Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

ĐĐVU 22: ĐẠI CƠ MINH


PHÒNG KHÁM TỪ THIỆN LIÊN TÔN Ở TAM TÔNG MIẾU


Tôn giáo không ngoài mục đích đem tình thương và lẽ thật đến nhân loại. Tình thương đó không thể giữ kín trong lòng mà phải biểu lộ ra ngoài bằng hành động cụ thể. Đó có thể là giúp người hoạn nạn qua cơn ngặt như cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, phát chẩn cho người nghèo, phát thuốc cho người bịnh…
Tam Tông Miếu được hình thành vào năm 1927. Đó là một cái chùa nhỏ trong xóm nghèo, đa số bổn đạo là công tư chức, nhưng xuất phát từ mối đồng cảm với người lao động nghèo, các bậc tiền khai đã dành một khoảng không gian nhỏ tại chùa để mở Tặng Dược Thất trị bịnh bằng nhân điện và tặng thuốc cho đồng bào. Thất trị bịnh này do tiền bối Âu Minh Chánh (1896-1941), vị khai sáng đạo Minh Lý và là chủ trì đầu tiên của Tam Tông Miếu. Khi lãnh trách nhiệm hạ phàm cùng các đạo hữu, tiền bối được Tây Phương Phật Tổ cho phép dùng thần thông linh dược mà độ thế cứu vớt nguyên nhơn.([1])

Tặng Dược Thất hoạt động đến cuối năm 1941, ngài Minh Chánh quy liễu, sau đó chiến tranh xảy ra phải tạm ngưng.
Vào thập niên 1960, bác sĩ Nguyễn Hồng Luông (thánh danh Khai Tâm) khi nhập môn cầu đạo, có thiện ý mở lại Tặng Dược Thất để chẩn đoán và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vào mỗi buổi chiều. Tiền bối đã xin phép Đức Thánh Trần Hưng Đạo và được Ngài hoan hỷ chấp thuận. Lúc đó, Tặng Dược Thất nằm bên cánh hữu Nữ Chiêu Đãi Sở của Tam Tông Miếu.
Năm 1974 Tặng Dược Thất dời qua căn phố 80/1 Cao Thắng, quận 3, cho phù hợp tầm phát triển nhờ có thêm các bác sĩ, dược sĩ và nha sĩ (nhổ răng) cộng tác như: bác sĩ Tuyết Nguyễn (con gái tiền bối Khai Tâm), bác sĩ Nguyễn Thọ Trường và vợ là bác sĩ Tuyết, bác sĩ Dương Văn Thiệt, bác sĩ Nguyễn Hữu Khoát, bác sĩ Huỳnh Đình Đại, bác sĩ Nguyễn Bá Linh, dược sĩ Ngô Thị Tư, nha sĩ Liễu…
Sau tháng 4-1975, hoàn cảnh xã hội thay đổi, Tặng Dược Thất chỉ còn là phòng đông y châm cứu từ thiện do tiền bối Tiếp Cơ Quân Liên Hoa (thế danh Đàm Thi) chăm sóc. Thời gian này, ngoài việc chữa trị nhiều người bệnh tiền bối còn đào tạo được một số lương y châm cứu mà phần lớn là các thầy, nữ tu Công Giáo… Một trong các lương y đó là nữ tu Nguyễn Thị Lý (dòng Phan Sinh).
Tặng Dược Thất lại ngưng hoạt động vào đầu thập niên 1990.
Để tiếp tục săn sóc người bệnh một cách bình đẳng, hòa ái, không vụ lợi, đem đến cho đồng bào những chăm sóc y tế tối thiểu cần thiết về Tây y lẫn y học cổ truyền, Tặng Dược Thất được tái lập vào tháng 4-2011 với tên gọi “Phòng Khám Từ Thiện 82 Cao Thắng”, và nay là “Phòng Khám Miễn Phí 82 Cao Thắng”. Đây là nơi chung tâm và chung tay của các bác sĩ, lương y, nhân viên thiện nguyện, và nhất là các nhà hảo tâm. Tấm bảng khiêm tốn của phòng khám mang những dòng chữ như sau:


KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ
PHÒNG KHÁM NỘI TỔNG HỢP
SỐ CCHN: 04044/SYT-GPHĐ
PHÒNG CHẨN TRỊ CHÂM CỨU
SỐ CCHN: 04299/SYT-GPHĐ
Địa chỉ: 82 CAO THẮNG, phường 4, quận 3, TpHCM
Thời gian làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu, từ 14g đến 16g

Nhân sự của phòng khám hoặc là không tôn giáo, hoặc là tín đồ nhiều tôn giáo khác nhau: Minh Lý Đạo, Cao Đài, Thiên Chúa, Phật Giáo… nhưng tất cả cùng chung tấm lòng phụng sự Thiên ý bằng cách phụng sự nhơn sanh.
Theo thánh ngôn Minh Lý thuở khai đạo, Đức Thái Thượng Đạo Tổ có giáng bút cho biết Đức Gia Tô rất vui lòng chịu nhọc giúp Tam Giáo hoằng khai, và Đức Đạo Tổ có ban cho Bài Cầu Nguyện để những người tu phụng sự nhơn sanh có thêm thần lực khi trị bệnh như sau:
Cầu Tam Giáo ban ơn giúp đức
Độ cho tôi gắng sức công thành
Dẫu rằng tôi tài lực chưa rành
Thần Thánh giúp trị lành bịnh giảm.
Lòng tin tưởng oai Trời thâm cảm
Chẳng Ơn Trên đâu dám tự chuyên
Xin Thiên Tôn sai khiến chư Tiên
Giùm thêm sức thiêng liêng thần lực.
Chữa lành bịnh gội nhuần ân đức
Kẻ tật nguyền đặng dứt tai ương
Thói kiêu căng, tật đố chẳng vương
Lòng thành kỉnh giữ nương mùi Đạo.
Nhờ Giáo Chủ Gia Tô chế tạo
Cứu nhơn dân hảo hảo an khương
Ngày xét suy đạo lý cho tường
Thời thấy rõ diệu phương linh dược.
Xưa băm sáu diệu phù chế lược
Giúp nhơn loài hưởng phước đặng yên
Nay hoằng khai Minh Lý đạo thiền
Xin Trời Phật viễn miên trợ lực.
Giúp đặng cả bịnh căn nhiều bực
Tùy tín thành giảm dứt tai ương
Nhờ anh linh liên mẫn thường thường
Chúng môn đệ miên trường khấu bái.
Bài Cầu Nguyện cho thấy người chữa bịnh không chỉ cầu Tam Giáo Tổ Sư, mà còn cầu cả Đức Gia Tô Giáo Chủ và như vậy sự hợp tác giữa các tôn giáo để chữa bệnh như hiện nay không phải là mới mẻ. Bệnh nhân tìm đến một phòng khám trong cơ sở tôn giáo như Tam Tông Miếu ở số 82 Cao Thắng hẳn trong lòng sẵn mang đức tin, như lời Đức Giêsu dạy: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (Matthêu 7:7); “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” (Máccô 5:34).
Phòng Khám Từ Thiện đảm nhiệm việc khám bệnh, phát thuốc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu để chữa các bệnh từ thông thường như cảm, ho, đau nhức, ngoài da… cho đến các bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, xương khớp. Phòng Khám hoạt động năm buổi chiều trong tuần từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Ngoài ra còn sử dụng ECG (đo điện tâm đồ) cho các bịnh nhân có vấn đề về tim mạch, siêu âm bụng tổng quát, đo độ loãng xương, đường huyết khi cần. Hiện đang cộng tác với phòng khám gồm có:
- Các bác sĩNguyễn Tấn Trí, Trương Hoài Phúc, Trần Phú Khóa, Lê Bá Trường, Nguyễn Duy Tính, Đặng Thị Mỹ Anh, Châu Hữu Trí, Thành Công
- Các lương yVũ Thị Mỹ Linh, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Chúc, Trần Bạch Mai
- Các dược sĩNgô Thị Tư, Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Lê Chơn Tâm, Dương Thị Hoa, Quách Nguyệt, Tống Ngọc Lang, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Cúc Thủy
Cùng với một số anh chị em thiện nguyện, tất cả các vị thầy thuốc nói trên đã dành nhiều thì giờ để trò chuyện, han hỏi người bệnh nhân, ngõ hầu an ủi cả tâm hồn lẫn xoa dịu nỗi đau thể xác. Giống như người cha trong dụ ngôn Tin Mừng (Luca 15:11-32), không đóng cửa lòng mình đối với bất kỳ con cái nào của Thượng Đế, Phòng Khám Từ Thiện luôn đón nhận mọi người bệnh nhân với tinh thần bình đẳng, không phân biệt, đúng như lời Kinh Cầu Nguyện của môn sanh Minh Lý Đạo:
Nguyện đem cả tình thương san sẻ
Cho mọi người, mọi kẻ, mọi nơi
Năm châu cũng một bầu trời
Cũng sanh, cũng diệt, cũng đời khổ đau
Cùng mang Tình Thương phụng sự Lẽ Thật, các thành viên bấy lâu chung sức nơi Phòng Khám Từ Thiện đều cùng đức tin rằng chữa bệnh cho anh chị em mình chính là thực hiện nhiệm vụ do đấng Thượng Đế trao cho.
Qua gần sáu năm hoạt động, Phòng Khám Từ Thiện đã ghi nhận một số kết quả như sau:


Có được kết quả nêu trên là cậy nhờ rất nhiều vào các nhà hảo tâm, các hội đoàn, tôn giáo bạn, các bậc thiện đức gần xa, đã trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ bằng công sức, tiền bạc, dụng cụ, nuôi dưỡng cho Phòng Khám Từ Thiện hoạt động hữu hiệu và lâu dài. Thật vậy, công việc xoa dịu phần nào nỗi đau thể xác và tinh thần, an ủi, giúp đỡ người đang khốn khó, không thể chỉ là việc làm của một cá nhân, một tổ chức, một tôn giáo, mà phải là sự tham gia, cộng tác giữa đông đảo con người, đoàn thể.
Nơi đây xin mượn lời Đạo Đức Thiền Sư (trong Kinh Giác Thế, phẩm Nhơn Ngã Giải) để thành tâm tán thán công đức của các bậc thiện đức đã góp công quả vào Phòng Khám Từ Thiện:
May sang giàu phú túc hữu dư
Làm phương tiện bổ hư tế khổn
Như không của, lấy công giúp khốn
Cũng làm lành khỏi tốn bạc tiền
Giữ tánh ngay từ huệ tương liên
Thời minh đạo phước duyên gặp đến.
Và đây là lời Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. (…) Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Luca 6:36, 38)
ĐẠI CƠ MINH
Môn sanh Minh Lý Đạo




([1]) Xem thêm: Đại Cơ Minh, Tiền Bối Minh Chánh: Cuộc Đời Và Đạo Nghiệp”, in trong Đại Đạo Văn Uyển Tập Hanh (14). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 81.
Một số hình ảnh về Phòng Khám Từ Thiện Liên Tôn ở Tam Tông Miếu