Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / NHỚ BẾP TRANH NGÀY TẾT / HOÀNG TUẤN CÔNG


So với Tết xưa, Tết nay đã khác đi nhiều. Bao nhiêu phong vị Tết (dẫu toàn thứ không ăn được, thậm chí cũng chẳng nhìn thấy) đã một đi không trở lại. Những cái không ăn được, chỉ cảm thấy được ấy ta vẫn quen gọi là không khí Tết. Ví như “không khí” từ cái bếp tranh xưa nồng nàn khói lam và ấm áp sắc màu, mùi vị Tết…
Cổ nhân triết lý “Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trọng).* Đã gọi là nhà, dẫu sống độc thân hay nghèo hèn đến mấy không nhà ai không có cái bếp. Nhưng bếp không đơn giản chỉ là nơi nấu nướng cái ăn. Dù nhỏ bé, đơn sơ, có khi tồi tàn, dột nát, gió lùa, chuột chạy chân vách, bếp vẫn sớm chiều tỏa khói nuôi dưỡng sự sống, gắn bó cùng người.
Từ khi trên vách đá, vòm hang lạnh giá đêm đông lay động hình ảnh bầy người nguyên thủy quây quần bên đống lửa cũng là lúc người khôn ngoan trở thành khổng lồ, thoát cảnh tối tăm, chế ngự và sai khiến muôn loài. Trải qua hàng vạn năm, con người vĩ đại đã biến đống lửa trở thành bếp lửa, rồi từ bếp lửa trở thành cái (nhà) bếp - nơi trú ngụ của một vị thần thiêng trứ danh: Thần Lửa. Ban đầu, bếp với nhà (nơi ở, ngủ) là một. Đến nay vẫn còn nhiều cư dân không làm nhà bếp riêng (Mường, Thái, Khơ Mú, Mông, Dao…). Do nhu cầu sưởi ấm, tránh và xua đuổi thú dữ, bếp của họ nằm ngay trên nhà sàn định cư hoặc trong căn lều du canh, du mục.
Trước khi người Việt tách riêng bếp với nhà, họ cũng từng đặt bếp lửa ngay trong nhà sàn. Thói quen quây quần bên bếp lửa, ăn uống, trò chuyện hay ngủ dưới nhà bếp; chuồng gia súc làm liền với bếp phản ánh nếp sinh hoạt từng gắn bó với người Việt hàng ngàn năm trước. Bếp của người Việt mang đặc trưng cư dân trồng lúa nước: mái lợp bằng rạ, vách bếp làm bằng bùn ao ngào với rơm khô.
Ngọc Hoàng Thượng Đế quả tinh tường khi giao việc theo dõi, báo cáo chuyện làm ăn trong năm của gia chủ cho Ông Bếp. Tuy chỉ một gian, hai chái, nhưng bếp đảm nhận rất nhiều vai trò. Không hoạt động nào của người mà không qua căn bếp. Bếp là kho trữ lương thực, thực phẩm (bồ lúa, vại cà, mắm, muối ăn), bảo quản hạt giống lúa ngô (gác giàn bếp), để cối xay, cất dao rựa, liềm hái, gàu, cuốc xẻng, cày bừa, bu gà, lồng gà, củi đun, thùng trấu (gác, dựng vách bếp, hiên, chái bếp…). Bếp là trung tâm để các công trình khác xoay quanh: giếng nước, cây rơm, vườn rau (tiện sử dụng), chuồng gà, ổ gà, chuồng lợn (tiện chăm sóc, bảo vệ)… Một ngày sinh hoạt của con người thời gian ở bếp nhiều nhất. Sáng mở mắt, còn tối đất đã “mò” xuống bếp thăm bu gà con, cửa chuồng gà, chuột bọ, nồi niêu thế nào. Sự sống của một ngày nhen lên theo ngọn lửa ấm áp. Nấu cám cho lợn gà, ấm nước, nồi cơm, khoai luộc cho người. Ra đồng, lên rẫy, non trưa trở về lại vào bếp. Chiều về, chưa kịp lên nhà đã “chui” vào bếp. Tất cả quây quần trong không gian bếp chuẩn bị bữa chiều. Liền vách bếp đơn sơ, tiếng gà rúc rích, cúc quác chọi nhau giành chỗ đậu, lợn réo đòi ăn, chó, mèo chầu chực sưởi ấm bên chủ... Mâm cơm đạm bạc, nhưng ấm cúng thường ngày được dọn ngay bên bếp lửa. Rôm rả chuyện cày bừa, đồng áng, thủ thỉ chuyện xưa, chuyện nay, thì thào chuyện ma quỷ, chuyện người cho đến khi chìm vào giấc ngủ… Có khi ngay ổ rơm bên bếp lửa!
Trở lại với cái bếp tranh ngày Tết. Trong suốt thời gian ròng rã mười hai tháng vận cùng bốn mùa xuân hạ thu đông, bếp chính là chặng nghỉ chân cuối cùng của cái Tết. Nó như chân lý không thể khác để ông thầy bói có cơ sở nói dựa: Số cô chẳng giàu thì nghèo / Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà. “Nhà” đây chính là nhà bếp, căn bếp mà ta đang nhớ về nó. Quanh năm bếp cùng người gắn bó sớm hôm. Nhà nghèo khó thì Ông Bếp cũng cơ hàn. Mùa giáp hạt đứt bữa, bếp lạnh tanh. Ông Núc, Ông Kiềng buồn thiu khi không thể cùng gia chủ sáng, chiều lên khói. Nghèo hèn Tết thường đến muộn… Bên kia, bếp hàng xóm đã đỏ đèn, đỏ lửa, tưng bừng cơm chiều ba mươi. Bên này, Táo Quân trở về sau chuyến “công cán” Thượng Giới từ lâu mà vẫn còn ngơ ngác bên lũ trẻ mỏi mắt mong chờ cha mẹ chạy Tết ở phương nào. Có khi phải đến ngày cùng tháng tận, thậm chí thời khắc cuối cùng của năm, cái Tết mới lận đận theo chân gia chủ vội vàng chạy vào căn bếp tranh. Lửa nhóm lên, mùi Tết thơm lừng, tiếng Tết xèo xèo, sùng sục vui thay, ánh mắt Tết lấp lánh bên bếp lửa hồng. Ông Bếp mừng mừng tủi tủi cùng hưởng niềm vui kịp đón Tết, dù đơn sơ, đạm bạc như số phận bần hàn của gia chủ.
Tết xưa không thể thiếu cảnh quây quần bên nồi bánh chưng. Hai tám, hai chín, bếp và gia chủ đã được thưởng thức phong vị Tết qua mùi thơm của nồi bánh sôi lục sục, chộn rộn thanh âm của thời khắc giao thừa… Bên bếp hồng rì rầm chuyện Tết, chuyện xóm làng. Đêm khuya thiu thiu mơ thấy xuân về trước ngõ, rồi bừng tỉnh tiếng gà eo óc báo xuân sang… Tết sẽ chẳng trở thành Tết nếu “bước chân” của nó không đi qua cái bếp. Không gian bếp chính là nơi hiển hiện sinh động, cụ thể nhất hình bóng cái Tết, trước khi “nó” hóa thân thành khói hương nghi ngút nơi bàn thờ gia tiên cùng mâm cỗ bâng khuâng chiều ba mươi.
Bây giờ, bếp tranh đã nhường bếp ngói, gọn gàng, sạch đẹp hơn, nhưng cũng kém đi phần phong phú, thi vị. Không còn cảnh khói lam chiều ba mươi vấn vít trên mái tranh ẩm ướt mưa bụi. Bếp không còn là không gian quây quần mỗi lúc lên đèn. Người ta tập trung cả bên chiếc ti-vi. Nấu nướng chỉ đơn thuần là công việc. Ở thị thành, cái bếp vốn đã tẻ nhạt ngày thường, xuân về cũng chẳng thấy mấy xúc cảm. Ông Núc, Ông Kiềng đi đâu hết, thay vào là bếp ga, bếp từ... Cái Tết dửng dưng, lẳng lặng từ chợ tuột thẳng vào nhà. Nào bánh chưng, thịt đông, giò, chả… thứ mua, thứ đặt. Ông Bếp chẳng được hưởng niềm vui nghi ngút nấu nướng, ngạt ngào phong vị Tết sớm. Táo nhà ai đó đã tranh mất cái quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của Ông ba ngày Tết!
 Cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bánh chưng, giò chả xuất hiện ngay cả ngày thường, chẳng phải đợi xuân về mới được cảm giác “dửng dưng như bánh chưng ngày Tết”. Đón Tết bây giờ lại bâng khuâng nhớ Tết năm xưa, muốn tìm lại “không khí” Tết trong căn bếp. Thực tế gần đây đã không ít gia đình ở thị thành đang trở lại với nồi bánh chưng tự nấu để được cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy cái Tết cổ truyền dân tộc rộn ràng chen bước cùng mùa xuân đến với muôn nhà.
Nhớ bếp tranh xưa xin góp chút phong vị Tết cho xuân sớm thêm phần ý vị.
HOÀNG TUẤN CÔNG
Thanh Hóa



* Dân dĩ thực vi thiên 民以食為天 còn có “dị bản” là Dân dĩ thực vi tiên 民以食為先. [Văn Uyển chú]