Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

08/ NGŨ NGUYỆN / ĐẠO UYỂN XUÂN 2019






Bản thảo giáo khoa Cao Đài
Trong đạo Cao Đài hiện nay đang có nhu cầu biên soạn các bài giảng về kinh cúng, giáo lý căn bản, v.v… ngõ hầu triển khai trong các khóa học được tổ chức tại các Hội Thánh, thánh thất, thánh tịnh, học viện, v.v… Mục BẢN THẢO GIÁO KHOA CAO ĐÀI mở ra nhằm dần dần đáp ứng chút ít tài liệu tham khảo, ước mong góp phần bé mọn để quý đạo hữu giảng viên có thể nhẹ bớt phần nào “gánh nặng” trong muôn một.
Việc đăng bài nơi đây sẽ tùy duyên, nghĩa là trong khả năng hạn hẹp, hễ có được bài giảng nào thì phổ biến bài đó. Biển học vô bờ. Chúng tôi kính mong và tin tưởng quý đạo hữu luôn hoan hỷ lượng thứ mọi nhầm lẫn, thiếu sót nếu chúng tôi vướng phải, và sẽ vui lòng chỉ giáo để chúng tôi kịp thời sửa chữa chỗ sai lầm, bổ túc chỗ thiếu sót. Gọi mục này là “Bản thảo giáo khoa” cũng vì lẽ ấy. (H.Kh.)
NGŨ NGUYỆN
I. KINH VĂN
Nam mô:
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh.
Tam nguyện xá tội đệ tử.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình.
Ngũ nguyện thánh thất an ninh.
II. KHẢO DỊ
1. Theo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, và Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, bốn câu nguyện 2, 3, 4, và 5 đều đọc là: Nam mô nhì nguyện, Nam mô tam nguyện, Nam mô tứ nguyện, Nam mô ngũ nguyện.
2. Theo Cao Đài Thống Nhứt (nay không còn hành đạo), khi xưa câu nguyện 5 đọc là: Nam mô ngũ nguyện Đại Đạo quy nguyên.
3. Theo Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, câu nguyện 5 đọc là: Nam mô ngũ nguyện tịnh thất an ninh.
III. CHÚ GIẢI
Lịch sử:
Năm 1926: Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) in Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh (Sài Gòn: nhà in Xưa Nay, 34 trang ruột và bìa, khổ 12x15,5cm). Trang 32 kết thúc với Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối; không có Ngũ Nguyện.


Năm 1927: Tiền khai Hương Thanh (1874-1937) in Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh (Sài Gòn: nhà in L’Union, 40 trang ruột và bìa, khổ 12x15cm). Ngay trước bài Niệm Hương (trang 1) có in Ngũ Nguyện, chữ Hán và quốc ngữ.
Như vậy, suy ra Ngũ Nguyện có thể xuất hiện từ năm 1927, nhưng chưa biết do thánh giáo nào ban truyền, và ở đâu.
Câu 1:
Nam: Gốc chữ Sanskrit là namas, chữ Nho viết 南無 (nam vô), nhưng vẫn đọc nam mô, nghĩa là chí tâm thành kính hướng trọn về Ơn Trên.
Nhứt nguyện 一願: Điều thứ nhứt xin cầu nguyện cho (Firstly, we pray for). Điều thứ nhứt xin hứa nguyện (Firstly, we pledge that …).
Đại Đạo 大道: Nói tắt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (the Great Way of the Third Universalism).
Hoằng khai 弘開: Mở mang rộng khắp (being extensively developed).
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai 一願大道弘開:
(a) Hiểu theo nghĩa thụ động là trước tiên cầu nguyện cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được hoằng khai (Firstly, we pray for the extensive development of the Great Way of the Third Universalism).
(b) Hiểu theo nghĩa tích cực là trước tiên chúng con xin hứa nguyện hoằng khai Đại Đạo (Firstly, we pledge to extensively develop the Great Way of the Third Universalism).
Câu 2:
Nhì nguyện 二願: Điều thứ nhì xin hứa nguyện (Secondly, we pledge that …).
Phổ độ chúng sanh 普度眾生: Truyền bá đạo Thầy rộng khắp để giúp chúng sanh thức tỉnh tu hành (Diffusing Caodaism extensively to help human beings be awakened and cultivate themselves).
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh 二願普度眾生: Điều thứ hai xin hứa nguyện truyền bá đạo Thầy rộng khắp để giúp chúng sanh thức tỉnh tu hành (Secondly, we pledge to diffuse Caodaism extensively to help human beings be awakened and cultivate themselves).
Câu 3:
Tam nguyện 三願: Điều thứ ba xin cầu nguyện (Thirdly, we pray for …).
Xá tội 赦罪: Tha thứ tội lỗi (forgiving sins).
Đệ tử 弟子: Học trò (disciple), tiếng môn đệ Đức Cao Đài tự xưng.
Tam nguyện xá tội đệ tử 三願赦罪弟子: Điều thứ ba xin cầu nguyện Thầy tha tội cho chúng con (Thirdly, we pray to God for the forgiveness of our sins).
Câu 4:
Tứ nguyện 四願: Điều thứ tư xin cầu nguyện (Fourthly, we pray for …).
Thiên hạ 天下: Toàn cõi thế gian (the whole world).
Thái bình 太平: An ổn, yên lành (peaceful).
Tứ nguyện thiên hạ thái bình 四願天下太平: Điều thứ tư xin cầu nguyện cho thế gian thái bình (Fourthly, we pray for the peace of the whole world).
Câu 5:
Ngũ nguyện 五願: Điều thứ năm xin cầu nguyện (Fifthly, we pray for …).
Lưu ý: Hai chữ Ngũ Nguyện ở nhan đề lại có nghĩa là năm lời cầu nguyện (The Five Prayers).
Thánh thất 聖室: Nhà thánh (holy house), nơi thờ Đức Cao Đài và là nơi họp, sinh hoạt, hành đạo, tu học của tín đồ Cao Đài.
An ninh 安寧: Yên ổn, thanh tịnh (in repose).
Ngũ nguyện thánh thất an ninh 五願聖室安寧: Điều thứ năm xin cầu nguyện cho thánh thất được an ninh (Fifthly, we pray for the repose of our holy house).
IV. TỔNG LUẬN
1. Khi nguyện Đại Đạo hoằng khai, người tín đồ Đại Đạo phải ráng sức phổ thông, phổ truyền giáo lý để hoằng khai Đại Đạo (phát triển tôn giáo của mình), và muốn hoằng khai Đại Đạo thì phải chăm lo phổ độ chúng sanh. (Câu nguyện thứ nhất và câu nguyện thứ hai không tách rời nhau).
2. Khi nguyện phổ độ chúng sanh (độ tha) thì cũng hiểu rằng mỗi một người chính là một phần tử của chúng sanh, và bản thân mỗi người còn là tập hợp của vô số chúng sanh (là các tế bào). Vậy, phổ độ chúng sanh thì không quên điều căn bản là phải cứu độ lấy chính mình (tự độ). Thân mình không độ, lại độ thân ai? (Ngô thân bất độ, hà thân độ? 吾身不度, 身度?)
3. Khi nguyện xin Thầy tha tội bản thân, người tín đồ cũng nên biết tha thứ lỗi lầm kẻ khác. Tâm hỷ xả, bao dung giúp cho cộng đồng đoàn kết, tránh cho nội bộ bất hòa, chung tâm chung sức cùng lo phổ độ chúng sanh, cũng là góp phần cho thiên hạ thái bình, thánh thất an ninh.
4. Khi nguyện thiên hạ thái bình, người tín đồ còn ý thức không làm tổn hại đến sự an bình của cộng đồng chung quanh mình, góp phần cho chúng sanh an vui, cũng là phương tiện phổ độ chúng sanh.
5. Khi nguyện thánh thất an ninh, mỗi thành viên trong một thánh sở hay tổ chức Cao Đài ý thức gìn giữ cho cộng đồng mình không bị rạn nứt vì khảo đảo. Là một phần tử của “thiên hạ”, thánh thất an ninh sẽ góp phần cho thiên hạ thái bình.
Hơn nữa, thánh thất là nơi thờ Đức Thượng Đế, nơi tín đồ tu học và hành đạo. Thánh thất hiểu sâu xa hơn còn là thân mạng mỗi tín đồ, trong đó có Thượng Đế nội tại (immanent God). Khi nguyện thánh thất an ninh, người tín đồ ý thức biết bảo trọng sinh mạng. Nếu khinh suất làm mất sự sống của người tu thì không còn xác thân làm phương tiện tu hành, lập công bồi đức, cũng không thể phổ độ chúng sanh hay hoằng khai Đại Đạo.
Ngũ nguyện tuy năm mà chung quy vẫn một lý. Nguyện ở đây không phải chỉ là cầu xin tha lực và đợi chờ sự ban bố của Ơn Trên. Nguyện còn có nghĩa là tự nhắc nhở mình vào mỗi thời cúng trong ngày, tâm tâm niệm niệm thực thi điều bản thân mong muốn (nguyện). Trong tha lực có tự lực, đó là một giá trị nhân bản trong phương pháp tu hành của đạo Cao Đài.
V. THÁNH GIÁO DẠY VỀ NGŨ NGUYỆN
1. Về câu nguyện 5:
Tại Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 14-01 Kỷ Dậu (Chủ Nhật 02-3-1969), Đức TAM TRẤN OAI NGHIÊM QUAN ÂM NHƯ LAI dạy:
Câu nguyện chót là “Ngũ nguyện thánh thất an ninh”. Thông thường, chư hiền đệ muội hiểu nghĩa rất hẹp là cầu nguyện cho thánh thất là chỗ thờ phượng được an ninh. Nếu hiểu như vậy thôi thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cần phải nêu câu ấy lên để mà làm chi.    
(…)
Chư hiền đệ muội phải hiểu như thế này: Thánh thất gồm có Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên Đài. Thánh thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ, trong đó có cả từ Thượng Đế đến vạn linh. Một tổ chức rộng lớn như vậy cũng thể hiện cho càn khôn vũ trụ. Muốn cho càn khôn vũ trụ được điều hòa nhựt nguyệt tinh tú, Thượng Đế phải nắm giữ quyền pháp, cũng như điều hành guồng máy đạo. Một tổ chức từ nhỏ đến lớn cũng phải có quyền pháp. Nếu không quyền pháp điều hành vận chuyển thì các khối tinh cầu trong vòng luân chuyển sẽ đụng nhau, thì vũ trụ này mất an ninh. Còn các phần hành của mỗi tổ chức không theo quyền pháp thì tổ chức đó bị loạn.
(…)
Giờ đây Bần Đạo trở lại câu nguyện thứ năm.
Thánh thất cũng tượng trưng cho lớn nhứt là vũ trụ, nhỏ nhứt là bản thân cá thể của con người, cho đến từ ([1]) cá thể côn trùng thảo mộc, bò bay máy cựa nữa. Nếu vũ trụ chẳng an ninh, cơ sanh hóa không thể trưởng thành. Guồng máy cai trị nhà nước nếu chẳng an ninh thì xáo trộn từ đầu não chỉ huy đến hạ tầng quần chúng. Gia đình nếu chẳng an ninh thì làm sao an cư lạc nghiệp hạnh phúc được? Bản thân nếu chẳng an ninh thì đời người như mất hết chín phần mười. Như vậy, an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới, mọi lãnh vực.
Chư hiền đệ muội là người tầm đạo tu thân, cũng hoài vọng an ninh. Nếu thậm đa tửu nhục thì ngũ tạng lục phủ mất an ninh. Nếu thậm đa sắc dục thì bản thân cũng mất an ninh.
Nói rộng ra một chút: Như người sử dụng các loại xe không thi hành đúng luật đi đường, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình.
Trên đường đạo hoặc đường đời cũng thế, nào khác chi đâu. Mọi sự kiện xảy đến cho mình, đa số là tự mình gây nên, chỉ thiểu số từ ngoại cảnh đưa đến mà thôi. Cái ngoại cảnh ấy cũng do ảnh hưởng phần nội tâm mà ra, chớ không hoàn toàn là rủi ro từ đâu đưa đến. Nếu thiếu đức, ngoại cảnh mới xâm vào.
Chư hiền đệ muội thử nghĩ: Có bao giờ những người chân tu đạo đức mà lại gặp những bạn tửu nhục đạo tặc đến rủ ren, hay trái lại, có bao giờ những người đổ bác đạo tặc mà có người bạn văn nhân sĩ khí đến bao giờ. Như vậy là nội tâm mỗi người được thuần chân đúng đắn sẽ có ngoại cảnh an lành tốt đẹp trợ duyên. Nội tâm sẵn dành chỗ phụng thờ Thượng Đế, hoài bão những việc làm của Thượng Đế, thì không còn chỗ nào trống để tà mị lấn chen.
(…)                  
Nói như vậy để những ai là người tu thân lập đức, hành đạo độ đời nên hiểu cương vị của mình mà làm cho đúng mức của nó. Hễ tu thì phải làm cho đúng nghĩa của người tu. Nếu làm sai tôn chỉ mục đích của nó, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình cũng như cho tập thể. Dầu có nguyện năm bảy trăm câu cũng chẳng ích gì, lựa là ([2]) một câu.
2. Về cả năm câu nguyện:
2.1. Tại Minh Lý Thánh Hội (quận 3, Sài Gòn), Tuất thời, 15-12 Mậu Thân (Thứ Bảy 01-02-1969), Đức VẠN HẠNH THIỀN SƯ dạy:
Nam mô:      
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh.
Tam nguyện xá tội đệ tử.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình.         
Ngũ nguyện thánh thất an ninh.
Năm lời nguyện ấy đã định đoạt đến cho bất cứ ai mang mặc lấy danh từ học đạo, hành pháp.
2.2. Tại thánh thất Tây Thành (Cần Thơ), Tý thời, 12-3 Kỷ Dậu (Thứ Hai 28-4-1969), Đức QUAN ÂM BỒ TÁT dạy:
Còn phần trước khi kết thúc của thời cúng là năm câu nguyện.
“Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.” Thử hỏi hoằng khai là gì? Có phải phát triển, khai phóng, mở rộng từ cơ sở đến giáo lý cho quảng đại quần chúng hiểu biết và làm theo hay chăng? Chớ không có nghĩa là đóng khung trong hình thức nhỏ hẹp như một Hội Thánh, một thánh thất hoặc tịnh thất để cho một thiểu số người mà dám gọi là Đại Đạo hoằng khai.
“Nhì nguyện phổ độ chúng sanh.” Phổ độ có nghĩa là mở rộng cùng khắp, độ rỗi chúng sanh tu thành chánh quả, không phân biệt màu da chủng tộc và tông phái, chớ không có nghĩa là chỉ nói đi nói lại bao nhiêu đó cho người tín hữu Cao Đài mà thôi.
“Tam nguyện xá tội đệ tử.” Câu ấy nói lên cho người tín hữu tự nhận mình đã trải qua nhiều kiếp, từ loài khoáng sản chuyển mình đến thảo mộc, thú cầm mới đến loài người trong bánh xe tiến hóa. Trải qua nhiều kiếp, con người đã gây nhiều nghiệp xấu, mà nghiệp xấu tức là tội lỗi. Do đó, trước Thiên Bàn, gần mãn giờ cúng, cầu xin Thượng Đế giải trừ tội lỗi nghiệp chướng tiền khiên, và cũng dạy cho người tín hữu phải có đức độ khoan dung tha thứ mọi lỗi lầm từ kẻ khác đối với mình để thể hiện lòng bác ái vô biên của Thượng Đế. Mình có tha thứ kẻ khác lầm lỗi với mình để thân thiện, giác ngộ, dìu dẫn họ lại đường chánh giáo thì Thượng Đế mới xá lỗi tiền khiên của mình.
Vậy, còn câu “Tứ nguyện thiên hạ thái bình”? Có phải là lòng thương người thương vật của người tín hữu Cao Đài, muốn cho nhân loại được an hưởng trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp, và cũng gợi cho người tín hữu hiểu rằng, không phải cảnh thái bình tự nhiên ai đem đến bố thí cho nhân loài, mà phải nhân loại tự tạo lấy cho mình. Muốn được thái bình, trước nhất, mọi người phải lương thiện, có đức tánh công bằng của Nho Giáo (những gì mình không muốn thì không làm việc ấy cho người khác);([3]) có đức tánh bác ái của đạo Lão (là lòng thương đời vô biên, không điều kiện, mong dìu dẫn họ lại đường chánh lẽ chơn, thương mọi người như thương gia đình quyến thuộc mình, dầu kẻ ấy là thù địch với mình); phải có đức từ bi của đạo Phật (luôn luôn khởi lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của người khác mà tìm phương ban vui cứu khổ cho họ). (...)
Những giáo lý do Chí Tôn đã vạch sẵn mà người đạo Cao Đài không đem phổ truyền cùng khắp, tìm cách cảm hóa, phổ độ người đời biết được. Đừng ỷ vào câu “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đó là điều kiện đem lại thiên hạ thái bình. Chớ trong lúc nhân sanh chưa hiểu đạo, chưa có công bằng, chưa có lòng thương kẻ khác, một xã hội toàn đa số là người bất lương, giàu hiếp nghèo, mạnh lấn yếu, ỷ chúng hiếp cô, khôn hiếp dại, điêu ngoa xảo trá, xây dựng vinh hoa phú quý trên cảnh đau khổ cùng đinh và xương máu của kẻ khác, thử hỏi xã hội như vậy có đem lại được cảnh thái bình cho thiên hạ không? Đó là câu nguyện thứ tư, nhắc đến nhiệm vụ nặng nề căn bản của người tín hữu Cao Đài.
Còn câu nguyện “Ngũ nguyện thánh thất an ninh.” Thánh thất nơi đây không có nghĩa nhỏ hẹp riêng của ngôi Thánh thể thờ Đức Chí Tôn, gồm Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên. Ngoài cái nghĩa nhỏ hẹp ấy lại còn có nghĩa rộng hơn nữa.
Thánh thất là nhà thánh. Hễ nhà thánh là nhà của chư thánh hội họp, thảo luận mọi việc theo thánh ý để hành thánh sự đúng theo tôn chỉ Đại Đạo. Đừng tưởng rằng mình còn phàm trần nhục thể, không khi nào dám nghĩ đến nghĩa ấy. Vì người tín hữu mà hằng ngày thảo luận, âu lo việc làm theo thánh ý, mở mang được thánh tâm để thực hành được thánh sự, đó là thánh tại phàm rồi còn gì nữa.
(...) Chỉ e rằng mình ở trong nhà thánh, nhưng ý còn phàm phu tục tử, hờn giận ghen ghét đố kỵ, ố nhơn thắng kỷ,([4]) nói việc chẳng lành, làm việc chẳng lành, như vậy mới không xứng đáng là chớ.
Câu này nghĩa lý còn dài hơn nữa, nhưng hôm nay Bần Đạo chỉ nói những khía cạnh gần nhất đời sống chư hiền đệ muội đó thôi. Đừng tìm kiếm đâu xa, chỉ chung quanh mấy bài kinh nhật tụng, tìm hiểu đầy đủ nghĩa lý và thực hành cho đúng là đắc đạo tại trần.
2.3. Tại Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long), Tý thời, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (Thứ Ba 18 rạng Thứ Tư 19-8-1970), Đức ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN dạy:
Lâu nay, nhận thấy phần đông chư hiền đệ muội tụng đọc Ngũ Nguyện ở những câu:
“Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai”, nhưng cứ ngồi khoanh tay chờ đợi quyền năng vô hình nào để đến hoằng khai cho mình.
“Nhì nguyện phổ độ chúng sanh”, nhưng cứ thu hình trong cái vỏ ốc ích kỷ ngàn đời và chờ đến phép mầu vô lượng nào đó để đến cứu rỗi mình.
“Tam nguyện xá tội đệ tử, nhưng cứ cố chấp những lỗi lầm, sơ suất của kẻ dưới, bề trên, và đồng đạo chung quanh, hoặc cầu khẩn Đức Chí Tôn tha thứ tội tình mà hằng ngày mình đã tạo.
“Tứ nguyện thiên hạ thái bình, nhưng cứ để cõi lòng phóng túng bâng quơ, chồng chứa nhiều thị dục ([5]) làm bợn nhơ do lớp bụi vô minh, không lúc nào được bình thản và sáng suốt.
Và cuối cùng,Ngũ nguyện thánh thất an ninh”, mà cứ xem thường tôn ti trật tự trong Đạo, chơn truyền luật pháp lảng lơi, không chặt chẽ nghiêm minh.
Như thế ấy, dầu cho chư hiền đệ muội phải tụng suốt hằng bao nhiêu kiếp cũng chẳng khác nào nhai đi nhai lại cái bài khô khan vô bổ.
Để xây dựng lại vấn đề thực hiện thống hợp tâm linh tư tưởng, cần phải vạch rõ ý nghĩa cốt yếu của nó mới mong ý thức rõ ràng trên sự tụng niệm thường nhựt.
Câu thứ nhứt: (...) Đạo là lý hư vô bàng bạc trong không thời gian và tất cả, thì tất cả đều hấp thụ sự sinh tồn bởi Đạo, cái Đạo vĩ đại vô cùng vô tận không kể xiết được.
Muốn hoằng khai cho thiên hạ biết được Đạo, phải qua trung gian của thiên hạ, tức là con người, là chư Thiên mạng có trọng trách thế Thiên hành đạo.
Thế Thiên hành đạo không phải chỉ ở hàng chức sắc, chức vụ phẩm vị cao, mà bất cứ ai có tâm thành vì đạo, có nhận thức đạt được lý Đạo, đều có thể hoằng khai với bất cứ hình thức nào.
Đối với mình, không hủy hoại tinh thần hay thể xác bằng những vật dục sở tế, khí bẩm sở câu,([6]) cũng là đúng theo Đạo.
Đối với gia đình, xử cho ra vẻ vai trò của mình trong địa vị cũng là đúng theo Đạo.
Đối với xã hội nhơn quần, đều lấy lòng nhân, trung nghĩa mà xử thế tiếp vật,([7]) không gây thù chác oán, chỉ đem tình thương của con người chính danh ban rải cho con người. Đó cũng là tuân theo Đạo.
Và hơn nữa là đem chơn truyền pháp nhiệm của Đấng Cha Lành gieo rải cho toàn cả sanh linh tiếp nhận hầu trở về lẽ sống tự nhiên của nhân bản, của chơn như Phật thể. Ấy cũng là Đạo.
Hễ nói đến Đạo thì nói đến cái tiết điệu hoạt động của Đạo như thế nào.
Đấng Tạo Hóa sanh thành vạn vật bởi cái Đạo bao trùm, nên Ngài dưỡng dục quần sinh rất đầy đủ mà rất tự nhiên, không ai hay biết để tán thưởng ca tụng Ngài. Như mặt trời, mặt trăng giúp vạn vật sống còn theo định luật tự nhiên, mà mặt trời, mặt trăng có bao giờ nói mình đã làm gì đâu, có bảo thiên hạ vạn vật khen ngợi mình đâu.
Dòng nước từ biển cả cứ chảy luân lưu vào những sông ngòi, suối lạch. Chỗ nào trũng thấp không có nước, tức thì nước cứ êm đềm chảy đến đó cho đầy đủ mới thôi. Có bao giờ nước lại ham chảy lên gò lên chỗ cao tột đâu.
Tất cả những tác vi điển hình trên đều là hành động của Đạo.
Là người tín đồ Đại Đạo của Trời, phải noi theo hành động của Trời mà làm theo. Khi làm được, tức thị ([8]) đã thể hiện, đã hoằng khai được Đạo vậy. Và khi đã thực hiện được lẽ Đạo ấy rồi, sự phổ độ chúng sanh ở câu thứ hai rất dễ dàng.
Chúng sinh nói chung, từ loài khoáng vật tế vi đến loài vĩ đại như con người.
Về chúng sinh rất nhỏ, ngay ở nội thân mình đã có. Muốn phổ độ chúng thì mình không nên lạm dụng lãng phí những tế vi tế bào trong thân người, vì nhờ nó mà thể xác được tồn tại, được sống còn để lo chuyện cao xa.
Về chúng sinh vĩ đại, từ động vật, con người, muốn phổ độ thì phải tận dụng quyền năng nhân bản của mình đối với mọi vật mọi người. Không đánh đập, sát hại, gây gổ với bất cứ vật gì, người nào. Trái lại còn phải ban bố cho họ những tình thương Thượng Đế vốn sẵn bao giờ mà trên kia mình đã có.
Câu thứ ba là đối với tất cả mọi người chung quanh mình, từ trên tới dưới, từ lớn tới nhỏ, đều sẵn sàng khoan dung tha thứ, dù ai gây lỗi với mình cũng vậy. Một khi biết cầu khẩn Đấng Chí Tôn tha thứ lỗi lầm của mình, thì mình hãy thể theo lòng từ ái của Ngài để tha thứ anh em, chị em của mình tại thế gian, vì thế gian không phải là một cõi hoàn toàn thánh thiện, nên lắm điều còn ô trược, tránh sao những vấp phải lỗi lầm, hoặc nhiều hay ít cũng vậy.
Sự tha thứ, lòng từ bi bác ái không giới hạn ở đâu, nghĩa là vô biên, chớ chẳng phải chỉ tha thứ, chỉ bao dung rộng lượng đối với hạng dưới tay thân thuộc của mình, mà không tha thứ bao dung đối với kẻ thù nghịch, vì là con chung của Đấng Cha Lành. Với người bất nhơn thất đức, có được hạnh như vậy thì mới tiến được giai đoạn nữa là câu thứ tư “Thiên hạ thái bình”.
Mỗi khi cõi lòng của con người (thiên hạ) không còn chút vương vấn những thiên vị, những cố chấp bởi hoàn cảnh, bởi nhơn tâm chung quanh, thì tự nhiên sự bình tĩnh được phục hồi, không bận không lo điều sái lẽ phải, điều thiệt lẽ hơn, cái thua cái được, niềm thương nỗi ghét. Thái bình lúc ấy được lập lại nơi nội tâm con người vậy. Rồi con người cộng với hằng hà sa số con người thì ra thiên hạ. Khi mỗi thiên hạ được thái bình trong lòng rồi, thì thế giới thiên hạ đang ở sẽ không còn hỗn loạn, phân ly, xung đột với nhau nữa.
Sở dĩ con người không được thái bình nội tại, vì có tâm chấp trước. Một đàng thì muốn về Niết Bàn Cực Lạc hay Bạch Ngọc Kinh hưởng phước đời đời, một đàng thì muốn công danh chức tước vinh thân phì gia,([9]) và đàng khác lại sợ sa vào địa ngục chịu đày đọa đời đời. Hỏi vậy con người nhiều dục vọng tham lam như thế, nội tâm có được thái bình chăng? Dĩ nhiên là không vậy.
Thiên hạ được thái bình rồi, bây giờ nói thêm câu cuối cùng: “Thánh thất an ninh”.
Mới nghe qua, những ai tò mò đều lấy làm ngạc nhiên, tại sao Đại Đạo Cao Đài chủ trương vạn giáo nhứt lý, đại đồng nhơn loại mà lại chỉ cầu nguyện cho một thánh thất, thánh tịnh, Hội Thánh mình an ninh, yên lành thôi? Không phải vậy đâu, chư hiền đệ muội.
Như chư hiền đệ muội đã hiểu: Thánh thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một thánh thể chung. Thánh thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong càn khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người trên thế gian đều chấp nhận cái hình thức thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì càn khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận,([10]) thế giới an khương.
Đó là ý nghĩa năm câu nguyện của đạo Thầy thường tụng niệm.
2.4. Tại Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An), Ngọ thời, 15-3 Bính Thìn (Thứ Tư 14-4-1976), Đức NHƯ Ý ĐẠO THOÀN CHƠN NHƠN dạy:
Nam mô:
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai,
Vì đời nào ngại chông gai dữ lành.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh,
Quyết đem hoằng giáo đạo lành giáo dân.
Tam nguyện tha tội bản thân,
Khoan dung phá chấp cõi trần vô minh.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình,
Tịnh tâm chế động muôn nghìn trái oan.
Ngũ nguyện thánh thất bằng an,
Hai ngày sóc vọng đăng đàn thuyết minh.
Trấn an tâm đạo nhân sinh,
Vai trò un đúc đức tin đạo đồng.
HUỆ KHẢI soạn
20-10-2018


([1]) từ: Từng, mỗi một.
([2]) lựa là: Nói chi là.
([3]) Luận Ngữ (12 :2): Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. 己所不欲, 勿施於人. (A. Everything you would like men to do to you, do also to them. B. Do unto others as you would have done unto you.)
([4]) ố nhơn thắng kỷ 惡人勝己: Ghét người khác (vì họ) hơn mình (hating others because they are better).
([5]) thị dục 嗜慾: Lòng ham muốn (desire). Thị dục cùng nghĩa là ham muốn.
([6]) vật dục sở tế, khí bẩm sở câu 物欲所蔽, 氣稟所拘: Sự che lấp vì các ham muốn vật chất, sự trói buộc do tính khí bẩm sinh. (Tế là che lấp. Câu là hạn chế, giới hạn, gò bó. Bẩm là có sẵn từ khi sinh ra. Tạm hiểu khí bẩm là tính di truyền.)
([7]) xử thế tiếp vật 處世接物: Sống ở đời, ăn ở với đời, cư xử với mọi người (conducting oneself in society).
([8]) tức thị 卽是: Chính là, ấy là.
([9]) vinh thân phì gia 榮身肥家: Bản thân được vinh hiển; gia đình phát đạt, thịnh vượng.
([10]) phong hòa võ (vũ) thuận 風和雨順 : Gió hòa mưa thuận (favorable weather; good weather for crops); cùng nghĩa với phong điều võ (vũ) thuận 風調雨順.


*

Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)