễ từ 09-3 đến 15-3-2018)