Nói chuyện về một giải pháp hòa bình còn tương đối dễ, thực hiện hòa bình,
nhất là hòa bình cho cả toàn thế giới, thì thật là thiên nan vạn nan. Có thể
nói đó cũng là câu chuyện của muôn đời, bởi trong lịch sử nhân loại, không nơi
nầy cũng nơi khác, bao giờ cũng có những cuộc chiến tranh đẫm máu, mà hiện nay
đây, lò lửa chiến tranh và khủng bố vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi với những
loại vũ khí giết người ngày càng hiện đại.
Lý tưởng về một thế giới đại đồng trong đó bốn biển coi nhau như anh em
vì thế còn ở đâu đó rất xa, và không phải hoàn toàn vô lý khi có nhiều người
dựa trên kinh nghiệm thực tế lịch sử mà cho rằng điều nầy chỉ là một mơ ước tốt
đẹp nhưng hầu như không thể thực hiện được trên phạm vi toàn cầu, chừng nào mà
con người vẫn còn có lòng tham với đủ thứ dục vọng nầy khác.
Muốn có hòa bình đơn giản chỉ cần diệt bỏ lòng tham, không tranh chấp hơn
thua nhau nữa, nhưng đó chỉ là lý thuyết suông. Ai cũng biết chiến tranh là do
sự kỳ thị lẫn nhau về tôn giáo hoặc chính kiến (ý thức hệ), nhưng những thứ nầy
thật ra chỉ là bề nổi khi cần thì trưng ra để phủ lên cái lớp thực chất bên
trong là những cuộc tranh chấp về quyền lợi kinh tế trong một thế giới mà tài
nguyên thiên nhiên và các nguồn của cải khác vốn dĩ giới hạn và phân bố không
đồng đều mà ý của kẻ mạnh là muốn chia lại để được giành phần hơn. Sự làm giàu
lên của nước nầy sau khi đã khai thác hết phần tài nguyên thiên nhiên của mình
do vậy qua những con đường quanh co chắc chắn phải là sự nghèo đi của nước khác
nếu vấn đề chia của không được giải quyết trên cơ sở của tình liên đới và luật
công bằng.
Thực tế cho thấy mỗi khi chiến tranh sắp sửa hoặc đang nổ ra ở đâu đó thì
liền có những tiếng nói kêu gọi hòa bình vang lên của các nhà đạo đức, các lãnh
tụ tôn giáo, hay của các tổ chức quốc tế mà cơ quan cao nhất là Liên Hiệp Quốc,
nhưng dường như không bao giờ ngăn cản được chiến tranh xảy ra. Các bên tham
chiến thường tảng lờ lời khuyên của Giáo Hoàng hoặc của Tổng Thư Ký Liên Hiệp
Quốc mà vẫn hành động theo ý họ cho đến khi cuộc chiến ngã ngũ, trong đó có một
bên đã thắng lợi và thỏa mãn.
Công dân các nước tuyên chiến cũng có người phản đối chiến tranh vì lòng
nhân đạo hoặc vì sợ con em họ có thể bị thiêu thân vào lò lửa, và tuy phản đối vậy
nhưng nếu bảo họ hy sinh bớt một số quyền lợi bằng cách chấp nhận cuộc sống
kiệm ước và đạm bạc hơn thì họ lại nhao nhao lên phản đối, bảo rằng nhà cầm
quyền không chăm sóc tốt đời sống cho họ. Vì vậy nhà cầm quyền nào muốn đứng
vững cũng phải thỏa mãn cái bao tử đầy ham hố cùng những thứ dục vọng xa xỉ
khác trên mức sinh tồn của các công dân bằng cách tom góp của cải các nơi mang
về, khi không thể bằng con đường thương mại bình thường được thì phải phát động
chiến tranh và đưa ra đủ thứ chiêu bài giả dối để khỏa lấp tội ác. Đó là lý do
của sự phân hóa thành hố ngăn cách giàu nghèo trầm trọng giữa các nước mà cũng
là mầm mống của các mối mâu thuẫn tạo nên tình trạng bất ổn định thường trực
trên phạm vi toàn cầu xưa nay.
Khi bày tỏ nỗi lo âu về cái hố ngăn cách nầy, Thomas Merton (1915-1968,
người Mỹ) đã phát biểu chí lý như một lời đề nghị cho giải pháp hòa bình: “Chúng ta có thể có được cái gì bằng cách du
hành lên cung trăng nếu như chúng ta không thể vượt qua hố sâu ngăn cách giữa chúng
ta với chính chúng ta? Đây là cuộc du hành quan trọng nhất trong tất cả mọi
cuộc du hành, và không có nó thì tất cả mọi thứ còn lại không những vô ích mà
còn là thảm họa nữa.” ([1])
Thế giới không ổn định rõ ràng vì con người luôn sống ích kỷ, khi có điều
kiện đủ mạnh thì muốn thu tóm quyền lực và quyền lợi nhiều hơn kẻ khác, từ cá
nhân, gia đình, cho đến quốc gia xã hội... Nhiều quốc gia còn có tham vọng làm
bá chủ thiên hạ, bằng cách tập hợp thành những liên minh xung đột nhau, tạo nên
cục diện đa cực hóa chia ba chia bốn thế giới, khiến cho một nước nhỏ nghèo dù
có muốn thủ phận đứng riêng một mình cho được yên thân cũng không được. Trong
các nước nhỏ nghèo nầy lại thường có những phần tử hoặc phe phái chính trị mạnh
hơn và đầy tham vọng, tìm cách vượt lên vai trò thống trị, hình thành các nhóm
đặc quyền sẵn sàng câu kết với bất kỳ nước đế quốc bên ngoài nào để củng cố vây
cánh quyền lực mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân lao động cùng khổ trong nước nhưng
cũng núp bóng dưới những chiêu bài dân tộc nầy khác.
Ở đời, nghĩa và lợi thường rất khó kết hợp ổn thỏa với nhau. Muốn có hòa
bình, trên lý thuyết mọi người chỉ cần sống theo hướng tiết dục của các nhà tu
là được. Nhưng như trên đã nói, cái tâm con người thì lại luôn tham dục vọng
động, vừa muốn được tiếng là nhân nghĩa nhưng cũng vừa muốn sống sung sướng hơn
kẻ khác, nên các nhóm chính trị miệng thường huênh hoang nói hòa bình theo kiểu
các nhà ngoại giao mà tay chân thì lúc nào cũng thủ sẵn vũ khí; nhiều nước lo
chạy đua vũ trang bằng cách bỏ rất nhiều tiền của để phát triển công nghiệp
quốc phòng, dấn mình cuồng nhiệt vào hành vi chiến tranh mà thực chất là làm
lung lay tận gốc rễ chính cái lý do khiến họ cần chiến đấu.
Ngay như có những quốc gia gọi là những nước theo nền kinh tế Phật Giáo (Buddhist economy) vốn chú trọng đời sống
tâm linh hơn là hoạt động kinh tế, vẫn bị lôi cuốn vào cục diện xào xáo chung,
không đứng vào phe nầy thì cũng bị coi như thuộc về một phe khác, dù muốn hay
không muốn cũng không thể tách mình ra khỏi những cuộc đấu tranh không phải do
mình chủ động.
Nếu tạm chấp nhận những phân tích
như trên là đúng thì chiến tranh cũng là một yếu tố không đi ngoài quy luật vận
động đấu tranh sinh tồn của loài người, điều nầy có nghĩa là không thể tránh
được chiến tranh. Ngay trong nhận định có vẻ bi quan nầy người ta cũng có nhiều
tranh cãi: Các nhà sử học dễ dàng chấp nhận nó như một thực tại khách quan vượt
trên ý chí con người, trong khi các nhà hoạt động tôn giáo thì nhất định không
chịu như vậy, luôn tìm cách cổ vũ cho nền hòa bình. Kết quả là ai hô hào kêu
gọi cho hòa bình thì cứ việc kêu gọi, hô hào, trong khi các cuộc chiến tranh
dưới hình thức nội chiến hay xâm lược vẫn thản nhiên xảy ra bất chấp mọi sự tố
cáo của các nhà đạo đức, như lịch sử cả trong quá khứ lẫn hiện tại đã nhiều lần
chứng tỏ.
Mặc dù có vẻ bế tắc và tuyệt vọng như trên, lương tâm con người vẫn không
thể nào yên khi hằng ngày nhìn thấy những thảm cảnh chết chóc đau khổ do chiến
tranh gây ra ở khắp mọi nơi, có khả năng lan rộng thành cuộc thế chiến đe dọa
hết thảy mọi người. Thế thì những lời kêu gọi hòa bình lên án chiến tranh dù
trong hy vọng mong manh đến mấy vẫn có vẻ hữu ích, theo kiểu thà có còn hơn
không, cố gắng đến đâu hay được đến đấy. Xét cho cùng, mọi lời kêu gọi cho hòa
bình cũng là tự nhiên và đương nhiên, không phải muốn hay không muốn, tin hay
không tin có hòa bình, theo nghĩa những lời kêu gọi ấy cũng là kết quả của phản
ứng tự nhiên đi liền theo với chiến tranh mà thôi, trong cuộc chiến đấu chưa
phân thắng bại giữa cái thiện với cái ác!
Và cũng theo nghĩa ấy, mấy mươi sứ
điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới của các vị Giáo Hoàng ban ra từ năm 1968 đến nay ([2]) nếu không đạt được những kết quả cụ thể hiển hiện thì
ít nhất cũng hữu ích trong tác dụng giáo dục nhằm xây dựng tâm thức và động
viên ước muốn của con người hướng về mục tiêu đấu tranh không mệt mỏi cho nền
hòa bình thế giới. Việc đáng làm thì phải làm, còn kết quả là một lẽ khác, dù
sao cũng không có gì giống với thái độ buông xuôi đầu hàng tội ác một cách hoàn
toàn tiêu cực.
Để kiến tạo được nền hòa bình trong tương lai, kinh nghiệm cho thấy chúng
ta ít có thể hy vọng được gì nhiều ở mấy ông tổng thống hay thủ tướng đương
nhiệm của một số cường quốc, vì họ đều là những kẻ “miệng nam mô tay bồ dao
găm”, bề ngoài tuyên bố hòa bình và xưng tội với Chúa nhưng bề trong thì luôn
luôn chuẩn bị cho chiến tranh, không từ bất cứ một thủ đoạn nào.
Trái lại, chúng ta chỉ có thể hy vọng ở kết quả của sự giáo dục đối với
công dân các thế hệ măng non trên toàn thế giới, bằng cách gieo vào lòng họ
khát vọng hòa bình, mà điều kiện của khát vọng đó là một đời sống biết chế ngự
tham vọng để không quá tôn thờ chủ nghĩa trục vật ([3]) chuyên chạy theo nền văn minh vật chất như tại nhiều
nơi trên thế giới hiện nay.
Chẳng hạn, trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 01-01-2004, chủ đề “giáo dục hòa bình” của Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II (1920-2005, người Ba Lan) có vẻ vẫn còn hợp thời và không lạc
điệu. Mục 4 của sứ điệp nêu rõ:
“Trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới
01-01-1979, tôi đã kêu gọi: Để có hòa bình, hãy giáo dục
hòa bình. Ngày nay lời kêu gọi ấy còn khẩn thiết hơn bao giờ hết, bởi vì những
người đàn ông và phụ nữ khi giáp mặt những thảm kịch tiếp tục gây tổn thương
cho nhân loại, thì họ đang bị cám dỗ khuất phục chủ nghĩa định mệnh, cơ hồ hòa
bình là một lý tưởng không thể đạt được.” ([4])
Liền sau đó, với một tinh thần lạc quan, sứ điệp viết tiếp:
“Hòa bình là điều có thể. (…) Nó phải
được xây dựng trên bốn trụ cột (…): sự thật, công lý, tình yêu, và tự do. Vì
vậy một nghĩa vụ được đặt ra cho tất cả những ai yêu mến hòa bình, đó là nghĩa
vụ dạy các lý tưởng hòa bình nầy cho những thế hệ tương lai, để chuẩn bị cho
toàn nhân loại một tương lai tốt đẹp hơn.” ([5])
Nhưng muốn có sự thật, công lý,
tình yêu, và tự do, nghĩa là muốn có hòa bình, thì mỗi cá nhân con người
phải thôi sống ích kỷ, giảm bớt dục vọng, sự kỳ thị và tranh chấp, để mở lòng
ra đón nhận và chia sẻ với đồng loại, trong số tài sản còn lại của ngôi làng địa
cầu mà chúng ta không sợ ít, chỉ sợ chia không đều.
Trong chiều hướng đó, cái gọi là nền kinh tế Phật Giáo nêu trên có vẻ là
đề tài tham khảo tốt cho sự lựa chọn để duy trì nền hòa bình thế giới, vì đặc
điểm của nó là không quá thiên trọng lợi ích vật chất do đó mà cũng bớt cần
phải giành giật chi cho mệt, với cuộc sống hướng về những giá trị tâm linh
nhiều hơn, tuy có thể thiếu vẻ rực rỡ bề ngoài của cuộc sống văn minh giàu mạnh
nhưng con người lại đối xử với nhau một cách hòa bình và tử tế.
Lối sống theo hướng như vậy không đòi hỏi phải tập trung quá nhiều và
căng thẳng vào những việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách vội vã theo kiểu
tiến nhanh tiến mạnh, cho phép cộng hưởng được những niềm vui trần thế tuy có
đạm bạc hơn chút ít cho mỗi người trong xã hội nhưng lại bền bỉ lâu dài, không
cần gì phải đến máu đổ thịt rơi mới nhận được.
Con đường dẫn tới hòa bình chỉ có thể hy vọng đạt được từ sự sọi rọi lại
để phản tỉnh ở chính bản thân mỗi con người thể hiện bằng hành vi thực tâm sống
đạo (không kể đạo gì, tôn giáo gì), bởi vì đảo lại nguyên tắc “tu tề trị bình”
của Nho Giáo cho ta cách nói rất hay:
Cái căn bản của thiên hạ là ở mỗi
quốc gia, cái căn bản của quốc gia là ở mỗi gia đình, và cái căn bản của gia
đình là ở mỗi bản thân con người. (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia, gia chi bản
tại thân.)
Không dựa vào sự tu tỉnh, phản tỉnh bản thân nầy từ mỗi con người thì
cũng không còn gì khác ở bên ngoài có thể trông cậy được, và nền hòa bình khi
ấy vẫn sẽ tiếp tục chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém.
TRẦN
VĂN CHÁNH
([1]) What can we gain by sailing to the moon if we are not able to cross the
abyss that separates us from ourselves? This is the most important of all
voyages of discovery, and without it, all the rest are not only useless, but
disastrous.
Thomas Merton, The Wisdom of the
Desert. New Directions Book 1970, p. 11.
([4]) In my Message for the World Day of Peace on 1 January 1979 I made this
appeal: To Reach Peace, Teach Peace. Today that appeal is more urgent
than ever, because men and women, in the face of the tragedies which continue
to afflict humanity, are tempted to yield to fatalism, as if peace were an
unattainable ideal.
https://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/en/messages/peace/
documents/hf_jp-ii_mes_20031216_xxxvii-world-day-for-peace.html
([5]) Peace is possible. (…) It must be built on the four pillars (…): truth,
justice, love and freedom. A duty is thus imposed upon all those who love
peace: that of teaching these ideals to new generations, in order to prepare a
better future for all mankind. (Tài liệu dẵ dẫn.)
____________
Nói chúng ta
không được gây chiến thì không đủ. Chúng ta cần phải yêu chuộng hòa bình và hy
sinh cho hòa bình.
It is not enough to say we must not wage war. It
is necessary to love peace and sacrifice for it.
Martin
Luther King, Jr. (1929-1968, Mục Sư Mỹ)