Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

17 ĐỌC LẠI “VÍ”, LÃNG NHÂN DỊCH THƠ KIPLING QUA MAUROIS / Đạo Uyển 30



ĐỌC LẠI “VÍ”, LÃNG NHÂN DỊCH THƠ KIPLING
QUA MAUROIS
HUỆ KHẢI
I. TÁC GIẢ VÀ HAI DỊCH GIẢ
1. RUDYARD KIPLING là nhà văn, nhà thơ người Anh nổi tiếng. Ông chào đời ngày Thứ Bảy 30-12-1865 tại thành phố Bombay (nay gọi là Mumbai), ở Ấn Độ - đất nước được chọn làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm của ông, chẳng hạn tập truyện The Jungle Book (Quyển Sách Rừng Xanh) xuất bản năm 1894, với hầu hết các nhân vật là thú rừng. Trong tập truyện này có chú bé Mowgli được chó sói nuôi trong rừng. Câu chuyện về Mowgli sau này được công ty Walt Disney dựng thành phim The Jungle Book (1967) rất ăn khách mà người Việt quen gọi là phim Cậu Bé Rừng Xanh.
Ngoài công việc của một ký giả trong những năm 1880 ở Ấn Độ, Kipling viết nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, và thơ, v.v… cho cả người lớn lẫn trẻ con. Năm 1907 ông được trao giải Nobel về văn chương và là người Anh đầu tiên nhận giải thưởng danh giá này.
Thứ Bảy 18-01-1936, do bị xuất huyết (haemorrhage), Kipling từ trần tại bệnh viện Middlesex ở thủ đô London nước Anh. Sau khi hỏa táng, tro của ông được chôn trong tu viện cổ Westminster, ở góc dành cho các nhà thơ (Poets’ Corner), gần mộ hai danh sĩ Thomas Hardy (1840-1928) và Charles Dickens (1812-1870).
Nhiều bài thơ của Kipling ngày nay vẫn còn được ưa thích, đặc biệt nhất là bài If- (Nếu-) được sáng tác khoảng năm 1895 và xuất bản lần đầu năm 1910 khi in trong quyển Rewards and Fairies. Nhan đề bài thơ gắn liền với dấu - như thay cho ba chấm lửng (. . .). Một mẩu tin của BBC Online, ngày Thứ Tư 15-7-1998, xuất bản tại Anh lúc 18:57 GMT, nhắc lại sự kiện ba năm trước như sau:
[Với nội dung] sùng thượng đức khiêm tốn, thấu hiểu, và lòng tự tin kín đáo, If- (Nếu-) từ xưa nay vẫn là một bài thơ của mọi người. Năm 1995, qua cuộc thăm dò ý kiến tổ chức nhân Ngày Thơ Quốc Gia, bài thơ ấy được bầu chọn là thi phẩm yêu thích của cả nước Anh.([1])
Tám năm sau khi bài thơ If- được in ra, nó được André Maurois dịch sang tiếng Pháp.
2. ANDRÉ MAUROIS là tiểu thuyết gia người Pháp có tài phân tích tâm lý sâu sắc, và cũng là nhà văn chuyên viết tiểu sử danh nhân, viết sử, truyện khoa học giả tưởng (science fiction stories), và sách cho trẻ con. Ông tên thật là Émile Salomon Wilhelm Herzog, sinh ngày Chủ Nhật 26-7-1885 tại Elbeuf (nằm trong vùng Normandie ở miền bắc nước Pháp). Là con một thương gia Do Thái (kinh doanh ngành dệt), Herzog tham gia cả hai cuộc Thế Chiến và làm sĩ quan Pháp bên cạnh quân Anh. Năm 1918, ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay Les Silences du Colonel Bramble (Những Im Lặng Của Đại Tá Bramble) với bút danh André Maurois. Sau một sắc lệnh (décret) của tổng thống Pháp ký ngày Thứ Sáu 27-6-1947, bút danh André Maurois trở thành tên chính thức (nom officiel) của ông. Maurois tạ thế ngày Thứ Hai 09-10-1967 tại Neuilly-sur-Seine (phía tây thủ đô Paris), và được an táng tại nghĩa trang ở đấy.
Trong nửa sau thế kỷ 20, một số tác phẩm của ông đã đến tay người Việt như: Un Art de Vivre (1939) được Hoàng Thu Đông dịch là Một Nghệ Thuật Sống (Sài Gòn, 1960); Climats (1928) được Mặc Đỗ dịch là Tâm Cảnh (Sài Gòn, 1967); Lettre Ouverte à un Jeune Homme sur la Conduite de la Vie (1966) được Nguyễn Hiến Lê dịch là Thư Ngỏ Gửi Tuổi Đôi Mươi (Sài Gòn, 1968); Lettres à l'Inconnue (1956) được Nguyễn Hiến Lê dịch là Thư Gửi Người Đàn Bà Không Quen Biết (Sài Gòn, 1970)…
3. LÃNG NHÂN đã tặng cho người Việt một bài thơ dịch rất tài hoa, ngay từ cách đặt nhan đề.
Thật vậy, Maurois dịch bài thơ If- sang tiếng Pháp năm 1918, nhan đề là Si-, cũng chỉ gồm hai mẫu tự giống hệt như nguyên tác tiếng Anh. Bởi thế, khi dịch sang tiếng Việt, thay vì dùng chữ Nếu, Lãng Nhân khéo chọn chữ cũng chỉ gồm hai mẫu tự.
Bản dịch của Lãng Nhân căn cứ theo bản tiếng Pháp của Maurois. Có điều, trong bản sách in năm 1968, Lãng Nhân không đặt dấu - bên cạnh hai nhan đề Si.
Ông thế danh là Phùng Tất Đắc, sinh tại Hà Nội ngày Thứ Năm 20-6-1907, sớm thành danh với nghề báo chí, văn chương, xuất bản từ thuở thanh niên ở Hà Nội, rồi vào Sài Gòn và trở nên một tên tuổi uy tín trên văn đàn. Ngoài bút danh Lãng Nhân, khi viết các tiểu truyện danh nhân, ông còn ký tên Cố Nhi Tân (故而新 , nghĩa là cũ mà mới), có lẽ hàm ý giúp người đọc sách nhờ ôn lại chuyện cũ mà có thể hiểu biết chuyện mới.([2])
Năm 1980 ông định cư tại nước Anh. Lúc 2 giờ sáng Thứ Sáu 29-02-2008, ông tạ thế tại thị trấn Huntingdon ở hạt Cambridgeshire, phía đông nước Anh.
Một số tác phẩm của ông là: Trước Đèn (1939); Chuyện Vô Lý (1942); Chơi Chữ (1960); Cảo Tồn (1963); Giai Thoại Làng Nho (1963); Hán Văn Tinh Túy (1965); Chuyện Cà Kê (1968); Thơ Pháp Ngữ Tuyển Dịch (1968); Khổng Tử (1968); Tư Mã Quang, Vương An Thạch (1968); Nguyễn Thái Học (1969); Tôn Thất Thuyết (1969); Nghiêm Phục (1970)…
II. NGUYÊN TÁC IF- VÀ HAI BẢN DỊCH PHÁP, VIỆT
1. Nguyên tác của Kipling
Nguyên tác tiếng Anh sau đây được mượn từ POETRY FOUNDATION (61 West Superior Street, Chicago, IL 60654, Hoa Kỳ).([3]) Bài thơ gồm ba mươi hai câu, chia thành bốn khổ (stanzas), mỗi khổ có tám câu. Không kể nhan đề, trong tổng cộng 291 từ, chữ If được Kipling dùng mười ba lần.

IF-
If you can keep your head when all about you
Are losing theirs and blaming it on you;
If you can trust yourself when all men doubt you,
But make allowance for their doubting too;
If you can wait and not be tired by waiting,
Or being lied about, don’t deal in lies,
Or being hated, don’t give way to hating,
And yet don’t look too good, nor talk too wise:
If you can dream - and not make dreams your master;
If you can think - and not make thoughts your aim;
If you can meet with Triumph and Disaster
And treat those two impostors just the same;
If you can bear to hear the truth you’ve spoken
Twisted by knaves to make a trap for fools,
Or watch the things you gave your life to, broken,
And stoop and build ‘em up with worn-out tools:
If you can make one heap of all your winnings
And risk it on one turn of pitch-and-toss,
And lose, and start again at your beginnings
And never breathe a word about your loss;
If you can force your heart and nerve and sinew
To serve your turn long after they are gone,
And so hold on when there is nothing in you
Except the Will which says to them: ‘Hold on!’
If you can talk with crowds and keep your virtue,
Or walk with Kings - nor lose the common touch,
If neither foes nor loving friends can hurt you,
If all men count with you, but none too much;
If you can fill the unforgiving minute
With sixty seconds’ worth of distance run,
Yours is the Earth and everything that’s in it,
And - which is more - you’ll be a Man, my son!
2. Bản dịch của André Maurois
Bản dịch của Maurois cũng gồm ba mươi hai câu, chia làm tám khổ (strophes), mỗi khổ có bốn câu. Không kể nhan đề, trong tổng cộng 256 từ, chữ Si được Maurois dùng mười bốn lần.
Bản tiếng Pháp sau đây trích trong sách của Lãng Nhân, nhan đề Thơ Pháp Ngữ Tuyển Dịch (Sài Gòn: Tủ sách Nam Chi Tùng Thư, cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968, 270 trang). Trong sách, ông cho in đối chiếu bản tiếng Pháp (ở hai trang chẵn 196, 198).
SI
Si tu peux voir détruit l’ouvrage de ta vie
Et sans dire un seul mot te mettre à rebâtir,
Ou perdre en un seul coup le gain de cent parties
Sans un geste et sans un soupir;
Si tu peux être amant sans être fou d’amour,
Si tu peux être fort sans cesser d’être tendre,
Et, te sentant haï, sans haïr à ton tour,
Pourtant lutter et te défendre,
Si tu peux supporter d’entendre tes paroles
Travesties par des gueux pour exciter des sots,
Et d’entendre mentir sur toi leurs bouches folles
Sans mentir toi-même d’un mot;
Si tu peux rester digne en étant populaire,
Si tu peux rester peuple en conseillant les rois,
Et si tu peux aimer tous tes amis en frère,
Sans qu’aucun d’eux soit tout pour toi;
Si tu sais méditer, observer et connaître;
Sans jamais devenir sceptique ou destructeur,
Rêver, mais sans laisser ton rêve être ton maître,
Penser, sans n’être qu’un penseur;
Si tu peux être dur sans jamais être en rage,
Si tu peux être brave et jamais imprudent,
Si tu peux être bon, si tu sais être sage,
Sans être moral ni pédant;
Si tu peux rencontrer Triomphe après Défaite
Et recevoir ces deux menteurs d’un même front,
Si tu peux conserver ton courage et ta tête,
Quand tous les autres les perdront,
Alors les Rois, les Dieux, la Chance et la Victoire
Seront à tout jamais tes esclaves soumis;
Et, ce qui vaut bien mieux que les Rois et la Gloire,
Tu seras un Homme, mon fils!
3. Bản dịch của Lãng Nhân
Căn cứ theo bản tiếng Pháp của Maurois, bản dịch của Lãng Nhân gồm ba mươi ba câu song thất lục bát, chia làm tám khổ, mỗi khổ có bốn câu; riêng khổ chót có năm câu, kết thúc với câu lục (sáu chữ). Không kể nhan đề, trong tổng cộng 230 từ, chữ được Lãng Nhân dùng tám lần, khi mở đầu cho tám khổ thơ.
Trong sách Thơ Pháp Ngữ Tuyển Dịch (đã dẫn trên), bản tiếng Việt đặt ở hai trang lẻ (197, 199), đối xứng bản tiếng Pháp. Tôi in lại đây bản dịch của Lãng Nhân, và soạn thêm vài chú thích mọn.
Ví con đã trăm lần thủ thắng
Một keo thua, tay trắng về không,
Mà lòng lại biết nhủ lòng
Cơ đồ gây lại, oán không một lời;
Ví đường tình, xa nơi rồ dại
Biết nên cương mà lại nên nhu
Chẳng ưa con cũng chẳng thù,
Bền lòng tranh đấu, miễn lo việc mình;
Ví có kẻ lòng manh ([4]) ở ác
Ðem lời con xuyên tạc ra ngoài
Xá chi ([5]) những miệng dông dài
Riêng con, con vẫn một lời thủy chung;
Ví hòa mình mà không bè đảng,([6])
Ðứng làm dân, khuyến gián chí tôn,([7])
Anh em bốn biển cho tròn,
Tình riêng, chẳng để thiệt hơn một người;([8])
Ví lại biết xét coi, học hỏi
Giọng hoài nghi, phá hoại đừng nghe,
Ước mơ mà chẳng sa mê
Nghĩ cho nên việc, chớ hề viển vông;
Ví lấy oai mà không nỡ dữ,([9])
Biết gan liền, biết lựa tới lui,
Biết ngay thảo với mọi người,
Mà không lên mặt dạy đời: ta đây!
Ví con biết vinh rồi lại nhục
Cũng chẳng qua là cuộc hý trường,([10])
Biết đem can đảm làm gương
Giữ lòng bình thản, xốn xang mặc người;
Ví theo được như lời ta nhắn,
Thì đế vương hiền thánh khôn tầy ([11])
Vinh quang, hạnh phúc trong tay,
Lại hơn được cả điều này, con ơi:
Là con biết đạo làm người…
III. NGHĨ VỤNG
Bài thơ này là lời người cha khuyên dạy con trai. Ông chia sẻ với con sự khôn ngoan từng trải, giúp con biết cách sống đúng theo phẩm chất một nam tử trượng phu. Mỗi lần đưa ra một ví dụ (một điều kiện), tức là người cha thử đặt con trai vào một tình huống bất lợi, để nhân đó dạy cho con cách ứng xử của bậc hiền minh.
Qua từng khổ thơ dịch tài hoa, Lãng Nhân lần lượt chuyển tải đến chúng ta những giá trị của đạo làm người, bởi vì bàng bạc trong đó là Nhân Đạo 人道 của các nhà Nho như câu kết bài thơ minh thị: Là con biết đạo làm người
Sau đây chúng ta đọc lại bản dịch để đồng cảm với ý tứ sâu sắc của Lãng Nhân khi dịch Kipling qua trung gian bản tiếng Pháp của Maurois.
1.khổ thơ mở đầu, người con bị đặt vào một nghịch cảnh quá lớn: Kẻ trăm trận trăm thắng chỉ cần một phút sa cơ là trắng tay sự nghiệp, cơ đồ tan thành mây khói. Trong tình huống cực kỳ bi đát ấy, cha khuyên con: Hãy làm lại từ đầu, và chớ trách mình hay oán người. Đọc câu Cơ đồ gây lại, oán không một lời, chúng ta nhớ lời Đức Khổng Tử nói về bản thân (Luận Ngữ 14:35): Ta không oán Trời, không trách người.([12])
2.khổ thơ thứ hai, người cha khuyên con trai bốn ý:
2.1. Ví đường tình, xa nơi rồ dại. Khuyên như thế vì lẽ tuổi trẻ mới lớn, dễ lầm lạc (rồ dại) trong yêu đương. Đức Khổng Tử khuyên (Luận Ngữ, 16:7): Khi còn trẻ khí huyết chưa ổn định [cơ thể chưa phát triển đủ], hãy dè chừng sắc dục.([13])
2.2. Biết nên cương mà lại nên nhu. Lời khuyên này không khác so với câu Biết gan liền, biết lựa tới lui. (Xem thêm 6.2. ở khổ thơ thứ sáu.) Chiến lược là tùy lúc mà cứng rắn, tùy lúc mà mềm mỏng trong sự đấu tranh để sinh tồn trên trường đời. Nhưng người đàn ông ở tuổi sung sức nhất (tráng niên) thường hăng máu, nên chỉ muốn tiến tới (cương) chứ không chịu lui về (nhu). Bởi vậy, Đức Khổng Tử khuyên (Luận Ngữ, 16:7): Tuổi tráng niên, khí huyết cương cường, hãy dè chừng về việc tranh đấu.([14])
2.3. Chẳng ưa con cũng chẳng thù. Ưa ghét (mến mộ và thù ghét) là hai mặt tình cảm đối nghịch thông thường của con người. Tuy nhiên, người cha dạy con ngược lại: Nếu không ưa được kẻ khác thì cũng đừng vì vậy mà ghét họ.
Không oán ghét, chẳng thù hận kẻ khác là đức hạnh bậc quân tử; bởi vậy, Đức Khổng Tử bảo (Luận Ngữ, 1:1): Người đời không hiểu biết ta [nên chỉ trích, công kích, v.v…] mà ta không thù hận, thì ta cũng chẳng là quân tử sao? ([15])
2.4. Bền lòng tranh đấu, miễn lo việc mình. Ở đây tranh đấu không có nghĩa là giành giật, tranh giành. Đức Khổng Tử bảo (Luận Ngữ, 3:7): Quân tử không tranh với ai.([16]) Vậy, nên hiểu tranh đấu phấn đấu, vượt qua giới hạn bản thân để tự thắng chính mình. Do đó, bốn chữ bền lòng tranh đấu không xa ý nghĩa quân tử dĩ tự cường bất tức (người quân tử phấn đấu không ngừng).([17])
3.khổ thơ thứ ba, người cha dạy con hãy đủ bản lãnh trước những lời thị phi đơm đặt cho mình với đầy ác ý (Ví có kẻ lòng manh ở ác / Ðem lời con xuyên tạc ra ngoài). Nếu công tâm tự xét mình không có lỗi gì thì việc mình, mình cứ làm và đường lối mình, mình cứ theo; chẳng vì miệng đời ngoa ngoắt mà dao động, đổi thay chí hướng (Xá [sá] chi những miệng dông dài / Riêng con, con vẫn một lời thủy chung). Đức Khổng Tử khuyên (Luận Ngữ, 12:4): Tự xét mình không có điều chi đáng xấu hổ thì còn sợ nỗi gì? ([18])
4.khổ thơ thứ tư, mỗi câu đều gợi nhớ Luận Ngữ.
4.1. Ví hòa mình mà không bè đảng. Câu này tóm hai ý của Đức Khổng Tử.
- Luận Ngữ (13:23): Người quân tử hòa hợp nhưng không a dua, kẻ tiểu nhân a dua mà không hòa hợp.([19])
- Luận Ngữ (15:22): Quân tử trang nghiêm nhưng không tranh chấp, hơn thua với ai; sống trong cộng đồng nhưng không kéo bè kết đảng.([20])
4.2. Ðứng làm dân, khuyến gián chí tôn. Hai chữ chí tôn nơi đây không viết hoa, vì không phải là Trời (Thiên), mà có nghĩa là vua (thiên tử). Khuyến gián chí tôn tức là can gián các ông vua; bản tiếng Pháp viết conseillant les rois.
Ngày xưa, nhà Nho khi ra làm quan ở triều đình, cận kề quân vương là người nắm trọn quyền sinh sát trong tay; tuy nhiên, nhiều vị không sợ hại thân thiệt mạng, vẫn can đảm nghịch ý vua, đưa lời can gián.
Chẳng hạn, năm 1836 ngài Phan Thanh Giản (đang giữ chức bố chánh tỉnh Quảng Nam) dâng sớ can vua Minh Mạng không nên tuần du Quảng Nam để dân chúng khỏi phải khổ nhọc. Khi phụng mệnh vua điều tra, Võ Duy Tân lại đem lời sàm tấu, làm cho quan Phan bị giáng chức, hằng ngày phải quét dọn công đường tỉnh Quảng Nam.
Dâng sớ can vua tức là quan Phan làm theo lời Đức Khổng Tử dạy Tử Lộ đạo làm bề tôi (Luận Ngữ, 14:22): Đừng lừa gạt, mà phạm thượng.([21]) Phạm thượng nghĩa là can gián vua, trái ý ông trời con (thiên tử).
4.3. Anh em bốn biển cho tròn. Câu này nhắc lại lời cao đồ Đức Khổng Tử là Tử Hạ (Luận Ngữ, 12:5) nói rằng đối với người quân tử thì: Người trong bốn biển đều là anh em.([22])
4.4. Tình riêng, chẳng để thiệt hơn một người. Nghĩa là dẫu có thân thích, chẳng vì nặng tình riêng mà phân biệt đối xử, dành cho người này hưởng nhiều, kẻ kia được ít. Thầy Khổng dạy về đức công bằng này như sau (Luận Ngữ, 16:1): Không sợ ít, mà sợ không đồng đều.([23])
5.khổ thơ thứ năm, người cha khuyên con:
5.1. Ví lại biết xét coi, học hỏi / Giọng hoài nghi, phá hoại đừng nghe. Đây là cái trí (óc minh triết) của bậc trượng phu, quân tử. Đức Khổng Tử dạy (Luận Ngữ, 2:18): Nghe nhiều, chỗ hoài nghi thì bảo lưu, điều biết chắc thì nói ra cẩn thận, như vậy sẽ ít lỗi lầm. Thấy nhiều, chỗ hoài nghi thì bảo lưu, điều biết chắc thì thì thực hành cẩn thận, như vậy sẽ ít hối hận.([24])
5.2. Ước mơ mà chẳng sa mê. Chẳng sa mê tức là không đắm đuối vào tửu sắc, tiền bạc. Nói về đức tánh kẻ trí, Đức Khổng Tử bảo (Luận Ngữ, 9:29): Trí giả bất hoặc.([25]) Ngoài ý nghĩa không nghi hoặc, hai chữ bất hoặc còn có nghĩa không bị mê hoặc hay sa mê. Chẳng hạn, Dương Chấn (đời Hán) bảo: Ngã hữu tam bất hoc: tửu, sắc, tài dã. (Ta có ba thứ không còn làm cho mê hoặc nữa: rượu, sắc [sex], và tiền.)([26]) Dương Chấn từng tiến cử Vương Mật làm quan huyện Xương Ấp. Vương Mật vì vậy đang đêm lén mang vàng đến tạ ơn. Dương Chấn từ chối, nên Vương Mật nài nỉ ông nhận vàng bởi vì đêm tối vắng vẻ, chẳng ai hay biết. Dương Chấn bèn mắng: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao dám nói chẳng ai hay biết?” Vương Mật phải mang vàng trở về.([27])
6.khổ thơ thứ sáu, người cha gởi gắm con trai bốn ý:
6.1. Ví lấy oai mà không nỡ dữ. Lời khuyên này không những áp dụng cho kẻ nam nhi khi ra đời và có chức phận (giữ một vị trí lãnh đạo nhỏ hay lớn), mà còn áp dụng khi ở trong nhà (làm chồng, làm cha). Bởi vậy, xưa kia người vợ gọi chồng là phu quân 夫君 (phu là chồng; quân là người làm chủ, cai trị, như ông vua); và người cha được con gọi là nghiêm đường 嚴堂 (nghiêm là uy nghiêm; đường là oai vệ, nên Nguyễn Du tả Từ Hải là: Đường đường một đấng anh hào…).
Câu Ví lấy oai mà không nỡ dữ nhắc chúng ta nhớ tới lời Đức Khổng Tử (Luận Ngữ, 20:2): Quân tử (…) uy nghiêm mà không dữ tợn.([28])
6.2. Biết gan liền, biết lựa tới lui. Ý câu này chẳng khác lời khuyên ở khổ thơ thứ hai nói ở trên (2.2.): Biết nên cương mà lại nên nhu. Ở đây, nói gan liền tức là gan lì, lì lợm, bất chấp mọi nguy hiểm. Nhưng không có nghĩa cứ đâm đầu vào chỗ hiểm nguy một cách mù quáng; trái lại, cần biết lúc nào hãy sấn tới, lúc nào phải thối lui.
Chẳng hạn, đạo bề tôi phải biết can gián vua, không sợ oai vua, đó là gan liền, dám nhi phạm chi (Luận Ngữ, 14:22), như đã nói ở trên (xem 4.2.).
Nhưng ở đời, can gián lãnh đạo uy quyền hay góp ý khuyên nhủ bè bạn thì luôn có giới hạn, tự biết tới mức độ nào thì phải dừng lại (biết lựa tới lui). Bằng không, cứ chọc lãnh đạo giận, mình ắt bị trừng phạt; cứ khiến bè bạn giận, họ đành nghỉ chơi với mình. Ý này có chép trong Luận Ngữ (4:26): Phục vụ vua [mà can gián] nhiều lần thì bị nhục. Chơi với bạn [mà khuyên can] nhiều lần thì bị xa lánh.([29])
6.3. Biết ngay thảo với mọi người. Khuyên con ngay thảo tức là người cha dạy con hãy thành thực (thành tín)có lòng tốt (nhân ái) đối với người khác. Đây là điều Đức Khổng Tử dạy con em trong nhà (Luận Ngữ, 1:6): Phận con em, hễ ở nhà thì hiếu kính cha mẹ, hễ ra khỏi nhà thì tôn kính bề trên, nói năng cẩn thận và phải thành tín, yêu khắp mi người, gần gũi bậc nhân đức.([30])
6.4. Mà không lên mặt dạy đời: ta đây! Người cha khuyên con hãy giữ đức khiêm tốn, nhún nhường.
Bản thân Đức Khổng Tử rất khiêm tốn; bởi vậy, cao đồ Tử Cống nói về sư phụ như sau (Luận Ngữ, 1:10): Thầy mình ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, khiêm tốn (…).([31])
Khiêm tốn là đức của người quân tử. Đức Khổng Tử dạy (Luận Ngữ, 15:18): Người quân tử lấy nghĩa làm gốc, làm theo lễ, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc.([32])
7.khổ thơ thứ bảy, người cha dạy con thể hiện bản lãnh trước những thăng trầm trong kiếp sống.
Biết đem can đảm làm gương tức là nêu gương can đảm, tinh thần vững vàng, đủ sức chịu đựng những khổ đau, mất mát thình lình giáng xuống đời mình.
Phàm, gặp cảnh ngộ phũ phàng, lòng người ai cũng xốn xang (cảm thấy nhức nhối trong lòng, như bị gai nhọn chọc vào gan ruột). Vì vậy, cha khuyên con mặc người, tức là chớ mềm yếu như thói thường của bá tánh, và hãy giữ lòng bình thản một khi đã hiểu rõ rằng trò đời luôn ảo hóa (vinh rồi lại nhục) y hệt những tấn tuồng cứ luôn đổi thay xoành xoạch trên sân khấu (cuộc hý trường).
Khi gặp nghịch cảnh, phải chịu khốn cùng mà vẫn có thể giữ lòng bình thản (không như thói thường xốn xang), ai đủ bản lãnh ấy thì Đức Khổng Tử gọi là người có đức nhân (đứng đầu năm đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), vì ngài bảo (Luận Ngữ, 4:2): Người không có đức nhân thì không thể ở lâu trong cảnh khốn cùng (…).([33])
Ai đủ bản lãnh như nói trên còn được Đức Khổng Tử khen là người hiền. Chẳng hạn, ngài nói về cao đồ Nhan Hồi thế này (Luận Ngữ, 6:11): Hiền thay, Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm tồi tàn, người khác ưu sầu không kham nổi cảnh khốn khó đó. Nhan Hồi không đổi niềm vui. Hiền thay, Nhan Hồi! ([34])
8.khổ thơ chót, người cha khẳng định những lời ông khuyên con là vô giá. Làm được như cha khuyên, người con sẽ đạt được một thứ mà dẫu cho đế vương, hiền thánh cũng không sánh bằng.
Thật ra, nói đế vương hiền thánh khôn tầy là cách cường điệu (exaggeration) nhằm đề cao tối đa cái giá trị mà người cha mong ước con mình sẽ đạt được: đạo làm người. Vả lại, đừng hòng trở thành hiền thánh nếu chưa trọn vẹn đạo làm người.
Đạo làm người trong Nho Giáo được gọi tắt là Đạo. Theo Đức Khổng Tử, không có gì quý hơn Đạo; bởi thế, ngài dạy (Luận Ngữ, 4:8): Sáng sớm nghe Đạo, chiều tối chết cũng cam lòng.([35]) Nói như vậy âu cũng là cường điệu nhằm đề cao hết mức giá trị của Đạo.
*
Trong kho tàng văn chương nhân loại, xưa nay vẫn có những tác giả lớn, những tâm hồn nhân bản (humanistic). Các vị ấy thực sự đã và đang lưu lại cho đời những áng văn thơ vượt không gian và thời gian. Đặc biệt trong số đó là những tác phẩm hàm chứa ý cao tình đẹp, nhằm giáo dục tâm hồn con trẻ, un đúc cho thế hệ tương lai của mỗi dân tộc - cũng là chủ nhân mai sau của mỗi đất nước - những đức tính căn bản của đạo làm người. Nếu sách giáo khoa thiếu những tác phẩm ấy (như bài chẳng hạn), phải chăng điều này là một thiệt thòi cho lớp trẻ đang còn ngồi dưới mái học đường?
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 31-10-2018


([1]) A homage to humility, understanding and quiet self-assurance, If-, has long been a poem of the people. In 1995, it was voted the nation's favourite poem in a poll conducted for National Poetry Day. (BBC News, Wednesday, July 15, 1998. Published at 18:57 GMT 19:57 UK)
http://news.bbc.co.uk/2/hi/sport/football/133354.stm
([2]) Ôn cố nhi tri tân. 温故而知新 (Luận Ngữ, 2:11).
([3]) https://www.poetryfoundation.org/poems/46473/if---
([4]) lòng manh: Manh tâm, phát sinh lòng dạ xấu xa.
([5]) Đúng ra là sá chi (kể chi).
([6]) Luận Ngữ: quần nhi bất đảng. (Lãng Nhân chú)
([7]) khuyến gián chí tôn: Can gián người đứng đầu một nước.
([8]) chẳng để thiệt hơn một người: Chẳng để một ai được phần hơn hay chịu phần kém, tức là công bằng với mọi người.
([9]) Luận Ngữ: uy nhi bất mãnh. (Lãng Nhân chú)
([10]) cuộc hý trường: Ý nói trò đời cứ thay đổi xoành xoạch như trên sân khấu, trong tuồng hát.
([11]) khôn tầy: Khôn tày, không bằng.
([12]) Bất oán Thiên, bất vưu nhân. 不怨天 , 不尤人 .
([13]) Thiếu chi thời, huyết khí vị định, giới chi tại sắc. 少之時 , 血氣未 , 戒之在色 .
([14]) Cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu. 及其 壯也 , 血氣方剛 , 戒之在鬭 .
([15]) Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ? 人不知而不慍 , 亦君子乎 ?
([16]) Quân tử vô sở tranh. 君子無所爭 .
([17]) 君子以自強不息 . Kinh Dịch, Đại Tượng Truyện quẻ Càn.
([18]) Nội tỉnh bất cứu, phù hà ưu hà cụ? 內省不疚 , 夫何憂何懼 ?
([19]) Quân tử hòa nhi bất đồng; tiểu nhân đồng nhi bất hòa. 君子和 而不同 ; 小人同而不和 .
([20]) Quân tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng. 君子矜而不爭 , 群而不黨 .
([21]) Vật khi dã, nhi phạm chi. 勿欺也 , 而犯之 .
([22]) Tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã. 四海之內 , 皆兄弟也 .
([23]) Bất hoạn quả, nhi hoạn bất quân. 不患寡 , 而患不均 .
([24]) Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu. Đa kiến khuyết đãi, thận hành kỳ dư, tắc quả hối. 多聞闕疑 , 慎言其餘 , 寡尤 . 多見闕殆 , 慎行其餘 , 則寡悔 .
([25]) 知者不惑 .
([26]) Hậu Hán Thư (Dương Chấn Truyện): 我有三不惑: , , 財也.
([27]) Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tĩnh Trai Trần Lê Nhân, Cổ Học Tinh Hoa, quyển Nhất, truyện 40 (Ông quan thanh bạch).
([28]) Quân tử (…) uy nhi bất mãnh. 君子 (…) 威而不猛 .
([29]) Tử Du (một cao đồ của Đức Khổng) nói: Sự quân sác, tư nhục hỹ; bằng hữu sác, tư sơ hỹ. 事君數 , 斯辱矣 ; 朋友數 , 斯疏矣 .
([30]) Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân. 弟子入則孝 , 出則悌 , 謹而信 , 汎愛眾 , 而親仁 .
([31]) Phu tử ôn, lương, cung, kiệm, nhưng (…). 夫子温, , , , (…). Nhượng nghĩa là khiêm nhường.
([32]) Quân tử nghĩa dĩ vi chất, lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi. 君子義以為質 , 禮以行之 , 孫以出之 , 信以成之 .
([33]) Bất nhân giả, bất khả dĩ cửu xứ ước (…). 不仁者 , 不可以久處約 (…).
([34]) Hiền tai, Hồi dã. Nhất đan thực, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai, Hồi dã. 賢哉 , 回也 . 一簞食 , 一瓢飲 , 在陋巷 , 人不堪其憂 , 回也不改其樂 . 賢哉回也 .
([35]) Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ. 朝聞道 , 夕死可矣 .