Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / GIAO CẢM


CHƯƠNG TRÌNH CHUNG TAY ẤN TỐNG
KINH SÁCH ĐẠI ĐẠO
* Chân thành tri ân BAN GIÁM ĐỐC
và quý anh chị CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC
XÍ NGHIỆP IN FAHASA (Tân Bình, TpHCM)
chung tay công quả ấn tống 1.000 bản
Đại Đạo Văn Uyển Xuân Đinh Dậu (2017).
* Chân thành tri ân cố hiền tỷ HUỲNH THỊ DƯNG
môn sanh Chiếu Minh Long Vân Đàn (Mỹ Tho)
công quả 23 triệu đồng (trích đợt 111) ấn tống 2.000 bản
Đại Đạo Văn Uyển Xuân Đinh Dậu (2017).
Kỉnh thành hồi hướng cửu huyền thất tổ,
cầu nguyện quốc thái dân an,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.
* Cầu chúc quý tác giả, dịch giả, cộng tác viên,
quý ân nhân, quý đạo tâm độc giả
trọn năm an lạc, hạnh phúc, tu học tinh tấn.
BAN ẤN TỐNG
*
G I A O  C Ả M
1. Trong một bài thất ngôn bát cú trào phúng, nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907) viết cặp thực như sau:
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm ([1]) trên vách bức tranh gà
Trước hết, hãy nói về pháo chuột. Huình Tịnh Paulus Của giảng pháo chut là: “Thứ pháo chuyền dây mà đốt cho nó chạy.” (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curol & Cie, Tome I, 1896.)
Theo vn.Wikipedia, mục từ Pháo (lễ hội), thì pháo chuột “là loại pháo có nguyên lý giống pháo thăng thiên nhưng thuốc phóng tạo phản lực không mạnh bằng, phần đầu quả pháo không nhồi thuốc nổ mà nhồi thuốc tạo khói. Thân pháo cũng không gắn que tre như pháo thăng thiên. Khi đốt, quả pháo chạy theo quỹ đạo ngoằn ngoèo trên mặt đất (giống chuột chạy) và cuối cùng xịt ra một đám khói.” Cách giảng này phù hợp với tự vị Paulus Của.
Nhưng qua câu thơ của Tú Xương, chúng ta biết thêm là pháo chuột còn nổ được, tuy rằng tiếng nổ không to, chỉ “đì đẹt”. Sở dĩ nổ không to bởi vì mỗi viên pháo ngắn ngủn và nhỏ, tiết diện nhỉnh hơn đầu đũa. Do đó, vn.Wikipedia nói thêm: “… từ pháo chuột còn dùng để chỉ những loại pháo bánh cỡ nhỏ. Bởi vậy, có người dịch “pháo chuột” sang tiếng Anh là “a tiny cracker”.
Còn tranh gà thì sao? Tranh gà tức là tranh vẽ con gà (hay đàn gà), trong dòng tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ngày trước, tranh Đông Hồ bán nhiều vào dịp tháng cùng năm tận, chuẩn bị đón tết Nguyên Đán. Dân quê thường mua tranh về dán lên tường, trang trí nhà cửa để đón xuân sang. Hết năm lại lột bỏ tranh cũ, mua tranh mới.
Tranh gà Đông Hồ có vài kiểu vẽ khác nhau. Mừng Xuân Đinh Dậu (2017), Văn Uyển chọn mẫu em bé ôm con gà trống làm bìa cho tập Nguyên (21), để gọi là gợi nhớ về hồn xưa vía cũ của tết quê.
2. Cũng trong hoài niệm hồn vía tết quê, Văn Uyển hân hạnh mời quý bạn đọc thưởng thức hai bài Mực Tàu Giấy Đỏ Hương Sắc Mùa Xuân, Nhớ Bếp Tranh Ngày Tết của Hoàng Tuấn Công (một cây bút đất Thanh Hóa).
Vì tết miền Nam cũng như miền Trung không thể thiếu mai vàng, chúng ta cùng Thưởng Ngoạn Mai Vàng qua bài viết của cây bút đất thần kinh - bác sĩ Nguyễn Anh Huy - vốn không còn xa lạ với bạn đọc Văn Uyển.
3. Cùng với tạp văn, thơ xuân… Văn Uyển Xuân Đinh Dậu xin trao gởi quý đạo hữu chút nhẹ nhàng chữ nghĩa đầu năm, như tí sắc hương điểm xuyết cho mảnh vườn chúng ta nhân lúc Đông Quân điểm cành mai hé nhụy (Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 20-01-1966). Và xin nguyện cầu cho nhau được thường lạc an bằng trên dặm dài tu học.=






([1]) Dị bản: Loẹt lòe trên vách bức tranh gà.