Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

17/ VÔ TRI BẤT MỘ, HỮU TRI ĐẮC ĐẠO / ĐẠO UYỂN XUÂN 2019


HỘI NGỘ LIÊN TÔN LẦN THỨ VIII
Nhân dịp kỷ niệm 120 năm từ trần của ngài Petrus Trương Vĩnh Ký (1898-2018), danh nhân văn hóa Việt Nam, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn (thuộc Tổng Giáo Phận Tp.HCM) đã tổ chức buổi HỘI NGỘ LIÊN TÔN LẦN THỨ VIII, lúc 14 giờ 30, Thứ Bảy, ngày 27-10-2018, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Tp.HCM (số 6 bis, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận Một, TpHCM).
Chủ đề buổi Hội Ngộ lần thứ tám là: HIỂU BIẾT PHỤNG SỰ NHÂN SINH. Theo chương trình, nhằm cùng nhau chia sẻ đôi nét về di sản tinh thần của ngài Trương Vĩnh Ký, nội dung chính buổi hội ngộ bao gồm năm câu chuyện sau đây:
1. Tương quan giữa khoa học với tôn giáo. Trình bày: ông Nguyễn Đình Thỏa (Cộng Đồng Tôn Giáo Baha'i Việt Nam).
2. Vô tri bất mộ, hữu tri đắc đạo. Trình bày: đạo hữu Huệ Khải (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ).
3. Đức khôn ngoan theo Kinh Thánh Kitô Giáo. Trình bày: mục sư Trần Thanh Truyện (Kitô Giáo).
4. Chữ Trí trong Nho Giáo. Trình bày: đạo trưởng Đại Bác (Minh Lý Đạo).
5. Duy tuệ thị nghiệp - Chữ Trí theo nhà Phật. Trình bày: sư cô Thích Nữ Hương Nhũ (Phật Giáo).
Chúng tôi in lại đây nội dung phần trình bày của đạo hữu Huệ Khải. (BAN ẤN TỐNG)




VÔ TRI BẤT MỘ, HỮU TRI ĐẮC ĐẠO
Huệ Khải
Ban Tổ Chức có nhã ý mời tôi góp một câu chuyện nhỏ nhân dịp kỷ niệm một trăm hai mươi năm Đức Petrus Trương Vĩnh Ký về với Chúa. Đề tài do Ban Tổ Chức đề xuất là: VÔ TRI BẤT MỘ, HỮU TRI ĐẮC ĐẠO.
Đề tài này bao gồm hai ý: (1) VÔ TRI BẤT MỘ; và (2) HỮU TRI ĐẮC ĐẠO. Có thể nói rằng hai ý này đều phù hợp với cuộc đời Đức Phêrô Gioan Baotixita Trương Vĩnh Ký (trên các bìa sách khi xưa, tên ngài được ghi tắt là P.-J.-B. Trương-Vĩnh-Ký).
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu ý thứ nhất: VÔ TRI BẤT MỘ 無知不慕. Bốn chữ này có nghĩa: Không biết (thì) không mến. “Gắn” bốn chữ này vào “số phận” Đức Phêrô Ký, chúng ta có thể giải nghĩa là: Không hiểu biết P. Ký thì không có lòng ái mộ, thương mến P. Ký.
Khi còn sống, có lẽ Đức Phêrô Ký đã tự biết người đương thời hay lớp người đời sau vì không hiểu ngài nên họ chẳng ngại ngần mà trút cho ngài nhiều lời phê phán rất đớn đau. Bởi vậy, phía trên cửa vào nhà mồ của ngài ở Chợ Quán (nay ở góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, quận 5) có khắc câu La Tinh: Miseremini mei, saltem vos amici mei. Câu này mượn trong Cựu Ước (Gióp 19:21): Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là bè bạn. (Have pity on me, my friends, have pity, . . .)
Không những thế, trước khi lìa xa cõi tạm đầy nhóc thị phi này, Đức Phêrô Ký có làm một bài thơ tám câu, mà hai câu kết là: Cuốn sổ bình sinh công với tội / Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.
Tìm nơi nào mới có được vị quan tòa tuyệt đối công minh, chánh trực? Ở chốn nhân gian trắng đen điên đảo này e rằng tìm hoài vẫn không thấy; bởi vậy, Đức Phêrô Ký rốt cuộc chỉ còn biết trông cậy vào sự minh xét của Đấng có quyền năng tách riêng chiên và dê trong ngày phán xét cuối cùng (Mátthêu 25:31-46).
Xanh xanh nào có phụ người hiền.([1]) Thật vậy, Đức Phêrô Ký đã được tách riêng, đã được đứng bên phải Đấng phán xét (Mátthêu 25:33), bởi vì Đức Phêrô Ký là một chiên rất lành, một người rất công chính.
Là chiên rất lành, là người rất công chính, Đức Phêrô Ký đã hiểu biết Đạo làm Người (hữu tri Nhân Đạo), thế nên dù phải sống trong một hoàn cảnh lịch sử nghiệt ngã, nhiều nỗi éo le, trước sau ngài vẫn sống trọn vẹn Đạo làm Người. Bởi vậy, khi đã về trời thì ngài đắc quả Thánh. Thì ra HỮU TRI ĐẮC ĐẠO 有知得道 chính là chỗ đó.
Nói rằng Đức Phêrô Ký đắc quả Thánh, dễ khiến bá tánh phát sinh câu hỏi: Ăn cơm dưới đất, sao biết chuyện trên trời? Hỏi như thế hoàn toàn hợp lý. Bằng chứng nào vậy? Không lẽ chúng ta trả lời: Phúc cho ai không thấy mà tin (Gioan 20:29)?
*
Đạo Cao Đài (tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) ra đời ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20, sử dụng đồng tử (mediums), lập đàn cầu cơ (evoking seances) để các Đấng thiêng liêng giáng trần dạy đạo. Qua phương tiện thông công như vậy, nhiều vị anh hùng liệt nữ dân tộc, các bậc danh Nho chí sĩ nước Nam, đã có thể từ cõi trời trở xuống cõi người để dạy đạo, gởi gắm tấc lòng tiền nhân với đàn hậu tấn là con Hồng cháu Lạc. Trong số các vị giáng cơ, có Đức Trương Vĩnh Ký.([2])
1. Chủ Nhật 30-4-1972, trong một đàn cơ lập ở Tân Định (quận 1, Sài Gòn), có một Đấng giáng, xưng danh như sau:
TRƯƠNG cờ Đại Đạo khắp Nam bang
VĨNH cửu trường sanh ngọn phướn vàng
bút lưu đề danh hậu tấn
LAI ĐÀN đàm luận đạo Kỳ Tam.([3])
Đây là lối thơ quán thủ (tiếng Anh gọi là acrostic). Ráp năm chữ ở đầu bốn câu thơ chúng ta biết Đấng giáng cơ xưng danh là: TRƯƠNG VĨNH KÝ LAI ĐÀN. (Lai đàn: đến đàn cơ.)
2. Trước đó ba mươi bốn năm, vào tháng 3-1938, trong một đàn cơ lập trên đỉnh núi Heo (nằm về phía tây núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh), có một Đấng giáng, xưng danh như sau:
TRƯƠNG cánh buồm loan độ khách trần
ẨN vừng mây bạc cứu nguyên nhân
tu Đại Đạo chơn hòa lý
CHÍ đức thành tâm khí hiệp thần
THÁNH bút chơn truyền đời ngộ giáo
HẬU hòa chủng loại thọ Thiên ân
minh giáo lý Thiên thơ tác
GIÁNG lịnh mừng kinh vịnh mấy vần.
Ráp tám chữ ở đầu tám câu thơ chúng ta biết Đấng thiêng liêng ấy xưng danh là TRƯƠNG ẨN SĨ CHÍ THÁNH HẬU SƯ GIÁNG. Liền sau bài thơ, Đức Chí Thánh Hậu Sư bảo: Mừng chư sĩ. Chư sĩ biết Ta chăng? Ta là Trương Vĩnh Ký đây.([4])
3. Vẫn trong tháng 3-1938, tại một đàn cơ khác cũng lập trên đỉnh núi Heo, Đức Trương Vĩnh Ký trở lại, xưng danh như sau:
TRƯƠNG máy huyền vi cứu thế tàn
ẨN theo chân đạo độ nhân gian
tu khuyên khá tầm ra lý
GIÁNG thế Kỳ Ba lịnh Ngọc Hoàng.([5])
Bài thơ quán thủ là: TRƯƠNG ẨN SĨ GIÁNG.
Chúng ta biết rằng trong khoảng mười năm cuối đời, Đức Phêrô Ký sống ẩn dật trong cảnh nghèo tại nhà riêng ở Chợ Quán, Sài Gòn (góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, quận 5 ngày nay). Đó là lý do trong hai lần giáng cơ ở Tây Ninh, Đức Hậu Sư Chí Thánh Trương Vĩnh Ký đều xưng danh là Trương Ẩn Sĩ (Kẻ sĩ họ Trương ở ẩn).
Thời xưa, Đức Khổng Tử đã được kính thờ là TIÊN SƯ CHÍ THÁNH 先師至聖 (hay Chí Thánh Tiên Sư). Trong thế kỷ 20, nhờ cơ bút đạo Cao Đài, chúng ta biết rằng ngài Trương Vĩnh Ký đã được Đức Cao Đài Ngọc Đế trên Thiên Đình phong là HẬU SƯ CHÍ THÁNH 後師至聖 (hay Chí Thánh Hậu Sư).
*
Trong lần giáng cơ thứ hai ở đỉnh núi Heo, Đức Trương Vĩnh Ký thổ lộ:
Đến khi chết đặng [được] Chí Tôn xét công mà ban cho là HẬU SƯ CHÍ THÁNH.([6])
Chúng ta tự hỏi: Lúc sống ở trần gian, ngài Phêrô Ký lập được công trạng gì?
Bình sanh ngài có nhiều công, trong đó công lớn của ngài là giữ trọn lòng thanh bạch, tận dụng hết trí tài hy hữu để soạn nên khoảng một trăm hai mươi quyển sách mà hầu hết đều là sách dạy đời đạo lý, luân thường, lễ nghĩa của hiền thánh đời xưa.
Trong một đàn cơ ngày Thứ Năm 10-12-1931 của Chiếu Minh Tam Giáo ở Cần Thơ, Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
(N)gười văn chương quân tử mà làm đặng mt pho sách dạy chúng luân thường đạo lý thì người đặng thành Thánh.([7])
Tại Vạn Quốc Tự (đường Phan Thanh Giản, quận 10, Sài Gòn), Đức Ni Sư Diệu Lộc giáng cơ dạy:
Từ cõi Thiên Đình hay Niết Bàn, Bồng Lai Tiên Cảnh đến cửa đạo đức, không một vị Phật Tiên Thánh Thần hay nhà lãnh [đạo tôn] giáo nào thiếu TRUNG, HIẾU, TÍN, NGHĨA, NHÂN, LỄ, LIÊM, SỈ mà nên.
Vậy thì, đạo quả HẬU SƯ CHÍ THÁNH minh chứng rằng khi còn mang thân phận mỏng giòn trên cõi trần, Đức Phêrô Ký đã trọn vẹn tám tiêu chuẩn của Đạo làm Người là: trung, hiếu, tín, nghĩa, nhân, lễ, liêm, sỉ.
Trong hơn một thế kỷ vừa qua, ở đâu đó, có những ai đó, vì mấy lý do nào đó, mà không tiếc lời kết án hiền nhân Petrus Ký. Họ nói gì mặc lòng, riêng đối với những người con áo trắng Cao Đài thì tự thân sự kiện Đức Trương Vĩnh Ký được Đức Cao Đài Thượng Đế ban phong quả vị Hậu Sư Chí Thánh đã mặc nhiên trả lại tiếng thơm muôn thuở muôn phương cho hiền nhân Petrus Ký, một con chiên rất lành, một môn đồ rất công chính của Thầy Giêsu rồi vậy.
HUỆ KHẢI



([1]) Tòa Thánh Tây Ninh, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ nhứt. Sài Gòn: Nhà in Tuyết Vân, 1964, tr. 116. (Xanh xanh: Cũng như Ông Xanh, Cao Xanh, tức là Trời, Thượng Đế.)
([2]) Một trường hợp khác là Đức Phan Thanh Giản, “số phận” cũng éo le chẳng kém Đức P. Ký. Xin tham khảo: Huệ Khải, Phan Thanh Giản Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018. Quyển 119-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. (Đạo Uyển chú)
([3]) Huệ Khải, Petrus Ký Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 9.
([4]) Petrus Ký Xưa Và Nay, tr. 12.
([5]) Petrus Ký Xưa Và Nay, tr. 21.
([6]) Petrus Ký Xưa Và Nay, tr. 27.
([7]) Kinh Tam Nguơn Giác Thế. Cần Thơ: nhà in Phương Nam, 1953, tr. 36.

PETRUS KÝ, (…), học giả Việt Nam; tác phẩm của ông làm cầu nối văn minh nước ông với văn minh phương Tây. / PETRUS KY, (…), Vietnamese scholar whose literary works served as a bridge between his civilization and that of the West.
Từ Điển Bách Khoa Anh / ENCYCLOPÆDIA BRITANNICA




Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)