Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / Ý NGHĨA VÀ TINH THẦN HÒA ĐỒNG NỮ ĐẠO / DIỆU NGUYÊN

Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc
(Ảnh: http://thanhthatcaodai.org) 
Hôm nay, ngày 14-9 Bính Thân (Thứ Sáu 14-10-2016), Ban Cai Quản và bổn đạo Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm tám mươi mốt năm thành lập Thánh Tòa đồng thời tưởng niệm chư vị tiền bối đã dày công xây dựng, gìn giữ và phát triển ngôi Thánh Tòa cùng các hoạt động đạo sự nơi đây trong suốt mấy mươi năm qua.
Nhớ lại năm xưa, khi ban ơn thành lập Thánh Tòa, Đức Chí Tôn đã dạy:
Chiếu sắc nữ nam hội tựu về
Chung tâm hòa phái trẻ đừng xê
Ngày xuân khởi dựng, con vâng thửa
Lập Thánh Tòa sen hưởng cận kề.
Vậy, phải chăng, khi ban sắc lệnh xây dựng Thánh Tòa, Thầy đã nhắc các môn đệ hãy luôn ghi nhớ tinh thần “chung tâm hòa phái” mà Thầy đã dạy từ thuở mới khai Đạo: “Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ, chỉ vụ một chữ Hòa…” ([1])
Ba mươi sáu năm sau khi Đức Chí Tôn ban ơn thành lập Thánh Tòa, lại thêm một điểm son được ghi nhận trên dòng lịch sử của cơ đạo nơi đây, đó là sự kiện Đức Mẹ ban ơn cho các đoàn thể nữ phái lúc bấy giờ cùng bắt tay nhau tổ chức Đại Hội Hòa Đồng Nữ Đạo tại Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc trong hai ngày 06 và 07-8 Tân Hợi (24 và 25-9-1971). Do đó, trong ngày đại lễ kỷ niệm thành lập Thánh Tòa hôm nay, xin được nhắc lại ý nghĩa và tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo đã được Đức Mẹ và các Đấng thiêng liêng giáng dạy cách đây bốn mươi năm tại nơi này. Mặc dù tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo được Đức Mẹ dạy riêng cho nữ phái nhưng xét cho cùng thì tinh thần hòa đồng này cũng vô cùng hữu ích và cần thiết cho cả nam phái, cho toàn Đạo, cũng như cho toàn xã hội nhân loài, bởi lẽ hòa đồng là yếu tố căn bản và tiên quyết để kiến tạo một thế giới hòa bình, hạnh phúc, an lạc và văn minh tiến bộ.
Trước khi trình bày về ý nghĩa và tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo, xin được nói sơ lược về nữ phái trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Chúng ta biết rằng trong đạo Cao Đài, nữ phái rất được Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng ưu ái, quan tâm, nâng đỡ, giáo hóa để giúp cho nữ phái thoát ra khỏi những quan niệm chật hẹp thấp thỏi thường tình trong cuộc sống do ảnh hưởng của tập tục xã hội từ lâu đời, để nữ phái có thể hướng về những mục đích cao cả hơn của một kiếp được sinh ra làm người trên thế gian.
Đức Quan Âm Bồ Tát đã có lần bày tỏ lòng thương xót cho nữ phái vẫn còn mãi quẩn quanh trong nếp sống nhi nữ thường tình:
“Bấy lâu nữ phái các em vẫn không ra khỏi tam tùng, mà tùng trong xó bếp góc nhà, tùng ra trước ngõ, tùng trước rặng rau, tùng sau luống sắn, có chi là rỗi rảnh để bàn đạo đức tu trì. Bần Đạo lại nhìn vào đó càng thương hại cho tấm thân nhi nữ quá phải nhọc nhằn! Cuộc đời nhi nữ quá đau thương!” ([2])
Một lần khác, Đức Bồ Tát nhận xét:
“Hiện nay, có hiền nữ còn bao nhiêu sự đời trói cột: Nào con, nào chồng, ruộng vườn, nhà cửa, trâu heo, suốt tháng tối ngày bao nhiêu vật ấy sai sử, cứ vâng vâng dạ dạ, phục vụ mãi mà không chán không lờn. Ngoại cảnh: Lợi danh, đỉnh chung, vật chất câu nhử cuốn lôi. Nội giới: Lục dục thất tình sai sử, mà các hiền nữ nào biết nào ngờ. Thân phận khổ đau, linh hồn khốn đốn, nên bước ra nửa bước đã nhớ lại nhà, vắng một phút một giây sợ của tiền trộm đạo, thì sao hưởng được hạnh phúc công bằng, sao thấy được tự do chơn lý.” ([3])
Thế nên, ngay từ năm 1926, lúc đạo Cao Đài chưa chính thức ra mắt trước nhơn sanh, khi mà trong xã hội Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, nữ phái vẫn còn bị phân biệt đối xử trong tinh thần trọng nam khinh nữ, thì Thầy đã dạy các vị nữ tiền khai thành lập tổ chức nữ phái để dìu dắt nữ giới trên bước đường tu công lập hạnh song hành cùng nam phái như sau:
Đường Thị! ([4]) Thầy giao phái nữ cho con lập thành, chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.
Phần các con truyền đạo kỳ phổ độ này cũng lắm nặng nề. Bao nhiêu nam tức bấy nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật, chớ nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả nam và nữ, mà phần nhiều nữ lấn quyền hơn nam rất nhiều.” ([5])
Pháp Chánh Truyền đạo Cao Đài quy định cho nữ giới được đứng vào hàng giáo phẩm Cửu Trùng Đài cho tới bậc Đầu Sư cũng là một điểm hết sức đặc biệt của Hội Thánh Cao Đài.
Việc mở cửa tâm pháp thâu nhận phụ nữ, việc lập ra tổ chức nữ phái để giúp nữ giới nâng cao trình độ tu học giáo lý và tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, v.v… đều thể hiện chủ trương nam nữ bình quyền của đạo Cao Đài.
Thêm vào đó, các Đấng thiêng liêng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vẫn thường khích lệ nữ phái qua các lời dạy như:
Nữ nam phân cách bởi hồng trần
Diện mạo hình hài với xác thân
Bổn tánh chơn như đâu có khác
Con nào cũng có vị nguyên nhân.([6])
Nữ phái cùng nam trách nhiệm đồng
Chớ nên xem nhẹ đám quần hồng
Nung gan dốc chí trên đường đạo
Một thuở thành công trước Chí Công.([7])
Nữ nam âu cũng một chơn linh
Đều thọ sắc ban chốn thượng đình
Xuống thế lập công tu tự độ
Và sau độ dẫn khắp nhân sinh.([8])
Sứ mạng Tam Kỳ quá nặng mang
Nữ lưu em hỡi tiến lên đàng
Ngày qua đóng chặt thân phàm tục
Nay phải hiên ngang với đạo vàng.([9])
Trải qua thời gian, các tổ chức nữ phái trong đạo Cao Đài đã lần lượt được thành lập để hướng dẫn nữ giới trên bước đường tu học, hành đạo, thực thi sứ mạng cứu độ nhân sinh, bao gồm các đoàn thể như: Nữ Chung Hòa Phái, rồi Nữ Chung Hòa, Diêu Trì Phái, Nữ Đoàn Đại Đạo. Tuy nhiên, các đoàn thể này hoạt động riêng rẽ, rời rạc.
Thế nên, để gia tăng hiệu quả của việc tu học và hoạt động cứu độ nhơn sanh của nữ phái, vào những năm 1969, 1970, Đức Mẹ đã gieo ý thức chung tâm hợp quần cho các tổ chức nữ phái trong đạo Cao Đài lúc bấy giờ. (Không chỉ gieo ý thức cho riêng nữ phái mà cho toàn các chi phái đạo Cao Đài).
Đất nước Việt Nam chúng ta vào ba thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước đang chìm đắm trong cảnh đạn bom khói lửa, nhà tan cửa nát, con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán. Biết bao sanh linh cần đến sự cứu giúp của những tấm lòng từ ái, những bàn tay dịu hiền. Các đoàn thể tôn giáo lúc bấy giờ đều tích cực hoạt động cứu trợ nạn nhân chiến cuộc. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả cao trong công quả cứu tế, cần phải có sự chung tâm hợp quần giữa các đoàn thể. Do đó, Đức Mẹ dạy:
Các con là những thành phần giác ngộ trước hết, các con đã biết nghe lời dạy của Chí Tôn Thượng Đế và của chư Phật Tiên, các con đã thể hiện được trong muôn một tình thương của Thượng Đế. Dầu rằng các con đã làm được ngần ấy nhưng chưa xoay chuyển được cuộc đời từ đọa lạc trở nên hạnh phúc. (…) Tình thương đồng đạo, đồng bào, đồng chủng các con đã có, nhưng tình thương ấy các con đã giới hạn nó trong những dấu chân trâu, thế nên chưa hòa đồng lẫn nhau giữa dấu chân này và dấu chân khác. Những hột muối tình thương các con quá nhỏ, trong lúc ao hồ, sông rạch nước loãng mênh mông, thế nên vị muối không còn nguyên chất của nó. Các con có hợp đoàn hướng thiện, có hợp quần để xiển dương đạo lý mới đem lại sự kiến hiệu của vấn đề.
Các con ôi! Nói chung cho toàn đạo và nói riêng cho đoàn thể nữ phái của các con, đã và đang vương mang một chứng bịnh đồng nhứt, đó là chứng bịnh lãnh tụ phe nhóm.
Suốt mấy mươi năm trời khai đạo, truyền đạo, đã có nhiều phong trào được dựng nên mang những danh từ tốt đẹp như Liên Hòa, như Hiệp Nhứt, như Quy Nhứt, như Thống Nhứt, như Hòa Đồng, v.v… Chỉ một danh từ trong những danh từ ấy thôi, nếu tất cả biết giá trị của sự hợp đoàn, thể hiện đúng mức chủ trương mục đích của nó, thì đạo đã thống nhứt lâu rồi, và cơ truyền giáo độ đời đã thịnh hành vượt bực rồi, không còn như cảnh huống ngày nay.
Nói gần nhứt là mấy năm gần đây, các con trong nhiều đoàn thể đạo đã nêu lên những danh từ thiết thực, như Liên Giao Hành Đạo, Nữ Chung Hòa, Nữ Đoàn Đại Đạo, Diêu Trì Phái, v.v…. Các con chưa làm nên và đúng mức của danh từ ấy, bởi tình thương của các con như những vũng nước nơi dấu chân trâu, óc lãnh tụ phe nhóm của các con gần bằng núi Thái Sơn.([10])
Thế nên, Đức Mẹ đã dạy các đoàn thể nữ phái Cao Đài lúc bấy giờ gồm Nữ Chung Hòa, Diêu Trì Phái, Nữ Đoàn Đại Đạo hãy cùng bắt tay nhau tổ chức Đại Hội Hòa Đồng Nữ Đạo. Ý nghĩa của Đại Hội này được Đức Mẹ giảng dạy cặn kẽ:
“Hòa Đồng Nữ Đạo là một hồi chuông chuyển hóa nữ phái khai tâm, ([11]) cùng khẳng nhận được việc đạo là việc chung, cùng hòa nhau để phụng sự vạn linh mà các con nữ phái đóng một vai trò quan trọng đối với cơ đạo ngày mai. Các con cũng ý thức được chữ hòa như thế nào. Các con cũng ý thức được sự thương yêu ra sao. Nếu các con thành thật hòa nhau, thương nhau, các con lo gì không sáng tạo được một thế hệ mới của nữ phái ngày mai.” ([12])
Theo Từ Điển Tiếng Việt (của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội), Hòa là hòa lẫn vào nhau, nhập làm một, đến mức không còn thấy có sự phân biệt nữa. Hòa còn có nghĩa là không có mâu thuẫn hay xung đột trong mối quan hệ giữa các cá thể với nhau.
Vậy, muốn đạt được chữ hòa cần phải có tình thương, bởi lẽ “Thương nhau chín bỏ làm mười” hay “Thương nhau trái ấu cũng tròn”. Thế nên hòa là hòa ái yêu thương, hòa hiệp với nhau thành một khối, không phân biệt ta người, sang hèn, giàu nghèo, thấp cao, khôn dại, không phân biệt chủng tộc, tông phái, v.v… để cùng nhắm vào một mục đích chung tối thượng là đem lại sự sinh tồn, an vui, hạnh phúc cho mọi người nơi thế gian.
Hòa là một tiềm lực sinh động tạo nên mọi sự mọi việc. Trong thân thể con người, ngũ tạng lục phủ có hòa thì con người mới khỏe mạnh. Ngoài trời đất có mưa thuận gió hòa thì vạn vật mới sinh tồn phát triển, cây trái thạnh mậu sum sê. Giữa con người và con người, giữa quốc gia và quốc gia, giữa đoàn thể và đoàn thể, giữa tôn giáo và tôn giáo có hòa thì thế giới mới thái bình an ổn. Có hòa rồi thì mọi việc dù khó đến đâu cũng có thể thành công như lời Đức Mẹ dạy:
Nữ Chung Hòa hòa đồng nhứt thể
Có hòa rồi tát bể cũng vơi
Muốn am ([13]) sứ mạng cứu đời
Lòng con phải tợ lòng Trời mới nên.([14])
Lòng Trời chính là lòng thương yêu trùm khắp không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, thấp cao, dại khôn, dữ hiền. Lòng Trời ấy đúng như lời Chúa Giêsu Kitô dạy là lòng của Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Matthêu 5:45)
Nói một cách khác, muốn đạt được chữ hòa thì đừng chấp nê, đừng nhìn vào những danh từ, hình thức khác biệt mà hãy nhìn vào những điểm tương đồng giống nhau, quan trọng nhất là sự đồng tâm, đồng chí hướng, đồng mục đích.
Đức Mẹ đã cho chúng ta ví dụ về chữ đồng như sau:
“Các con ơi! Các con mỗi đứa đến giờ cúng đều niệm một danh Thầy danh Mẹ; đồng một chí hướng là tu thân hành đạo, lập công bồi đức, một kiếp làm người cho được vẹn tròn công viên quả mãn hầu ngày kia trở về cùng Thầy cùng Mẹ; đồng một mục đích hoằng dương đạo pháp phổ độ nhơn sanh để xây dựng đời thượng nguơn thánh đức trong đất Thuấn trời Nghiêu an lạc thái hòa; đồng một quan niệm xây dựng thế hệ con em mầm non tiếp nối sự nghiệp đạo đức theo luật tre tàn măng mọc; đồng nhìn nhận chủ thuyết Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý; đồng một ý thức giữ gìn giới luật, Tứ Đại Điều Quy và Ngũ Giới Cấm, cũng như thực hành Bát Chánh Đạo; đồng thờ phượng một kiểu mẫu Thiên Bàn; đồng tụng đọc những bài kinh nhựt tụng; đồng mặc một sắc đạo phục bạch y. Các con đồng một ý thức cải tà quy chánh hướng thiện tu thân, để đoạn trừ nghiệp cũ và không tạo nghiệp mới để sớm giải thoát trần duyên. (…)
Các con ngoan lắm! Biết chọn đường đi lối tiến, nhưng các lối tiến ấy phải là lối tiến cùng chung chớ không phải là lối tiến rẽ bước chia đàng. Có cùng chung để anh ngã em nâng, chị dìu em bước. Con hằng nguyện Đại Đạo hoằng khai, phổ độ chúng sanh cho thiên hạ thái bình, nhưng muốn được thái bình, phải trong đường lối quy nhứt đoàn kết thương yêu.” ([15])
Xét trên bình diện rộng lớn hơn là xã hội nhân loài, tất cả mọi người trên thế gian đều có đồng một Đấng Cha chung là Đức Chí Tôn Thượng Đế hay Đức Chúa Trời, Đức Allah; đồng thọ bẩm một điểm linh quang từ Đức Thượng Đế (Đại Linh Quang) đó là Thượng Đế tính (tính Trời) hay Phật tính; có đồng một sứ mạng vi nhân tức là sứ mạng làm người trên cõi thế.
Vậy, cốt lõi của tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo chính là sự đồng tâm hòa hiệp chung lo cứu đời, dẹp bỏ mọi tỵ hiềm đố kỵ ghét ganh và tư kiến sai lầm, không chấp nê vào danh từ tổ chức này hay tổ chức nọ, Hội Thánh này hay Hội Thánh kia, mà hãy nhắm vào mục đích chung, ai làm cũng được, miễn là việc làm ấy có ích lợi cho nhơn sanh, cho cơ đạo. Về điểm này, Đức Mẹ dạy:
Rõ được Đạo chí thành sáng tạo
Đồng lo chung hoài bão kỳ này
Đã nhìn một Đạo một Thầy
Nỡ nào phân cách chơn tay cho đành.
Đừng có ý chống kình ganh t
Việc chung lo phải nghĩ Đạo Trời
Không vì sự việc mỗi nơi
Không như người thế lỗ lời bán buôn.([16])
Đức Quan Âm Bồ Tát cũng dạy:
“Chư hiền muội nên ý thức rằng: mọi danh từ, mọi hình thức, mọi sắc thái trên thế gian này đều là cái giả. Sở dĩ tạm mượn để mà gọi, để mà hành, còn điều tối quan trọng, đó là sự cứu cánh và sự kết quả của vấn đề.” ([17])
Đức Bồ Tát cho chúng ta vài thí dụ cụ thể về tinh thần hòa đồng không phân biệt nhắm vào một mục đích cứu cánh chung. Bồ Tát dạy như sau:
“Một thí dụ như một món bánh có người thợ làm bánh phải dùng đến các vật liệu, dụng cụ để tác thành món bánh. Tuy rằng trên nguyên tắc đã có hoạch định, tạo công thức một tỷ lệ nào cho số vật liệu, đến khi thành cái bánh, mặc dầu cho màu sắc không được giống, hình thức không được giống, hương vị không được giống như sách đã dạy, nhưng cứu cánh và kết quả của vấn đề là làm thế nào cho thực khách thưởng thức được món bánh ấy qua cơn đói lòng.
Một thí dụ khác nữa: Đó là công cuộc xây cất một ngôi nhà. Một khi kiến trúc sư đã vẽ thành họa đồ tỷ lệ giao cho nhiều nhà thầu khoán xây cất nhiều ngôi nhà. Dầu những người thầu khoán ấy quốc tịch có khác nhau, ngôn ngữ có khác nhau, phương tiện xây cất có khác nhau, vấn đề chánh phải là làm sao khai triển bản họa đồ ấy cho đúng tỷ lệ kích thước của kiến trúc sư đã định. Như vậy, dầu không ai đòi hỏi, các ngôi nhà ấy vẫn giống như nhau, từ hình thức đến khuôn khổ và cái tác dụng của nó là các gian phòng ốc đều cất có một cách như nhau. Như vậy, vấn đề quốc tịch, ngôn ngữ và phương tiện có khác nhau giữa những người thầu khoán không thành vấn đề.” ([18])
Cũng theo lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát, tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo chính là hạt giống để phát triển thành tinh thần hòa đồng vạn giáo hay đại đồng nhân loại.
Đức Bồ Tát dạy:
“Điều thứ nữa là Bần Đạo muốn đề cập tới vấn đề sứ mạng trong tương lai lâu dài của Hòa Đồng Nữ Đạo. Đó là tiêu ngữ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Tam Giáo Quy Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhứt. Sự quy nguyên phục nhứt ấy không phải chỉ gò bó trong phạm vi nhỏ hẹp của đạo Cao Đài hay trong phạm vi dân tộc Việt Nam. (…)
Để đi đến mục đích lớn rộng ấy là quy nguyên phục nhứt, trước hết phải bắt đầu quy nguyên phục nhứt từ phạm vi nhỏ hẹp giữa cá nhân và cá nhân, giữa tập thể và tập thể, giữa giáo hội và giáo hội, giữa hội thánh và hội thánh, giữa quốc gia và quốc gia. Chớ nếu giữa cá nhân và cá nhân chưa cùng sự hòa hiệp thương yêu, giữa tập thể và tập thể chưa được hòa hiệp thương yêu thì làm sao mong đạt đến sự quy nguyên phục nhứt trong đại đồng tôn giáo, đại đồng nhân loại.
Muốn đạt được cái đích tối thượng ấy, từ cá nhân của hàng tín hữu, từ cá nhân của hàng Thiên ân hướng đạo, phải vượt ra cái chấp. Có phá chấp mới mong đi đến đại đồng.
Cái chấp ấy là chi hỡi chư hiền muội?
Chấp ấy là chấp danh từ, chấp hình thức, chấp nhân ngã. Những danh từ, hình thức, và nhân ngã ấy là những chướng ngại vật to tướng cản lối ngăn đường cho các hàng Thiên ân hướng đạo.
Chư hiền muội ơi! Thử nghĩ lại mà coi, chấp làm chi, thế gian này là chỗ dừng chơn cho khách lữ hành trên đường thiên lý. Giỏi cho lắm cũng đến trăm năm, trăm tuổi là cùng, có chi là vĩnh cửu của mình. Rất đỗi mạng sống này nói rằng của mình mà mình có được gìn giữ nó cho trường sanh bất tử, lột vỏ để sống đời đời kiếp kiếp hay không, hay là đến lúc vô thường gõ cửa, hoặc lúc quỷ sứ dẫn đi, hoặc lúc Thiên sứ đến triệu hồi rồi cũng phải riu ríu ra đi theo định mệnh?
Có lãnh hội được như thế, biết được như thế thì không nên chấp cái danh từ, cái ngã, cái nhân, và cái hình tướng để đi đến đại đồng nhân loại, thể hiện cùng thực hiện tình thương của Tạo Hóa dưới ánh thái dương muôn thuở này.
Mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi tổ chức phe nhóm đều ý thức được như vậy mới mong đạt được lý quy nguyên phục nhứt.” (17)
Trong ngày Đại hội Hòa Đồng Nữ Đạo năm xưa tại Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Đức Vân Hương Thánh Mẫu đã bày tỏ lòng mong ước:
“Chị mong rằng ý nghĩa Hòa Đồng Nữ Đạo sẽ thấm nhuần vào tâm đạo của mỗi em để tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo bất diệt bất biến, để ứng phó thiên vạn biến hầu hoàn thành sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ của một đàn con yêu quý thiêng liêng từ Ngọc Hư Cung chuyển thế.” ([19])
Người môn đệ Cao Đài chúng ta ghi nhớ lời dạy của Đức Thánh Mẫu để rồi cùng nhau phát triển tinh thần Hòa Đồng Nữ Đạo thành tinh thần Hòa Đồng Vạn Giáo và Đại Đồng Nhân Loại để mang lại một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, an lạc và văn minh tiến bộ cho khắp cõi nhân gian. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của Đức Chí Tôn Thượng Đế và Đức Từ Tôn Kim Mẫu khi khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Sau cùng, xin ghi nhớ lời Đức Từ Tôn Kim Mẫu:
Trước sứ mạng Cao Đài cứu thế
Trong tinh thần huynh đệ đại đồng
Nam trang hợp sức quần hồng
Thực thi bác ái với lòng vị tha.([20])
Trân trọng kính chúc toàn thể quý vị được dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công trong tinh thần chung tâm hòa ái phụng sự chánh pháp, phụng sự xã hội.
DIỆU NGUYÊN
Huỳnh Quang Sắc, 14-10-2016






([1]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, đàn ngày 12-01 Đinh Mão (Chủ Nhật 13-02-1927).
([2]) Thánh thất Trung An, 14-7 Đinh Hợi (Thứ Sáu 29-8-1947).
([3]) Thánh thất Thái Hòa, 13-9 Ất Mùi (Thứ Sáu 28-10-1955).
([4]) Đường Thị là bạn đời của tiền khai Lê Văn Trung, vốn là người gốc Hoa.
([5]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 08-6 Bính Dần (Thứ Bảy 17-7-1926).
([6]) Đức Mẹ, Diêu Trì Bửu Điện thánh thất Nam Thành, 15-6 Tân Hợi (Thứ Năm 05-8-1971).
vị nguyên nhân: Nữ cũng là bậc nguyên nhân nên cũng có ngôi vị cũ trên cõi trời trước khi xuống thế gian tu học hành đạo độ đời.
([7]) Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 15-7 Tân Hợi (Thứ Bảy 04-9-1971).
([8]) Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Minh Lý Thánh Hội, 14-7 Nhâm Tý (Thứ Ba 22-8-1972).
([9]) Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Trúc Lâm Thiền Điện, 08-6 Tân Hợi (Thứ Năm 29-7-1971).
([10]) Diêu Trì Bửu Điện thánh thất Nam Thành, 15-6 Tân Hợi (Thứ Năm 05-8-1971).
([11]) Khai tâm là mở rộng cõi lòng để đến với nhau, không còn đóng khung hạn hẹp trong đoàn thể mình, chi phái mình.
([12]) Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, 27-7 Tân Hợi (Thứ Năm 16-9-1971).
([13]) am: Am hiểu, hiểu rõ tường tận.
([14]) Huỳnh Quang Sắc, 27-7 Tân Hợi (Thứ Năm 16-9-1971).
([15]) Thánh thất Tân Định, 24-8 Nhâm Tý (Chủ Nhật 01-10-1972).
([16]) Huỳnh Quang Sắc, 27-7 Tân Hợi (Thứ Năm 16-9-1971).
([17]) Huỳnh Quang Sắc, 06-8 Tân Hợi (Thứ Sáu 24-9-1971).
([18]) Huỳnh Quang Sắc, 06-8 Tân Hợi (Thứ Sáu 24-9-1971).
([19]) Huỳnh Quang Sắc, 06-8 Tân Hợi (Thứ Sáu 24-9-1971).
([20]) Vạn Quốc Tự, 08-3 Nhâm Tý (Thứ Sáu 21-4-1972).