Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

ĐĐVU 22: DIỆU NGUYÊN

ÁNH SÁNG CỦA TRẦN GIAN

Phúc Âm (Matthêu 5:14) chép lời Chúa Giêsu dạy các tông đồ: “Anh em là ánh sáng của trần gian.”
Ánh sáng ấy là chi? Chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu Kitô bảo các tông đồ hãy đem ánh sáng đạo lý soi đường cho nhân thế vượt ra khỏi bóng đêm tăm tối của tội lỗi, của thù hận rẽ chia, của bạo lực, của chiến tranh đau thương tang tóc, của bao nỗi bất hạnh khổ đau kiếp người. Thế nên, đạo lý là ngọn đuốc sáng được đốt lên giữa đêm trường tăm tối. Đức Thánh Trần Hưng Đạo dạy:
“Hỡi chư hiền! Đời càng hỗn loạn, đạo càng phải trị.
Đời toan tách rời đạo, đạo bắt buộc phải đi vào đời. Đời đã xa đạo, đạo phải tha thiết kêu gọi người đời. Ngọn đuốc thiêng không bao giờ đốt lên khi trời quang đãng, mà chính phải dùng trong đêm tối âm u.” ([1])
Và một khi ánh sáng đạo lý soi rọi đến đâu thì màn đêm tội lỗi sẽ tan biến dần đến đó. Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy:
“Hễ ánh sáng đạo đức chơn lý chiếu rọi đến đâu thì những màn đêm hắc ám và những muỗi mòng, ruồi nhặng tan biến dần đến đó.” ([2])
Thật vậy, nếu con người biết sống đúng theo luân lý tam cang ngũ thường thì trong xã hội làm gì có cảnh kẻ làm quan buôn dân bán nước, tham nhũng, nhận hối lộ hay là con giết cha, vợ giết chồng... Nếu con người hiểu rằng tất cả nhân loại đều là anh em cùng một Đấng Cha chung Thượng Đế thì làm gì có cảnh phân biệt chủng tộc, kỳ thị rẽ chia gây nên những cuộc khủng bố, chiến tranh tang tóc khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy ánh sáng đạo lý rất cần thiết cho xã hội nhân loại đang chìm đắm trong màn đêm tối tăm tội lỗi của buổi hạ nguơn.
Thế nhưng, Đức Minh Đức Đạo Nhơn lưu ý:
“Chỉ sợ e rằng mình không rọi được ánh sáng ấy cho quang minh chói lọi mà thôi.” ([3])
Lời dạy này nói lên vai trò của người tín hữu các tôn giáo. Mình đây chính là chúng ta, là người đã giác ngộ trước, có trách nhiệm cầm ngọn đuốc đạo lý soi đường cho nhân thế thoát khỏi cảnh tối tăm tội lỗi. Nói một cách khác, mỗi đạo hữu là một ngọn đuốc, là ánh sáng của thế gian.
Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu dạy các tông đồ: “Anh em là ánh sáng của trần gian.” Ngày nay, Đức Mẹ dạy các bậc lãnh đạo giáo đồ (trang hướng đạo), người chơn tu phải là cây đuốc thần hay ngọn đèn huệ.
Đuốc thần cậy trẻ soi chơn lý
Đèn huệ nhờ con rọi niết bàn.([4])
Chơn lý hay đạo lý vẫn luôn hiện hữu, ẩn tàng trong thiên nhiên và trong cuộc sống của vạn loại, thế nhưng phải cậy đến đoàn người giác ngộ đi trước làm cây đuốc thần soi cho thế nhân nhìn thấy chơn lý, hiểu được chơn lý và thực hành chơn lý.
Niết bàn là cõi cực lạc hay thiên đàng vẫn luôn hiện hữu, thế nhưng muốn đến được niết bàn cần phải biết đường đi. Các hàng hướng đạo, bậc chơn tu chính là ngọn đèn huệ để soi rọi con đường cho nhơn sanh đi đến niết bàn.
Muốn làm ngọn đèn huệ hay cây đuốc thần soi đường cho thế nhân thì mỗi người hướng đạo, bậc chơn tu phải luôn khêu tỏ ánh sáng Đạo tự hữu, đó là ánh sáng nội tâm hay tâm đăng không bao giờ tắt trong lòng mỗi người.
Trong quyển Góp Nhặt Cát Đá (Sa Thạch Tập) của Thiền Sư Vô Trú (Muju) có câu chuyện như sau:
Thời xưa bên Nhật, ban đêm người ta thường dùng đèn lồng bằng tre thắp ngọn nến bên trong. Một người mù đến thăm bạn vào ban đêm và khi ra về được bạn tặng cho cái đèn lồng để soi đường đi. Người mù bảo: “Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.”
Người bạn đáp: “Tôi biết anh không cần đèn để soi đường nhưng nếu anh không mang đèn thì người khác có thể đâm sầm vào anh đó. Anh nên cầm một cái.”
Người mù nghe nói chí lý nên đồng ý cầm chiếc đèn lồng. Anh đi được một quãng khá xa thì bỗng đâu có người đang vội, chạy đâm sầm vào anh. Người mù la lên: “Coi kìa, đi đâu vậy? Không thấy đèn của tôi sao?”
Người kia đáp: “Đèn tắt từ đời tám hoánh rồi ông ơi!”
Dụ ngôn này ngụ ý rằng giá trị đích thực của sự sáng phải xuất phát từ bên trong mỗi người chứ không phải thứ gì vay mượn từ bên ngoài.
Nếu một tín hữu nhập môn vào đạo lâu năm mà không ra sức tu sửa bản thân, khoát vén tảo trừ những lớp tham sân si, lục dục thất tình đang phủ mờ điểm Đạo tự hữu mà Thượng Đế đã ban cho mỗi người thì họ chỉ khoác bên ngoài chiếc áo đạo, còn bên trong vẫn cứ là một tâm hồn phàm phu, làm sao có thể trở thành ngọn đèn sáng để soi đường cho bản thân mình và cho nhơn sanh trở về bến khởi nguyên của vạn loại là Thượng Đế Chí Tôn.
Ánh sáng ấy có được là nhờ quá trình thực tu thực chứng của mỗi người. Đó là quá trình thực hành công quả phụng sự giúp ích cho tha nhân, công trình luyện kỷ trau giồi tâm hạnh, công phu tham thiền tịnh định để đạt được trí huệ minh triết. Đức Mẹ dạy:
“… ngọn đèn từ huệ, hay ánh sáng tâm đăng cũng thế. Đó là bí quyết tu hành của Kỳ Ba đại ân xá. Ánh sáng vị tha sẽ rọi sáng lòng ích kỷ, ánh sáng bác ái sẽ rọi sáng bóng tối hẹp hòi, ánh sáng tình thương sẽ phá tan màn đêm u tối, ánh sáng từ bi sẽ dẫn lối cứu khổ của cuộc đời, ánh sáng công phu sẽ phá tan màn lưới vô minh, ánh sáng công quả sẽ chan hòa tánh hẹp hòi bon chen ích kỷ, ánh sáng phúc đức sẽ tiêu rỗi nghiệp chướng tiền khiên, ánh sáng nhơn hòa sẽ phá tan phái phe kỳ thị. Mà các con trong hàng Thiên ân hướng đạo cho đến các hàng tín hữu môn sanh, mỗi mỗi con đều có ánh sáng thiên lương, thiên phú, từ lâu vì bị nhơn dục lấp che, phàm ngã phủ mờ, làm cho các con tối tăm trên bước đời hoạn lộ. Nay Tam Kỳ Phổ Độ, Trời hé máy Thiên cơ vạch đường chỉ lối cho tu, ráng tập luyện công trình, công quả, công phu, thì chắc chắn một kiếp sẽ được thành công đắc quả. Một niệm lành sẽ phá tan muôn nghiệp dữ. Đó là lời dạy chót Mẹ nhắc cho các con tạc dạ ghi lòng để mà tu mà tiến, mà đắc mà thành. Đừng vọng tâm nghe thầy hay sư lạ, rồi chạy quẩn chạy quanh, khó thoát khỏi lưới bàng môn tả đạo nghe các con.([5])
Các Đấng thiêng liêng còn nhắc nhở hàng môn đệ Cao Đài phải ý thức những điểm sau đây:
1. Ai ai cũng đều có điểm Đạo tự hữu trong nội tâm. Thế nên, tất cả mọi người, dù ở vị trí nào trong xã hội cũng đều có thể làm ánh sáng cho trần gian. Đừng nghĩ rằng chỉ có bậc xuất gia tu hành vào chùa nhập thất mới làm được sứ mạng cứu độ quần sanh.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Hôm nay Bần Đạo nhìn thấy chư hiền đệ, hiền muội tất cả đều có một điểm đạo mầu sáng chói tận tâm linh. Hãy khêu lên cho tỏ rạng. Hãy trau dồi cho sáng suốt linh động.
Dầu mỗi người mỗi việc, hoàn cảnh có khác nhau nhưng điểm đạo mầu không khác. Chỉ có một điều đáng tiếc nếu chư hiền đệ, hiền muội lãng quên trong giây phút, ngày lại tháng qua để mờ tối lấp che, rất uổng một nguyên nhân hạ thế.
Mỗi người mỗi sứ mạng, từ xã hội cho đến đạo giáo đều là sứ mạng Thiêng Liêng có đặt để. Không phải cần đến sắc phục hình tướng của người tu hành mới làm được sứ mạng cứu độ quần sanh nếu chưa cải tạo được hoàn cảnh. Cũng không cần vào chùa nhập thất mới cứu độ được quần sanh nếu thiếu điều kiện hoặc phương tiện.
Muốn cứu độ quần sanh, muốn tạo đời thái bình an lạc, muốn tạo Tiên tác Phật, làm quân tử trượng phu đều do nơi tâm linh và hành động của con người trong vị trí. Phải hiểu rõ ràng như vậy để mà tu.” ([6])
2. Muôn việc làm ở thế gian muốn thành công đều cần có lòng kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi nghịch cảnh khó khăn trở ngại. Bậc hướng đạo hay người chơn tu là những người đang cầm ngọn đèn đi trong đêm tối soi đường cho thế nhân cũng phải kiên nhẫn vượt qua mọi hoàn cảnh và giữ cho ngọn tâm đăng của chính mình luôn cháy sáng. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Chư hiền đệ, hiền muội đã ý thức được sự mầu nhiệm cao thâm của đạo lý, đã ý thức được trách vụ của mình trong cơ chấn hưng đạo đức, sửa thế lập đời thuần lương thánh đức, thì hãy thận trọng kiên trì với trách vụ để vượt qua lúc phong ba bão tố, nghịch cảnh quay cuồng trong thời thất điên bát đảo.
Là những người cầm ngọn đèn đi trong đêm tối, không vì lý do gì làm cản trở trì trệ bước đi của kẻ cầm đèn rọi đường cho nhơn loại.
Là những người tiền phong, cần phải biết trước cái biết của thế nhân, hiểu trước cái hiểu của người đời, phải tốt hơn cái tốt của phàm tục, phải hy sinh trước cái hy sinh của thế nhân.
Các bậc giáo chủ ngày xưa hay suy nghĩ những cái người đời chưa suy nghĩ, hay làm những cái người đời chưa từng làm, hay nói những điều người đời chưa từng nói, mà cũng hay xem thường những cái người đời thường quý trọng.” ([7])
Lần khác, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Đối với lòng người tu hành học đạo, không nên vướng mắc vào chỗ sáng tối của ngoại cảnh, mà hãy luôn luôn khêu tỏ ngọn tâm đăng để soi sáng cho chính mình trong thế cuộc, đó mới đúng lẽ Đạo của người tu.” ([8])
3. Không ai đốt đèn rồi để bên dưới cái chõng mà phải để trên cao để ánh sáng lan tỏa khắp không gian. Đức Giêsu dạy (Matthêu 5:13-16):
Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.”
Lời dạy này có ý nói người tín hữu hãy mạnh dạn đem đạo vào đời để phụng sự nhơn sanh, đem ánh sáng đạo lý đến xua tan bóng đêm tội lỗi của cuộc đời chứ không phải chỉ tu cho riêng mình, chỉ thắp ánh sáng đạo cho riêng mình. Đức Cao Triều Phát Tiền bối dạy:
Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời.([9])
Đi vào đời chính là hội nhập vào cuộc sống nhân thế, hòa vào các hoạt động của xã hội, của cộng đồng.
Đức Chúa Giêsu có lần giáng cơ dạy người môn đệ Cao Đài như sau:
“Ta đã đến với nhơn sanh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rít đêm đông. Có người đã bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt s đắm chìm của nhơn loi.” ([10])
4. Đừng nghĩ rằng ánh sáng của mình quá yếu ớt không đủ sức soi rọi cho cuộc đời. Nhiều ngọn đèn nhỏ hợp lại sẽ tỏa sáng khắp nơi. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Ngọn đèn dầu nhỏ đến đâu cũng đem ánh sáng đến cho đêm tối, từ đạo tâm cá nhân đến đạo tâm đại đồng, sẽ chuyển được thế cuộc hung tàn trở nên thánh thiện.” ([11])
Một buổi tối tại sân vận động Los Angeles (Mỹ), ông John Keller là diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng một trăm ngàn người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và cho tắt tất cả đèn. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối. Ông nói: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm thì hãy hô to: Đã thấy!”
Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: “Đã thấy!”
Ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.”
Rồi một giọng nói vang lên: “Tất cả những ai có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”
Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.
Ông John Keller kết luận:
“Tất cả chúng ta cùng hợp lực có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống không tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác.”
*
Mỗi người môn đệ Cao Đài, từ người tín hữu bình thường cho đến bậc hướng đạo đều phải là ngọn đèn sáng soi đường cho chính mình và cho thế nhân vượt ra khỏi bóng đêm tăm tối của vô minh, của tội lỗi, của bất hạnh khổ đau để trở về với Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ.
Chúng ta hãy cùng ghi nhớ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
Hãy đem đạo lý tình thương, đem ngọn tâm đăng soi sáng cho mọi người và gia công hành đạo giúp đời bằng cách khêu ngọn tâm đăng cho tất cả mọi người. (…)
Là bực tín hữu hay hướng đạo cũng thế. Hãy chuẩn bị mọi điều kiện, mọi mặt cho ngọn tâm đăng soi rọi đêm trường đang dày đặc, cho mọi người sớm hưởng ánh sáng vinh quang, thanh bình, an lạc trong nếp sống đạo lý.
Tâm đăng soi sáng giúp cho mình
Tâm đạo trau dồi được tuệ minh
Cầm đuốc rọi đường cho đại chúng
Phổ truyền giáo lý độ nhơn sinh.([12])
DIỆU NGUYÊN




([1]) Minh Lý Thánh Hội, 09-01 Mậu Thân (07-02-1968).
([2]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 19-02 Nhâm Tý (24-3-1972).
([3]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 19-02 Nhâm Tý (24-3-1972).
([4]) Vạn Quốc Tự (Chơn Lý Đàn), 15-8 Ất Tỵ (10-9-1965).
([5]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-02 Đinh Tỵ (03-4-1977).
([6]) Chơn Lý Đàn, 01-4 nhuần Giáp Dần (22-5-1974).
([7]) Minh Lý Thánh Hội, 08-12 Đinh Mùi (07-01-1968).
([8]) Minh Đức Tu Viện, 13-01 Ất Mão (23-01-1975).
([9]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1967).
([10]) Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).
([11]) Minh Đức Tu Viện, 13-01 Ất Mão (23-01-1975).
([12]) Minh Lý Thánh Hội, 21-9 Kỷ Dậu (01-11-1969).