NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN MỚI VỀ
HUỆ KHẢI
Vậy là hiền huynh về với Thầy
Mẹ chúng mình rồi. Dường như là về thình lình, vì chẳng có gì báo trước. Hay là
có đấy mà bởi sơ tâm nên không ai kịp nhận biết?
Dịp Tết Kỷ Hợi, hiền huynh tạm rời Tòa
Thánh, về với căn nhà tường sơn tím trong hẻm nhỏ bên đường Nguyễn Khoái ở quận
Tư chỉ đôi ba hôm để thắp hương cúng gia tiên, sau đó sáng mùng 2 liền trở lại Bến
Tre. Hãy còn ăm ắp bao nhiêu việc đạo đang chờ kia mà.
Thời gian vắn vỏi bên gia đình, hiền
huynh tỏ ra hoan hỷ lạ thường. Sẵn khiếu ca hát, hiền huynh chẳng chọn nhạc
xuân mà cứ vui miệng lặp đi lặp lại hai câu kết một bài nổi tiếng thuở nào của cố
nhạc sĩ họ Trần: “Không, anh không chết
đâu em. Chưa, anh chưa chết đâu em.” Cả nhà ai cũng cười, vì mừng sum họp,
vì thấy hiền huynh hài hước. Mà xưa nay tánh hiền huynh vốn hài hước, kể cả những
lúc bất như ý, thay vì phàn nàn phiền trách, hiền huynh vẫn dễ dàng thốt ra ngay
mấy lời dí dỏm.
Vậy mà hiền huynh đột ngột phải vào nằm
viện, phòng săn sóc đặc biệt. Chiều Thứ Hai 01-4-2019, chúng tôi tháp tùng Giáo
Sư Thượng Văn Thanh (chưởng quản Cơ Quan Phổ Tế Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) tới
thành phố Bến Tre, đến bên giường, nắm tay nắm chân hiền huynh, han hỏi.
Đi thăm người bệnh, tôi có tật là hay tìm
cái gì đó vui vui mà nói. Nên để trêu hiền huynh, tôi đọc câu thơ hiền huynh tự
giới thiệu trên Facebook Phan Ngọc Lợi: “Lang thang từ độ luân hồi.” Nói là trêu, bởi vì dường như ai đó không ưng
bụng ông thầy tu đạo hạnh như hiền huynh mà dám bảo mình “lang thang” một kiếp.
Mũi mồm còn chụp ống thở oxy, hiền huynh đáp lại: “Lang thang như kiếp lục bình / Bồng bềnh đây đó theo dòng
thời gian.” Chính là hai câu lục bát hiền
huynh đưa lên Facebook, như thể nói rõ thêm về việc tự nhận mình “lang
thang”.
Hiền huynh là thế. Hầu như lúc nào cũng
thơ, cũng nhạc.
Tôi nghe danh hiền huynh đã lâu, nhưng
mãi đến khoảng giữa năm 2007 mới có duyên gặp gỡ ở xã Long An, huyện Cần Giuộc,
tỉnh Long An. Và rồi chúng tôi thân thiết rất mau. Thoắt đó mà ngót nghét mười
hai năm.
Năm 2013, ấn tống Giọt Ngọc Kim Bàn (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tr. 172-174), tôi có nói
sơ về cái duyên hàn mặc pha lẫn tình đạo mạch của hai chúng tôi như sau:
(. .
.) Thấy tôi làm mọt sách, lại tâm đắc với sách triết của linh mục Lương Kim
Định (1915-1977), có lần đạo tỷ Bạch Tuyết [1] bảo: “Phải chi con gặp Thanh Căn.” (Vì
đạo tỷ biết Thanh Căn có tiếp xúc linh mục Kim Định.)
Hơn
hai mươi lăm năm sau tôi gặp huynh Thanh Căn lần đầu tiên tại Vĩnh Nguyên Tự.
Hôm ấy Ban Cai Quản nhờ tôi giảng kinh cúng tứ thời giúp bổn đạo. Hiền huynh
biết thế, đến dự và sau đó lên bục góp ý, chia sẻ cảm tưởng…
Dần
dần, hai anh em chúng tôi trở nên thân thiết hơn kể từ buổi sơ ngộ. Những khi gặp nhau hàn huyên
chuyện đạo, chuyện văn chương, chuyện nhân tình thế thái, tôi nhận ra ở con
người mảnh khảnh, ôn nhu, dí dỏm này một tấm lòng chân thành thương Thầy mến
Đạo, một tâm thức phụng sự vô vị lợi, một đức kham nhẫn trước khảo nghịch đời
thường…
Tôi
còn quý Thanh Căn vì lẽ hiền huynh rất tài hoa – làm thơ, ngâm thơ, ca vọng cổ,
vẽ tranh, viết thư pháp chữ Việt và chữ Nho. Bởi vậy, chẳng gặp thì thôi, hễ
gặp lại tốn nhiều nước trà, chuyện trò lan man khó dứt.
Tháng
6-2008 tôi khởi sự Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo. Sau khi Chương Trình hoạt động được khoảng một năm và
có hướng phát triển tốt, một đôi lần tôi ngỏ ý xin hiền huynh Thanh Căn bản
thảo để kết tập và ấn tống. Bởi lẽ tôi biết hiền huynh thường xuyên viết bài,
hầu như tháng nào huynh cũng đến các thánh tịnh ở miền Đông hoặc miền Tây
(trong hệ thống Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên) để nói chuyện đạo vào các dịp sóc
vọng, hoặc nhằm lễ kỷ niệm của các thánh tịnh. Đó là phận sự của huynh – thành
viên Ban Khai Minh Giáo Lý do Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên phân phó.
Nhưng
hiền huynh nói ngay: “Tôi viết bài không phải vì ý định để sau này đem xuất
bản. Chẳng qua phận sự buộc mình cứ phải viết hết bài này tới bài khác mà
thôi.”
Tôi
vẫn cố nài. Tháng 8-2009 xin được huynh bản thảo đầu tiên, và "Tìm Hiểu
Kinh Sám Hối" ra đời. Năm sau thêm "Ba Món Báu Của Người Đạo Cao
Đài". Tôi chưa hết “tham”, thừa biết Truyền Trạng Thanh Căn còn nhiều bản
thảo. Nhưng sức khỏe và thời gian hiền huynh hạn chế, lại thêm nhiều đạo sự ở
Hội Thánh... ngần ấy thứ mể mang thúc phược, khó mà yêu cầu người
viết kết tập bản thảo, mặc dù ngay từ buổi khai phóng Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo, hiền huynh luôn ủng hộ tôi.
Dẫu
thế, khi tôi vừa mới thử nghiệm giai phẩm "Đại Đạo Văn Uyển", hiền
huynh liền hưởng ứng nhiệt thành. Hễ tôi đói bài, hiền huynh đều mau chóng yểm
trợ kịp thời.
Người
xưa vì một tiếng đàn ở ven sông Hán Dương dưới ánh trăng khuya mà kết nên tình
tri âm tri kỷ. Trong những tháng năm làm đạo, viết lách, rồi làm ấn tống, tuy
ngón đàn của mình vụng về nhưng nhờ diễm phúc, tôi may duyên kết được một vài
bạn hiền đồng điệu, tự cho phép mình bắt chước người xưa gọi là tri kỷ tri âm,
để có thể an ủi lấy mình những khi nhân tình ấm lạnh dọc đường hoằng giáo.
Thanh
Căn với tôi vốn trong chỗ tri âm tri kỷ bấy lâu. Thế nên, quý đạo hữu bạn đọc
thừa hiểu tôi vui lắm khi hôm nay "Giọt Ngọc Kim Bàn" của Truyền
Trạng Thanh Căn ra mắt hiền sĩ bốn phương.
Cũng trong tập Giọt Ngọc Kim Bàn (tr. 6), tôi có dịp hỏi Thanh Căn về tiểu sử để
giới thiệu vắn tắt như sau:
Hiền
huynh sinh năm 1951 tại xã Thanh Hưng, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là
xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).[2] Năm
1963 hiền huynh nhập môn Cao Đài tại thánh tịnh Trước Cảnh Minh Đàn (xã An Thái
Trung, quận Giáo Đức), được ban thánh danh Thanh Căn (1965) và phò loan tại
Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức. Năm
1966 về Tam Giáo Điện Minh Tân (Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt) phò loan sáu
tháng. Những năm 1969-1972 phò loan tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo
Việt Nam
và Minh Lý Thánh Hội. Từ 1973 trở đi hiền huynh trải nhiều lúc thăng trầm, rồi
về giúp thánh tịnh Ngọc Minh Đài (đường Nguyễn Khoái, quận Tư, Sài Gòn) trong
việc phổ huấn (1991), thọ phong Truyền Trạng tại Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
(2008).
Cuộc đời ông đạo Thanh Căn lắm nỗi thăng
trầm, đòi phen thử thách, rất không tiện kể lại nơi đây. Vậy mà tất cả những
bầm dập trong chốn ta bà phiền não tráo chác đảo điên vẫn không làm hiền huynh “ngán”.
Sự việc là thế này:
Sáng hôm ấy tôi ghé thăm hiền huynh bên
quận Tư. Ngồi trên gác nhỏ uống trà, chẳng nhớ lan man chuyện vãn đầu Ngô mình
Sở thế nào mà tôi bỗng nhắc tới một thánh giáo, Ơn Trên cho biết nhiều bậc tu
hành đắc đạo rồi nhưng không giáng cơ vì lẽ chốn trần gian này quá trọng trược,
các vị không muốn trở lại nữa.
Tôi không khỏi cảm động khi nghe hiền
huynh nói, giọng chân thành: “Ai sợ chớ Thanh Căn không sợ. Về với Thầy rồi tôi
sẽ xin Thầy cho trở lại để làm tiếp chuyện đạo dang dở. Đạo mình nào đã xong đã
thành chi đâu, Huệ Khải ơi!”
Có một dạo hiền huynh rời Tòa Thánh, tạm
trở về căn gác nhỏ. Bấy giờ Thanh Căn đang là Bảo Học Quân của Hội Thánh. Ghé
thăm, thấy hiền huynh rõ ràng thân tại gia mà lòng tại Châu Minh, tôi biết bạn
mình sẽ chóng vánh xuất gia thôi. Và quả nhiên như vậy.
Năm ngoái, thu xếp mọi thứ xong xuôi, hiền
huynh cương quyết dọn về ở hẳn tại Tòa Thánh. Hiền huynh cười, bảo tôi: “Về
Châu Minh luôn. Từ rày Huệ Khải có muốn thăm Thanh Căn thì chịu khó kiếm xe tới
tận Tiên Thủy nghen.”
Như một giao ước với bản thân rằng sẽ
chẳng bao giờ đổi thay chí nguyện, và như cậy trông, phó thác tất cả vào ơn
Thầy đỡ nâng, phù trì, vào cái ngày trở về Tòa Thánh, về vĩnh viễn, Thanh Căn
trang trải tấc lòng qua sáu câu ngắn gọn:
Trở về
với mái nhà chung
Chở che nhờ Đấng Huyền Khung Cao Đài
Trải thân trong cõi trần ai
Gây nhiều nghiệp chướng, trong tay được gì?
Cúi xin lượng cả Từ Bi
Hộ con đủ sức bước đi trọn đường.
Hôm đó
là Thứ Năm 12-4-2018. Sau một năm tự giao ước với mình, sáng sớm Thứ Sáu
19-4-2019, Thanh Căn lại ra đi, nhưng lần này không quay về căn nhà ở cõi phù
ba, mà thẳng luôn về cố quận. Thôi thì:
CHUNG một Đạo Thầy hạnh ngộ nhau
ẤN thư
buổi ấy lòng hoan hỷ
TỐNG
biệt bữa rày bụng nghẹn ngào
THƯƠNG
lúc luận đàm vui giáo lý
NHỚ
hồi thơ phú hợp tâm đầu
CĂN vị quê xưa sáng đẹp làu.
Thanh Căn ơi, chào bạn hiền tôi ơi!
Nhiêu Lộc, 21-4-2019
HUỆ KHẢI