Trích
sách Văn lớp Sáu nhóm Cánh Buồm
VÌ SAO NGƯỜI TA
LÀM RA TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
PHẠM TOÀN
Bài
mở đầu này nói về cảm hứng của những người làm công việc tạo ra sản phẩm nghệ
thuật. Tại sao lại có những người chuyên tâm làm công việc làm ra các tác phẩm
đó (làm thơ, viết truyện,
vẽ tranh, chơi nhạc, diễn kịch...)? Ta có thể nghĩ đơn giản như sau: Họ
có lòng đồng cảm với con người nên họ có cảm hứng làm ra tác phẩm nghệ thuật.
Câu
trả lời đó không sai nhưng chưa đủ. Có những người không phải là nghệ sĩ nhưng
cũng có lòng đồng cảm với con người và hoạt động vì cuộc sống hạnh phúc của con
người. Ta hãy xem xét một kiểu người thứ nhất.
Kiểu người
sản xuất của cải vật chất
Ta
hãy tưởng tượng người cày đồng đang buổi ban trưa / mồ hôi thánh thót như mưa
ruộng cày...
Người ấy chịu đựng cày đồng vất vả ròng rã ngày này ngày khác, năm này năm
khác, đời này đời khác, không vì riêng mình - Người đó chịu đựng vì cha mẹ già,
vì con cái còn nhỏ, vì gia đình mình, nhờ đó mà xã hội no đủ, êm ấm.
Ta
hãy tưởng tượng người đồng cảm với nỗi vất vả và nguy hiểm khi thấy trẻ em và
người lớn phải đi cầu khỉ, người đó tìm cách xây cây cầu thật tiện lợi... Giống
như những người làm ra những cây cầu, có những người khác lại mở nhà máy, hoặc
xây những ngôi nhà đủ tiện nghi, hoặc tổ chức canh tác khoa học để tạo ra những
cánh đồng tươi tốt, nuôi những đàn bò cung cấp thật nhiều sữa và thịt... Những
người này cũng có thể có lòng đồng cảm với con người, họ mong muốn con người no
ấm, hạnh phúc. Song, những sản phẩm của họ không phải là tác phẩm nghệ thuật.
Công
việc tạo ra các sản phẩm vật chất khác nhau (dệt vải, xây nhà, làm đường, trồng
rừng, làm xe ô tô, sản xuất điện, v.v...) có những đại diện ưu tú là những nhà bác học, những nhà
nghiên cứu, những kỹ sư và bác sĩ... những người hoạt động trong nhiều ngành
nghề khác nữa, và ở đâu cũng thấy họ có cảm hứng tạo ra những sản phẩm ngày
càng nhiều, đẹp, bền, tốt, và giá rẻ.
Bạn
có thể tra cứu và suy nghĩ về công việc của các doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, Ngô
Tử Hạ, Bạch Thái Bưởi, và nhiều người khác nữa. Nguyễn Sơn Hà mở nhà máy sản
xuất sơn đầu tiên ở Việt Nam. Ngô Tử Hạ mở nhà máy in lâu đời nhất ở Việt Nam. Bạch Thái Bưởi là người
mở công ty vận tải biển đầu tiên của Việt Nam nối Hải Phòng với Sài Gòn và các
vùng phụ cận...
Bạn
cũng có thể tra cứu xem các kỹ sư nông học Lương Định Của, Đào Thế Tuấn, Võ Thị
Tri Túc... đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp gì nổi danh... Và bạn cũng tự
đi tìm câu trả lời: Sản phẩm của các vị này có phải là tác phẩm nghệ thuật
không?
Ta sẽ
gọi kiểu người trên là kiểu người tạo ấm no... Mục tiêu họ nhằm vào là nâng cao
cuộc sống vật chất cho con người. Kiểu người tạo cuộc đời ấm no này có đáng yêu
không? Các bạn cho biết: Họ đáng yêu ở điểm nào?
Còn đây
là kiểu người gì?
Bây
giờ chúng ta sang một trường hợp với một người có tên là Jean-Jacques Rousseau.
ông Jean-Jacques Rousseau vốn là một đứa trẻ được nuôi nấng tại một nhà trẻ mồ
côi. Thời xưa, có nhiều trẻ em bị bỏ rơi được đưa vào nuôi ở nhà trẻ mồ côi như
Jean-Jacques Rousseau.
Khổ
thân ông Rousseau, đến khi trưởng thành, lấy vợ và có con, nhưng do nghèo quá,
không làm lễ cưới chính thức được, nên con cái của ông Rousseau cũng lại phải
gửi vào nuôi tại... nhà trẻ mồ côi!
Ông Rousseau sau này viết sách về
giáo dục, tưởng tượng được nuôi dạy một em bé tên là Émile theo cách hoàn toàn
tôn trọng sự phát triển tự nhiên của em. Ông còn viết sách khác, lấy tên là Khế Ước Xã Hội có ý nói “con người sống chung
trong xã hội cần có những quy ước, những ràng buộc, để xã hội yên bình, mọi người hạnh phúc”.
Bìa sách Khế
Ước Xã Hội - bạn nhìn
thấy biểu tượng cái cân không? Cái cân có ý nghĩa gì vậy?
Có
không ít người giống kiểu người theo mẫu Jean-Jacques Rousseau - kiểu người mơ ước tạo cuộc đời
hài hòa. Những người này không trực tiếp tạo ra ấm no cho con người. Họ chỉ
nghĩ cách làm sao cho con người thực sự sống trong ấm no, hạnh phúc.
Họ là
những nhà hoạt động xã hội. Có khi họ chọn tôn giáo để xoa dịu nỗi khổ của mọi người;
có khi họ chọn đấu tranh để cố đảo ngược cuộc sống đau khổ của con người; có khi họ
dùng nhận
thức để
giúp con người thoát mê muội...
Ở Ấn
Độ thời xưa có Đức Phật Thích Ca (nơi sinh của Phật nay thuộc về nước Nepal).
Ngài từ bỏ nhà cửa, lâu đài, châu báu để đi tìm đường giảng đạo dạy con người
thoát khỏi “bể khổ”. Ở Ấn Độ thời hiện đại có ông Gandhi được dân gọi là Thánh
Gandhi, người chủ trương đấu tranh không bạo động để giành cuộc sống độc lập tự
do no ấm. Cũng ở Ấn Độ thời hiện đại, có ông
Aurobindo đứng ra tổ chức cả một vùng ở đó mọi người không tiêu tiền, con cái
nuôi dạy chung, sản xuất và tiêu dùng chung để không có người giàu và người
nghèo... (Tiếc rằng công việc ông Aurobindo làm chỉ đứng được trong một thời
gian không dài...).
Ở
Pháp, ngoài Jean-Jacques Rousseau còn rất nhiều nhà tư tưởng. Trong số đó có
một nhà tư tưởng rất cần cho học sinh chúng ta, đó là nhà tâm lý học Jean
Piaget. Xưa nay, người ta chỉ biết gửi con đến trường đi học, thầy giáo thì chỉ
biết dạy và dạy, chẳng ai để ý trẻ em học như thế nào và như thế nào là cách học đúng để thầy giáo có cách dạy học đúng. Ông Piaget nghiên cứu cách trẻ
nhỏ từ khi mới ra đời đã ăn thế nào, uống thế nào, khóc thế nào, cười thế nào,
nhìn và nghe như thế nào... cho tới cả khi nói thì nói như thế nào, chơi với
bạn như thế nào... rồi học toán như thế nào, học chơi kịch như thế nào... Cách
nghiên cứu của ông Piaget khiến các nhà giáo thấy cần tôn trọng trẻ em, cần là
người bạn của trẻ em để tổ chức việc học của trẻ em, để các em đã đi học là học
giỏi như nhau.
Bạn
thấy kiểu người như thế có lạ không? Các vị đó có làm cầu và xây nhà không? Có
làm ra “dưa lê ông Của”, “cà chua bà Túc”, “gạo ngắn ngày năng suất cao”
không?... Các vị đó có tạo ra của cải vật chất không? Theo ý bạn, các vị đó có
cần cho cuộc sống của con người không?
Trong
cuộc sống, còn có kiểu người thứ ba. Những người này không làm ra những cây
cầu, những tòa nhà nhiều tầng, những chiếc máy bay chở vài trăm hành khách đi
cả nghìn cây số trong vài ba giờ, những cánh đồng mỗi năm cho nhiều vụ thu
hoạch, những đàn bò mà mỗi con bò cái cho cả nghìn lít sữa mỗi năm... Những
người này cũng không kêu gọi hoặc bày cách cho mọi người sống cho ra sống, sống
sao cho xứng đáng với danh hiệu con Người - biết yêu thương, biết xây dựng và
bảo vệ hạnh phúc, biết khoan dung, biết đồng thuận, biết làm cho thế giới loài
người chỉ còn hòa bình và xóa bỏ chiến tranh...
Không
giống như hai kiểu người trước, vậy đó là kiểu người như thế nào?
Nhà
nghiên cứu Arthur Koestler gọi đó là kiểu người có “đôi mắt ướt” - một cách nói mang nghĩa bóng là
người dễ khóc. Họ dễ khóc, vì họ nhìn thấy cuộc sống của con người vô cùng mong
manh và chứa chất đầy những đau buồn! Đến nỗi có nhà thơ nói con người sinh ra
đã phải khóc thì mới sống, và khi chết cũng chết trong tiếng khóc.
Nhà
thơ Nguyễn Du kể chuyện thời thanh bình, ấy thế mà toàn bộ câu chuyện đã được mở đầu với hứa hẹn đẫm nước mắt:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những
điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Nên
nhớ đó là câu chuyện xảy ra vào thời thái bình phẳng lặng:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn
phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng...
Có
thể nói mà không sợ sai rằng tất cả các tác phẩm lớn của loài người đều nói
chuyện buồn. Đó là vì lịch sử của cả loài người là những bước sải dài qua những
nỗi buồn. Còn lịch sử từng cá nhân thì cũng đầy ắp những nỗi buồn.
Tô
Hoài viết truyện Nhà Nghèo với cái chết của một bé gái đi bắt cá và chết đuối. Nam
Cao viết truyện Lão Hạc với chi tiết trước khi lão tự tử thì nhà văn đã nhận
thấy “đôi mắt lão ầng ậng nước”. Andersen (Đan Mạch) viết Em
Bé Bán Diêm kể chuyện em chết cóng trong đêm Giáng Sinh ở một góc phố đầy
những cảnh ăn chơi sang trọng. Victor Hugo (Pháp) viết Những Người Cùng Khổ. Feodor Dostoevski (Nga) viết Tội Ác Và Trừng Phạt. Lỗ Tấn (Trung Hoa) viết Nhật Ký Người Điên tưởng tượng cảnh ăn thịt trẻ nhỏ,
và kết thúc câu chuyện bằng lời kêu gọi: Hãy cứu lấy trẻ em!...
Em bé bán diêm chết cóng
Bạn
sẽ hỏi, vậy những tác phẩm hài hước có nói chuyện buồn không? Câu trả lời là: Đời
đầy những chuyện buồn, càng kể với vẻ hài hước càng khiến nỗi buồn thêm sâu
đậm.
Đây
là câu chuyện một Người Dễ Khóc nhưng lại chọn việc chọc cười... Cười mà buồn
ơi là buồn! Đó là Charles Chaplin - còn được biết với tên gọi Vua Hề
Charlot.
Có
một chuyện hồi ông lên năm tuổi. Khi đó, mẹ ông là nữ diễn viên tạp kỹ, là
chiếc cần câu cơm của cái gia đình một mẹ và hai con trai (bố ông nghiện ngập
không ở chung). Bất hạnh xảy ra khi bà bị mất tiếng, không hát và không biểu
diễn được nữa. Một bữa, đang diễn trên sàn
diễn thì bà bị khan tiếng, rồi mất tiếng hẳn.
Đêm
sau, Charlot xin ông bầu cho lên biểu diễn thay mẹ. Cậu bé năm tuổi đã bắt
chước y hệt mẹ mình. Cậu hát bài mẹ mình vẫn biểu diễn và bắt chước cả cảnh mẹ
mình khan tiếng rồi mất tiếng. Thấm thía nỗi buồn từ ngay gia đình mình, rồi
đồng cảm với cái buồn ngoài xã hội, Charles Chaplin đã tạo ra vô số bộ phim
tuyệt vời: Ánh Sáng Thành Phố (mà thực ra là cảnh đời người công nhân tăm tối ở những thành phố rực rỡ ánh đèn), Thời Hiện Đại (mà thực ra là cảnh đời bị vắt
kiệt sức ở những thành phố công nghiệp)...
Charles Chaplin đã mở đầu phim Thời Hiện Đại bằng cảnh tan tầm, công nhân mỏi mệt, kiệt lực từ các
nhà máy túa ra đường xen kẽ với cảnh những đàn cừu chen chúc nhau đi, chẳng
biết đi về đâu.
Đời con người nhiều tiếng khóc. Và
trong lời nói của con người, cũng có nhiều từ để chỉ những cách khóc khác nhau,
nào kêu khóc, òa khóc, gào khóc, khóc thương, than
khóc, khóc nức nở, khóc thút thít, khóc tấm tức, khóc nước mắt chứa chan, khóc
thầm, khóc một mình, khóc không nước mắt, khóc nuốt nước mắt vào trong...
Khóc là một cách biểu hiện cảm xúc
của con người. Trong truyện Cuốn Sách Rừng Rậm, nhà văn Anh Rudyard Kipling tả
một em bé lạc vào rừng và sống với bầy sói, lớn lên cùng sói, coi sói như gia
đình, cho tới khi phải xa bầy sói để trở về làng sống với người...
Lúc ấy, Mowgli cảm thấy có
cái gì đó làm xáo trộn mạnh mẽ bên trong người mình, điều em chưa từng gặp trước
đây bao giờ, và em nín thở rồi nức nở, nước mắt ròng ròng trên mặt.
“Gì vậy? Gì vậy?” em nói. “Em không muốn xa rừng, mà
tại sao lại thế này? Có phải em sắp chết không, anh Báo Đen?”
“Không đâu,
em à. Đó chỉ là nước mắt thường thấy ở con người,” Báo Đen nói. “Bây giờ thì
anh biết em là một con người... Rừng rậm
từ nay đóng chặt cửa đối với em. Cứ để cho nước mắt rơi, khóc nữa đi, em. Đó
chỉ là nước mắt.”
Thế là
cậu bé ngồi xuống và khóc, tưởng chừng như tim cậu muốn vỡ ra. Cậu khóc như chưa từng khóc cả đời mình trước
đó.
Khóc
không chỉ giải tỏa nỗi buồn đau của con người - con người còn có niềm riêng thích
lưu giữ nỗi đau, con người còn muốn cho nỗi buồn và nước mắt thành kỷ niệm, có
khi thành bài học nữa... Và người nghệ sĩ là kiểu người có tài năng riêng, người nghệ sĩ tự
nhận lấy sứ mệnh lưu giữ hộ mọi người cái nỗi đau của chính mọi người. Trong
chuỗi từ ghép gắn với từ gốc khóc bên trên, còn thiếu một từ khóc mướn. Cuộc đời diễn ra đầy đau khổ,
nhưng vô số người lăn qua mà chẳng chú ý gì. Riêng người nghệ sĩ lại tự mình
sung sướng làm lại những nỗi đau đời, được sống như kẻ khóc mướn. Nhà văn Nga Raxun Gamdatov (trong
sách Đaghextan
Của Tôi)
nhận xét rất hay về kiểu người khóc mướn đó: “Người mẹ mất con là
người đau khổ nhất, song bài thơ nói lên được nỗi đau mất con có khi lại do nhà
thơ chưa từng có con viết ra.”
Chúng
ta đã nhận ra kiểu người nghệ sĩ làm công việc khóc mướn để giúp con người lưu
giữ những giọt nước mắt chỉ con người mới có. Sứ mệnh đó đòi hỏi người nghệ sĩ
làm công việc khóc mướn phải có đầy tinh thần trách nhiệm. Không có bộ luật nào quy định
người nghệ sĩ phải có trách nhiệm ra sao. Nhưng cái bộ luật trong tinh thần
nghệ thuật quy định cái trách nhiệm đó.
Trách nhiệm của người nghệ sĩ thể hiện ở những chỗ
nào?
Một là, người nghệ
sĩ phải cất tiếng nói vì những chân lý trong cuộc sống. Nói đến “chân lý” tức là nói lên sự
thật, sự đúng đắn, là chống lại sự giả dối. Người nghệ sĩ phải tìm thấy cảm
hứng trong công việc nói lên sự thật. Nếu người nghệ sĩ nói những điều dối trá,
họ sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật.
Hai là, người nghệ sĩ phải cất tiếng nói vì những điều thiện trong cuộc sống. Người nghệ sĩ
không được phép làm ra những tác phẩm để cổ vũ cho cái ác. Nếu người nghệ sĩ
sống vì cái ác, sống với cái ác, họ sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật.
Ba là, người nghệ sĩ phải cất tiếng nói vì cái đẹp trong cuộc sống và đem lại cái đẹp cho cuộc sống. Người nghệ sĩ
không được phép cổ vũ cho những điều xấu xí, hơn thế, họ còn không được phép
làm ra những tác phẩm xoàng xĩnh, rẻ tiền. Người nghệ sĩ làm ra những sản phẩm
tầm thường để kiếm danh vọng và tiền bạc sẽ không thể có cảm hứng nghệ thuật.
Ba
điều về trách nhiệm của người nghệ sĩ được nói gọn trong ba chữ Chân - Thiện - Mỹ. Người nghệ sĩ hướng đến Chân,
Thiện, Mỹ sẽ có được cảm hứng nghệ thuật và sẽ tạo ra được tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Sách Văn lớp Sáu này mời các bạn cùng đi tìm cảm hứng nghệ thuật - tìm xem vì sao người nghệ sĩ lại
làm ra tác phẩm nghệ thuật.
Với người tạo cuộc đời ấm no, sản phẩm
của họ ngày một tốt hơn, rẻ hơn, đẹp hơn và bền hơn đời trước. Sản
phẩm của họ ai ai cũng thấy được và hưởng thụ, ai ai cũng cảm nhận và đánh
giá được.
Với
người tạo cuộc đời hài hòa, sản phẩm của họ là năng lực suy tư của họ. Không dễ
gì để đánh giá sản phẩm của những người này. Cần người có học xem xét đánh giá
loại sản phẩm này.
Với kiểu người nghệ sĩ, sản phẩm của họ là cảm xúc - là nước mắt, nhiều khi tiếng cười
cũng mang nước mắt - họ là những đôi mắt ướt hồn nhiên. Việc học Văn của
các bạn sẽ giúp các bạn tập làm ra tác phẩm nghệ thuật, nhờ đó mà biết đánh giá
tác phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ lớn.*
PHẠM TOÀN
*
Trích
VĂN 6 : Cảm hứng nghệ thuật (Vì sao người ta làm ra tác phẩm nghệ thuật).
Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2016, tr. 9-16. Xin cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn, chủ trương
nhóm Cánh Buồm, đã hoan hỷ cho phép Ban Ấn Tống được trích và lần lượt đăng lại
trên Đạo Uyển các bài trong bộ sách
giáo khoa của nhóm Cánh Buồm. Ngoài ảnh bìa sách Khế Ước Xã Hội, các ảnh khác do Đạo Uyển thêm vào.
Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý
bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý
bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo)