GIÓ BỐN PHƯƠNG
Gió muốn
thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
* Hiền hữu Trần Huỳnh Kim (138 Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ,
tỉnh Quảng Nam). Thư ngày 12-10-2016:
Lời trước tiên xin kính chúc quý huynh tỷ trong Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo vạn sự an lành trong hồng ân Thượng Đế. Sau đây kính nhờ Văn Uyển giải thích hộ:
Trong quyển Một Dòng Bát Nhã (trang 14, dòng 2) có câu: “Thượng đức bất đức, hạ đức chấp đức, chấp trứ chi giả bất minh đạo đức”. Nhưng
đọc trong Thanh Tĩnh Kinh thấy chép
là “… chấp trước chi giả bất minh
đạo đức”. Vậy chữ nào đúng? trứ hay trước?
Huệ Khải: Chữ 著 đọc trứ hay
trước đều được. Do đó, 執著 có hai cách đọc: chấp trứ
/ chấp trước. (Cách đọc chấp trước
phổ thông hơn.) Cũng vậy, 著作 có hai cách đọc: trứ tác / trước
tác (nghĩa là viết văn, soạn sách).
Cảm ơn hiền hữu đã gởi Văn Uyển Xuân Đinh Dậu (2017)
ba cặp câu đối. Tuy nhiên, để có Văn Uyển Xuân Con Gà gởi đi các tỉnh và cao
nguyên trước ngày 23 tháng Chạp Bính Thân (Thứ Bảy 20-01-2017), chúng tôi phải
hoàn tất bản thảo rất sớm, để chóng hoàn thành thủ tục xuất bản rồi lại đưa đi
in thì mới kịp có sách phát hành trong tháng 12-2016. Rất mong hiền hữu tiếp
tục cộng tác.
*
* Hiền muội Thái Thị Hương (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng
Tháp). Thư ngày 17-10-2016:
Dân gian xưa nay truyền nhau mấy chữ Canh cô
Mồ (Mậu) quả với ý rằng tuổi ai có kèm chữ Canh, sẽ sống
đời lẻ loi, đơn độc (cô); kèm chữ Mậu thì muộn đường chồng con (quả).
Cháu tuổi Mậu Dần, nghe nói vậy dù không tin lắm nhưng đôi khi nghĩ ngợi cũng
thấy băn khoăn. Cháu xin Văn Uyển giúp ý kiến.
Huệ Khải: A. Cô 孤 (tính từ) là lẻ loi, đơn độc. Quả 寡 (tính từ) là ít ỏi. Phụ nữ chồng chết, hoặc năm mươi tuổi
mà chưa có chồng đều gọi là quả. Ghép
hai chữ lại thì cô quả (danh từ) có
nghĩa là trẻ mồ côi và bà góa.
Cô quả
là hai trong bốn phận người kém may mắn mà xưa kia Đức Mạnh Tử đã tỏ lòng
thương xót. Sách Mạnh Tử, thiên (tức chương) Lương Huệ Vương, hạ,
chép: Già không vợ gọi là quan, già không chồng gọi là quả, già không con gọi là độc, nhỏ không cha gọi là cô. Bốn hạng này là những dân
cùng khổ trong thiên hạ, có khổ cũng
không biết kể lể với ai.()
B. Mậu và Canh là
can thứ năm và thứ bảy trong Thập Can (tức Thiên Can) gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý).()
Theo Thuyết Văn Giải Tự 說文解字 của Hứa Thận 許慎 (sinh khoảng năm 58, mất khoảng năm 147) thì ý
nghĩa của hai can Canh và Mậu đều có nghĩa tốt đẹp, chẳng dính
dáng gì tới cô, tới quả!
Tác giả Phạm Thị Hảo viết: “... sách Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đời Hán
giải thích: ‘Giáp là vỏ, muôn vật sơ
sinh, phải phá vỡ vỏ mà ra. Ất là uốn
mềm, vạn vật sinh ra, mềm mãi quanh co mà lớn dần lên. Bính là sáng, vạn vật được mặt trời chiếu sáng, ấm nóng mà phát triển.
Đinh là mạnh mẽ, vạn vật ngày càng lớn
lên mạnh mẽ. Mậu là rậm rạp, cây cỏ ngày càng tốt tươi. Kỷ là ghi nhớ, vạn vật định hình có thể ghi nhớ hình dạng. Canh
là thay đổi, vạn vật vừa phát triển vừa đổi thay liên tục. Tân là cay, lại giống với Tân
là mới, vạn vật luôn thay cũ đổi mới. Nhâm
là hoài thai, vạn vật lớn lên rồi mang cái nhân mới trong mình. Quý là tiêu đi, vạn vật phát triển cực độ
ắt phải tiêu đi thay mới.” ()
C. Xét như thế, ta chẳng nên dễ tin mấy chữ Canh cô Mồ (Mậu) quả. Nếu là người có học
đạo, tu thân lập đức theo chánh pháp, bền tâm với chánh tín thì chẳng phải bận
lòng về những điều vu vơ, mê tín lưu truyền trong dân gian.
*
* Hiền hữu Nguyễn Bình Thuận (điện thoại: 09153565xx). Nhắn tin ngày 20-10-2016:
Thầy Tử Lộ hỏi về việc “thành nhân”. Đức Khổng Tử
nói: “Nếu có cái ý chí của Tang Vũ Trọng, cái thanh khiết của Mạnh Công Xước,
cái dũng khí của Biện Trang Tử, cái tài nghệ của Nhiễm Cầu là có thể thành nhân
vậy.” Xin Văn Uyển cho chúng em biết về bốn vị hiền nhân quân tử ấy. Xin cảm ơn
Văn Uyển. Kính.
Lê Anh Minh: Câu hỏi và đáp của thầy Tử Lộ và Đức Khổng được chép
trong Luận Ngữ (Hiến Vấn, 12) như sau:
Tử Lộ hỏi về thành nhân, Đức Khổng Tử nói: “Nếu
có trí tuệ của Tang Vũ Trọng, lòng thanh cao quả dục của Mạnh Công
Xước, dũng cảm của Biện Trang Tử, tài nghệ của Nhiễm Cầu, và lại biết dùng lễ nhạc để tạo thành văn
vẻ của mình, thì cũng có thể là thành nhân vậy.” Ngài nói tiếp: “Người thành
nhân ngày nay phải thế nào? Thấy món lợi bèn nhớ điều nghĩa [mà chẳng dám phạm].
Thấy thế nguy bèn hy sinh không tiếc mạng. Bình sinh khi giao ước điều gì thì dẫu
[cùng khốn] bao lâu cũng không quên. [Người như thế] cũng có thể là thành nhân
vậy.” ()
Bốn nhân vật được Đức Khổng nêu tên là:
Tang Vũ Trọng 臧武仲: Tên là Tang Tôn Hột 臧孫紇, húy là Vũ 武, làm quan đại phu
nước Lỗ, thông minh tài đức, vì không ưa bọn gian thần lộng quyền nên bỏ sang
nước Tề. Tề Trang Công cấp đất cho ông, nhưng ông biết trước Trang Công không sống
lâu, nên từ chối. Sau khi Trang Công bị giết, ông không bị liên lụy. Trang Vũ
Trọng được nhắc tới trong Luận Ngữ
(Hiến Vấn) và Tả Truyện (Tương Công 襄公 năm 23).
Công Xước 公綽: Tức là Mạnh Công Xước 孟公綽, làm quan đại phu nước Lỗ,
là người thanh cao quả dục. Công Xước được nhắc tới trong Luận Ngữ (Hiến Vấn), Tả Truyện
(Tương Công 襄公 năm 25), và Sử Ký
(Trọng Ni Đệ Tử Liệt Truyện).
Biện Trang Tử 卞莊子: Tức là Quản Trang Tử 管莊子, Biện Nghiêm Tử 卞嚴子, Biện
Trang Tử 辨莊子, làm quan đại phu ở ấp Biện 卞 của nước
Lỗ, dũng mãnh hơn người. Có lần trong chiến tranh giết bảy mươi quân địch, chiến
đấu quá sức mà chết. Trong Sử Ký
(Trương Nghi Liệt Truyện) có chép truyện Biện Trang Tử đâm chết hai con cọp.
Nhiễm Cầu 冉求: Tức là Nhiễm Hữu 冉有, tự là Tử Hữu 子有, là một trong thập
triết 十哲 (mười đại
đệ tử của Đức Khổng, được thờ trong Khổng Miếu: Mẫn Tử Khiên, Bá Ngưu, Trọng
Cung, Tể Dư, Tử Cống, Tử Hữu, Tử Lộ, Tử Du, Tử Hạ, Tử Trương). Trong Luận Ngữ, tên Nhiễm Cầu xuất hiện ba lần,
Nhiễm Hữu mười một lần, và tự Tử Hữu ba lần.
*
* Hiền hữu Bùi
Thiện Khánh (xã
Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Thư ngày 10-11-2016:
Kinh Tam Thừa
Chơn Giáo của Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho -
Tam Quan, quyển 1 còn có tên là Phẩm Tiểu
Thừa. Cao Đài Chiếu Minh có kinh Đại
Thừa Chơn Giáo. Học giả Trần Trọng Kim viết
Phật Giáo Thuở Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay (Tân
Việt xuất bản 1952, 88 trang), ở đầu
trang 9 là tiêu đề: PHẬT GIÁO TIỂU THẶNG VÀ ĐẠI THẶNG. Xin vui lòng cho tôi hỏi: THẶNG và THỪA có khác nhau không? Chữ nào
đúng?
Lê Anh Minh:
Khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc (khoảng giữa hai đời Tiền Hán và Hậu Hán), hai
thuật ngữ tiếng Phạn (Sanskrit) Mahāyāna và Hīnayāna được dịch âm hoặc dịch nghĩa sang chữ Hán. Trong hai thuật
ngữ này, ý nghĩa các thành tố là:
Yāna: cỗ xe. Dịch âm là 衍 (âm Hán Việt là diễn), dịch nghĩa là 乘 (thặng).
Mahā: lớn. Dịch âm là 摩訶 (âm Hán Việt là ma ha), dịch nghĩa là 大 (đại), 上 (thượng), 妙 (diệu), 勝 (thắng), 無上 (vô thượng), 無上上 (vô thượng thượng), 無等 (vô đẳng), 無等等 (vô đẳng đẳng).
Hīna: nhỏ. Dịch âm là 希那 (hi na), dịch nghĩa là 小 (tiểu).
Như vậy,
Mahāyāna (cỗ xe lớn) được dịch là: 大乘 (đại thặng), 上乘 (thượng thặng), 妙乘 (diệu thặng), 勝乘 (thắng thặng), 無上乘 (vô thượng thặng), 無上上乘 (vô thượng thượng thặng), 無等乘 (vô đẳng thặng), 無等等乘 (vô đẳng đẳng thặng), 摩訶衍 (ma ha diễn). Phổ thông nhất là đại thặng. Người phương Tây dịch sang tiếng Anh là: the greater vehicle, the great vehicle, the
big vehicle.
Hīnayāna (cỗ xe nhỏ) được dịch là: 小乘 (tiểu thặng), 希那衍 (hi na diễn). Phổ thông nhất là tiểu thặng. Người phương Tây dịch sang tiếng Anh là: the small vehicle, the lesser vehicle.
Vấn đề ở
đây là chữ 乘 có âm Hán Việt là thặng và thừa.
1. Danh
từ thì đọc là THẶNG; âm Bắc Kinh [shèng] = cỗ xe. Thí dụ: thiên thặng chi quốc 千乘之國 (nước có ngàn cỗ xe); bách thặng chi gia 百乘之家 (nhà có trăm cỗ
xe).
2. Động
từ thì đọc là THỪA; âm Bắc Kinh [chéng] = cưỡi (ngựa), đi (xe), thừa (cơ / thắng).
Thí dụ: thừa phong phá lãng 乘風破浪 (lợi dụng gió rẽ sóng); thừa thắng truy kích 乘勝追擊 (thừa thắng đuổi đánh).
Xét theo
ý nghĩa của thành tố yāna (cỗ xe), chữ 乘 nên đọc là thặng.
Trong cuốn
Phật Giáo Thuở Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay
học giả Lệ Thần Trần Trọng Kim dùng chính xác hai danh từ tiểu thặng và đại thặng.
Cách phiên âm tiểu
thừa và đại thừa không rõ bắt đầu
phổ thông ở Việt Nam từ khi nào. Tuy nhiên, vì đại chúng đã quen với cách đọc
là đại thừa và tiểu thừa, nên ít ai muốn sửa lại là đại thặng và tiểu thặng.
Khi giáng cơ tả kinh Cao Đài, các Đấng thiêng liêng thuận theo thói quen của
chúng sinh nên vẫn gọi là thừa (như Tam Thừa Chơn Giáo, Đại Thừa Chơn Giáo...).
*
* Hiền hữu Trương Lâm (lamtruong...@yahoo.com.vn). Điện thư 15-11-2016):
Kính nhờ Văn Uyển phân biệt
giúp ý nghĩa “chân diện mục” và “bản lai diện mục”.
Lê Anh
Minh:
Diện mục 面目 (diện mạo 面貌): Khuôn mặt (face),
vẻ mặt (countenance). Thí dụ: diện mục khả tăng 面目可 憎 (mặt mày dễ ghét).
Chân
(chơn) diện mục 真面目: Một từ thông thường, nghĩa là chân (chơn) tướng 真相 của sự vật
(true identity, true colours, true
features).
Bản (bổn)
lai 本來:
Cũng như nguyên lai 原來, nghĩa là vốn dĩ, nguyên là, xưa nay (original; originally).
Bản lai
diện mục 本來面目: Một thuật ngữ Phật Giáo (sau này dùng phổ thông như
thành ngữ) nghĩa là bản tính xưa nay (nguyên thủy, cố hữu) của
con người.
Cụm từ bản lai diện
mục bắt nguồn từ Lục Tổ Đàn Kinh (phẩm Hành Do). Đàn
Kinh chép chuyện nhà sư Huệ Minh (697-780) cầu pháp ở Lục Tổ Huệ Năng:
Huệ Minh làm lễ và nói: “Xin hành giả vì
tôi mà thuyết pháp.” Huệ Năng nói: “Ông vì pháp mà tới, hãy dừng hết mọi duyên,
chớ sinh một niệm gì, tôi vì ông mà thuyết.” Một hồi lâu, Huệ Năng nói: “Chớ
nghĩ tới thiện, chớ nghĩ tới ác; chính ngay lúc ấy, cái gì là mặt thật xưa nay [bổn lai diện mục] của
thượng tọa Huệ Minh?” Nghe mấy lời ấy, Huệ Minh đại ngộ. ()
*
* Hiền tỷ Phạm Thị Th. (giáo viên nghỉ hưu, cù lao Châu Ma, ấp Phú Thuận, huyện
Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Thư ngày 08-12-2016:
Trong quyển Thánh Giáo Sưu Tập Năm Bính Ngọ
- Đinh Mùi 1966-1967, do Cơ Quan Phổ
Thông Giáo Lý Đại Đạo ấn tống (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010), trang 373, có lời dạy
của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc như sau:
“Ngày xưa nơi
binh thơ, Tôn Tử đã mở đầu một câu: Công tâm vi thượng, công thành thứ chi.
Đó là nhà Nho cách mạng, còn hàng hướng đạo nỡ lại để thua sao?”
Cuối trang có in dòng chữ Nho
cho câu nói của Tôn Tử mà không dịch nghĩa. Vậy, kính nhờ Văn Uyển vui lòng giải
nghĩa giúp tôi.
Huệ Khải: Hiền tỷ trọng kính, lâu lắm mới
thấy hiền tỷ có thư cho Văn Uyển, sau tập Hanh (6) năm 2013 và tập Nguyên (9)
năm 2014, quả thật tệ đệ rất vui.
Chú thích (2), trang 373, bản in hiền tỷ đã nói
trong thư, đã in sai hai chữ 公
và 成 , lẽ ra là 功 và 城. Xin sửa cả câu là: 功心為上, 功城次之. Câu này có nghĩa: Đánh vào
lòng người là hay nhất (thượng sách), đánh thành trì thì không bằng (kém hơn). Câu
này được xem là khuôn vàng thước ngọc cho chiến tranh tâm lý (psychological
war, psy-war).
Có một tích rất hay về chiến pháp công tâm. Khi quân Lưu Bang (Hán) bao
vây tám ngàn quân Hạng Võ (Sở) tại Cửu Lý San ở phía bắc thành Từ Châu, Trương
Lương (Hán) nghĩ ra cách tránh một cuộc đại chiến gây thương vong thảm hại cho
cả đôi bên. Ông sáng tác một bài hát bi ai để khơi dậy lòng thương nhớ gia
đình, quê hương của quân Sở, rồi tập cho quân Hán hát với tiếng sáo áo não phụ
họa. Bấy giờ là tháng Chín âm lịch, đêm khuya lặng lẽ, giọng hát bi thương, tiếng
sáo u buồn cứ vọng mãi vào tai, lòng quân Sở càng lúc càng tan tác, ý chí chiến
đấu không còn, chỉ trong một đêm quân Sở rủ nhau đào ngũ gần hết. Trận đó không
đánh mà quân Hán đại thắng. Tương truyền bài hát ấy của Trương Lương gọi là Bi Ca Tán Sở 悲歌散楚 (Bài hát
buồn đánh tan quân Sở), gồm 304 chữ, hai câu mở đầu: Cửu nguyệt thâm thu hề, tứ dã phi sương, / Thiên cao thủy hạc hề, hàn
nhạn bi thương. Hà Thượng Nhân -
tên thật Phạm Xuân Ninh (1920-2011) -
dịch cả bài như sau:
Tiết tháng Chín, trời cao nước
cạn
Bốn bề sương tiếng nhạn bi ai
Gì hơn lính thú cõi ngoài
Tấm thân vò võ hôm mai đoạn trường
Bãi cát trắng nắm xương vô chủ
Ðã mười năm bác mẹ mong chờ
Vợ con đơn chiếc bơ vơ
Ruộng tuy có đó bây giờ ai
trông
Kẻ hàng xóm rượu đong dù sẵn
Biết làm sao nâng chén cùng vui
Bạc phơ mái tóc ngùi ngùi
Sớm hôm tựa cửa, con tôi chốn
nào
Tiếng trẻ khóc nghe vào đứt ruột
Ôi! Ngựa Hồ gió bấc kêu thương
Huống ai đất khách canh trường
Lòng nào chẳng nhớ cố hương cho
đành
Trước gươm giáo tử sanh thế đó
Xương thịt này lấp xó, vùi
nương
Cô hồn không chỗ tựa nương
Hùng tâm tráng sĩ hoang đường
mà thôi
Lúc canh vắng ai ơi tỉnh lại
Sở sắp tan, mau phải tìm đường
Hãy nên tự vấn thiên lương
Mới mong thoát khỏi tai ương
tày đình
Ta lãnh ý Cao Xanh nhân đức
Soạn lời ca, ai thức nào ai
Nếu như biết được mạng Trời
Quăng gươm bỏ giáo xin mời về
đây
Vua nhà Hán xưa rày tha thiết
Vì nghĩa nhân không giết quân
hàng
Muốn về sẽ được về làng
Chứ đừng giữ trại khi lương
không còn
Chỉ mai mốt quân dồn bốn phía
Bắt Hạng Vương: ngọc đá thành
tro
Hỡi ai, quân Sở hiểu cho
Thanh âm nước Sở dặn dò đồng
hương
Nghe tiếng sáo Trương Lương réo
rắt
Nghe lời ca Yên Thất nỉ non
Chín tầng mây thẳm chon von
Gió thu có thấy héo hon tấc
lòng
Nước Sở mất đừng hòng bỏ chạy
Thời cơ đâu có đợi chờ ta
Lời lời nhắn nhủ thiết tha
Nên chăng, phải trái thật là
phân minh
Anh em hỡi, này tình, này lý
Lọt vào tai phải nghĩ nông sâu
Kíp nên tính liệu làm sao
Chần chờ khi hối tài nào kịp
cho.
(Sáng 07-6-1986)
Trở lại với bài thánh giáo tại thánh thất Bình Hòa
ngày 26-12 Đinh Mùi (Thứ Năm 25-01-1968), Đức Phạm Hộ Pháp nhắc nhở các bậc hướng
đạo Cao Đài nhớ đến hai chữ công tâm trong
binh pháp Tôn Tử, tức là hãy biết thu phục nhân tâm (đắc nhân tâm) để làm sáng
danh Thầy, rạng danh Đạo, sao cho nhơn sanh có lòng ngưỡng mộ, cảm mến đạo Cao
Đài. Thế nên, Đức Phạm Hộ Pháp dạy:
“Mọi việc đều ở
lòng người, mà lòng người là nhơn tâm. Nhơn tâm là Tòa Thánh, là thánh thất, là
nhơn sanh, là đạo nghiệp.
Muốn được nhơn tâm, phải tu luyện
cho mình cái đắc nhơn tâm, mới là thành công vậy.” (tr. 373)
*
* Hiền huynh Nguyễn Quốc Huân (daibuong20xx@yahoo.com.vn). Điện thư 20-12-2016:
Kính gởi Văn Uyển bài thơ cuối
năm. Đính kèm.
Huệ Khải: Hiền huynh kính mến, điện thư
hiền huynh đến vào buổi sáng, lúc 10 giờ 19. Bài thơ hay quá làm mình... lúng
túng, bởi lẽ Văn Uyển tập Nguyên (mừng xuân Đinh Dậu) in xong rồi, in sớm cho kịp
phát hành đầu năm 2017. Nếu in bài thơ “Đông Chí” của hiền huynh vào tập Hanh này (nhằm
tháng hè) thì không trúng thời trúng tiết, lệch mùa lệch màng. Mà giữ lại thì
tiếc hùi hụi. Kính mong hiền huynh thông cảm. Xin hiền huynh gởi thêm những bài
thơ khác, huynh nhé. Chúc hiền huynh và gia đình an hảo.
*
* Hiền hữu Ngô Thanh Đây (hoainguyenxx@gmail.com), nhà tu Trí Huệ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Điện thư 22-12-2016:
Xin chào Đại Đạo Văn Uyển. Tệ đệ là một tín hữu Cao Đài,
khi tìm hiểu về bài thi điểm danh của các vị tiền bối khai Đạo:
CHIÊU KỲ
TRUNG độ dẫn HOÀI sanh / BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành / HẬU ĐỨC TẮC CƯ
thiên địa cảnh / HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.
tệ đệ thấy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (quyển I) ghi là Noel 1925; trong khi Lịch
Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Khai Đạo của
CQPTGL lại ghi là đêm 09 tháng Giêng Bính Dần (1926). Xin Văn Uyển giải thích giúp chỗ khác nhau này. Chân thành cảm ơn Văn
Uyển và cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành cho Văn Uyển ngày càng thêm hương sắc.
Huệ Khải: Chào hiền hữu Thanh Đây. Bài tứ tuyệt điểm danh ấy Thầy
ban cho các tiền khai vào đêm 09-01 Bính Dần (Chủ Nhật 21-02-1926). Trong Đạo Sử Xây Bàn, quyển I (ronéo, không
năm xuất bản, tr. 49), tiền khai Hương Hiếu viết:
“Qua đến ngày mùng 9 tháng Giêng (21-02-1926) nhằm
ngày Vía Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, quan phủ Vương Quan Kỳ có thiết đàn riêng tại
nhà ông số 80 Lagrandière (...). Đêm ấy có mời chư nhu và mấy vị đạo hữu hầu
đàn. Đức Thượng Đế giáng cơ dạy như vầy:
(. . .)
Khi ấy quan phủ Ngô Văn Chiêu xin Thượng Đế lấy
tên mấy người đệ tử mà cho một bài thi kỷ niệm.
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh
BẢN đạo
khai SANG QUÍ GIẢNG thành
HẬU ĐỨC
TẮC CƯ thiên địa cảnh
HUỜN
MINH MÂN đáo thủ đài danh.
Thượng Đế lại phán: Huờn, Minh, Mân sau sẽ rõ.”
Tóm lại, Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển (quyển I, 1964, tr. 5) đã in sót ngày 09-01 Bính Dần (Chủ Nhật
21-02-1926) ở phía trên bài tứ tuyệt điểm danh, tức là ngay bên dưới câu “Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến
Ta hơn nữa.” kết thúc bài thánh giáo đêm Giáng Sinh 1925.
*
* Hiền huynh Nguyễn Thành Nhơn: ấp Long Hòa I, xã Long Hòa, huyện Phú
Tân, tỉnh An Giang. Thư ngày 29-12-2016:
Tiểu đệ đã nhận được số sách có các bài thuyết đạo
rất hay. Hàng đêm tiểu đệ thường xuyên học đạo theo các bài thánh ngôn. Trước
đây tiểu đệ chưa rõ thông giáo lý như bây giờ nhờ được đọc sách.
Hiện nay gia đình tiểu đệ đã có được ba mươi sáu
quyển do Chương Trình Ấn Tống gởi tặng. So sánh với hơn một trăm nhan đề đã in,
tiểu đệ gởi kèm theo đây những sách còn thiếu, kính nhờ Chương Trình Ấn Tống
giúp đỡ cho đầy đủ, để làm tủ kinh sách gia đình cho con cháu mai sau.
Tiểu đệ thành thật cảm ơn và cầu nguyện Thầy Mẹ
ban ơn lành cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, để các sách
in ra được phổ biến cho thêm nhiều gia đình đạo hữu học hỏi chơn truyền đạo Cao
Đài.
Ban Ấn Tống: Chào hiền huynh Thành Nhơn. Chúng tôi rất vui khi đọc
thư hiền huynh. Nếu trong các họ đạo, dù ở thành thị hay thôn quê, mà có được số
đông đạo hữu cũng ham thích đọc kinh sách và có ý thức lập tủ kinh sách cho gia
đình giống như hiền huynh thì dân trí nhà Đạo chúng ta sẽ sớm được nâng cao nhiều
biết mấy! Chúng tôi sẽ gởi những sách hiền huynh còn thiếu. Chúc hiền huynh và
gia đình an lạc trong tình thương của Thầy Mẹ chúng ta.
*
* Hiền hữu Nguyễn Thế Tuấn (TT Trung Hải, HT Truyền Giáo
Cao Đài, Đà Nẵng). Điện thư
ngày 29-12-2016:
Trong Thánh
Truyền Trung Hưng, phần Giáo Pháp, tập II, ở trang 173, in bài thánh giáo do
Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy tại Tịnh Đường, vào Tý thời, ngày 24-12 Giáp Thìn
(Thứ Ba 26-01-1965), có đoạn như sau:
“Sở dĩ
sự sám hối không thành là tại lòng người còn đảo điên xao lãng, chưa hết dạ chí
thành. Hối nghĩa là sao? Là nguyện từ nay bao nhiêu những lỗi cũ không còn vấp
phạm nữa, phải luôn luôn tư thiết () với
tội lỗi của mình. Như Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng, phải lo sợ cái ngày chết nó
kề một bên.”
Kính nhờ
Văn Uyển cho biết qua lai lịch hai nhân vật Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng.
Huệ Khải: Thưa
hiền hữu, câu chót đoạn thánh giáo đó bị bộ phận điển ký chấm câu sai hai chỗ, viết sai chánh tả một chữ, và viết hoa
sai hết tám chữ.
Các chỗ
sai ấy là: “... phải luôn luôn tư thiết với tội lỗi
của mình. Như Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng, phải lo sợ cái ngày chết nó kề một bên.”
Theo tôi
hiểu, hãy sửa lại là: “... phải luôn luôn tư thiết với tội lỗi
của mình, như lâm thâm uyên, [như] lý bạc băng. Phải lo sợ cái
ngày chết nó kề một bên.”
Chữ
HUYÊN và UYÊN đồng bào miền Trung và miền Nam phát âm giống như nhau, do đó điển
ký miền Trung nghe đồng tử miền Trung xuất khẩu (hay độc giả miền Trung đọc) rồi
viết nhầm. Đồng bào miền Bắc phát âm hai chữ này khác nhau hoàn toàn. Điển ký lại
còn viết hoa sáu chữ Lâm Thâm
Huyên, Lý Bạc Băng, làm bà con Cao Đài
mình tưởng lầm là danh tánh hai người, của ông (hay bà) họ Lâm tên Huyên, và họ
Lý tên Băng.
Trong Luận Ngữ (Thái Bá 8:3), có nhắc tới câu “Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên,
như lý bạc băng. 戰戰兢兢, 如臨深淵, 如履薄冰.” trích
trong Kinh Thi.
Chiến 戰 là run rẩy vì sợ hãi. Căng 兢
(hay căng căng) là kiêng dè, cẩn thận.
Chiến căng (chiến chiến căng căng) là
sợ run lập cập.
Câu Kinh Thi dẫn trong chương Thái Bá nói trên được Nguyễn
Hiến Lê dịch như sau: “Phải nơm nớp chăm
chăm, như đi xuống vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng.”
Tóm lại, trong thánh giáo năm xưa tại Tịnh Đường, Đức Lý
Thái Bạch đã nhắc lại Kinh Thi, nhắc lại Luận Ngữ.
*
* Một hiền huynh ở họ đạo Alfortville,
Paris. Điện thư
ngày 08-3-2017:
Kính nhờ Văn Uyển vui lòng giảng nghĩa giúp bài thi xưng danh của Đức Lão
Tổ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-11 Đinh Mùi (16-12-1967), do bộ
phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công.
Bài thi như sau:
ĐÔNG Lâm Thánh
xuất định càn khôn
PHƯƠNG thị tu thân độ dẫn hồn
CHƯỞNG trí nguyên nhân hồi bỉ ngạn
QUẢN giao xứ xứ chứng Thiên Tôn.
Huệ Khải: Thưa hiền huynh, bài thơ xưng danh quán thủ là Đông Phương Chưởng Quản 東方掌管. Nhưng theo ý
nghĩa bài thơ thì chữ Chưởng đầu câu
ba phải hiểu là 種, nghĩa
là trồng gieo; đây chính là chữ chưởng
種 (lẽ ra đọc là chủng) trong câu kinh “Cửu thập ngũ hồi, chưởng thiện quả ư thi
thơ chi phố”. Cũng vậy, chữ Quản
đầu câu bốn phải hiểu là quảng 廣, nghĩa là
rộng. Người miền Nam đọc quản và quảng y như nhau; do đó trong thánh giáo
Cao Đài Ơn Trên hay dùng lối “đồng âm
dị nghĩa” rặt Nam Kỳ này trong các bài thi xưng danh. Bởi lẽ đó, câu bốn nên viết
là QUẢN(G) giao xứ xứ chứng Thiên Tôn,
ngụ ý đọc quán thủ là QUẢN, nhưng đọc xuôi theo câu bốn là QUẢNG giao...
Cả bài thơ xưng
danh viết ra chữ Nho như sau:
東林聖出定乾坤
方是修身度引魂
掌 [種]智原人回彼岸
管 [廣]交處處證天尊
(Thánh ra đời ở Đông
Nam Á ổn định càn khôn thế giới.
Phương pháp là tu thân để dẫn dắt, cứu
độ linh hồn.
Bậc nguyên nhân nuôi dưỡng tinh thần để trở
về bờ giác.
Chứng quả Thiên Tôn kết giao rộng rãi
khắp nơi.)
Câu một có địa danh ĐÔNG LÂM tức là một cách gọi khu vực Đông
Nam Á. Địa danh này được Đức Lý Giáo
Tông nhắc tới trong thánh giáo tại Chí Thiện Đàn, 26-8 Nhâm Tý (Thứ Ba 03-10-1972):
Thích, Nho, Lão đã khởi mầm
Một
thời một cõi Đông Lâm huy hoàng.
Ngoài ra, Đông Lâm còn là hồng danh một đấng Tiên Trưởng hay giáng cơ trong Tam Kỳ Phổ
Độ.
Mùa xuân năm Tân Dậu,
Viên Minh Cung 圓明宮 tại đường Trung Sơn
中山, quận Trung Sơn, thành phố Đài Bắc, Đài Loan,() ấn hành quyển Diêu
Trì Kim Mẫu Phổ Độ Thu Viên Định Tuệ Giải Thoát Chơn Kinh 瑤池金母普度 收圓定慧解脫真經 (Chơn
kinh do Diêu Trì Kim Mẫu phổ độ dạy cách thu lấy định tuệ trọn vẹn để giải
thoát, 64 trang). Trong phần Chú dịch
註譯 (tr. 39-40), có câu: Nhi
kim Thiên khai hoằng đạo, phổ độ Đông Lâm, nguyện thế nhân tảo cầu minh sư,
tham thấu tâm tánh. 而今天開宏道, 普渡東林, 願世人早求明師, 參透心性. (Hiện tại Trời mở Đạo lớn, phổ độ Đông Lâm, nguyện người
đời sớm tìm minh sư, xem xét thấu triệt tâm tánh.) Ngay sau đó, kinh chú giải: Đông Lâm tức Đông Nam Á nhất đái. 東林即東 南亞一帶. (Đông Lâm tức là một
dải Đông Nam Á.)
*
* Hiền hữu Nguyễn Quang Tín (Họ đạo Trung Dương, HT Truyền Giáo Cao Đài, Đà Lạt). Điện thư ngày 28-01-2017:
Cho chúng em được hỏi: Tô Lạp Thị sống ở thời nào, người nước nào? Xin được cảm ơn Văn Uyển. Kính.
Huệ Khải: Thưa
hiền hữu, trong quyển Cổ
Học Tinh Hoa (Hà Nội 1926, hai quyển), của Ôn Như Nguyễn Văn
Ngọc (1890-1942) và Tư An Trần Lê Nhân, cuối truyện 81 (quyển nhất), nhan đề Tri Và Nhân, hai vị soạn giả có “Nhời
[lời] bàn” như sau:
“(...) Biết
mình, yêu mình, không phải là có lòng tư kỷ hẹp hòi. Có biết mình, thì mới tu
tỉnh được tâm thân, cải quá, thiên thiện mà nên người hay, người khá, tức cũng
như câu ‘Connais-toi toi-même’ [Hãy
tự biết chính mình] của Tô Lạp Thị.”
Tô Lạp Thị hay Tô Cách Lạp Để 蘇格拉底 là cách chuyển chữ (transliterating) của người Hoa để dịch tên nhà hiền triết Socrates
(khoảng 469-399 trước Công Nguyên).
Socrates sinh tại thành Athens, Hy Lạp. Nhờ tác phẩm của các môn sinh
như Plato (khoảng 428-348 trước Công Nguyên [TCN]) và Xenophon (khoảng 430-354
TCN) mà hậu thế biết được về Socrates. Chính phương pháp luận Socrates (Socratic methodology) đặt nền tảng cho các
hệ thống lý luận và triết học phương Tây. Khi hoàn cảnh chánh trị Hy Lạp biến động,
Socrates bị xử tử bằng thuốc độc vào năm 399 TCN; hiền giả thản nhiên chấp nhận
án tử thay vì tìm cách đào thoát. Các bảo tàng mỹ thuật lớn trên thế giới ngày
nay còn lưu giữ nhiều danh họa vẽ lại thái độ Socrates ung dung đón nhận chén
thuốc độc trong lúc các môn sinh đau đớn vây quanh sư phụ.
*
* Hiền huynh Trương Văn Quảng (Trường An, Trường Đông, Hòa Thành, Tây Ninh). Thư ngày 18-02-2017:
Trang
109 trong Đạo Sử Xây Bàn,
quyển I (ronéo), Tòa Thánh Tây Ninh, không ghi năm xuất bản, Nữ Đầu Sư Hương
Hiếu chép lời Đức Chí Tôn dạy bà như sau: “Hiếu, dâng mão Giáo Tông may
xong rồi cho Thầy xem. Trúng, mà ai đội con phòng lật đật.” Kính nhờ Văn Uyển giải thích giùm tôi chữ phòng nghĩa là gì.
Huệ Khải: Thưa
hiền huynh, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống rất vui là Văn Uyển đã tới tay quý đồng
đạo ở Tây Ninh và được quý huynh tỷ quan tâm đón nhận.
Chúng ta
biết rằng vào Chủ Nhật 18-4-1926 (07-3 Bính Dần), Đức Cao Đài dạy tiền
khai Hương Hiếu may mão Giáo Tông màu
trắng, cao 33,30cm.
Ngày hôm sau, tiền khai Hương Hiếu làm
thử một cái mão bằng giấy dâng lên Đức Cao Đài lần thứ nhất.
Bốn ngày sau, trong đàn cơ tại nhà tiền
khai Hương Hiếu (số 134 đường Bourdais, quận 1, Sài Gòn, nay là đường
Calmette), khi dâng lên Đức Cao Đài cái mão Giáo Tông làm thử (lần thứ nhì), có
lẽ nữ tiền khai tỏ ra vội vàng, nên Đức Cao Đài dạy bà: “Trúng. Mà ai đội con phòng lật đật!”
Tệ đệ nhiều lần
nhấn mạnh rằng thánh giáo Cao Đài hay nhắc lại những tiếng Việt cổ.() Đọc thánh giáo, nếu gặp những từ ngữ
lạ, khó hiểu (nhưng không phải là từ Hán Việt), người giảng nên nghĩ tới tiếng
Việt cổ, và đây là thêm một minh chứng. Thật vậy, phòng là tiếng Việt cổ. Theo Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907), phòng nghĩa là phải. Ông cho ví dụ: “Chẳng
có chi mà phòng lo phòng sợ.” Rồi ông giải nghĩa: “Chẳng có chi mà phải sợ phải lo.” (Huình-Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II. Sài Gòn:
Imp. Rey, Curiol & Cie. 1896, trang 204.)
() Tiếng
Việt cổ (archaic) là những lời ăn
tiếng nói hiện nay không còn thông dụng trong đời sống, do đó không được giải
thích trong phần lớn các từ điển xuất bản sau này (khoảng từ giữa thế kỷ 20 trở
đi).