Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

22 VỀ NGUỒN GỐC HAI CHỮ CÔNG GIÁO / Đạo Uyển 30



VỀ NGUỒN GỐC HAI CHỮ CÔNG GIÁO
TRẦN VĂN TOÀN
Cho đến hết thế kỷ XIX, đạo Giêsu Cứu Thế (Gia Tô, Cơ Ðốc) thường bị khó dễ, bắt bớ, cấm cách, vì nội dung của đạo không được vua quan cho là hợp với đạo lý. Người theo đạo đã phải ra công minh chứng rằng đạo của mình không có gì là trái với tam cương ngũ thường. Nhưng vào thế kỷ XX, khi mà người theo đạo dùng hai chữ “Công Giáo” để chỉ cho đích xác tông phái của mình, thì bị một số người ngoại cuộc hiểu lầm hay là hiểu sai đi, gây ra nhiều xích mích tai hại cho hòa bình. Không biết như thế là vô tình hay cố tình, nhưng những người này cho rằng hai chữ đó nói lên cái tham vọng của người Công Giáo muốn đặt tôn giáo của mình lên làm tôn giáo của công quyền, làm tôn giáo của nhà nước, làm quốc giáo, nghĩa là nhà nước có thể dùng công lực và công quyền để bắt buộc mọi người phải theo, và dĩ nhiên là đi tới kỳ thị tôn giáo. Cái tham vọng đó, xưa nay nhiều tôn giáo đã, đang và còn sẽ thực hiện, nhất là khi người ta không phân biệt tôn giáo với chính trị. Nhưng đó không phải là lập trường của người Công Giáo, vì trên bình diện lý thuyết họ đòi phải phân biệt tôn giáo với chính trị.
Thực ra cách đây hơn sáu mươi năm tôi đã nghe một linh mục lão thành nói rằng dùng chữ “Công Giáo” thì không chính danh, mà phải dùng hai chữ khác, ví dụ như “Phổ Giáo” để nói lên rằng đó là đạo chung đón nhận mọi người, chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào.
Sau đây tôi xin nói lên cái nội dung và nguồc gốc của hai chữ “Công Giáo”, để tránh những cái hiểu lầm tai hại.
Theo như chỗ hiểu biết của tôi thì trong sách vở của người theo đạo Giêsu Cứu Thế, từ thế kỷ XVII cho đến hết thế kỷ XIX, chưa bao giờ dùng hai chữ “Công Giáo”. Mãi đến thế kỷ XX mới dùng, nhưng tôi chưa biết đích xác ai đã bắt đầu dùng ở Việt Nam, dùng từ bao giờ và trong văn kiện nào. Xin để các nhà nghiên cứu có phương tiện tìm giúp.
Như ai nấy đều biết, chữ “Công Giáo” bây giờ dùng để dịch chữ “catholica” (catholique). Vốn chữ đó là do gốc Hy Lạp: kata (theo như), holon (cái toàn thể), dùng để chỉ một trong ba đặc điểm của giáo hội, nghĩa là của cộng đoàn những người theo đạo Giêsu Cứu Thế. Những người đó ý thức được và tuyên xưng (trong kinh Credo, tức là kinh Tin Kính) ra rằng cộng đoàn của họ là cộng đoàn duy nhất (una), không chia ra năm bè bảy phái, thánh thiện (sancta), nghĩa là có mục đích và các phương tiện giúp cho người ta thánh thiện. Còn đặc điểm thứ ba là chữ catholica trong mấy thế kỷ đầu không tìm ra từ ngữ nào để dịch cho đúng, cho nên người ta chỉ biết lấy lại chữ catholica rồi giải thích ý nghĩa của nó.
Muốn nói cho đầy đủ cũng cần phải thêm rằng ngày xưa người ta chưa dùng chữ thánh thiện và chữ giáo hội (hội thánh) [1] để dịch chữ sancta và chữ ecclesia (église: giáo hội). Riêng chữ ecclesia, thì người ta còn phiên âm chữ Igreja từ tiếng Bồ Ðào Nha, thành ra nhiều kiểu.
Xin dẫn ra đây một vài ví dụ: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, trong sách Phép Giảng Tám Ngày (Roma, 1651) thì dùng kiểu nói: “thánh ecclesia” (tr. 136). Trong Sách Dạy Những Phép Giúp Lễ Misa, viết tay tại Cửa Hát năm 1704 (Văn Khố Hội Thừa Sai Nước Ngoài tại Paris, AMEP, số V – 1099) thì viết là Ighereja. Trong Sách Giảng Đạo Thật viết năm 1785, (AMEP, số 1183) thì nói “thánh Igrêsa catholica”. Còn trong sách Bổn (sách giáo lý) tiếng Việt, có đề tên Latinh là Catechismus annamiticus (AMEP, số V-1092) - có lẽ đã soạn ra vào thế kỷ XVIII - thì viết: “Tôi tin có sangta Igheresa catholica” (tr. 117). Có lẽ Giám Mục Bá Ða Lộc (Pierre Pigneaux Béhaine) là người đầu tiên dùng chữ “hội thánh” thay vì chữ “ecclesia” trong sách Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ[2] (in năm 1774 tại Quảng Châu bằng chữ Nôm, có bản viết tay bằng chữ quốc ngữ mẫu tự Latinh, AMEP số V-1095, tr. 42), nhưng cũng trong sách đó, trang 64, trong kinh “Tôi Tin Kính”, lại dùng kiểu nói cũ “Tôi tin có Sancta Ighêleja catholica”. Trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc, viết xong tại Lisboa (Lisbonne, Bồ Ðào Nha) năm 1822 (do Thanh Lãng giới thiệu và Viện Đại Học Ðà Lạt cho xuất bản năm 1968), thì tác giả Philiphê Bỉnh vẫn còn dùng kiểu nói “thánh Igreja” (tr. 262) và “thánh Igreja catholica” (tr. 194).
Về ý nghĩa chữ “catholica”, thì sách Thánh Đạo Đại Nguyên, in bằng chữ quốc ngữ tại Làng Sông, gần Quy Nhơn, năm 1907 giải thích như sau: “Chính mình Chúa xuống thế lập một hội chung cho các nước cả và [3] thiên hạ” (tr. 199). Và ngày nay người Công Giáo Việt Nam vẫn đọc trong kinh Tin Kính: “Tôi tin có hội thánh hằng có ở khắp thế này”. Những câu mà tôi cho in nghiêng đều chứng tỏ rằng những người đọc kinh như thế không có ý dùng công lực hay công quyền để bắt ép người khác phải theo đạo mình.
Như tôi đã nói trên đây, hai chữ “Công Giáo” dùng để dịch chữ “catholica” thực ra không hợp với ý nghĩa của nó cho lắm, lại cũng có thể gây ra hiểu lầm. Nhưng người ta dùng cũng đã quen, cho nên vấn đề là phải giải thích cho người ta hiểu đúng. Nhưng hai chữ đó từ đâu mà ra?
Theo tôi hiểu thì có hai nguyên do đưa tới kiểu nói “Công Giáo”.
Thứ nhất là về chữ giáo”: Theo đúng nghĩa của nó thì tất cả những người theo đạo Giêsu Cứu Thế đều là thành phần của một cộng đoàn catholica, chung cho cả thế giới, không phân biệt quốc gia dân tộc, coi mọi người là anh em, con một Cha chung; vì cộng đoàn không có tính cách thế tục, hơn nữa lại cũng không phân biệt tông phái. Vì thế các tông phái, tuy nhiều khi không tự xưng là catholica, nhưng cùng có niềm tin một cộng đoàn catholica như nhau.
Vào thế kỷ XI vì một vài lý do có tính cách văn hóa và cách thức tổ chức, lại đôi khi có thêm lý do chính trị và kinh tế, hơn là vì lý do đức tin, nên có ly khai thành hai tông phái, hai cộng đoàn: Người miền Ðông Âu, nói tiếng Hy Lạp, thì tự xưng là “oxthodoxes”, có nghĩa là “chính kiến”, nhưng ta quen gọi là giáo hội “chính thống”; còn người miền Tây Âu, nói tiếng Latinh, thì không lấy tên gì khác, cho nên vẫn gọi là giáo hội catholica. Ðến thế kỷ XVI, lại có ly khai nữa ở giáo hội Tây Âu: Những người ở Bắc Âu đi theo phong trào cải cách của Martin Luther (1483-1546) và của Jean Calvin (1509-1564) thì tự xưng là “Tin Lành” (évangélique), “Cải Giáo (réforme) hay là “Chống Đối” (protestant, không nên dịch là “thệ phản”).[4] Còn những người miền nam châu Âu, không chống đối, không ly khai với giáo tông,[5] thì không có tên gì khác, cho nên vẫn gọi là giáo hội catholica. Từ đó, giáo hội gọi là catholica, chỉ còn là một tông phái, tuy là cộng đoàn đông người nhất, nhưng không thu họp được tất cả các môn đồ của giáo tổ Giêsu nữa. Những giáo sĩ đầu tiên sang truyền giáo ở Việt Nam đều thuộc về giáo hội catholica cả.
Thêm vào đó chữ catholica, theo lý thuyết phải dùng để chỉ một đặc tính của giáo hội, thì dần dần ở châu Âu người ta dùng để chỉ tôn giáo. Vì lý do mỗi tông phái trên đây đều cho rằng đường lối của mình là chính đạo. Từ đó, ngay từ bên châu Âu người ta đã nói đến đạo Chính Thống (religion orthodoxe), đạo Tin Lành (religion protestante) và đạo catholica. Theo như tôi biết thì trong sách vở bằng tiếng Việt có lẽ Philiphê Bỉnh là người đầu tiên dùng kiểu nói “đạo catholica Romana”, “đạo catholica” (Xem Sách Sổ Sang Chép Các Việc, đã dẫn trên đây, trang 177 và 191). Như thế là ta giải thích được chữ “giáo” trong kiểu nói “Công Giáo”.
Thứ hai là về chữ công: Chữ catholica trước đây không được phiên dịch ra tiếng Việt, mà chỉ được giải thích là: “hội thánh hằng có ở khắp thế này. Vì thế tôi nghĩ phải tìm trong sách đạo viết bằng chữ Hán dùng ở Việt Nam. Thực ra các giáo sĩ người Âu, trước khi họ sang Việt Nam, thì thường đã sang Trung Hoa trước, và đem sang bên ta một ít sách chữ Hán cho mình dùng, không những là sách giáo lý mà cả sách chép các kinh nhật tụng nữa. Ðặc biệt nhất là Kinh Cầu Ðức Bà bằng chữ Hán, gọi là Kinh Cầu Chữ, mà trước đây thường đọc trong những ngày giỗ.
Tôi đã may mắn tìm được trong cuốn sách viết tay Bổn Ba Ngôi (AMEP, số V-1100) trang 115, có Kinh Tin Kính phiên âm Hán-Việt. Kinh bắt đầu thế này: “Thần tín tuyền năng giả Thiên Chúa Phatêrê tạo thành thiên địa, v.v… (Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, v.v…) Ðến chỗ nói về giáo hội thì phiên âm Hán-Việt như sau: “Thần tín hữu thánh nhi công Ighêregia”. “Thần tín hữu” là “Tôi tin có”; “thánh” là dịch chữ “sancta” là “thánh thiện”; “nhi là “mà, mà lại”; còn “Ighêrêgia” là phiên âm chữ “Igreja”, “ecclesia” (église), tức là giáo hội, hội thánh. Riêng chữ “công” ở đây là dịch chữ “catholica”, có nghĩa là (hội thánhhằng có ở khắp thế này”, như đã giải thích trên đây.
Như thế đã rõ: Tông phái catholica theo đường lối nào, theo đạo nào, thì đạo ấy gọi là đạo catholica, tức là đạo chung cho mọi người. Lại vì chữ “công” có nghĩa là “chung”, cho nên người Trung Hoa dịch “catholica”“công”. Thành ra khi chuyển đặc tính catholica làm đặc tính của đạo, thì dĩ nhiên là người ta dùng hai chữ “Công Giáo”. Tôi không biết người đầu tiên dùng hai chữ “Công Giáo” có cân nhắc như thế không, nhưng tôi trộm nghĩ đó là cái lý sự làm nền tảng cho cách phiên dịch chữ “religio catholica”.
Vẫn biết là cần phải nói cho chính danh, mới tránh được hành động sai lầm, nhưng tôi nghĩ không nên câu nệ về từ nguyên.[6] Những kiểu nói tuy không hoàn toàn đúng, nhưng dùng đã quá quen, như hai chữ “Công Giáo”, thì có lẽ không nên sửa lại nữa, nhưng cần phải giải thích để hiểu cho đúng.
TRẦN VĂN TOÀN
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo
Hà Nội, số 4, năm 2003


[1] Cũng như bên nhà Phật, cộng đoàn những người đi tu theo Phật pháp gọi là Sâng, người Trung Hoa không dịch, nhưng phiên âm là seng (seng-jia), đọc theo giọng Hán-Việt là tăng (tăng già), nhưng hình như không còn hiểu là cộng đoàn, mà hiểu là cá nhân người đi tu, nghĩa là ông sư (người đi tu ngày xưa tự xưng là bần tăng). Thiết tưởng có lẽ vì thế mà ngày nay khi muốn nói đến cộng đoàn thì bên nhà Phật cũng dùng chữ giáo hội (église) như bên Công Giáo.
[2] Quốc ngữ ở đây có nghĩa là tiếng nước ta, tiếng Việt, chứ không phải chữ Hán. Vì thế chữ Nôm cũng gọi là chữ quốc ngữ.
[3] cả và: Tất cả. cả và thiên hạ: Toàn thể thế gian. (Đạo Uyển chú)
[4] Thệ phản 誓反 tức là phản bội lời thề. Cách dịch sai trái này rất nguy hiểm, phải bỏ hẳn đi để khỏi xúc phạm tôn giáo Tin Lành. (Đạo Uyển chú)
[5] giáo tông: giáo hoàng. (Đạo Uyển chú)
[6] Ví dụ ở châu Âu ngày nay ai nấy đều dùng Physiologie theo nghĩa là Sinh lý học, mà không xét rằng theo từ nguyên thì nó có nghĩa là Thiên nhiên luận, như triết gia Feuerbach đã dùng. Cũng như hai chữ Hán-Việt phương tiện thì Từ Điển Tiếng Việt (Hà Nội: 1967) định nghĩa là: Vật sử dụng để làm một việc gì, để đạt một mục đích; nhưng trong Dictionnaire Chinois-Francais (Bắc Kinh: 1964) lại dịch hai chữ fang biàn (phương tiện) là Commode, Favorable, Commodité, Favoriser; và kiểu nói qù fang biàn (khứ phương tiện) phải hiểu là… đi nhà vệ sinh.