Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

ĐĐVU 22: NGÔ THANH ĐÂY


RA GIÊNG CÂY CẢI LÊN NGỒNG

Mỗi độ Giêng về trong vườn nhà tôi hoa cải nở vàng. Tôi rất thích hoa cải, nhìn những ngồng hoa đong đưa trong nắng gió với những chú ong đang chập chờn thì thật là đẹp. Những cây cải đó do ba tôi chọn lựa để làm giống cho mùa sau, đó phải là những cây cải tốt nhất của khu vườn. Nhà tôi thường để giống nhiều để khi hàng xóm cần thì cho. Tôi thích hoa cải nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ không còn cùng ba chăm sóc những luống cải để chuẩn bị cho mùa tết, không còn được ngắm nhìn những bông hoa cải trong vườn nhà mình.
Tháng Giêng năm ấy, năm tôi mười sáu tuổi - cái tuổi đẹp như một ngồng cải đang khoe mình trong nắng mới - tôi xin ba má cho tôi gia nhập nhà tu Trí Huệ.([1]) Và từ mùa xuân năm ấy tôi không còn quây quần bên gia đình trong những ngày tết nữa, không còn ra vườn dạo mỗi sáng để ngắm nhìn hoa cải nữa, không còn chạy nhảy trên cách đồng quê nữa…
Đem tuổi xuân bù chì non nước
Mượn hồn xuân vun tược quén chồi
Lẽ Trời sáng tỏ khắp nơi
Đạo Trời cứu vớt mọi người thế gian.
Tuổi xuân ấy tạo đoan vĩ nghiệp
Hồn xuân là nối tiếp vạn linh
Mùa xuân là ánh bình minh
Thanh niên tu sĩ hy sinh lên đường.([2])
Vào nhà tu Trí Huệ, ngày ấy tôi là út. Không vào một lần với mấy anh, tôi vào sau đó một tháng. Ngày ra mắt nhà tu mới là ngày tôi biết đến nhà tu. Hồi đó tôi muốn được đi học, thấy mấy anh học tôi thích lắm. Tôi học dốt, thi lớp Chín lên lớp Mười rớt, ở nhà, rồi vô Sài Gòn lao động. Mười lăm tuổi, dãi nắng dầm sương, thấm mệt nên quyết chí về đi học. Cơ duyên sao không biết lại đưa tôi vào nhà tu. Quả thực đó là cơ duyên, tôi không thể đem một lý luận nào để nói cho hợp lý cả. Không chán đời, không thất tình, nghèo nhưng cũng đủ sống, cũng không hiểu tý gì về đạo pháp, chưa có khái niệm giải thoát hay thương Thầy mến Đạo... Ngày ấy, đi để mà đi. Nếu không đổ thừa cho chữ duyên thì tôi cũng không biết nói thế nào.
Mười sáu tuổi, cái tuổi còn ham ăn ham ngủ. Ấy thế mà khi vào nhà tu, phải dậy sớm thức khuya, nhưng tôi vẫn vui, mặc dù có những buổi chiều lên lớp ngủ gật. Nhìn lại quãng thời gian ban đầu tám anh em sống với nhau thật là nhớ. Hồi đó, một ngày, buổi sáng làm vườn, buổi chiều lên lớp; từ Thứ Hai đến Thứ Sáu; Thứ Bảy họp kiểm điểm; Chủ Nhật được nghỉ ngơi. Thành quả lao động đầu tiên của anh em nhà tôi là ao diếp cá trước nhà. Khi tôi vô thì ao diếp cá đã được trồng rồi. Sở dĩ tôi nhớ ao diếp cá là thành quả đầu tiên vì đó là nông sản đầu tiên của nhà tu tôi chở ra chợ bán. Sau này tôi còn đi bán cà, bán sả, bán hoa tươi...
Khu vườn Tỉnh Đạo đất chẳng những không tốt mà còn khó làm. Mùa nắng đất rất khô, mùa mưa úng ngập. Vì vậy, những thành quả tuy đơn sơ đó đủ là niềm vui của anh em nhà tôi rồi. Mỗi buổi chiều lên lớp, như đã nói, tôi buồn ngủ lắm, tay chống cằm, con mắt lim dim. Nhưng trước khi vào học tôi thích được là người bắt kinh:
Ai còn mê lo bề khử ám
Gắng mà tu đừng phạm giới quy
Nương theo quyền pháp lần đi
Thẳng đường giải thoát tư duy tu hành.
Ai đã giác chí thành ôn tập
Sớm chiều toan xây đắp nền nhân
May duyên gặp được Thánh Thần
Chỉ phương luyện kỷ độ trần thoát mê.
Từ đây trọn lời thề tin cậy
Cậy nơi Thầy mới thấy huyền cơ
Dọn lòng trong sạch đón chờ
Hạnh tu xứng đáng chớ mơ ảo huyền.
Tu phải đủ nhẫn kiên tinh tấn
Dẹp được lòng hờn giận câu mâu
Tuân nghe theo kẻ làm đầu
Chị (anh) em hòa thuận phép mầu mới linh.
Phải dặn lòng đinh ninh chung thủy
Phải luôn luôn lập chí vững bền
Khó khăn cứ mãi tiến lên
Đói no nguyện một không quên nghĩa tình.
Đó là trích đoạn bài thánh giáo Đức Ngô Minh Chiêu dạy nhà tu Phước Huệ Đàn trong buổi đầu thành lập. Nghe bác Ba ([3]) nói lúc xưa nhà tu nữ khi lên lớp học lấy đoạn trích này đọc làm kinh vào học; thấy ý nghĩa phù hợp với tu sĩ nên bác cũng lấy đoạn này làm kinh vào học cho nhà tu Trí Huệ. Đoạn này tôi không những đọc ở trên lớp mà đọc bất kỳ lúc nào, khi vui lẫn khi buồn. Đoạn tuy ngắn nhưng đầy đủ, dạy khi còn mê, khi đã tỉnh, dạy đời sống cá nhân lẫn đời sống tập thể. Lời thơ giản dị mà thâm thúy. Hành trang mang đi trên đường tu học không chỉ có đoạn này, tôi cũng thường ngâm ngẫm đoạn thơ của cụ Giáo Sư Nguyễn Khoa Trường, đó là bài Tâm Niệm Của Người Tu Sinh:
Tu sinh tự nguyện quyết ra đi
Hành lý mang theo có những gì
Một tấm bạch y ngời chánh khí
Với hồn Thiên Nhãn tuyệt dung nghi
Với câu thánh giáo thơ muôn điệu
Với nhạc Trung Hưng khúc diệu kỳ
Bảo vật chừng bao, bao ước nguyện
Nguyện cầu tu chứng độ huyền vi.
Nhờ những câu thánh thi muôn điệu tôi đã dần định hướng con đường đi cho mình. Vài tháng sau khi vào nhà tu, tôi đi học lớp Mười. Tôi học bổ túc vào ban đêm. Ban ngày vẫn sinh hoạt như mấy anh. Hồi đó, được đi học là vui lắm! Nhờ chương trình bổ túc nhẹ nên tôi có thể tốt nghiệp trung học phổ thông, điều mà lúc trước tôi nghĩ sẽ rất xa vời. Tốt nghiệp phổ thông, tôi lại mơ ước được bước vào giảng đường đại học. Mỗi tối đi học về, đạp xe ngang qua trường Đại Học Quảng Nam, tôi tự nói với mình rằng một ngày nào đó sẽ chính thức bước chân vào nơi ấy. Và rồi tôi thi rớt, uớc mơ bị trì hoãn. Đó là thành công bị trì hoãn chứ không phải thất bại, tôi nghĩ thế, điều quan trọng là mình biết tại sao mình rớt.
Năm sau tôi thi lại. Năm thi lại có thời gian ôn bài nhiều hơn, không như năm trước có phần phân tán do đúng vào thời gian tôi thi thì Tỉnh Đạo tổ chức lễ kỷ niệm bảy mươi lăm năm khai đạo tại Quảng Nam và bốn mươi năm thành lập thánh đường Quảng Nam. Lần này, xin bác Ba cho thi ở Sài Gòn, nhưng bác không cho, nói thi Quảng Nam mà còn không đậu nói chi Sài Gòn; với lại cái ngành này có ở Quảng Nam thì cứ học ở đây đã. Nhưng rồi tôi cũng thi đậu, cánh cửa trường đại học tôi đã mở ra…
Cũng năm vào đại học, tôi không còn là út nữa. Tôi đã có em. Đó là chú Thêm. Chú Thêm quê ở Đức Linh, Bình Thuận. Chú được ba má gởi ra thánh thất Thái Hòa học thuốc. Thái Hòa là quê ngoại của chú nên chú được cậu mợ quan tâm nhiều. Cậu mợ chú muốn chú có môi trường tu tập nên gởi vào nhà tu. Chú vào nhà tu tháng Giêng năm Tân Mão (2011). Nhà tu nhận chú và cho thử thách một năm như quy định với người dưới hai mươi lăm tuổi rồi mới làm đơn vào nhà tu. Chú Thêm sinh năm 1994, nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Mới vào nhà tu chú rụt rè, nhút nhát, khác xa với chú bây giờ, là người hoạt bát, lanh lợi, lanh đến nỗi chú cũng thường ăn hiếp tôi. Chú cũng vừa học hết lớp Chín nên cũng như tôi, chú học lớp bổ túc cho hết chương trình phổ thông.
Chú Thêm vào đầu năm thì cuối năm nhà tu đón thêm một tu sinh nữa, đó là huynh Long. Huynh Long quê ở họ đạo Trung Phước An, Đắc Lắc. Huynh lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi. Huynh có thời gian tu tập tại Trung Phước An lâu rồi, nay mới gia nhập nhà tu.
Huynh Long vào nhà tu đúng lúc quá. Lúc trước, công việc vườn tược Tỉnh Đạo do huynh Vui phụ trách, nhưng cuối năm này nhà tu được một đạo hữu cho mượn khu vườn ở Lâm Đồng canh tác, nhà tu điều huynh Vui và huynh Hóa vô đó canh tác. Đã ít người, nay phải chia ra nữa nên sinh hoạt nhà tu không được nề nếp như lúc đầu. Những lúc nghỉ hè tôi cũng vô phụ với hai huynh. Dịp hè cũng là mùa thu hoạch trái cây nên sự có mặt của tôi cũng có ích nhiều. Khu vườn ấy cho thu nhập cũng cao nhưng nhà tu thiếu người quá nên phải trả lại sau hơn hai năm canh tác.
Đầu năm 2013, chú Thêm không còn là út nữa. Chú phải nhường vị trí đó lại cho chú Lâm. Chú Lâm cùng quê với huynh Long. Chú sinh năm 1997. Tuy là út nhưng chú Lâm có vẻ trưởng thành hơn, không phải vì đầu tóc chú bạc, mà chú cũng to con và tính tình có vẻ người lớn.
Giữa năm 2013, nhà tu tiếp nhận thêm một tu sinh nữa, đó là chú Kiệp. Chú Kiệp quê ở họ đạo Từ Vân, Quảng Nam. Chú bằng tuổi với chú Thêm. Ban đầu, chú xin vô Tỉnh Đạo ở trọ đi học, rồi hay qua nhà tu chơi với mấy anh em, thích cuộc sống ở nhà tu nên xin gia nhập luôn. Điều hay là gia đình chú chỉ có mình chú là con trai mà ba má chú cũng cho chú xuất gia, đó là một hy sinh rất lớn của ba má chú.
Sau chú Kiệp là huynh Tư Thuần. Huynh Tư gia nhập nhà tu giữa năm 2015, lúc này tôi đã xa nhà tu rồi. Thêm huynh Tư nhà tu thêm sinh khí, vì huynh biết chơi một số nhạc cụ, mấy anh em trẻ thích lắm. Huynh Tư quê ở họ đạo Trung Hiệp, huynh đã có công việc ổn định ở khoa dược một bệnh viện, nhưng vì chí nguyện phụng sự, huynh nghỉ việc để gia nhập nhà tu, đó cũng là một cống hiến mà không phải ai cũng làm được. Nhân nói về điều này, huynh Nguyên cũng đã nghỉ việc ở bệnh viện đa khoa tỉnh để trọn lo công việc nhà tu. Nhìn thấy mấy huynh nhà mình xả thân cầu đạo tôi vui lắm.
Sau huynh Tư, người có thể gọi là út của nhà tu bây giờ là Giáo. Giáo gia nhập anh em Trí Huệ sau huynh Tư đúng một năm, nghĩa là bây giờ mới được mấy tháng, còn mới toanh! Nhưng với nhà tu, Giáo không xa lạ gì, vì thỉnh thoảng Giáo cũng hay vô nhà tu chơi với mấy anh em. Giáo cùng họ đạo với tôi, cũng là đàn em Hưng Đạo của tôi. Hồi xưa tôi tuy đã vào nhà tu nhưng mỗi sáng chủ nhật đều về sinh hoạt với gia đình Hưng Đạo. Lúc đầu Giáo là một đoàn sinh, sau này cũng tập tành làm trưởng. Và bây giờ tôi đã đi xa, không còn sinh hoạt ở gia đình Hưng Đạo Trung Khánh nữa thì Giáo là người tiếp tục đi trên con đường tôi đã đi. Không biết rằng, trên con đường ấy, Giáo có nghe đâu đó những lời lời ca Hưng Đạo, những âm vang thánh truyền thúc giục không, vì mỗi buổi sáng Chủ Nhật đạp xe từ Tam Kỳ về tôi thường mang trên mình hành trang là những bài ca, những đoạn thánh giáo tràn đầy chí nguyện để ngâm cho xua đi mệt nhọc như lời bài Khúc Hát Đường Dài: Đường gập ghềnh sao thắng nổi lòng trai / Cứ bước bước hăng say cho ngắn con đường dài / Vượt đường này ta sẽ gặp ngày mai / Nhớ đến lũ em ta, ta sẽ quên đường dài...
Tôi tin rằng những lời như thế vẫn còn đọng đâu đó bên hàng cây, trong thớ đất, mà chỉ có những người đồng chí, đồng tâm mới cảm nhận được…
Cuộc sống của tôi ở nhà tu suốt thời gian qua luôn phải chia làm hai. Vừa sinh hoạt ở nhà tu, vừa đi học ở trường nên không chu toàn bằng mấy anh em khác. Dường như tôi dành cho việc học ở trường nhiều hơn nên những buổi học của nhà tu tôi thường ít tham gia. Ngay cả bây giờ tôi cũng xa nhà tu, xa mấy anh em, xa cái nơi mình gắn bó gần mười năm qua, xa cái cảnh thanh bình ấy mà lại sống giữa cảnh phồn hoa tấp nập thì thật là một nỗi khó khăn với tôi.
Chốn thành thị chỉ tiện cho việc học, còn cuộc sống thì không đơn giản chút nào. Nhiều lúc thấy nhớ cái cảnh trăng thanh gió mát của đất Tam Kỳ, nhớ hàng dừa xanh, nhớ tiếng chim cu đất trưa hè, nhớ đàn sáo tung tăng đùa giỡn kiếm ăn, nhớ tiếng chim quốc kêu dưới bờ ao mỗi đêm hè, nhớ cái phòng nhỏ trên Báo Ân là nơi tôi thưởng thức cuộc sống yên bình.
Những lúc ở nhà tu, căn phòng nhỏ trên Báo Ân là nơi tôi thường tới. Ở đó, khi đọc sách mỏi mắt thì có thể ra ban công phía sau, leo lên bồn nước ngồi thưởng trăng thanh gió mát. Có lúc, nhìn ánh sao trời, ngâm mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương (bài Đăng Trình): Đêm đêm ta dõi mấy từng cao / Tìm một không gian mới lạ nào / Lấp lánh quê trời thơ hẹn bến / Giam mình quả đất mãi hay sao?
Tôi đọc sách, tiếp được những ý hay của tác giả thì thường gấp sách lại, đi dạo vài vòng để nó thẩm thấu vào tâm hồn, chiêm nghiệm… rồi mới đọc tiếp. Cũng có lúc nửa đêm nghe tiếng chim quốc dưới bờ ao gọi vang mà ngẫm hai câu của Nguyễn Trọng Thuật trong truyện Quả Dưa Đỏ: Nhờ con chim quốc đêm hè / Non sông hiu quạnh ai nghe mà gào.
Có lẽ tôi là người nội tâm nên thường vui buồn cùng những trang sách, con chữ. Những lời hay, ý đẹp tôi thường ghi nhớ để làm hành trang trong cuộc sống. Nhiều khi tôi lại tìm thấy chính tôi trong những trang sách, và cũng chính ở nơi đây tôi tìm thấy những lý tưởng cao đẹp...
Đã mười năm trôi qua, thời gian nhanh quá! Nếu nhìn về phía mười năm nữa thì sao nhỉ? Tôi ước mong nhà tu không những là tu viện mà còn là học viện. Được tiếp xúc với các cơ sở đào tạo và tu dưỡng của các tôn giáo bạn tôi nhìn về phía mình mà phải dặn lòng gắng lên. Mình còn thua người nhiều. Biết rằng con đường phía trước còn lắm gian nan, mong sao cho các anh em đồng tâm vững chí, cùng chung sức, chung lòng cho nhà tu ngày một phát triển, để cho thế hệ đàn em mình có một cơ sở quy củ, thuận lợi hơn trên bước đường tu học và phụng sự.
Cất gánh tang bồng trả nợ trai
Làm sao khỏi thẹn tiếng râu mày
Đường đường bảy thước thân nam tử
Thuyền đã ra khơi há dễ quày.([4])
NGÔ THANH ĐÂY



Văn Uyển chú thích:
([1]) Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có hai nhà tu của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, cách nhau khoảng ba cây số:
A. Nhà tu Phước Huệ Đàn dành cho nữ phái, hiện nay có hai dòng: (a) dòng tu Bảo Thọ gồm các chị không lập gia đình; (b) dòng tu Chơn Giác gồm các chị đã có chồng con, sau khi thu xếp việc nhà yên ổn thì xin nhập dòng, thọ quy giới tu hành.
B. Nhà tu Trí Huệ dành cho nam tu sinh, nam tu sĩ không lập gia đình. Trước đây nhà tu tạm đặt tại thánh đường Quảng Tín. Sau mười năm “tạm trú”, ngày 18-02-2017 nhà tu khởi công xây dựng cơ sở nằm trong khuôn viên thánh đường Quảng Tín (nay gọi thánh đường Quảng Nam, nhưng vẫn giữ bảng tên cũ Quảng Tín trên mặt tiền).
([2]) Đức Cao Triều Phát, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29-12 Bính Ngọ (08-02-1967).
([3]) Bác Ba: Giáo Hữu Thượng Thuần Thanh, Trưởng Ban Điều Hành nhà tu Trí Huệ.
([4]) Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo, thánh thất Trung Thành, ngày 15-01 Canh Thìn (Thứ Năm 22-02-1940).