Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

13 ĐẦU NĂM ĐỌC SÁCH / Đạo Uyển 30


ĐẦU NĂM ĐỌC SÁCH

Thân tặng Lê Anh Dũng
NGUYỄN DUY CHÍNH
Qua Tết mấy ngày, tôi nhận được quyển Tấm Lòng Một Người Thầy (TLMNT) của Huệ Khải, được một người thân của anh gửi từ Texas sang California (Mỹ). Huệ Khải là thánh danh của nhà nghiên cứu Lê Anh Dũng, một người bạn thân của tôi đang sống ở Việt Nam. Sách in theo dạng ấn tống (không bán), chỉ để tặng bất cứ ai cần đến, do nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội) in xong để kỷ niệm ba mươi lăm năm ngày mất của học giả Nguyễn Hiến Lê (22-12-1984 / 22-12-2018).
Quyển TLMNT tương đối mỏng, từ đầu đến cuối chưa đến 100 trang, bao gồm sáu bài viết của Lê Anh Dũng và một trích đoạn ngắn thay lời Bạt của Trần Văn Chánh.
Nhận được sách, tôi mở ra đọc một mạch từ đầu đến cuối, ngắm mấy bức hình, bức tranh bìa và cả chân dung của bạn tôi do họa sĩ Bửu Long vẽ bằng bút chì ở trang 2. Bức vẽ đó rất giống người thật, nét linh động, có thần - tỏ lộ được con người của Lê Anh Dũng như tôi từng biết.
Ngồi viết vài hàng hôm nay tôi không đề cập đến văn chương, chữ nghĩa và những chi tiết rất hiếm có trong giao tình giữa bạn tôi và nhà văn Nguyễn Hiến Lê, một học giả mà tôi vẫn coi như một bậc thầy dù chưa học ông một giờ nào, cũng chưa từng gặp ông nữa. Ảnh hưởng của Nguyễn Hiến Lê đối với tôi, qua những điều ông nhắn nhủ trong sách, có thể gọi là người đã cầm tay cho một đứa trẻ tập viết trước khi nó có thể viết một mình. Việc đó, không phải mình tôi mà nhiều người khác chắc cũng cảm thấy như thế.
Cho nên, đây không phải là một bài điểm sách vì thực ra bạn tôi không hề ngỏ ý muốn tôi bày tỏ một vài suy nghĩ. Tuy không phải là khai bút đầu năm nhưng cũng chính là những dòng chữ riêng tư đầu tiên năm Kỷ Hợi, phụ thêm vào những công việc tôi vẫn làm hàng ngày trong công việc nghiên cứu riêng của mình.
Đọc những kinh nghiệm mà Lê Anh Dũng thu thập được từ cụ Nguyễn Hiến Lê, tôi tự đặt mình vào chính hoàn cảnh của anh để bổ túc những gì tôi chỉ biết qua sách vở.
Có lẽ chúng ta không mấy ai có dịp gần gũi và được cụ Nguyễn Hiến Lê gửi gắm nhiều như Lê Anh Dũng và quả thực, những công trình cuối đời, trong hoàn cảnh mà thể chất đã suy nhược, phương tiện thiếu thốn đủ mọi mặt. Chúng ta có thể trân trọng những tác phẩm đó hơn khi hiểu được thực tế những dòng chữ đã được nuôi nấng và khai sinh như thế nào.
Người ta bảo viết biên khảo đòi hỏi nhiều công lao mà số người hiểu được dụng công của tác giả lại không nhiều. Một bài thơ hay có thể được sáng tác và hoàn tất trong một buổi, một truyện ngắn có thể thực hiện trong một tuần nhưng một công trình nghiên cứu thì không thể viết nhanh như vậy. Theo chân Lê Anh Dũng để đi vào thế giới riêng của hai “thầy trò” – nếu chúng ta cho rằng đó là một cách gọi đúng – thì nhiều khi chỉ để biết thêm một câu một chữ hai bên phải chờ đợi và phải có duyên mới được. Vào thời kỳ cụ Nguyễn Hiến Lê còn sinh tiền, Từ Nguyên, Từ Hải, Khang Hy là các loại từ điển không phải ai cũng có thể sở hữu, và muốn tìm nghĩa một chữ cho chu đáo, chúng ta phải quen biết với chủ nhân đủ thân để được cho phép sử dụng các bộ từ điển này. Có lẽ cũng vì thiếu thốn tư liệu tham khảo, các bậc tiền bối dù làm hết sức mình nhưng như cụ Nguyễn Hiến Lê tự nhận, bộ sử Trung Quốc cụ soạn chỉ “may lắm là dùng được nó làm points de repère [các điểm mốc] thôi” (TLMNT, tr. 67). Những nhận định đó rất chính xác, không phải là khiêm tốn bề ngoài, mà cụ Nguyễn đã ý thức được những hạn chế của thời đại, không cho phép những học giả Việt Nam có thể đi xa hơn. Trong cái không gian chật hẹp theo nhiều nghĩa, dù nỗ lực cách mấy thì một cánh chim đại bàng cũng chỉ được đến thế mà thôi.
Tìm hiểu và biết thêm về cách làm việc của cụ Nguyễn Hiến Lê.
Từ một vài chi tiết trong những trao đổi của tác giả với cụ Nguyễn Hiến Lê, chúng ta thấy ngay lối làm việc nghiêm chỉnh và đạo đức, cố gắng giữ gìn và phổ biến [dù chỉ giới hạn] những tác phẩm đã và đang hình thành trong những năm tháng sau cùng.
Trong nghề cầm bút, nhất là viết những loại đề tài không-hư-cấu (non-fiction), tác giả không những phải tuân thủ những quy luật của thể loại này mà còn phải đào tạo cho chính mình những đức tính cần thiết, trong đó sự lương thiện cả tinh thần lẫn vật chất là bắt buộc. Nghiên cứu là một con đường không có đích, và không một ai có thể cho rằng sau mình không có người khác đi xa hơn. Nỗ lực ở mức cao nhất nhưng lại chấp nhận cái thành tựu tương đối và luôn luôn mong đợi sớm có người đi sau vượt qua mình là một ưu điểm mà càng ngày càng hiếm hoi trong xã hội. “Tôi sinh sau các cụ trong Nam Phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến … đọc được nhiều sách mới hơn các cụ đó, nên viết về văn học, triết học Trung Quốc kỹ hơn các cụ. Cháu lại thuộc lớp sau nữa, có thể đi sâu vào một vài vấn đề nào đó được. Cứ mỗi đời tiến hơn đời trước một chút.” (TLMNT, tr. 70). Những dòng chữ đó được viết khi cụ Nguyễn Hiến Lê đã yếu, trước khi qua đời không lâu. Tuy đơn sơ nó vẫn thể hiện cái tâm “kỳ ngôn dã thiện”.[1]
Rút kinh nghiệm cho chính mình.
Xem lại những chi tiết do Lê Anh Dũng ghi lại, thế hệ chúng tôi ngày hôm nay có những phương tiện kỹ thuật mới giúp mình tăng hiệu năng lên hàng trăm lần so với thời điểm bút bi, giấy pelure của cụ Nguyễn. Chúng ta cũng có thể giao tiếp với nhau trong nháy mắt dù ở kề bên hay cách nhau cả nửa vòng trái đất, khác hẳn với việc phải chờ đợi hàng tháng để gửi thư, nhận thư như cách đây hơn ba mươi năm. Không chỉ phương tiện kỹ thuật sơ khai, hoàn cảnh xã hội trong từng thời kỳ cũng ảnh hưởng đến thiện chí con người và sinh hoạt văn hóa... Trong mười năm sau cùng của cuộc đời, đáng lẽ học giả Nguyễn Hiến Lê có thể làm nhiều hơn nếu không bị trói buộc trong những hệ lụy cuộc đời về tinh thần cũng như vật chất. Có thể ví những tác phẩm cuối đời của Nguyễn Hiến Lê như những bông hoa trong sa mạc, dù khí hậu gay gắt nhưng vẫn đầy hương sắc thật tuyệt vời. Anh em chúng tôi nay cũng đã và đang bước vào tuổi “cổ lai hy” nên kinh nghiệm cuối đời của cụ Nguyễn cũng là những bài học mà chúng tôi đang áp dụng cho chính mình.
So sánh để biết thêm những lợi điểm của người nghiên cứu ngày hôm nay.
Chỉ mới ba mươi lăm năm từ khi cụ Nguyễn Hiến Lê qua đời nhưng trên mặt học thuật, những người như chúng tôi hôm nay thực sự đã được hưởng những thành tựu kỹ thuật mà người đi trước không sao hình dung nổi. Sách vở, tài liệu, phương tiện thật không còn thiếu thứ gì và tôi dám nói rằng, nếu hôm nay nếu mình không làm được là lỗi ở mình chưa hết sức, chưa “duy tinh duy nhất” [2] chứ kỹ thuật không còn có thể giúp chúng ta hơn được nữa. Ở bên Mỹ, đã có những xe hơi không người lái di chuyển an toàn hơn có một tài xế cừ khôi, nhưng có lẽ không bao giờ con người có thể chế tạo được người máy (robot) để làm công việc của một nhà nghiên cứu đúng nghĩa. Mỗi khi nhìn số tài liệu, phương tiện, từ điển có trong tay, tôi lại thấy hổ thẹn vì những gì mình làm được so với những công trình mà các bậc tiền bối đã hoàn thành thật không thấm vào đâu.
NGUYỄN DUY CHÍNH
California, 24-02-2019



Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính (sinh năm 1948 tại Sơn Tây) là nhà sử học, chuyên trị về đời Tây Sơn. Ông còn viết nhiều sách về văn hóa Trung Hoa, dịch tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, v.v…
Quý bạn đọc đã có dịp đọc các bài viết của ông in trong Đại Đạo Văn Uyển và tập Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014), quyển 73 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
(Đạo Uyển chú)




[1] Luận Ngữ 8:4 chép rằng lúc đang bệnh nặng, có quan đại phu nước Lỗ đến thăm, Tăng Tử (cao đồ của Đức Khổng Tử) nói: Con chim sắp chết, cất tiếng kêu buồn thảm; con người sắp chết, nói ra lời lành. 鳥之將死, 其鳴也哀; 人之將死, 其言也善. Điểu chi tương tử, kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử, k ngôn dã thin. James Legge (1815-1897) dịch: When a bird is about to die, its notes are mournful; when a man is about to die, his words are good. (Đạo Uyển chú)
[2] duy tinh duy nhất 惟精惟一 : Bốn chữ này lấy trong Kinh Thư, thiên Đại Vũ Mô, câu 13. Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch: Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm / Ra công ra sức (). (Đạo Uyển chú)