Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

12 CHIẾC PHONG BÌ NĂM ẤY (ĐẠO UYỂN HẠ 2018)


CHIẾC PHONG BÌ NĂM ẤY
NGUYỄN THỊ KIM THỦY
Hồi ấy, sau kỳ thi vào đại học lần đầu không thành công, ban ngày tôi đạp xe vô Chợ Lớn phụ Bố tôi đánh máy thuê để kiếm tiền, tối về nhà tôi tự luyện thêm môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm sau. Sau đó, tôi được Bố ghi tên cho học một lớp luyện thi vào đại học sư phạm. Lớp luyện thi này thời đó được gọi là lớp dự bị đại học sư phạm nên đã thu hút rất nhiều học viên chờ mùa thi lại như tôi. Tôi vốn là người sống nội tâm từ khi còn nhỏ nên không cởi mở để giao tiếp nhiều với các bạn cùng lớp nhưng tôi cảm nhận là một số bạn trong lớp thuộc con nhà khá giả, có lẽ qua cách ăn mặc và nói chuyện của các bạn ấy.
Thời gian thấm thoát trôi đi, có những bạn vẫn kiên trì theo lớp học luyện thi với niềm mong ước được bước vào ngưỡng cửa đại học, cũng có ít bạn không đến lớp nữa, có lẽ do không phù hợp hay do hoàn cảnh, tôi không rõ.
Một hôm, trong lớp luyện thi của tôi bỗng có thêm bạn mới – một thanh niên dáng cao gầy với khuôn mặt khắc khổ. Vài ngày sau đó, tôi nghỉ học một buổi vì phải phụ việc đánh máy thuê giúp Bố tôi. Khi trở lại lớp học, tôi nghe các bạn cùng lớp kể là bạn học viên mới đó đã bị buộc phải nghỉ học do không có tiền đóng học phí. Tôi còn bàng hoàng hơn khi được biết bảo vệ của trường đã vào tận lớp và buộc bạn ấy phải ra khỏi lớp ngay trong giờ học môn Văn. Hôm ấy tôi đạp xe về nhà với bao nhiêu trăn trở trong lòng. Tôi cứ nghĩ mình vừa đi học, vừa đi làm như thế là vất vả lắm rồi nhưng cuộc sống quanh tôi vẫn còn biết bao cảnh đời khốn khó hơn, bao lo toan khổ hạnh của một kiếp người.
Tôi đem chuyện kể cho Bố Mẹ tôi nghe trong bữa cơm tối. Bố Mẹ luôn miệng xuýt xoa: “Tội nghiệp quá!” Sau bữa cơm tối tôi thấy Bố trầm ngâm trên chiếc ghế bố, thỉnh thoảng tôi lại nghe Bố thở dài.
Bố hỏi tôi có biết nhà bạn ấy ở đâu không. Tôi đáp rằng có nghe các bạn cùng lớp nói nhà bạn ấy ở trong con hẻm sát cạnh trường. Rồi bố bàn với tôi về việc đến thăm và giúp đỡ bạn ấy.
Hôm sau, Bố đến đón tôi ở cổng trường và như đã bàn bạc, hai bố con tôi quẹo vào con hẻm ngay sát chân cầu Trương Minh Giảng (nay là đường Trần Quốc Thảo). Dòng nước đen ngòm, ô nhiễm, đầy rác rưởi chạy dọc theo con hẻm đã đưa tôi đến một căn nhà lá lụp xụp với một tấm ván gỗ bắc ngang dẫn vào nhà.
Tôi ngập ngừng không dám bước vào. Một phần vì bản tính nhút nhát, nhìn tấm ván bắc vào căn nhà lắt lẻo tôi cứ sợ bị trượt chân ngã. Một phần vì cảm thấy ngại khi đường đột đến thăm nhà một người chưa hề thân quen, hơn nữa lại là một người khác phái. Tôi đứng tần ngần một lát nhưng nghĩ đến Bố phải chờ lâu, tôi lấy hết can đảm men theo tấm ván bước đến cửa nhà.
Anh ấy vừa nhìn thấy tôi đã nhận ra ngay tôi là bạn học ở lớp luyện thi tuy cũng có đôi chút ngạc nhiên. Mẹ anh, một phụ nữ thân hình nhỏ nhắn, gầy gò bước ra chào. Sau khi nghe bạn ấy giới thiệu, bà rót nước đem ra mời tôi. Tôi rụt rè ngồi xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ và lúc này bỗng cảm thấy lòng nhẹ nhõm. Tôi bắt đầu hỏi thăm sơ qua về gia cảnh, về chuyện học hành, về ba đứa em xanh xao gầy guộc đang ngồi chơi trên chiếc giường cạnh đó. Cuối cùng tôi rút ra chiếc phong bì Bố đã chuẩn bị sẵn, dè dặt đặt lên bàn rồi vội chào ra về.
Tôi không biết Bố đã bỏ bao nhiêu tiền vào trong đó và cũng không biết bạn tôi đã nghĩ gì. Tôi chỉ thấy những ngày sau đó, bạn tôi đến lớp ôn thi thường xuyên hơn. Chúng tôi thỉnh thoảng cũng gặp nhau hỏi thăm chuyện học hành thi cử. Riêng tôi thì có quá nhiểu chuyện phải lo toan nên cũng không còn để tâm gì đến gia cảnh của bạn ấy nữa.
Khóa học luyện thi kết thúc cũng là lúc ngày thi cận kề. Chúng tôi chia tay nhau với bao buồn vui lẫn lộn. Không ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao vì mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau và số mệnh cũng khác nhau. Thế rồi tôi đã bước vào ngưỡng cửa đại học mang theo ước mơ, hoài bão của một thời niên thiếu. Các bạn cùng lớp luyện thi của tôi mỗi người trúng tuyển vào một ngành hoặc một trường khác nhau. Tôi không còn gặp lại người bạn mà Bố và tôi đã giúp đỡ ngày ấy và cũng chẳng bao giờ nghe Bố nhắc gì đến chuyện đó nữa.
Thời gian dần trôi. Giờ đây mọi thứ đã đổi thay. Con hẻm với dòng nước đen ô nhiễm ngày nào nay đã được thay bằng một con đường nhựa khang trang với những tòa nhà khá tráng lệ. Người bạn khốn khó năm xưa giờ chắc đã tạo dựng được một tương lai tốt đẹp hơn nhiều cho con cái của mình. Còn Bố? Bố đã ra đi – thật lâu và thật xa, mang theo bao nỗi niềm và lòng trắc ẩn về thân phận nổi trôi của một kiếp người. Cho dù thời gian đã phũ phàng cuốn trôi đi tất cả, cho dù cảnh vật của năm xưa không còn nữa, nhưng ở đó vẫn hiện hữu một thứ mà Bố đã để lại – một thứ không phôi pha theo năm tháng, không nhạt nhòa bởi cơn mưa giăng trắng lúc trời chiều – đó là một tấm lòng. Vâng, một tấm lòng – tấm lòng của một người ngày ngày cặm cụi đánh máy thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình. Vâng, Bố đã để lại một tấm lòng, chẳng để làm gì, chỉ “để gió cuốn đi” mà thôi, như một câu ca của Trịnh Công Sơn.
NGUYỄN THỊ KIM THỦY
Tôi nghĩ rằng một người có lòng tốt hay không mới là điều hệ trọng. / I think it matters whether someone has a good heart.
ELON MUSK (doanh nhân Mỹ, sinh năm 1971)