GÁNH HÁT VỀ LÀNG
Năm 1959, 1960, 1961...
Chợ làng chừng sáu bảy giờ thì đỏ đèn, nhiều nhà đóng cửa ngủ, chỉ có
tiệm tạp hóa chú Năm Gấm, tiệm nước chú Bảy Dól (người Hoa) là có đốt đèn khí
đá. Nhà bác Bảy Quýt y tá mở radio, mấy ông xúm lại uống trà. Đêm thứ Bảy nhiều
người lại nghe cải lương. Cả chợ ba bốn chục nóc nhà nhưng chừng vài cái radio
kiểu Pháp, ăng-ten như cái rỗ dựng trên nóc. Nhà ông Cả đốt đèn Hoa Kỳ cho mấy
cô tiểu thơ học, cô Muối, cô Mặn. Về sau mấy nhà khá giả nầy xài đèn măng-xông,
có người kêu bằng đèn “ếch-đa” vì có hiệu AIDA.([1]) Đó là những đêm nắng ráo. Mùa mưa
chợ làng ễnh ương nhấp nheng làm chủ tình hình.
Gánh hát về là sự kiện lớn. Tôi còn nhỏ quá để nhớ từng chi tiết, như tấm
màn voan phủ lên ký ức. Gánh hát về bằng ghe, có gánh về bằng xe hàng.([2]) Tôi nhớ có giai đoạn nào đó còn xài
đèn khí đá, hình như là gánh hát bội, mà đào kép mỗi lần có xây chầu hát phải
gom ông Năm, bà Sáu từ đầu trên tới xóm dưới. Hai cái đèn khí đá khò khò bên
ngoài hai bên cánh gà bắt đầu từ lúc kéo màn cho tới vãn tuồng. Lâu lâu có
chuyên viên ánh sáng chạy ra chỉnh nước. Nước xuống nhiều thì lửa mạnh, sáng
nhưng hao khí đá. Nước xuống ít thì không đủ sáng, hoặc lâu lâu phải ra khều cứt
bám đầu béc phun cũng làm lửa yếu. Một đêm hát phải thay đèn vài lần, sau mấy
đêm hát cứt khí đá đổ thành đống trắng phếu sau nhà lồng chợ. Thời gian sau,
gánh hát xài đèn ếch-đa sáng hơn nhưng cũng kêu khò khò, nghe riết quen như
không còn có nó. Lâu lâu yếu hơi đèn mờ, chuyên viên ánh sáng đi ra bắc ghế
giữa sân khấu đứng bơm hơi ạch ạch kế bên hoàng tử, công chúa gì đó đang âu yếm
hát ca. Những việc của nhân viên hậu đài quanh sân khấu hình như không ai quan
tâm, kể cả khi kéo màn kẹt dây, mấy người chạy ra lum khum ngồi gỡ. Khán giả
chỉ tập trung coi hát, có để ý đến họ chăng là đám xây lố cố ([3]) ngồi sát bên sân khấu ít khi trật
tự, lo lộn xộn hơn lo coi hát.
Tôi chỉ còn nhớ tên ba gánh hát đã về làng, đó là gánh Hoa Sen có kèm
chiếu bóng cảnh máy bay thả bom trong tuồng Đoàn Chim Sắt. Gánh đồng ấu Kim Nam
và gánh Vinh Quang. Gánh đồng ấu Kim Nam có kép chánh là em Châu Giàu, đào
chánh là em Thanh Khiết. “Em” là chữ ghi trên mấy tấm hình chớ tuổi đám đào kép
chỉ xấp xỉ bọn tôi; đám quân sĩ, lâu la có đứa còn nhỏ hơn. Vài năm sau khi nhà tôi dọn về Long Xuyên, tôi còn gặp lại
đoàn đồng ấu nầy một lần, hát rạp lớn Minh Hiển có vẻ rực rỡ hơn, nhưng chưng
ảnh đào kép thì vẫn quen mặt đám nhóc nầy như hồi hát ở chợ làng quê tôi vậy.
Gánh hát in dấu hằn sâu trong ký ức một thằng bé tám, chín tuổi của tôi
là gánh Vinh Quang của ông Bầu Luông. Tôi nhớ vẫn đề tên Bầu Luông phía dưới
hình. Ông chuyên đóng vai lão hoặc vua cha. Khi vua cha đang hát mà bọn tôi giành
chỗ chen lấn lao xao sát bên phía dưới sân khấu là vua cha liền ngưng hát quay
xuống quát la: “Muốn đuổi tụi bây ra hông? Um sùm làm sao người ta hát!” Bọn
tôi cũng biết sợ vua nên tự động trật tự liền, vua cha mới hát tiếp, quên lớp
thì nhắc tuồng nhắc lại, đào kép cùng hát cũng phải ngưng luôn chờ vua. Khán
giả có người còn chạy lên la rầy phụ tiếp với ông Bầu Luông. Một ông kép khác
là ông Kim Bông chuyên thủ vai kép độc ([4]) cũng hay la như vậy lúc đang hát. Bọn
tôi ngán ông nầy hơn, chắc vì ông là kép độc. Sau nầy nghe nói ba tôi có góp ý:
“Việc đó giao cho mấy đứa trật tự, chớ tuồng đang hát mà mấy ông dừng lại la
làm bạn diễn chai bộ hết trơn!”
Kép chánh là bạn Út Tứ, vóc người cao ráo. Đào chánh là cô Ngọc Xê, dĩ
nhiên là người trẻ đẹp nhứt trong gánh rồi. Kép lẳng là bạn Bảy Phiêu Lưu, bạn
Hoàng Ân. Đáng tiếc lâu quá tôi quên tên thằng hề. “Thằng” là mấy ông mấy bà
kêu, bọn tôi bắt chước chớ không phải vô phép. Hằng ngày mà đứa nào vô tình
dính lọ nghẹ trên mặt thì bị vỗ tay hát ghẹo: “Gánh hát chưa lợi,([5]) thằng hề lợi trước. Gánh hát lợi rồi,
thằng hề mất tiêu.” Hình như thằng là đại danh từ mặc định cho số phận vai hề.
Thằng hề không bao giờ thiếu được trong bất cứ tuồng nào nhưng không bao giờ là
vai đáng kính, thường khi bị vai lớn đánh lên đầu bằng đạo cụ chuyên dùng là
giấy bồi bó lại, thằng hề phải méo mặt, nhảy cỡn để gây cười cho khán giả nhà
quê dễ tính. Và hình như ba tôi cũng có góp ý không nên diễn đánh lên đầu vai
hề như vậy, nhất là các gánh sơn đông mãi võ.
Gánh hát về, chợ làng như thay áo mới. Nhà lồng chợ sắp xếp gọn lại hơn. Ban
ngày các sạp thịt heo và quần áo con nít vẫn bày bán, nhưng hết buổi chợ thì
xếp gọn góc nào đó để chiều gánh hát sắp ghế, phủ bạt chuẩn bị tối hát.
Vừa mát trời người ta khiêng trống ra mé sông đánh như trống múa lân. Người
lớn đánh mỏi tay thì đưa dùi cho con nít đánh tầm bậy tầm bạ, nghe biết ngay là
con nít đánh. Mấy ngày đầu đi rao bảng, mướn tam bản chở trống, bơi dài dài từ
cầu Ông Cối tới vàm Ông Trung. Tờ chương trình kêu là rồ-ram,([6]) gói cục gạch, cục đất gì đó, hễ thấy
trên bờ có người thì quăng lên.
Bán vé từ chạng vạng dành cho người lớn, con nít lấy tiền mặt, nhưng
thường là khó vì người lớn kéo con nít theo có cái lý của họ là con nít thì vô
có biết coi hát xướng gì, không lẽ người lớn muốn đi coi hát mà bỏ con nít ở
nhà. Vì vậy đám tụi tôi thấy người lớn nào không có dẫn con nít thì theo nắm
tay: “Chú, chú, dẫn con vô với chú! Dì, dì, dẫn con vô với dì!” Và đa số “chú,
dì” cũng chả hẹp lượng gì mà từ chối. Có người lớn không muốn nói dối nhưng
cũng xin người soát vé: “Tội nghiệp! Con nít mà, cho nó vô đi bà chủ.” Người
ngồi thu tiền soát vé không phải lính lác gì đâu mà chính là bà Bầu Luông đó.
Trong rạp chỉ sắp ghế chừng bốn năm hàng, phân nửa phía sau là vé đứng,
vì nền nhà lồng chợ ngang bằng, nếu xếp ghế tất cả thì các hàng sau cũng không
thấy tới sân khấu. Hạng đứng người ta nói là hạng cá kèo. Lớn lên tôi mới biết
từ nguyên hai chữ “cá kèo”. Cá bóng kèo có tập quán nguyên luồng nối đuôi chen
nhau vào rọ, đăng dưới sông, nên chỗ nào người ta chen nhau thì ví như cá kèo
chen vô rọ vậy.([7])
Ngay từ chiều các xề khô mực, khóm, mía ghim, đậu phọng, bánh tráng đã tự
nhiên tạo thành con đường đi vô cửa rạp. Con trai, con gái lứa lứa bận quần áo
mới sạch sẽ túm tụm quanh chợ mua mía ghim, đậu phọng mời nhau qua lại. Hầu như
không có cặp đôi đơn lẻ mà họ gom thành từng nhóm, nói qua nói lại những câu ỡm
ờ, có khi mới học được từ tuồng hát đêm qua. Nếu cặp nào có tình ý gì thì sẵn
đó cáp đôi cho nhau. Người con gái mắc cỡ phủi phủi vào vai bạn. Người con trai
thật lòng thì bẽn lẽn, không tự nhiên liếng láu nữa. Đám nhóc tám, chín tuổi
bọn tôi thì bày đủ trò chơi, chia phe đánh giặc, trốn kiếm, chơi chán thì rình
chui vô rạp.
Bạt phủ quanh rạp được dằn chưn bằng những cây tầm vông, cây tràm, cột
vào rất nhiều cây nọc đóng xuống đất. Những cây nọc nầy sáng phải được nhổ lên
để người đi chợ không vấp, chiều lại được đóng xuống. Khi chưa tới giờ hát thì
có người đi tuần rảo rảo. Hát được lâu lâu rồi mới vắng người đi tuần. Những
dây nầy họ cột khéo và chắc lắm. Trong tối bọn nhóc không dễ gì tháo được cho
nên chui vào kiểu nầy cũng khó ăn. Dù vậy vẫn còn nhiều cách, như nắm tay theo
người lớn, rình lúc đông người vô cửa chen cái vù vô.
Cửa sau là cửa nội bộ nhưng có ai vô ra sơ ý đóng lại cũng được bọn tôi
rình khai thác. Nhưng vô lối nầy thường bị túm cổ đuổi ra vì bên trong là hậu
trường sáng trưng toàn người của đoàn và đào kép đang sắm tuồng. Thường phải bò
lủi như chuột qua hàng đống rương, thùng, các góc tối, mới lọt qua nổi, rồi
chun dưới gầm sân khấu tối thui đầy rác, luồn lách vô số nọc trụ cuối cùng mới
trổ ra được phía trước. Tuy gian nan nhưng vô ngả nầy là khoái nhất vì phiêu
lưu mạo hiểm lại được thấy hoàng tử bận quần cụt, công chúa bận áo lá, mặt mày
trắng nhách… Còn một cách nữa là tháo dây kẽm vá mấy chỗ bạt bị rách chui vô
rồi cột trả lại đàng hoàng. Giáo dục thời đó không cho phép bọn tôi phá rách
bạt, nghĩa là hoàn toàn không có khái niệm phá phách, chỉ lợi dụng những sơ hở
để khai thác bằng trình độ bẩm sinh. Nhưng thường những người đi tuần cũng lờ
đi với câu răn đe: “Vô trỏng mà lộn xộn, tao lôi cổ ra đó!”
Tóm lại bằng mọi cách, tới giờ hát đám nhóc vẫn đủ mặt ngay chân sân khấu
một cách tài tình, từ đêm đầu tới đêm cuối. Nói có Trời, không biết tụi tôi
chen vô đó làm cái gì? Không phải coi hát, chỉ coi lúc thằng hề ra, lúc đánh
kiếm, lúc người bay vòng vòng sân khấu, còn lại là lộn xộn giành chỗ, giành để
lộn xộn chớ không phải giành để coi! Hoặc khi trên sân khấu hô “Quân sĩ đâu!”
hay là “Tam quân!” hay “Bớ lâu la!” thì “Dạ!” một cái rần. Hoặc thằng hề hỏi
giễu với tụi tôi “Phải hông tụi bây?” thì cả bầy la “Ph…ả…i…” Tới lớp Thoại
Khanh dẫn mẹ chồng đi ăn xin vòng vòng sân khấu thì bọn tôi có nhiệm vụ chuyển
bạc cắc của mấy bà ở dưới đang sụt sịt khóc gởi lên cho. Nội cái vụ giành
chuyển ngân cho Thoại Khanh cũng gây gổ lộn xộn. Hình như cả chục đứa lộn xộn,
dân chợ nầy cũng có cái đáng yêu hay sao mà chỉ bị nạt nộ vậy thôi, và hình như
có tụi tôi lộn xộn ngay dưới chân sân khấu hàng đêm lại là thành công của đêm
diễn.
Tuy lộn xộn nhưng cũng biết theo dõi điều thiện ác. Khi mà chú kép độc
Kim Bông bị đền tội thì cùng đứng dậy vỗ tay reo mừng. Công nhận chú thấy ghét
quá chừng. Bọn tôi từng ngồi lại bàn bạc cách trả thù những vai ác của chú. Kế
hoạch là vấn bì chờ sáng chú ra ăn uống ở tiệm chú Bảy Dól, hay là trưa chú ngủ
trên sân khấu thì rình bắn rồi vọt lẹ. Bàn thì sôi nổi lắm nhưng không bao giờ
thực hiện được. Đơn giản là không đứa nào đủ dũng khí chịu làm thích khách Kinh
Kha.
Thường thì mỗi gánh có chừng mười vở tuồng, đắt ế gì thì cũng cuốn màn giỡ
ván ra đi. Biệt lệ vài tuồng hay như Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương,
Chàng Nhái Kiểng Tiên… nhiều người chưa kịp coi hay coi một lần chưa đã ghiền
có yêu cầu hát lại.
Người dân vốn chẳng dư dật gì lắm chốn quê tôi. Gánh mới về nôn nả đi coi
vài đêm hát đầu tiên rồi thưa dần thưa dần. Một phần cũng vì gánh hát làm xáo
trộn giờ giấc sinh hoạt hằng ngày của người nông dân có tập quán ngủ sớm dậy
sớm.
Những đêm hát cuối cùng hình như chỉ còn đám lộn xộn là trung thành với
vua quan, công chúa, phò mã trên kia. Những tiếng quạt giấy, quạt mo nang xạch
xạch càng đêm càng nhỏ. Hạng cá kèo ngày càng thưa rỉnh, làm thước đo cho doanh
số. Những đêm như vậy hậu đài cho thả giàn sớm hơn, chắc để cho dân chợ buồn
tình không ngủ được ra coi cho đào kép có tinh thần để hát. Nói chi người lớn,
những đêm cuối cùng bọn tôi cũng mòn mỏi dần, bớt lộn xộn hơn. Có đứa vô ngủ
luôn cho tới vãn hát. Bác Bầu Luông riết rồi cũng làm biếng nạt nộ.
Coi hát thả giàn có nghĩa là tuồng hát còn màn chót thì hậu đài cho cuốn
bạt từ từ. Má tôi quen ngủ sớm, đầu hôm ngủ được một giấc thì thức dậy để chờ
bọn tôi về. Má xách cái ghế đẩu ra để đứng coi hát. Có nhiều bà trong chợ cũng
như vậy. Ai phê bình thì nhận được câu: “Coi hát thả giàn bày đặt chê khen!” Câu
nầy về sau trở nên một thành ngữ thâm thúy.
Vở hát gần vãn thì có lớp gọi là “diễn thuyết” thường do chú kép nhì
Hoàng Ân để nguyên phục trang ra đứng nói, nội dung cám ơn khán giả và giới
thiệu tuồng đêm mai. Đây cũng là thời điểm cho đám lộn xộn lục tục kéo ra trước
vì buồn ngủ quá rồi. Tuồng vãn, những bó đuốc lá dừa rực lên bốn bề làng quê rồi
mờ dần trong đêm, trả chợ cho gánh hát còn lụp cụp lạc cạc tới khi bàn giao lại
người dọn hàng phiên chợ sớm.
Con nít bọn tôi đời nào có biết nghỉ trưa. Buổi trưa chính là giờ vàng. Gánh
hát chiếm hơn phân nửa nhà lồng chợ phía sau, bọn con nít đành chấp nhận chơi giành
cột với bốn cây cột phía trước, phải chạy ngoắt ngoéo quanh mấy cái sạp thịt
heo tanh rình. Giành cột chán, đi lang thang dòm ngó đào kép, nhân công trải
chiếu ngủ quên đất quên trời ngang dọc trên sân khấu. Lén vô hậu trường ngắm
nghía đám gươm đao, ra sân sau sờ mó râu ria mũ mão phơi cùng với long bào. Tò
mò hửi những bộ râu hôi rình rồi xúi đứa khác hửi. Những bộ râu mà bọn tôi sẽ
bắt chước lấy lá chuối xé te tua nhái theo. Mũ mão kết bằng lá mít, lá dừa thay
lông công; khăn tắm làm chiến bào; để hát tiếp khi gánh hát nhổ cọc ra đi, trả
lại chợ làng quê những buổi trưa hè cho bọn tôi và vài con chó mắt ghèn lang
thang quanh sạp thịt.
Đến đời gánh Hoa Sen, Vinh Quang về làng thì đã có máy đèn,([8]) nhưng chỉ đủ cho mấy cái bóng đỏ
chạch chớ không có micro, đào kép vẫn gân cổ lên hát. Cái máy đèn để tuốt khá
xa nhà lồng chợ cũng hơi khổ cho cô Hai Gạo, ông Thầy Chín, bác Hai Lía, và cả
bác Ba Tùng kế nhà tôi, vì dù đặt giữa sân sau nhà lồng nhưng lại phía trước
nhà mình. Tuy nhiên không phải máy đèn không biết lâu lâu dở chứng, đang hát tự
nhiên ánh sáng sụm sụm xuống rồi đi luôn, tối thui. Người lớn hơi lào xào nhưng
cái đám coi cọp bọn tôi thì lợi dụng bóng tối làm reo um sùm khi đèn cầy,([9]) đèn khí đá chưa kịp sáng lên.
Gánh Vinh Quang đến làng tôi một thời gian thì vào mùa mưa. Tôi còn quá
nhỏ để hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy mỗi chiều chuyển mưa thì có khi trả vé
vì bán quá ít. Qua nhiều ngày như vậy, tôi thấy ba tôi kêu chú Hoàng Ân tới nhà
ăn cơm. Hồi đó má tôi nấu cơm tháng cho chú Tám Cảnh Trung thợ sửa đồng hồ. Có
chú Hoàng Ân ăn cơm chung nói chuyện làm bữa cơm vui hơn thường ngày. Gì chớ
chú kép hát tới nhà mình ăn cơm, với tôi là sự kiện lớn có thể đem khoe cùng
chúng bạn.
Trời mưa dầm nhưng sáng nhà lồng chợ vẫn bán và chắc trời mưa không biết
đi đâu nên đào kép nhân viên trải ghế bố la liệt bên hàng ba trường học, có cả
cô đào chánh Ngọc Xê. Mấy chú hậu đài lấy cây sào dài bằng tầm vông rồi kiếm mủ
sa kê quệt vô đầu sào để bắt chim se sẻ. Tối mấy chú xách thùng thiếc quơ đuốc bắt
cóc nhái nhiều lềnh khênh trong mấy đụt vườn quanh chợ. Tôi từng nghe kể ở quê
nhà Chợ Lách họ còn đi lãnh vá lu kiếm sống.
Vài lần tôi thấy cô Ngọc Xê ngồi câu cá lòng tong trong mương vườn ông Tư
Hộ mà trong mắt tôi cô vẫn là Thoại Khanh, là Xuân Nương. Chú kép chánh Út Tứ
thì hành tung có gì đó bí ẩn vì tôi thấy chú vắng ra tiệm chú Bảy Dól. Những
ngày không có chú Hoàng Ân hay chú Bảy Phiêu Lưu ăn cơm, tôi nghe loáng thoáng
ba tôi nói với chú Tám Cảnh Trung rằng ông Tư Bốn hổm rày nhiều lần cho gạo (vì
nhà ông Tư chủ chợ bán gạo). Tôi cảm thấy có một biến cố gì đó với gánh hát.
Ba tôi vốn là chủ tịch nghiệp đoàn nghệ sĩ từ những năm 1955 ở Vĩnh Long,
nên với gánh hát cải lương về làng ba tôi coi như đồng nghiệp. Gánh nào về hát
vài ngày là ba tôi quen ngay và làm cầu nối với người địa phương. Mỗi đêm diễn,
ông hay ra sân khấu ca vài bản nhỏ giúp vui cho khán giả trước giờ mở màn. Vài
lần ông còn thay chú Hoàng Ân diễn thuyết. Từ chỗ thân tình đó ba tôi hay góp ý
trao đổi với các nghệ sĩ về nghề nghiệp. Chính ba tôi phê bình nghệ danh của
chú Bảy Phiêu Lưu rồi đặt luôn cho chú tên mới là kép Thanh Bai. Vài năm sau
nhà tôi về Long Xuyên, ba tôi gặp lại chú Thanh Bai hát cho một đoàn trung ban.
Chú hờ hững lạt lẽo sao đó mà ba tôi về buồn tình kể lại cho má tôi nghe.
Không biết đoàn Vinh Quang rã gánh như thế nào, lúc nào tại chợ Phú An. Chú
Hoàng Ân hay nằm võng nhà tôi ca hết bài nầy tới bài khác mà tôi mến nhất. Lúc
chia tay gia đình tôi ra sao, cô Ngọc Xê ra đi bao giờ, bác Bầu Luông và phông
màn đồ đạc chở đi đâu. Tôi chỉ còn nhớ chú Út Tứ lấy vợ Phú An, nghỉ hát về làm
vườn lập nghiệp luôn ở Ông Cối. Mỗi lần đò chú Bảy Nhiệm chở học trò Phú An đi
học ở Cái Bè qua lại ngang Ông Cối, tôi luôn ngoái tìm. Chú Út Tứ bây giờ quần
đùi, áo ngắn, nón lá, cuốc dựa bên vai, tay quấn thuốc rê, ngồi nhả khói trầm
ngâm bên đám chuối còi cọc mới trồng lơ thơ tàu lá trong nắng sớm mưa chiều mà
tôi vẫn mường tượng đó là chàng hoàng tử đẹp trai lãng mạn bên cô công chúa
Ngọc Xê ngày nào không biết bây giờ đang trôi dạt về đâu.
NHƯ KHÔNG ĐẶNG CÔNG TẠO
(Trích hồi ký Chợ Làng Năm Cũ)
* Tác giả là cựu học sinh
trường trung học Tống Phước Hiệp (Vĩnh Long). Sau năm 1975 trường đổi tên là
trung học phổ thông Lưu Văn Liệt. Văn Uyển chân thành cảm tạ tác giả Như Không
Đặng Công Tạo đã hoan hỷ cho phép in lại bài viết trên, và bài thơ Sông Quê, trong tập Hanh này.
([1]) Aida: Nhãn hiệu một loại đèn măng-xông (manchon). Trên vỏ bình chứa dầu hỏa có
logo chạm nổi là vòng tròn bao bọc hình con nai đang co chân phóng đi. Đây là một
sản phẩm danh tiếng của hãng AIDA
Gesellschaft fur Beleuchtung und Heizung AG bên Đức.
([7]) hạng vé cá kèo: Đi coi hát cải lương nếu
mua vé hạng nhất được ngồi ghế sát sân khấu, hạng nhì và hạng ba cũng ngồi ghế
nhưng xa sân khấu hơn, còn hạng cá kèo thì xa sân khấu nhất. Khán giả hạng cá
kèo đứng chen chúc nhau, kẻ xô người đẩy, giống như đàn cá kèo đầu mùa mưa, cả
đàn hàng ngàn con, hàng vạn con, dày đặc một khúc sông hay kinh rạch. Đàn cá kèo
trôi theo dòng nước, không đủ chỗ bơi nghiêng nên phải bơi đứng. Trên bờ chỉ
thấy lô nhô những đầu là đầu.