ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XƯA
NGÔ BÁI THIÊN
Luận Ngữ (15-13): Ngô
vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã. 吾未見好德如好色者也. (Ta chưa thấy ai thích đạo đức như thích nữ sắc.)
1. Các tôn giáo hướng dẫn đời sống đạo đức của tín đồ đều nhấn
mạnh tới giới răn về sắc (sex), tức tính
dục.
Phúc
Âm dạy nhiều về việc tránh xa tội gian
dâm. Chẳng hạn:
1.1. “Thân xác con
người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân
xác.” (1 Côrintô 6:13)
1.2. “Ta đừng gian dâm (…).”
(1 Côrintô 10:8)
1.3. “Ý muốn
của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian
dâm.” (1
Thêxalônica 4:3)
Gian dâm nghĩa
là tà dâm, dâm bôn (sexual
immorality). Trong những
điều răn cấm, tội này thường được Phúc Âm kể ra trước tiên, sau đó mới nói tới
các tội khác. Chẳng hạn:
1.4. “Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới
trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam (…).” (Côlôxê 3:5)
1.5. “Chuyện
gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh,
như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh.”
(Êphêsô 5:3)
1.6. “Những
việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: gian
dâm, ô uế, phóng đãng, thờ
quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ,
bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy.”
(Galát 5:19-21)
1.7. “Anh em
hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình,
còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.” (1 Côrintô 6:18)
2. Đạo Nho nhấn mạnh tới việc giới sắc (ngăn cấm phóng túng về
xác thịt). Nho sĩ khi học chữ sắc 色, hầu như đều được thầy giảng rằng nó gồm thanh đao 刀 (dao, kiếm: knife, sword) đè lên chữ ba 巴 (cận kề: close to, next to). Như vậy,
thánh hiền khi tạo ra chữ sắc đã ngụ ý rằng
gần thú vui xác thịt là cận kề với dao, kiếm, không mất mạng thì cũng dễ đổ
máu.
Do chữ sắc chiết
tự dính dáng tới đao, kiếm như thế nên trong đạo Lão có bài thơ tương truyền là
lời Đức Lữ Động Tân (Lữ Tổ) răn dạy đàn ông hiếu sắc như sau:
二 八 佳 人 體 似 酥
腰 間 仗 劍 斬 愚 夫
雖 然 不 見 人 頭 落
暗 裡 教 君 骨 髓 枯
Nhị
bát giai nhân thể tự tô
Yêu
gian trượng kiếm trảm ngu phu
Tuy
nhiên bất kiến nhân đầu lạc
Ám lý
giao quân cốt tủy khô.
Dũ Lan dịch:
Đôi
tám gái xinh vóc nõn nà
Lưng
eo đeo kiếm chém trai ngu
Tuy
không nhìn thấy đầu người rụng
Ngầm
hại cho chàng xương tủy khô.
(Đại
Đạo Văn Uyển, Tập Lợi, số 23,
2017, tr. 86.)
Sau đây là một
vài danh Nho được truyền tụng về tấm gương giới sắc ở Trung Quốc và Việt Nam.
2.1. Địch Nhân Kiệt (630-700) thành danh vào đời nhà Đường. Thuở còn trẻ, ra
kinh thành dự thi, dọc đường Địch Nhân Kiệt ghé vào quán trọ nghỉ ngơi. Trong
đêm có một góa phụ trẻ đẹp lén đến gặp ông ở phòng ngủ, lả lơi quyến rũ. Ông
sắp sa ngã song cưỡng lại được vì nhớ đến câu Hoàng Thiên bất khả khi 皇天不可欺 (không thể lừa dối Trời). Thế là ông ứng khẩu đọc cho nàng
nghe bốn câu thơ như sau:
美 色 人 間 至 樂 春
我 淫 人 婦 婦 淫 人
若 將 美 色 思 亡 婦
遍 體 蛆 鑽 滅 色 心
Mỹ sắc nhân gian chí lạc xuân
Ngã dâm nhân phụ, phụ dâm nhân
Nhược tương mỹ sắc tư vong phụ
Biến thể thư toàn diệt sắc tâm.
Lưu ý rằng chữ xuân trong câu đầu
không có nghĩa là mùa xuân. Từ xưa người Trung Quốc đã dùng chữ xuân để ám chỉ
tính dục, chẳng hạn: Xuân tâm, xuân tình, xuân ý
(tình ham muốn giữa trai gái); xuân
bệnh (bệnh trai gái nhớ nhau mà chẳng được gần nhau; tương tư); xuân
công, xuân cung, xuân họa (tranh vẽ sinh hoạt tính dục); xuân
sách, xuân thư (sách sưu tập tranh vẽ sinh hoạt tính dục); xuân
dược, xuân phương (aphrodisiacs;
các loại thuốc trợ giúp sinh hoạt tính dục); xuân sự (việc chăn gối)…
(Xem thêm: Xuân Không Chỉ Có Nghĩa Là Mùa Xuân, nguyệt san Công Giáo
Và Dân Tộc, số 255, tháng 3-2016, tr. 139-144.)
Bài thơ của Địch Nhân Kiệt tạm diễn
nghĩa như sau:
Sắc đẹp đàn bà cho cái thú
rất sướng vui trên đời
Nhưng ta gian dâm vợ người khác thì (quả báo là)
vợ ta cũng sẽ gian dâm kẻ khác
Trước sắc đẹp nếu nghĩ tới chuyện sẽ mất vợ (vì
vợ gian dâm kẻ khác)
Và toàn thân bị giòi đục khoét (khi chết, sắc
đẹp chẳng còn) thì diệt được lòng hiếu sắc.
Người đẹp không
hiểu, xin ông giải thích bài thơ. Nghe cắt nghĩa xong thì nàng hối hận,
xin ông tha lỗi rồi chào ra về.
Hôm sau tại triều đình, vua Đường
Thái Tông hỏi quân sư Lý Thuần Phong xem khoa thi này ai đậu trạng nguyên. Đạo
sĩ Lý Thuần Phong về nhà làm lễ rồi xuất hồn lên Thiên Đình. Sau đó ông vào
triều tâu rằng bảng trên trời ghi sáu chữ Hỏa
khuyển nhị nhân chi kiệt 火犬二人之傑 và bên cạnh
bảng cắm một lá cờ chép một bài thơ tứ tuyệt. Lý đạo sĩ đã chép bài thơ ấy, liền
dâng lên vua. Vua sai bỏ vào hộp, niêm phong cất đi, chờ xem ứng nghiệm.
Khi Nhân Kiệt đỗ trạng nguyên vào
triều bệ kiến, vua vỡ lẽ sáu chữ trên bảng trời chính là họ tên ông, vì hỏa
khuyển 火犬 ráp lại là Địch 狄; nhị
nhân 二人 ráp lại là Nhân 仁; kiệt là Kiệt 傑. Vua hỏi chuyện
Nhân Kiệt thì biết thêm bài thơ trên lá cờ chính là bốn câu ông ứng khẩu trong
quán trọ để cự tuyệt người đẹp.
2.2. Cùng
làm quan to đời nhà Tống, Vương An Thạch
(1021-1086) lãnh đạo phe cải cách (gọi là tân
đảng), còn Tư Mã Quang
(1019-1086) lãnh đạo phe bảo thủ (gọi là cựu
đảng).
Trong quyển Tô Đông Pha (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2003, tr. 91), Nguyễn
Hiến Lê (1912-1984) viết: “Cầm đầu tân
đảng là Vương An Thạch, cầm đầu cựu đảng là Tư Mã Quang. Tư tưởng
tuy đối chọi nhau, nhưng cả hai đều thành thực, liêm khiết, đời tư rất nghiêm
chỉnh.”
Sau đây
là chuyện về “đời tư rất nghiêm chỉnh” của
hai vị danh thần ấy, kể lại theo Nguyễn Hiến Lê (tr. 91-93):
Một lần bà
Vương An Thạch không hỏi ý chồng, tự tiện kiếm một nàng hầu cho ông. Khi nàng
đó vào chào Vương, ông ngạc nhiên hỏi: “Việc gì vậy?”
Nàng đáp:
“Bẩm, phu nhân bảo thiếp vào hầu quan lớn.”
Hỏi: “Nhưng
nàng là ai?”
Đáp: “Bẩm,
chồng thiếp ở trong quân đội, đi tải lương, lỡ để chìm mất một thuyền lúa. Vợ chồng
thiếp bán hết nhà cửa vườn đất để bồi thường mà vẫn không đủ, nên chồng thiếp đành
phải bán thiếp cho phu nhân.”
Hỏi: “Bán
được bao nhiêu?”
Đáp: “Bẩm,
chín trăm đồng.”
Vương An
Thạch cho gọi người chồng tới, bảo phải dắt vợ về nhà và cứ giữ trọn số tiền đó.
Một
chuyện gần giống vậy đã xảy ra cho Tư Mã Quang. Hồi ông mới làm một chức quan
nhỏ, hai vợ chồng ăn ở với nhau mấy năm mà chưa có con. Thấy vậy, bà vợ cấp
trên của ông bàn bạc với bà Tư Mã lén kiếm cho ông một nàng hầu đem vào dinh. Nhưng
ông không hề để ý đến nàng đó, làm như không biết có nàng trong nhà. Vợ ông
nghĩ rằng chồng còn ngượng vì có vợ bên cạnh; do đó, một buổi tối bà kiếm cớ xin
phép chồng đi ra ngoài và dặn nàng hầu đợi bà đi khỏi rồi thì trang điểm cho
đẹp mà bước vào phòng ông. Khi Tư Mã Quang thấy nàng hầu vào, ngạc nhiên hỏi: “Phu
nhân đi vắng mà sao dám vào đây?” Rồi đuổi nàng ra ngay.
Tư Mã
Quang quê ở Hạ Huyên, Thiểm Tây, đậu tiến sĩ dưới triều vua Tống Nhân Tôn,
chuyên về sử học, có chí nối gót sử gia Tư Mã Thiên (145-86 trước Công Nguyên) nhưng
nhà nghèo, ông không đủ phương tiện sưu tập tài liệu.
Vua Tống
Anh Tôn nghe danh, triệu ông vào kinh, giao cho việc soạn bộ sử Tư Trị Thông Giám 資治通鑒. Vua biệt
đãi ông, cho ông lập riêng một thư cục ở Sùng Văn Viện, tha hồ dùng các kho
sách của vua. Khi Tư Mã Quang ra làm quan ở một tỉnh, vua còn cho phép ông chở hết
sách trong thư cục theo. Nhờ vậy, sau hai mươi lăm năm cặm cụi ghi ghi chép chép,
ông hoàn thành bộ sử đồ sộ danh tiếng đó, gồm 294 quyển cộng thêm 30 quyển phụ
lục, chép lại các việc từ đời Chiến Quốc tới đời Ngũ Đại (trong khoảng 1.362
năm), và dừng lại ở đầu đời Tống.
Danh tiếng
Tư Mã Quang vang lừng cả nước. Bởi ngưỡng mộ quá, Lưu Mông bán hết cả ruộng đất
được năm chục vạn đồng tiền, rồi đem tặng tất cả cho ông, nói là để ông mua một
nàng hầu về châm thuốc, mài mực. Tư Mã Quang viết thư cảm tạ, nhưng nhất quyết
từ chối món quà lạ đời ấy. Lưu Mông không biết rằng mỗi ngày Tư Mã Quang cặm
cụi ghi chép tài liệu dày đặc ba mét rưỡi giấy (khoảng mười lăm trang giấy),
bản thảo của ông chứa chật cả hai gian phòng. Bao nhiêu tâm trí đã dồn hết vào
học thuật, thì sử gia Tư Mã đâu còn bụng dạ nào mà nghĩ đến hầu thiếp nữa.
2.3. Ở nước ta vào đời Lê trung hưng (1533–1789) có ông Vũ
Phương Đề (1697-?) là người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng,
trấn Hải Dương. Ông thi đậu tiến sĩ năm 1736, làm quan đời vua Lê Ý Tông. Ông
có viết quyển Công Dư Tiệp Ký 公餘捷記 (Ghi
nhanh lúc rảnh việc công đường), với lời Tựa do ông viết năm 1755.
Theo Công Dư Tiệp Ký, quyển I, do Tô Nam
Nguyễn Đình Diệm dịch (Sài Gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1961, tr. 53), cùng làng
Mộ Trạch với tác giả có ông Vũ Công Đạo
(1629-1714). Ông Đạo làm quan đại thần trong phủ Chúa Trịnh. Khi ông Đạo làm
quan đốc đồng tại Sơn Nam, có kẻ thuộc hạ nhân lúc vợ quan đi vắng bèn đưa một
cô ca nhi trẻ đẹp vào dinh dâng cho thượng cấp, thâm ý là mua chuộc cấp trên.
Nào ngờ ông Đạo mắng nhiếc y thậm tệ, bắt phải đưa cô gái ấy ra ngoài lập tức.
Ông Đạo làm quan to nhưng không hề có hầu thiếp, cả đời chung thủy với người vợ
cưới từ lúc hàn vi.
2.4. Một danh Nho đời Nguyễn nước ta là Phan Thanh Giản (1796-1867) khi đang làm quan tại kinh đô (Huế) thì
phu nhân ngài là bà Trần Thị Hoạch vẫn ở quê chồng (làng Bảo Thạnh, tổng Bảo
Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long) để phụng dưỡng cha chồng. Bà
Hoạch tự ý tìm cho chồng một người hầu thiếp (tên Thịnh), rồi bảo con trai thứ
hai là Phan Hương đưa nàng ấy ra Huế để thay bà chăm sóc chồng.
Nhưng ngài
Phan không chịu, bảo nàng ấy trở về quê lấy chồng, và căn dặn phải tìm một Nho
sĩ hay là người làm ruộng mà kết duyên. Sau đó ngài hỏi về những món nữ trang
của nàng. Nghe đáp là do bà Hoạch sắm, thì ngài cho nàng giữ luôn số nữ trang đó.
Lại
truyền rằng ngài Phan ưa trồng bông quỳ (hướng dương) trước công đường và nơi
tư dinh. Khi ngài về làm việc ở Vĩnh Long, gần một bên dinh ngài là dinh tổng
đốc Vĩnh Long (tên Trương Văn Uyển). Một hôm, ông Uyển đến thăm ngài, thấy ngài
thui thủi một mình thì hỏi: “Sao quan lớn không dụng hầu thiếp?”
Ngài trả
lời: “Tôi không có đủ ngày giờ mà lo việc quốc gia, lấy ngày giờ đâu lo việc
hầu thiếp. Tôi có trồng bông quỳ chung quanh dinh nhiều lắm. Khi nào buồn, ra
xem bông cũng đủ vui, can chi phải dùng hầu thiếp cho cực lòng rộn trí.” (Xem nguyệt
san Công Giáo Và Dân Tộc, số 285,
tháng 9-2018, tr. 129-131.)
3.
Các tôn giáo có một số cách giúp tín đồ ngăn ngừa gian dâm. Thánh Phaolô chỉ ra
một cách thức như sau:
“Đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng
để tránh sự cám dỗ gian dâm (the
temptation to sexual immorality), thì mỗi
người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với
chồng cũng vậy. (…)
Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: Họ cứ ở vậy như tôi thì
tốt cho họ (it is good for them to remain single, as I
am). Nếu không tiết dục được, họ cứ kết
hôn, vì thà kết hôn còn hơn là để dục vọng thiêu đốt (it is better to marry
than to burn with passion).” (1 Côrintô 7:1-3; 8-9)
Đối với
các cặp vợ chồng, cách thức do Thánh Phaolô dạy bày có hiệu quả hay không lại
còn tùy thuộc vào đức chung thủy của mỗi người.
NGÔ BÁI THIÊN
21-9-2018
Nếu quý bạn thích có tập sách nhỏ này, kính mời quý
bạn gởi thư về daidaovanuyen@gmail.com. Cảm ơn quý
bạn quan tâm. (Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo)