CAO ĐÀI TÂY NINH 1930
HÌNH XƯA ẢNH CŨ…
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Alfred Stieglitz (1864-1946, người Mỹ) từng nói
như một triết gia: “Trong nhiếp ảnh có một sự thật tế vi đến nỗi nó còn thật hơn
cả sự thật. / In photography there is a
reality so subtle that it becomes more real than reality.”
Một cái tên danh giá khác trong nghệ thuật nhiếp ảnh là Sally Mann (sinh
năm 1951, cũng người Mỹ, Mann là họ của chồng). Không như Stieglitz, bà Mann nói
rất thơ mộng: “Những tấm ảnh mở ra những cánh cửa đưa vào quá khứ … / Photographs open doors into the past ...”
Mượn lời Sally Mann, tôi muốn nói rằng một hình xưa ảnh cũ liên quan tới đạo
Cao Đài là một cánh cửa mở ra, mời gọi chúng ta hôm nay bước lùi vào không gian
cổ kính để gặp gỡ các tiền nhân của mình mà không cần tới cỗ máy thời gian như
nhà văn Herbert George Wells (1866-1946, người Anh) hư cấu với tiểu thuyết The Time Machine (London: Nhà xuất bản William
Heinemann, 1895).
Thật vậy, đối với những ai quan tâm tìm hiểu lịch sử đạo Cao Đài thì hình
ảnh luôn luôn là một loại tài liệu rất quý, vừa sống động, vừa xác thực và cụ
thể giúp người nay tái ngộ người xưa. Một trong những nhiếp ảnh gia lừng lẫy thế
giới có công lưu giữ cho chúng ta một số góc cạnh của đạo Cao Đài buổi ban sơ là
Walter Bosshard.
Sinh ngày Thứ Ba 08-11-1892 tại làng Samstagern (quận Horgen, tổng Zürich,
nước Thụy Sĩ) và tạ thế ngày Thứ Ba 18-11-1975 tại thành phố Ronda (tỉnh Málaga,
Tây Ban Nha), nhiếp ảnh gia kiêm ký giả Bosshard đã có mặt để tác nghiệp trong
nhiều sự kiện lịch sử thế giới như lễ đăng quang của quốc vương Mohammad Nadir
Shah nước Afghanistan (tháng 10-1929), như cuộc tuần hành muối (the Salt March) từ 12-3-1930 tới 05-4-1930
dưới quyền lãnh đạo của nhà tranh đấu bất bạo động Gandhi để phản kháng ách thuế
khóa và độc quyền về muối của thực dân Anh… Chân dung Bosshard (trang 94) được
chụp năm 1938 tại Diên An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa, khi ông đang hành nghề tại
đất nước này. Cũng trong thập niên 1930, ông còn đặt chân tới Đông Nam Á, và có
mặt ở thánh địa Tây Ninh vào năm 1930, lúc những nhát cuốc, những đường phảng
khai phá rừng còn tươi dấu miền hoang địa.
Trong số hai mươi hai tấm ảnh đen trắng của Bosshard được in lại ở những
trang sau đây, tôi thường trầm ngâm mỗi khi nhìn hai ảnh chụp các đồng nhi mộc
mạc đang cúng thời trong thánh thất tạm ở Tây Ninh gần chín mươi năm trước
(trang 103). Kìa, tấm ảnh dưới, cô bé thứ hai ở hàng đầu, miệng đang hồn nhiên
mở ra đọc kinh, và tôi nghĩ ngay đến một con chim non đang há mỏ tập hót. Tấm ảnh
trên, cô bé quỳ phía sau, bìa phải, đang liếc mắt nhìn ra, có lẽ hiếm hoi cô mới
có dịp nhìn thấy một “ông Tây” thân thiện đang chỉa ống kính vào nhóm đồng nhi
các cô.
Trước hai ảnh các đồng nhi là hai ảnh các tiền nhân Cao Đài đang quỳ cúng
thời (trang 102). Ảnh trên, lúc các vị đang rạp mình xuống lạy, chúng ta thấy rõ
ba đôi bàn chân trần thô ráp của những người quen lao động nhọc nhằn. Ba đôi bàn
chân đó ắt đã từng bao phen giẫm lên gai góc của đất rừng Tây Ninh trong quá trình
khai phá để mở ra không gian bao la, khoáng đãng cho một Đền Thánh uy nghi, lộng
lẫy hôm nay.
Các cô bé đồng nhi đáng yêu và các Giáo Hữu, Lễ Sanh, đạo hữu trong bốn tấm
ảnh cúng thời nói trên giờ đây hẳn là chẳng còn một ai sót lại sau biết bao thăng
trầm lịch sử và dòng chảy thời gian. Còn chăng với chúng ta lúc này là những khoảnh
khắc đã được ống kính của Bosshard lưu giữ, để chúng ta có thể thấy tiền khai
Phạm Hộ Pháp ở tuổi bốn mươi, hãy còn trẻ lắm, ánh mắt tinh anh (trang 107), và
có dịp ngắm tiền khai Thượng Đầu Sư tuổi tây năm mươi bốn, nom còn tráng kiện
(trang 106), vậy mà bốn năm sau đó ngài lại quy thiên! Phải chăng cái khắc nghiệt
dư thừa của miền đất vừa mới khai hoang, cái eo hẹp thiếu thốn muôn bề của Hội
Thánh sơ khai, cái nhọc nhằn lao tâm khổ tứ của bậc Thiên ân hướng đạo trung kiên…
tất cả đã mau chóng rút cạn sinh lực vị Anh Cả tài đức của Đại Đạo?
Xin nhớ ơn Walter Bosshard và những vị bấy lâu âm thầm tiếp nối nhau lưu
truyền hình xưa ảnh cũ của ông, để hôm nay bạn đọc Văn Uyển được nhìn thấy như
sau đây.