Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / TIỀN ĐỒ THĂM THẲM BƯỚC GIAN NAN / PHẠM VĂN LIÊM

Đèo Le
(Ảnh: http://nongson.quangnam.gov.vn)
Một
Ngày 04-11 Bính Tuất (Thứ Tư 27-11-1946) quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng. Đến 26-11 Bính Tuất (Thứ Năm 19-12-1946) lệnh toàn quốc kháng chiến ban hành. Chiến tranh lan rộng, Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ và họ đạo Trung Thành (Đà Nẵng) phải di tản vào thánh tịnh Thanh Quang (làng La Kham, quận Điện Bàn) cách Đà Nẵng hai mươi lăm cây số. Được vài tháng thì chiến cuộc mở rộng khắp cả bắc Quảng Nam.
Cuối năm Bính Tuất và đầu xuân Đinh Hợi, làn sóng người tỵ nạn (cả đạo lẫn đời) lũ lượt kéo nhau từ miền xuôi lên miền ngược. Đồng bào dùng ghe thuyền, xe bò hoặc gồng gánh đi bộ tấp nập ngày đêm không ngớt. Các họ đạo Trung Thành, Từ Quang, Thanh Quang, Linh Bửu, Nam Trung Hòa thì Cơ Quan Truyền Giáo đưa lên làng Phước Hội, quận Quế Sơn.
Phước Hội là Sở Nông được Quyền Hội Thánh Trung Kỳ thiết lập từ năm 1939 theo kế hoạch Nông Viện do Đức Trần Hưng Đạo dạy. Sở Nông nầy là vùng đất Cờ Vĩ, diện tích 250 mẫu ta thuộc làng Phước Hội (dân địa phương gọi là Sé), qua con sông nhỏ là làng Tứ Trung (dân địa phương gọi là Tý), nơi đây đã có thiết Thiên Bàn với hàng trăm đạo hữu, lại nằm cạnh thượng nguồn sông Thu Bồn, tiện việc giao thông vận chuyển.
Trong cuộc tản cư nầy, ngày 23-02 Đinh Hợi (Thứ Bảy 15-3-1947) một chiếc ghe chở bổn đạo thánh tịnh Thanh Quang bị máy bay giặc Pháp oanh tạc làm Lễ Sanh Trần Văn Ký (Đầu Họ Đạo Thanh Quang) thiệt mạng. Cháu gái ông bị thương, sau đó chết ở bệnh xá Trung Phước.
Có một đạo hữu Cao Đài Tây Ninh là sinh viên ra học ở Hà Nội, vì chiến tranh phải về Nam nhưng kẹt đường, nên lưu trú tại thánh thất Trung Thành, rồi cũng tản cư vào Thanh Quang và tiếp tục theo ghe đi Phước Hội. Đạo hữu nầy là tiền bối Duy Thần Nguyễn Ngọc Hòa. Năm đó tiền bối hai mươi hai tuổi, giỏi tiếng Pháp, Anh, và Nhật; khá thông thạo chữ Hán, cũng biết qua tiếng Khmer, Thái Lan.
Với tâm nguyện theo bước chân Thầy trong ơn cứu rỗi Kỳ Ba, tiền bối Duy Thần Nguyễn Ngọc Hòa chấp nhận chung sống với cơ đạo miền Trung. Khi đến Sở Nông Phước Hội, đoàn tụ với những bạn đạo cùng trang lứa, gần các tiền bối Nguyễn Hậu, Trương Sư Xuyên, Nguyễn Thanh Giang, Ngô Chánh Duy, Nguyễn Chơn Kinh… thì tiền bối Duy Thần hăng hái đồng hành trong gian nan nguy biến.
Tất cả đạo hữu tản cư lên Phước Hội đều dốc hết tinh thần, hòa mình vào cộng đồng lo khai hoang, dọn rẫy trồng tỉa hoa màu. Buổi đầu rất khó khăn thiếu thốn, nhưng các tiền bối Nguyễn Khanh, Lưu Ta, Trần Bá, Lưu Ngọc Trai, cô Sáu Bé, Cửu Khanh, Cửu Ba, Trần Nguyên Chí, thầy giáo Liên… cung cấp cả sườn nhà, vật dụng, nông cụ, chở cả hàng trăm ang lúa và khoai bắp để trợ giúp, nhờ thế việc ăn ở tạm ổn định. Các ban cai quản Thanh Quang, Trung Thành lo củng cố lại nhân sự. Các tiền bối Nguyễn Hậu, Nguyễn Thượng Khải, Nguyễn Tấn Tình, Ngô Kim Sử… lo lập lại các ban Hành Sự, ban Lễ Sĩ Đồng Nhi, tạo lập cơ sở thánh thất bên Thiên Bàn Tứ Trung để có chỗ lễ bái, hội họp.
Khi có lệnh tiêu thổ kháng chiến, người tản cư đi tìm đất sống càng đông. Cảnh loạn lạc, thiếu ăn thiếu mặc, không nhà không cửa thật là thống thiết đau thương. Các thánh thất nam Quảng Nam theo lệnh các hướng đạo tổ chức trại tiếp cư, giúp đỡ chỗ tạm trú rồi dồn lên Sở Nông Phước Hội. Dần dần con số lên đến tám ngàn người. Các hướng đạo cấp tốc tổ chức nông đoàn do tiền bối Đặng Bửu Tòng làm đốc công, tiền bối Ngô Đình Phụng làm thư ký, và tiền bối Đinh Lang làm thủ bổn (thủ quỹ).
Chỉ trong vòng bốn, năm tháng, rừng còi, rừng rậm và những thung lũng trong hẽm núi đều thành rẫy thành ruộng. Những đồi thoai thoải trồng khoai lang, khoai mì. Những vùng trũng thấp vỡ thành ruộng. Có hai mẫu nà ([1]) của đạo tâm Trần Tiếp hiến, nhưng phải chờ trời mưa có nước mới cấy được. Đốc công Đăng Bửu Tòng cắt đặt đạo hữu vào rừng đốn cây và ống tre về làm xe đạp nước, nhờ vậy có nước làm ruộng.
Ở khu đất giữa làng Tứ Trung (bãi Tý) được dựng hai dãy nhà dài mười hai mét mái lợp tranh, vách dựng bằng phên tre đan. Hai dãy nhà nầy dùng làm hội trường khu công nghệ và kho chứa nông sản.
Việc tổ chức ăn ở cho đạo hữu tạm yên. Rẫy ruộng gieo trồng tạm đủ sống.
Danh nghĩa là Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bắc Bộ, nhưng chiến tranh khiến liên lạc hai miền gián đoạn. Các tiền bối phải củng cố riêng Cơ Quan ở Trung Bộ bằng cách tổ chức đại hội các họ đạo tại Quảng Nam do tiền bối Trần Nguyên Chất chủ trì, với gần hai trăm đại biểu tham dự tại Sở Nông Phước Hội vào cuối tháng 2 Đinh Hợi (cuối trung tuần tháng 4-1947).
Đại hội bầu Cửu Viện và hoạch định chương trình hành đạo, nhất là công cuộc chăm lo mọi mặt đời sống cho bổn đạo tản cư.
Đến rằm tháng 3 (Thứ Hai 05-5-1947), một kỳ đàn được thiết lập để trình xin Ơn Trên chuẩn duyệt kết quả đại hội. Bộ phận thông công có: Liên Hoa (đồng tử), Giáo Sư Trần Quang Châu (pháp đàn), Lê Trí Vinh (độc giả), Trần Hoanh (điển ký).
* Thành phần Cửu Viện được duyệt y:
- Tổng Lý (vô vi): Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương.
- Hiệp Lý: Tiền bối Trần Nguyên Chất (Thư Ký: Tiền bối Trần Hoanh).
- Tiền bối Nguyễn Quang Châu quản lý ba viện: Nội Ngoại Giao Viện (Thư Ký: tiền bối Trần Hoanh kiêm nhiệm), Phổ Thông Giáo Lý Viện (Thư Ký: tiền bối Nguyễn Xuân Kinh), và Hòa Viện (Thư Ký: tiền bối Lê Trí Vinh).
- Tiền bối Trần Nguyên Chí quản lý Học Viện (Thư Ký: tiền bối Trương Sư Xuyên).
- Lễ Sanh Lương Triết quản lý hai viện: Lễ Viện (Thư Ký: tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa), và Phước Thiện Viện (Thư Ký: tiền bối Nguyễn Hậu).
- Giáo Hữu Nguyễn Đán quản lý hai viện: Công Viện (tiền bối Hồ Thanh Đạm làm Thư Ký), và Lương Viện (tiền bối Bùi Đặng Đán làm Thư Ký).
- Hiệp Lý Trần Nguyên Chất kiêm nhiệm quản lý Nông Viện (Thư Ký: tiền bối Huỳnh Thanh Hải).
* Về chương trình hành đạo:
- Nông Viện tiếp tục gấp rút khẩn hoang, trồng trọt hoa màu để kịp thời cung ứng lương thực.
- Công Viện tổ chức xưởng dệt vải sợi, kịp thời buôn bán đổi chác thực phẩm và các thứ cần thiết cho đời sống.
- Lương Viện lo vận động tài chánh, công quả nhân tài vật lực.
- Phước Thiện Viện lo tổ chức bệnh xá, nhà bảo sanh, thuốc men (tân dược và đông dược).
- Lễ Viện lo quan hôn, tang tế, khánh tiết, hội họp, cầu an, cầu siêu.
- Hòa Viện giải quyết mọi tranh chấp nội bộ, hòa giải mọi thắc mắc, tạo sự thương yêu trong tình linh sơn cốt nhục.
- Học ViệnPhổ Thông Giáo Lý Viện lo nghiên cứu soạn thảo chương trình thuyết giảng giáo lý, tổ chức dạy chữ, dạy đạo…
- Nội Ngoại Giao Viện lo bổ sung nhân sự cho hành chánh, gặp gỡ các họ đạo, giao tiếp với chính quyền, cấp giấy thông hành đi lại. Văn phòng Cửu Viện đặt tại hội trường.
Về sinh hoạt tại Sở Nông Phước Hội và khu tiểu công nghệ Tứ Trung, văn phòng Hiệp Lý soạn hai chương trình: chương trình sống chung, và chương trình trật tự vệ sinh.
Về sống chung, hô hào tất cả đạo hữu mọi nơi tản cư lên Phước Hội và Tứ Trung không phân biệt giàu nghèo, ít nhiều đều đóng góp phần tài sản của mình vào tài sản chung để san sẻ cho nhau trong cuộc sống bấy giờ.
Mọi người đều dốc tài năng, sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm của mình, tích cực khai hoang sản xuất, mở mang tiểu thủ công nghiệp, nhất là nghề dệt bấy giờ. Tất cả tài sản chung do thủ kho, thủ quỹ giữ. Mọi chi thu xuất nhập đều có sổ sách minh bạch. Hàng tháng có đại diện Cơ Quan Truyền Giáo thanh tra, kiểm soát.
Sinh hoạt lễ bái, làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống theo giờ giấc, có hiệu lệnh.
Về trật tự vệ sinh, các con đường tại Sở Nông và khu tiểu công nghệ đều đặt tên riêng. Nhà cửa trại mạc hai bên đường đều có số hiệu, bên số lẻ, bên số chẵn. Có nhà vệ sinh công cộng. Ngày đêm có đội tuần tra giữ gìn an ninh trật tự. Người ngoài vào thăm viếng phải do nhân viên tuần tra tiếp đón hướng dẫn.
Một nhà tịnh có tên là Tịnh Đức Đường được tạo dựng trên đồi cao. Văn phòng Hiệp Lý và bộ phận thông công đặt tại đây.
Về bộ phận thông công, từ năm Ất Dậu (1945) đã tan tác mỗi người mỗi ngả. Cặp Thanh Long - Bạch Hổ kẻ ra Bắc người vào Nam. Cặp Tuyết Hà - Tuyết Hải (Bi, Diêu) thì sắp lập gia đình.
Mỗi lần cần lập đàn phải vời đồng tử Liên Hoa. Nhưng sau nầy đồng tử Liên Hoa cũng bận công tác xã hội nên khó được thường xuyên. Do đó, trong đàn cơ đêm 01-3 Đinh Hợi (Thứ Hai 21-4-1947), nhân duyệt thành phần Cửu Viện, Ơn Trên đã chỉ định hai thiếu niên Trần Mộc (Đồng Tân) thuộc thánh tịnh Thanh Quang và Trần Anh Tuấn thuộc thánh thất Nam Trung Hòa tập luyện để làm đồng tử.
Đàn cơ kế tiếp, Đức Đông Phương Lão Tổ ban thánh danh Chí Bửu cho Trần Mộc (đồng dương) và Chí Lân cho Trần Anh Tuấn (đồng âm). Đức Lão Tổ còn chỉ định pháp đàn là tiền bối Trần Nguyên Chí, độc giả là tiền bối Lê Trí Vinh, điển ký là tiền bối Trần Hoanh.
Bộ phận phò loan nầy được cách ly trong lúc tập dượt tại thánh thất Trung An (làng An Tráng, Thăng Bình). Giai đoạn đầu do đồng tử Liên Hoa chịu trách nhiệm, sau đó mọi việc do pháp đàn Trần Nguyên Chí. Vì tiền bối Trần Hoanh và Lê Trí Vinh bận công tác Cửu Viện ở Sở Nông nên tại thánh thất Trung An có các tiền bối Phan Đề, Nguyễn Trinh Cán, Trương Sư Xuyên phụ trợ.
Đến tháng 5 Đinh Hợi, có lệnh khai khiếu cho cặp đồng tử ấy với sự hiện diện của đồng tử Liên Hoa. Liền sau đó cặp phò loan Chí Bửu, Chí Lân được lệnh Đức Đông Phương Lão Tổ điều về lại Tịnh Đức Đường ở Phước Hội lập đàn dượt điển với thành phần: pháp đàn (Trần Nguyên Chí), phò loan (Chí Bửu, Chí Lân), độc giả (Lê Trí Vinh), điển ký (Trần Hoanh).
THI
Một khoảnh rừng hoang, mấy khoảnh vườn
Khóm đồi thoai thoải vẻ tang thương
Dãi dầu cây cỏ khi mưa nắng
Lao khổ đạo đời buổi gió sương
Nhà cửa xác xơ bên cụm núi
Kệ kinh lãnh lót dưới làn hương
Nắng hè thôi hết cơn đi lại
Gió bấc, mưa phùn thổi cố hương.
TRẦN HƯNG ĐẠO
Lão truyền tất cả giai quỳ tiếp giá Chí Tôn. Lão chào lui.
TIẾP ĐIỂN
THI
NGỌC chiếu mười phương rõ ánh hồng
HOÀNG ân bố phước khắp Tây Đông
THƯỢNG căn trẻ dại đang mong mỏi
ĐẾ khuyết già nua vẫn nhớ trông
CAO cả nài chi cơn tuyết nguyệt
ĐÀI tiền dầu phải buổi phong sương
GIÁO khai chánh đạo tam quy nhứt
CHỦ thuyết còn đây cũng một đường.
Phần tản văn, Đức Chí Tôn dạy rất dài. Sau đó Đức Lý Giáo Tông giáng dạy tiếp.
TIẾP ĐIỂN
LÝ GIÁO TÔNG
Lão chào. Đây lão vâng lời chỉ giáo của Đức Chí Tôn, việc cần thiết là cứu giúp các em.
Cứu giúp thế nào? Lo sao cho đạo hữu vui vầy, cho người người được vững đức tin, trai giới tinh nghiêm, đạo tâm kiên cố như cây cổ thụ trước làn gió đổ xô, không dời chí hướng.
Lão cho đạo phổ thông bằng cách nào? Cho người rõ thông giáo pháp, phải nhủ khuyên dạy bảo, phải an ủi dỗ dành, hoặc bằng đồng tiền hoặc bằng viên thuốc, hoặc bằng lời dịu tiếng êm. Thời cuộc chiến tranh đã làm non nước phải phanh phui, tình đồng đạo lại càng thêm khắn khít.
Kìa! Em bé đang kêu khóc bên bà mẹ gầy mòn. Kìa! Người đau đang chờ mong hớp nước, trước giờ phút biệt ly. Nào chạy trước nào chạy sau. Tiếng súng vẫn như gió gặp lửa. Bọn cừu địch vẫn như người điên cuồng. Thì làm sao? Phải thế nào? Bên dòng nước trầm mình, bên bụi cây núp thân. Kìa nó đến, kìa nó đi. Tiếng trống đổ liên miên, tiếng mõ kêu inh ỏi. Giặc đến rồi! Giặc đến chưa? Đàn gà người ([2]) lại chen nhau lẫn trốn.
Than ôi! Mai tụ xóm nầy, chiều tụ xóm khác. Bao nhiêu tâm trí nát dần, gan ruột tiêu tan. Hỏi tình cảnh đau thương ấy, đạo đức lấy đâu mà tồn tại? Hỏi phẩm giá lấy đâu mà nên trò? Cảnh thế đau thương, việc đời lăn lóc, hỏi những ai là kẻ mẫn thế ưu thời? Thời thế vẫn thế thời điên đảo. Thế thời vẫn thời thế khuynh nguy. Còn đâu biết đạo tu trì? Thân tứ đại vẫn đeo đai khổ tục, tiếng ca thán vẫn vang rền khắp cõi.
Có lắm đạo tâm vì phẫn chí đau lòng mà giận mình trách bạn. Này, Hội Thánh là ai? Đạo vẫn đạo trên thượng du sơn cước, đâu còn thế đạo ở trung châu? Thôi thì lúc khổ ta bỏ quách, kệ anh nào quyến luyến. Kìa làn khói đen kịt cả một góc trời! Nay vài chục nhà cháy, mai mấy chục người thiêu. Tiếng đạn rơi vẫn kết liễu bao đời kiếp. Tiếng súng nổ vẫn thành tích máu xương của đám người vô tội. Trước tình cảnh như thế, nhân tâm như thế, thử hỏi các em đành trối kệ hay sao? Vậy bây giờ phải làm thế nào?
Đây Lão dạy: Khai, Tiết, Hoanh, Cầu, Tiến, Khôi, Hữu Chí! Các em phải là một bộ máy vận hành các ban cai quản các thánh thất Trung Thành, Từ Quang, Linh Bửu, Thanh Quang. Những động cơ thúc đẩy công việc thì chung sức chung lòng, chung công chung của. Phước Thiện phải sắm thuốc cho người. Ban Cai Quản, Phổ Thông phải về tận nơi an ủi khuyên lơn đạo hữu. Đó, công việc cần kíp, các em phải gấp rút thi hành. Lão lui.” ([3])
Đàn cơ dượt điển nầy chứng tỏ bộ phận thông công mới đã đủ điều kiện nên Ơn Trên ban lệnh bắt đầu lập đàn thường kỳ để tiếp điển viết bộ sách triết lý Tôn Giáo Đạo Học của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Hai
Tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa năm đó mới hai mươi hai tuổi. Vốn đã được đào tạo ở Đạo Đức Học Đường (Tòa Thánh Tây Ninh) nên khá rành về kinh lễ. Tiền bối rất ham nghiên cứu học hỏi, tìm cầu tri kiến giải thoát. Tiền bối làm thư ký Lễ Viện và được cắt đặt làm trụ trì Tịnh Đức Đường. Tiền bối luôn nghiêm túc trong nghi thức lễ bái cúng tụng, tạo cho mọi người lỏng mến mộ và tin kính.
Ở Tịnh Đức Đường vài tháng, tiền bối được Hội Thánh Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ cử vào phẩm Lễ Sanh rồi điều động làm Đầu Họ Đạo thánh thất Trung Hòa. Họ đạo Trung Hòa ở miệt nguồn của quận Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), có đến trên một ngàn tín đồ, ở rải rác xa thánh thất.
Xã Bàn An cách thánh thất Trung Hòa trên hai mươi cây số, đường đi núi non đèo dốc hiểm trở, lại có nhiều thú dữ. Bổn đạo Bàn An muốn tách riêng họ đạo để thuận tiện đi lại. Hơn nữa ở Bàn An có tiền bối Nguyễn Đình Anh là một thanh niên vừa cựu học, vừa tân học, có tinh thần cấp tiến, mà bổn đạo lại không thích tính bảo thủ của Lễ Sanh Đầu Họ Tống Phước Hậu (vốn là một lão Nho).
Vì điều kiện chưa tách lập thánh thất được nên Hội Thánh chấp nhận đơn nghỉ bệnh của Đầu Họ Tống Phước Hậu và đưa Lễ Sanh Nguyễn Ngọc Hòa thay thế.
Đang có bất đồng giữa cũ và mới, giữa thanh niên và lão thành, giữa cấp tiến và thủ cựu, mà người Đầu Họ mới đến nắm quyền độ sanh độ tử là một thanh niên quá trẻ, lại là người miền Nam nên bổn đạo hơi ngỡ ngàng và có phần khinh suất. Tiền bối Lễ Sanh Hòa cũng rất ái ngại nhưng nghĩ vì Hội Thánh Cơ Quan đã tin tưởng trao phó trách nhiệm thì hãy chí tâm hành sự.
Buổi lễ bàn giao nhậm chức của Đầu Họ được tổ chức khá long trọng. Bổn đạo tham dự rất đông với thâm ý dò xét đo lường năng lực của vị Đầu Họ ở vào hàng lứa tuổi con cháu.
Sau phần chính lễ, qua ý kiến chung của số đông các bậc trưởng thượng. Lễ Sanh tân Đầu Họ đã chân thành biểu lộ tâm nguyện của mình và giải đáp mọi ý kiến của bổn đạo dẫn đến chỗ thông cảm và quý mến một tâm trường vì nhân sinh vì đạo pháp. Bởi vì thực sự Lễ Sanh Hòa tương đối có trình độ về Tây học lẫn Nho học và còn là cựu sinh viên Đạo Đức Học Đường Tòa Thánh Tây Ninh, nên đã thỏa thông được mọi yếu chỉ của nền tân giáo trong vai trò một Đầu Họ Đạo.
Khi bắt tay vào thực thi quyền pháp, tiền bối Lễ Sanh Đầu Họ họp Ban Tứ Vụ (gồm Lễ Vụ, Công Vụ, Hộ Vụ và Lương Vụ) để sắp đặt lề lối sinh hoạt tu học thường xuyên. Hằng tháng hai ngày sóc vọng đạo hữu đi thánh thất dự sinh hoạt học đạo, nghe lời thuyết minh giáo lý của chức sắc. Ban Tứ Vụ trình bày sổ sách chi thu, giải quyết mọi thắc mắc yêu cầu, hòa giải mọi xích mích trong họ đạo nếu có.
Tiền bối Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh đã cố gắng hết mình trong nhiệm vụ đứng đầu một họ đạo gồm 1.265 tín đồ. Ngoài những lễ cúng cầu siêu, cầu bệnh, lễ tang, lễ giỗ, tín đồ còn xin lễ cầu con, lễ vớt vong, lễ giải bùa thư ếm, lễ trừ tà… Thật là nan giải với những trường hợp không có nghi thức trong kinh lễ. Tuy nhiên Đầu Họ Đạo vẫn hoàn thành tốt mọi yêu cầu bằng tấm lòng chí thành xin quyền pháp Thiêng Liêng trong tinh thần “Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh”. Vì vậy Lễ Sanh Thượng Hòa Thanh đã được sự tín mộ và kính phục của tập thể tín đồ Trung Hòa.
Một hôm, trong giờ sinh hoạt học giáo lý, ông Thông Sự Võ Nghi dẫn vào một người Thượng mình trần trùng trục, chỉ vận một chiếc khố. Vừa bước vào cửa, ông vội sụp lạy lia lịa, cất giọng lơ lớ: “Hôm nay tôi biết có cuộc họp trên đầu trên cổ, nên tôi xin nhờ ông thầy cứu giùm tôi. Em tôi nó muốn giết tôi. Nó thư tôi nồi cơm đầy miểng chai miểng chén. Xin ông thầy cứu giùm tôi.”
Lễ Sanh Hòa hơi bối rối, trầm ngâm một chút rồi hỏi lại: “Tại sao em ông lại muốn giết ông?”
Người Thượng chắp tay: “Thưa ông thầy trên đầu trên cổ, em tôi muốn dành chức cai tổng của tôi vì tôi là mẹ sóc.”
Lễ Sanh Hòa cười nhẹ nhõm bảo: “Tội nghiệp em ông quá. Ông về nói lại với nó như vầy: Anh vẫn thương em, dầu em muốn giết anh để dành chức cai tổng. Nếu em muốn, anh sẵn sàng nhường cho. Chức cai tổng dễ kiếm chứ anh em mất đi rồi thì không thể tìm lại được. Ông hãy về nói với em ông như vậy thử coi.”
Người Thượng thân hình vạm vỡ, đen đúa nhìn mọi người vừa xá vừa lui ra về.
Đến kỳ họp sau, Thông Sự Nghi lại đưa người thượng ấy trở lại, mang theo một khay trầu cau làm lễ vật cúng tạ ơn Giàng (Trời). Ông nói: “Lời dạy của ông thầy trên đầu trên cổ linh quá. Em tôi bây giờ nó đổi tính, nó thương tôi lắm. Nó nói hễ ai muốn giết tôi thì phải giết nó trước. Tôi đội ơn ông thầy và xin cho tôi được phép thờ ông Giàng của ông thầy với.”
Người Thượng ấy tên là Đinh Woòng đã được Lễ Sanh Hòa Đầu Họ Đạo thánh thất cho nhập môn với lời căn dặn: “Kể từ ngày nay chúng ta trở thành anh em, chỉ có một ông cha là Trời, một ông Thầy cũng là Trời. Phải hết lòng thương yêu lẫn nhau. Anh đừng kêu tôi bằng thầy nữa. Anh phải ăn chay, cữ thịt cá mỗi tháng ít nhứt sáu ngày. Nếu không giữ đúng sẽ bị Trời phạt. Anh nhớ kỹ lời tôi, nghe chưa!”
Đó là người Thượng đầu tiên nhập môn Cao Đài. Dần dần về sau thêm nhiều người Thượng khác đến nhập môn tại Trung Hòa.
Tình hình chiến sự mỗi ngày thêm trầm trọng. Quân Pháp lần lượt càn quét lấn chiếm các quận phía bắc Quảng Nam, Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc. Giặc hành quân lên đóng đồn Phú Mỹ thuộc xã Đại Ninh. Qua bên sông Vu Gia đóng đồn Ái Nghĩa, Núi Đất… Chỉ còn mấy quận Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình, Tam Kỳ tương đối yên ổn.
Công cuộc trường kỳ kháng chiến lên đến cao trào. Thanh niên được kêu gọi đi bộ đội. Ở làng xã có tổ chức dân quân tự vệ, dân quân du kích cả nam lẫn nữ. Các cụ ông thì vào đoàn thể bạch đầu quân (ông bạc đầu). Giới phụ nữ cũng tổ chức thành đoàn thể lo vận động đồng bào ủng hộ nuôi quân. Các em nhỏ được tổ chức thành đoàn thiếu nhi. Hằng đêm các em tập trung ca hát vang vầy…
Bổn đạo Cao Đài tại Sở Nông Phước Hội cũng đã quyết tâm phải trường kỳ gian khổ, phải củng cố nếp sống và việc mưu sinh lâu dài. Tất cả mọi người đều chú trọng vào việc lao động sản xuất, khai vỡ đất hoang. Không chỉ trồng hoa màu, lúa khoai, bắp đậu mà còn trồng cây công nghiệp.
Đất ở đây khá màu mỡ, khoai lang cho củ rất lớn, bùi, ngon; còn ngọn lá khoai lang luộc hoặc nấu canh cũng rất tuyệt. Những nà bắp ([4]) thì bạt ngàn. Đến mùa thu hoạch, người ta dùng giỏ bội đi bẻ trái. Gia đình dư lao động thì đi bẻ thuê, cứ hai mươi trái, được trả công một trái. Mùa thu hoạch bắp rất thú vị, có bắp nấu ăn tươi, có bắp làm món chả ram ăn cơm. Món chè bắp rất được ưa chuộng cho buổi giải lao. Bắp khô được xay vỡ để độn với gạo nấu cơm. Bột cám bắp thì nấu ủ làm tương.
Ngoài lo ăn, còn phải lo mặc. Tiền bối Hồ Thanh Đạm được đề cử nghiên cứu kéo chỉ bông vải, thực hiện khung dệt vải ta, vải tám. Khi mùa bông vải đầu tiên thu hoạch về, tại khu tiểu thủ công nghiệp, bổn đạo lo phơi bông, cán bông, bắn bông, đạp cơm, xe chỉ. Có hai khung cửi ngày đêm tiếng thoi đưa lách cách và những cây vải đầu tiên được trình làng gọi là vải ta. Rồi còn lo nhuộm màu đen, màu đà. Sau đó những bộ đồ bà ba được các thợ may thực hiện. Quần áo may bằng vải nầy rất thích hợp cho người lao động. Nó dễ thấm mồ hôi và rất mát, tuy nhiên hay sinh rận và mau rách. Việc ăn, mặc, ở, sinh hoạt tín ngưỡng tương đối đi vào nề nếp.
Còn bệnh hoạn chết chóc cũng là nỗi lo. Ở đây có hai loại bệnh đáng sợ là sốt rét và bệnh ghẻ. Văn phòng Hiệp Lý cho tổ chức y tế vệ sinh theo phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh; thực hiện hố rác, hố tiêu, quần áo phải trụng nước sôi hàng tuần. Ăn cơm phải trở đũa hai đầu. Tuy vậy người chết về bệnh sốt rét không phải là ít.
Công việc định hình khu Sở Nông mới tính bằng tháng chứ chưa tính bằng năm. Trong chín viện, viện nào cũng hết sức chăm lo trách vụ của mình. Nhờ quyết tâm của bổn đạo vừa lo cho gia đình vừa lo cho Giáo Hội nên thành quả rất tốt đẹp.
Rồi một buổi sáng tháng 5 Đinh Hợi (1947) mặt trời chan nắng xuống khắp cả đồi nương. Bỗng tiếng máy bay ù ù từ phía núi Tý, tiếp theo là tiếng nổ vang rền. Một trận oanh kích đã làm mọi người khiếp đảm. Khi máy bay đi rồi, cảnh chết chóc bi thương thật hãi hùng, thây tan thịt nát. Kể từ đó ngày nào cũng có máy bay thám thính, bắn phá hoặc dội bom. Một ngày nọ Tịnh Đức Đường cũng bị oanh tạc, phò loan Chí Lân và điển ký Trần Hoanh đều bị thương.
Cuộc sống tại Phước Hội từ đó trở nên khó khăn hơn. Đến tháng 7 Đinh Hợi (1947) có lệnh Đức Đông Phương Lão Tổ di chuyển bộ phận thông công về thánh thất Trung An tiếp tục hoàn thành bộ sách triết lý Tôn Giáo Và Đạo Học của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.([5]) Ba tháng sau (tháng 10 Đinh Hợi, 1947) văn phòng Cửu Viện cũng dời vào thánh thất Trung An.
Bổn đạo Sở Nông được tổ chức lại theo kiểu sống của vùng mất an ninh. Người ở bám lại vẫn còn được sự chăm lo của Cửu Viện. Khu công nghệ dệt Tứ Trung lo đặt kế hoạch phát triển vì hàng vải ta, vải tám đang là nhu cầu. Nông Viện tiếp tục lo duy trì việc khẩn hoang trồng tỉa nông sản, phát triển cây bông vải. Phước Thiện Viện chăm lo y tế thuốc men ngừa bệnh, trị bệnh.
Tại thánh thất Trung An tương đối yên ổn. Các hướng đạo lo mở trường dạy chữ, dạy đạo. Phổ Thông Giáo Lý Viện tổ chức các khóa giáo lý đoản kỳ. Nội, Ngoại Giao Viện tuyển bổ chức sắc, chức việc hành chánh đạo các cấp; cử đại biểu tham gia Mặt Trận Liên Việt từ cấp xã đến liên khu; cho các trưởng và đoàn sinh Tráng Anh Đoàn tham gia sinh hoạt thanh niên, thiếu nhi ngoài đời. Bộ phận phò loan được đưa đi lập đàn phổ độ ở các thánh thất, và luôn được Ơn Trên giáng lâm khuyến dạy. Chẳng hạn:
Hội Thánh phải thân cô chạy vạy
Tín đồ cam ba bảy buồn vui
Mấy ai sớt ngọt chia bùi
Đó mau hành sự chia vui sớt buồn
Chớ rời rã thuyền tuôn phải đổ
Chớ ghét ganh thuyền khó lần neo
Cùng chung một dạ bơi chèo
Cùng chung một chí leo trèo nấc thang…
Ba
Tiền bối Hiệp Lý Trần Nguyên Chất đã năm mươi lăm tuổi, đã trải qua kỳ pháp nạn, lại thêm toan tính nhiều cho công cuộc tản cư, định cư, thiết lập khu Phước Hội (Tý Sé). Rồi những cảnh bom nổ đạn bay, người tan thây, nhà cửa sập nát, nên khi tái di cư vào thánh thất Trung An thì sức khỏe tiền bối Hiệp Lý có phần suy kiệt.
Lại thêm một sự việc đáng âu lo là hai tiền bối rường cột của Cơ Quan Truyền Giáo là Giáo Sư Nguyễn Chơn Khai ([6]) và Giáo Hữu Nguyễn Như Sơ bất đồng quan điểm về phương thức hành đạo. Tiền bối Chơn Khai thì chủ trương cấp tiến, mạnh dạn đem đạo vào đời, cổ xúy mọi sinh hoạt cứu tế cứu nạn, đưa tôn giáo tham gia các công tác xã hội. Ngược lại tiền bối Như Sơ thì e dè ngần ngại, cho rằng chưa phải lúc, chưa đến thời cơ, việc làm thiếu đắn đo, cân nhắc sẽ bị hiểu lầm là không thuần túy tôn giáo, hoặc mượn đạo tạo đời…
Hai bậc hướng đạo đã kết tâm giao trong môi trường tân pháp, nay lại không cùng hướng hành đạo, mỗi người tách về giáo sở của mình: kẻ Thanh Quang, người Từ Quang. Chỉ còn tiền bối Hiệp Lý ở văn phòng Cửu Viện đặt tại thánh thất Trung An. Tình cảnh ấy đã tạo nên hệ lụy mất cân bằng thế chân vạc.
Tiền bối Hiệp Lý tuy sức khỏe không được tốt nhưng tâm trì luôn sáng trưng về sự chung nguyện, đồng lòng trong ân Thầy nghĩa Đạo gầy dựng cuộc tồn sinh cho cả thế nhân, cho muôn phương muôn hướng. Công việc đâu thể một sớm một chiều, một cảnh một quê. Cái mong cầu cứu cánh còn đang ở bậc thấp nhất để dần lên bậc cao, còn đang ở chỗ hẹp nhất sẽ dần dần ra đến muôn trùng. Tiền bối rất thấm thía đoạn thánh giáo:
Ơn nặng nhẹ so từng ly tấc
Nghĩa kém thua cân nhắc từng phân
Lo sao gọi Thánh gọi Thần
Con người sứ mạng giúp dân cứu đời
Cuộc thay đổi lòng người cũng đổi
Đổi phương châm độ rỗi nhơn sanh
Cái lo là cái sự thành
Cái buồn là cái quên đành nấy giao ([7])
Giờ thế đó làm sao Hội Thánh?
Giờ như vầy ai lãnh Đồ Thơ ([8])
Ai ra giục trống phất cờ
Ai người tiếp rước, ai chờ gọi nhau
Tiền bối Hiệp Lý cảm thấy xốn xang trong lòng về việc bất hòa giữa hai hướng đạo đồng sự. Lại thêm một số tín hữu trẻ làm thơ luân lưu gởi đi nơi nầy nơi khác với nội dung chỉ trích, phê bình hoặc thỉnh cầu mong mỏi và cũng có đề cập đến vấn đề cơ bút.
Trước tình cảnh đó tiền bối Hiệp Lý đã viết một tâm thư lời lẽ thống thiết gởi cho hai tiền bối Chơn Khai và Như Sơ mong cùng gặp gỡ thỏa thông để chung lo cơ đạo. Cuối thư tiền bối bộc lộ ý hướng chung sức chung lòng bằng một bài thơ Đường luật:
VỊNH CÁI CHỔI
Một mình yếu ớt hiệp năm ba
Tháng tháng năm năm dọn cửa nhà
Hằng bữa giúp người đâu đấy sạch
Thâu đêm dựa xó phận thân chà
Bốn mùa giòn giã không ngơi nghỉ
Tám tiết chuyên cần mãi thiết tha
Khó nhọc nhớp nhơ nào tưởng đến
Tơi bời xơ xác hả lòng ta.
Thực ra trong những ngày tách về giáo sở của mình, hai tiền bối Như Sơ và Chơn Khai cũng cảm thấy bất nhẫn trước cảnh tồn vong của cơ đạo miền Trung và lòng kính tin của mấy vạn nhân sinh đối với Giáo Hội. Cho nên khi được thư của văn phòng Hiệp Lý, hai tiền bối liền như được vực dậy ngay. Một cuộc họp rộng rãi, có sự tham dự chung của các hướng đạo và ban cai quản các thánh thất được tổ chức tại văn phòng Hiệp Lý đã tạo nên không khí cảm thông hòa hợp, vạch ra một chương trình mở rộng cơ đạo khắp các tỉnh Liên Khu V.
Liền sau đó thiết lập đàn cơ, Đức Trần Tổng Lý giáng dạy:
TỔNG LÝ TRẦN HƯNG ĐẠO
Lão chào chư Thánh mạng lưỡng đài và toàn thể ban cai quản.
THI
TRẦN ai ai rõ chuyện trần ai
HƯNG chánh tà xiêu sẽ biết tài
ĐẠO pháp cao thâm cơ diệu lý
Giáng trần chỉ vẽ chuyện trần ai.
Đức Trần Hưng Đạo cho năm khổ thơ bốn câu, tiếp theo là phần tản văn và một bài trường thiên. Tóm tắt những ý chánh yếu trong lời dạy của Đức Tổng Lý như sau:
Cuộc đời, cuộc đạo đều do sự vận chuyển trong vô vi nào ai biết được. Cảnh thê lương, cơ xáo trộn, bãi chiến trường đã lắm cách diễn tuồng. Cha mẹ bỏ, anh em xa, dân tộc Việt Nam đã phải bao hồi đau khổ. Kể từ trước đến nay, Đinh, Lê, Lý, Trần, rồi Nguyễn, bao thời oanh liệt, bao cảnh phế tàn. Mảnh đất chữ S của giang sơn con Lạc cháu Hồng đã lắm cảnh đổi dời. Các bậc danh tướng Trần Hưng Đạo, Nguyễn Quang Trung đâu còn. Giữa tình trạng điêu linh ai người thay thế? Đời đã thế, nước non đã thế thì tôn giáo làm sao đứng vững! Tôn giáo là món linh đơn, là vị cứu tinh đưa sự thật từng mỗi con người đến cả nhân loại. Đó là hòa nhã yêu thương, là tương thân tương trợ. Nhưng món linh đơn ấy, vị cứu tinh ấy đã bị lợi dụng. Hòa nhã yêu thương trở thành rã rời ganh ghét, tương thân tương trợ đổi ra giận dữ oán hờn. Đó là cảnh hết sức đau lòng. Hôm nay cần dụng phương chấn chỉnh lại. Đạo có nên, đời mới mong thành tựu. Hội Thánh có yên, thánh thất mới đủ phương châm cứu thế; ngược lại, đời đau khổ thì đạo cũng tang thương…
Lời dạy của Đức Trần Tổng Lý thật thấm tình, làm cho nghĩa linh sơn cốt nhục của hướng đạo bừng dậy. Các tiền bối đã cùng nhau trở về với nhiệm vụ, luận bàn về ý hướng cần quảng khai mối đạo khắp cả miền Trung gồm cả Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Bởi vì đạo Cao Đài đến với năm tỉnh nầy do nhiều đầu mối khác nhau, tuy có biết nhau trong ý hướng chung Thầy chung Đạo, liên lạc nhau trong tình cảm tương kính mà chưa chung cùng một tổ chức, một mối giềng.
Tại Quảng Nam, từ năm 1934 do Tứ Linh Đồng Tử thừa mệnh “thượng cờ quy nhất” khai giáo Bắc Trung, có các tiền bối Nguyễn Quang Châu, Lê Trí Hiển tiếp thụ.
Tại Quảng Ngãi do các tiền bối Nguyễn Tiên, Nguyễn Khiết, Trần Hào chuyển mối chân truyền từ thánh thất Cầu Kho (Sài Gòn) và các tiền bối Trần Nhiều, Lâm Thành Công, Lê Đức, Lê Quang Viện, Võ Quang Trân, Trần Duyên tiếp thụ.
Tại Bình Định thì có hai nguồn: một là ở Tam Quan do các tiền bối Phan Nghị, Lê Đại Luân, Dương Minh Tánh, Hồ Kiên chuyển mối đạo từ Tân Định (cùng gốc thánh thất Cầu Kho); hai là ở Hội Vân (Phù Cát) do tiền bối Huỳnh Thanh (Tiên Thiên).
Tại Phú Yên, đầu tiên do tiền bối Võ Hóa tiếp nhận mối đạo tại Tây Ninh và các tiền bối Lê Chơn Nho, Nguyễn Nhựt Tân, Võ Thượng Kính tiếp nhận mối đạo tại thánh thất Cầu Kho. Về sau các tiền bối Dương Bình Tống, Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh cũng tiếp nguồn đạo từ Tây Ninh.
Cơ đạo ở mỗi tỉnh vẫn đang tình trạng của buổi sơ thời. Tuy có tổ chức thánh thất nhưng lỏng lẻo rời rạc. Nhất là sau vụ pháp nạn tại Quảng Ngãi, người Cao Đài trở nên xơ rơ mất phương hướng.
Tại Bình Định nhờ sự trấn an của tiền bối Huỳnh Thanh sau khi đi Hà nội về. Còn Phú Yên chưa rõ được nguồn cơn ra thế nào, nên các tiền bối Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh, Võ Thượng Kính đã lần dò ra Quảng Nam đến tiệm thuốc Trung Hòa Đường tìm gặp các hướng đạo Truyền Giáo. Buổi hội ngộ tuy ngắn ngủi mà đã truyền được cho nhau hơi ấm, niềm tin và hứa hẹn một tương lai đồng hội đồng thuyền.
Dường như có sự vận chuyển của vô hình, nên tại Bình Định cũng có khuynh hướng muốn liên lạc với Cơ Quan Truyền Giáo để mời hướng đạo vào mở khóa học giáo lý, đào tạo giáo sĩ. Thánh thất Ngọc Linh Đài ở quận Phù Mỹ (Bình Định) có tiền bối Đặng Ngọc Dương, năm 1946 đã tham gia khóa sinh viên phổ thông tại thánh thất Trung Thành, khi thấy tình hình tín ngưỡng Cao Đài trong tỉnh được dễ dãi, tự do, nên tiền bối muốn liên lạc với Cơ Quan Truyền Giáo để xin mở khóa học tại Bình Định.
Được biết khi quân pháp tái chiếm Đà Nẵng, Cơ Quan Truyền Giáo đã di chuyển vào Phước Hội rồi đến thánh thất Trung An, nên tiền bối Đăng Ngọc Dương rủ thêm người chú họ là tiền bối Đặng Vịnh cùng đi Trung An để hội kiến các hướng đạo.
Phải trải nhiều khó khăn mới tìm được thánh thất Trung An. Vì là một sinh viên phổ thông tại thánh thất Trung Thành năm 1946 nên tiền bối Đặng Ngọc Dương rất mừng vui gặp lại các hướng đạo Cơ Quan Truyền Giáo.
Cơm nước hàn huyên xong, hai tiền bối Đặng Ngọc Dương và Đặng Vịnh được báo cho biết đêm đó sẽ lập đàn cơ để thỉnh ý Thiêng Liêng về chương trình phát triển cơ đạo các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tiền bối Đặng Ngọc Dương vô cùng phấn khởi vì đây là cơ duyên hy hữu cho nguyện vọng của Bình Định.
Bộ phận thông công đàn cơ đêm 28-11 Đinh Hợi (Thứ Năm 08-01-1948) gồm có tiền bối Trần Nguyên Chí (pháp đàn), Chí Bửu và Chí Lân (song đồng), tiền bối Trương Sư Xuyên (độc giả) và tiền bối Nguyễn Xuân Kinh (điển ký).
Khi cơ chuyển, chỉ cho bốn câu thi:
Việc trần gian hôm nay khó tỏ
Vì đàn tiền dòm dỏ lôi thôi
Sau đây ba khắc Tý thời
Tái cầu Lão sẽ đôi lời tỏ phân.
Thăng.
Xả đàn xong, mọi người ngó nhau hơi ái ngại, vì Đấng giáng đàn không xưng danh lại có câu “dòm dỏ lôi thôi” nên đã có không khí ngờ vực cho hai nhân vật Bình Định. Tiền bối pháp đàn tìm cách thu xếp khéo cho hai nhân vật Bình Định khỏi hầu đàn tái cầu vào giờ Tý.
Hai tiền bối Đặng Ngọc Dương và Đặng Vịnh được mời vào nghỉ trong phòng có mùng màn chăn gối sẵn. Hiểu rằng mình bị cách ly vì nghi ngờ là kẻ “dòm dỏ lôi thôi” nên hai tiền bối cứ trằn trọc không ngủ được.
Tiền bối Đặng Ngọc Dương nói với tiền bối Đặng Vịnh: “Giờ Tý nầy nếu Ơn Trên không đá động gì đến chuyến đi của chú cháu mình thì sáng ngày mai cháu về ngay không ăn uống gì cả. Về nhà, một là bỏ Đạo, hai là nếu giữ Đạo thì không tin cơ bút.”
Tiền bối Đặng Vịnh gật đầu: “Thì tôi cũng vậy thôi.”
Hai người cứ thao thức nằm không yên. Đến giờ lập đàn, hai người lén lại bên cửa sổ nghe ngóng. Tiếng độc giả đọc bên trong:
Hôm nay vâng lệnh Lão về đây
Câu chuyện trung châu sẽ giải bày
Cho thảy các em vào đại tịnh
Hầu nghe câu chuyện giữa canh chầy
Canh chầy thánh bút nhặt khoan
Đôi câu tâm sự chung bàn cùng em…
Nghe đến đây hai người vội vô phòng khăn áo chỉnh tề vì biết rằng sẽ được gọi hầu đàn. Quả đúng như dự đoán, hai tiền bối Dương và Vịnh bước vô đàn quỳ xuống cung kính nghe dạy. Phần tản văn dạy đạo khá dài rồi tiếp đó cơ viết:
“Hôm nay hai em về đây không phải việc ngẫu nhiên mà là tiền định, vì rằng hằng lâu Tổng Lý và Hiệp Lý chỉ hành đạo ở địa phương Quảng Nam mà thôi. Giai đoạn nầy cần mở rộng toàn Trung Bộ…”
Tiếp theo là thi bài điểm danh các tỉnh:
Thuyền tế độ đang cơn cuồng động
Cõi dinh hoàn mạnh sống yếu thua
Than ôi! Nhân loại đua đòi
Vào đàng tự diệt vẫn coi nhau thường.
Thùa Tỉnh Đo nên danh khá giả
Nhưng ví như một gã tiều phu
Khi thì theo dõi công phu
Khi thì xao lãng đường tu thế mà.
Thế thời thế lo xa việc thế
Gắng bôn chôn chớ trễ việc trần
Cùng nhau liệu sức chung phần
Mới ra lý đạo phước lành Thầy ban.
Nam Tỉnh Đo nhân sanh oằn oại
Kiếp tu hành vẫn phải ra công
Mưu mô xây đắp đại đồng
Nhưng chưa thoát khỏi cái vòng đeo đai.
Nghĩa Tỉnh Đo lài rài thân thế
Đạo tâm ôi! Thôi kệ trò đời
Gắng lo kinh kệ chiều mơi
Có Thầy, có bạn đến hồi yên vui.
Phận côi cút lấp vùi bảy thước
Kiếp thân sanh đảo ngược phong trào
Dẫu rằng cảnh thế âm hao
Cũng là thiên diễn nêu cao Đạo nhà.
Bình Tỉnh Đo tỉnh đà chưa tỉnh
Thức tu mi phái tính sự đời
Gắng lo theo kịp thuyền bơi
Ba đào sóng vỗ ấy thời lập công.
Phú Tỉnh Đo còn trông cậy sức
Biết là ai đạo đức nên danh
Lo toan nung nấu chí thành
Một mai nâng đỡ em anh một nhà.
Cuối bài thánh giáo, Đức Tổng Lý ban lệnh triệu tập các đại biểu Cao Đài các tỉnh Quảng Nam, Quảng ngãi, Bình Định, Phú Yên về Hội Thánh (cơ quan tại thánh thất Trung An) họp đại hội để thống nhất chung cơ đạo miền Trung. Thời điểm ấn định mở đại hội là 09-01 Mậu Tý (Thứ Tư 18-02-1948) nhằm đại lễ Thánh Đán Đức Chí Tôn. Thánh lệnh cũng nêu đích danh đại biểu của từng mỗi tỉnh, đồng thời chỉ định hai tiền bối Trương Sư Xuyên và Nguyễn Xuân Kinh tháp tùng hai tiền bối Dương và Vịnh vào Quảng Ngãi, ghé Bình Định rồi đi Phú Yên.
Thật là bất ngờ và bối rối, vì ý hướng kết hợp Cao Đài miền Trung về một mối để chung sức quảng bá đối với các hướng đạo Cơ Quan Truyền Giáo mới bàn luận về ý hướng, kế hoạch chưa soạn thảo. Thế mà nay lệnh Tổng Lý quá gấp, điều kiện giao thông khó khăn, lại thêm đương buổi giặc giã loạn lạc và mối đạo còn đang chịu nhiều thử thách trong cao trào kháng chiến chống xâm lăng.
Về phần hai tiền bối Trương Sư Xuyên và Nguyễn Xuân Kinh, mặc dù biết trách vụ nầy rất hiểm nghèo, đường đi nhiều gay trở, nhưng với nhiệt huyết và lòng say đạo, hai tiền bối nghĩ:
Non cao cũng có đường trèo
Đường dẫu hiểm nghèo cũng cũng có lối đi.
Hai tiền bối quyết chí tuân hành thánh lệnh.
Bốn
Lộ trình từ Quảng Nam đi Phú Yên dài ngót bốn trăm cây số. Hai tiền bối Trương Sư Xuyên và Nguyễn Xuân Kinh đi đò từ Tam Kỳ vào An Tân. Gặp lại hai tiền bối Đặng Ngọc Dương và Đặng Vinh chờ ở đó, rồi cùng đi bộ vào Quảng Ngãi thăm gặp và chuyển trao thánh lệnh xong, đi xe đò chạy bằng than vào Bồng Sơn, từ đó lại đi xe goòng ([9]) vào Phù Cát đến Hội Vân, được tiền bối Huỳnh Thanh tổ chức lễ tiếp thánh lệnh rất trọng thể. Trong buổi hội kiến với tiền bối Huỳnh Thanh, hai sứ giả tưởng như được nguồn nước mát tắm sạch cả bụi đường và tiếp thêm nhiệt lực đốt tiêu tan hết mệt nhọc.
Trong bữa cơm thanh đạm, tiền bối Huỳnh Thanh hăng hái nói: “Thánh lệnh nầy đúng là Thiên nhân hợp nhất. Cái Đạo lớn thì phải chung sức lớn mới làm nên. Bây giờ Đạo chưa sáng danh thì phải chịu thử thách, chịu nghi ngờ, chịu khổ nhục, giết lác. Nhưng khi ngọn đuốc tân pháp bừng lên thì đó là hội Niết Bàn tại thế.”
Tiền bối cười trong niềm hưng phấn, đọc hai câu đối:
Đại Đạo đả tan vật chất, hội vạn quốc, hiệp trần gian,
Cao Đài phổ hóa tiên thiên, chưởng hậu tiền, quy thượng cổ.
Vì thì giờ quá gấp rút, hai tiền bối sứ giả đành cáo từ trong niềm luyến tiếc buổi đạo đàm tâm đầu ý hợp. Hai vị đi bộ xuống ga Phù Cát, tiếp tục đi goòng, hết đoạn xe goòng thì chuyển sang đi xe ngựa và tìm đến được văn phòng tỉnh đạo Phú Yên đúng vào ngày áp Tết, 28 tháng Chạp Đinh Hợi (Thứ Bảy 07-02-1948).
Tỉnh đạo Phú Yên cho triệu tập ban cai quản các thánh thất tổ chức lễ đón tiếp thánh lệnh. Đại ý nội dung thánh lệnh là cơ đạo hiện tại cần cấp thiết có một tổ chức duy nhất lãnh đạo nhân sinh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thánh lệnh chỉ định đích danh ba đại biểu Phú Yên về dự đại hội là Nguyễn Khoa Trường, Đặng Quang Minh và Võ Thượng Kính. Vì quá cập rập trong ngày chuẩn bị lo đón Tết nên Phú Yên chỉ xin đi một đại biểu bằng cách bắt thăm.
Tiền bối Đặng Quang Minh được trúng thăm đi dự đại hội. Có thêm đại biểu Huỳnh Ngọc Thọ xin tháp tùng. Bốn người cùng nhau lặn lội trở ra Bình Định đến Kim Quang Minh Đài đón giao thừa và ăn Tết tại đây. Qua mồng 4 Tết kết hợp phái đoàn Bình Định gồm các tiền bối Huỳnh Thanh, Huỳnh Quang Bình, Huỳnh Kim Ngọc. Ra đến Tam Quan lại có thêm hai tiền bối Hồ Kiên, Phạm Nghĩa.
Phái đoàn lục tục ra phối hợp với đại biểu Quảng Ngãi gồm các tiền bối Trần Nam, Nguyễn Dũng, Nguyễn Thời, Nguyễn Đụn, Võ Cộng, Trần Thị Kim, Nguyễn Thị Đàm và đem theo hai đồng nhi Ấn, Sương.
Về đến Trung An đã có đại biểu Quảng Nam là các tiền bối Cao Hữu Chí, Lê Văn Hóa, Lê Thành Tiến, Ngô Chánh Duy và hai đại biểu Thừa Thiên được chỉ định là Nguyễn Ngọc Hòa và Đặng Ngọc Dược.([10])
Tổng cộng tất cả đại biểu các tỉnh là hai mươi người.
Đại hội khai mạc vào ngày 09-01 Mậu Tý (Thứ Tư 18-02-1948). Về phía Hội Thánh có các tiền bối Trần Nguyên Chất, Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đán, Trịnh Trung Tín, Trần Hoanh, Trần Cư, Nguyễn Chơn Long, Nguyễn Chơn Kinh, Trương Sư Xuyên, Trần Nguyên Chí, Nguyễn Trinh Cán, Trần Mộc (đồng tử Chí Bửu, tức Đồng Tân), Triệu Thị Huyên, Phan Thị Hòe, Trần Thục Cơ, Nguyễn Thị Hanh, Hà Thị Chi…
Đại hội đặt dưới quyền chủ tọa của Hiệp Lý Trần Nguyên Chất, Thư Ký là tiền bối Trần Hoanh. Sau ba ngày thảo luận công khai, tự do, cởi mở, cảm thông, đưa đến kết quả mỹ mãn như sau:
1. Thống nhất danh xưng: Hội Thánh Cơ Quan Truyền Giáo Trung Bộ.
2. Bổ sung thành phần Cơ Quan Truyền Giáo cho đủ nhân vật các tỉnh đạo.
3. Tuân hành Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, và Nội Luật Thánh Tòa Khai Giáo Bắc Trung.
4. Lấy tổ chức Tam Dân Cửu Viện làm mẫu mực và nguyên tố cứu độ sanh linh.
5. Chỉnh đốn các ban lãnh đạo các tỉnh.
6. Các tỉnh đạo lo củng cố ban cai quản ở thánh thất và các ban trị sự ở xã đạo.
7. Hội Thánh phái đến các tỉnh đạo một số giáo sĩ để giúp việc phổ thông giáo lý.
8. Các tỉnh đạo gởi về Hội Thánh một số thanh niên và lễ sĩ để học về hành chánh đạo và nghi thức quan hôn, tang tế.
9. Nhiệm kỳ chung cho các ban lãnh đạo từ Hội Thánh đến tỉnh đạo là một năm.
Đại hội kết thúc trong tinh thần phấn khởi. Mọi người đều dâng tràn hy vọng tốt lành trong bữa tiệc liên hoan và một đêm văn nghệ do Tráng Anh Đoàn tổ chức.
Trước ngày các đại biểu trở về tỉnh đạo, vào Tý thời 15-01 Mậu Tý (Thứ Ba 24-02-1948) có đàn cơ, Đức Lý Giáo Tông giáng dạy:
THI
LÝ sự người ta lý sự hoài
THÁI hòa chẳng chịu, mải bươi moi
BẠCH kỳ xâu xé còn thân rách
Cái dở cái hay đã ló mòi.
Lão mừng chư đệ muội.
THI BÀI
Cái mòi nhân sự đa đoan
Cái mòi nhân thế khó toan chớ mừng
Cái trò nhân diễn lúc cùng
Cái trò nhân loại khó dung được nào
Cái trò thế ấy ai đâu
Mấy người biết được nên nào âu lo
Muốn đi khó đặng được cho
Muốn về im ỉm trong lò Trời ban
Thế sao cũng thế đừng mang
Cái buồn, cái sợ lan tràn khó phân
Cái ta ta chỉ ta cần
Cái anh anh biết cái phần của anh
Đừng rằng anh đã tranh giành
Mà anh khó nỗi ngồi khoanh ở nhà
Rồi đây cũng thế ấy mà
Không không khỏi những con cà con kê
Mặc cho đi đến hay về
Cái bào chuyện ấy nói gì cho ai
Chuyện đời thế thế rồi thôi
Dây dưa câu chuyện đừng ngồi khó an
Mặc mưa ta cứ đi càn
Có trời che chở, có màn che mưa
Rồi mưa sẽ tạnh cũng vừa
Cái công lo lắng chớ thừa lắng lo
Thôi thôi thế sự khôn dò
Cái hay cái dở khó mò cho ra
Ngày đêm năm sáu lần qua
Thân anh cũng khỏe cả nhà khỏe thêm
Rồi lo máu chảy ruột mềm
Rồi lo ngày tháng tò tem chuyện dài
Sao sao cũng có Cao Đài
Sao sao cũng có cái Ngài xanh xanh
Có đi ta quyết đi nhanh
Mặc ai chê chẳng tinh anh sự đời
Cái câu chuyện thế thế thời
Cũng cho hả dạ cái mòi cái đi
Không sao, không hết, không chi
Cơn mưa có nón sợ gì cơn mưa
Thì toan mau nẻo sớm trưa
Cơn mưa sấm sét khéo vừa khi nguôi
Đôi câu thế sự lùi bùi
Cái trò thế sự ấy thôi có gì
Có Thầy ta há sợ chi
Có Thầy ta quyết một khi thử nào
Cái vui câu chuyện lần trao
Rồi đây thế giới quy trào Việt Nam
Thôi em cứ thế mà làm.
Thăng.
Ngay sau đại hội, Hội Thánh chấp thuận cho Huỳnh Ngọc Thọ thuộc Phú Yên, Võ Cộng và hai Lễ Sĩ Ấn, Sương (Quảng Ngãi) ở lại học khóa hành chánh và quan hôn, tang tế. Khóa đào tạo Giáo Hữu phổ thông cũng được mở do Lễ Sanh Nguyễn Mậu Long bảo trợ mọi tiện nghi sở phí. Tổng số học viên là mười lăm. Khóa học mười hai ngày. Chương trình học gồm:
- Mục đích, tôn chỉ, tổ chức đạo Cao Đài.
- Lược sử đạo Cao Đài.
- Tam Dân, Cửu Viện.
- Lễ nghi theo gia thức thường hành.
- Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Nội Luật Thánh Tòa Khai Giáo Bắc Trung.
- Biểu tượng thờ kính Cao Đài.
Thời gian khóa học có hạn nên nội dung chuyển tải đến học viên chỉ lược qua và gợi ý để học viên về tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu.
Sau khóa học, thành phần nhân sự tại Hội Thánh và các tỉnh đạo được ổn định như sau:
- Tổng Lý (vô vi): Đức Trần Hưng Đạo Vương.
- Hiệp Lý: Tiền bối Trần Nguyên Chất.
- Tổng Thư Ký: Tiền bối Trần Hoanh.
* Tại Hội Thánh vì thiếu nhân sự nên Cửu Viện giản lược thành ba cơ quan:
- Cơ Quan Dân Đức: Chưởng Quản là Lễ Sanh Lương Triết; Thư Ký là Lễ Sanh Nguyễn Hậu.
- Cơ Quan Dân Trí: Chưởng Quản là Giáo Sư Nguyễn Quang Châu; Thư Ký là Trần Hoanh.
- Cơ Quan Dân Sanh: Chưởng Quản là Giáo Hữu Nguyễn Đán; Thư Ký là Đặng Ngọc Dược.
Thành phần Hiệp Thiên Đài gồm có:
- Chưởng Quản (vô vi): Đức Đông Phương Lão Tổ.
- Bộ phận thông công: Phò Loan là Chí Bửu (Trần Mộc) và Chí Lân (Trần Anh Tuấn). Độc giả là Lê Trí Vinh. Điển ký là Trần Hoanh.
* Tại bốn tỉnh đạo:
- Phú Yên: Đầu Tỉnh Đạo là Nguyễn Khoa Trường. Giáo Hữu phổ thông là Trần Cư. Thư Ký là Nguyễn Thanh Vân.
- Bình Định: Đầu Tỉnh Đạo là Huỳnh Thanh. Giáo Hữu phổ thông là Nguyễn Xuân Kinh. Thư Ký là Nguyễn Thanh Giang.
- Quảng Ngãi: Đầu Tỉnh Đạo là Trần Nam. Giáo Hữu phổ thông là Nguyễn Chơn Long. Thư Ký là Nguyễn Đình Anh.
- Quảng Nam: Đầu Tỉnh Đạo là Cao Hữu Chí. Giáo Hữu phổ thông là Ngô Chánh Duy. Thư Ký là Lê Thành Tiến.
Công cuộc quảng bá Đạo Trời lúc nầy được tốt đẹp. Mệnh lệnh Hội Thánh được chấp hành nghiêm chỉnh tại khắp các tỉnh đạo. Không ai bảo ai mà quyền pháp được thị hiện tự nhiên tự giác, gây nên niềm kính tin cho toàn đạo về chủ trương đường lối của Hội Thánh. Trong đó Hội Thánh cũng nhắc nhở toàn đạo triệt để thi hành bổn phận công dân trong thời kháng chiến chống xâm lăng giành độc lập. Đó là nhiệm vụ cứu quốc và kiến quốc.
Cơ Đạo miền Trung đã bắt đầu vào ổn định. Ai ai cũng nhất tâm hồi hướng Thượng Đế, luôn luôn tuân theo sự hướng dẫn của vô hình. Tin tưởng vào cơ tận độ Kỳ Ba của chánh pháp Cao Đài bằng tinh thần trung lập theo như lời dạy của Ơn Trên từ năm Tân Tỵ (1941):
Không còn chia phái nầy phe nọ
Không còn phân anh nhỏ em to
Cùng nhau phận sự chung lo
Đứng về trung lập chờ cho Đạo thành
Đợi ngày nào nhân sanh thống nhứt
Đợi ngày nào tri thức mở mang
Gây nên tình cảm nồng nàn
Dắt về Hội Thánh lập đàn quy nguyên.
PHẠM VĂN LIÊM
(Trích bản thảo: Nhịp Chân Buổi Ấy Còn Vang Bây Giờ.)
____________
ĐÔI DÒNG PHỤ HỌA
Qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, quý đạo hữu phương Nam đọc sách, bài viết của Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm thường gặp một số địa danh, phương ngữ miền Trung. Trong bài viết này cũng vậy, Giáo Sư Liêm có nhắc tới hai địa danh Tý, Sé. Nhân đây chúng tôi xin phụ họa thêm:
Tương truyền, xưa kia có dịp đi qua vùng Tý, Sé, Dùi Chiêng, chí sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908) cảm tác:
Lúc lắc đò qua Tý, Sé, Kẽm
Gập ghình chân bước Răm, Ri, Liêu.
Sau này viết về Tý, Sé, Dùi Chiêng, nhà thơ Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng (1935-2003), có những câu như sau:
Qua rồi Tý, Sé, Dùi Chiêng
Dòng sông nức nở ngả nghiêng đôi bờ
Như ta đang xé vần thơ
Sông còn Giao Thủy ta bơ vơ dòng
Chia tay em với nước ròng
Anh về gạn đục khơi trong gởi nguồn.
Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm lại nói tới địa danh Trung Phước (nay thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trung Phước cũng đi vào thơ.
Thật vậy, để mưu sinh, nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907-2005) từng dựng quán nhỏ ở lưng Đèo Le (ngày nay đèo này là ranh giới hai huyện Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trước quán có treo mấy câu thơ của ông:
Cheo leo mái quán lưng đèo
Đường mai Trung Phước, dặm chiều Quế Sơn
Hỡi ai mỏi gối chân chồn
Dừng qua bóng mát trà thơm trải lòng
VĂN UYỂN



([1]) : Doi đất bồi ở ven sông. [PVL chú]
([2]) Người chạy loạn xáo xác như đàn gà.
([3]) Thánh Truyền Trung Hưng, quyển I, tr. 318, có kết tập bài thánh giáo nầy nhưng thiếu phần Đức Lý Giáo Tông truyền dạy. Thánh Truyền Trung Hưng ghi ngày 20-11 ĐĐ 23 (Mậu Tý), tức 20-12-1948; có thể không chính xác vì năm Đinh Hợi (1947) Cơ Quan Truyền Giáo đã di tản về thánh thất Trung An (làng An Tráng, Thăng Bình).
([4]) Nà bắp: Doi đất bồi ở ven sông được trồng bắp. [PVL chú]
([5]) Bộ sách nầy do bộ phận phò loan tiếp điển viết ra ở tại hai nơi. Từ tháng 5 đến tháng 6 Đinh Hợi (1947) tại Tịnh Đức Đường (Phước Hội) gồm có bài tựa và năm bài nghị luận. Từ tháng 7 đến tháng 11 Đinh Hợi (1947) tại thánh thất Trung An. Sách gồm có hai phần toàn theo thể tản văn: Phần I: Triết lý về tôn giáo đạo đức của các tôn giáo xưa; Phần II: Triết lý về tôn giáo đạo đức của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Phần II nầy chia thành hình nhi thượng và hình nhi hạ. Sách nầy thất lạc trong chiến tranh, chưa tìm lại được.
([6]) Giáo Sư Chơn Khai (Nguyễn Quang Châu) là một trong những vị tiền bối khai sơn phá thạch của Cơ Quan Truyền Giáo, và là vị trỗi hơn hết. [PVL chú]
([7]) Nấy giao (nấy trao): Tin cậy trao cho, giao cho, ủy thác.
([8]) Đồ Thơ: Hà Đồ Lạc Thơ. Sứ mạng Cao Đài là chuyển cõi hậu thiên biến hiện (Lạc Thơ) sang cõi tiên thiên tịnh yên (Hà Đồ).
([9]) Xe goòng: Toa xe lửa (wagon) đẩy bằng sức người trên đường ray.
([10]) Tiền bối Nguyễn Ngọc Hòa (tín đồ Cao Đài Tây Ninh) đi học ở Hà Nội. Vì chiến tranh, trên đường trở về quê, tiền bối vào thánh thất An Cựu (Huế) tham gia sinh hoạt ở đó. Tiền bối Đặng Ngọc Dược do tiền bối Hòa hướng dẫn nhập môn ở An Cựu, sau đó hai người vào thánh thất Trung Thành, rồi theo đạo hữu tản cư lên Phước Hội. Vì Thừa Thiên không có người, nên hai tiền bối được tạm đề cử làm đại biểu Thừa Thiên.