Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

ĐĐVU 21 / ĐỨC QUAN ÂM BỒ TÁT TRONG DÂN GIAN / DIỆU NGUYÊN

Minh Tân Cao Tiên Đàn
(Ảnh: http://thanhthatcaodai.org)
Ngày 19-9 Bính Thân (19-10-2016), như lệ hằng năm, Ban Cai Quản và bổn đạo Minh Tân Cao Tiên Đàn ([1]) trân trọng thiết lễ kỷ niệm bốn mươi tám năm ngày thành lập thánh thất Minh Tân Cao Tiên Đàn, đồng thời cũng là lễ tưởng niệm công đức của Đức Quan Âm Bồ Tát, Nhị Trấn Oai Nghiêm trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Từ rất lâu đời, ở nước ta, hàng năm đồng bào theo đạo Phật, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài cũng như đông đảo cộng đồng Phật tử trên thế giới đều thành kính thiết lễ kỷ niệm Đức Bồ Tát Quan Âm (hay Quán Thế Âm) vào ba ngày như sau:
- 19 tháng 02 âm lịch, tương truyền là ngày Đức Quan Âm đản sanh.
- 19 tháng 6 âm lịch, tương truyền là ngày Đức Quan Âm thành đạo.
- 19 tháng 9 âm lịch, tương truyền là ngày Đức Quan Âm xuất gia.
Dân gian vẫn thường gọi chung ba ngày này là ngày vía Đức Quan Âm Bồ Tát. Thật ra, chữ vía là tiếng Việt cổ có nghĩa là ngày sinh. Do đó, chỉ có ngày 19 tháng 02 âm lịch kỷ niệm Đức Quan Âm đản sanh mới nên gọi là ngày vía của Ngài.
Tuy nhiên, dù cho có gọi thế nào đi nữa thì mỗi ngày lễ tưởng niệm Đức Bồ Tát đều là một dịp cho người dân khắp nơi trong nước Nam hân hoan, thành kính thiết lễ trang trọng hiến dâng Ngài. Mỗi ngày lễ còn là dịp để tín hữu, đạo đồ hiệp tâm cầu nguyện cho quốc thái dân an, và noi gương từ bi cứu khổ ban vui của Đức Bồ Tát để cùng nhau tổ chức làm từ thiện giúp đỡ đồng bào bất hạnh.
Một năm có đến ba ngày lễ tưởng niệm Đức Bồ Tát Quan Âm, cho thấy rằng dân gian sùng bái kính ngưỡng Ngài hết mực. Sự linh ứng mầu nhiệm và cứu độ huyền diệu của Đức Bồ Tát đã khiến cho hình tượng Quan Âm đi sâu vào lòng nhân thế, bàng bạc khắp mọi nơi trong đời sống văn hóa của người dân Việt, từ ca dao, thi thơ đến tác phẩm văn học, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… Ca dao Việt Nam từ xa xưa có câu:
Ao nào cũng có ánh trăng
Nhà nào cũng có Quan Âm hiện hình.
Thật vậy, trong đời sống tâm linh người Việt, không chỉ vào chùa mới gặp hình ảnh hay tượng thờ Đức Quan Âm. Từ thành thị đến thôn quê hầu như đâu đâu cũng thấy tôn tượng của Ngài. Nhiều gia đình người Việt, dù không theo một tín ngưỡng tôn giáo nào nhưng trong nhà vẫn thờ kính Đức Bồ Tát Quan Âm - biểu tượng của lòng từ bi trắc ẩn cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Rất nhiều xe khách, xe du lịch trưng hình hay tượng nhỏ Quan Âm ở sau mặt kính phía trước để cầu xin Ngài phù hộ chuyến xe bình an trên mọi tuyến đường ngắn dài xuôi ngược.
Đối với một đất nước như Việt Nam, với lịch sử có quá nhiều chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, phần lớn dân chúng là nông dân và người lao động nghèo khổ, thì Đức Quan Âm Bồ Tát luôn luôn là vị cứu tinh mầu nhiệm, linh ứng cảm thương, xoa dịu nỗi đau, che chở tai nàn… Thế nên, trong lòng nhân gian, Đức Quan Âm không chỉ là Bồ Tát mà Ngài còn là hình tượng của một Mẹ Hiền có tình yêu thương vô bờ bến và lòng khoan dung vô lượng. Do đó, dân gian còn gọi Ngài là “Mẹ Quan Âm”.
Thế rồi từ hình tượng Đức Quan Âm là Mẹ Hiền, dân gian Việt Nam lại đồng hóa bà mẹ phàm trần đã mang nặng đẻ đau, cho mình bú mớm là Phật Bà Quan Âm. Do đó, để khuyên dạy phận làm con hãy giữ gìn đạo hiếu và biết lo báo hiếu cho cha mẹ vào ngày rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan, xá tội vong nhân), ca dao Việt Nam có bốn câu như sau:
Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lễ Phật, đền ơn sinh thành.
Dân gian vẫn luôn hết lòng tin tưởng vào sự cứu khổ cứu nạn của Đức Quan Âm Bồ Tát, tin rằng Ngài có cả ngàn con mắt để nhìn thấu suốt hết chúng sanh đang lâm vào cảnh khổ đau, và có cả ngàn cánh tay để chìa ra cứu vớt chúng sanh thoát khỏi đau khổ. Đức tin mãnh liệt và rất lâu đời đó kết tụ thành những pho tượng uy nghi Quan Âm thiên thủ thiên nhãn (Quan Âm ngàn mắt ngàn tay), tượng trưng cho quyền phép cứu giúp vô tận, vô biên, vô hạn của Ngài.
Trong văn học dân gian Việt Nam có truyện thơ lục bát nhan đề Quan Âm Nam Hải. Truyện kể về một công chúa hiền từ nhân hậu muốn xuất gia tu hành nhưng lại gặp phải biết bao ngăn trở của vua cha là người rất khắc nghiệt. Với ý chí kiên định, cuối cùng công chúa tu hành đắc quả thành Phật Bà ngàn tay ngàn mắt và cứu độ cả song thân:
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay
Cũng trong một điểm Linh Đài hóa ra
Xem trong bể nước Nam ta
Phổ Môn có Đức Phật Bà Quan Âm
Niệm Ngài thì niệm tại tâm…
Theo đạo học, Linh Đài tức là cái Tâm chúng ta. Còn Phổ Môn tức là phẩm (hay chương) Phổ Môn trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (gọi tắt là Kinh Pháp Hoa), trong đó Đức Phật Thích Ca thuyết giảng về oai lực và quyền năng linh ứng nhiệm mầu của Đức Quan Âm Bồi Tát.
Ngoài ra, người Việt còn có truyện thơ lục bát Quan Âm Thị Kính với nhân vật nữ là nàng Thị Kính từng chịu nhiều nỗi oan khuất trong cuộc đời nhưng với hạnh hy sinh, nhẫn nhục và từ bi, bà vẫn bền chí nhẫn nhịn tu hành và đắc đạo thành Phật Quan Âm:
Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.
Hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sinh của Đức Quan Âm Bồ Tát cũng đã được nhắc đến trong truyện thơ lục bát Lục Vân Tiên nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tức Đồ Chiểu.
Trong truyện có đoạn kể Kiều Nguyệt Nga bị triều đình bắt đi cống Hồ, dọc đường nàng đã tìm cách nhảy xuống biển trầm mình cho tròn tiết nghĩa với Lục Vân Tiên. Ngọn sóng thần đẩy xác nàng dạt vào bờ. Phật Bà Quan Âm thương xót đem hồn nàng nhập lại xác rồi hóa phép đưa nàng đến vườn hoa nhà họ Bùi. Đức Quan Âm còn báo mộng để dặn dò Nguyệt Nga hãy ẩn nhẫn chờ đợi ngày tái ngộ Lục Vân Tiên. Cụ Đồ Chiểu tả đoạn này như sau:
Nguyệt Nga nhảy xuống giữa vời
Sóng thần đưa đẩy vào nơi bãi rày
Bóng trăng vừa khuất ngọn cây
Nguyệt Nga hồn hãy chơi rày âm cung
Xiết bao sương tuyết đêm đông
Mình nằm giữa bãi lạnh lùng ai hay
Quan Âm thương đấng thảo ngay
Bèn đem nàng lại bỏ rày vườn hoa
Dặn rằng nàng hỡi Nguyệt Nga
Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày.
Đôi ba năm nữa gần đây
Vợ chồng sau cũng sum vầy một nơi.
Nguyệt Nga náu nương nhà họ Bùi thì bị Bùi Kiệm giở trò ép duyên. Thế nên nàng phải lẻn trốn ra đi trong đêm tối tăm mờ mịt. Một lần nữa Phật Bà Quan Âm lại cứu nàng trong lúc thân gái dặm trường bằng cách báo mộng cho một bà lão tốt bụng, chỉ đường cho bà lão đi đón nàng và đưa về nhà bà lão trú ngụ. Cụ Đồ Chiểu tả đoạn này như sau:
Nguyệt Nga đi đặng hồi lâu
Tìm nơi bàn thạch ngõ hầu nghỉ chưn
Người ngay Trời Phật cũng vưng
Lão bà chống gậy trong rừng bước ra
Hỏi rằng nàng phải Nguyệt Nga
Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta
Khi khuya nằm thấy Phật Bà
Người đà mách bảo nên già tới đây
Nguyệt Nga bán tín bán nghi
Đành liều nhắm mắt theo đi về nhà.
Lòng kính ngưỡng của dân gian đối với Đức Bồ Tát còn được thể hiện qua âm nhạc. Mấy năm gần đây chúng ta thường được nghe bài hát Lạy Phật Quan Âm của nhạc sĩ Hàn Châu với ca từ bày tỏ sự tôn kính và tri ân Đấng cứu khổ cứu nạn chúng sinh:
Dưới tòa sen vàng, con quỳ lạy Bồ Tát Quan Âm. Người đã cho con niềm tin yêu giữa cuộc đời. Quan Âm Bồ Tát hiệu Viên Thông, mười hai nguyện lớn rộng mênh mông, cứu giúp bao người qua cơn khổ nạn từ bi độ đời. Quan Âm, trái tim sáng ngời cứu người hoạn nạn qua cơn khó khăn. Quan Âm, tay cầm bình nước cam lồ, tay cầm nhành liễu thanh nhàn rưới khắp thế gian tốt tươi mát mẻ mười phương thanh nhàn.
Chúng ta đã thấy hình tượng Quan Âm trong tín ngưỡng thờ phượng, trong ca dao, trong văn chương truyền khẩu dân gian, trong tác phẩm văn học, trong âm nhạc, trong hội họa điêu khắc… Nhưng nhiều nhất, phong phú nhất vẫn là những truyền thuyết về sự linh ứng và oai lực cứu khổ cứu nạn của Đức Bồ Tát đã được ghi chép thành nhiều quyển sách dày mỏng khác nhau mà nếu liệt kê cho đủ các nhan đề sẽ là một danh sách thật dài. Các quyển sách ấy được lưu hành rộng rãi trong dân gian, kể lại vô số tích truyện về sự linh ứng cứu khổ cứu nạn của Đức Bồ Tát Quan Âm, như giải trừ bệnh khổ, cứu độ tai ách hoạn nạn, ban bố phước huệ, giải thoát sanh tử, vừa khuyên răn vừa ứng hiện khắp nơi để dẫn dắt nhơn sanh hồi tâm hướng thiện. Truyện kể thì vô cùng phong phú, đa dạng nhưng tựu trung đều cho thấy một lý duy nhứt đó là sự cứu khổ cứu nạn của Đức Quan Âm Bồ Tát luôn được đặt trên cơ sở chánh tín và không bao giờ vượt ra khỏi luật công bình của Tạo Hóa.
Ngày nay, hàng môn đệ Cao Đài rất hữu duyên hữu phước được tiếp nhận những dòng thánh giáo của Đức Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai, Nhị Trấn Oai Nghiêm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đức Bồ Tát luôn dạy người tín hữu Cao Đài phải tu hành trong tinh thần chánh tín.
Nhờ học đạo chúng ta hiểu rằng con người sở dĩ gặp những nạn nọ tai kia, bệnh tật rủi ro… là do đã gây tạo biết bao lỗi lầm ác nghiệp trong quá khứ nên phải chịu trả nghiệp theo luật nhân quả. Thế nên ăn chay là để giải trừ nghiệp sát; trì niệm danh hiệu Đức Bồ Tát là để tâm được an định thanh tịnh, dừng lại mọi tính toan ham muốn xui khiến con người gây tạo tội lỗi; tụng kinh là để nhắc mình nhớ thực hành theo lời kinh dạy, sống đúng đạo lý, lập thêm công bồi thêm đức. Làm được ba điều ấy thì tự nhiên phước huệ đến với mình, mọi tai họa đều lánh xa.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Tu phải cố trau giồi tâm tính
Phải trước tiên quyết định tu chi
Tụng kinh là để làm gì
Ăn chay niệm Phật ích chi cho mình?
Không phải Phật thiếu kinh thường dụng
Bảo chúng sanh đem tụng Phật nghe
Tụng kinh như thể nói vè
Nghĩa sâu không biết, lối lề không thông.
Chẳng khác nào nghe ong vò vẽ
Tiếng nhỏ to thỏ thẻ vu vu
Tụng nhiều mới gọi là tu
Đọc nhiều cho Phật công phu mới nhiều.
Đó là tu theo chiều mê tín
Biết bao giờ tâm thánh mở mang
Sách kinh là đuốc rọi đàng
Dạy đời học đạo hành tàng thể nao.
Vì lẽ đó cùng nhau ráng hiểu
Đọc kinh coi Phật biểu làm chi
Ráng làm ăn ở cho y
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.
Đọc kinh rồi hiểu lời Phật dạy
Thì chớ làm trái lại sách kinh
Nếu khi mình đã thông minh
Lảu thông đạo pháp, xem kinh làm gì?
Ăn chay để làm chi vậy hử
Tập ăn chay để khử lòng trần
Bao nhiêu ái, ố, tham, sân
Bao nhiêu thói xấu rửa lần cho thanh.
Ăn chay để tập tành nhân dõng
Loài vật kia cũng sống như mình
Lẽ nào đành đoạn sát sinh
Rượu ngon thịt béo tiệc tùng sớm trưa.
Đó là lối muối dưa tụng niệm
Tập tánh hiền cho tiệm tiến lên ([2])
Lòng thương nhân hậu làm nền
Giọi đèn minh triết cho bền quang minh.
(...)
Cúng lạy để nghỉ ngơi tâm trí
Để tịnh lòng, tịnh ý, tịnh ngôn
Khép mình dưới bệ Chí Tôn
Trau giồi tính nết luyện hồn tịnh thanh.
Cúng lạy để tâm lành phát hiện
Nhìn Phật Tiên trên điện hiền hòa
Khởi lòng bác ái vị tha
Nhìn chung Thượng Đế là Cha linh hồn.
(...)
Tu phải hiểu đức tin chánh tín
Mỗi việc hành xét định minh quang
Chớ nghe tiếng quyển, tiếng đàn ([3])
Yếu lòng non dạ tin càn mà nguy.([4])
Hôm nay, huynh tỷ đệ muội chúng ta thiết lễ tưởng niệm và tri ân công đức vô lượng của Đấng Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Chúng Sinh, đại lễ trân trọng nhất kính dâng lên Ngài có lẽ không gì quý báu hơn là tình yêu thương mà chúng ta mang đến cho nhơn sanh đau khổ bằng tất cả sự cảm thông chân thành, khoan dung tha thứ nhẫn nhịn, đùm bọc nâng đỡ sẻ chia, để mỗi người trong chúng ta đều sẽ là một hiện thân của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm giữa cuộc đời đầy đau khổ này.
DIỆU NGUYÊN
Minh Tân Cao Tiên Đàn
19-10-2016



([1]) Thuộc Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý. thánh thất Minh Tân Cao Tiên Đàn tọa lạc tại số 71 Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6, TpHCM,
([2]) tiệm tiến lên: Lần lần tiến bộ hơn.
([3]) tiếng quyển: Tiếng sáo. Chớ nghe tiếng quyển, tiếng đàn: Chớ nghe những lời ngon ngọt, dụ dỗ làm việc sai trái.
([4]) Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (Thứ Hai 23-10-1967).