Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

ĐĐVU 20 / VẠN GIÁO ĐỒNG NGUYÊN VÀ QUY NGUYÊN / DIỆU NGUYÊN

Image result for focus
Hằng năm, vào ngày 23-8 âm lịch, thánh thất Nam Thành đều trân trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Khai Tịch đạo Cao Đài, là ngày mà chư tiền khai và tiền bối đạo Cao Đài đã họp mặt soạn thảo tờ Khai Đạo vào ngày 23-8 Bính Dần (Thứ Tư 29-9-1926) gởi đến Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (Palais du Gouvernement de la Cochinchine) để chính thức công khai hóa hoạt động truyền giáo của nền tân tôn giáo Cao Đài - một nền tôn giáo do chính Đức Thượng Đế sáng lập với danh xưng đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Xưa nay, có không ít người ngộ nhận rằng đạo Cao Đài tự tôn khi tự xưng là Đại Đạo, bởi lẽ phần đông đều hiểu hai chữ Đại Đạo theo nghĩa là “mối đạo lớn”. Thật ra, chữ Đạo nơi đây không có nghĩa là “tôn giáo” hay “mối đạo” mà “Đạo” là từ Hán Việt, có nghĩa là “con đường”. Đại Đạo là con đường lớn mà Thượng Đế đã mở ra để đưa nhân loại trở về cùng Thượng Đế. Trên con đường lớn ấy, tất cả các tôn giáo chơn chánh đều là những phương tiện giúp đưa con người từ cõi vô thường (trần gian) trở về cõi hằng thường vô sanh bất diệt (thượng giới, thiên đàng…).
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vì thế có nghĩa là kỳ phổ độ thứ ba của Đại Đạo hay của Đức Thượng Đế. Danh xưng này nói lên sử quan của đạo Cao Đài, đó là lịch sử cứu độ của Đại Đạo đã trải qua ba thời kỳ:
Nhứt Kỳ Phổ Độ (kỳ cứu độ thứ nhất của Đại Đạo): Bắt đầu từ thời thượng cổ đến khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên với sự ra đời của Bà La Môn Giáo, Do Thái Giáo, v.v...
Nhị Kỳ Phổ Độ (kỳ cứu độ thứ hai của Đại Đạo): Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên cho tới nửa đầu thế kỷ 19 với sự ra đời của Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Islam Giáo, v.v...
Tam Kỳ Phổ Độ (kỳ cứu độ thứ ba của Đại Đạo): Bắt đầu từ hậu bán thế kỷ 19 về sau với sự kiện chính Đức Thượng Đế giáng điển khai mở đạo Cao Đài tại Việt Nam. Ngài đã cho biết Vạn giáo đồng nguyên”, nghĩa là tất cả các tôn giáo trên thế gian đều có cùng một nguồn gốc, qua lời dạy của Ngài như sau:
Khi xưng Giáo Chủ Cao Đài,
Khi xưng Thiên Chúa, khi khai Di Đà.
Lắm hồi Bồ Tát Ma Ha,
Bao lần Khổng Mạnh cũng Già này đây.([1])
Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã.
Thích Ca Mâu Ni thị Ngã.
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã.
Kim viết Cao Ðài.([2])
Vậy, một câu hỏi được đặt ra: Trải qua các thời kỳ cứu độ, Đức Thượng Đế đã khai mở nhiều nền tôn giáo trên khắp thế gian, nay lại khai mở thêm tôn giáo Cao Đài. Phải chăng đây là tôn giáo thứ một ngàn lẻ một như bao nhiêu tôn giáo khác? Việc làm này có thừa chăng khi trên thế gian đã có quá nhiều tôn giáo rồi? Trả lời cho câu hỏi này, thuở mới khai đạo Cao Đài, Đức Thượng Đế dạy:
“Vốn từ trước Thầy lập Ngũ Chi Ðại Ðạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo, tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt,([3]) thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.”
(Nghĩa là: Thuở xưa, nền văn minh khoa học của nhân loại chưa phát triển, các quốc gia còn sống riêng rẽ, tách biệt. Đức Thượng Đế khai mở các nền tôn giáo tùy theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc và người tôn giáo chỉ hoạt động trong địa phương mình mà thôi.)
“Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức,([4]) thì lại b phần nhiều đo ấy ([5]) mà nhơn loi nghch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt.([6])
Thật vậy, nhìn lại lịch sử tôn giáo của nhân loại. Đã có biết bao cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu xảy ra vì tinh thần độc tôn tôn giáo, cho rằng chỉ có tôn giáo mình là chánh đạo còn các tôn giáo khác đều là bàng môn tả đạo (heresies). Đức Thượng Đế khai mở các tôn giáo là để cứu độ chúng sinh, mang lại hạnh phúc cho con người, thế nhưng người thực hành tôn giáo đã từng đi ngược lại mục đích ấy và mang lại cho con người nhiều nước mắt, đau thương và chết chóc.
Mãi cho đến ngày nay, những cuộc tàn sát đẫm máu vẫn còn tiếp diễn vì những bất đồng tín ngưỡng tôn giáo. Đó là lý do khiến Đức Thượng Đế phải lập nên một nền tân tôn giáo mang tinh thần vạn giáo đồng nguyên và quy nguyên hay cũng gọi là tinh thần Đại Đạo, tinh thần liên tôn hòa đồng vạn giáo” để kêu gọi các tôn giáo cùng kết hợp với nhau thành một thực thể đạo cứu thế. Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã giải thích rõ ý nghĩa của việc lập thành một nền tân tôn giáo qua lời dạy sau đây (Minh Lý Chơn Giải. Lời nói đầu):
Vì tranh chấp, vì dị đồng, vì lý tưởng xung đột, vì tín ngưỡng chia rẽ, vì quyền lợi đảng phái nên đảng phái cạnh tranh mà nền đạo mới phải ra đời. Ra đời để đem lại sự đồng nhứt cho loài người, làm cho chấm dứt những tình trạng thù ghét rẽ riêng, thì sự lập thành một tân tôn giáo mới là có ý nghĩa.
Thế nên, tôn giáo Cao Đài được Đức Thượng Đế khai mở không chỉ đơn thuần nhằm kêu gọi con người làm lành lánh dữ, gây tạo phước đức mà điểm chính yếu của sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính là khêu tỏ lý đồng nguyên và quy nguyên của vạn giáo, để các tôn giáo cùng nhìn nhận có chung một nguồn gốc Đại Đạo hầu từ bỏ mọi tranh chấp, đố kỵ, đả kích, thậm chí sát hại lẫn nhau do khác biệt về hình tướng tôn giáo, để rồi các tôn giáo cùng kết hợp thành một thực thể đạo cứu thế, hiệp tâm chung sức cùng nhau phụng sự nhân loại, phụng sự cơ tiến hóa của đất trời.
Ngày nay, con người trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau. Nhờ vào những phương tiện giao thông hiện đại và sự phát triển không ngừng của các phương tiện truyền thanh truyền hình và mạng lưới thông tin quốc tế (Internet), con người đã có thể liên lạc tiếp xúc với nhau trong nháy mắt dù ở cách xa cả nửa vòng trái đất. Điều này đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại, giao thoa với nhau. Con người của thời đại ngày nay không còn như ngày xưa vốn chỉ sống cô lập với một nền văn minh bản địa.
Ông P.T. Raju, nguyên Trưởng Khoa Triết Viện Đại Học Rajasthan, phát biểu: “Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới, chứ không phải chỉ trong một quốc gia hay một nền văn minh, và chúng ta cần hiểu chính ta như là các công dân của thế giới.” ([7])
Theo ông Archie J. Bahm, giáo sư môn Triết và Tôn Giáo Đối Chiếu tại Viện Đại Học New Mexico, sống trong thời đại toàn cầu con người cần có tôn giáo khác hơn thời trước, phù hợp với đà văn minh khoa học hiện đại của thế giới. Trong quyển sách The World’s Living Religions xuất bản năm 1964 tại New York, giáo sư Bahm còn phát biểu thêm: “(…) các tôn giáo trên thế giới sẽ có xu thế hướng về một nền tôn giáo toàn cầu.” “(…) Tuy nhiên nhân loại đang thiếu một nền tôn giáo toàn cầu theo ý nghĩa rằng thực chất nền tôn giáo đó là nền đạo duy nhất và theo ý nghĩa rằng tôn giáo đó vượt lên hẳn các tôn giáo khác chỉ vì bản thân tôn giáo đó chứa đựng tinh hoa của tất cả các tôn giáo khác. ([8])
Nền tôn giáo toàn cầu mà giáo sư Archie J. Bahm đề cập đến, phải chăng chính là thực thể đạo cứu thế được kết hợp bởi vạn giáo trong tinh thần Đại Đạo, tinh thần liên tôn hòa đồng tôn giáo? Và để tiến đến việc xây dựng một nền tôn giáo toàn cầu, giáo lý Cao Đài đã kêu gọi con người tôn giáo hãy “ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng([9]), vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp bốn phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, làm theo lòng trời đất. ([10])
Nền đạo Cao Đài do Đức Thượng Đế khai mở trong thời kỳ này vì vậy có một đặc sắc riêng là tinh thần dung hòa và tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ. Người tín hữu Cao Đài vào chùa thì lạy Phật, đến nhà thờ thì kính Chúa, vào thánh đường các tôn giáo bạn thì tôn kính các bậc Giáo Chủ bằng tất cả tấm lòng chân thành ngưỡng mộ và yêu kính. Tất cả những việc ấy, người tín hữu Cao Đài làm một cách hết sức tự nhiên, không một chút ngăn ngại, dường như tinh thần hòa đồng tôn giáo đã được thấm nhuần vào trong từng huyết quản.
Huynh tỷ đệ muội chúng ta rất đỗi vui mừng khi gần đây tinh thần liên tôn hòa đồng vạn giáo đã được Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn Tổng Giáo phận Tp. HCM đẩy mạnh kể từ khi tinh thần này được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng với Công Đồng Vatican II.
Nếu như giáo lý Cao Đài kêu gọi con người tôn giáo hãy “ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng”, “vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp bốn phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, làm theo lòng trời đất” thì Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã kêu gọi các Kitô hữu hãy “phá sập các bức tường ngăn cách…”, “mở tung những cánh cửa sổ … và cho chút không khí trong lành lọt vào.”
Công Đồng Vatican II nhìn nhận: Có nhiều cách đưa tới cứu độ và tất cả các tôn giáo nên được quyền bình đẳng. (...) Các Kitô hữu phải cùng với những người khác truy tầm chân lý.([11])
Chân lý chỉ có một nhưng được giáo lý các tôn giáo diễn giải bằng nhiều cách khác nhau, ngôn từ khác nhau. Thế nên giáo lý Cao Đài dạy: Vạn giáo đồng nhứt lý. Xin được nêu ra đây một vài ví dụ điển hình:
Các tôn giáo phương Đông thường dạy tín đồ hãy biết làm âm chất. Âm chất cũng gọi là âm công, âm đức và có nghĩa là làm việc lành, việc thiện không phô trương (tuy che giấu người đời nhưng Trời Phật, Thánh Thần đều biết).
Tương tự như vậy, Đức Chúa Giêsu dạy làm âm chất như sau:
- Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (Matthêu 6:1)
- Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (Matthêu 6:3-4)
Trong Luận Ngữ (thiên 18, câu 6), Đức Khổng Tử (tức Khổng Khâu) dạy:
“Nếu thiên hạ có đạo lý thì Khâu này cần gì phải sửa đổi nữa.”
Tương tự, Phúc Âm (Matthêu 9:12-13) chép lời Đức Chúa dạy:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. (…) Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
Tại thánh thất Từ Quang (Quảng Nam), ngày 18-02-1948, Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch dạy:
Có sông mới đóng ra thuyền,
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu.
Tại Hội Thánh Minh Chơn Đạo, ngày 26-8-1969, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng dạy chân lý như thế:
“Các con ơi! Nếu thế gian này là cõi toàn thiện thì Thầy không đến đây mở Đạo làm gì. Các con thử nghĩ: Nếu nhơn sanh không bị thiên tai hạn hán, bão lụt chiến tranh tàn phá, hỏa hoạn thiêu đốt, thì họ đâu cần chi tới đoàn người cứu trợ ủy lạo. Nếu nhơn sanh không đau ốm bịnh tật thì họ đâu cần gì đến đoàn bác sĩ lương y. Nếu nhơn sanh học giỏi, văn hay chữ tốt thì họ đâu cần gì đến đoàn người giáo dục mở lớp khai trường. Nếu nhơn sanh thuần chơn đạo đức, không đi trong hố sâu tội lỗi, khổ sở tinh thần thì họ đâu cần gì đến đoàn người hướng đạo đem giáo lý đến cho họ.”
Ngày 28-10-2015, Giáo Hội Thiên Chúa kỷ niệm kim khánh (năm mươi năm) ngày Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI công bố bản Tuyên Ngôn về quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không phải Kitô Giáo. Bản Tuyên Ngôn có nhan đề tiếng Latin là Nostra Aetate, có nghĩa là “Thời đại chúng ta”.
Hiểu qua lăng kính Cao Đài thì “Thời đại của chúng ta” chính là kỷ nguyên hòa hợp giữa các tôn giáo trong tinh thần Đại Đạo, tinh thần vạn giáo đồng nguyên và quy nguyên, từ bỏ mọi chấp nê hình tướng tôn giáo bên ngoài để trở về với chơn lý, với điểm Đạo toàn bích bên trong, hằng hữu và bất biến.
Nhân kỷ niệm kim khánh bản Tuyên Ngôn của Giáo Hội, Hội Đồng Giám Mục Đại Kết và các Quan Hệ Liên Tôn của Úc Châu đã viết:
“Năm nay đánh dấu kim khánh kỷ niệm Nostra Aetate, là Tuyên Ngôn của Công Đồng Vatican II về Quan hệ của Giáo Hội với các tôn giáo không phải Kitô Giáo. Văn kiện này đã thay đổi thái độ của Giáo Hội đối với tín hữu các tôn giáo khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội đã nói một cách tích cực về các tôn giáo khác. Tuyên Ngôn này được mọi người xem là một “bước ngoặt” trong các quan hệ giữa người Công Giáo và tín hữu các tôn giáo khác. [Thánh] Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã gọi văn kiện này là Đại Hiến Chương (Magna Carta) về thái độ và cách tiếp cận của Giáo Hội đối với các tôn giáo khác. Văn kiện này tiếp tục gây cảm hứng và hướng dẫn người Công Giáo trong việc hình thành các quan hệ tương kính và hợp tác [với các tôn giáo khác].” ([12])
Ước mong sao, mô hình “Công Đồng Vatican II” của Giáo Hội Thiên Chúa sẽ được nhân rộng ra trong khắp giáo hội các tôn giáo trên hoàn cầu.
*
Một nghiên cứu sinh Mỹ gốc Ba Lan đã từng đặt câu hỏi cho người viết bài này: Giáo lý các tôn giáo thường nói đến ngày tận thế. Vậy, theo giáo lý Cao Đài, ngày tận thế ấy khi nào sẽ xảy ra?
Trước khi nêu lên quan điểm của giáo lý Cao Đài về vấn đề tận thế, xin được trích dẫn ra đây lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Tương lai của thế giới phụ thuộc liệu con người có thể sống chung trong sự tôn trọng tính đa dạng của nhau hay không, chớ không phải tùy thuộc vào những cố gắng làm tắt hết tất cả những tiếng nói khác nhau về tôn giáo.”
Thật vậy, thế giới nhân loại có đi đến hố sâu tận diệt hay không, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào con người.
Theo giáo lý Cao Đài, Đức Thượng Đế khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp thúc đẩy các tôn giáo kết thành một thực thể Đạo cứu thế trong tinh thần vạn giáo đồng nguyên và quy nguyên, tinh thần liên tôn hòa đồng vạn giáo. Nếu con người tôn giáo trên khắp hoàn cầu đều nhìn nhận rằng các tôn giáo có cùng một nguồn cội (đồng nguyên) và đã đến lúc phải cùng bắt tay nhau để trở về nguồn cội (quy nguyên), cùng bắt tay nhau để phụng sự cho nền hòa bình nhân loại, chấm dứt các cuộc xung đột tàn sát đẫm máu vì tranh chấp hình tướng bất đồng tôn giáo thì chắc chắn rằng thế giới này sẽ trở thành một thiên đàng thuần chánh, ngày tận thế sẽ không bao giờ đến với nhân loại.
Cuối cùng, xin được mượn bốn câu thánh thi của Đức Chí Tôn Thượng Đế để làm định hướng cho công cuộc quy nguyên của vạn giáo vì một thế giới hòa bình và hạnh phúc:
Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý,
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài,
Không còn chia biệt Đông Tây,
Không còn phái nọ, chi này, Phật, Tiên...([13])
DIỆU NGUYÊN
23-9-2017




([1]) Thiên Lý Đàn, 30-12 Giáp Thìn (01-02-1965).
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn tại Vĩnh Nguyên Tự, 07-4-1926. Dịch nghĩa: Nhiên Đăng Cổ Phật là Ta. Thích Ca Mâu Ni là Ta. Thái Thượng Nguơn Thỉ là Ta. Nay gọi là Cao Đài.
([3]) càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt: Con người chưa khám phá, tìm hiểu (khán, duyệt) được vũ trụ, thế giới (càn khôn).
([4]) càn khôn dĩ tận thức: Con người đã hiểu biết rõ vũ trụ, thế giới. (Ngày nay, văn minh khoa học phát triển, con người ngồi một chỗ mà biết được hết mọi chuyện trên thế giới.)
([5]) bị phần nhiều đạo ấy: Bởi vì tình trạng có nhiều đạo (tôn giáo) như thế ấy.
([6]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 13-3 Bính Dần (24-4-1926).
([7]) Theo Lê Anh Dũng, Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa 1996, tr. 20.
([8]) Lịch Sử Đạo Cao Đài Thời Kỳ Tiềm Ẩn 1920-1926, tr. 20-21.
([9]) Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, thánh thất Nam Thành, 14-02 Kỷ Dậu (31-3-1969).
([10]) Ni Sư Diệu Lộc, Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 01-5 Kỷ Dậu (15-6-1969).
([11]) There are many ways to salvation and that all religions should have equal rights. (…) Christians must search with others to find the truth.
http://www.catholicapologetics.info/modernproblems/vatican2/renew2.html
([12]) Theo Huệ Khải, ‘Trong Thời Đại Chúng Ta’ Với Tâm Tình Một Tín Hữu Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2016, tr. 16-17.
([13]) Thiên Lý Đàn, 14-01 Ất Tỵ (15-02-1965).