Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

10 TRỄ CÒN HƠN KHÔNG / Đạo Uyển 30



KỶ NIỆM MƯỜI MỘT NĂM ẤN TỐNG (2008-2019)

TRỄ CÒN HƠN KHÔNG
LÊ NGỌC PHẾN
Cháu nội tôi học ở Đại Học Đồng Tháp được bạn học quê ở Vĩnh Long tặng một quyển Đại Đạo Văn Uyển (in năm 2012). Trước Tết Kỷ Hợi, khi cháu nội biếu lại thì tôi mới tình cờ biết được sách hay, sách đẹp của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Đúng là duyên may cho tôi.
Thấy số máy điện thoại in ở trang cuối tập sách, tôi thử gọi cho Ban Ấn Tống, bày tỏ nỗi niềm, và xin thỉnh thêm vài cuốn khác. Ban Ấn Tống rất cảm thông lòng khao khát của tôi, nên bất kể năm cũ Mậu Tuất sắp hết, quý đạo huynh vẫn mau lẹ gởi về nhà tôi một gói lớn (phát chuyển nhanh qua bưu điện) để tôi sớm có sách đọc.
Tôi đọc say sưa một số đầu sách, thấy các tác giả đã dày công sưu tầm, chắt lọc thánh ngôn, thánh giáo, lịch sử và giáo lý đạo Cao Đài... Càng đọc thích thú bao nhiêu thì tôi càng thấy tiếc cho mình bấy nhiêu, bởi vì Chương Trình Ấn Tống đã in được trên một trăm đầu sách đủ loại trong hơn mười năm qua, vậy mà tôi biết tới Chương Trình này trễ quá!
Năm nay tôi bảy mươi ba tuổi, và là tín đồ Cao Đài Tây Ninh từ năm mười tám tuổi. Với năm mươi lăm năm tuổi đạo (dài hơn nửa thế kỷ), xét lại bản thân thì tôi không được học hỏi về lịch sử, giáo lý, văn hóa, v.v... của đạo Cao Đài. Tôi sống ở ấp Tân Thuận B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Đây là chỗ mộc mạc, sách báo ngoài đời đã chẳng có nhiều, thì đừng nói chi tới kinh sách Cao Đài. Sinh hoạt ở thánh thất thì chủ yếu chỉ có cúng bái, lễ lạt mà thôi.
Sau khi lãnh hội được ý nghĩa và tác dụng phổ thông giáo lý của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, tôi lại gọi điện để cảm ơn Ban Ấn Tống tặng sách, đồng thời thổ lộ rằng qua Tết tôi sẽ lập tủ sách đạo tại nhà, và tìm cách giới thiệu kinh sách với đạo hữu, mời luôn bà con lối xóm tới mượn đọc.
Ban Ấn Tống liền góp ý, nói tôi hãy giữ chỗ sách đã nhận để dành riêng cho gia đình, qua Tết thì Ban Ấn Tống sẽ gởi thêm nhiều sách khác, mỗi đầu sách gồm năm, ba quyển để tiện luân chuyển cho bà con mượn đọc, nếu ai muốn thỉnh thì cứ tặng luôn, và Ban Ấn Tống sẽ “đền bù” chỗ thiếu hụt.
Mùng bảy tháng Giêng, bưu điện vừa làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Tết Kỷ Hợi (2019), thì Ban Ấn Tống liền gởi thêm cho tôi hai thùng sách nữa, rồi qua điện thoại còn chỉ vẽ tôi cách phổ biến kinh sách, chia sẻ kinh nghiệm của một số điểm phát hành đang có ở mấy địa phương khác.
Kinh sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đều được xuất bản hợp pháp, đúng thủ tục quy định của Nhà Nước, do đó tôi hoàn toàn yên tâm khi giới thiệu cho người khác. Tôi cũng không e ngại rằng mình lớn tuổi, chưa có kinh nghiệm làm việc này mà xã hội hiện nay phần đông lại thờ ơ đọc sách. Bởi vậy, tôi mạnh dạn đề nghị với Ban Ấn Tống cho tôi hợp tác làm một điểm phát hành nho nhỏ ở Đồng Tháp. Tôi đã trễ hơn mười năm rồi, nên không muốn chần chờ nữa. Tôi ước mong sao những đồng đạo có cùng cảnh ngộ như tôi sẽ được cầm các quyển kinh sách bổ ích trên tay để tự bồi dưỡng những hiểu biết cần thiết về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
LÊ NGỌC PHẾN
Thanh Bình, Đồng Tháp, 10-3-2019