KỶ NIỆM MƯỜI MỘT NĂM ẤN TỐNG (2008-2019)
CÀNG THÊM
MẾN ĐẠO THẦY NHIỀU HƠN
NHỜ ĐỌC KINH SÁCH
NGUYỄN HỒNG TỪ PHƯỚC
Nhớ lại khoảng mười năm trước, một buổi sáng trời trong xanh
ấm áp, có một chú đạp xe đi kiếm thuốc nam gần nhà tôi. Thấy thế, tôi ra phụ giúp
chú cắt cây thuốc. Xong việc, tôi mời chú vào nhà uống nước, rồi lấy dây cột bó
thuốc nam lên xe kỹ càng để chú chở qua tặng phòng thuốc từ thiện ở chùa Tịnh
Độ. Sau vài lần giúp chú như thế, một hôm chú tặng cho tôi cuốn sách nhan đề Xuân Chung Tâm ([1]) và cho biết rằng vợ
chú là người đạo Cao Đài, thuộc Hội Thánh Tây Ninh.
Cha tôi (Lễ Sanh Thái Bang Thanh) và tôi đọc xong tập sách, thấy hay, bổ
ích, vì giúp chúng tôi hiểu biết thêm về đạo Cao Đài. Gia đình tôi, hai bên nội
ngoại vốn là tín đồ đạo Cao Đài (ở hai thánh thất Thiên Lý Đàn và Thành Tâm Đàn,
đều thuộc Hội Thánh Minh Chơn Đạo).
Sau đó, tôi không ngần ngại, viết thư gởi Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo để xin thỉnh thêm các sách khác, và liền được Ban Ấn Tống
mau lẹ đáp ứng, chẳng những gởi tặng các sách đã xuất bản mà từ đó về sau, mỗi
khi in sách mới đều gởi về nhà tôi ở Cà Mau.
Gia đình tôi trở thành độc giả trung thành của Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống. Càng đọc càng say mê và chẳng bao lâu thì các sách ấn tống này đã trở thành
một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Khi nào chưa
nhận được sách mới, thì chúng tôi lại lấy sách cũ ra đọc lại, nghiền ngẫm, và được
thấy thêm nhiều điều lý thú hơn lần đọc ban đầu. Mỗi lần đọc là thêm một ý đạo được
khám phá; sách hay không thể chỉ đọc qua một lần rồi thôi.
Để chung tay nuôi dưỡng Chương Trình hoạt động được lâu dài, hằng năm
vào mỗi quý gia đình tôi đều hoan hỷ tự nguyện đóng góp một phần công quả nhỏ bé
vào quỹ.
Có một lần, vào Chủ Nhật 28-8-2013, Ban Ấn Tống đi cùng với Anh Lớn Đầu
Sư Thượng Sáng Nhựt và hai hiền huynh Lê Quốc Việt và Quốc Khởi (con Anh Lớn
Phối Sư Ngọc Huỳnh Thanh) về Tòa Thánh Ngọc Sắc (ấp Xóm Sở, xã Hồ Thị Kỷ, huyện
Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Buổi chiều cùng ngày, khi trở lại thành phố Cà Mau,
đoàn ghé thăm gia đình tôi tại Kinh Xáng, Phụng Hiệp, phường Tân Thành.
Trước đó, được biết Anh Lớn Thượng Đầu Sư và Ban Ấn Tống sẽ đến thăm,
nên cha tôi có mời hai chức sắc của thánh thất Thành Tâm Đàn là Thượng Giáo Hữu
Nguyễn Tân Triều (Phó Cai Quản) và Ngọc Giáo Hữu Huỳnh Phú Đông (Chánh Trị Sự)
cùng có mặt tiếp đón Anh Lớn và đoàn.
Được Anh Lớn Thượng Đầu Sư khuyến khích và Ban Ấn Tống
nhiệt tâm trợ giúp, gia đình tôi từ đó (2013) cho tới nay đã và đang làm một
điểm nho nhỏ cho đạo tâm, đạo hữu đến mượn kinh sách đọc, và tôi cũng sẵn sàng tặng
kinh sách cho những người muốn thỉnh, dù họ không theo đạo Cao Đài.
Để có thể “tiếp thị” kinh sách ấn tống, mỗi khi đến thánh thất, tôi thường
chọn những chuyện lý thú đã đọc được trong các sách ấn tống và đem kể lại cho đạo
hữu nghe, thay vì ngồi tụm lại bàn chuyện thị phi của người khác. Các đạo hữu rất
thích nghe những chuyện này, và hỏi tôi nhờ đâu biết được nhiều chuyện đạo lý hấp
dẫn như vậy. Thừa dịp ấy, tôi liền giới thiệu kinh sách ấn tống và lựa ra một vài
đầu sách mỏng thuộc loại “dễ đọc” để giúp đạo hữu làm quen dần dần trước khi có
thể đọc những cuốn dày hơn và nội dung hơi “kén” người đọc hơn.
Khi thỉnh kinh sách hay mượn kinh sách đọc, các đạo hữu chú ý thấy mỗi
quyển đều in rõ họ tên những người đóng góp công quả ấn tống. Quý vị cũng phát
tâm, và nhờ tôi chuyển giúp công quả in kinh sách gởi về Chương Trình Chung Tay
Ấn Tống. Dĩ nhiên tôi rất vui được giúp các đạo hữu làm chút việc này. Tôi thường
nói vui với các vị ấy rằng góp công quả làm pháp thí là gởi tiền đầu tư vào nhà
băng thượng giới, không sợ tiền vốn mất giá mà lãi suất rất cao dành cho gia đình
mình và cửu huyền thất tổ cùng chung hưởng.
Sở dĩ tôi mạnh miệng nói với các đạo hữu như vậy bởi vì căn cứ theo thánh
giáo Đức Quan Âm Bồ Tát mà tôi được học qua kinh sách của Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống:
Tu đi một vốn mười lời
Nhà băng thượng giới Cha Trời dành cho
Chớ đừng có bo bo ích kỷ
Lo tóm thâu của quý để dành
Một giờ lửa đạn chiến tranh
Cửa nhà, sự nghiệp tan tành còn chi.
Cũng nhờ thường xuyên tự trau dồi, tự bồi dưỡng giáo lý qua nguồn kinh
sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện (giống như
kiểu học giáo lý hàm thụ), tôi càng hiểu biết Đạo Thầy nhiều hơn và vì vậy càng
lúc tôi càng yêu mến Đạo Thầy sâu đậm hơn với lòng chánh tín chớ không phải mê
tín.
Vui hơn nữa là hai họ đạo ở Cà Mau đã cảm mến nên hoan hỷ tạo duyên lành
cho tôi được làm công quả bằng cách đem đôi điều học hỏi qua kinh sách mà chia
sẻ lại với bổn đạo lần lượt trong sáu buổi tại thánh thất Ngọc Thiện Đàn và thánh
thất Thành Tâm Đàn.
Tôi vẫn biết rằng thời nay phần lớn người đời không thích đọc sách (như
báo chí thường đăng tin). Nhưng, nếu chúng ta không chú ý tìm đọc kinh sách phổ
thông giáo lý Cao Đài thì làm sao hiểu rõ Đạo Thầy?
Trên đây tôi kể lại câu chuyện bản thân không phải để phô trương mà để
cho thấy rõ rằng từ chỗ mù mờ về Đạo Thầy, nhờ đọc kinh sách mà tôi dần dần được
mở mang hiểu biết, tuy chưa có thể sâu rộng bằng các bậc huynh trưởng cao minh
nhưng so với lúc trước thì rõ ràng tôi có tiến bộ nhứt định.
Ơn Trên không bao giờ dạy chúng ta một lời vô ích. Do đó, chúng ta hãy
ráng thực hành lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo: “… mỗi ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện.” (Vạn
Quốc Tự, Sài Gòn, 07-12-1965)
NGUYỄN HỒNG TỪ
PHƯỚC
Cà
Mau, 24-02-2019