Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

16 SỐ KHÔNG / Đạo Uyển 30


SỐ KHÔNG
HOÀNG NGUYÊN
Vào khoảng cuối năm học lớp ba hay lớp bốn, do thành tích vượt khó mà tôi được nhận phần thưởng là vài quyển vở và một cuốn sách mỏng. Đó là một cuốn sách dành cho trẻ em, hình như được dịch của một tác giả người nước ngoài.
Tính tôi không được cẩn thận, đọc xong rồi để đâu đó trong tủ sách đến bây giờ tìm lại thì không còn thấy nữa. Mà hình như cuốn sách mất đã lâu vì thỉnh thoảng tôi có sắp xếp lại những cuốn sách cũ để lung tung mà không còn thấy nó.
Cuốn sách nói về đời sống của các con số, trong đó có hình ảnh của các con số được vẽ cách điệu đang nhảy nhót tung tăng. Tôi còn nhớ trong câu chuyện đó phần lớn các con số đều vui tươi trong cuộc sống của mình, chỉ riêng con số 0 tròn trịa là có gương mặt buồn và thường lẻ loi giữa chúng bạn.


Mọi con số đều cố tránh xa con số 0 vì cho rằng nó không giá trị, chỉ làm bận bịu chúng. Mọi cố gắng kết thân của số 0 với các bạn đều vô ích làm cho nó càng buồn tủi hơn. Vì thế những con số 0 lại tập hợp với nhau như những người đồng cảnh ngộ và tự vui chơi với nhau, trong khi với những dấu cộng (+), trừ (-), nhân (x), chia (:) thì những con số khác vui đùa để cho ra những kết quả đầy bất ngờ. Khi thì tự làm lớn lên, khi thì làm nhỏ lại đầy biến ảo và chúng lấy làm thích thú trong trò chơi đó.
Tôi còn nhớ hình ảnh trò chơi xích đu của chúng có con số 1 và số 2 đứng lên trên thành số 12, còn con số 3 vịn vào thanh ngang treo lủng lẳng ở dưới và con số 4 đứng một bên đưa dấu bằng (=) ra. Đại khái là những trò tinh nghịch như vậy.
Cùng với những dấu đó các con số 0 chơi đùa với nhau lại chẳng cho ra kết quả nào. Dẫu có cộng, trừ, nhân, chia thì 0 với 0 cũng vẫn là 0. Những con số khác nhìn chúng, có số thương hại, cũng có số mỉa mai. Nhưng dù sao chúng cũng có cuộc sống riêng và chấp nhận như số phận đã an bài cho chúng vậy.


Một hôm, vui đùa mãi với các con dấu rồi cũng chán, một con số 0 mon men đến gần đứng đằng sau nhìn các con số khác chơi với vẻ thèm muốn. Trong lúc đó các con số khác xếp hàng để tạo thành một kết quả khổng lồ rồi trao đổi chỗ cho nhau để ra những kết quả mới lạ.
Thấy các anh chị vui quá, nó chạy đến muốn tặng một dấu nhân mà nó chẳng biết làm gì để các anh chị chơi. Trong khi nó vừa đưa dấu nhân ra thì thấy dãy các con số bỗng hoảng hốt. Con số khổng lồ kia bỗng biến mất một cách thảm hại. Mọi con số kinh ngạc nhìn con số 0. Thì ra nó đang làm một phép tính nhân dãy số kia với 0 và cho ra kết quả bằng 0. Các con số bắt đầu lo lắng vì phép tính kỳ lạ nầy. Chúng sợ rồi sẽ đến lượt chúng cũng bị biến thành 0. Chúng bắt đầu nhìn con số 0 bằng con mắt khác, vừa e dè vừa kính nể.


Từ đó các con số 0 bắt đầu tinh nghịch. Khi chúng đứng phía sau đưa dấu chia ra thì mọi phép tính đều trở thành vô nghĩa. Khi chúng đứng xếp hàng sau một con số làm cho con số đó lớn lên một cách kỳ diệu. Khi chúng chạy ra đằng trước xếp hàng và tách số 0 đầu tiên bằng một dấu phẩy (,) thì các con số thấy mình càng ngày càng bé tẹo.
Con số 0 trở thành đặc biệt nhất trong các con số kể từ đó.
Tuy nhiên chúng vẫn cứ muốn hồn nhiên vô tư chơi với nhau. Những trò nghịch ngợm rồi cũng chán và rồi chúng nhận ra rằng với tự bản thân chúng thì dù có xoay xở thế nào nó cũng vẫn là con số 0; nó chỉ làm nên giá trị khi biết đứng sau người khác.
Đó là câu chuyện tôi còn nhớ về con số 0 ngày nào.
Tu sĩ HOÀNG NGUYÊN