Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

11 VÌ SAO TÔI LÀM MỘT ĐIỂM PHÁT HÀNH KINH SÁCH ẤN TỐNG / Đạo Uyển 30


KỶ NIỆM MƯỜI MỘT NĂM ẤN TỐNG (2008-2019)
VÌ SAO TÔI LÀM MỘT ĐIỂM
PHÁT HÀNH KINH SÁCH ẤN TỐNG
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Vào cuối năm 2015 người bạn đời tôi đi cúng thời về khoe có người bạn đạo vừa tặng một quyển Kinh Sám Hối Minh Họa ([1]) và đưa cho tôi xem. Lật qua vài trang đầu, tôi thấy mỗi trang có in bốn câu Kinh Sám Hối được minh họa bằng một tranh vẽ bốn màu bắt mắt, làm cho ý nghĩa bốn câu kinh trở nên dễ hiểu. Tôi thầm nghĩ: Vị nào nghĩ ra cách làm này thật tuyệt vời, làm cho Kinh Sám Hối thêm thu hút, sinh động.
Xem trang lưu chiểu ở cuối sách, tôi biết thêm sách này do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện và phổ biến rộng rãi; đạo hữu muốn thỉnh sách hoặc phát tâm góp công quả ấn tống có thể gọi điện thoại hay gởi thơ tới hiền huynh Minh Quang (Trần Văn Quang), nhà ở đường Trần Phú, phường 4, quận 5, Tp.HCM.
Thế là tôi gọi điện cho huynh Minh Quang, bày tỏ ước muốn thỉnh Kinh Sám Hối Minh Họa để phổ biến cho đạo hữu ở Tây Ninh. Vì tôi cần một lượng sách khá nhiều nên huynh Minh Quang đề nghị tôi liên lạc với huynh Huệ Khải là người chủ biên Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
Huynh Huệ Khải rất sốt sắng nhận lời và gởi ngay về nhà tôi (qua bưu điện) một thùng Kinh Sám Hối Minh Họa kèm thêm một vài đầu sách khác để giới thiệu cho tôi biết khái quát một số ấn phẩm đã được Chương Trình thực hiện.
Nhờ vậy, khi giở ra xem các trang cuối từng quyển, tôi thấy in danh mục các đầu sách đã xuất bản từ tháng 6-2008 trở đi. Các sách được đánh số thứ tự liên tục, nên sau này muốn thỉnh thêm quyển nào, tôi chỉ cần nhắn tin qua điện thoại, ghi rõ số thứ tự. Chẳng hạn, thay vì viết dài dòng trọn cả nhan đề Luật Nhân Quả Theo Giáo Lý Cao Đài, thì chỉ cần ghi số 05. Cách ghi số thứ tự này quả thật rất tiện.
Tôi ngụ ở ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; nơi đây cách xa các trung tâm văn hóa lớn nên sách vở nói chung không được phong phú, thì đừng nói riêng tới kinh sách Cao Đài. Nhất là suốt mấy mươi năm kể từ sau 1975, do hoàn cảnh xã hội, do điều kiện hành đạo của nội bộ tôn giáo Cao Đài, v.v… phần đông tín hữu các nơi chỉ biết siêng chăm cúng kính để gìn giữ nền nếp Đạo nhà, chớ việc tự học hỏi giáo lý để hiểu rõ chánh pháp Kỳ Ba thì hầu như chẳng có sách gì giúp trau dồi cho thích hợp. Có lẽ vì vậy mà một số người vốn là con nhà đạo dòng mà lại đi sang tôn giáo khác, hoặc lơ là không chịu nhập môn Cao Đài.
Bởi vậy, khi được đọc một số kinh sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, thấy giảng giải rõ ràng khá nhiều vấn đề căn bản của Đạo Thầy, từ lịch sử, luật lệ, giáo lý, nghi lễ… cho đến truyện ngắn, thơ nhạc, tranh ảnh… cũng đậm đà tính văn hóa đạo đức, thì tôi rất vui sướng. Hơn nữa, các sách của Chương Trình đều thuần túy đạo lý, đề cao tình hòa ái đại đồng, vượt lên mọi biểu hiện chia chi rẽ phái, làm đúng theo lời Thầy dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: Chẳng quản đồng tông mới một nhà / Cùng nhau một Đạo tức cùng Cha / Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi / Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Tôi bèn chọn một ít sách, thử giới thiệu với bạn đạo, thì hầu như ai ai cũng tán thưởng và hỏi mượn, hoặc xin tôi tặng lại. Tôi sốt sắng đáp ứng ý muốn các bạn đạo vì thâm tâm tôi hiểu rằng các bạn ấy cũng như tôi, bấy lâu nay vẫn luôn khao khát, thiếu thốn món ăn tinh thần rất cần thiết này.
Thùng sách đầu tiên tôi nhận được bởi thế mau lẹ cạn đi. Tôi liền gọi điện thoại, đề nghị Ban Ấn Tống cho thỉnh thêm. Biết được tôi chia sẻ kinh sách với đạo hữu ở cả những nơi cách xa thị thành, Ban Ấn Tống rất hoan hỷ và sốt sắng mời tôi chung tay làm một điểm nhỏ phát hành kinh sách tại địa phương tôi cư ngụ. Nghĩ tới lợi lạc của đạo hữu, dù tuổi đã cao, tôi không do dự mà hưởng ứng ngay, để cùng góp chút công quả pháp thí, gọi là thực hành câu: Nhì nguyện phổ độ chúng sanh. Từ đó, mỗi khi xuất bản sách mới, Ban Ấn Tống chủ động gởi sách về nhà tôi rất đều đặn và nhanh chóng. Khi đầu sách nào hết thì tôi mới phải liên lạc để được bổ sung.
Nhà tôi có mở cửa tiệm nho nhỏ bán tập vở và văn phòng phẩm, do đó thường xuyên có khách tới lui. Nhân cơ hội này tôi giới thiệu và tặng khách hàng tập Kinh Sám Hối Minh Họa. Với bạn bè thì tôi đích thân mang tới nhà biếu. Thấy sách in tranh vẽ nhiều màu bắt mắt, ai cũng bằng lòng nhận quà. Thật không ngờ rằng ít lâu sau, nhiều người trở lại gặp tôi, vui vẻ cảm ơn và cho biết các trường hợp chuyển biến tốt đẹp trong gia đình họ, chẳng hạn: Các cháu học sinh nhờ đọc Kinh Sám Hối Minh Họa nên bớt rong chơi, lo chăm học và lễ phép hơn; mấy ông chồng bỏ uống rượu, biết ham làm công quả và việc từ thiện; có người bỏ nghề sát sanh, tìm cách mưu sinh khác, v.v… Từ chỗ thích Kinh Sám Hối Minh Họa, bà con đạo hữu dần dần quan tâm tìm đọc các đầu sách khác.
Các bạn đạo trí thức còn tán thưởng ưu điểm của kinh sách ấn tống là xuất bản hợp pháp, việc truyền bá vì thế không gây phiền phức cho bất kỳ ai. Ban Ấn Tống chăm chút về chánh tả, câu cú rõ ràng; các từ ngữ, điển tích đều được giải thích rành mạch, có kèm theo chữ Nho và tiếng Anh giúp bà con tránh khỏi lầm lẫn, đọc chữ nọ lại xọ qua chữ kia (vì gặp các từ ngữ đồng âm khác nghĩa), v.v…
Tôi để ý thấy rằng hãy còn nhiều họ đạo chưa có đạo hữu phát tâm làm công quả phát hành kinh sách ấn tống. Do đó, mỗi khi đi dự lễ an vị hay khánh thành một số thánh sở Cao Đài, tôi thường mang theo chừng một trăm cuốn gồm nhiều đầu sách khác nhau để tùy duyên trao tặng tận tay những bạn đạo có lòng ham xem kinh đọc sách. Gặp buổi lễ lớn, đạo hữu quy tụ đông đảo, chỗ sách tôi mang theo chỉ như muối bỏ biển.
Thật tâm mà nói, suốt mấy năm qua nhẫn nại làm công quả phát hành kinh sách ấn tống, tôi chỉ mong sao càng ngày càng có thêm nhiều đạo hữu, đạo tâm được dịp ôn học những lời giáo huấn của Thầy, Mẹ và các Đấng thiêng liêng để noi theo đó tu hành cho đúng chánh pháp Kỳ Ba. Ngoài ra, anh chị em chúng ta còn được hiểu biết thêm về lịch sử đạo Cao Đài, các vị danh nhân trong Đạo, các vấn đề văn hóa – xã hội trong mối tương liên giữa Cao Đài và các tôn giáo bạn.
Ơn Trên dạy chúng ta rằng học đạo cầu minh, đọc kinh cầu lý; vì vậy, bổn đạo chúng ta rất cần có tủ hay kệ kinh sách trong nhà để thường xuyên ôn học, nghiền ngẫm, gần gũi lời Tiên tiếng Phật. Những khi lòng dạ bối rối, nhờ đọc trúng một đoạn thánh ngôn hay một bài thánh thi hợp hoàn cảnh riêng mà lòng ta được nhẹ nhàng, thanh thản. Những khi rỗi rảnh, thay vì tụm năm tụm ba bàn chuyện thị phi thiên hạ, chúng ta đọc kinh sách để nuôi dưỡng tâm hồn thanh tĩnh, mở mang trí tuệ thì lợi ích cho bản thân tu học biết bao.
Không phải ai ai cũng có khả năng giải thích rành mạch một vấn đề đạo lý. Nhờ đọc nhiều sách, mỗi khi có ai thắc mắc điều gì đó, chúng ta nhớ rằng đã thấy giảng giải trong quyển này hay quyển kia, thì có thể lục tìm cuốn sách ấy, mở ra chỗ đó để giúp bạn mình hiểu rõ. Như vậy thật là tiện.
Bởi nghĩ xa nghĩ gần tới những lợi ích mà kinh sách mang tới cho các bạn đạo, như trên đã nói, tôi không ngại tuổi cao, vẫn sốt sắng tìm cách đưa kinh sách ấn tống đến tận tay các đạo tâm, đạo hữu biết quý sách và thích đọc sách.
Hễ có thêm một điểm phát hành kinh sách ấn tống tức là chúng ta nối dài thêm “cánh tay” của Chương Trình Ấn Tống để kinh sách được truyền bá rộng hơn. Như vậy, chúng ta giúp tăng thêm hiệu quả phổ thông giáo lý Đạo Thầy, không uổng phí tâm huyết của Ban Ấn Tống và tài chánh của các vị ân nhân ròng rã mười một năm qua vẫn kiên trì đeo đuổi, gắn bó với một “gánh” chữ nghĩa Kỳ Ba.
Hôm nay kể lại những việc nho nhỏ đã làm (tạm gọi là chút trải nghiệm bản thân) và chia sẻ một vài suy nghĩ như trên, tôi mong sao sẽ có thêm nhiều bạn đạo đồng cảm, tiếp tay phổ biến kinh sách rộng khắp.
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Bàu Năng, 18-01 Kỷ Hợi (22-02-2019)


([1]) Quyển 38 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, từ năm 2011 tới 2017 đã in chín lần, tổng cộng 53.000 bản kinh.