Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

22/ GIÓ BỐN PHƯƠNG / ĐẠO UYỂN XUÂN 2019




Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Một đạo hữu ở thánh thất Trường An (xã Trường An, Tp Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Thư ngày 04-9-2018:
Trong cả hai quyển Đại Thừa Chơn Giáo (ĐTCG) cũ và mới, ở đoạn giải về bàn thờ Thầy có dạy: Hoa, quả, trà thể dụ tam quang. Tại sao là tam quang mà không là tam bửu? Tại sao hoa, quả, trà mà không là hoa, tửu, trà?
Huệ Khải: Chào hiền huynh. Câu hỏi này hiền huynh Vị Chân (ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TpHCM) đã nêu trong thư ngày 20-01-2016, và đã được đưa vào Gió Bốn Phương (Đại Đạo Văn Uyển tập 19, tháng 9-2016). Tuy nhiên, câu trả lời đã bị “treo” luôn cho tới hôm nay. Có thể hiền huynh không có tập 19 này, vậy xin nhắc lại như sau:
Riêng câu “Còn HOA, QUẢ, TRÀ là tam bửu của các con” (ĐTCG, bản in 1950, trang 436), được dịch ở trang 437 là “Les FLEURS, les FRUITS, le THÉ constituent vos Trois Trésors (Tam Bửu).”
Xem tiếp tới trang 444 (bản in 1950), dòng 4-5­, lại thấy: “Tinh, khí, thần, trong mình có đủ / HOA, QUẢ, TRÀ thể dụ tam quang”, và trang 445, dòng 4­, dịch HOA, QUẢ, TRÀ là “Les FLEURS, les FRUITS, et le THÉ”. Như vậy, không thể nào nghĩ rằng bản kinh 1950 đã in nhầm chữ QUẢ (fruits).
In lại câu hỏi của hiền huynh Vị Chân nơi đây, chúng tôi rất mong sẽ được các bậc cao minh chỉ giáo giúp cho.
*
@ Hiền huynh Nguyễn Đình Túc (thánh thất Hội An, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài). Thư ngày 25-9-2018:
1. Pháp Chánh Truyền được Ơn Trên ban hành trong thời gian Khai Minh Đại Đạo (tháng 10 Bính Dần, tháng 11-1926). Trong chương nói về sự hình thành tổ chức Hiệp Thiên Đài chỉ có các phẩm Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, và Thập Nhị Thời Quân. Sau lại có thêm một số phẩm như: Giám Đạo, Chưởng Ấn, Thừa Sử, Truyền Trạng, v.v… Vậy, các giáo phẩm trên do Thiêng Liêng lập tại đàn cơ nào? Có tài liệu nào nói rõ chức năng, nhiệm vụ, và quyền hạn của các giáo phẩm trên không?
2. Tại sao đối phẩm giữa chức sắc Hiệp Thiên Đài với Cửu Trùng Đài mỗi nơi mỗi khác? Ví dụ: Tại Tòa Thánh Tây Ninh thì Luật Sự đối phẩm với Chánh Trị Sự, Sĩ Tải đối phẩm với Lễ Sanh; nhưng tại Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thì Luật Sự, Sĩ Tải đối phẩm với Giáo Hữu.
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, tệ đệ trước sau chỉ là một tín đồ bình thường, lại không thuộc về một Hội Thánh nào cả, và tệ đệ thật sự không rành về cơ cấu tổ chức của từng Hội Thánh hiện hữu.
Từ khi Đạo Thầy bị chia năm xẻ bảy, mỗi Hội Thánh tại mỗi địa phương đều có không ít khác biệt về cách tổ chức hàng ngũ giáo phẩm, nghi lễ, v.v... Tệ đệ tự xét mình không đủ sức (và cũng không cảm thấy hứng thú) để tìm tòi, đối chiếu, giải thích những khác biệt ấy. Trái lại, tệ đệ chủ tâm ráng tìm hiểu giáo lý Đại Đạo vì còn có căn cứ là cả một kho tàng thánh ngôn, thánh giáo. Vả lại, tệ đệ nghĩ rằng ráng sức góp phần vào phổ thông giáo lý thì may ra còn có thể giúp ích chút gì cho bà con tín hữu trong đời tu học của đồng đạo.
Tệ đệ đăng lại đây hai câu hỏi của hiền huynh, một là để bày tỏ lòng trân trọng đối với một bạn đọc của Đạo Uyển đã tin cậy mà gởi gắm thắc mắc; hai là để mong các bậc cao minh trong nhà đạo chúng ta sẽ trả lời giúp.
Riêng về câu hỏi 1 của hiền huynh, tệ đệ chỉ biết đại khái chút chi tiết như sau:
a. Trong hoàn cảnh thời cuộc quá khó khăn (vì thực dân Pháp bách hại), Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh vắng mặt hầu hết chức sắc trong hàng Thập Nhị Thời Quân. Do đó, tiền khai Phạm Hộ Pháp cầu xin Ơn Trên cho lập thêm các phẩm chức sắc Hiệp Thiên Đài dưới cấp Thập Nhị Thời Quân.
Ngày 16-02 Ất Hợi (Thứ Tư 20-3-1935), trong một đàn cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (tiền kiếp là Victor Hugo tại Pháp) giáng dạy như sau:
CHƯỞNG ĐẠO NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN
ou [hay] VICTOR HUGO
Cười… Khi nãy có Thượng Phẩm [Cao Quỳnh Cư] và Quyền Giáo Tông [Lê Văn Trung] nơi đây, song hai vị mới hộ tiễn nữ phái… Cười… Quý hóa dữ ha!
Thưa Hộ Pháp, Bần Đạo để lời chia vui cùng Ngài. Hôm qua nhờ có thánh chỉ Chí Tôn, nên mới đặng rộng đường xuất thánh… Bần Đạo có để lời trân trọng cầu thưởng cho học tu nên mới đặng cao phong phẩm giá.
Cười… Phẩm trật rắc rối khó nói rõ, nhưng chia ba (Pháp, Đạo, Thế) thì theo sự hiểu biết của Bần Đạo như vầy:
Sĩ Tải Sécrétaire Archiviste.
Lên phẩm Truyền TrạngGreffier.
Rồi lên phẩm Thừa SửCommissaire de la Justice.
Phẩm Giám ÐạoInspecteur.
Lên phẩm Cải TrạngAvocat.
Lên phẩm Chưởng ẤnChancelier.
Lên phẩm ấy rồi tùy phái lên địa vị Hiệp Thiên Đài, nhưng phải biết rằng Chưởng Ấn phải lên địa vị Tiếp Dẫn Đạo Nhơn mà đắc phong phổ thông đặng một nước rồi mới vào chánh vị.
(...) Thăng.
(Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, quyển II).([1])
b. Sau này, dưới cấp Sĩ Tải lại lập thêm phẩm Luật Sự, do sắc lệnh số 34/SL ngày 23-5 Bính Tý (Thứ Bảy 11-7-1936) của tiền khai Phạm Hộ Pháp.([2])
Tệ đệ trích lục như trên để hiền huynh tham khảo. Kính chúc hiền huynh an lạc.
*
) Một đạo hữu, môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (điện thoại số 0915356XXX). Tin nhắn ngày 22-10-2018:
Thưa đạo huynh, Đạo Uyển Đông 2018, trang 31, chú thích số 14 có phải trích trong Pháp Bảo Đàn Kinh? Kính.
Huệ Khải: Chào đạo hữu. Chú thích 14 là để ghi lại ba câu chữ Nho trong lời dạy của Đức Minh Đức Đạo Nhơn:
T tánh bất ly thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức. Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức. Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức.”
, . , . , .
Trước khi dạy ba câu đó, Đức Minh Đức Đạo Nhơn bảo Theo Phật gia có nói” mà không nói rõ Phật gia ấy là vị nào, bởi vì Ngài không nhắc đúng nguyên văn lời kinh do cao đồ của Đức Lục Tổ Huệ Năng là Pháp Hải 法海 chép lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Phẩm Thứ Ba: Quyết Nghi 決疑).
Theo Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Thứ Ba chép (trích):
Bất ly t tánh thị công, ứng dụng vô nhiễm thị đức. [. . . ]([3]) Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình trc thị đức. Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức.
, . [ . . . ] , . , .
So sánh, chúng ta thấy:
- Đức Minh Đức Đạo Nhơn đã lược bớt sáu mươi ba từ trong Pháp Bảo Đàn Kinh, xem chú thích (3).
- Pháp Bảo Đàn Kinh chép: Bất ly tự tánh”; Đức Minh Đức Đạo Nhơn đảo lại: Tự tánh bất ly”. (Ý nghĩa chẳng khác.)
- Pháp Bảo Đàn Kinh chép: “tâm hành bình trc; Đức Minh Đức Đạo Nhơn dạy: “tâm hành bình đẳng”.
- Pháp Bảo Đàn Kinh trước chép: “Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình trc thị đức”, sau mới chép tiếp: “Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức”. Đức Minh Đức Đạo Nhơn trước dạy: “Tự tu tánh thị công, tự tu thân thị đức”, sau mới dạy tiếp: “Niệm niệm vô gián thị công, tâm hành bình đẳng thị đức”. (Nghĩa là Ngài đảo thứ tự hai câu ấy.)
Kính thưa đạo hữu, rất cảm ơn đạo hữu khéo nhắc, nhờ vậy tệ đệ có thể bổ khuyết phần chú thích thánh giáo.
*
@ Một hiền muội ẩn danh, tu sinh tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Điện thư ngày 09-11-2018:
Có hai đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, đều do bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công:
A. Ngày 15-6 Mậu Thân (Thứ Tư 10-7-1968), Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng cơ dạy: “Sách có câu Tiền xa ký phúc’ / Thấy đổ rồi tránh khúc quanh co / Trên đường đạo đức lần dò / Thiện tâm, thiện chí vai trò mới nên.
B. Ngày 01-4 Kỷ Dậu (Thứ Sáu 16-5-1969), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt giáng cơ dạy: “Nhứt là năm này, niên khóa này, cần phải ẩn hơn là hiện. Ẩn không phải là không hoạt động. Ẩn để chuẩn bị một ngày mai, gọi là dĩ dt đãi lao.”
Xin Đạo Uyển giảng nghĩa giúp đạo muội bốn chữ tiền xa ký phúc, và dĩ dt đãi lao. Dịch ra tiếng Anh thế nào ạ? Xin cảm ơn Ban Ấn Tống nhiều ạ.
Huệ Khải: A. Chào hiền muội. Người xưa nói: Tiền xa ký phúc, hậu xa đương giới. 前車既覆 , 後車當戒 . (Xe trước lật nhào rồi, xe sau nên tránh.) Giải nghĩa từng chữ như sau:
Tiền là đằng trước (ahead); hậu là phía sau (behind); xa ở đây chúng ta hiểu là xe do súc vật kéo (cart); nghĩa là đã rồi (already); phúc là lật nhào, đổ nhào (overturning, being overtuned); đương là nên (should, ought to); giới là phòng ngừa, đề phòng (guarding against, taking precautions against).
Vậy, câu Tiền xa ký phúc, hậu xa đương giới có thể dịch như sau: The overturned cart ahead should be a warning to the cart behind.
Môt dị bản của câu này là: Tiền xa ký phúc, hậu xa khả giới.
Khả là có thể (possible). Hậu xa khả giới là xe sau có thể tránh. Vậy, câu Tiền xa ký phúc, hậu xa khả giới có thể dịch như sau: The overturned cart ahead may be a warning to the cart behind.
B. Dĩ dật đãi lao 以逸待勞. Giải nghĩa từng chữ như sau:
là lấy, dùng (taking, using). Dật là nhàn rỗi, nhàn nhã (leisure). Đãi là chống lại, đương cự lại, đối phó (dealing with); còn có nghĩa là chờ đợi (waiting). Lao là lao nhọc, nhọc nhằn, mệt mỏi (weariness, tiredness).
Dĩ dật đãi lao tương truyền là một trong ba mươi sáu chước chép trong binh pháp của Tôn Tử (545-470 trước Công Nguyên), có nghĩa là lấy nhàn đánh mệt, cho quân được nghỉ ngơi, dưỡng sức khỏe khoắn để chờ cơ hội đánh quân địch đang mệt mỏi, đuối sức (waiting at one's ease for the exhausted enemy). Đây là nghĩa thứ nhất.
Tam Quốc Chí, hồi 71, kể chuyện lão tướng Hoàng Trung (bên Lưu Bị) cho quân chiếm cứ núi Đối. Tướng Hạ Hầu Uyên (bên Tào Tháo) xua quân giành lại. Quân của Uyên vây kín núi Đối, chửi mắng đối phương thậm tệ, reo hò thách thức giao chiến. Quân Hoàng Trung trên núi mặc kệ. Đến quá trưa, quân của Uyên trở nên mỏi mệt, hết cả hăng hái. Bấy giờ Hoàng Trung mới xua đại quân kéo xuống núi, khí thế ngút trời. Hạ Hầu Uyên chưa kịp trở tay đã lãnh nguyên một đao của Hoàng Trung mà tử trận. Quân Tào tan tác. Đó là Hoàng Trung biết dùng kế dĩ dật đãi lao mà đại thắng.
Nghĩa thứ hai là dưỡng sức chờ tới thời cơ thì ra tay (nurturing one’s strength and biding one’s time). Thành ngữ dĩ dật đãi lao trong thánh giáo Đức Lê Đại Tiên nên hiểu theo nghĩa thứ hai. Sự chờ thời cơ ở đây mang nghĩa tích cực: Tuy chưa thi thố nhưng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết. Thí dụ, người ở ẩn (ẩn dật) vẫn phải học hành, rèn luyện để giỏi giắn hơn, hữu hiệu hơn một khi xuất thế giúp đời. Chẳng hạn, khi đạo gặp nghịch cảnh thử thách, chùa bế thất niêm, người hướng đạo vẫn bền gan ẩn thân tu luyện tâm pháp và học hỏi kinh điển cho thông suốt giáo lý. Đến khi thời thế hanh thông, người hướng đạo sẽ vào đời đem hết vốn liếng hàm dưỡng, tu học bấy lâu ra giúp đạo giúp đời. Đó là thực hành đúng theo bí quyết dĩ dật đãi lao.
Lấy thí dụ khác, có giai đoạn kéo dài nhiều năm, việc xuất bản kinh sách Cao Đài chưa được giới hữu trách cho phép. Người dĩ dật đãi lao cứ bình thản nghiên cứu, biên soạn sẵn các tài liệu hoằng pháp cho kỹ càng; làm xong bao nhiêu bản thảo thì cứ để dành đó. Đến khi có điều kiện xuất bản thì đã sẵn sàng nhiều bản thảo rồi, sẽ tùy duyên đem ra ấn hành.
Tiếng Anh có thành ngữ biding one’s time. Từ điển Oxford giảng: Waiting quietly for a good opportunity to do something (lẳng lặng đợi chờ dịp tốt làm việc gì). Đó là dĩ dật đãi lao.
*
) Một đạo huynh, môn sanh Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh (điện thoại số 0837129XXX). Gọi điện ngày 15-11-2018:
Giải Mã Truyện Tây Du (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011), trang 165, mục B, có câu: “Hầu Vương hỏi thăm bài hát này học từ đâu, được người kiếm củi chỉ đến động Tà Nguyệt Tam Tinh, núi Linh Đài Phương Thốn, do Tổ Sư Tu Bồ Đề làm chủ.” Theo tôi nhớ, ông Tu Bồ Đề là đại đệ tử Đức Phật Thích Ca. Xin đạo huynh Huệ Khải vui lòng coi lại chi tiết này.
Huệ Khải: Chào hiền huynh. Cảm ơn hiền huynh quan tâm một tập sách của tệ đệ. Vâng, hiền huynh nhớ đúng: Ông Tu Bồ Đề 須菩提 (Subhūti) là một trong mười cao đồ của Đức Phật Thích Ca. Chính ông đã thỉnh Đức Phật giảng Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. Khi hư cấu tiểu thuyết Tây Du Ký, nhà văn Ngô Thừa Ân đã mượn tên ông Tu Bồ Đề để đặt tên cho sư phụ của Hầu Vương.
Tệ đệ tham khảo Tây Du Ký, Tập I (Hà Nội: Nxb Văn Học, 1982, bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh), trang 43, in như sau:
Người kiếm củi cười: Gần thôi, gần thôi. Núi này gọi là “Linh Đài Phương Thốn”. Trong núi có động “Tà Nguyệt Tam Tinh”. Trong động có vị thần tiên tên gọi Tu Bồ Đề tổ sư.
Bản chữ Hán cũng viết là Tu Bồ Đề:
樵夫道 : 不遠 , 不遠 . 此山叫做靈臺方寸山 , 山中有座斜 月三星洞 , 那洞中有一  個神仙 , 稱名須菩提祖師 . 
(Tiều phu đạo: Bất viễn, bất viễn. Thử sơn khiếu tố Linh Đài Phương Thốn sơn, sơn trung hữu  tọa Tà Nguyệt Tam Tinh động, na động trung hữu nhất  cá thần tiên, xưng danh Tu Bồ Đề tổ sư.)
Kính chúc hiền huynh an lạc và mong được nhận thêm các góp ý của hiền huynh để giúp ích cho các sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện.
*
* Hiền tỷ Nguyễn Thị Kim Oanh, đường Bến Vân Đồn, quận 4, TpHCM. Thư ngày 24-11-2018:
Đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-6 Mậu Thân (Thứ Tư 10-7-1968), Đức Thanh Hư Đạo Đức Chơn Quân dạy: “Chư hiền nên nhớ câu nầy: Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi.”
Cũng trong đàn cơ này Đức Liên Hoa Thánh Mẫu có nói tới “tân toan hàm khổ”. Kính nhờ Gió Bốn Phương giải nghĩa giúp các chữ Nho trên đây. Xin cảm ơn quý vị.
Huệ Khải: Chào hiền tỷ. Xin lần lượt trình bày như sau:
1. Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微 có trong sách Trung Dung, chương I. Nghĩa từng chữ như sau:
Mạc là chẳng có gì mà (There’s none that...). Hiện là hiện ra rõ, nhìn thấy rõ (visible). Hồ là từ dùng để so sánh, cũng giống chữ than trong tiếng Anh (xem câu dịch của James Legge bên dưới). Ẩn là kín nhẹm (secret), ẩn giấu, che giấu (hidden, concealed). Hiển cũng như hiện (nên ta nói hiển hiện) tức là tỏ rõ, thấy rõ (apparent, visible). Vi là nhỏ nhặt, bé tí ti (tiny, minute), nên ta nói vi trùng, vi khuẩn...
 James Legge dịch Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi như sau: There is nothing more visible than what is secret, and nothing more manifest than what is minute. (Chẳng có gì lồ lộ hơn cái che giấu, chẳng có gì phơi bày rõ ràng hơn cái nhỏ bé tí ti.)
Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi có một ý nghĩa luân lý cao sâu. Đó là những gì càng khuất lấp thì lại càng phơi bày ra rất rõ ràng trước mắt thần minh (gods, deities). Do đó, người quân tử dù ở nơi thanh vắng, riêng mình lẻ loi vẫn thận trọng giữ gìn tư cách, phẩm hạnh của mình. Bởi vậy, trong sách Trung Dung, nối tiếp theo sau Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, liền có câu: cố quân tử thận kỳ độc dã.
James Legge dịch: Therefore the superior man is watchful over himself, when he is alone. (Bởi vậy người quân tử thận trọng giữ mình khi lẻ loi, đơn chiếc.)
Diệu Nguyên kể tích xưa: Dương Chấn được bổ làm thái thú quận Đông Lai. Trên đường phó nhậm đi qua đất Xương Ấp. Quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước kia được Dương Chấn đề bạt. Thế nên đợi đêm khuya, Vương Mật đem vàng đến tạ ơn. Dương Chấn bảo: “Trước đây tôi biết ông là người khá, mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới cho tôi ư?” Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin Ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết.” Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết!” ([4])
Chúng ta thấy Dương Chấn quả là người khéo áp dụng câu Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi để giữ đức thanh liêm.
Câu Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi, cố quân tử thận kỳ độc dã được bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (1921-2014) dịch rất hay:
Càng ẩn áo lại càng hiện rõ,
Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.
Nên dù chiếc bóng tịch liêu,
Đã là quân tử chẳng xiêu lòng vàng.
Chiếc bóng là lẻ bóng, một mình. Tịch liêu là yên lặng, vắng vẻ. Lòng vàng là lòng thanh cao, đạo đức rất đáng quý. Chẳng xiêu là chẳng lay chuyển, không dao động, vẫn vững vàng.
2. Tân toan hàm khổ 辛酸鹹苦 theo thứ tự là bốn vị cay (pungent), chua (sour), mặn (salty), đắng (bitter).
*


([1]) https://www.daotam.info/booksv/daosu/dshh.htm.
([2]) https://www.daotam.info/booksv/tvrcdhppct.htm
([3]) Sáu mươi ba từ đưc lưc bớt: Nhược mịch công đức pháp thân, đãn y thử tác, thị chân công đức. Nhược tu công đức chi nhân, tâm tức bất khinh, thường hành phổ kính. Tâm thường khinh nhân, ngô ngã bất đoạn, tức tự vô công, tự tính hư vọng bất thật, tức tự vô đức; vi ngô ngã tự đại, thường khinh nhất thiết cố. Thiện tri thức! , , . , , . , , , , ; , . ! (Nếu tìm kiếm pháp thân của công đức, chỉ có làm y theo đây mới là công đức chơn thật. Nếu người tu hạnh công đức, thì tâm chẳng khinh người, thường cung kính mọi người. Tâm hay khinh người, ta người chẳng dứt, tức là tự mình chẳng có công, tự tánh hư vọng không thật, tức là tự mình chẳng có đức; bởi vì cái ngã của mình mà tự cho mình là lớn, nên hay khinh thường tất cả người khác. Này thiện tri thức!)
([4]) Ánh Sáng Của Trần Gian. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 94. Quyển 120-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.



Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)