Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Hiền hữu sukiennguyen (sukiennguyen...@gmail.com). Điện thư ngày 13-10-2016:
Ảnh chụp ở chi Minh Tân thế kỷ trước. Nhờ Đại Đạo Văn Uyển giúp, cho biết những vị trong ảnh là ai.
Ban Ấn Tống: Vị đang đứng ở đầu bàn, tay trái cầm micro là tiền bối Trương Truyền Chánh (1907-1988), thánh danh Kiến Minh. Tiền bối là pháp đàn bộ phận thông công (Hiệp Thiên Đài) của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt. Sau này tiền bối là Phó Tổng Lý Minh Đạo của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Tiền bối liễu đạo, quả vị là Đắc Tâm Chơn Thánh.
* Hiền tỷ Ngô Thị Ngọc Anh (họ đạo Trung Minh). Điện thư ngày 15-10-2016:
Đạo muội là Ngọc Anh. Hôm nay mới được đọc bài của mình trên Đại Đạo Văn Uyển số mới nhất (tập 19). Cám ơn những lời cảm nhận của Ban Ấn Tống về bài viết, hình như còn hay hơn cả bài viết của đạo muội. Kính chúc sức khỏe của Ban Ấn Tống và mong trong tương lai sẽ có thể cộng tác với Đại Đạo Văn Uyển. Kính.
Ban Ấn Tống: Chân thành đa tạ hiền tỷ hoan hỷ cộng tác với mảnh vườn Đại Đạo nhỏ bé này. Văn Uyển số 20 có đăng bài Nhớ Mẹ của hiền tỷ. Là giáo viên dạy môn Sinh mà hiền tỷ viết thật hay, khiến chúng tôi cứ ngỡ hiền tỷ là giáo viên dạy Văn. Thật mừng khi Văn Uyển được hiền tỷ thường xuyên gởi bài. Kính chúc hiền tỷ an lạc và viết khỏe, viết nhiều cho Văn Uyển. Kính mến.
*
* Hiền huynh Trương Ngọc Sơn (Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam). Điện thư ngày 18-10-2016:
Trong GIỮ LỬA CHO NHAU, trang 41, có trích thánh giáo Đức Cái Thiên Cổ Phật. Ngài dạy:
“Thánh thất là nhà chung, là cơ sở của nhơn sanh mà cũng là Bát Quái Đài tại đó. Nên có câu:
Ai cũng muốn Tây phương lạy Phật
Sao không lo thánh thất chầu Thầy?”
Tôi hiểu ba chữ Nên có câu hàm nghĩa rằng hai câu thánh thi ấy là Đức Quan Thánh trích dẫn lại lời của một Đấng khác. Nếu tôi hiểu đúng, xin vui lòng cho biết xuất xứ hai câu thánh thi ấy.
Huệ Khải: Kính thưa Trương hiền huynh, quả đúng như hiền huynh nghĩ. Tệ đệ sơ sót không chú thích xuất xứ hai câu ấy. Xin hiền huynh (và quý bạn đọc) bổ sung như sau:
Hai câu thánh thi ấy trích từ khổ thơ 17, trong Tu Chơn Thiệp Quyết, do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ ban cho tại thánh thất Kiên Giang (Rạch Giá) đêm 24-3 năm Canh Ngọ (Thứ Ba 22-4-1930). Cả khổ thơ bốn câu là:
17. Ai cũng muốn Tây Phương lạy Phật
Sao không lo thánh thất chầu Thầy
Vì con Thầy mới đến đây
Cạn phân lợi hại tỏ bày thiệt hơn.
*
* Hiền hữu Thái Mynh (Long An). Thư ngày 25-10-2016:
Trong một thánh giáo của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, có câu này: Nào những ai đứng lặng, ngắm trường giang mà ngâm câu nht mộ, hay vỗ mạn thuyền mà hát khúc yên ba, xem thế sự như vầng mây nổi.” Kính nhờ Văn Uyển giải thích giúp mấy chữ gạch dưới. Xin cảm tạ.
Huệ Khải: Câu thánh giáo hiền hữu hỏi có trong Đạo Học Chỉ Nam, Chương Bốn, Tiết Thứ Nhứt (Dung Hòa Nhứt Lý), do Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy tại Minh Lý Thánh Hội, giờ Tuất, 15-7 nhuần Mậu Thân (Thứ Bảy 07-9-1968). Đức Thiền Sư nhắc lại bốn chữ nhựt (nhật) mộ yên ba trong hai câu kết bài thơ thất ngôn bát cú Hoàng Hạc Lâu 黄鶴樓 (lầu hạc vàng) nổi tiếng của Thôi Hiệu 崔顥 (khoảng 704-754) đời Đường. Hai câu ấy như sau:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 日暮鄉關何處是 / 煙波江上使人愁.
Nhật (nhựt) mộ là cuối ngày, lúc mặt trời sắp lặn.
Yên là khói, cũng là hơi nước từ mặt sông bốc lên. Yên ba là sóng nước bốc hơi lên, trông từ xa tợ như khói tỏa.
Hai câu kết ấy có nghĩa: Trời tối, [tự hỏi] quê nhà [mình] nơi đâu / Trên sông khói sóng khiến cho người buồn.
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1989-1939) dịch hai câu kết thành lục bát tuyệt vời: Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Theo tôi hiểu, Đức Thiền Sư dùng hai chữ nhựt mộ để ám chỉ lúc đời người đã xế, tuổi đã cao, tức là không còn xa ngày giã từ trần thế. Qua đó Ngài gợi ý cho ta (miễn là ta thuộc thơ Thôi Hiệu) nhớ thêm hai chữ hương quan (quê nhà) để gián tiếp nhắc ta tới quê xưa chốn cũ (cố quận) trên thượng giới, chính là nơi từ đó các nguyên nhân chia tay mà đi vào trần thế mang kiếp phàm phu. Cũng vậy, hai chữ yên ba là Ngài gợi ý cho ta nhớ thêm ba chữ sử nhân sầu (khiến cho người buồn). Buồn cái gì? Buồn cho phận người sắp mãn một kiếp rong chơi mà đường về cố quận biết có còn nhớ nẻo để kịp quay về cho khỏi trễ tràng lỡ muộn.