Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / LUẬN VỀ NỘI THÁNH NGOẠI VƯƠNG

Phùng Hữu Lan
Nguyên tác: PHÙNG HỮU LAN (1895-1990)
Dịch và chú: LÊ ANH MINH
Trong kho tàng thánh giáo do bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công tiếp điển, có hai lần Ơn Trên nhắc tới nội thánh ngoại vương:
1. Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ kim viết CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-10 Quý Sửu (Chủ Nhật 09-11-1973) như sau:
Cuộc biến chuyển lo bề tái tạo
Tạo dinh hoàn thiện bảo nguyên nhân
Lập đời minh đức tân dân
Ngoại vương nội thánh Thiên ân gội nhuần.
2. Đức GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tý thời, 30 rạng 01 Đinh Tỵ (Thứ Năm 17-02-1977) như sau:
“Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, mạng là Thiên mạng (…).
Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền, những thứ vật vô thường đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác.
Biết tu tánh thời không tham thì vẫn có mà ăn mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh.
Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiên.
Ôi, nội thánh ngoại vương! Sống hằng sống trong cõi thiên đàng cực lạc thì vẫn còn mơ ước gì nữa? Phật Tiên cũng chỉ thế thôi!”
Để góp phần tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nội thánh ngoại vương, Văn Uyển trích lại lời luận bài của triết gia Phùng Hữu Lan, qua bản dịch và chú của hiền hữu Lê Anh Minh.
Triết học Trung Quốc có một truyền thống chủ yếu, có một dòng tư tưởng chủ yếu. Truyền thống chủ yếu đó là đi tìm một cảnh giới tối cao. Cảnh giới ấy tuy cao nhưng không xa rời sự vận dụng nhân luân hằng ngày. Cảnh giới ấy tức là thế gian mà xuất thế gian. Tôi gọi cảnh giới ấy và nền triết học ấy là cực cao minh và noi theo trung dung.
Câu cực cao minh và noi theo trung dung tôi vay mượn từ Trung Dung.([1]) Tôi nói là vay mượn, bởi vì ý nghĩa mà tôi gán cho câu này thì không giống như ý nghĩa trong Trung Dung. Cảnh giới tối cao mà triết học Trung Quốc truy cầu thì vượt trên sự vận dụng nhân luân hằng ngày nhưng đồng thời cũng nằm trong sự vận dụng nhân luân hằng ngày.
Trong hai câu thơ Bất ly nhật dụng thường hành nội / Trực đáo tiên thiên vị hoạch tiền 不離日用常行內 / 直到先天未畫前 (Không lìa sinh hoạt hằng ngày / Nhưng lại thẳng đến cái ở trước trời), thì câu trước biểu thị phương diện thế gian, câu sau biểu thị phương diện xuất thế gian. Hai câu này biểu thị hai phương diện cùng tồn tại. Thế gian mà xuất thế gian đó chính là siêu thế gian. Vì nó là thế gian nên nói là noi theo trung dung, vì nó là xuất thế gian nên nói là cực cao minh. Thế gian mà xuất thế gian đó chính là cực cao minh và noi theo trung dung. Đời sống của người có cảnh giới như thế là đời sống vô cùng lý tưởng mà cũng vô cùng hiện thực. Đời sống ấy vô cùng thực tế nhưng không nông cạn. Nó cũng là đời sống tích cực nhưng không hề là sự tích cực của người chạy nhanh mà lầm đường.
Thế gian đối lập xuất thế gian, lý tưởng đối lập hiện thực. Đó là sự đối lập giữa cao minh và trung dung. Trong triết học Trung Quốc cổ đại, có sự đối lập giữa trong và ngoài, giữa gốc và ngọn, giữa tinh và thô. Trong triết học từ sau đời Hán có sự đối lập giữa huyền viễn 玄遠 (xa xôi u huyền) và tục vụ 俗務 (công việc phàm tục), giữa xuất thếnhập thế, giữa độngtĩnh, giữa thểdụng.
Các đối lập này cũng là (hoặc cùng loại với) sự đối lập giữa cao minh và trung dung. Trong đời sống siêu thế gian và trong nền triết học siêu thế gian, các đối lập này không còn đối lập nữa. Điều này không có nghĩa là chúng bị thủ tiêu một cách đơn giản, mà có nghĩa là trong đời sống siêu thế gian và trong nền triết học siêu thế gian các đối lập này được thống nhất. Trong nguyên văn cực cao minh nhi đạo trung dung 極高明而道中庸, chữ nhi biểu thị sự thống nhất giữa hai mặt đối lập cao minhtrung dung. Đó là một vấn đề mà triết học Trung Quốc mong giải quyết. Mong giải quyết vấn đề này là tinh thần của triết học Trung Quốc. Sự giải quyết được vấn đề này là cống hiến của triết học Trung Quốc.
Các triết gia Trung Quốc cho rằng cảnh giới tối cao mà triết học mong cầu là cảnh giới thế gian mà xuất thế gian. Người có cảnh giới ấy gọi là thánh nhân. Cảnh giới của thánh nhân là cảnh giới siêu thế gian. Cảnh giới siêu thế gian là thành tựu tinh thần của thánh nhân của Trung Quốc cùng loại với thành tựu tinh thần của Phật của Ấn Độ và thánh của phương Tây. Tuy nhiên siêu thế gian không có nghĩa là lìa bỏ thế gian, do đó thánh nhân của Trung Quốc không phải là bậc ngồi tít trên cao chẳng màng sự đời. Nhân cách của ngài là nội thánh ngoại vương 內聖外王.
Nội thánh ám chỉ sự thành tựu tu dưỡng của ngài, ngoại vương ám chỉ công dụng của ngài trong xã hội. Thánh nhân không nhất thiết có cơ hội trở thành lãnh tụ chính trị thực tế. Về phương diện chính trị thực tế, thánh nhân nói chung không có cơ hội. Cái gọi là nội thánh ngoại vương chỉ nhằm nói đến người có thành tựu tinh thần tối cao, có thể làm vua, rất xứng đáng làm vua, còn trong thực tế người ấy có cơ hội làm vua được hay không thì đó là chuyện khác.
Nhân cách của thánh nhân là nội thánh ngoại vương. Theo truyền thống của triết học Trung Quốc, triết học là thứ học vấn có thể khiến con người có được nhân cách như thế. Do đó cái mà triết học Trung Quốc thuyết giảng chính là cái mà các triết gia Trung Quốc gọi là đạo nội thánh ngoại vương (nội thánh ngoại vương chi đạo 內聖外王之道).
Trong triết học Trung Quốc, bất kể phái nào hay nhà nào cũng đều thuyết giảng đạo nội thánh ngoại vương, tuy rằng không phải thuyết của nhà nào cũng đều phù hợp tiêu chuẩn cực cao minh và noi theo trung dung. Có nhiều nhà nghiêng về cao minh, cũng có nhiều nhà nghiêng về trung dung. Đó tức là triết học của nhiều nhà chỉ gần với triết học xuất thế gian, cũng có triết học của nhiều nhà chỉ gần với triết học thế gian. Tuy nhiên trong diễn biến của lịch sử triết học Trung Quốc rốt cuộc cũng có các triết gia uy tín; họ đều mong cầu giải quyết vấn đề thống nhất cao minh và trung dung như thế nào. Việc giải quyết vấn đề này có thể nói là hậu lai cư thượng (đến sau mà ngồi trên). Ở điểm này chúng ta có thể thấy sự tiến bộ của triết học Trung Quốc. Trong quyển Tân Nguyên Đạo, tôi theo trình tự lịch sử mà trình bày các học thuyết của các học phái trọng yếu trong triết học Trung Quốc; đồng thời lấy tiêu chuẩn cực cao minh và noi theo trung dung mà phê bình và nhận định giá trị của các học phái trọng yếu ấy.
Công việc này của tôi đối với triết học Trung Quốc cũng giống như công việc của tác giả thiên Thiên Hạ (trong sách Trang Tử) đối với triết học trước đời Tần. Tôi không thể đoán định ai là tác giả của thiên Thiên Hạ, tôi không biết người đó là ai, nhưng công việc của tác giả ấy thật đáng khâm phục và đáng khen ngợi vô cùng. Tác giả ấy là một nhà nghiên cứu lịch sử triết học rất tài giỏi và cũng là nhà phê bình và giám định triết học rất tài giỏi của Trung Quốc cổ đại. Trong thiên Thiên Hạ, ông đưa ra danh từ nội thánh ngoại vương chi đạo. Môn học vấn giảng về đạo nội thánh ngoại vương thì ông gọi là Đạo thuật 道術.([2]) Đạo thuật là toàn bộ chân lý. Ông cho rằng bách gia thời bấy giờ đều không có được Đạo thuật trọn vẹn. Cái sở đắc của họ chỉ là một phần hay một phương diện của Đạo thuật, do đó cái mà họ giảng chỉ là lời lẽ của một nhà, là phương thuật chứ không phải là Đạo thuật.
Đạo thuật giảng đạo nội thánh ngoại vương. Do đó Đạo thuật cũng là cái cực cao minh và noi theo trung dung. Đó cũng là chủ trương của thiên Thiên Hạ: Không lìa tông nên gọi là thiên nhân; không lìa tinh túy nên gọi là thần nhân; không lìa chân thực nên gọi là chí nhân. [Người] lấy trời làm tông, lấy đức làm gốc, lấy Đạo làm cửa nẻo, [tiên đoán] điềm triệu ở biến hóa, thì gọi là thánh nhân.([3]) Hướng Tú và Quách Tượng chú: Bốn tên gọi (thiên nhân, thần nhân, chí nhân, thánh nhân) cùng chỉ một người, cách nói thì khác nhau. Bốn tên gọi ấy đều ám chỉ người trong cảnh giới thiên địa. Tuy nhiên thánh nhân khác với thiên nhân, thần nhân, và chí nhân. Thánh nhân có đức tính mà thiên nhân, thần nhân, chí nhân đều có, nhưng cũng có đức tính mà thiên nhân, thần nhân, chí nhân đều không có. Thánh nhân xem trời là tông tức là không lìa tông; xem đức là gốc tức là không lìa tinh túy; xem Đạo là cửa nẻo tức là không lìa chân thực. Lão Tử nói: Đạo là một vật [...] ở trong nó có tinh túy. Tinh túy của nó rất chân thực, ở trong nó có tín.([4]) Trang Tử nói: Đạo có tình có tín, vô vi và vô hình.([5]) Như vậy thánh nhân có đức tính mà thiên nhân, thần nhân, chí nhân đều có. Tuy nhiên thánh nhân có điềm triệu ở biến hóa, có thể ứng phó sự vật. Tức là thánh nhân có đức tính mà thiên nhân, thần nhân, chí nhân đều không có. Thánh nhân có thể cực cao minh và noi theo trung dung nhưng thiên nhân, thần nhân, chí nhân thì có thể cực cao minh mà chưa chắc có thể noi theo trung dung. Thiên Thiên Hạ nói: Người xem nhân ái là ân [cho người], xem nghĩa là lý [của hành vi], xem lễ là [để tiết chế] hành vi, xem nhạc là hòa, và ôn hòa nhân từ, thì gọi là quân tử.([6]) Đó là người trong cảnh giới đạo đức, là người có thể noi theo trung dung chứ không thể cực cao minh.
Thiên Thiên Hạ dường như lấy cực cao minh và noi theo trung dung làm tiêu chuẩn để phê bình học thuyết của các nhà. Theo chú thích của Hướng Tú và Quách Tượng, ít nhất chúng ta cũng có thể nói như thế. Thiên Thiên Hạ nói: Cổ nhân hoàn bị thay! Họ phối hợp với thần minh, xem trời đất là chuẩn tắc, nuôi dưỡng vạn vật, hòa với thiên hạ, ban ân trạch đến trăm họ, hiểu rõ phép tắc và điển chương cơ bản, nắm được phép tắc cụ thể, thông suốt lục thông (tứ phương và trên dưới) và bốn mùa, sự vật lớn nhỏ tinh thô họ đều vận hành chúng khắp nơi.([7]) Cổ nhân được nói ở đây tức là thánh nhân. Ngài có thể thống nhất các mặt đối lập giữ gốc và ngọn, giữa lớn và nhỏ, giữa tinh và thô. Ngài có thể phối hợp với thần minh, xem trời đất là chuẩn tắc tức là đức nội thánh, lại còn nuôi dưỡng vạn vật, hòa với thiên hạ tức là công ngoại vương. Thần minh đại khái là nói phương diện tinh thần của vũ trụ. Bậc có nhân cách nội thánh ngoại vương có thể có đủ cái đẹp của trời đất và xứng hợp với dung mạo của thần minh. Thiên Thiên Hạ nói: Thần giáng từ đâu? Minh xuất từ đâu? Thánh sinh ra, vương thành tựu, đều bắt nguồn từ Một.([8]) Vậy thánh vương là bậc xứng hợp với thần minh.
Chân lý về cái Một này chính là đạo nội thánh ngoại vương. Nho gia lấy việc trình bày rõ về cổ chi nhân 古之人 (tức thánh nhân) làm sự nghiệp; nhưng đáng tiếc, cái mà họ trình bày đều thuộc loại phép tắc và điển tịch. Thiên Thiên Hạ nói: Sự sáng suốt của các thánh nhân về điển chương và pháp độ xưa còn được ghi chép nhiều trong các bộ sử truyền đời như Thi, Thư, Lễ, Nhạc. Những kẻ sĩ và quan đại phu của nước Trâu và nước Lỗ phần lớn đều hiểu các điển chương và pháp độ ấy.([9]) Hướng Tú và Quách Tượng chú: Họ chỉ hiểu rõ về dấu tích [của thánh nhân] để lại thôi. Còn cái dẫn đến dấu tích đó thì sao? ([10]) Do đó căn cứ theo lời thiên Thiên Hạ nói, Nho gia không hợp tiêu chuẩn cao minh.
Về Danh gia, họ cũng đều là kẻ sĩ có thiên kiến ([11]) Những gì họ giảng đều không phải là toàn thể đạo nội thánh ngoại vương, mà chỉ thiên về một phương diện của nó. Tuy nhiên phương diện này cũng có Đạo thuật ở trong nó. Họ nghe phong khí đó thì thích.
Thiên Thiên Hạ còn phê bình học thuyết của Mặc gia ([12]) với kết luận rằng: Mặc Tử quả là người tốt trong thiên hạ, không thể tìm được ai nữa như ông ấy; dù hình hài dung mạo khô héo cũng không từ bỏ chủ trương của mình. Thực là bậc hiền tài vậy.([13]) Ông chỉ xứng danh là bậc hiền tài mà thôi. Hướng Tú và Quách Tượng chú: Không có đức. (Phi hữu đức dã 非有德也). Ý nói Mặc Tử không hợp với tiêu chuẩn cao minh.
Thiên Thiên Hạ còn phê bình học thuyết của Tống Khanh 宋牼 và Doãn Văn 尹文:([14]) Bề ngoài, họ cấm chinh phạt và cấm dùng binh; bề trong, họ tiết chế tình cảm và ham muốn. Học thuyết của họ bao quát những điều lớn nhỏ, tinh thô. Họ thực hành đến khi nào đạt được những điều đó mới thôi.([15]) Hướng Tú và Quách Tượng chú: Họ chưa thể bước vào cõi hư vô bao la. (Vị năng kinh hư thiệp khoáng 未能經虛涉曠). Họ biết có sự phân biệt trong ngoài, lớn nhỏ, tinh thô, nhưng cũng thực hành đến khi nào đạt được những điều đó mới thôi, như vậy cũng không hợp với tiêu chuẩn cao minh.
Thiên Thiên Hạ còn phê bình học thuyết của Bành Mông 彭蒙, Điền Biền 田駢, Thận Đáo 慎到 ([16]) với kết luận rằng: Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo không biết Đạo, tuy nhiên họ cũng nghe đại khái về nó.([17]) Hướng Tú và Quách Tượng chú: Nhưng họ chưa đạt Đạo. (Đãn vị chí dã 但未至也). Họ có thể từ quan điểm Đạo mà xem xét sự vật. Họ biết muôn vật có chỗ khả thi và có chỗ bất khả thi. Cho nên nói: Hễ chọn lựa thì không dùng hết, hễ dạy thì có chỗ không đạt, hễ theo Đạo thì không bỏ sót cái gì hết.([18]) Nếu dùng lời lẽ mà tôi nói trong quyển Tân Nguyên Nhân thì họ tri Thiên (biết Trời). Tuy nhiên họ không xem thành tựu tu dưỡng của thánh nhân là quan trọng: Cứ hãy như loài vô tri; không dùng hiền thánh. Cục đất (tức vật vô tri) không mất Đạo.([19]) Họ hy vọng vất bỏ sự phân biệt của tri thức để đạt tới cảnh giới đồng nhất với Trời. Tuy nhiên, họ không biết rằng con người sống trong cảnh giới ấy vẫn có tri thức chứ không phải vô tri như cục đất. Do đó Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo chỉ cao minh chứ không cực cao minh.
Thiên Thiên Hạ còn phê bình học thuyết của Quan Doãn 關尹 và Lão Đam 老聃.([20]) Họ xây dựng học thuyết trên nguyên lý thườngthường hữu, trọng tâm của nó là Thái Nhất. Bề ngoài họ tỏ ra mềm yếu và khiêm hạ; bên trong họ trống rỗng và không hủy hoại vạn vật. Họ xem gốc là tinh, xem vật là thô; một mình lặng lẽ ở với thần minh. Họ đã đạt được trình độ cực cao minh; họ lại còn thường khoan dung vạn vật và không làm hại ai, nên họ cũng có thể được xem là noi theo trung dung vậy.
Thiên Thiên Hạ còn phê bình học thuyết của Trang Tử.([21]) Trang Tử trên thì ngao du với đấng Tạo Hóa, dưới thì kết bạn với những bậc thoát khỏi sinh tử, vượt ra khỏi khởi đầu và kết thúc. Đối với Gốc (tức Đạo), ông hiểu sâu rộng; đối với Tông (cũng là Đạo), ông hài hòa và đạt tới cảnh giới tối cao. Ông thuận ứng theo sự biến hóa của vạn vật mà giải thích nguyên lý của chúng. Như vậy Trang Tử đạt được trình độ cực cao minh. Ông một mình vãng lai với tinh thần của trời đất nhưng không xem mình cao trỗi hơn vạn vật. Ông không khen chê đúng sai, nên hòa đồng với người bình thường, nên ông cũng có thể được xem là noi theo trung dung vậy.
Thiên Thiên Hạ hết sức tôn sùng Lão Trang, nhưng khi phê bình học thuyết Lão Trang thì nói: Đạo thuật thời xưa cũng có trong đó. Quan Doãn, Lão Đam, Trang Chu nghe phong khí ấy thì thích. Như thế chúng ta có thể nói Lão Đam và Trang Chu cũng là kẻ sĩ có thiên kiến. Thiên Thiên Hạ tuy xem học thuyết Lão Trang là một bộ phận hay một phương diện trọng yếu của Đạo thuật, nhưng nó chỉ là một bộ phận hay một phương diện mà thôi. Về điểm này chúng ta không cách gì đoán định được. Tuy nhiên, nếu bỏ qua tác giả của thiên Thiên Hạ mà dùng phán đoán của chính chúng tôi, thì tôi có thể nói rằng học thuyết Lão Trang không thể hoàn toàn phù hợp tiêu chuẩn cực cao minh và noi theo trung dung. Do đó tôi chỉ nói Lão Trang cũng có thể phù hợp tiêu chuẩn noi theo trung dung. Về điểm này, ở chương Lão Trang tôi sẽ nói rõ hơn.
Ở đây tôi phân tích lời phê bình của thiên Thiên Hạ đối với các nhà thời bấy giờ để thấy rằng trong các chương sau đây tôi không hề có ý kiến riêng tư ngẫu nhiên khi phê bình các học phái và các nhà, mà tôi thực sự giảng tiếp truyền thống của triết học Trung Quốc. Cái mà tôi gọi là tinh thần của triết học Trung Quốc quả thực chính là tinh thần của triết học Trung Quốc vậy.
(Trích: Phùng Hữu Lan, Lê Anh Minh dịch chú,
Tinh Thần Của Triết Học Trung Quốc. Nxb Đại Học Sư Phạm 2010)



([1]) Lê Anh Minh (LAM) chú:
Trung Dung (chương 27):
Cố quân tử tôn tính, nhi đạo vấn học. Trí quảng đại, nhi tận tinh vi. Cực cao minh, nhi đạo trung dung; ôn cố nhi tri tân; đôn hậu dĩ sùng lễ.
故君子尊德性而道問學致廣大而盡精微極高明, 而道中庸. 溫故而知新敦厚以崇禮.
Các bản chú giải đều cho rằng hai chữ đạo trong đoạn này có nghĩa là noi theo. Tu Wei-ming (Đỗ Duy Minh 杜維明) dịch:
Intent on becoming a sage, the profound person honors the moral nature and follows the path of inquiry and study. He achieves the breadth and greatness and pursues the refined and subtle to the limit. He seeks to reach the greatest height and brilliancy and follows the path of Centrality and Commonality. He goes over the old so as to find out what is new. He is earnest and deep and highly respects all propriety.
(Mong thành thánh nhân nên người quân tử tôn trọng bản tính đạo đức và theo con đường học hỏi. Anh ta đạt được sự rộng lớn và truy tận cùng cái tinh vi. Anh ta mong đạt được cái cực cao minh và theo con đường trung dung. Anh ta ôn cái cũ để phát hiện cái mới. Anh ta đôn hậu và xem trọng mọi lễ.)
Xem: Tu Wei-ming, Centrality and Commonality, The University Press of Hawaii, 1976, p.130.
([2]) LAM chú:
Trang Tử (Thiên Hạ):
Thị cố nội thánh ngoại vương chi đạo, ám nhi bất minh, úc nhi bất phát, thiên hạ chi nhân các vi kỳ sở dục yên dĩ tự vi phương. Bi phù! Bách gia vãng nhi bất phản, tất bất hợp hĩ! Hậu thế chi học giả, bất hạnh bất kiến thiên địa chi thuần, cổ nhân chi đại thể. Đạo thuật tương vi thiên hạ liệt.
是故內聖外王之道, 闇而不明, 郁而不 , 天下之人各為其所欲焉以自為方. 悲夫! 百家往而不反, 必不合矣! 後世之學者, 不幸不見天地之純, 古人之大體. 術將為天下裂.
(Bởi vậy đạo nội thánh ngoại vương bị mờ tối nên không sáng, tuy rực rỡ mà không phát triển được. Người trong thiên hạ ai cũng làm cái mình muốn và xem đó là phương thuật của mình. Buồn thay! Học thuyết của trăm nhà phân tán mà không quay về gốc, cho nên không hợp nhau. Bất hạnh cho học giả đời sau vì không thấy được sự thuần nhất của trời đất và đại thể của người xưa. Đạo thuật trong thiên hạ sắp bị làm nát vụn ra rồi.)
([3]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Bất ly ư tông, vị chi thiên nhân; bất ly ư tinh, vị chi thần nhân; bất ly ư chân, vị chi chí nhân. Dĩ thiên vi tông, dĩ đức vi bản, dĩ đạo vi môn, triệu ư biến hoá, vị chi thánh nhân.
不離於宗, 謂之天人;不離於精, 謂之神人; 不離 於於真, 謂之至人. 以天為宗, 以德為本, 以道為門, 兆於變 , 謂之聖人.
([4]) Lão Tử (chương 21):
Đạo chi vi vật [...] kỳ trung hữu tinh. Kỳ tinh thậm chân, kỳ trung hữu tín.
道之為物 [...] 其中有精. 精甚真, 其中有信.
([5]) LAM chú: Trang Tử (Đại Tông Sư):
Đạo có tình và có tín; vô vi và vô hình. Người ta có thể truyền nó nhưng không thể nhận nó; có thể đạt được nó nhưng không thể thấy nó. Tự nó là gốc của nó. Lúc chưa có trời đất thì nó đã tồn tại. Nó sinh quỷ thần, Thượng Đế, và sinh trời đất. Nó ở trước ngôi Thái Cực mà không là cao; nó ở dưới lục cực (tức trời đất và bốn hướng) mà không là sâu; nó có trước khi trời đất được tạo sinh mà không là lâu dài, nó xưa hơn đời thượng cổ mà không là già.
(Phù Đạo hữu tình hữu tín, vô vi vô hình; khả truyền nhi bất khả thụ, khả đắc nhi bất khả kiến. Tự bản tự căn, vị hữu thiên địa, tự cổ dĩ cố tồn; thần quỷ thần Đế, sinh thiên sinh địa. Tại Thái Cực chi tiên nhi bất vi cao, tại lục cực chi hạ nhi bất vi thâm, tiên thiên địa sinh nhi bất vi cửu, trường ư thượng cổ nhi bất vi lão.)
夫道有情有信, 無為無形 ;可傳而不可受, 可得而不可見. 自本自根, 未有天地, 自古以固存 ;神鬼神帝, 生天生地. 在太極之先而不為高, 在六極之下而不為深, 先天地生而不為久, 長於上古而不為老.
([6]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Dĩ nhân vi ân, dĩ nghĩa vi lý, dĩ lễ vi hành, dĩ nhạc vi hoà, huân nhiên từ nhân, vị chi quân tử.
以仁為恩, 以義為理, 以禮為行, 以樂為和, 薰然慈仁, 謂之君子.
([7]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Cổ chi nhân kỳ bị hồ! Phối thần minh, thuần thiên địa, dục vạn vật, hòa thiên hạ, trạch cập bách tính, minh ư bản số, hệ ư mạt độ, lục thông tứ tịch, tiểu đại tinh thô, kỳ vận vô hồ bất tại.
古之人其其備乎! 配神明, 醇天地, 育萬 , 和天下, 澤及百姓. 明於本數, 係於末度, 六通四辟, 小大精粗, 其運無乎不在.
LAM chú:
Ngô Phong (Trung Hoa Đạo Học Thông Điển, 1994, tr. 210) chú:
Thuần thiên địa: dĩ thiên địa vi chuẩn tắc 以天地為準則 (xem trời đất là tiêu chuẩn và phép tắc); bản số: chỉ căn bản đích pháp quy điển chương 指根本的法規典章 (chỉ phép tắc và điển chương căn bản); hệ: chưởng ác 掌握 (nắm lấy); mạt độ: chỉ cụ thể pháp quy điển chương 指具體法規典章 (chỉ phép tắc và điển chương cụ thể); tịch: khai thông 開通.
([8]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Thần hà do giáng? Minh hà do xuất? Thánh hữu sở sinh, vương hữu sở thành, giai nguyên ư nhất.
何由降? 明何由出? 聖有所生, 王有所成, 皆原於一.
([9]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Kỳ minh nhi tại số độ giả, cựu pháp, thế truyền chi sử thượng đa hữu chi; kỳ tại ư Thi, Thư, Lễ, Nhạc giả, Trâu Lỗ chi sĩ, vi tấn thân tiên sinh đa năng minh chi.
其明而在數度者, 舊法, 世傳之史尚多有之; 其在於詩書禮樂者, 鄒魯之士, 搢紳先生, 多能明之.
([10]) Hướng Tú và Quách Tượng chú:
Năng minh kỳ tích nhĩ, khởi sở dĩ tích tai?
能明其跡耳, 豈所以跡哉.
([11]) LAM chú:
Nguyên văn là bất cai bất biến, nhất khúc chi sĩ 不該不遍一曲之士. Ngô Phong (sách đã dẫn, tr. 211) chú: Cai : hoàn bị; biến : chu biến 周遍, toàn diện 全面 ; nhất khúc 一曲: thiên ư nhất đoan 偏於一端 (nghiêng về một cực đoan).
([12]) LAM chú:
Trang Tử phê bình Mặc Học rằng: Không xa xỉ phô trương với đời sau, không lãng phí mọi vật, không khoe khoang về điển chương chế độ, gắng giữ kỷ luật để sẵn sàng cứu giúp việc khẩn cấp của đời; đạo thuật đời xưa có chủ trương đó. Mặc Địch 墨翟 và đệ tử Cầm Hoạt Ly 禽滑釐 nghe phong khí đó thì thích, nhưng họ tỏ ra thái quá và tạo ra sự khắc khổ cho bản thân. Họ vin vào lý do tiết dụng mà cấm nhạc, bảo rằng sống thì chớ ca hát, người thân chết thì không mặc tang phục. Mặc Tử chủ trương kiêm ái, mưu lợi chung cho thiên hạ, và phản chiến. Đạo của ông dạy không oán giận. Ông hiếu học và uyên bác. Ông mong mọi người đừng khác nhau, nhưng chủ trương của ông khác với các vua trước. Ông bỏ hết lễ nhạc đời xưa như: nhạc Hàm Trì 咸池 của Hoàng Đế 黃帝, nhạc Đại Chương 大章 của vua Nghiêu , nhạc Đại Thiều của vua Thuấn , nhạc Đại Hạ 大夏 của vua Vũ , nhạc Đại Hộ 大濩 của vua Thang , nhạc Tịch Ung 辟雍 của Văn Vương 文王, nhạc Vũ của Vũ Vương 武王 và Chu Công . Tang lễ ngày xưa có nghi thức tùy sang hèn, tùy đẳng cấp. Quan quách của thiên tử có bảy lớp, của chư hầu có năm lớp, của đại phu có ba lớp, của kẻ sĩ có hai lớp. Nay theo Mặc Tử, hễ sống thì không ca hát, hễ thân nhân chết thì không mặc tang phục. Quan tài bằng gỗ ngô đồng dày ba tấc mà không dùng quách. Ông cho đó là khuôn mẫu ra dạy người. Dạy thế e rằng không phải yêu người; tự đem đạo ấy thực hành cho mình, e rằng không phải yêu mình. Tôi không công kích đạo của Mặc Tử. Nhưng người ta hát thì ông cấm, người ta khóc thì ông chê, người ta vui thì ông cản. Như thế có hợp tình người chăng? Người ta sống thì cần lao, mà chết thì tang ma bạc bẽo. Đạo Mặc Tử khắc khổ quá, khiến cho người ta lo và tủi, mà làm được thế lại khó khăn. Tôi e rằng đó không phải là đạo của thánh nhân, vì trái với nhân tâm, không ai chấp nhận nó. Mặc Tử theo được, nhưng người khác thì sao? Ông ấy cách biệt với thiên hạ như thế thật là xa đạo của thánh vương vậy.
(Bất xỉ ư hậu thế, bất mỹ ư vạn vật, bất huy ư số độ, dĩ thằng mặc tự kiểu, nhi bị thế chi cấp. Cổ chi đạo thuật hữu tại ư thị giả, Mặc Địch, Cầm Hoạt Ly văn kỳ phong nhi duyệt chi. Vi chi đại quá, dĩ chi đại tuần. Tác vi phi nhạc, mệnh chi viết tiết dụng. Sinh bất ca, tử vô phục. Mặc Tử phiếm ái kiêm lợi nhi phi đấu, kỳ đạo bất nộ. Hựu hiếu học nhi bác, bất dị, bất dữ tiên vương đồng, hủy cổ chi lễ nhạc. Hoàng Đế hữu Hàm Trì, Nghiêu hữu Đại Chương, Thuấn hữu Đại Thiều, Vũ hữu Đại Hạ, Thang hữu Đại Hộ, Văn Vương hữu Tịch Ung chi nhạc, Vũ Vương, Chu Công tác Vũ. Cổ chi tang lễ, quý tiện hữu nghi, thượng hạ hữu đẳng. Thiên tử quan quách thất trùng, chư hầu ngũ trùng, đại phu tam trùng, sĩ tái trùng. Kim Mặc Tử độc sinh bất ca, tử vô phục, đồng quan tam thốn nhi vô quách, dĩ vi pháp thức. Dĩ thử giáo nhân, khủng bất ái nhân; dĩ thử tự hành, cố bất ái kỷ. Vị bại Mặc Tử đạo. Tuy nhiên, ca nhi phi ca, khốc nhi phi khốc, lạc nhi phi lạc, thị quả loại hồ? Kỳ sinh dã cần, kỳ tử dã bạc, kỳ đạo đại hộc. Sử nhân ưu, sử nhân bi, kỳ hành nan vi dã. Khủng kỳ bất khả dĩ vi thánh nhân chi đạo, phản thiên hạ chi tâm. Thiên hạ bất kham. Mặc Tử tuy độc năng nhậm, nại thiên hạ hà! Ly ư thiên hạ, kỳ khứ vương dã viễn hỹ!)
不侈於後世, 不靡於萬物, 不暉於數度, 以繩墨自矯, 而備世之急. 古之道術有在於是者, 墨翟, 禽滑厘聞其風而說(). 為之大過, 已之大循. 作為非樂, 命之曰節用. 生不歌, 死無服. 墨子泛愛兼利而非斗, 其道不怒. 又好學而博, 不異, 不與先王同, 毀古之禮樂. 黃帝有咸池, 堯有大章, 舜有大韶, 禹有大夏, 湯有大濩, 文王有辟雍之樂, 武王, 周公作武. 古之喪禮, 賤有儀, 上下有等. 天子棺槨七重, 諸侯五重, 大夫三重, 士再重. 今墨子獨生不歌, 死無服, 桐棺三寸而無槨, 以為法式. 以此教人, 恐不愛人; 以此自行, 故不愛己. 未敗墨子道. 雖然, 歌而非歌, 哭而非哭, 樂而非樂, 是果類乎? 其生也勤, 其死也薄, 其道大觳. 使人憂, 使人悲, 其行難為也. 恐其不可以為聖人之道, 反天下之心. 天下不堪. 墨子雖獨能任, 奈天下何! 離於天下其去王也遠矣.
([13]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Mặc Tử chân thiên hạ chi hảo dã, tương cầu chi bất đắc dã, tuy khô cảo bất xả dã, tài sĩ dã phù.
墨子真天下之好也, 將求之不得也, 雖枯槁不舍也, 才士也 .
([14]) LAM chú:
Lưu Hướng nói trong Hán Thư Nghệ Văn Chí (Doãn Văn Tử) rằng:
[Doãn Văn Tử] và Tống Kiên đều sang Tắc Hạ. ([Doãn Văn Tử] dữ Tống Kiên câu du Tắc Hạ. [尹文 ] 與宋鈃俱遊稷下). Khang Hy phiên thiết chữ hình (hồ kinh thiết âm hình 乎經切音形)kiên (kinh thiên thiết âm kiên 經天切音堅). Vậy tên ông đọc là Tống Kiên hoặc Tống Hình. Phùng Hữu Lan nói: Tống Kiên (Hình) 宋鈃, Tống Khanh 宋牼, Tống Vinh 宋榮 cùng là một người. Xem: (Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc, bản dịch của Lê Anh Minh, Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 2007, quyển I, chương 7, tiết 5, trang 209).
Trang Tử phê bình học thuyết của Tống Hình và Doãn Văn như sau:
Không lụy vì thế tục, không làm dáng vì ngoại vật, không cẩu thả với người, không đố kỵ với người, mong cho thiên hạ thái bình, sinh sống yên lành, mình và người đủ ăn thì thôi; lấy quan niệm đó mà biểu lộ tâm chí; đạo thuật đời xưa cũng có quan niệm đó. Tống Khanh và Doãn Văn nghe phong khí đó thì thích, rồi làm loại mũ Hoa Sơn đội để tỏ ra khác người. Họ giao tiếp vạn vật thì trước tiên không thành kiến. Họ nói về sự bao dung của tâm và gọi nó là hành động của tâm. Họ tìm kiếm sự điều hòa niềm vui để điều hòa thiên hạ. Họ mong thiết lập những điều ấy thành chủ trương của họ. Bị khinh, chẳng nhục là lời họ dùng để ngăn người ta đánh nhau. Cấm chinh phạt, cấm dùng binh là lời họ dùng để cứu đời khỏi bị chiến tranh. Họ đi khắp thiên hạ, phổ biến thuyết đó từ vua đến thứ dân. Tuy thiên hạ không theo, họ vẫn gắng sức không bỏ cuộc. Cho nên nói rằng: Người trên kẻ dưới đều ngán, không muốn tiếp họ; nhưng họ cứ cố xin gặp mặt. Tuy nhiên, họ lo cho người nhiều quá và lo cho mình ít quá. Họ nói: Xin cho chúng tôi năm thăng cơm là đủ rồi. Như thế e rằng hai thầy Doãn và Tống không đủ no. Nhưng dù học trò đói, họ cũng chẳng quên vấn đề của thiên hạ; ngày đêm không ngơi nghỉ, nói: Chúng ta cần phải sống! Ôi đáng quý thay những kẻ sĩ mưu tính cứu đời nay! Họ nói: Bậc quân tử không hà khắc với người khác. Không để thân lụy vì ngoại vật. Họ cho rằng cái gì vô ích cho đời thì chớ tìm hiểu làm chi; bỏ nó đi thì tốt hơn.
(Bất lụy ư tục, bất sức ư vật, bất cẩu ư nhân, bất kỷ ư chúng, nguyện thiên hạ chi an ninh dĩ hoạt dân mệnh, nhân ngã chi dưỡng, tất túc nhi chỉ, dĩ thử bạch tâm. Cổ chi đạo thuật hữu tại ư thị giả, Tống Khanh, Doãn Văn văn kỳ phong nhi duyệt chi. Tác vi Hoa Sơn chi quan dĩ tự biểu, tiếp vạn vật dĩ biệt hựu vi thuỷ. Ngữ tâm chi dung, mệnh chi viết Tâm chi hành. Dĩ nhi hợp hoan, dĩ điều hải nội. Thỉnh dục trí chi dĩ vi chủ. Kiến vũ bất nhục, cứu dân chi đấu, cấm công tẩm binh, cứu thế chi chiến. Dĩ thử chu hành thiên hạ, thượng thuyết hạ giáo. Tuy thiên hạ bất thủ, cưỡng quát nhi bất xả giả dã. Cố viết: Thượng hạ kiến yếm nhi cưỡng kiến dã. Tuy nhiên, kỳ vi nhân thái đa, kỳ tự vi thái thiểu, viết: Thỉnh dục cố trí ngũ thăng chi phạn túc hỹ Tiên sinh khủng bất đắc bão, đệ tử tuy cơ, bất vong thiên hạ, nhật dạ bất hưu. Viết: Ngã tất đắc hoạt tai! Đồ ngao hồ cứu thế chi sĩ tai! Viết: Quân tử bất vi hà sát, bất dĩ thân giả vật. Dĩ vi vô ích ư thiên hạ giả, minh chi bất như dĩ dã.)
不累於俗, 不飾於物, 不苟於人, 不忮於眾, 愿天下之安寧以活民命, 人我之養, 畢足而止, 以此白心. 古之道術有在於是者, 宋牼尹文聞其風而悅之. 作為華山之冠以自表, 接萬物以別宥為始. 語心之容, 命之曰心之行. 以聏合 , 以調海內. 請欲置之以為主. 見侮不辱, 救民之斗, 禁攻 寢兵救世之戰. 以此周行天下, 上說下教. 雖天下不取, 強聒 而不舍者也. 故曰: 上下見厭而強見也. 雖然其為人太多, 其自為太少, : 請欲固置五升之飯足矣. 先生恐不得飽, 弟子雖飢, 不亡天下, 日夜不休. : 我必得活哉. 圖傲乎救世之士哉. : 君子不為荷察, 不以身假物. 以為無益於天下者, 明之不如已也.
([15]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Dĩ cấm công tẩm binh vi ngoại, dĩ tình dục quả thiển vi nội. Kỳ tiểu đại tinh thô, kỳ hành thích chí thị nhi chỉ.
以禁攻寢兵為外, 以情欲寡淺為內. 其小大精粗, 其行適至是而止.
([16]) LAM chú:
Trang Tử phê bình học thuyết của Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo rằng:
Công chính nhưng không đảng phái, giản dị nhưng không tư lợi, quyết đoán nhưng không chủ kiến, tùy theo ngoại vật nhưng không phân biệt ta với người, không tư lự, không mưu trí, không chọn lựa sự vật, mà thuận theo tự nhiên cùng với chúng. Đạo thuật cổ nhân có chủ trương ấy. Bành Mông, Điền Biền, và Thận Đáo nghe thuyết này thì thích chí. Họ xem vạn vật như nhau, nên nói: Trời che muôn vật nhưng không chở chúng; đất chở muôn vật nhưng không che chúng. Đại Đạo bao trùm muôn vật nhưng không biện biệt chúng. Họ biết muôn vật có chỗ khả thi và có chỗ bất khả thi. Cho nên nói: Hễ chọn lựa thì không dùng hết, hễ dạy thì có chỗ không đạt, hễ theo Đạo thì không bỏ sót cái gì hết. Vì thế Thận Đáo bỏ tri thức, bỏ bản thân, thuận theo điều không thể tránh, lãnh đạm với ngoại vật, xem đó là đạo lý. Ông nói tri thức không phải để biết. Ông là người khinh miệt tri thức và còn muốn làm hại nó. Tự cho không phù hợp nên ông không lãnh trách nhiệm gì, lại còn cười thiên hạ tôn trọng người hiền. Ông phóng túng, không làm gì cả, nhưng chê bai bậc đại thánh trong thiên hạ. Ông đập bỏ những góc cạnh và chặt đứt các ràng buộc, uyển chuyển theo sự vật, dứt bỏ thị và phi, để tránh các phiền phức. Ông không để tri thức và tư tưởng dẫn dắt mình, ông không màng quá khứ và tương lai, cứ trơ trơ lãnh đạm như thế mà thôi. Đẩy thì ông mới đi, lôi thì ông mới tới, Ông như sự trở ngược của cơn gió, như sự xoay tròn của chiếc lông vũ, như sự xoay vòng của cối xay. Ông ta hoàn bị mà không sái quấy; dù động hay tĩnh cũng không lầm lỗi; chưa hề có tội. Tại sao như thế? Bởi vì vật vô tri sẽ không gây tai họa cho chính nó, không bị hệ lụy do tri thức, động hay tĩnh đều không rời lý, cho nên trọn đời không được khen ngợi. Vì thế ông nói: Cứ hãy như loài vô tri; không dùng hiền thánh. Cục đất (tức vật vô tri) không mất Đạo. Bọn hào kiệt đương thời chê Thận Đáo rằng: Đạo của Thận Đáo không thi hành cho người sống được, mà nó là lý lẽ cho kẻ chết. Nó chỉ làm cho người ta kinh ngạc thôi. Điền Biền cũng vậy, học nơi Bành Mông và đạt được thuật không dạy [bằng lời]. Thầy của Bành Mông nói: Đạo nhân ngày xưa đạt tới chỗ mà không ai cho rằng đúng và không ai cho rằng sai là được rồi. Thuyết của họ như một trận gió, làm sao mà giảng được. Thuyết của họ trái với quan điểm thông thường của thiên hạ nên chẳng ai quan tâm. Họ không tránh khỏi bị xem là đập bỏ những góc cạnh và chặt đứt các ràng buộc, uyển chuyển theo sự vật. Cái mà họ gọi là Đạo thì không phải là Đạo. Cái mà họ cho là đúng thì không tránh khỏi bị xem là sai. Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo không biết Đạo, tuy nhiên họ cũng nghe đại khái về nó.
(Công nhi bất đảng, dị nhi vô tư, quyết nhiên vô chủ, thú vật nhi bất lưỡng, bất cố ư lự, bất mưu ư tri, ư vật vô trạch, dữ chi câu vãng. Cổ chi đạo thuật hữu tại ư thị giả, Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo văn kỳ phong nhi duyệt chi. Tề vạn vật dĩ vi thủ, viết: Thiên năng phúc chi nhi bất năng tải chi, địa năng tải chi nhi bất năng phúc chi, Đại Đạo năng bao chi nhi bất năng biện chi. Tri vạn vật giai hữu sở khả, hữu sở bất khả. Cố viết: Tuyển tắc bất biến, giáo tắc bất chí, đạo tắc vô di giả hỹ. Thị cố Thận Đáo khí tri khứ kỷ, nhi duyên bất đắc dĩ. Linh thải ư vật, dĩ vi đạo lý. Viết: Tri bất tri, tương bạc tri nhi hậu lân thương chi giả dã. Hề khỏa vô nhiệm, nhi tiếu thiên hạ chi thượng hiền dã; túng thoát vô hành, nhi phi thiên hạ chi đại thánh; thôi phách ngoạn đoạn, dữ vật uyển chuyển; xả thị dữ phi, cẩu khả dĩ miễn. Bất sư tri lự, bất tri tiền hậu, ngụy nhiên nhi dĩ hỹ. Thôi nhi hậu hành, duệ nhi hậu vãng. Nhược phiêu phong chi hoàn, nhược vũ chi tuyền, nhược ma thạch chi toại, toàn nhi vô phi, động tĩnh vô quá, vị thường hữu tội. Thị hà cố? Phù vô tri chi vật, vô kiến kỷ chi hoạn, vô dụng tri chi lụy, động tĩnh bất ly ư lý, thị dĩ chung thân vô dự. Cố viết: Chí ư nhược vô tri chi vật nhi dĩ, vô dụng hiền thánh. Phù khối bất thất đạo. Hào kiệt tương dữ tiếu chi viết: Thận Đáo chi đạo, phi sinh nhân chi hành, nhi chí tử nhân chi lý. Thích đắc quái yên. Điền Biền diệc nhiên, học ư Bành Mông, đắc bất giáo yên. Bành Mông chi sư viết: Cổ chi đạo nhân, chí ư mạc chi thị, mạc chi phi nhi dĩ hỹ. Kỳ phong vực nhiên, ố khả nhi ngôn. Thường phản nhân, bất kiến quan, nhi bất miễn ư ngoạn đoán. Kỳ sở vị đạo phi đạo, nhi sở ngôn chi vĩ bất miễn ư phi.)
公而不黨, 易而無私, 決然無主, 趣物而不兩, 不顧於慮不謀於知, 於物無擇, 與之俱往. 古之道術有在於是也, 彭蒙, 田駢, 到聞其風而說之. 齊萬物以為首, 曰天能覆之而不能載之, 地能載之而不能覆之, 大道能包之而不能辯之知萬物皆有所可有所不可. 故曰選則不遍, 教則不至, 道則不遺者矣是故慎到棄知去己, 而緣不得已. 泠汰於物, 以為道理. 曰知不知, 將薄知而後鄰傷之者也謑髁無任而笑天下之尚賢也; 脫無行, 而非天下之大聖; 推拍輐斷, 與物宛轉; 舍是與非, 苟可以免. 不師知慮, 不知前後, 魏然而已矣. 推而後行, 曳而後往. 若飄風之還, 若羽之旋, 若磨石之遂, 全而無非, 動靜無過, 未嘗有罪. 是何故? 夫無知之物, 無建己之患, 無用知之累, 動靜不離於理, 是以終身無譽. 故曰至於若無知之物而已, 無用賢聖. 夫塊不失道豪桀相與笑之曰慎到之道, 非生人之行, 而至死人之理適得怪焉. 田駢亦然, 學於彭蒙, 得不教焉. 彭蒙之師曰古之道人, 至於莫之是, 莫之非而已 . 其風窢然, 惡可而言常反人, 不見觀, 而不免於輐斷. 所謂道非道, 而所言之韙不免於非.
([17]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Bành Mông, Điền Biền, Thận Đáo bất tri đạo. Tuy nhiên, khái hồ giai thường hữu văn giả dã.
彭蒙, 田駢, 慎到不知道. 雖然概乎皆嘗有聞者也.
([18]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Tri vạn vật giai hữu sở khả, hữu sở bất khả. Cố viết: Tuyển tắc bất biến, giáo tắc bất chí, đạo tắc bất di giả hỹ.
知萬物皆有所可有所不可. 故曰選則不遍, 教則不至, 道則不遺者矣.
([19]) Trang Tử (Thiên Hạ):
Chí ư nhược vô tri chi vật nhi dĩ, vô dụng hiền thánh. Phù khối bất thất đạo.
至於若無知之物而已, 無用賢聖. 夫塊不失道.
([20]) LAM chú:
Trang Tử phê bình học thuyết của Quan Doãn và Lão Đam rằng:
Xem gốc là tinh, xem vật là thô, xem tích chứa là không đủ, một mình lặng lẽ ở với thần minh. Đó là đạo thuật thời xưa. Quan Doãn và Lão Đam nghe phong cách ấy thì rất thích; bèn xây dựng học thuyết trên nguyên lý thường vô thường hữu, trọng tâm của nó là Thái Nhất. Bề ngoài họ tỏ ra mềm yếu và khiêm hạ; bên trong họ trống rỗng và không hủy hoại vạn vật. Quan Doãn nói: “Chớ thiết lập gì ở bản thân; sự vật có sao thì để vậy; hành động như nước; yên tĩnh như gương soi; đáp ứng như tiếng dội; mịt mờ như mất; lặng lẽ như trong trẻo. Hễ đồng ý thì hài hòa; hễ được thì mất. Chớ đi trước người khác; hãy đi sau họ.” Lão Đam nói: “Biết trống, giữ mái, trở thành dòng suối cho thiên hạ. Biết trắng, chịu nhục, trở thành thung lũng cho thiên hạ.” Ai cũng giành đứng trước, riêng ông đứng sau, nên ông nói: “Nhận lấy cái mà thiên hạ vất đi.” Ai cũng giành lấy cái thiết thực, riêng ông nhận cái trống rỗng, nên ông nói: “Không tàng trữ mà có dư.” Vì thế mà ông có dư. Hành động của ông không gắng sức và không phí công. Ông vô vi và chê cười bọn khéo léo. Ai cũng cầu hạnh phúc, riêng ông muốn uốn mình để được an toàn; ông nói: “Chỉ cầu tránh được tai họa.” Ông xem tinh thâm là căn bản, xem sơ sài là phép tắc; ông nói: “Cứng thì bị gãy; sắc bén thì bị cùn.” Ông thường khoan dung với vạn vật và không làm hại ai. Tuy Quan Doãn và Lão Đam chưa đạt tới tột đỉnh của Đạo, nhưng hai ông đều là chân nhân quảng đại thời xưa vậy.
(Dĩ bản vi tinh, dĩ vật vi thô, dĩ hữu tích vi bất túc, đạm nhiên độc dữ thần minh cư. Cổ chi đạo thuật hữu tại ư thị giả, Quan Doãn, Lão Đam văn kỳ phong nhi duyệt chi. Kiến chi dĩ thường vô hữu, chủ chi dĩ Thái Nhất. Dĩ nhu nhược khiêm hạ vi biểu, dĩ không hư bất hủy vạn vật vi thực. Quan Doãn viết: Tại kỷ vô cư, hình vật tự trước. Kỳ động nhược thủy, kỳ tĩnh nhược kính, kỳ ứng nhược hưởng. Vật hồ nhược vong, tịch hồ nhược thanh. Đồng yên giả hòa, đắc yên giả thất. Vị thường tiên nhân nhi thường tùy nhân. Lão Đam viết: Tri kỳ hùng, thủ kỳ thư, vi thiên hạ khê; tri kỳ bạch, thủ kỳ nhục, vi thiên hạ cốc. Nhân giai thủ tiên, kỷ độc thủ hậu. Viết: Thụ thiên hạ chi cấu. Nhân giai thủ thực, kỷ độc thủ hư. Vô tàng dã cố hữu dư. Vị nhiên nhi hữu dư. Kỳ hành thân dã, từ nhi bất phí, vô vi dã nhi tiếu xảo. Nhân giai cầu phúc, kỷ độc khúc toàn. Viết: Cẩu miễn ư cữu. Dĩ thâm vi căn, dĩ ước vi kỷ. Viết: Kiên tắc hủy hỹ, nhuệ tắc tỏa hỹ. Thường khoan dung ư vật, bất tước ư nhân. Tuy vị chí ư cực, Quan Doãn, Lão Đam hồ, cổ chi bác đại chân nhân tai.)
以本為精, 以物為粗, 以有積為不足, 澹然獨與神明居. 古之道 術有在於是者. 關尹, 老聃聞其風而悅之. 建之以常無有, 主之以太一. 以濡弱謙下為表, 以空虛不毀萬物為實. 關尹曰在己無居, 形物自著其動若水, 其靜若鏡, 其應若響. 芴乎若亡, 寂乎若清. 同焉者和, 得焉者失. 未嘗先人而常隨人老聃曰知其雄, 守其雌, 為天下溪; 知其白, 守其辱, 為天下谷人皆取先, 己獨取後. 曰受天下之垢人皆取實, 己獨取虛. 無藏也故有餘巋然而有餘. 其行身也, 徐而不費, 無為也而笑巧. 人皆求福, 己獨曲全. 曰苟免於咎以深為根, 以約為紀. 曰堅則毀矣, 銳則挫矣常寬容於物, 不削於人. 雖未至於極, 關尹老聃乎, 古之博大真人哉.
([21]) LAM chú:
Thiên Thiên Hạ phê bình Trang Tử rằng:
Lặng lẽ, không hình dáng, biến hóa, vô thường. Chết là gì? Sống là gì? Trời đất hợp thành một ư? Thần minh đi ư? Biến mất ở đâu? Hốt nhiên đi đâu? Vạn vật vốn thế, không cái nào hơn cái nào. Chúng là đạo thuật thời xưa vậy. Trang Chu nghe phong khí ấy thì thích, bèn dùng lý thuyết viển vông kỳ dị, lời lẽ hoang đường, câu chữ chẳng đầu đuôi, những ý tưởng phóng túng không thiên lệch, và không cho mình là kỳ dị. Ông thấy đời chìm đắm trong ô trọc, không thể dùng lời trang nghiêm được, nên ông dùng lời lẽ mơ hồ để diễn đạt ý tưởng, gán lời lẽ ấy cho người khác để chúng có giá trị và minh họa lời lẽ ấy bằng nhiều câu chuyện khác nhau. Ông một mình vãng lai với tinh thần của trời đất nhưng không xem mình cao trỗi hơn vạn vật. Ông không khen chê đúng sai, nên hòa đồng với người bình thường. Sách ông viết tuy có bút pháp mới lạ, nhưng không trái ngược sự vật nên vô hại. Từ ngữ ông dùng tuy biến hóa kỳ dị nhưng lôi cuốn dí dỏm. Ý tưởng ông dồi dào không cạn kiệt. Trên thì ngao du với đấng tạo hóa, dưới thì kết bạn với những bậc thoát khỏi sinh tử, vượt ra khỏi khởi đầu và kết thúc. Đối với Gốc (tức Đạo), ông hiểu sâu rộng; đối với Tông (cũng là Đạo), ông hài hòa và đạt tới cảnh giới tối cao. Ông thuận ứng theo sự biến hóa của vạn vật mà giải thích nguyên lý của chúng, nhưng lý lẽ của ông chưa nói ra hết và không bắt nguồn từ những người đi trước. Chúng mênh mang tối tăm, không giải thích sao cho hết được.
(Tịch mịch vô hình, biến hóa vô thường, tử dữ? Sinh dữ? Thiên địa tịnh dữ? Thần minh vãng dữ? Mang hồ hà chi? Hốt hồ hà thích? Vạn vật tất la, mạc túc dĩ quy. Cổ chi đạo thuật hữu tại ư thị giả, Trang Chu văn kỳ phong nhi duyệt chi. Dĩ mậu du chi thuyết, hoang đường chi ngôn, vô đoan nhai chi từ, thời thứ túng nhi thảng, bất kỳ kiến chi dã. Dĩ thiên hạ vi trầm trọc, bất khả dữ trang ngữ. Dĩ chi ngôn vi mạn diễn, dĩ trọng ngôn vi chân, dĩ ngụ ngôn vi quảng. Độc dữ thiên địa tinh thần vãng lai, nhi bất ngao nghê ư vạn vật. Bất khiển thị phi, dĩ dữ thế tục xử. Kỳ thư tuy côi vĩ, nhi liên phiên vô thương dã. Kỳ từ tuy sâm si, nhi xúc quỷ khả quan. Bỉ kỳ sung thực, bất khả dĩ dĩ. Thượng dữ tạo vật giả du, nhi hạ dữ ngoại tử sinh, vô chung thủy giả vi hữu. Kỳ ư bản dã, hoằng đại nhi tịch, thâm hoằng nhi tứ; kỳ ư tông dã, khả vị trù thích nhi thượng toại hỹ. Tuy nhiên, kỳ ưng ư hóa nhi giải ư vật dã, kỳ lý bất kiệt, kỳ lai bất thuế, mang hồ muội hồ, vị chi tận giả.)
寂寞無形, 變化無常, 死與? 生與? 天地並與? 神明往與? 芒乎何之? 忽乎何適? 萬物畢羅, 莫足以歸. 古之道術有在於是者, 莊周聞其風而悅之. 以謬悠之說, 荒唐之言, 端崖之辭, 時恣縱而儻, 不觭見之也. 以天下沈濁, 不可與莊語. 以卮言曼衍, 以重言為真, 以寓言為廣. 獨與天地精神往來, 而不敖倪於萬物. 不譴是非, 以與世俗處. 其書雖瑰瑋, 而連犿無傷也. 其辭雖參差, 而諔詭可觀. 彼其充實, 不可以已. 上與造物者游, 而下與外死生, 無終始者為友. 其於本也, 弘大而辟, 深閎而肆; 其於宗也, 可謂稠適而上遂矣. 雖然, 其應於化而解於物也, 其理不竭, 其來不蛻, 芒乎昧乎, 未之盡者.