NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI
VỚI VĂN HÓA ĐỌC
Trước hết chúng ta hãy chia sẻ xem cụm
từ “văn hóa đọc” có nghĩa là gì. Trong bài “Người Việt Nam Chưa Có Văn Hóa
Đọc!”, Giáo Sư Chu Hảo nói:
“Suốt
mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người
ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách,
hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố đó - thói quen đọc, khả năng lựa chọn, và cách đọc - hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ
khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học.
“Bên
cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa
đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và
giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn
hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn
hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục
lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.
“Đối với
một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường
phổ thông, mà phần rất quan trọng là
tự học, mà trong việc tự học thì đọc
sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, như tôi
đã nói, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà
trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc
sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không
có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em.”
Trên đây là trích đoạn bài phỏng vấn do
Thụ Nhân thực hiện và đăng trên http://vnn.vietnamnet.vn, ngày
Thứ Tư, 09-4-2008. Hôm nay, mặc dù thời điểm phỏng vấn đã trôi qua chín năm
nhưng vấn đề văn hóa đọc không vì thế mà cũ đi, tức vẫn còn nguyên trạng là một
tồn tại về mặt văn hóa xã hội.
Thật vậy, cuối năm ngoái, theo báo điện
tử Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một viện đại
học Mỹ (là Central Connecticut State
University) làm thống kê các nước đọc sách nhiều nhất thế giới; kết quả
trong bảng xếp hạng sáu mươi mốt nước đọc sách nhiều nhất (có kể đến ba nước ở
Đông Nam Á) thì “Singapore xếp thứ 36,
Malaysia xếp thứ 53 và Indonesia áp chót, đứng thứ 60. Tìm mỏi mắt không
thấy có Việt Nam. Có thể hiểu là Việt Nam không có trong số
61 nước đọc sách nhiều nhất trên thế giới.” ([1])
Lại nữa, báo Tuổi Trẻ điện tử cho biết:
“Theo số liệu thống kê của Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch công bố tháng
4-2013, mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách.” ([2]) Từ kết quả thống kê đó, phải chăng có
thể suy ra bình quân một người tín đồ
Cao Đài mỗi năm có lẽ đọc chưa trọn một cuốn sách?
Mà, như lời Giáo Sư Chu Hảo đã dẫn trên,
phải nhờ đọc sách thì mới có thể nâng cao “giáo
dục và tri thức”; ít đọc sách quá, nhất là sách nghiên cứu của
tôn giáo mình và tôn giáo bạn, sách thuộc lãnh vực khác nhưng có tính liên
ngành (interdisciplinary) với tôn
giáo, hệ quả là người Cao Đài thật khó có đủ tri thức để xiển minh giáo lý Cao
Đài ngõ hầu hiện thực câu “nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai”.
Nhắc lại lời của Giáo Sư Chu Hảo: “Đối với một con người, sự học
không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần
rất quan trọng là tự học, mà trong việc
tự học thì đọc sách là quan trọng
nhất.” Trong hoàn cảnh cộng đồng Cao Đài còn rất thiếu thốn về mặt cơ
sở đào tạo (các trường dạy giáo lý sơ, trung, cao cấp), thì rõ ràng tự học qua sách đạo lẽ ra nên là việc ưu
tiên của người đạo Cao Đài.
Hoạt động từ giữa năm 2008 tới nay, quy
tụ những thiện tâm tín hữu Cao Đài đồng chí hướng, Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo ra sức phổ biến miễn phí các sách nhằm xiển minh giáo
lý, cố gắng giảm thiểu tối đa lỗi chánh tả trong các ấn bản (tuy nhiên vẫn chưa
đạt được mức tuyệt đối 100%), cố gắng làm sáng tỏ những chỗ đồng âm dị nghĩa
trong từ Hán-Việt để các đạo hữu tham khảo và dùng từ cho chính xác, v.v... Có
thể nói hoài bão của Chương Trình Ấn Tống là muốn đưa đến tận tay các đạo hữu
mình hoàn toàn miễn phí một phương tiện tự
học hàm thụ (qua sách) để nâng cao vốn liếng tiếng Việt và căn bản giáo lý
Cao Đài, tri thức tổng quát về tôn giáo bạn...
Thế nhưng, khoảng hơn một năm nay, nếu
thường xuyên chú ý tới số lượng ấn hành mỗi đầu sách (in tại trang lưu chiểu ở
cuối tập sách), lại thấy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đang giảm bớt số lượng. Chẳng hạn, mỗi tập
Văn Uyển trước đây in 5.000 bản, 3.000 bản, bây giờ rút xuống 2.500 bản. Phải
chăng Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đang giáp mặt một trở ngại là thiếu người
công quả pháp thí? Tìm hiểu thì không phải lý do này. Vâng, không phải do thiếu
Mạnh Thường Quân, mà do văn hóa đọc của
người đạo Cao Đài, thế nên sách biếu miễn phí nhưng vẫn phải chịu cảnh ế
ẩm. Giả dụ, sách của Chương Trình mà bán, dù giá có rẻ mấy chăng nữa, ắt sẽ còn
thảm hơn, mỗi đầu sách dẫu chỉ in 1.000 bản chắc chắn cứ bị tồn đọng!
Một quyển sách in năm 2013 cho biết tín
đồ Cao Đài trong nước là 2,5 triệu, và có mặt ở ba mươi bảy tỉnh, thành.([3]) Ước mong sao các vị có thiên chức phổ
truyền giáo lý ở từng họ đạo thường xuyên khuyến khích đạo hữu mình đọc sách,
để chỉ cần 0,5% (không phẩy năm phần trăm) tín hữu Cao Đài siêng đọc sách, thì
lo gì không thể tăng số lượng mỗi đầu sách ấn tống lên 10.000 bản in.
NGƯỜI TÍN
HỮU