Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

05 TIÊN TRÁCH KỶ / Đạo Uyển 30



TIÊN TRÁCH KỶ
DIỆU NGUYÊN
Có câu chuyện kể rằng hai vợ chồng nọ đang ngồi ăn sáng với nhau. Phòng ăn có một khung cửa sổ nhìn sang khoảnh sân sau nhà người hàng xóm. Cô vợ vừa ăn vừa nhìn qua khung cửa sổ, thấy chị láng giềng đang phơi tấm drap giường trắng mới giặt. Cô chép miệng nói với chồng: “Chị Tư này giặt đồ không sạch. Anh xem kìa, tấm drap còn lốm đốm những vết bẩn.” Mấy ngày kế tiếp sau đó, cô lại nhìn qua khung cửa sổ và tiếp tục chê bai người hàng xóm giặt đồ không sạch. Người chồng chẳng nói gì, lẳng lặng cầm giẻ đến bên khung cửa sổ và lau sạch những ô cửa kính. Lúc bấy giờ cô vợ mới nhận ra rằng không phải là chị láng giềng giặt đồ không sạch mà chính là những ô cửa kính nhà mình không sạch.
Câu chuyện ngụ ý rằng phần đông con người có tâm lý thích chỉ trích, chê bai, trách móc người khác chứ ít khi nhìn lại chính mình để nhận ra lỗi lầm bản thân.
Bởi thế phương Tây có lời khuyên rằng: Đừng than phiền về tuyết phủ trên nóc nhà hàng xóm trong khi ngưỡng cửa nhà mình chưa sạch.([1])
Kinh Thánh chép lời Đức Giê-su dạy: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lu-ca 6:41)
Và ở phương Đông, Thánh xưa từng dạy: Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ. Nghĩa là trước tiên hãy tự trách mình rồi sau hãy trách người khác.
Thật ra, nếu mỗi người thực hành được việc tiên trách kỷ thì sẽ không còn muốn trách người khác nữa.
Ngày nay, qua thánh giáo Cao Đài, chúng ta có thể thấy rất rõ điều này. Các Đấng thiêng liêng luôn luôn dạy môn đệ phải tự xét lỗi mình chứ không nên trách người. Chẳng hạn:
Đức Thiện Pháp Nguyễn Bửu Tài dạy:
Người xưa (…) luôn luôn tự xét lòng mình. Rủi khi gặp người bạc đãi với mình, khoan giận hờn. Hãy tự xét xem có phải tại mình thiếu đức để người ấy thương chăng?
Nếu xét thấy mình đã đủ bổn phận trong nghĩa tình nhân ái, nhưng vẫn còn bị kẻ ấy bạc đãi cũng khoan giận hờn. Hãy về suy xét lại, tìm kiếm thật kỹ trong nội tâm, từ ý nghĩ đến bên ngoài, lời nói, hành động của mình, xem còn thiếu tác phong đạo đức hoặc nhân nghĩa nữa chăng? Nếu xét được năm lần, bảy lần mà còn bị kẻ ấy bạc đãi thì ráng mà tu tập thêm hơn nữa vậy. (…) Người xưa làm được vậy, ta nay sẽ làm được vậy.([2])
Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy:
Trong lãnh vực tu thân lập hạnh hành đạo, Thiêng Liêng thường dạy môn đồ phải gia công hành đạo, vì nhờ có công mới có đức, gọi tắt là công đức. Về giá trị con người trong hàng tín hữu, chức việc hoặc chức sắc, muốn có được phẩm vị cao quý (…), điều cần yếu là phải lập hạnh, vì có hạnh đương nhiên có phẩm, gọi tắt là phẩm hạnh.
Bốn tiếng công đức phẩm hnh luôn luôn phải được gắn bó nhau để con người tu thân hành đạo có được tác phong đúng đắn, dễ gây thiện cảm, kính nể, mến yêu với những người chung quanh mình.
Thiêng Liêng thường dạy các môn đồ tu thân lập hạnh, bồi công lập đức, nhưng người hiểu được, chấp hành được kể ra cũng hiếm có. Do đó, trong hàng chức việc, chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói riêng, và trong lãnh vực các tôn giáo nói chung, thường vấp phải, và tự thán rằng tôi đã nhiều tuổi đạo, đã tốn phí lắm của nhiều công, đã hy sinh những thụ hưởng xa hoa phù hiếm để phục vụ đạo lý, nhưng sao thường khi lại bị đồng đạo khinh thường, gièm pha, chỉ trích, đừng nói chi đến sự kính nể, mến yêu. Đó là tại chưa hiểu và chấp hành được tác phong đạo đức và công đức phẩm hạnh.
Thánh xưa thường răn mình mỗi khi gặp sự bạc đãi phũ phàng, luôn luôn phản tỉnh để sửa chữa cho đến khi nào được người mến yêu, kính trọng. Sự muốn được người mến yêu, kính trọng không phải vì thích ưa hoặc háo danh háo vị, mà đó chỉ là muốn thấy được cây thước đo đạc mức tiến phẩm hạnh, tác phong đạo đức của mình xem đến đâu, chớ không phải để được người khen.
Còn đời nay, trái lại, hay trách bỉ, có mấy ai trách kỷ.([3])
Nếu không thực hành được việc tự xét lỗi mình trước thì sẽ dẫn đến hậu quả là gây nên bất hòa, xào xáo trong tập thể. Bởi lẽ, một khi ta đổ lỗi cho người thì người sẽ phản ứng lại, rồi lời qua tiếng lại, cãi lý phân bua, nổi nóng sân giận, biến chốn thánh đường thành nơi hỗn loạn như chốn chợ đông. Thế nên, Đức Liên Hoa Thánh Mẫu dạy tiếp:
Các em vào đạo cũng như nhơn sanh vào đạo, là để tìm thấy, học hỏi những gì cao quý trong cửa đạo mà thế gian thường tình không có.
Các em và nhơn sanh vào đạo là để tránh những điêu ngoa xảo trá, thủ đoạn mánh lới của thế tình, vào đạo để tìm cái chơn, cái thiện, cái mỹ. Các em vào đạo lâu năm cần phải thể hiện điều chơn thiện mỹ ấy cho đời noi theo. Đó là các em làm sáng danh Đạo danh Thầy, và đó cũng là phương tiện phổ độ nhơn sanh vào đường chánh giáo. Thế nên, dầu gặp cảnh ngộ nào trái tai gai mắt, nghịch ý, đừng vội vàng bực bội để tánh nóng nổi lên rồi phát ngôn thiếu cẩn thận, hành động thiếu cẩn thận, để hóa ra thua kẻ tầm thường ngoài thế gian chưa biết đạo đức là gì.
Tác phong đạo hạnh của người tu không cho phép hành động hoặc phát ngôn thất đức, bất nhơn, hoặc trái lẽ phải. Dầu cảnh ngộ nào cũng có phương cách xử sự theo hạnh của người tu.([4])
Mỗi khi có một việc gì bất như ý xảy ra cho mình, chúng ta thường hay phiền giận, trách móc người khác vì nghĩ rằng chính người ấy đã gây cho ta những điều bất lợi. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại trách lầm hay trách oan cho người. Bởi lẽ, có những sự việc chúng ta nhìn thấy ràng ràng trước mắt nhưng lại không hiểu rõ được chân tướng sự thật bên trong. Câu chuyện sau đây minh chứng điều này.
Tương truyền một lần Đức Khổng Tử dẫn học trò đi từ Lỗ sang Tề. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ… Thầy trò Đức Khổng bởi thế cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và lắm lúc phải đói khát.
Ngày đầu tiên đến đất Tề, may thay thầy trò được biếu một ít gạo. Đức Khổng Tử bảo Tử Lộ dẫn các đồng môn vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi ở lại lo nấu cơm. (Nhan Hồi là đệ tử đạo cao đức trọng mà Đức Khổng Tử tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng nhất.) Cắt đặt xong, Đức Khổng Tử nằm đọc sách, cách chỗ nấu cơm không xa.
Đức Khổng chợt ngừng đọc, đưa mắt nhìn sang chỗ nấu cơm, tình cờ bắt gặp Nhan Hồi đang lấy đũa xới cơm cho vào tay, nắm lại từng nắm nhỏ, rồi bỏ vào miệng. Thấy vậy, Đức Khổng Tử thở dài, than thầm: “Chao ôi! Đứa học trò mà ta tin yêu và kỳ vọng nhất lại lén thầy lén bạn ăn vụng như thế ư!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các đồng môn mang rau về luộc. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm, rồi cung kính mời thầy ra xơi cơm. Đức Khổng Tử nói: “Các con ơi! Từ Lỗ sang Tề, đường xa vạn dặm. Thầy rất mừng vì trong cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa gian khổ mà các con vẫn giữ được lòng trong sạch, vẫn yêu thương đùm bọc nhau, vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm khát nước… Hôm nay, may sao thầy trò ta có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đất Lỗ quê hương, nhớ cha mẹ thầy, nên thầy muốn xới một bát cúng cha mẹ thầy. Các con thấy có nên chăng?”
Các môn sinh đáp: “Thưa thầy, nên ạ!”
Riêng Nhan Hồi lặng im. Đức Khổng hỏi: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch không?”
Tất cả học trò ngơ ngác nhìn nhau, không rõ Đức Khổng Tử ngụ ý gì. Bấy giờ Nhan Hồi mới lên tiếng: “Thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Đức Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi đáp: “Lúc nãy, khi con mở vung ra để xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn tới, bồ hóng và bụi trên mái bếp rơi xuống. Con không kịp đậy nắp lại, nên cả lớp cơm trên mặt chẳng còn sạch nữa. Sau đó, con xới lớp cơm bẩn ra, định bỏ đi, nhưng lại nghĩ: Anh em vốn đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì làm hao hớt chỗ cơm ít ỏi, mọi người càng phải ăn ít hơn. Thế nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch thì kính mời thầy và tất cả anh em. Thưa thầy, con đã ăn trước phần con rồi thì cơm này không nên cúng nữa.”
Nghe Nhan Hồi nói xong, Đức Khổng hối hận, than thầm: “Chao ôi! Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!” ([5])
Câu chuyện này khuyên chúng ta chớ nên vội vàng kết tội hay trách móc oan uổng người khác, vì lắm khi chúng ta chỉ thấy hiện tượng bên ngoài mà không hiểu được rõ ràng chân tướng (bản chất) sự việc bên trong.
Đức Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Tình Mẹ ban đồng đều cho mỗi con, dầu lớn hay bé, khôn hay dại, nên hay hư, giàu hoặc khó. Các con hãy khoan dung, tha thứ cho nhau những khi có đứa nào lầm lỗi. Các con tự xét lòng mình rồi đoán lòng người. Ai ai cũng có lỗi hết. Phải xét lỗi mình để tha thứ lỗi kẻ khác, đó là con cưng yêu của Mẹ.([6])
Đức Đạo Đức Kim Tiên dạy:
Nhiều lúc, ta người đồng quấy lỗi
Lắm khi, đây đó lại sai lầm
Lỗi người thì để người lo liệu
Sửa chính lỗi mình ấy đạo tâm.
Đạo tâm công chính với nghiêm minh
Thành kỉnh chiếu minh, xét nét mình
Trút lỗi cho người, chiều trọng trược
Lỗi mình mình sửa, rạng tâm linh.
(…) Không trút lỗi cho người, là giúp người được yên, để un đúc tinh thần cho người tự vượt qua khó khăn của người, mà lại nghiêm khắc với chính mình để tự mình sửa lỗi của chính mình.
Một đời tu, một đời hướng nội
Có lo gì sửa đổi ai đâu
Chỉ hằng xét nét đáy sâu
Nơi lòng dạ để tria trau Tánh Trời.
Lỗi của người, để người liệu đó
Lỗi của mình, chớ đổ cho người
Huệ minh tha thứ cho người
Gương thành là tựu một đời tỉnh thân.([7])
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy rằng mỗi khi thấy lỗi người thì đừng nên chỉ trích mà hãy xét phận mình để tránh. Ngược lại, khi bị người khác chỉ trích thì chớ vội phiền hà mà hãy tự xét để phục thiện:
(K)hi thấy lỗi người, sớm toan xét phận để hầu tránh. (…)
Tâm tâm thường tự quá kiều thời.([8]) Mỗi khi có sự chỉ trích bình phẩm của chúng sanh, các hiền đệ muội chớ vội phiền hà, mà phải phục thiện, để sớm tiến hóa trên đường công quả.([9])
Tự trách mình hay tự xét lỗi mình cũng là một pháp môn để tự hoàn thiện hóa bản thân hay tự thánh hóa mình. Hiện tình thế sự ngày nay, từ đời đến đạo, đâu đâu chúng ta cũng thấy cảnh xáo trộn bất an. Ngoài xã hội thì biết bao cảnh loạn ly tang tóc, tương tàn tương sát lẫn nhau. Trong đạo thì bất hòa, khảo đảo, chia phân...
Thế nên Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch có lần than:
Đời loạn, toan đem đạo cứu đời
Ngờ đâu đạo cũng thế thì thôi
Nên hư bởi tại con người cả
Nhưng chẳng sao qua được lẽ Trời.([10])
Ngài dạy thêm:
Cho hay nơi nào sứ mệnh càng trọng đại, thì khảo đảo càng nặng nề; thánh đức chuyển về phương nào thì quỷ ma cũng hướng về phương ấy mà khuấy phá.([11])
Thế nên Đức Lý Giáo Tông kêu gọi từ hàng chức sắc đến tín đồ hãy gìn giữ trai giới, dõng mãnh tinh tấn thực hành pháp môn công phu tu luyện cho thân tâm được thanh tịnh, thường xuyên cầu nguyện cho cơ đạo vượt qua mọi khảo đảo và nhất là mỗi người hãy luôn tự xét mình, sám hối.([12])
Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngay từ buổi đầu thành lập, Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng đã dạy toàn thể nhân viên Cơ Quan hãy làm vô ngã kiểm nghĩa là vô tư tự kiểm xét mình mỗi ngày và ghi nhận phần tự kiểm ấy trên giấy để dâng trình Ơn Trên xem xét vào cuối mỗi tam cá nguyệt (mỗi quý), cùng với hồ sơ phúc trình đạo sự của Cơ Quan.
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy về ích lợi của việc làm vô ngã kiểm như sau:
Chư hiền đệ, hiền muội! Cuộc vận hành trong vũ trụ từ một cử động nhỏ nhặt li ti đều có liên hệ đến đại toàn thể. Do đó, không một mảy hào nào qua được sự phán xét họa phúc thưởng phạt của luật chí công. Từ một tư tưởng đến một hành động trong tâm tư, trong bóng tối, trong nhà vắng của chư hiền đệ muội đều có sự soi sáng và theo dõi để định công tội, phước họa.
Chư hiền đệ muội được khuyên bảo làm vô ngã kiểm là để chư hiền đệ muội tự tay mình ghi, lòng mình chứng sự thật không dối lòng, mắt mình thấy dòng chữ ấy có một sự phán xét. Nhờ đó, tự mỗi người định tội và định phước lấy mình xuyên qua những hành động mà mình định giá. Nhờ đó, người tự giác vội vàng sửa chữa ngay những điều bất chánh nếu có trong tư tưởng, lời nói hoặc hành động. Có như vậy để kịp thời sửa chữa hầu hoàn thiện hóa bản thân, và có như vậy để tập làm Thánh Nhân, vì Thánh xưa “bất giáo nhi thiện thị Thánh giả”, còn “giáo nhi hậu thiện thị Hiền giả”. Chỉ trừ “giáo diệc bất thiện thị ngu giả”.([13])
Mỗi chức sắc, chức việc trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hội họp trong thánh đường, điều kiện đòi hỏi cần phải có thánh tâm để thực hành thánh sự cho đúng thánh ý, hầu một ngày kia trở thành thánh nhân tại thế. Không phải đợi đến chư hiền đệ muội ghi vô ngã kiểm trình lên rồi Thượng Đế mới định công tội, phước họa. Đó chỉ là phương pháp, cũng là một phương tiện giúp đỡ mỗi hiền đệ muội “nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân”.([14])
Đức Mẹ Diêu Trì từ bi chỉ cách làm vô ngã kiểm như sau:
Đây Mẹ chỉ cho các con trong phương tiện này: Mỗi đứa đều làm một bản vô ngã kiểm từ [từng] tam cá nguyệt, ghi từ ngày một đến cuối tháng, tháng thứ nhứt, thứ hai, thứ ba. Mỗi khi con xảy ra một tư tưởng phức tạp, một hành động sái quấy, thì dùng mực đen mà ghi lên. Mỗi khi con làm được việc đạo đức nhơn nghĩa, nói được lời chánh trực quang minh, hành động được nghĩa cử tốt đẹp, thì dùng mực đỏ mà ghi lên.[15])
Vô ngã kiểm vẫn luôn là việc làm cần thiết cho tất cả những ai muốn tự thánh hóa thân tâm một cách hữu hiệu.
Thực hiện vô ngã kiểm để trước là tự hoàn thiện hóa bản thân, sau là góp phần xây dựng hòa khí thương yêu trong tập thể. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết, bởi lẽ tình thương hòa ái chính là chiếc chìa khóa để giúp cho chúng ta hoàn thành sứ mạng tự độ, độ tha cũng như sứ mạng phổ thông, phổ truyền giáo lý ngõ hầu thống nhất tinh thần Đại Đạo.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Tình thương trên hết, cùng một ý nghĩa với tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Tình thương sẽ cứu chuộc mọi nguồn tội lỗi, sẽ làm liều thuốc thần đơn trị lành mọi bịnh tình nhân loại. Tình thương là chìa khóa giải thoát con người ra khỏi bể trần tục lụy, là con đường đưa con người lên nấc thang tiến hóa. Ngôi vị chơn linh Tiên Phật được định giá bởi tình thương. Một tình thương cao thượng thiêng liêng sẽ giải quyết được vạn sự kiện của nhân sinh.([16])
Đừng phê phán tha nhân, hãy thương yêu tha nhân và dìu dẫn để đồng tiến cùng thiên hạ. (…) Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ phải làm như thế này mà không làm như thế khác. Đừng bảo rằng tại sao thiên hạ cứ cưỡng lại ý thành của mình. Hãy xét lại tự nơi lòng mình coi có thật thương thiên hạ hay chưa, nếu chưa thì hãy cố gắng thực hiện đi.
(…) Muốn hướng đạo tha nhân ([17]) hãy thương tha nhân như thương lấy chính bản thân mình.
(…) Hãy thắng ta. Hãy dạy ta cái nào ta muốn dạy tha nhân.([18])
Tóm lại, tiên trách kỷ (trước tiên hãy tự trách mình) là phương pháp tu thân luyện kỷ hữu hiệu để giúp người tu tự thánh hóa thân tâm. Đây cũng là phương pháp xây dựng tình thương hòa ái trong tập thể hầu tránh mọi khảo đảo rẽ chia, góp phần tạo nên sức mạnh và sự phát triển của cộng đồng. Các Đấng thiêng liêng dạy người tu làm vô ngã kiểm hầu có thể vô tư tự kiểm mà tránh chừa lỗi lầm và phát huy những điểm thiện lành. Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh khuyến nhủ:
Đạo nên, hư, trách thân, trách kỷ
Chớ không nên trách bỉ, trách tha
Vì người ắt phải quên ta
Thì muôn đạo sự chi là khó đâu.([19])
DIỆU NGUYÊN
21-12-2018


([1]) Don’t complain about the snow on your neighbor’s roof when your own doorstep is unclean.
([2]) Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức, 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).
([3]) Thánh thất Nam Thành, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969).
([4]) Thánh thất Nam Thành, 08-8 Kỷ Dậu (19-9-1969).
([5]) https://hoavouu.com/a21102/chuyen-noi-com-cua-khong-tu.
([6]) Thánh thất Tân Định, 14-8 Kỷ Dậu (25-9-1969).
([7]) Minh Khai Chiếu Minh Đàn, 27-8 Giáp Thân (10-10-2004).
([8]) Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑒 (chương 7) có câu: Tâm tâm thường tự quá kiều thời. 心心常似過橋時.
Tâm tâm một lòng một ý (nhất tâm nhất ý 一心一意).
Quá kiều ở đây nên hiểu là đi qua cầu độc mộc, cũng tợ như đi cầu khỉ (quá độc mộc kiều 過獨木橋), ám chỉ đang sống ở địa phương nguy hiểm (dã tỷ dụ sinh hoạt tại hữu nguy cơ đích địa phương 也比喻生活在有危機 地方).
Vậy câu Tâm tâm thường tự quá kiều thời có nghĩa trong lòng lúc nào cũng thận trọng, dè dặt giống như đang ở vào chốn nguy hiểm. [Đạo Uyển chú]
([9]) Thiên Lý Đàn, 30-12 Giáp Thìn (01-02-1965).
([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 04-3 Quý Mão (28-3-1963).
([11]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 04-3 Quý Mão (28-3-1963).
([12]) Theo thánh giáo Đức Giáo Tông Đại Đạo tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 04-3 Quý Mão (28-3-1963).
([13]) Bất giáo nhi thiện thị Thánh giả 不教而善是聖者: Không dạy mà tốt lành, ấy là bậc Thánh.
Giáo nhi hậu thiện thị Hiền giả 教而後善是賢者: Nhờ được dạy mà về sau tốt lành, ấy là người Hiền.
Giáo diệc bất thiện thị ngu giả 教亦不善是愚者: Được dạy rồi mà cũng chẳng tốt lành, ấy là kẻ ngu.
Ở đây Ơn Trên mượn lời Thiệu Khang Tiết, có chép trong Minh Tâm Bửu Giám (chương I: Kế Thiện 繼善: Noi giữ việc tốt lành), nguyên văn như sau:
Bất giáo nhi thiện, phi Thánh nhi hà? Giáo nhi hậu thiện, phi Hiền nhi hà? Giáo diệc bất thiện, phi ngu nhi hà?
不教而善, 非聖而何? 教而後善, 非賢而何? 教亦不善, 非愚而何?
(Không dạy mà tốt lành, chẳng phải là Thánh sao? Nhờ được dạy mà về sau tốt lành, chẳng phải là Hiền sao? Được dạy rồi mà cũng chẳng tốt lành, chẳng phải là ngu sao?) [Đạo Uyển chú]
([14]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Kỷ Dậu (30-5-1969).
Nhứt nhựt tam tỉnh ngô thân: Một ngày ba lần xét nét bản thân mình. (Tam tỉnh cũng có thể hiểu là nhiều lần.) Ở đây Ơn Trên mượn lời Tăng Tử (Luận Ngữ 1:4), nguyên văn như sau: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. 吾日三省吾身 (Mỗi ngày ta tự xét mình nhiều lần.) [Đạo Uyển chú]
([15]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (26-11-1966).
([16]) Minh Lý Thánh Hội, 05-9 Mậu Thân (26-10-1968).
([17]) hướng đạo tha nhân: Dẫn dắt người khác trên đường đạo.
([18]) Minh Lý Thánh Hội, 12-9 Mậu Thân (02-11-1968).
([19]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần (28-3-1986).