Trần Văn Chánh 2016 (ảnh: Huệ Khải)
Kinh Thi là tập thơ cổ nhất của
Trung Quốc. Nó tập hợp những dân ca và ca dao đẹp nhất, hay nhất của đất nước rộng
lớn này trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên (TCN) trở về
trước. Danh xưng Kinh bắt đầu có từ
thời Hán (206 TCN) khi tập thơ nảy được xếp vào bộ Ngũ Kinh.
Theo truyền thuyết,
ban đầu Kinh Thi có tới hơn ba ngàn thiên (bài). Thuyết này chép trong Sử Ký (Khổng Tử Thế Gia) và Hán Thư (Nghệ Văn Chí), trải qua sự san
định của Khổng Tử còn lại 311 thiên, nhưng về sau có nhiều người nghi ngờ là
không đúng.
Căn cứ vào sự thống nhất
về hình thức âm vận của mấy trăm bài thơ (được sáng tác trong thời gian năm sáu
trăm năm và trong một khu vực rộng lớn bao gồm nhiều nước), Quách Mạt Nhược ()
cho là đã có một nội chứng khẳng định Kinh Thi dứt khoát phải được nhiều người,
nhiều lần chỉnh lý và nhuận sắc, nếu Khổng Tử có san ()
Thi thì ông cũng không phải là người duy nhất. Ngoài ra, những dật thi()
được thấy rải rác trong các sách của Bách Gia Chư Tử lại không được chỉnh tề
hài hòa như trong Kinh Thi, còn là một ngoại chứng,()
chứng tỏ Kinh Thi phải trải qua một sự nhuận sắc rất công phu.
Đến đời Tần Thủy Hoàng
(246-210) đốt sách chôn học trò, Kinh Thi cũng như nhiều sách khác bị đốt,
nhưng nhờ được viết bằng thể thơ nên nhiều nhà Nho còn nhớ được.
Đến đầu thời Hán, thế
kỷ 2 TCN, có bốn bản Kinh Thi xuất hiện, đại thể giống nhau, chỉ khác nhau về
chữ viết. Đó là Lỗ Thi của Thân Bồi
(người nước Lỗ), Tề Thi của Viên Cố
(người nước Tề), Hàn Thi của Hàn Anh
(người nước Yên), Mao Thi của Mao
Hanh (người nước Lỗ) và Mao Trường (người nước Triệu). Sự đại đồng tiểu dị của bốn
bản Kinh Thi phần nào chứng tỏ được tính cách trung thực của tác phẩm. Ba bản Lỗ,
Tề, Hàn đã thất truyền: Tề Thi mất vào thời Ngụy (220-215), Lỗ Thi mất vào Tây
Hán (265-317), Hàn Thi từ thời Bắc Tống (960-1127) về sau cũng mất, nhưng nay
còn lại phần Ngoại Truyện mười quyển.
Bản được lưu truyền đến ngày nay là Mao Thi, gồm 305 thiên đầy đủ (vì có sáu
thiên chỉ còn lại tên), chia làm ba phần: Phong
(hay Quốc Phong), Nhã (Tiểu Nhã, Đại
Nhã) và Tụng (Chu Tụng, Lỗ Tụng,
Thương Tụng).
Nhã, Tụng phần lớn là
văn, thơ của lớp quý tộc xuất phát từ những bài hát nơi tôn miếu, triều đình;
Quốc Phong bao gồm ca dao, dân ca của mười lăm nước hoặc vùng: Chu Nam, Thiệu
Nam, Bội, Dung, Vệ, Vương, Trịnh, Tề, Ngụy, Đường, Tần, Trần, Cối, Tào, Bân.()
Căn cứ vào chữ “hề” (âm cổ đọc là “a”), người ta cho một số bài trong Quốc Phong
được viết dưới dạng khẩu ngữ của thời bấy giờ.()
Quốc Phong là phần
tinh túy, giá trị nhất của Kinh Thi, phản ánh rất chính xác và sâu rộng sinh hoạt
của người dân Trung Quốc thời thượng cổ. Ngoài một số ít bài vịnh cảnh vụn vặt
hay có liên quan đến sinh hoạt của lớp quý tộc, các thiên trong Quốc Phong chủ
yếu cho ta thấy rõ bộ mặt xã hội và tình cảnh của người dân thời bấy giờ về nhiều
phương diện, nổi bật hơn cả là đời sống lao động nặng nhọc, cần cù, đời sống
chính trị bị áp bức bóc lột, và đời sống tình cảm hồn nhiên phong phú của người
lao động.
Nhiều bài trong Quốc Phong
miêu tả việc làm ăn sinh sống của dân chúng. Hằng ngày họ phải làm ruộng, săn bắn,
nuôi tằm, hái quả, v.v... Bài Phù Dĩ
cho chúng ta thấy tình cảm yêu lao động của người dân, công việc tuy rất khẩn
trương, cực nhọc, nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ, ca hát. Sau những giờ làm việc
mệt nhọc, họ cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái:
Thập mẫu chi gian hề,
Tang giả nhàn nhà hề,
Hành dữ tử hoàn hề.
(Ngụy Phong, Thập Mẫu Chi Gian)
* Kìa trông mười mẫu
ruộng dâu,
Dâu lên đây đó một mầu tốt
tươi.
Cùng nhau trở gót ai ơi,
Cùng
nhau tôi bác, ta lui về nhà.
(Nhân
Tử Nguyễn Văn Thọ dịch)
Bài Thất Nguyệt trong Bân Phong là một tuyệt tác miêu tả toàn
bộ sinh hoạt của người nông dân trong suốt cả năm: trai trai, gái gái, năm bốn
mùa, sớm tối không ngừng làm lụng, nào việc cày cấy, hái dâu, hái rau quả, nuôi
tằm, nhuộm tơ, cho đến việc săn bắn, chặt củi, dọn sân phơi lúa, đặt rượu, đục
băng, lợp nhà, làm phu phen tạp dịch… mỗi mỗi đều được miêu tả ngắn gọn, vừa đầy
đủ sinh động, lời lẽ và tình điệu thật uyển chuyển. Khi thì vui vẻ nói về những
kết quả thu lượm được, khi thì bi phẫn tố cáo tình trạng quả thực bị các chủ
nhân bóc lột, và lúc nào cũng tỏ ra lo lắng, suy nghĩ đến công việc của mùa
sau.
Càng yêu lao động và
quý trọng thành quả lao động, người dân Trung Quốc thời thượng cổ càng căm ghét
áp bức, bóc lột. Qua nhiều bài, chúng ta thấy thái độ chính trị của họ thật rõ
rệt. Họ châm biếm sâu sắc những kẻ “bất lao nhi hoạch”,()
chẳng hạn, bài Phạt Đàn trong Ngụy Phong
công kích thẳng bọn thống trị “không cấy không gặt”, “không săn không bắn”, sao
lại có “lúa ba trăm bỉnh” và trong sân lại thấy treo những con thú lớn, “người
quân tử kia hề, chớ ngồi không ăn hề!”.
Họ còn ví tầng lớp thống
trị với con chuột đồng tham lam, dơ dáy, chuyên ăn hại lúa, và quyết đoạn tuyệt
với bọn ăn hại này để tìm đến một miền “lạc thổ”:
Thạc thử, thạc thử,
Vô thực ngã thử.
Tam tuế quán nhữ,
Mạc ngã khẳng cố.
Thệ tương khứ nhữ,
Thích bỉ lạc thổ,
Lạc thổ, lạc thổ!
Viên đắc ngã sở.
(Ngụy Phong,
Thạc Thử)
* Chuột
cống hỡi, hỡi bầy chuột cống,
Thôi thôi
đừng ăn đống kê ta.
Ba thu cố
nhịn cho qua,
Nhưng bây
nào đoái tưởng ta đâu nào.
Bây đã thế,
ta sao cũng bỏ,
Bỏ chúng
bây đi ở đất người,
Đất người
hoan lạc đẹp tươi,
Ung dung
ta sẽ thảnh thơi xem vầy.
(Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ dịch)
Người dân lao động căm
ghét kẻ bóc lột đã đành, họ còn không ngớt chỉ trích những thói hư thật xấu, vạch
trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của tầng lớp quý tộc. Các bài Hoàn Lan (Vệ Phong), Hầu Nhân (Tào Phong) châm biếm cách ăn mặc
lố lăng của lớp quý tộc ăn không ngồi rồi. Thái độ xem thường đó đôi khi được bộc
lộ thật thâm trầm, sâu sắc:
Hảo nhân đề đề,
Uyển nhiên tả tị.
Bội kỳ tượng sế,
Duy thị biển tâm,
Thị dĩ vi thế (thích).
(Ngụy Phong,
Cát Lũ)
* Chồng
nàng đi đứng ung dung,
Đứng bên
tư khách chàng không ngại ngùng.
Châu ngà
chàng giắt bên lưng,
Hiềm chàng
hẹp lượng nên lòng dân chê.
(Nhân Tử
Nguyễn Văn Thọ dịch)
Các bài Chu Lâm (Trần Phong), Nam Sơn, Tệ Cú, Tải Khu (Tề Phong)… chỉ
trích đến cả thói dâm loạn của vua chúa, hoàng hậu. Bài Hoàng Điểu tỏ nỗi bi phẫn về cái chết đau thương của những người hiền
bị vua chúa bức tử theo tục tuẫn táng rất tàn nhẫn.
Đã cực khổ quanh năm để
kiếm ăn, người dân còn bị cái ách phu phen tạp dịch đè nặng lên cổ. Họ thường
phải ra đi làm sưu dịch, đắp đất xây thành, đằng đẵng không biết ngày về:
Kích cổ kỳ thương,
Dũng dược dụng binh.
Thổ quốc thành Tào,
Ngã độc Nam
hành…
(Bội Phong,
Kích Cổ)
* Tiếng
trống đánh thùng thùng vang dậy.
Đứng lên
binh khí hãy cầm mau,
Đắp thành
xây cất ấp Tào,
Riêng ta
chinh chiến đi vào miền Nam.
(Tạ Quang
Phát dịch)
Trong chiến tranh xâm
lược giữa các bộ tộc, người dân phải bỏ nhà ra đi chém giết để phục vụ cho các
vua chư hầu không ngừng tổ chức chiến tranh để giành đất. Hàng chục bài trong
Kinh Thi (nhất là ở Quốc Phong và Tiểu Nhã) nói lên lòng ai oán đối với chiến
tranh, căm hận kẻ đã xui nên cảnh biệt ly, tan tác, miêu tả chế độ làm việc khổ
sai ngoài chiến trường hoặc nỗi sầu khổ của những người oán phụ có chồng đi
hành dịch phương xa không về. Tất cả đều cho thấy rõ rệt thái độ phản đối chiến
tranh phi nghĩa của người dân lành luôn luôn chỉ muốn được yên ổn làm ăn.
Đây là nỗi lo lắng của
một người lính thú phải bỏ cha mẹ, vợ con đi hành dịch:
Túc túc bão vũ,
Tập vu bao hủ.
Vương sự mỵ cổ,
Bất năng nghệ tắc thử.
Phụ mẫu hà hộ?
Du du thương thiên,
Hạt kỳ hữu sở?
(Đường Phong, Bão Vũ)
* Bão kia phành phạch lông bay,
Nó bay đến đậu lùm cây gỗ sồi.
Việc vua việc chúa bời bời,
Kê kia tắc nọ ai thời trồng cho.
Thung huyên đâu chỗ nương nhờ,
Xanh kia thăm thẳm bao giờ mới yên.
(Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch)
Nỗi khổ biệt ly trong những gia đình có người đi chinh chiến thường được diễn
tả bằng tâm tình ai oán của các chinh phụ mong chồng:
Tự bá chi Đông,
Thủ như phi bồng.
Khởi vô cao mộc?
Thùy đích vi dung?
Kỳ vũ kỳ vũ,
Cảo cảo xuất nhật.
Nguyện ngôn tư bá,
Cam tâm thủ tật.
(Vệ Phong, Bá Hề)
* Từ ngày chàng tách sang Đông,
Đầu em rối tựa hoa bồng cuộn bay.
Há không thoa sáp gội cài?
Vắng chàng, trang điểm cho ai ngắm nhìn?
Mỏi lòng trông giọt mưa sa,
Mặt trời chợt hiện sáng lòa khắp nơi.
Nguyện lòng chỉ nhớ chàng thôi,
Mặc cho đầu nhức liên hồi cũng cam.
(Ta Quang Phát dịch)
Bài Ân Kỳ Lôi (Thiệu Nam, bài 19)
tả nỗi nhớ thương chồng phải dầm mưa dãi nắng và lòng mong muốn cho sớm được trở
về:
Ân kỳ lôi,
Tại Nam sơn chi đương
Hà tư vi tư?
Mạc cảm hoặc hoàng.
Chấn chấn quân tử,
Quy tai, quy tai!
* Vang rền sấm nổ ầm ầm,
Phía nam của dãy núi Nam đây mà.
Sao chàng lại vội đi ra?
Lo làm chẳng dám gì là rảnh rang.
Chàng người tín hậu đoan trang,
Mong mau xong việc để chàng về ngay.
(Tạ Quang Phát dịch)
Đây là tâm trạng bùi ngùi của một người lính thú trên đường trở về, tràn ngập
lòng thương nhớ quê hương và chán ghét chiến tranh:
Ngã tồ Đông sơn,
Thao thao bất quy.
Ngã lai tự đông,
Linh vũ ký mông.
Ngã đông viết quy,
Ngã tâm tây bi…
(Bân Phong, Đông Sơn)
* Đông sơn từ buổi chinh yên,
Ngày qua tháng lại triền miên chẳng về.
Ngày ta nhẹ bước hồi quy,
Mưa bay lất phất lâm li mấy hồi.
Ngàn đông từ dáng quân lui,
Sầu dâng lòng thét, non đoài nhớ quê.
(Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch)
Tình cảnh đau thương của người chinh nhân trong ngày trở về được miêu tả thật
tài tình, chỉ qua mấy câu cuối của bài Thái
Vi (Tiểu Nhã):
Tích ngã vãng hỹ,
Dương liễu y y.
Kim ngã lai tư,
Vũ tuyết phi phi.
Hành đạo trì trì,
Tải khát tải cơ.
Ngã tâm thương bi,
Mạc tri ngã ai.
* Khi đi tha thướt cành dương,
Khi về mưa tuyết phũ phàng tuôn rơi.
Thấp cao dặm thẳng xa xôi,
Biết bao đói khát, khúc nhôi cơ cầu.
Lòng ta buồn bã thương đau,
Ta buồn ai biết, ta rầu ai hay.
(Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch)
Sống trong thời loạn lạc, chiến tranh không dứt, lại thêm bao nhiêu mối đe
dọa về thuế má, sưu dịch, con người không bao giờ được yên tâm. Nỗi lo lắng của
người dân trong hoàn cảnh đó được ghi lại một cách tế nhị qua các bài Thử Ly, Thố Viên (đều trong Vương Phong)…
Bỉ thử ly ly,
Bỉ tắc chi miêu.
Hành mại mỵ mỵ,
Trung tâm diêu diêu.
Tri ngã giả, vị ngã tâm ưu,
Bất tri ngã giả, vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên,
Thử hà nhân tai!
(Vương Phong, Thử Ly)
* Ruộng nếp thì quặt đầu ẻo lả,
Lúa kia vừa lên mạ khắp nơi.
Đi ngang chậm bước khôn rời,
Trong lòng xao xuyến cảm đời đổi thay.
Hiểu lòng ta những ai đó hỡi!
Ắt nói ta nghĩ ngợi sầu bi.
Còn người chẳng hiểu tí chi,
Nói ta đang kiếm vật gì thế thôi.
Trời xanh thẳm xa vời cao ngất,
Khiến thế này quả thật là ai?
(Tạ Quang Phát dịch)
Một số câu như “vương sự mỵ cổ”, “du
du thương thiên” (việc vua chưa xong; thăm thẳm trời xanh kia) được lặp đi
lặp lại trong Kinh Thi hàng chục lần. Trong tình cảnh ấy, con người chỉ còn thở
than, kêu trời hoặc muốn cho mình trở nên vô tri vô giác (bài Thấp Hữu Trường Sở), thà không được sinh
ra còn hơn. Hoặc cứ ngủ yên không động đậy, nhắm mắt xuôi tay cho con Tạo muốn
xoay vần đến đâu cũng được:
Hữu thố viên viên,
Trĩ ly vu la.
Ngã sinh chi sơ,
Thượng vô vi.
Ngã sinh chi hậu,
Phùng thử bách ly.
Thượng mỵ vô ngoa!
(Vương Phong, Thố Viên)
* Thỏ xảo quyệt thung dung vừa thoát,
Trĩ thẳng ngay lại mắc lưới rồi.
Ban đầu ta mới ra đời,
Thì đều vô sự thảnh thơi an nhàn.
Sống phần cuối đời tàn cho dứt
Gặp trăm điều khổ cực ưu lo
Mong sao một
giấc ngủ khò.
(Tạ Quang
Phát dịch)
Mâu thuẫn xã hội không
chỉ diễn ra giữa người dân nghèo với kẻ thống trị, mà ngay trong nội bộ của tầng
lớp trên cũng phát sinh mâu thuẫn gay gắt. Tình trạng tranh quyền đoạt vị, thay
ngôi đổi chủ càng làm cho mối mâu thuẫn ấy thêm trầm trọng. Như ta có thể biết,
chế độ phong kiến lúc bấy giờ chia ra nhiều thứ bậc xã hội. Sách Tả Truyện (Chiêu Công Thập Niên) chép:
“Trong các nước phong lược không đâu không phải là đất của nhà vua (…). Ngày
chia làm mười phần, người chia làm mười giai cấp, người dưới phụng sự người
trên, người trên làm tròn bổn phận mình đối với quỷ thần. Cho nên vua trung ương
có thần tử là công, công có thần tử là đại phu, đại phu có thần tử là sĩ, sĩ có
ty, ty có quan lại nhỏ, quan lại nhỏ có lệ, lệ có liêu, liêu có bộc, bộc có phục
dịch. Ngựa có kẻ chăn ngựa, trâu có kẻ chăn trâu. Mọi sự đều đối xứng cả.”
Bài Bắc Sơn trong Tiểu Nhã miêu tả thật đầy
đủ và sinh động tình trạng bất công, bất quân như vừa kể:
Hoặc yến yến cư tức,
Hoặc tận tụy sự quốc.
Hoặc tức yển tại sàng,
Hoặc bất dĩ vu hàng (hành).
Hoặc bất tri khiếu hào,
Hoặc thảm thảm cù lao.
Hoặc thê trì yển ngưỡng,
Hoặc vương sự ưởng chưởng.
Hoặc đam lạc ẩm tửu,
Hoặc thảm thảm úy cữu.
Hoặc xuất nhập phúng nghị,
Hoặc mỹ sự bất vi.
(Dịch nghĩa: Kẻ thì
nghỉ ngơi an nhàn, kẻ thì tận tụy việc nước. Kẻ thì nằm nghỉ trên giường, kẻ phải
chạy vạy suốt ngày lo nhiệm vụ. Kẻ thì không hề nghe những lời than vãn bên
ngoài, kẻ thì nhọc nhằn thê thảm. Kẻ thì nằm mát thảnh thơi, kẻ lại việc vua bề
bộn. Kẻ thì chè chén vui chơi, kẻ lại buồn rầu sợ tội. Có kẻ cứ ra vào (triều
đình) tâu báo, có kẻ phải làm hết mọi điều.)
Các tiểu quan lại phải
đảm đương công việc nặng nề cho kẻ khác ngồi trên thụ hưởng, mà bổng lộc lại
kém hơn, đâm ra bất mãn thân thế:
Huệ bỉ tiểu tinh,
Tam, ngũ tại đông.
Túc túc tiêu chinh,
Túc dạ tại công,
Thực mệnh bất đồng!
(Thiệu Nam, Tiểu Tinh)
* Tí ti sao bé lờ mờ,
Năm ba đã thấy lững lờ trời đông.
Chỉnh tề đi lại đêm rông,
Sớm hôm ở mãi cửa công nhọc nhằn
Thật vì số mệnh chẳng bằng.
(Tạ Quang Phát dịch)
Đời sống thường luôn thiếu thốn, việc vua thì chồng chất lên đầu, về nhà
lại thêm bị vợ con oán hờn:
Xuất tại bắc mân (môn),
Ưu tâm ân ân.
Chung cử thả bần,
Mạc tri ngã cân (gian).
Dĩ yên ty! (tai)
Thiên thực vi chi,
Vị chi hà tai?
(Bội Phong,
Bắc Môn)
* Ta từ cửa bắc đi ra,
Lòng buồn ảo não xót xa muôn vàn.
Suốt đời khốn khó bần hàn,
Không ai biết nỗi gian nan ngậm ngùi.
Đã đành như thế vậy thôi.
Thật vì cảnh ấy do Trời làm ra
Nói làm sao nữa được mà!
(Tạ Quang Phát dịch)
Đến lúc này, tình trạng phân hóa thật cùng cực. Các khanh, đại phu khi mất
nước lưu vong thì thân thế cũng không kém phần điêu đứng:
Thức vi, thức vi,
Hồ bất quy!
Vi quân chi cung,
Hồ vi hồ nê trung!
(Bội Phong, Thức Vi)
* Suy vi rày đã lắm rồi,
Sao mà chẳng chịu về thôi thế này?
Thân vua nếu chẳng ở đây,
Sao đành chìm hãm bùn lầy nhuốc nhơ?
(Tạ Quang Phát dịch)
Trong bối cảnh, một số kẻ ưu thời bệnh tục () cũng
đành bó gối xuôi tay bất lực, sống cuộc đời lang thang, phóng đãng để tìm quên:
Tâm chi ưu hỹ!
Liêu dĩ hành quốc.
Bất tri ngã giả,
Vị ngã sĩ dã võng cực.
(Ngụy Phong, Viên
Hữu Đào)
* Lòng sầu nghĩ nỗi khó khăn,
Hãy nên khắp nước xa gần ruổi dong.
Những ai chẳng hiểu nỗi lòng,
Nói ta phóng túng vô cùng, ô hay!
(Tạ Quang Phát dịch)
Cuộc sống càng trở nên vô thường, điên đảo, xu hướng “cập thời hành lạc”
càng phát triển ở một số người kịp nhận ra rằng thời thế không dễ gì xoay chuyển
được, cứ ôm mãi cái chủ nghĩa yếm thế cũng không đi vào đâu, chi bằng cứ hưởng
nhàn, vui vẻ ca hát. Những bài Khảo Bàn
(Vệ Phong), Thác Hề (Trịnh Phong), Tất Suất, Sơn Hữu Xu (Đường Phong), Xa Lân
(Tần Phong), Hành Môn (Trần Phong)… đều
biểu lộ xu hướng ấy theo nhiều vẻ khác nhau. Bài Bắc Phong trong Bội Phong diễn tả đôi nam nữ rủ nhau đi tìm hạnh
phúc, vì “sự đời đã giục bên lòng”, không nên trù trừ, chậm trễ nữa:
Bắc phong kỳ đê.
Vũ tuyết kỳ phi.
Huệ nhi hiếu ngã.
Huề thủ đồng quy.
Kỳ hư kỳ từ.
Kỳ cức chỉ thư.
* Lạnh lùng gió bấc lột da,
Bời bời mưa tuyết, tuyết sa đầy trời.
Ai ơi! Ai có yêu ai,
Dắt nhau ta kiếm một nơi đi cùng.
Còn gì là
cái thung dung,
Sự đời đã
giục bên lòng xiết bao.
(Tản Đà dịch)
Một nội dung quan trọng
nữa bao quát cả phần Quốc Phong là nói về tình yêu nam nữ, quan hệ vợ chồng biểu
hiện dưới nhiều sắc thái rất phong phú, đa dạng.
Rất nhiều bài viết về
cảnh trai gái hẹn hò (Tĩnh Nữ, Đông Môn
Chi Dương), niềm thương nhớ tương
tư (Đông Môn Chi Thiện…), nỗi mừng vui trong lo sợ phập phồng của
những đôi trai gái hẹn hò gặp nhau (Dã
Hữu Tử Khuân), những mối tình trắc trở vì áp lực của những mối ràng buộc phong
kiến (Đại Xa, Thương Trọng Tử), những
mơ mộng trong tình yêu và việc hôn nhân (Quan
Thư, Hán Quảng…), tất cả đều được
phô bày sinh động bằng những lời lẽ ngay thật, hồn nhiên, nhưng không kém phần
sôi nổi, mạnh bạo.
Một số bài thơ như Hữu Nữ Đồng Xa, Tuân Đại Lộ (Trịnh Phong) có phong khí cực kỳ lãng mạn nhưng cũng rất
hiện thực, đã làm biết bao nhà Nho phải đau đầu và gán cho chúng là “dâm bôn
chi từ”.()
Yêu thương là niềm vui
nhưng cũng là nguồn khổ đau khi có sự đổ vỡ hoặc phụ bạc. Nhiều bài trong Kinh
Thi nói lên tâm tình sầu hận của những người khí phụ (vợ bị bỏ), lời lẽ thật
thiết tha, ai oán:
Bất ngã năng súc,
Phản dĩ ngã vi cừu.
Ký trở ngã đức,
Cổ dụng bất thụ
Tích dục khủng dục cúc,
Cập nhĩ điên phúc,
Ký sinh ký dục,
Tỷ dư vu độc.
(Bội Phong, Cốc Phong)
* Đối với em chàng không nuôi dưỡng,
Như cừu thù nghịch tưởng cho em.
Khước từ việc phải em làm,
Như người rao bán ai thèm mua cho.
Nhớ khi xưa chung lo cùng khổ,
Sợ cùng nhau đến chỗ ngửa nghiêng.
Nay thành sự nghiệp sống yên,
Coi như chất độc chàng liền bỏ em.
(Tạ Quang Phát dịch)
Đặc biệt, hai bài Cốc Phong (Bội Phong)
và Manh (Vệ Phong, bài 58) là những
khúc trường ngâm ghi lại lời thở than ai oán của người đàn bà bị bạc đãi, qua
đó chúng ta cũng thấy được phần nào số phận đáng thương và địa vị thấp kém của
người phụ nữ trong xã hội thời cổ.
Kinh Thi cũng ca tụng tình vợ chồng chung thủy:
Xuất kỳ đông môn,
Hữu nữ như vân.
Tuy tắc như vân,
Phỉ ngã tư tồn…
Cảo y kỳ oán,
Liêu lạc ngã vân.
(Trịnh Phong, Xuất Kỳ
Đông Môn)
* Bước ra vừa khỏi cửa đông,
Lắm cô thiếu nữ sắc dung mặn mà.
Tuy nhiều đẹp đẽ thướt tha,
Chẳng hề lưu luyến lòng ta chút tình…
(Tạ Quang Phát dịch)
Ngoài tình yêu nam nữ, vợ chồng, Kinh Thi còn ca ngợi những tình cảm cao đẹp
khác của con người, như tình yêu thương và biết ơn cha mẹ (Khải Phong, Bão Vũ…),
tình bạn bè (Truy Y), sự cảm thông giữa người với người
trong cảnh khổ (Tố Quan, Đệ Đỗ…). Nó cũng phản ảnh thái độ tôn trọng đạo
lý của người dân trong một số bài mang tính chất phê phán cái xấu (Mộ Môn, Tướng Thử…) hoặc ca tụng những
người tài giỏi, trung hậu, lao động giỏi (Giản
Hề, Tiêu Liêu, Thúc Vu Điền, Thố Tư…).
Ngoài phần tinh túy tập trung hầu hết trong Quốc Phong và Tiểu Nhã, Kinh
Thi cũng có không ít bài ca tụng công đức các vua chúa, hiền thần (những bài
trong Đại Nhã), hoặc miêu tả cách sinh hoạt, phục sức của các ông hoàng bà
chúa, các quan đại phu v.v… (những bài Cao
Dương, Hà Bỉ Nùng Hỹ, Quân Tử Giai Lão, Cao Cừu, Lang Bạt… trong Quốc Phong);
vịnh những cảnh tế tự (Thái Phồn, Thái Tần
trong Quốc Phong). Riêng phần Tụng thường là những bài hát dùng trong lúc cúng
tế, hầu hết chỉ cung cấp cho chúng ta một số tài liệu (và cũng chỉ có ý nghĩa về
mặt tài liệu là chủ yếu) để nghiên cứu về phong tục học cũng như về nền văn
minh Trung Quốc cổ đại.
Nếu nội dung của Kinh Thi rất phong phú thì nghệ thuật của nó biểu hiện
cũng rất đa dạng.
Về phương thức biểu đạt, các học giả xưa nay đều công nhận Kinh Thi được viết
theo ba thể: phú, tỷ và hứng.
Phú là phô bày sự việc một cách trực tiếp (phô trần kỳ sự nhi trực ngôn chi giả dã.
– Chu Hy), nghĩa là miêu tả thẳng vào sự vật khách quan đồng thời biểu thị trực
tiếp thái độ của tác giả như các bài Manh,
Cốc Phong, Thương Trọng Tử, Thất Nguyệt, Đông Sơn… (Quốc Phong).
Tỷ là so sánh, mượn một vật nào đó để ám chỉ điều muốn diễn
tả (dĩ bỉ vật tỷ thử vật dã), như các
bài Thạc Thử, Xi Hào… (Quốc Phong).
Hứng là nói quanh co mở đầu để đưa đẩy vào chủ đề
chính (tiên ngôn tha vật dĩ dẫn khởi sở vịnh
chi từ dã), như các bài Quan Thư, Đào
Yêu, Ân Kỳ Lôi, Tiểu Tinh… (Quốc Phong).
Đôi khi người ta thấy có sự tổng hợp của cả ba thể đó. Trong “hứng” thường
có “tỷ”; hình ảnh mượn để khởi hứng thường cũng là hình ảnh có sự tương ứng hoặc
tượng trưng cho sự vật nêu ra ở chủ đề.
Về cách lập ngôn (thủ pháp), có những bài trực tiếp phô trần, công kích thẳng
vào hiện thực (Phạt Đàn, Thạc Thử...);
có bài chỉ hàm ý châm biếm kín đáo, tế nhị (Thấp
Hữu Trường Sở, Chu Lâm, Phần Tự Như…). Đặc biệt trong Quốc Phong, khi diễn
tả những tâm tình u uất, các tác giả thường dùng những lời lẽ lâm li, sầu oán,
dễ làm xúc động lòng người.
Bằng cách dùng nhiều trợ từ, đặc biệt là trợ từ “hề” (âm cổ đọc “a”), “dã”,
tác giả các bài thơ đã tạo ra được những cách điệu kỳ dật, nhiều màu vẻ, phù hợp
với tâm tư, ý nghĩ hoặc từng sự việc được diễn tả.
Đây là một đoạn tả người đẹp trong giới quý tộc:
Thử hề, thử hề!
Kỳ chi địch giả!
Chẩn phát như vân,
Bất tiết đệ dã!
Ngọc chi thiến dã!
Tượng chi thế dã!
Dương thư chi tích dã!
Hồ nhiên nhi thiên dã!
Hồ nhiên nhi đế dã!
(Dung Phong, Quân Tử
Giai Lão)
* Sắc lộng lẫy rườm rà đẹp quý,
Là áo thêu chim trĩ của nàng.
Tóc mây đen óng dịu dàng,
Cho nên tóc mượn chẳng màng bới lên.
Ngọc che tai hai bên lóng lánh,
Cây rẽ ngà một nhánh ghim đầu.
Trán thì sáng sủa trắng phau.
Hoàng Thiên Thượng Đế há nào khác chi.
(Tạ Quang Phát dịch)
Một đoạn tả cảnh tả tình:
Nguyệt xuất kiểu hề!
Giảo nhân liễu hề!
Thư yểu kiểu hề!
Lao tâm tiễu hề!
(Trần Phong, Nguyệt
Xuất)
* Trăng lên sáng đẹp bầu trời,
Yêu kiều tha thướt dáng người đẹp xinh,
Làm sao giải nỗi u tình,
Nhọc nhằn tấc dạ riêng mình khổ đau.
(Tạ Quang Phát dịch)
Có những bài cho thấy trí tưởng tượng của thi nhân thật phong phú:
Kiêm gia thương thương,
Bạch lộ vi sương.
Sở vị y nhân,
Tố hồi tùng chi,
Đạo trở thả trường.
Tố du tùng chi,
Uyển tại thủy trung ương.
(Tần Phong, Kiêm Gia)
* Lau lách xanh tươi và rậm rạp,
Móc làm sương phủ khắp mọi nơi.
Người mà đang nói hiện thời,
Ở vùng nước biếc cách vời một phương.
Ví ngược dòng tìm đường theo mãi,
Đường càng thêm trở ngại xa xôi.
Thuận dòng theo đến tận nơi,
Giữa vùng nước biếc, thấy người ở trong.
Nghệ thuật miêu tả trong Kinh Thi thật tuyệt diệu. Bằng thể hứng, mỗi đầu đề
thường được khởi đầu bằng một hình ảnh, một cảnh vật. Trong những đoạn tả người,
tả tình hoặc tự sự, thi nhân thường không quên chen vào một vài câu tả cảnh để
điểm tô cho các tình huống thêm rõ nét, làm cho ý chính của bài thơ càng thêm nổi
bật, tăng thêm tính gợi hình, và gây cảm xúc mạnh nơi người đọc. Có khi chỉ một
vài câu, vài chữ đơn giản mà đã cô đúc được cả một cảnh vật, làm cho cảnh vật
như hiển hiện ra ở trước mắt.
Thí dụ, chỉ mấy câu sau đây mà tác giả đã dựng nên được cái cảnh chiều về ở
nông thôn, không khác gì cảnh thật:
Kê tây vu thì,
Nhật chi tịch hỹ,
Dương ngưu hạ lai…
(Vương Phong, Quân Tử
Vu Dịch)
* Yên nơi gà đã đậu vào khắp cây.
Chiều hôm bảng lảng tối ngay
Bò dê lần lượt đã quay về rồi…
(Tạ Quang Phát dịch)
Mà đó lại là một đoạn tả người chinh phụ đang nhớ chồng hành dịch phương
xa, tình và cảnh phối hợp với nhau tuyệt diệu đến như thế.
Bài Thạc Nhân (Vệ Phong) thường
được coi là bài thơ tả người hay nhất, đoạn cuối cũng là một đoạn tả cảnh:
Hà thủy dương dương,
Bắc lưu quát quát.
Thi cô hoạt hoạt…
Chiên vị bát bát…
* Nước Hoàng Hà mênh mông bát ngát,
Cuồn cuộn trôi về bắc xuôi dòng.
Đặt lờ lóc xóc ra công,
Cả chiên, cá vị đầy sông dồi dào.
(Tạ Quang Phát dịch)
Ngay như bài Lục Nga trong Tiểu Nhã
là bài thơ viết về tấm lòng của một người hiếu tử, vậy mà đoạn cuối tác giả vẫn
không quên thêm vào Nam sơn liệt liệt,
phiêu phong phát phát (Núi nam cao sừng sững, gió mạnh thổi vù vù).
Trong Kinh Thi, từ tượng thanh, tượng hình thường được sử dụng triệt để,
nghệ thuật đó khiến cho sự vật miêu tả trở nên hoạt bát, sống động và tăng thêm
giá trị biểu cảm của các hình ảnh.
Nghệ thuật miêu tả đạt tới trình độ Kinh Thi quả là một điều kỳ dị, đối với
một tác phẩm viết ra cách đây đã mấy ngàn năm!
Những bài thơ giá trị nhất trong Kinh Thi thường là dân ca nên rất dồi dào
nhạc điệu. Một bài thường có hai, ba đoạn (gọi là chương) lặp đi lặp lại như một điệp khúc, ý tưởng tăng dần, chỉ
thay đổi vài chữ hoặc vài câu, giúp cho chủ đề trở nên nổi bật, sâu sắc.
Câu thơ Kinh Thi thường làm theo lối bốn chữ, chỉ một số ít câu ba chữ, năm
chữ hoặc sáu, bảy chữ. Trong cùng một bài, các câu số chữ đôi khi không đều
nhau. Số lượng câu trong mỗi bài thơ cũng dài ngắn khác nhau: bài ngắn nhất có sáu
câu, bài dài nhất lên tới tám mươi tám câu (bài Thất Nguyệt). Sự thay đổi số câu cũng như số chữ trong mỗi câu lại
rất phù hợp với tình tự cụ thể của từng bài.
Chúng ta không tìm thấy trong Kinh Thi những tự sự trường thiên viết bằng lối
văn ba lan,(10) tráng hoạt như những tập sử thi vĩ đại của Ấn Độ, La
Mã.
Tóm lại Kinh Thi, đặc biệt phần Quốc Phong và Tiểu Nhã, là một tác phẩm phản
ánh có nghệ thuật hiện thực đời sống của người dân Trung Quốc thời thượng cổ.
Qua Kinh Thi, chúng ta hiểu được đời sống tình cảm, phong tục tập quán, cũng
như tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời hiểu được tình hình chính trị,
xã hội của nước Trung Quốc cổ đại.
Sự nhất trí về văn thể và ngôn từ trong suốt tác phẩm là một bằng cớ rõ rệt
chứng tỏ tính chất xác thực của văn bản.() Vì vậy chúng ta có thể coi
Kinh Thi là một tập tài liệu “hữu tín hữu trưng” ()
gần như duy nhất khả dĩ cung cấp cho người đời sau những sự kiện xác thực để
nghiên cứu về lịch sử, văn minh, triết học. Đây cũng là một tập tài liệu đáng
tin cậy dùng làm căn cứ để tìm hiểu, khảo cứu thêm về ngôn ngữ, danh vật (như
các thứ đồ dùng trong lao động, tế tự; các loài cây cỏ, động vật…) của nước
Trung Hoa cổ đại.
Về phương diện văn học,
ảnh hưởng của Kinh Thi đối với văn học đời sau rất lớn: Trước hết, đó là kho
tài liệu, điển cố rất phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân các đời.
Kinh, Sử, Tử, Tập ()
của Trung Quốc dẫn chứng Kinh Thi rất nhiều, coi đó là một chỗ dựa để ăn nói
cho có nghệ thuật và hiệu quả. Đúng là “Bất
học Thi vô dĩ ngôn” (Không học Kinh Thi thì không lấy gì để nói), như một
chương trong Luận Ngữ (Vệ Linh Công)
đã khẳng định.
Các bài dân ca, nhạc
phủ ()
đời sau chịu ảnh hưởng rất trực tiếp của Kinh Thi cả về nội dung lẫn hình thức.
Có thể nói không một thi sĩ Trung Quốc nào lại không đọc và không chịu ảnh hưởng
của nó ít nhiều.()
Chính Lý Bạch đã viết câu: “Đại Nhã cửu bất
tác, ngô ai cánh thùy trần” (Đại Nhã đã lâu không chấn tác, nỗi niềm ai oán
của ta rốt cuộc biết phô bày cùng ai?); còn Đỗ Phủ thì chủ trương “Biệt tài ngụy thể thân Phong, Nhã”
(không theo lối ngụy thể, chỉ gần gũi với Phong, Nhã).
Ở nước ta, Kinh Thi đã
ảnh hưởng khá rõ rệt vào tác phẩm văn học của các Nho sĩ cũng như vào một phần
đời sống văn hóa của người dân. Các nhà thơ cũ Việt Nam thường hay mượn chữ, mượn
hình ảnh, mượn ý của Kinh Thi để diễn đạt ý tưởng, tâm tình.()
Trong dân gian, một số từ ngữ dùng trong Kinh Thi như “vu quy”, “gia thất”, “yểu
điệu”, “chín chữ cù lao”, “phù du”, “cầm sắt”, “lang bạt”… không ai là không biết,
không hiểu. Điều đó tỏ ra Kinh Thi có khả năng truyền bá và phổ cập rất sâu rộng.*
TRẦN VĂN CHÁNH
1983. Chỉnh
lý và bổ sung vào tháng 3-2012,
bổ sung các bài dịch thơ vào tháng 9-2016
* Nguyên
là phần đầu bài dẫn nhập cho bản dịch & chú giải Kinh Thi của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức
Tô. Nxb TpHCM, 1992 (tái bản năm 2012).
SÁCH THAM KHẢO
Bùi Phổ Hiền, Thi Kinh Hân Thưởng Dữ Nghiên Cứu, tập 1-2, Tam Dân Thư Cục,
1968-1969.
Chu Hy (Tống), Thi Kinh Tập Truyện. Hương Cảng: Khải
Minh Thư Cục, 1957.
Dư Quan Anh, Thi Kinh Tuyển Dịch. Bắc Kinh: Nhân Dân
Văn Học xuất bản xã, 1962.
Đào Duy Anh, Trung Hoa Sử Cương. Sài Gòn: Bốn Phương,
1954.
F.S. Couvreur, S.J, Cheu King. Sien Hsien, 1916.
Hồ Thích, Trung Quốc Triết Học Sử (Huỳnh Minh Đức
dịch). Sài Gòn: Khai Trí, 1970.
Kim Khải Hoa, Quốc Phong Tân Dịch. Hong
Kong: Kiến Văn Thư Cục.
Lưu Quang Vũ, Thi Kinh Quốc Phong Tân Dịch. Hương Cảng
Vạn Tượng Thư Điếm, 1955.
Marcel Granet, Fêtes et Chansons
anciennes de la Chine. Paris: Ernest Leroux, 1916.
Nghiêm Thượng Văn, Trung Quốc Thi Ca
Phát Triển Giản Sử. Hương Cảng: Thượng Hải Thư Cục, 1967.
Nhiều soạn giả, Khâm Định Thi Kinh
Truyện Thuyết Vị Toản (1727).
Quách Mạt Nhược, Nô Lệ Chế Thời Đại,
Khoa Học Xuất Bản Xã, 1956.
Tạ Vô Lượng, Thi Kinh Nghiên Cứu,
Đài Loan Thương Vụ ấn Thư Quán, 1971.
Trương Chính, Lịch Sử Văn Học Trung
Quốc. Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1971.
Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Dịch Từ Hán
Sang Việt, Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, 1982.
Vương Lực, Cổ Đại Hán Ngữ. Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, 1962.
____________