GHI CHÉP VỀ ĐẠO SỰ CỦA ĐOÀN GIÁO HỮU PHỔ THÔNG (1948)
Đại hội ngày 09-01 Mậu Tý (Thứ Tư 18-02-1948) quyết định phái
một số giáo sĩ đến các tỉnh đạo để giúp việc phổ thông giáo lý. Nhằm thi hành quyết
định này Cơ Quan Truyền Giáo chấp thuận cho Phổ Thông Giáo Lý Viện mở khóa đào
tạo Giáo Hữu Phổ Thông cấp tốc.
Theo Pháp Chánh Truyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Giáo Hữu là người phổ
thông chơn đạo của Thầy. Lời chú giải trong Pháp Chánh Truyền như sau: “Muốn phổ thông chơn đạo của Thầy, buộc
Giáo Hữu phải học cho làu thông chơn đạo của Thầy. Ấy vậy, chức Giáo Hữu phải
có khoa mục mới đặng. Cái phận sự phổ thông là một phận sự rất lớn lao quý
trọng, nếu chẳng biết tôn chỉ của Đạo cho thông suốt, lại truyền bá cho nhơn
sanh những tư tưởng nghịch cùng chơn lý của Đạo là hại Đạo…”
Lúc ấy, vì đáp ứng nhu cầu cấp bách nên các học viên được đào tạo cấp tốc
nầy gọi là Giáo Hữu Phổ Thông, nghĩa là chưa chính thức làm Giáo Hữu như Pháp
Chánh Truyền quy định.
Các Giáo Hữu Phổ Thông phân bổ đi các tỉnh đạo đã giúp đỡ đắc lực vào các
đạo sự, chỉnh đốn cơ cấu hành chánh đạo từ cấp thiên bàn đến thánh thất, bồi
dưỡng đức tin, và mở các lớp giáo lý cho các tầng lớp đạo tâm nam nữ.
Tại tỉnh đạo Quảng Nam, Giáo Hữu Phổ Thông Ngô Chánh Duy và thư ký Lê
Thành Tiến tổ chức đêm thuyết đạo tại thánh thất Trung An, không những chỉ bổn
đạo mà dân chúng bên ngoài cũng đến tham dự. Tiếp đó mở khóa giáo lý bảy ngày với
danh xưng Khóa Bạch Phụng, đặt tại thiên
bàn La Ngà (nhà tiền bối Phan Tùng Châu), quy tụ bốn mươi học viên, có thêm sinh
hoạt ngoài trời theo hình thức Tráng Anh Đoàn. Để phản ảnh sinh hoạt khóa có tờ
báo tường Hạc Thành. Hai chữ Hạc
Thành mượn trong bài thánh giáo Đức Trần Hưng Đạo truyền dạy để củng cố ban cai
quản các thánh thất trong cơn bách hại (pháp nạn) thời Pháp thuộc:
Chậm chậm để mà chờ ngư phủ
Một vài trăng điền chủ xuất canh
Chờ cho mạ tốt lúa xanh
Mặc tình chim rẫy, hạc
thành cao bay.
Tỉnh đạo Quảng Ngãi do Giáo Hữu Phổ Thông Nguyễn Chơn Long ([1]) được phân công phụ trách. Việc đầu
tiên là thăm viếng, đặc biệt đến hai thánh thất Trung Hòa và Sông Vệ. Ôi, biết
bao ngậm ngùi thương cảm! Gặp gỡ nhau chan hòa nước mắt và nước mắt. Không giãi
bày được bằng lời cũng chẳng an ủi được thành câu.
Tiền bối Nguyễn Chơn Long thăm dò tình hình, điều kiện để tổ chức các
khóa học. Mọi tổ chức đều được chính quyền địa phương ưng thuận và ủng hộ. Một
khóa huấn luyện hành chánh đạo tổ chức cho các ban cai quản thánh thất, ban trị
sự các xã đạo. Khóa giáo lý phổ thông tổ chức kéo dài ba tháng, được chính
quyền địa phương cho mượn phòng ốc công sở ở ấp để giảng dạy. Học viên tham đự
rất đông. Đa số là nữ ở độ tuổi từ hai mươi đến ba mươi. Học viên rất chăm chỉ,
cầu tiến vì được nghe giảng giải những điều mới mẻ, hấp dẫn, và thích thú.
Trong khóa học lại có buổi thăm viếng của Giáo Sư Nguyễn Quang Châu, một hướng đạo
gương mẫu mà bổn đạo bấy lâu rất khao khát được gặp mặt.
Văn phòng Giáo Hữu Phổ Thông tạm đặt tại nhà cụ Chánh Trân, nguyên Chánh
Hội Trưởng thánh thất Sông Vệ, đã thọ nạn cùng con trai hồi tháng 7 năm Ất Dậu.
Vợ người con trai tên Trần Thị Kim được bầu làm đoàn trưởng Thanh Tân Đoàn
Quảng Ngãi. Đoàn trưởng Trần Thị Kim rất hăng say tham gia mọi đạo sự, có tinh
thần cầu tiến và thông minh. Trong dịp mở khóa nầy tỉnh đạo Quảng Ngãi thành
lập thêm ở Bàu Bèo một thánh thất tên là Phước Hòa.
Tại tỉnh đạo Bình Định, Giáo Hữu Phổ Thông Nguyễn Xuân Kinh và thư ký
Nguyễn Thanh Giang mở ba khóa giáo lý. Khóa thứ nhất tại thánh thất Ngọc Linh
Đài (Phù Mỹ). Lễ khai giảng có Giáo Sư Nguyễn Quang Châu đến nên tỉnh đạo tổ
chức rất trọng thể, đã mời bác sĩ Lê Đình Thám (đại diện Phật Giáo trong Ủy Ban
Liên Việt Liên Khu V) và cán bộ chính quyền địa phương đến dự. Khóa thứ hai mở
tại thánh thất Kim Quang Minh Đài (Phù Cát). Khóa thứ ba cũng mở tại thánh thất
Ngọc Linh Đài. Mỗi khóa có chừng trên hai mươi học viên, học tập rất hăng say
và chuyên cần.
Tỉnh đạo Phú Yên do Giáo Hữu Phổ Thông Trần Cư và thư ký Nguyễn Thanh Vân
phụ trách. Tiền bối Đầu Tỉnh Đạo Nguyễn Khoa Trường cho phối hợp mở khóa huấn
luyện đào tạo dài đến năm tháng. Tổng số học viên bốn mươi lăm người. Ban giảng
huấn gồm các tiền bối Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh, Võ Thượng Kính, Bùi
Trọng Luật. Chương trình học chú trọng phần giáo lý căn cứ theo nội dung Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Pháp Chánh Truyền,
Tân Luật. Thư ký khóa học là tiền bối Nguyễn Thanh Vân, người có khiếu văn
chương và cũng là một họa sĩ nên đã làm một tờ báo viết tay, hình thức trang nhã,
nội dung phong phú. Lễ khai giảng và bế giảng đều mời cán bộ chính quyền địa phương
tham dự. Mỗi học viên dự khóa đều có giấy chứng nhận. Học viên xuất sắc được
trao bằng khen.
Sau khi phân bổ các Giáo Hữu Phổ Thông đến các tỉnh đạo, còn lại ở Hội
Thánh là thành phần giản lược gồm ba cơ quan:
- Cơ Quan Dân Đức lo thực hiện pháp môn Phước Thiện mà cố Hòa Viện Trưởng
Huỳnh Ngọc Trác đã cổ xúy bằng cách thực hiện hũ gạo Phước Thiện. Mỗi bữa nấu
cơm bớt lại một nắm gạo bỏ vào hũ và niệm tôn hiệu Thầy. Việc làm nầy nhắc cho
toàn đạo biểu lộ tâm tư của mình hằng bữa hằng ngày, gây ý thức sẻ chia cứu tế
bằng tình thương yêu đùm bọc. Về phần lễ vụ thì lo chỉnh đốn nghi thức tiểu
đàn, đại đàn.
- Cơ Quan Dân Sanh tích cực mở mang Nông Viện, Công Viện để có tài chánh,
lương thực cung ứng cho nhu cầu của Giáo Hội.
- Cơ Quan Dân Trí tiếp tục mở các khóa huấn luyện giáo lý và hành chánh
đạo cấp trung ương. Đặc biệt mở khóa Chơn Giác huấn luyện phái nữ. Khóa Chơn
Giác tập trung được năm mươi chị em, thời gian học một tháng. Theo chương
trình, ngoài phần hướng dẫn về hành chánh đạo còn có phần rèn luyện tinh thần
mới mẻ của Tráng Anh Đoàn, giúp cho chị em dạn dĩ, mau tiến bộ. Để phản ảnh
sinh hoạt của khóa, chị em thực hiện tờ báo tường tên là Ánh Sáng. Buổi lễ bế giảng có phần phụ diễn văn nghệ (ca kịch) đặc
sắc.
Song song với khóa Chơn Giác, còn mở một lớp văn hóa bậc tiểu học dạy
theo chương trình nhà nước, có thêm phần giáo lý đạo đức nhà đạo. Ngoài ra Cơ
Quan Dân Trí còn tổ chức đoàn thanh tra do tiền bối Giáo Sư Nguyễn Quang Châu làm
trưởng đoàn. Tiền bối Giáo Sư Châu còn là thành viên Ủy Ban Liên Việt Liên Khu
V, lo phần ngoại giao.
Vì hoạt động của Cơ Quan Truyền Giáo phát triển nhiều mặt nên phải dời ra
Văn Chỉ để có không gian rộng rãi hơn. Văn Chỉ là nơi thờ phụng, tế lễ Đức
Khổng Tử của làng An Tráng do hai tiền bối Huỳnh Ngọc Trác và Trần Nguyên Chất
lập trước đây. Sinh hoạt tại khu Văn Chỉ được sáu tháng thì gặp lúc tình hình
kinh tế quá khó khăn, bế tắc về vật chất, do chiến tranh lan rộng. Vì vậy phải
dời về nhà tiền bối Phan Thiện Hóa ở Hiền Lộc. Tiền bối Phan Thiện Hóa phát
nguyện đài thọ mọi phí tổn cho Cơ Quan Truyền Giáo trong việc phát triển cơ
đạo.
Mọi việc chăm
lo cho Giáo Hội như vậy tương đối có chiều hướng tốt. Tiền bối Hiệp Lý Trần
Nguyên Chất cảm thấy phấn chấn trong người vì cái mầm lợi lạc quần sinh đang
được giâm trồng chăm bón tốt. Cơ Quan Truyền Giáo đang rất phấn phát trên đường
lo học đạo tu đạo để giúp mình, giúp người nên đạo. Tiền bối Hiệp Lý mở cuộc
họp chung định hướng về việc tổ chức Đại Hội Nhân Sinh vào lễ Thánh Đán Chí Tôn
ngày 09-01 Kỷ Sửu (Chủ Nhật 06-02-1949) để đánh dấu tròn một năm xây dựng Cơ Quan Truyền
Giáo và đúc kết thành quả hành đạo một năm qua, chuẩn bị phương hướng kế hoạch
cho năm sau. Tất cả đều đồng ý tổ chức đại hội quy mô tại Hiền Lộc. Việc tổ
chức được giao cho hai tiền bối Nguyễn Quang Châu và Huỳnh Thanh Hải.
PHẠM VĂN LIÊM
Trích bản thảo
Nhịp Chân Buổi Ấy
Còn Vang Bây Giờ.
([1]) Tiền bối Nguyễn Chơn Long về sau đổi
tên là Nguyễn Minh Đạo, dạy học tại trường trung học Hưng Đạo, và Nguyễn Dục ở Tam
Kỳ. Tiền bối đã dịch Bác Tế Tiên Phương
(của Thuần Dương Lữ Tổ), Thần Chung (tập
sách trong tủ sách nghiên cứu tôn giáo của nhà xuất bản Chánh Nhất Thiện Thơ,
Đài Bắc). Tiền bối còn chú giải Kinh Tận
Độ.