Tôi là bạn đọc
của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo nhiều năm rồi mà mãi tới nay
mới viết thư gởi Văn Uyển. Đầu thư tôi
nguyện xin các Đấng thiêng liêng ban ơn lành đến tất cả thành viên Ban Ấn Tống
và gia đình mọi người trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
Hôm nay tôi
viết thư này sau khi đọc “Cảm Nghĩ Của
Văn Uyển” in trên Văn Uyển tập Lợi 2016 (số 19), trang 94. Nói về thực trạng
nhiều thánh sở hầu như vắng bóng lớp trẻ (thế hệ tiếp nối), Văn Uyển đưa ra hai
mấu chốt:
- Một là vì gia đình tín hữu chưa ý
thức dìu dắt con cái bước vào đường đạo.
- Hai là vì các bậc hướng đạo tại thánh sở
chưa có những sáng kiến tạo ra những “sân chơi” (hay môi trường) phù hợp tâm
sinh lý và độ tuổi con em nhà đạo để các gia đình có thể hân hoan gởi gắm con
cái đến.
Tôi xét tới hoàn
cảnh gia đình mình thì thấy có lẽ còn thiếu một mấu chốt thứ ba. Mấu chốt này cụ
thể thế nào thì tôi lại phải dông dài về hoàn cảnh gia đình mình.
Lâu nay, việc
đời việc đạo tôi luôn thành tâm thực hiện, bà con trong đạo ngoài đời có lẽ chưa
mấy ai chê trách. Nhưng gia đình, gia đình luôn làm cho tôi khó xử. Chồng tôi là
người không có đạo. Việc ăn chay, bản thân tôi trường chay thì được, nhưng còn
bữa cơm gia đình, chồng con thì sao? Gia đình không hạnh phúc thì tâm của mình
có tĩnh được không? Do đó từ lúc lấy chồng tới giờ, tôi chỉ giữ chay mười ngày nhưng
ăn chay trọn ba tháng Giêng, Bảy, và Mười âm lịch.
Tôi không dám
so bì với ai, chỉ dặn lòng ráng tu tâm sửa tánh, giúp ích cho Đạo, giúp ích cho
xã hội. Đạo thì có Ngũ Giới Cấm, Tứ Đại Điều Quy là dạy mình không làm quấy; biết
giữ gìn cho phần mình thì được, mà dẫn dắt người khác thì khó quá, ngay cả với
người thân trong nhà!
Hai con trai tôi
lúc nhỏ có đi tắm thánh, giữ chay mười ngày. Khi cháu lớn đi học xa gia đình thì
không giữ chay được nữa. Tôi không biết phải làm thế nào. Bây giờ còn một cháu
nhỏ mười hai tuổi, vẫn ăn chay mười ngày, rồi khi lớn lên cũng sẽ giống như anh
cháu vậy sao? Tôi chỉ giữ được con đến mười tám tuổi thôi sao?
Lúc con còn
nhỏ, tôi cố gắng thu xếp việc nhà để dẫn con trẻ đi thánh thất cúng thời Dậu. Bây
giờ cháu đi học, học cả hai buổi. Chiều về tắm rửa, ăn uống rồi thì cắm đầu cắm
cổ làm bài tập… Không còn thời gian để cúng giờ Dậu nữa. Bản thân tôi không dìu
dắt con mình vào Đạo thì làm sao dẫn dắt ai đây? Buồn lắm!
Vậy thì mấu
chốt thứ ba mà tôi muốn góp ý thêm với Văn Uyển, đó là tác động từ hoàn cảnh xã hội, mà hai con trai tôi là một ví dụ. Nêu
vấn đề này ra, tôi mong rằng các bậc cha mẹ đồng đạo có hoàn cảnh nuôi con giông
giống như tôi sẽ giúp tôi có giải pháp tốt đẹp.
ĐÔI LỜI TỪ VĂN UYỂN
Nhận được lá
thư khá dài của đạo hữu Bích Ngọc, chúng tôi rất vui. Trên đây chỉ là phần đầu
lá thư. Chúng tôi tạm giữ lại phần sau, vì nó liên quan một vấn đề khác, và có
lẽ sẽ chia sẻ phần ấy trên một tập Văn Uyển năm 2017.
Chị Bích Ngọc
là bạn đọc lâu năm của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Các sách chị nhận được đều
thông qua điểm phát hành ở Long Khánh do hiền huynh Nguyễn Văn Đạo (tín hữu Cao
Đài Tây Ninh) gánh vác.
Nhắc lại, chúng
tôi quả thật rất vui khi nhận được lá thư tâm tình của chị, vì Văn Uyển có mục đích
tạo nên mảnh vườn chung, hay “sân chơi”, cho anh chị em nhà Đạo, để chúng ta tiện
chia sẻ, giãi bày những vui buồn, băn khoăn, ước vọng… của người tín hữu Cao Đài
trong đời sống hàng ngày nơi gia đình, trong họ đạo.
Ngoài ra, Văn
Uyển lúc nào cũng “đói” bài (cười…). Hễ nhận được thư của bạn đọc mà thấy có thể
in được như một bài viết, hay một mục trong Gió
Bốn Phương thì dễ hiểu rằng lòng chúng tôi hoan hỷ lắm.
Trở lại với câu
chuyện của chị Bích Ngọc, chúng tôi hoàn toàn đồng ý về mấu chốt thứ ba mà chị bổ khuyết giúp cho, và xin cảm ơn chị nhiều.
Chúng tôi mong rằng quý đạo hữu đã có kinh nghiệm dìu dắt con trẻ sao cho dung
hòa tròn trịa việc học bộn bề ở trường với việc sinh hoạt ở thánh thất, thánh tịnh
sẽ hoan hỷ dành thời gian viết cho Văn Uyển giải pháp để chị Bích Ngọc tham khảo.
____________