Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

14/ TRANH TẾT, MỘT VỐN CỔ QUÝ BÁU / ĐẠO UYỂN XUÂN 2019





Trích sách Văn lớp Sáu nhóm Cánh Buồm

TRANH TẾT, MỘT VỐN CỔ QUÝ BÁU
ANH NGỌC
Bài mà bạn sắp học đây là của Văn Ngọc, một kiến trúc sư, họa sĩ, và một nhà nghiên cứu văn hóa (nay đã mất).
Bài học này dễ hiểu. Nhưng để hiểu cho sâu sắc giá trị tranh Tết, bạn nên đặt mình vào người dân Việt ở nông thôn Việt Nam xưa, đặt mình vào người nghệ sĩ sống trong dân, hiểu được niềm vui và nỗi lo âu của người dân, và bạn sẽ thấm thía cảm hứng nghệ thuật của những cây bút vẽ sáng tạo của dân.
Tranh Tết Việt Nam là một truyền thống dân gian có từ lâu đời,([1]) một hiện tượng văn hóa nghệ thuật độc đáo hiếm thấy ở trên thế giới.
Những bức tranh Tết được sản xuất tập trung trong hai tháng 11 và 12 âm lịch ở Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), hay ở Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội)... vào những ngày giáp Tết được đưa đi bán ở khắp thành thị thôn quê. Thời điểm bán tranh và chơi tranh cũng rất ngắn ngủi, chỉ giới hạn vào ngày trước Tết và sau Tết. Chỉ độ mùng 4, mùng 5 Tết, ở thành thị, các hàng tranh bày bán ở hè phố đều phải dọn đi, để cho các cửa hàng mở lại, các ông đồ viết câu đối thuê cũng dẹp chiếu trở về làng, ở các chợ quê, nếu còn tranh, cũng không bán được cho ai nữa, vì người ta mua tranh cốt chỉ để trang hoàng cho ba ngày Tết.
Vói màu sắc rực rỡ, đường nét khỏe mạnh, duyên dáng, ý nghĩa dí dỏm, sâu sắc, đôi khi đầy tính chất châm biếm, hài hước, những bức tranh Tết được dán thẳng lên tường vách đất, hay lên cánh cửa, cánh cổng, làm bừng sáng những ngôi nhà nơi thôn dã vốn chỉ là nhà tranh vách đất. Nhà khá giả có tường gạch quét vôi, có gian nhà khách rộng, có hoành phi câu đối, thì thường chơi tranh tứ bình, tứ quý. Trẻ con thì chơi tranh lợn gà, đem dán lên cửa hay vách buồng mình.
Tranh Tết có hai dòng tranh chính là Đông Hồ và Hàng Trống. Ngoài ra còn có tranh đỏ Kim Hoàng cũng có những nét nghệ thuật riêng, đáng chú ý.
Trung tâm sản xuất tranh Đông Hồ là làng Đông Hồ, xưa là làng Sen Hồ, gọi tắt là làng Hồ, thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc Hà Bắc.
Trung tâm sản xuất tranh Hàng Trống là khu vực phố Hàng Trống, Hà Nội, có lẽ xưa phạm vi hoạt động của tranh Hàng Trống lan rộng sang cả mấy phố lân cận như Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Quạt, Mã Vĩ, Hàng Nón... Dù sao thì những người thợ thủ công phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa hội hè thờ cúng đều tập trung cả ở một khu phố cổ nhỏ bé của Hà Nội: Từ Hàng Trống (đồ cúng lễ) đến Hàng Gai (đồ chơi Tết Trung Thu bằng giấy), Hàng Mã (đồ mã), xuống Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Quạt, Mã Vĩ (đồ thờ cúng), Hàng Thiếc (đồ chơi Trung Thu bằng sắt tây), rồi Hàng Bút (nơi bán mực tàu, giấy bản, giấy dó và các thứ phẩm màu), Hàng Bồ (cũng là nơi bán giấy, phẩm, pháo và nhất là nơi các phường tranh tập trung bày bán tranh ngày Tết).
Hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống có những đặc điểm khác nhau về cả mặt kỹ thuật, nghệ thuật, lẫn cách làm ăn.
Nghệ nhân ở làng Hồ làm nghề nông là chính, sau mùa tranh và mùa pháo lại quay trở về với công việc đồng áng, cho đến tháng 7, tháng 8 mới quay ra làm đồ mã phục vụ cho ngày 14-7 (âm) và Tết Trung Thu.
Ngược lại, nghệ nhân Hàng Trống, mặc dù cũng xuất thân từ nông thôn (thôn Tự Tháp), nhưng từ lâu đã bỏ hẳn nghề nông, cho nên ở đây ngoài tranh Tết ra, các nghệ nhân còn vẽ các loại tranh thờ, tranh truyện và làm các đồ phục vụ việc thờ cúng, lễ lạt và các phường tuồng như: cờ, quạt, trống, lọng, áo xiêm, mũ mãng, v.v... để bán quanh năm.([2])
Tranh Đông Hồ thường được in trên giấy dó phết điệp (điệp là một chất liệu làm bằng vỏ con điệp tán nhỏ mịn trộn với hồ nếp rồi quét lên giấy dó bằng chổi lá thông, để lại trên mặt giấy những vệt song hành óng ánh). Có thể vào những năm 1940, tranh Đông Hồ khổ nhỏ truyền thống (0,25 x 0,355m) đã phải in trên giấy tây do điều kiện khó khăn lúc ấy, gọi là tranh hàng, hay tranh gam (tiếng Pháp rame giấy),([3]) nhưng sau này đã trở lại hoàn toàn với hình thức cũ, trừ tranh thờ, tranh tứ bình, tranh truyện khổ lớn, khó làm bằng giấy dó hơn. Ngược lại, tranh Hàng Trống bao giờ cũng in trên giấy in báo (giấy Hà Đông, hoặc giấy nhập).
Nói về kỹ thuật làm tranh Tết, trước hết, khâu vẽ mẫu tranh là khâu quan trọng nhất. Khâu này được bảo đảm bởi những nghệ nhân có trình độ văn hóa cao, có hoa tay và nhiều sáng kiến. Tranh Đông Hồ cũng như tranh Hàng Trống đều có những nghệ nhân giỏi mà danh tiếng đã để lại đến đời sau.
Khâu khắc ván in cũng là một khâu quan trọng không kém. Các nghệ nhân khâu này đều là những thợ chạm khắc gỗ tay nghề giỏi. Ở Đông Hồ có thợ chạm khắc gỗ ngay tại làng. Ở Hàng Trống, thợ khắc gỗ lại ở Hàng Gai, hoặc trong đền Ngọc Sơn.
Trên tranh Đông Hồ nét vẽ và các mảng màu đều được in bằng ván khắc (ván in nét làm bằng gỗ thị, gỗ mỡ, hay gỗ lòng mực; ván in mảng màu làm bằng gỗ giổi, hay gỗ vàng tâm). Mỗi mảng màu là một ván khắc riêng biệt, không tô bằng tay, cũng như không vờn màu...
Tranh Hàng Trống, ngược lại, chỉ in nét vẽ đen bằng ván khắc thôi, còn các mảng màu được tô bằng bút lông và thường hay sử dụng kỹ thuật cản màu (cờn màu bên đậm bên nhạt bằng một nhát bút).
Khâu in cũng lại do những người chuyên môn in trách nhiệm, người in nét vẽ, người in mảng, tô màu, v.v...
Màu trên tranh Đông Hồ là những màu thuốc cái nguyên chất lấy từ thảo mộc, hoặc khoáng sản trộn với hồ nếp: màu trắng điệp như đã trình bày ở trên, màu vàng ấm lấy từ hoa hòe hay hạt dành dành, màu đỏ vang lấy từ gỗ cây vang nấu lên, màu đỏ son lấy từ hòn son tán nhỏ, màu xanh chàm lấy từ lá chàm ngâm vôi, màu đen xốp lấy từ than rơm và than lá tre khô.([4])
Màu trên tranh Hàng Trống cũng dựa trên năm màu (ngũ sắc), nhưng tranh Hàng Trống dùng nhiều chất phẩm nhập nên có nhiều màu hơn, cộng thêm vào là những màu pha: màu đỏ son, đỏ tím (hồng điều), đỏ tím thẫm (cánh quế); hồng tươi (cánh sen), hồng mát (hoa đào); vàng nghệ (vàng thẫm), hoàng yến (vàng nhạt); đen mực tàu; xanh lục, xanh lam, hoa hiên, hoa lý, v.v... Đáng chú ý là trên một số tranh thờ Hàng Trống, các nghệ nhân còn dùng cả các màu kim nhũ và ngân nhũ, theo truyền thống dân gian sử dụng những chất liệu lóng lánh như vàng như bạc, hoặc như gương trên các đồ thờ hàng mã, trên đầu sư tử và đồ chơi Tết Trung Thu.
Tranh Hàng Trống do phải chiều theo thị hiếu của thị dân nên đã mang khá nhiều những ảnh hưởng của tranh Trung Quốc, không chỉ riêng về đề tài, mà còn cả về nét vẽ, màu sắc, về kỹ thuật vờn bóng... Ảnh hưởng này thấy rõ trên những bức tranh như: Thất Đồng, Tam Đa, Cá Chép Trông Trăng, Công, Tứ Quý, Kiều, Phương Hoa, v.v...
Nói về màu sắc của tranh Tết và khiếu thẩm mỹ của người nông dân, một học giả đã có những lời bình luận giàu hình ảnh như sau:
“Tranh gà, tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân-mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những màu sắc ấy in sâu váo tâm-não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh, đỡ thô kệch, điềm đạm, thật thà, của tranh lợn, tranh gà.” ([5])


Nội dung và đề tài của tranh Tết thể được chia ra làm nhiều loại:
- Tranh chúc tụng: Gà đại cát - Nghinh xuân, Gà thư hùng, Gà đàn, Lợn đàn, Vinh hoa, Phú quý...
- Tranh thờ: Táo Quân, Vũ Đinh - Thiên Ất, Thập Điện, Ngũ Hổ, Tứ Phủ, Tam Phủ, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Ông Hoàng cưỡi ngựa cầm quân, v.v...
- Tranh châm biếm: Đánh ghen, Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột, Văn minh tiến bộ...
- Tranh sinh hoạt xã hội: Sĩ nông công thương, Chợ quê, Trâu sen, Đánh vật...
- Tranh cảnh vật: Cá chép trông trăng (có hai tranh khác hẳn nhau, một bức thuộc phong cách tranh Đông Hồ, một bức thuộc dòng tranh Hàng Trống), Tứ quý, Tố nữ...
- Tranh lịch sử: Trưng Vương khởi nghĩa, Triệu Ẩu cưỡi voi, Trần Hưng Đạo, Vua Quang Trung...
- Tranh truyện: Thạch Sanh, Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Trê cóc...
- Tranh tuyên truyền cổ động: Tòng quân giết giặc, Bình dân học vụ, Làm thủy lợi...
Trừ những tranh tuyên truyền cổ động làm sau Cách Mạng Tháng Tám ra, những mẫu tranh Tết truyền thống phần lớn đã được truyền lại từ đời này qua đời khác cùng với những ván khắc có thể đã được hoàn chỉnh thêm qua thời gian. Có những ván khắc bị mất mát đi đã phải khắc lại, do đó có những dị bản đôi khi khác xa bản cũ.
Nhìn chung, có thể nói tranh Tết cũng như tranh thờ là những sáng tác tập thể, nghĩa là, mặc dầu do một hai cá nhân có tài năng sáng tác ra bản vẽ hay ván in lúc đầu, nhưng chúng đã được cả một tập thể phân công, tham gia giúp đỡ và hoàn chỉnh. Trên thực tế, chúng là sản phẩm của cả một cộng đồng làng xã hay phường tranh và thể hiện hoàn toàn quan điểm thẩm mỹ, cũng như tâm lý của cộng đồng ấy. Do đó quyền tác giả không thuộc về một cá nhân mà thuộc về cộng đồng sản xuất ra tranh. Nói một cách khác, theo quan điểm của thời nay, thì người nghệ nhân sáng tác ra bản khắc gỗ đầu tiên, tức cái mẫu tranh đầu tiên, thực chất chỉ là một người làm thuê, không có quyền ký tên và giữ bản quyền gì hết.
Đây cũng là một trong những giới hạn khiến cho tranh Tết đã không thể nào phát triển hơn được. Cũng như nó đã khiến cho những nghệ nhân có tài ngày trước không thể nào trở thành những nhà họa sĩ tranh khắc thực thụ được, vì không có điều kiện sáng tác, tìm tòi để tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật của mình.
Thực ra, lý do chính đã làm cho tranh Tết, đến một lúc nào đó, không phát triển được nữa chủ yếu là vấn đề cung cầu, cả hai mặt này trong bối cảnh kinh tế xã hội đương thời đều đã không có điều kiện để phát triển: nhu cầu về tranh Tết của cả nước chỉ đủ nuôi sống những người làm tranh có hai tháng trong một năm, thậm chí có nơi chỉ đủ để cho họ có cái Tết mà ăn, như ở làng Kim Hoàng, chẳng hạn. Những năm mất mùa, đói kém có nhà làm tranh phải đội cả ván khắc mang ra chợ bán. Có nơi túng thiếu quá, trời rét phải chẻ cả ván in ra để sưởi.([6]) Như vậy làm sao có thể có vốn liếng để đầu tư sản xuất hay kinh doanh? Mặt khác, bản thân người nông dân, suốt năm đầu tắt mặt tối, ít khi được nhàn rỗi ngoài dăm ba ngày hội, ngày Tết, miếng cơm manh áo còn lo chưa nổi, nói chi đến các nhu cầu văn hóa khác? Và như vậy là “cái khó bó cái khôn”, thành một cái vòng lẩn quẩn. Các nghệ nhân ngoài nghề làm tranh ra, không có một hoạt động nào khác để làm kế sinh nhai trừ việc đồng áng. Do dó, họ đã bị kẹt trong cái thế đành phải bó tay và ngành tranh khắc gỗ dân gian nói chung đã không phát triển được, một phần cũng vì không mở rộng được đề tài ra khỏi phạm vi của tranh Tết và tranh thờ.
Rõ ràng xã hội nước ta trong một thời gian dài đã thiếu hẳn một tầng lớp thương nhân năng nổ, chịu chơi và rủng rỉnh tiền bạc, để có thể đặt hàng cho các nghệ nhân Đông Hồ hay Hàng Trống sáng tác những tác phẩm khác hơn là những bức tranh Tết và tranh thờ!
Nhìn vào nền tranh khắc gỗ của Nhật Bản chẳng hạn, sự phát triển nhanh chóng của nó từ thế kỷ 17 trở đi chính là nhờ sự ra đời của một tầng lớp doanh thương làm giàu trên lưng các nhà quý tộc và dần dần nắm hết quyền lực ít ra về các mặt kinh tế và văn hóa ở Edo (kinh đô mới của Nhật Bản từ 1635 trở đi, sau này đổi tên thành Tokyo). Nhờ ở tầng lớp nhà giàu mới dần dần được văn minh hóa này, mà đã mở ra một thời kỳ vàng son cho nhiều ngành mỹ nghệ và nghệ thuật liên quan trực tiếp đến nghệ thuật sân khấu Kabuki được dân chúng rất ưa thích lúc đó, đặc biệt là ngành tranh khắc gỗ (có ký tên tác giả) cũng nhờ đó mà đẵ có cơ hội cất cánh và phát triển trong suốt 250 năm, sản sinh ra nhiều tác phẩm bất hủ và hoạ sĩ nổi tiếng mà chúng tôi chỉ nêu lên ở đây một số tền tuổi như: Moronobu, người đi đầu (1618-1684), Utamaro (1753-1806), Sharaku (thời kỳ hoạt động 1794-1795), Hokusai (1760-1849), Horoshige (1797-1858), Kuniyoshi (1797-186l),([7]) v.v...
Điều không có gì đáng ngạc nhiên, song vẫn là một hiện tượng kỳ lạ, là tranh khắc gỗ Nhật Bản, mặc dầu ra đời sau hẳn tranh dân gian Việt Nam ít nhất hai thế kỷ,([8]) đã phát triển đến mức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nền hội họa của Âu Châu ở thế kỷ 19 qua sự nhất trí thán phục của những nghệ sĩ có tên tuổi như: Bracquemond, Manet, Degas, Toulouse Lautrec, Van Gogh, Whisler, v.v...
Về  mặt thẩm mỹ thuần túy, tranh Tết Việt Nam tuy vẫn tiếp tục làm đẹp cho ngày Tết của chúng ta, nhưng trên thực tế con đường phát triển nghệ thuật của nó đã dừng lại ở những tác phẩm có thể gọi là hoàn chỉnh như: Gà đàn, Lợn đàn, Gà thư hùng, Gà trống, Gà đại cát, Vinh hoa, Phú quý, Lợn độc (Lợn ăn cây dáy), Trâu sen, Cá chép trông trăng, Đánh ghen, Hứng dừa, Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột, Chợ quê, Tố nữ, v.v...
Hầu hết các bức tranh kể trên, mà đại đa số là tranh điệp Đông Hồ, đều là những tác phẩm tranh khắc gỗ dân gian mà trình độ nghệ thuật đã đạt tới mức già giặn, cả về bố cục, đường nét, lẫn màu sắc. Sự dày đặc (densité) của nhiều bức tranh được tạo nên bởi bố cục chặt chẽ của hình thể và đường nét.
Nhịp điệu sống động của người và vật được thể hiện qua những nét vẽ uyển chuyển, “có thần”, nhưng luôn luôn được chế ngự để trở thành những đường viền khỏe mạnh, sắc nét.
Thêm vào đó là sự tương phản hài hòa giữa các màu sắc và chất liệu làm cho mỗi bức tranh vừa nổi, lại vừa tươi sáng.
Đó là một số đặc điểm nghệ thuật của tranh Tết, thể hiện một quan niệm thẩm mỹ dân gian cổ truyền rất Việt Nam, nhưng đồng thời lại cũng rất trùng hợp với những quan niệm thẩm mỹ hiện đại.
Cùng với tranh thờ, tranh Tết là một di sản văn hóa quý báu, một vốn cổ trong kho tàng vốn cổ nghệ thuật của nhân loại.
ANH NGỌC



([1]) Điều mà người ta biết chắc chắn nhất là ở làng tranh Đông Hồ, dân làng hiện nay vẫn còn thờ ông tổ sư của nghé in tranh là Lương Nhữ Hộc, đỏ thám hoa đời Lê Thánh Tông (1434-1442), sau khi đi sứ nhà Minh về đã “cải tiến” kỹ thuật khắc ván in cổ truyén và đã truyền dạy lại cho dân quê mình ở Hồng Lục và Liễu Tràng. Nhưng có giả thuyết lại cho rằng nghề in tranh có thể đã xuất hiện sớm hơn, vì thời nhà Lý kỹ thuật làm giấy và nghệ thuật chạm khắc đã phát triển cao và năm 1040, nhà vua đã cho in hàng nghìn kinh Phật. (Tuy nhiên, cũng cần biết rằng giữa in kinh Phật và hình vẽ Phật với in tranh dân gian có nhiéu màu sắc là cả một chặng đường dài. Ở Nhật Bản, chẳng hạn, nó đã phải trải qua chín thế kỷ!). Thời nhà Trần đã để lại một số hình vẽ trên gốm hoa nâu, có cách nhìn, cách vẽ rất gẩn với tranh Đông Hồ. Cuối đời nhà Trần, vào năm 1396, Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy có vẽ hình rong, sóng, mây, rùa, lân, phượng và rồng, v.v... Song đấy chỉ là nói về trình độ kỹ thuật, còn truyền thống chơi tranh và in tranh ngày Tết có từ bao giờ thì chưa thấy có tài liệu nào nói đến.
([2]) Nguyễn Bá Văn và Chu Quang Trứ, Tranh Dân Gian Việt Nam. Hà Nội: Nxb Văn Hóa, 1984.
([3]) Đạo Uyển chú: 500 tờ giấy gọi là một rame (tiếng Anh: ream).
([4]) Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne. EFEO, 1960.
([5]) Lê Văn Hòe, “Lẽ Sống Của Tranh Gà Tranh Lợn”, Văn Nghệ Xuân Quý Tỵ, 1953.
([6]) Theo Nguyễn Bá Văn và Chu Quang Trứ, Tranh Dân Gian Việt Nam. Hà Nội: Nxb Văn Hóa, 1984.
([7]) Roni Neuer, Herbert Libertson, Susugu Yoshida, Ukiyo-E, 250 Ans d’Estampes japonaises. Ed. Flammarion, 1985.
([8]) Xem chú thích (1).


Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo)