Đêm khuya dần, chiếc đèn bàn như sáng hơn. Ngoài phố
đêm, tiếng rao hàng rong thiết tha mời gọi. Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác trầm ngâm
bên bàn viết với bài thánh giáo của Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo:
THI
Cất gánh tang bồng trả
nợ trai
Làm sao khỏi thẹn đấng
râu mày
Đường trường bảy thước
thân nam tử
Thuyền đã ra khơi há dễ
quày.
Bài thánh giáo do đàn cơ tại thánh thất Trung Thành
ngày 15-01 Canh Thân (Thứ Năm 22-02-1940), tức là trước ngày tiền bối đi dự Đại
Hội Long Vân thứ mười hai tại thánh tịnh Minh Kiến Đài ở Hạnh Thông Tây (Gò
Vấp, Gia Định) hơn hai tháng.([1])
Đức Hưng Đạo
Vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300) xưa là danh tướng đời Trần đã từng đánh đuổi năm
mươi vạn quân Nguyên ra khỏi cõi bờ nước Nam, làm cho các tướng Mông Cổ là Thoát
Hoan, Sài Thung, Toa Đô, Ô Mã Nhi phải kinh tâm bạt vía. Nay trong đạo Cao Đài,
Đức Thánh Trần là Tổng Lý Vô Vi Quyền Hội Thánh Trung Kỳ.
Nội dung bài thánh giáo Đức Tổng Lý dạy làm cho Huỳnh
tiền bối suy nghĩ nhiều về sứ mệnh và tiền đồ của nền quốc đạo. Lời Đức Thánh
Trần dạy người thanh niên Đại Đạo với trọng nhiệm đem đạo vào đời, xốc gánh
nhân sinh để đưa dân tộc đang bị thực dân xâm chiếm đến chỗ độc lập, tự cường
tự chủ. Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác cảm thấy bồn chồn về vai trò của người hướng
đạo trong hiện tình đời đạo nặng oằn vai.
Ba ngày Đại Hội Long Vân tại thánh tịnh Minh Kiến Đài,
những phong thanh về cứu đạo, cứu đời làm mọi thành viên dự hội không thể điềm
nhiên. Phần đông bôn chôn toan tính cách ứng phó với thời cuộc, vì Thế Chiến thứ
Hai đã diễn ra.([2]) Phái đoàn Cao Đài miền Trung gồm có
Hiệp Lý Lê Trí Hiển, Nông Viện Trưởng Trần Nguyên Chất, Hòa Viện Trưởng Huỳnh
Ngọc Trác và Đồng Tử Thanh Long vội vã trở về Quảng Nam để chăm lo cho cơ Đạo
khỏi lâm vào cảnh rối ren, hoặc bị chụp mũ là hội kín, hoặc bị lợi dụng lôi
kéo.
Ban hướng đạo
Quyền Hội Thánh Trung Kỳ hiệp tâm chủ trương phát huy đường lối Tam Dân (dân
sinh, dân trí, dân đức).
Các tiền bối phân công nhau biên soạn Gia Lễ Thường Hành, chăm lo quan hôn
tang tế. Bộ phận phò loan phải thay đổi địa điểm từ thánh thất này sang Thiên bàn
khác. Phần tiền bối Huỳnh Ngọc Trác chịu trách nhiệm soạn tài liệu giảng huấn
cho lớp Đạo Đức Học Đường.
Bên ánh đèn tỏa sáng, Huỳnh tiền bối đọc chậm lại từng
đoạn bài thánh giáo của Đức Trần để nung nấu thêm tinh thần. Nhiệt lực trong
người như nóng lên khi tiền bối đọc:
“Thật cũng
may duyên cho chư hiền, gặp Đức Cao Đài thức tỉnh, nương mình dưới bóng hồng ân.
Thế mà ngoảnh lại mười lăm năm rồi, đời vẫn còn khổ, Đạo vẫn chưa thông, người
dốt nát, kẻ bạo tàn, nạn giựt giành cơm áo diễn ra trăm mối ngổn
ngang, lửa phiền đốt ruột!
Đứng trước cảnh nhân
tâm như thế, chư hiền có nên mau mau ra tay lấp thảm phá sầu, bỏ mối bi quan,
cùng đứng dậy kêu gào nhau, dù rát cổ hao hơi cũng cương quyết một lòng làm cho
trăm họ dắt nhau về cõi lạc quan, quét sạnh mối tư tâm, đạp tan thành bản ngã,
làm cho đâu đâu cũng được tắm gội ơn đức Cao Đài, làm cho người dân Việt Nam
biết mình có một nhiệm vụ thiêng liêng với công cuộc xây dựng tân thế giới do
đạo Cao Đài chủ xướng, mà không thể bịt mắt bịt tai trong khi trời long đất
chuyển.
Núi còn cao, sông còn
rộng, biển còn sâu, đất còn chở, trời còn che, chư hiền hãy gắng lên! Mặc dù
việc quá lớn, sức chưa kham, nhưng trên dưới một lòng, đường tuy xa cố bước mãi
không ngừng thì có ngày cũng đến. Cùng nhau bắc cầu phá núi, dắt đồng bào nhơn
loại đến chỗ vinh quang.” ([3])
Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác đang chú tâm vào việc soạn
tài liệu luận giảng đề tài Tam Dân Cửu Viện.
Tiền bối xem lại trang bản thảo:
“Đặc điểm thứ hai là
thực hành ba nguyên tắc: Dân đức, dân sanh, dân trí. Ba đặc điểm nầy rất quan
hệ trong cuộc sống của nhân loại. Bất cứ dân tộc nào muốn tạo thành một quốc
gia hay một xã hội nào, muốn xứng đáng một phần tử trong nhân loại mà được tồn
tại mãi mãi thì trong ba nguyên tắc nầy không thể thiếu một được.
Bây giờ xin giải nghĩa
thế nào gọi là dân, và dân có quan hệ thế nào đối với quốc gia xã hội?
Dân là tên chung gọi
tất cả người trong một nước.
Sự quan hệ của dân ra
thế nào? Ta có thể nói ý dân là ý Trời.
Ông Lư Thoa ([6]) nói: ‘Dân là chung hồn
của nước, nước là danh dự của dân.’ Trong bản dân quyền tuyên ngôn có nói rõ sự
quan hệ của dân thế nào rồi.
Theo những thuyết trên,
suy trắc đến các học thuyết Đông Tây xưa nay bàn về chữ dân, ta có thể thấy sự
quan hệ của dân đối với cuộc hưng vong thành bại thế nào.
Trong bài cổ động Nông
Viện, Đức Trần Hưng Đạo đã nói: ‘Dân mạnh nước mạnh, dân yếu nước yếu, dân đau
nước bại hoại, dân chết nước điêu tàn. Và trong Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo
minh định chỉ có vạn linh sanh chúng mới được quyền thay thế cho Đức Chí Tôn mà
công cử chức phẩm Giáo Tông. Vạn linh sanh chúng tức là toàn thể tín đồ, là
nhân dân.
Ôi! Quyền hạn của nhân
dân, sinh mạng của nhân dân quan hệ đến thế thì tổ chức sắp đặt thế nào để dẫn
dắt nhân dân vào con đường tiến hóa? Nên tôn chỉ của Đại Đạo phải hoạch định ba
nguyên tắc đạo đức, đời sống, trí thức, mới mong tổ chức hoàn bị cả tinh thần
lẫn vật chất, không cố chấp xưa, không câu nệ nay để mưu cầu đại đồng xã hội
tương lai cho nhân loại.
Thế nào là dân đức? Dân đức là đạo đức của
nhân dân. Đó là vấn đề quan hệ trong cuộc sống chung của loài người. Khi loài người
tiến đến trình độ cao về vật chất thì vấn đề đạo đức bị bỏ sót. Người ta quên
rằng nếu bỏ đạo đức thì loài người e không còn là người nữa. Vậy nên ta có thể
gọi lớn lên rằng đạo đức là vấn đề cố hữu xưa nay, cả Đông Tây, ở xã hội nào,
dân tộc nào nó cũng là vấn đề thần thánh để nâng đỡ cuộc đời của loài người
thêm cao thượng; nuôi nấng tâm chí loài người được sáng suốt, tránh được tất cả
những tư cách ô hạ, những tính tình ti tiện; kềm chế được những nhược điểm,
vượt qua được mọi sự cám dỗ, mọi sự ràng buộc vật chất; giữ lương tâm trong
sạch, nhân cách cao vời, phẩm giá xứng đáng; gìn tròn thỉ chung cái thiên chức
làm người, bổn phận làm dân, tư cách một tín đồ. Đạo đức của dân được như thế
thì lấy giàu sang không câu nhử được, lấy quyền thế không uy hiếp được, lấy sắc
đẹp không dụ dỗ được.
Chữ đạo đức nghĩa chính
là như thế chứ không phải như người ta đã hiểu là người nhu nhược, thật thà,
gặp sao hay vậy, đa cảm bi quan. Gặp phải một nghịch cảnh, một trở lực thì tâm
trí bần thần thối thác tránh trớ. Rồi đổ cho mạng lý hoặc nhân quả, nhân duyên.
Không có một sinh lực gì, chính khí gì đủ sức tự tin để ra tay cải tạo.
Thế nào gọi là dân sanh? Dân sanh là đời sống
của nhân dân. Nó là vấn đề quan hệ sống còn của con người. Đời sống của nhân
dân gồm có ăn, ở, mặc. Thầy Mạnh Tử có câu ‘Vô hằng sản
nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng. Nhược dân tắc vô hằng sản,
nhân vô hằng tâm. Cẩu vô hằng tâm, phóng tịch tà xỉ, vô bất vi dĩ. Cập hãm ư tội, nhiên hậu tòng nhi hình
chi, thị võng dân dã.’ ([7]) Nghĩa
là: Không có tài sản mà thường giữ được lòng thì chỉ có kẻ sĩ quân tử mới giữ
được năng lực như thế, còn đại đa số
nhân dân thì nhân vì không có tài sản mà thường không giữ được lương tâm. Đến
khi lương tâm không được giữ thường thì buông lung cong vạy, không việc gì ty
tiện mà không dám làm. Kịp đến khi sa vào tội lỗi thì quan trên lại lấy hình
phạt mà trừng trị, như thế hình phạt đặt ra chỉ là lưới rập dân đấy.
Xét câu này, thấy ngay
chỗ quan hệ của dân sanh mà bậc hiền triết lưu tâm tha thiết đến chỗ trọng yếu
là tổ chức đường kinh tế sinh sống cho nhân dân. Lại có câu ‘Cơ hàn thiết thân
bất cố liêm sỉ’ ([8]) có
nghĩa là đói rét đến bên lưng thì hơi đâu nói đến liêm sỉ. Suy ra, ta có thể
thấy ngay rằng nguyên tắc dân sanh đối với bất cứ xã hội nào, quốc gia nào cũng
là điều kiện rất cần thiết. Vì có thế mới làm cho đời sống con người được thỉ
chung trung thành với bổn phận.
Thế nào là dân trí? Dân trí là trí thức
của dân. Vì sao mà
phải lo cho nhân dân có trí thức?
Hàn Phi Tử đã nói: ‘Ngu dân bách vạn vị chi vô dân.’ ([9]) Nghĩa là dân ngu dẫu có nhiều đến
trăm vạn cũng như không có một người nào.
Lương Khải Siêu cũng nói: ‘Họp bầy đui không thành người sáng, họp bầy
dốt không thành tinh thông.’
Ta có thể nói trí thức
phổ thông của dân là điều kiện quan hệ cho cuộc thạnh suy của một quốc gia, một
chủng tộc. Nhân dân cần có trí thức để nhận biết cái thiên chức làm người của
mình, để hiểu biết cái quyền hạn, cái bổn phận làm dân của mình. Nhìn sự nhục
nhã cùng nỗi phẫn uất chung vì giá trị con người mà đồng lòng cùng nhau đoàn
kết khắn khít. Tình thân ái dần dần từ đồng loại mà ra. Chịu hy sinh bớt những
điều kiện riêng mà hăng hái chung sức vào cái vận mệnh của toàn thể xã hội. Nếu
trí thức của nhân dân đã tiến một bước khá cao rồi thì
cái danh dự cao quý sẽ đem lại cho họ một cách vẻ vang. Đó là điều chắc chắn
vậy. Vì họ có trí thức mới hiểu biết lịch sự ở đời, mới biết phục tùng kỷ luật,
mới giữ được trật tự mà nhân cách mới thanh cao. Thế thì cơ quan giáo dục đối
với sự nuôi nấng trí thức của nhân dân thiệt là một điều không thể cẩu thả
được. Nên dân trí là vấn đề rất quan hệ trong công cuộc trưởng dân phụ thế của
bất cứ dân tộc nào.
Kết luận: Đem so sánh ba nguyên tắc của đặc
điểm thứ hai trong tôn chỉ Đại Đạo rất thiết thực, không thể thiếu một được.
Tất phải đồng thời tổ chức cơ quan khai hóa của Đại Đạo đã hoạch định hẳn hoi.
Cái đại thể của chín viện đã ngậm đủ ba nguyên tắc trên kia như:
- Dân đức thì có: Hòa Viện,
Lễ Viện, Phước Thiện Viện.
- Dân sanh thì có: Nông
Viện, Công Viện, Lương Viện.
- Dân trí thì có: Phổ
Thông Giáo Lý, Học Viện.
- Còn Nội Ngoại Giao
Viện là cái cửa thống lãnh giao tiếp.
Vậy nếu đem suy trắc,
cân nhắc ba nguyên tắc nầy đối với các học thuyết Đông Tây xưa nay mà so sánh
thì ta phải có thể đại ngôn lên rằng tôn chỉ của Đại Đạo nếu có thể thực hành
được hoàn toàn thì cuộc đại đồng tôn giáo, đại đồng xã hội sẽ thực hiện, quyết
không còn mơ mộng nữa.”
Lướt qua hết đoạn bản thảo, Huỳnh tiền bối với tay lấy
lọ dầu Nhị Thiên Đường bôi một ít vào mũi. Hơi lạnh cuối đông theo gió lùa vào
khe cửa làm tiền bối hơi rúm người lại. Bỗng có tiếng gõ cửa và tiếng của chị
nữ tu trù phòng:
- Thầy giáo Hai?
- Ủa có gì? Khuya vậy! Tiền bối hỏi vọng ra.
Cửa xịch mở, con cháu gái từ quê theo nữ tu trù phòng
bước vào. Trước sự ngạc nhiên hơi âu lo của tiền bối, cô cháu gái vội vòng tay
thưa:
- Thưa chú Hai, thím Hai Chơn Bảo cho cháu ra báo với
chú là cụ bà bị cảm gió từ khi chiều.
Hai
Cái lạnh mùa đông của miền Trung rất khắc nghiệt. Ở
miền quê thiếu thốn chăn mền, đêm ngủ người ta phải dùng chiếu để đắp. Nhiều
nhà đông con nửa đêm phải dậy đốt lửa ngồi sưởi ấm. Các cụ cao tuổi luôn để nồi
than sưởi dưới gầm giường. Năm nào cũng vậy, vào tháng mùa đông người chết
nhiều hơn các mùa khác. Chết vì lũ lụt, chết vì già không chịu được lạnh…
Thân mẫu của tiền bối Huỳnh Ngọc Trác, cụ bà Tịnh Niệm
Phan Thị Nẫm rất nghiêm cẩn về gia pháp, trân trọng về lễ tiết. Cụ bà thể lực
yếu đuối mà bản chất siêng năng cần mẫn. Trong những ngày áp tết cụ bà chăm lo
phụ với người con dâu (Hành Thiện Chơn Bảo) chuẩn bị đón tết cổ truyền. Lo dọn
dẹp nhà cửa, lo hương hoa trà quả, nhất là lo làm bánh mứt. Không chỉ cho gia
đình mà cho cả thánh thất Trung An. Vì cảm lạnh do mắc mưa, đồng thời dường như
có mầm bệnh già tiềm ẩn nào đó đã bùng phát nên cụ bà suy kiệt nhanh chóng.
Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác được tin vội về lo thuốc thang, nhưng cụ bà vẫn không
qua được thời điểm mệnh chung. Cụ bà thoát trần vào giờ Hợi ngày 29 tháng Chạp
Canh Thìn (Chủ Nhật 26-01-1941).
Cái tết Tân Tỵ (1941) là cái tết đau buồn không chỉ
riêng cho gia đình tiền bối Hùynh Ngọc Trác mà cho cả thánh thất Trung An và
bổn đạo Quảng Nam .
Đám tang được tổ chức vào ngày 04-01 Tân Tỵ (Thứ Năm 30-01-1941)
đúng theo nghi lễ tân pháp Cao Đài. Tất cả các vị hướng đạo đã tập trung về,
các họ đạo trong toàn tỉnh Quảng Nam cũng kéo về, có cả ban nhạc lễ
Từ Quang đến hộ lễ.
Hương chức trong làng, nhất là Hương Kiểm Nguyễn Cường,
cảm phục đức độ của cụ bà và thanh thế của gia đình nên cố ý che giấu, không
trình báo lên huyện, tỉnh về tang lễ làm theo nghi thức của nền Đạo đang bị cấm.([10]) Tuy nhiên, vì âm hưởng quá lan rộng
nên mật thám tỉnh là Reynaud và Tri Phủ Thăng Bình Nguyễn Xuân Đàm ([11]) đã kéo lính tập đến bao vây, bắt hầu
hết các bậc hướng đạo có mặt, giải tất cả về Ty Liêm Phóng Hội An.([12])
Các tiền bối bị giam tám tháng mới ra tòa, bị xử mỗi
vị bốn năm tù khổ sai vì tội danh tái phạm tụ hội bất hợp pháp, gồm có các tiền
bối Nguyễn Quang Châu, Nguyễn Đán, Huỳnh Ngọc Trác, Trần Nguyên Chất và Phan
Thiện Trì. Nơi thọ án là lao xá Quảng Nam . Rất may người cai tù lao xá
nầy là Nguyễn Thôi (thường gọi Cửu Hiểu) vốn là tín đồ Cao Đài. Do đó, khi phải
thi hành lao dịch, các tiền bối được Cửu Hiểu ngầm giúp đỡ, chỉ cắt đặt những việc
nhẹ nhàng như quét công đường, nhổ cỏ trong dinh thự. Về lương thực hằng ngày,
mỗi người được cấp phát 750 gram gạo, một ít muối và rau. Các vị không nhận
thức ăn mặn.
Ba tháng sau có lệnh của Tổng Đốc Quảng
Nam Ngô Đình Khôi cho các vị ra lao dịch tại hành cung.([13]) Ở đây lại gặp người đầu
bếp là tín đồ Cao Đài thánh thất Từ Quang; nhờ vậy tạo được đường dây thăm viếng
liên lạc, tiếp tế khá đầy đủ. Nhân đó, tiền bối Huỳnh Ngọc Trác tiếp tục soạn
tài liệu giáo lý gởi về cho học viên phổ thông ở Đạo Đức Học Đường.
Tiền bối lại được tin tiền bối Trần Nguyên Chí và người em gái
là Trần Thục Cơ bị bắt tại Đạo Đức Học Đường do
một bài luận văn đề tài “Con cò đi ăn đêm”. Nội dung bài luận có hàm ý động chạm thời thế. Tiền bối Trần
Nguyên Chí thừa nhận rằng mình hướng dẫn em gái làm bài luận ấy, nên cả hai bị
bắt phạt tù: Trần tiền bối một năm, còn người em gái Trần Thục Cơ mười tám
tháng, cũng đều bị đưa ra nhà lao Hội An (Quảng Nam ). Các tiền bối cũng nhờ chuyển những
bài thánh giáo từ đầu năm ra để xem lại. Hầu như bài nào các tiền bối cũng đọc
nhiều lần, đến thuộc lòng.
Bài thánh giáo của Đức Trần Tổng Lý làm các tiền bối thao
thức, xót xa trong cảnh “trói chân kỳ ký”:([14])
TỔNG LÝ TRẦN HƯNG ĐẠO
THI
Trông thấy quần sinh
luống chạnh lòng
Bàn cờ thế giới đã dàn xong
Tàn
linh năm cõi lo quên ngủ
Nhân loại bốn phương sợ phập phồng
Đạo đức dạy đời, đời bịt mắt
Chơn truyền cứu chúng, chúng nhàm
trông
Chừ ai chung gánh canh khuya vắng
Mà dắt tay nhau đến Đại Đồng.
Chào chư chức sắc lưỡng
ban. Hỡi chư hành sự! Than ôi! Ngày qua như tên xẹt, có chờ ai đâu, thấm thoát
mà Đạo Tam Kỳ đã mải miết trên dải đất Đông Dương
mười mấy thu đằng đẵng, giữa lúc trào lưu tư tưởng Đông Tây đương quyết
liệt đấu tài, liệt cường đương gầm thét để tranh thành cướp đất còn hơn thời
Xuân Thu Chiến Quốc.([15]) Cũng vì quá văn minh khoa học, lấy lý trí mà thắng đoạt cơ trời.
Nào thần công, cao xạ,
hơi ngạt, xe tăng, bom thiêu, tạc đạn. Hôm nay, kết quả cho nhân loại một tấn
thảm kịch nơi bãi sa trường với bao nhiêu máu sông xương núi. Thảm thảm! Thế mà
đã yên đâu, rồi đây nhơn loại còn phải bước chân vào cảnh đoạn trường hơn nữa,
biết bao nỗi bất bình, nỗi kinh khủng, nỗi phập phồng lo ngại cho cái ngày mai!
Hỡi ôi!
Càng trông nhân loại
càng đau
Hỏi nào hiệp khách anh hào ai đâu?
Thế mà ai chịu mở mắt
tỉnh tâm trong lúc đêm trường mờ mịt thiên thảm địa sầu, chịu noi theo ánh sáng
của vừng thái dương là Tam Kỳ Đạo chuyển để cùng nhau đưa tay đánh thức kẻ còn
mê trong cơn mộng.
Thiệt, Thần Tiên cũng
vô phương khả luận, biết tỏ cùng ai! Nào đâu trang hiệp nghĩa, khách anh tài,
vì chúng quên mình trong lúc nước bại nhà suy, phong dời tục đổi?
Thử hồi tưởng lại, mấy
thế kỷ vừa qua nào có phải dân Việt không người, đất Việt không lính? Ờ, thì
dân số cũng gần ba mươi triệu, cũng đầu đen máu đỏ, lao nhao lúc nhúc trong
khoảng giang sơn hùng vĩ tú cảnh kỳ quan. Nào Ngũ Hành, Hải Vân, Tản Viên,
Hương Tích, Cửu Long, Nhị Hà; nào có thiếu danh nhơn, hào kiệt, lương tướng,
minh quân đâu! Kìa, kìa, những hàng chữ rõ ràng, sờ sờ trước mắt. Nào Lê Lợi,
Lý Bôn, Trưng Vương, Triệu Ẩu,([16]) Thường
Kiệt, Tây Hồ,([17])… Thế thì ai khôn linh mà chối tiếng con Hồng cháu Lạc ư!
THI
Nghĩa vụ cùng chung đó
bớ ai
Gác tay kề trán lúc đêm dài
Hỏi mình có phải trang nam tử
Hay lũ chán đời bịt mắt tai
Trìu trịu tang bồng một
chiếc thân
Mày râu Tạo Hóa đúc trong trần
Đã đành phận sự ra gồng gánh
Nặng mối tình chung với quốc dân.
TRƯỜNG THIÊN
Dân tâm đã chưa an chưa
định
Quốc hồn thêm dở tỉnh dở say
Kiếp căn chi khéo đọa đày
Cho dân Nam phải miệt mài trầm luân
Nền phong hóa đã không
bồi đắp
Mối nhân luân lại sắp điêu tàn
Nhơn tình thế thái đa đoan
Nước non nghĩ đến mà chan chứa sầu
Nguồn vật chất Tây Âu
bổ lại
Sóng bất bình Đông Hải khua rân
Phong trào thế giới duy tân
Làm cho nhân loại phân vân trăm đường
Hỡi than ôi! Can trường
thống thiết
Hỡi than ôi! Tâm huyết thiểu phần
Đã đành than khổ vì thân
Mà đau đớn bấy cho dân Nam nầy!
Đã lắm lúc đắp xây
thành lũy
Cũng nhiều khi sửa trị quốc phong
Đổi đời chi bấy Hóa Công
Lập rồi lại xóa cũng không mấy hồi
Khổ thì thôi mà thôi
chẳng dứt
Căm tức người mà tức nước non
Sơn hà tô phấn điểm son
Xưa ông bà thế, nay con cháu gì?
Bước ra đời, đời nguy
đời khốn
Hỏi lại người, người độn người ngu!
Anh hùng lỡ lối công phu
Quăng gươm cắt tóc mà tu cho rồi!
Nhưng còn mang nợ đời
trìu trịu
Khó nỗi nầy chừ liệu
sao sao
Hỏi Trời! Trời ở quá cao
Hỏi người, chả thấy người nào nói
đâu!
Cơn khao khát gặp bầu
thanh thủy
Lúc ốm đau nhờ vị lương y
Trời
gieo mối đạo Tam Kỳ
Thiệt là hạnh phúc còn gì hơn chăng?
Kêu gọi nhau tập rèn
đạo đức
Dặn dò nhau un đúc tinh thần
Nước đồng nước, dân đồng dân
Năm châu bốn bể ra thành người chung
Nhưng than ôi! Vì lòng
bản ngã
Hỡi than ôi! Vì bả lợi danh
Làm
cho cơ Đạo tan tành
Những
phường sâu mọt dạ đành bán buôn
Mượn danh Đạo lợi quyền bảo thủ
Để
tìm ngôi Giáo Chủ, Giáo Tông
Đứng
lên xưng bá xưng hùng
Thế mà lòng chẳng thẹn thùng mới ghê
Đời cay nghiệt, toan về
bước Đạo
Đạo dở dang chừ bảo đi đâu?
Âu là sanh đứng mày râu
Nặng câu hồ thỉ, năng câu tang bồng
Chừ ta quyết tả xông
hữu đột
Chừ ta toan trống giục gươm reo
Phất cờ lớn tiếng cả kêu
Hỡi ai vì Đạo bươn theo kịp Thầy
Không còn chia phái nầy
phe nọ
Không còn phân em nhỏ anh to
Cùng nhau phận sự chung lo
Đứng về trung lập chờ cho Đạo thành
Đợi ngày nào nhơn sanh
thống nhứt
Đợi ngày nào trí thức mở mang
Gây nên tình cảm nồng nàn
Dắt về Hội Thánh lập đoàn quy nguyên
Thiệt là:
Gót trần men bước xe Tiên
Hào quang chiếu diệu Nam thiên chói
lòa
Dặn lòng ta biết lấy ta.
Đức Trần Tổng Lý giáng ban bài thánh giáo nầy tại thánh
thất Nam Trung Hòa ngày 04-6 Tân Tỵ (Thứ Bảy 28-6-1941), cũng chính là ngày tiền
khai Hộ Pháp Phạm Công Tắc và năm chức sắc cao cấp Tòa Thánh Tây Ninh bị thực dân
Pháp bắt đưa đi đày ở Mã Đảo (Madagascar ),
châu Phi.
Ngày tháng trong tù đi rất chậm còn diễn biến bên ngoài thì dồn dập từng
giờ. Từ tháng 6-1941, nhà đạo Cao Đài đã lâm vào cảnh khốn đốn. Các Thánh Tòa, thánh
thất đều bị phong tỏa. Thượng Đầu Sư Nguyễn Bửu Tài (Cao Đài Tiên Thiên) bị đày
Côn Đảo, Thượng Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ (cũng Tiên Thiên) bị đưa đi nhà lao Phú
Bài. Các thánh sở Cao Đài có gắn hình chữ vạn
卐 đều phải gỡ bỏ,([18]) hoặc đóng khung vuông thành hình chữ
điền 田. Thánh tượng Thiên Nhãn không được
thờ, chỉ còn để khuôn kính trắng gọi là… thờ vô vi. Thực dân Pháp thẳng tay đàn
áp Cao Đài…
Ở hành cung công việc lao dịch tương đối nhàn rỗi nên các tiền bối có
nhiều thì giờ nghiên cứu thánh giáo và nghe ngóng tình hình. Mỗi người đều mang
tâm trạng ưu thời mẫn thế. Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác thì có thêm nỗi buồn tang
mẹ. Suốt chín tuần cửu và tiểu tường đều chỉ mặc niệm trong cảnh lao tù. Mùa
đông lại đến, tháng Chạp lại về làm tiền bối nhớ lại ngày chung sự của mẫu thân
mà chạnh lòng hiếu đạo. Rồi có tin Hiệp Lý Lê Trí Hiển quy thiên vào ngày mồng
6 tháng Chạp Quý Mùi (Thứ Bảy 01-01-1944).([19]) Tang lễ cử hành tại thánh thất Nam
Trung Hòa trong sự thiếu vắng các bậc hướng đạo đồng tâm đồng chí, thật chua
xót ngậm ngùi!
Đến tháng 10 năm 1944 các hướng đạo ở
lao xá Quảng Nam được cho về thăm nhà một tháng, sau đó sẽ tiếp tục đưa đi an
trí. Riêng tiền bối Phan
Thiện Trì thì được về luôn. Một người bạn tù (tên Thanh Tâm) cũng được về trong
dịp nầy xúc cảnh tặng các tiền bối một bài thơ Đường luật:
Gặp quý thầy đây suốt những ngày
Sống chung tù tội nếm chua cay
Giữ bò quan lớn hồi mưa nắng
Đẩy gạo đường xa lệnh bếp cai
Thầy bởi sĩ hiền cam ngục thất
Tôi vì đạo nghĩa chịu trần ai
Nay người còn ở, người về trước
Thẳng một đường Trời, thỏa chí trai.
Tiền bối Phan Thiện Trì họa lại nguyên vận:
Cùng chung tù tội đã bao ngày
Nếm đủ mùi đời lắm đắng cay
Đâu để chân thân vùi cát bụi
Từng đem tình cảm đối bính cai
Non sông ngẫm đến buồn tê tái
Danh lợi mà chi trối mặc ai
Chẳng hổ tu mi, lời tạc dạ
Kinh luân sự nghiệp chí làm trai.
Ba
Thực dân Pháp thiết lập những khu trại (camps) gọi là “trại an trí” ở miền rừng thiêng nước độc để đày các
tội phạm khổ sai đến thọ án. Tất cả các trại an trí đều thiết lập gần như nhau.
Bao quanh bên ngoài là đường hầm cắm chông và bờ rào giăng kẽm gai. Bên trong
trại giam có sân rộng, có lối đi, có trạm phát thuốc, nhà bếp, nhà ăn. Ngoài
khu nhà ở, còn có khu canh tác, chăn nuôi. Tất cả tù nhân ở trại phải lo lao
động trồng tỉa, chăn nuôi.
Sau một tháng về thăm nhà, các tiền bối trở lại trình diện, bị chia đi an
trí nhiều nơi. Hai tiền bối Nguyễn Quang Châu, Huỳnh Ngọc Trác đi trại an trí Đăk
Tô (Kon Tum). Tiền bối Trần Nguyên Chất đi trại an trí Phú Bài. Hai tiền bối
Nguyễn Đán, Trần Nguyên Chí đi trại an trí Trà Khê.
Trại Trà Khê ở miền thượng tỉnh Phú Yên. Vùng đồi núi nầy có nhiều cây
gòn là làng của dân Rha-đê. Trại nầy giam giữ người tỉnh miền Trung thuộc nhiều
thành phần chính trị, tôn giáo… Riêng về đạo Cao Đài có nhiều chức sắc ở Quảng
Ngãi. Phần Quảng Nam
có Ngô Chánh Duy, Lê Văn Hóa. Ngô Chánh Duy thực ra chưa phải là hàng hướng đạo
nhưng vì quá nhiệt tình với Đạo nên cũng bị chung chịu lao tù. Tiền bối Lê Văn
Hóa là người bị mật thám Pháp theo dõi nghiêm ngặt vì nghi ngờ là đầu mối liên
lạc giữa Cao Đài miền Trung với tổ chức Liên Đoàn Ái Quốc Hội ở miền Nam của bác
sĩ Trương Kế An và giáo sư Trần Văn Quế.
Hiệp Lý Lê Trí Hiển là bác ruột tiền bối Lê Văn Hóa. Tiền bối Hóa đã được
người bác hướng dẫn nhập môn tại thánh thất Nam Trung Hòa năm 1938. Tiền bối Hóa
có mở hiệu thuốc bắc Trung Hòa Đường tại ga Kỳ Lam (Điện Bàn, Quảng Nam ). Khách
hàng của Trung Hòa Đường gồm cả người đạo lẫn người đời, hằng ngày tấp nập. Kỳ
Lam là ga gần ba thánh thất Nam Trung Hòa, Thanh Quang, và Từ Quang, là điểm
đến và đi của các hướng đạo. Tất nhiên Trung Hòa Đường là trạm đón đưa mỗi khi
có hướng đạo từ Sài Gòn ra hoặc từ Quảng Nam đi nơi khác.
Cuối năm 1942 nhà thuốc Trung Hòa Đường bị khám xét, tiền bối Lê Văn Hóa
bị bắt và giam ở lao xá Hội An. Giai đoạn nầy các hướng đạo đã đi lao dịch ở hành
cung nên không biết được trường hợp của tiền bối Lê Văn Hóa như thế nào. Còn
tiền bối Lê Văn Hóa thì rất vui gặp được hai bậc hướng đạo quý mến (Nguyễn Đán,
Trần Nguyên Chí) tại Trà Khê nầy. Tiền bối Hóa đã kể hết việc mình, để cùng
nhau hiểu rõ thêm biến cố:
“Các anh biết không, sau khi các anh bị bắt, tiệm thuốc nhà em trở thành
điểm thông tin của nhà đạo. Nhà cầm quyền đặt người theo dõi, mật thám Pháp đã
vào ra hỏi han nhiều lần và cuối cùng cho xét nhà, bắt em đưa đi sở mật thám
Hội An.
Hôm đó vào văn phòng mật thám em có thấy anh Lương Ký (Thanh Long Lương Vĩnh
Thuật) đang bị hỏi cung. Sau đó họ đưa anh Lương Ký đi đâu em không rõ. Phần em
vào thẩm vấn họ hỏi về các bậc hướng đạo miền Trung và miền Nam .
Họ đưa em xem nhiều hình trong đó có hình của bác sĩ Trương Kế An, giáo sư
Trần Văn Quế. Họ hỏi em có liên hệ như thế nào về hoạt động chính trị của Liên
Đoàn Ái Quốc, về những chủ trương phục quốc, ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để…
Em một mực thưa rằng tất cả những nhân vật đó em đều biết và kính trọng
là những bậc hướng đạo của Cao Đài, còn chủ trương và hoạt động mang tính chính
trị thì em hoàn toàn không rõ.
Họ đã dùng cực hình, kể cả móc điện lỗ tai, nhưng em chẳng biết gì để
khai cả. Họ lập luận rằng lấy tên tiệm thuốc bắc Trung Hòa là hàm ý hòa hiệp
giữa Nam Trung Bắc, là điểm kết liên đường dây ba miền để mưu đồ đại sự.
Em giải thích là sách Nho có câu ‘Trí
trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên’. Có nghĩa là đạo làm người có
hai đức tính trung dung và ôn hòa, nghĩa lý rất sâu xa tốt đẹp, không trái với
lẽ Trời, không nghịch với lòng người. Cho nên chọn hai chữ Trung Hòa làm hiệu
cho tiệm thuốc có ý biểu thị sự tốt đẹp cho nhà buôn, ngoài ra không có hàm ý
gì khác.
Họ cho em là ngoan cố nên chuyển em từ bót cò sang giam ở phòng tối xà
lim Bang Tá. Họ bỏ lủi em ở xà lim bốn tháng không khai thác hỏi han gì nữa cả.
Ngày ngày hết nằm lại ngồi trong cảnh chật hẹp tối tăm bị muỗi đốt chí
tử. Em đã làm bài thơ tức cảnh:
Ủa lạ sanh chi giống muỗi cà
Đã không ích lợi, khuấy người ta
Vẩn vơ trong xó nghe hơi hám
Rỏ rẻ bên tai giọng thiết tha
Quanh quẩn ngày đêm toan hút máu
Lảng lơ giây phút bị phồng da
Thật là một giống côn trùng độc
Để nó làm chi, đập đuổi ra.
Suốt ngày ở trong khám tối nhưng lòng em thì luôn luôn sáng rực về nghĩa lý hai chữ trung hòa. Một là chỉ con đường tu dưỡng
hình thần, duy trì sự ổn định. Hai là chỉ hoạt động ý thức không thiên về trái,
không lệch về phải, không chồm về trước, không ngã về sau. Như sách Trung Dung
đã ghi: “Vui, giận, buồn, mừng chưa phát
ra gọi là Trung. Phát ra mà đều trúng tiết gọi là Hòa. Trung, đó là gốc của
thiên hạ. Hòa đó là đạt đạo của thiên hạ. Đạt đến Trung Hòa thì đất trời ở đúng
vị trí, vạn vật được nuôi dưỡng.” ([20]) Nhờ sở đắc được vậy mà tâm hồn em
lúc nào cũng thanh thản để đợi mệnh.
Một sớm mai, em đang ngồi bó gối, niệm với lòng rằng: Nhân nào quả nấy. Không cấy đừng trông. Không
gây đừng sợ. Bỗng cửa xà lim xịch mở, hai người lính gọi em cho đi tắm,
thay đồ, cho ăn bánh mì rồi đưa ra xe. Em không biết họ đưa đi đâu. Khi lên đến
Vĩnh Điện ([21]) thì xe hướng thẳng Sài Gòn. Cuối
cùng em được đưa vào bót Catinat, nơi đang giam giữ bác sĩ Trương Kế An.
Họ đã cho em đối chất với bác sĩ Trương Kế An. Khi vừa thấy em, bác sĩ An
gật đầu chào và nói rằng: “Phần tôi, tôi đã khai tất cả, phần thầy ([22]) tùy thầy trình bày.”
Em hiểu rằng bác sĩ An chấp nhận việc làm của mình về tổ chức Liên Đoàn
Ái Quốc. Nhưng phần em thực sự chưa tham gia gì cả nên em thẳng thắn trình bày
rằng năm 1941 em vào Sài Gòn coi hội chợ, đi cùng xe với anh Thanh Long. Nhân
dịp có ghé lại thăm bác sĩ An, được đãi bữa cơm thân mật. Trong lúc chuyện trò,
bác sĩ có đề cập đến Liên Đoàn Ái Quốc, nhưng em không hề nhận một công tác nào
trong tổ chức nầy. Cũng không hề nối dây liên lạc cho ai ở miền Trung cả.
Họ hỏi em từng người một về mối quan hệ của quý Anh Lớn, em trình bày
rằng chỉ biết quý Anh Lớn hướng đạo chăm lo phổ thông chơn đạo còn việc quốc sự
thì hoàn toàn không hay biết gì.
Họ đã để em lại bót cảnh sát một mình. Mỗi ngày họ đến đem hình ảnh người
nầy người nọ hạch hỏi đủ điều. Em chỉ một mực trình bày rằng có quan hệ trong
đạo mà thôi.
Ở đây tròn một tháng. Nhẩm lại từ ngày bị bắt đến nay đã chín tháng mà tù
không ra tù, tội không ra tội. Cứ giam chỗ nầy giữ chỗ kia, cật vấn những điều
đâu đâu không căn cứ. Rồi có lẽ không khai thác được gì nên họ bỏ quên em ở bót
cảnh sát cả tuần. Em lại tức cảnh làm thơ:
Thử lòng chi bấy Hóa Công ôi!
Mài miệt xác thân chín tháng trời
Bót nọ bót tê từng dạo đến
Bữa
no bữa đói mãi đành xơi
Bắt
lên bắt xuống từng mấy lượt
Khai
lại khai đi vẫn một lời
Roi
đánh điện quay cam bụng chịu
Thử
lòng chi lắm Hóa Công ôi!
Một tuần lễ trôi qua, em nghĩ chắc mình sẽ chịu một hình thức tù đày đặc
biệt nào đây. Nhưng không ngờ em được trả về lao xá Quảng Nam và may
duyên hội ngộ cùng quý anh lớn tại Trà Khê nầy.”
Trong trại Đăk Tô ở cao nguyên Kon Tum, hai tiền bối Trần Quang Châu và
Huỳnh Ngọc Trác cùng bị giam chung với nhiều chính trị phạm. Một số người trong
đó cho rằng tôn giáo là cổ hủ, tiêu cực, mê tín dị đoan. Vì vậy, thấy hai tiền
bối Trần, Huỳnh ăn chay trường họ hay châm chọc phá khuấy. Thường thức ăn từng
bữa, hai tiền bối chỉ xin riêng rau và muối. Có hôm hai tiền bối đi hành dịch
về trễ, họ trộn lẫn tất cả nên hai tiền bối đành ăn cơm lạt (cơm không). Tiền
bối Huỳnh Ngọc Trác tìm cơ hội trình bày với họ về con đường tâm linh, giáo lý
Cao Đài, vạn giáo đồng nguyên, mục đích đại đồng tại thế, siêu thoát xuất thế,
nhất là đề cập đến đối tượng tận độ của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là tất cả nhân
loại chứ không riêng dân tộc nào… Nhiều lần trao đổi đó khiến con người có vẻ
quê mùa kia trở nên được bạn tù kính trọng.
Ở trại giam Phú Bài tiền bối Trần Nguyên Chất có gặp Thượng Chưởng Pháp
Lê Kim Tỵ. Tiền bối Lê Kim Tỵ lúc nào cũng biểu lộ tư cách của con người hùng.
Dù đang ở trại an trí vẫn lan truyền được hùng tâm hùng chí cho Trần tiền bối. Giọng
tràn trề tin tưởng, tiền bối Lê Kim Tỵ nói với mọi người rằng Thế Chiến I đã kết
thúc năm 1918 thì Thế Chiến II nầy sẽ kết thúc năm 1945; con số 9 là Thiên thơ
dĩ định (sách Trời định sẵn).
Bốn
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đảo chánh thực dân Pháp. Tất cả tù
nhân ở các nhà lao hoặc trại an trí đều tự phóng thích. Các tiền bối hướng đạo Cao
Đài miền Trung sau sáu năm giam cầm nay được tự do về với gia đình, với thân
tộc và bổn đạo.
Tại thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng) thiết lập đàn cơ, Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo giáng, ban lệnh tổ chức lễ Đại Đạo Phục
Hưng. Trước tiên tổ chức tại thánh thất Trung Thành lễ chung cho Quyền Hội
Thánh; sau đó tổ chức tại mỗi thánh thất ở Quảng Nam. Nơi nào cũng được các bậc
hướng đạo đến chứng lễ. Chương trình gồm có dâng lễ cáo yết Đức Chí Tôn, sau đó
là nói chuyện đạo và tâm sự hàn huyên, kể lại những gian lao tù tội của các hướng
đạo và nỗi niềm canh cánh trông chờ cũng như lòng trung kiên của bổn đạo.
Qua đến tháng 5 Ất Dậu (1945) thì công cuộc truyền giáo phục hồi theo quy
chế của Nội Luật Thánh Tòa khai giáo Bắc Trung:
A. Cấp Hội Thánh, phần vô vi có Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo. Phần hữu hình
có:
- Hiệp Lý Trần Nguyên Chất, tiền bối Trần Quang Châu đảm trách cả Nội
Ngoại Giáo Viện, Phổ Thông Giáo Lý Viện, và Lễ Viện.
- Tiền bối Huỳnh Ngọc Trác đảm trách Hòa Viện, Phước Thiện Viện.
- Tiền bối Nguyễn Đán đảm trách Công Viện, Lương Viện.
- Tiền bối Nguyễn Hồng Phong đảm trách Học Viện.
- Hiệp Lý Trần Nguyên Chất kiêm nhiệm Nông Viện.
- Về nữ phái có tổ chức Liên Đoàn.
B. Cấp thánh thất có: Lễ Sanh, Chánh Phó Hội Trưởng, Chánh Phó Từ Hàn,
Chánh Phó Thủ Bổn, Giáo Viên, Cai Kinh, Thông Tín, Nghị Viên.
C. Cấp xã đạo có: Bảo Cử, Dẫn Tấn (Thiên Bàn).
D. Về bộ phận thông công Hiệp Thiên Đài, giai đoạn nầy tản mác, nên khi
cần lập đàn thì mời Đồng Tử Liên Hoa (Đàm Thi).
Ngoài ra Hội Thánh còn tổ chức Tổng Đoàn Tráng Anh, đặt tập thể giới trẻ
Cao Đài vào phương hướng rèn luyện giáo dục thích nghi. Tổng Đoàn nầy do tiền
bối Cao Hữu Chí, một huynh trưởng hướng đạo đảm trách.
Tổ chức Tráng Anh Đoàn có ba cấp: Ở Hội Thánh có Tổng Đoàn; thánh thất có
Phân Đoàn; xã đạo có Chi Đoàn. Về phương hướng giáo dục, ngoài phần kinh lễ
giáo lý có phần sinh hoạt đoàn. Phần nầy học theo tổ chức hướng đạo sinh, lấy
châm ngôn là: Đại Đạo, Phụng Sự; Tổ Quốc,
Hy Sinh. Cách chào của Tráng Anh Đoàn là tay mặt, ngón cái đè lên ba ngón
giữa, ngón áp út và ngón út, còn ngón trỏ thẳng đứng, với ý nghĩa là Đạo chỉ có
một, tất phải trở về một. Đoàn phục của Tráng Anh là áo sơ mi màu đà lợt (gọi là
màu tam thanh: xanh, đỏ, vàng hòa trộn), quần sọt (short) xanh cho nam, quần tây dài cho nữ. Mang giày bố, đội nón
lác. Có thêm một xắc (sac) quàng vai,
một gậy, một còi.
Đây là hình thức tổ chức giáo dục mới mẻ không những chỉ trong đạo mà
ngay cả ngoài đời, nên đã thu hút mạnh tín hữu trẻ tuổi. Chỉ trong vòng thời
gian ngắn tiền bối Cao Hữu Chí đã đào tạo cấp tốc một số trưởng, xây dựng hàng
ngũ từ Tổng Đoàn xuống Phân Chi Đoàn.
Đoàn sinh Tráng Anh lúc bấy giờ như một cao trào, vừa tu học, vừa tham
gia công tác ích đạo lợi đời.
Vào mùng 1 tháng 6 năm Ất Dậu (Thứ Hai 09-7-1945), một hội trại Tráng Anh
Đoàn tổ chức tại đồi Phong Lệ cách Đà Nẵng mười hai cây số. Trại do huynh
trưởng Cao Hữu Chí phụ trách, được Quyền Hội Thánh Trung Kỳ bảo trợ.
Trại quy tụ khoảng một trăm đoàn sinh từ các Phân Đoàn, Chi Đoàn. Chương
trình hội trại gồm học tập giáo lý, sinh hoạt trại, học tập chuyên môn, chơi
trò chơi lớn. Đêm đến có văn nghệ, lửa trại, giờ tĩnh tâm hồi hướng.
Sau hai ngày một đêm họp trại đã tạo được khí thế cho công cuộc phát huy
sinh hoạt tu học tín hữu trẻ. Nhìn chung thì tinh thần phục hưng Đại Đạo là như
vậy, nhưng cũng còn một số người e sợ ngại nghi.
Vào đêm mùng 3 tháng 6 Ất Dậu (Thứ Tư 11-7-1945) Quyền Hội Thánh Trung Kỳ
lập đàn tại thánh thất Trung Thành. Đức Thánh Phan Thanh Giản giáng dạy:
THI
Non Nam tiếng phụng trỗi vang vầy
Mạt kiếp cơ Trời gấp đổi thay
Kẻ có cơ duyên còn với Đạo
Người không thiện nguyện biết đâu
Thầy
Dựng cờ khảo thí phân phàm thánh
Chuyển cuộc trần hoàn thử dở hay
Ai biết sớm toan hành chánh pháp
PHAN THANH GIẢN
Lão Thần chào chư Hội Thánh, chư chức
sắc, chức việc nam nữ.
THI
Cao Đài thị hiện giữa phàm gian
Kêu gọi nhân sanh tỉnh mộng tràng
Bởi thấy cuộc đời nhiều ý hướng
Quyết đem nhau lại một cơ quan
Giữa khi đời đạo chưa hòa hiệp
Gặp lúc phong ba biết đá vàng
Ai nắm lái lèo ai chống đỡ
Lướt trên sóng gió vững con thoàn.
Nhưng cớ sao Lão thấy những khi chùa
bế thất niêm, anh tù em tội trong vòng nô lệ buộc đè mà chư hiền đủ chí phấn
đấu của mình, quyết liệt trên đường lý tưởng. Còn nay cơ Đạo hoằng khai, lòng
người mến mộ, Lão ngó lại chư hành sự còn dạ thờ ơ như dường lãnh đạm!
Lão nhắc lại luật Thiên điều, trường
Long Hoa tuyển khảo. Ai có phúc có phần, có duyên có quả mới chen vững cho cuộc
khảo thí ma luyện ([23]) môn đồ. Cơn sóng to gió dữ là lúc đời khảo thí.
Các hiền cũng như hạt gạo trên sàng.
Hạt gạo ấy đã chịu biết bao nhiêu lần xay, chà, giã, đạp mà không hề hấn mẻ
sờn. Được vậy mới cao mới quý. Mà đó là mới bước đầu tiên thi bài tiểu học. Chớ
đến đây rồi luật Thiên điều giăng thẳng, nhặt khít như lỗ trôn kim, ai mà ôm
danh cầu lợi, bản ngã tư tâm, vị thân ích kỷ khó nỗi chen vào. Luật ấy vô tư
không hạn Thiên phong, đạo hữu.
Vậy chư hiền nên quên mình đi mà xả
thân cầu đạo. Mau lo cho kịp ngày Long Hoa đăng bảng, Minh Thánh ra đời mới
được ngàn năm không uổng! Lão chào lui.”
PHẠM VĂN LIÊM
(Trích bản thảo
Nhịp Chân Buổi Ấy Còn Vang Bây Giờ)
([1]) Đại Hội Long Vân thứ mười hai diễn
ra trong ba ngày 27, 28, và 29-3 Canh Thìn (Thứ Bảy 04, Chủ
Nhật 05, và Thứ Hai 06-5-1940).
([6]) Lư
Thoa: Là cách người Việt đầu thế kỷ 20 quen gọi Jean-Jacques Rousseau
(1712-1778), dựa theo lối người Hoa chuyển chữ (transliterating) Rousseau thành 盧梭. Bấy giờ trí thức tân học Việt Nam đã sớm biết
tác phẩm của Rousseau nhan đề Du Contrat
Social (xưa dịch Xã Ước, hay Dân Ước… nay dịch là Bàn Về Khế Ước Xã Hội…). Ngày 01-8-1921
tại Hà Nội, Hội Bắc Kỳ Công Thương Đồng Nghiệp ra mắt bán nguyệt san Hữu Thanh, do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
(1889-1939) làm chủ bút. Trên một số Hữu Thanh (1921), Tản Đà có đăng
bài thơ Nhớ Ông Lư Thoa (mười sáu
câu), mở đầu như sau: Ngồi buồn ta nhớ
ông Lư Thoa / Dân ước nhân quyền ông xướng ra...
([11]) Nguyễn
Xuân Đàm (1889-1953), hiệu Tùng Lâm, quê làng Quần Ngọc, xã Đông Lâm (nay là xã
Khánh Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Phó Bảng khoa thi Kỷ Mùi (1919), kỳ thi Nho
học cuối cùng tại Việt Nam. Ông làm trợ giảng Quốc Tử Giám một thời gian, rồi
lần lượt làm Tri Phủ ở Đông Sơn (Thanh Hóa), Tam Kỳ và Thăng Bình (Quảng Nam)…
Đời vua Bảo Đại, ông làm Ngự Tiền Văn Phòng, thăng chức Hữu Tham Tri (Bộ Lễ).
Năm 1943, ông xin về hưu sớm.
Ngô Đình Khôi (1885-1945) làm Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam . Ông là con
cả ông Ngô Đình Khả (1850-1925), các em ông là Ngô Đình Thị Giao (?-1944), Ngô
Đình Thục (1897-1984), Ngô Đình Diệm (1901-1963), Ngô Đình Thị
Hiệp, Ngô Đình
Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu
(1910-1963), Ngô Đình Cẩn (1912-1964), Ngô Đình Luyện (1914-1990).
Ông được tập ấm lúc còn nhỏ và được triều đình Huế bổ nhiệm vào làm trong
Bộ Binh (1910). Được ít lâu ông về làm rể Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài. Ông thăng
chức Tổng Đốc Quảng Nam
(1930). Con ông là Ngô Đình Huân làm thư ký và thông ngôn
cho Yokoyama Masayuki, Viện Trưởng Viện Văn Hóa Nhật Bản tại Sài Gòn. Ngô Đình
Khôi về hưu năm 1943.
([18]) Nghị
Định số 72 ngày 03-5-1940 của Toàn Quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié cấm
treo cờ phướn có dấu hiệu chữ Vạn. Các thánh sở Cao Đài thường gắn chữ Vạn 卐 hay 卍 trên mái, nóc vì thế đều bị liên lụy. Lý do có lịnh cấm này
vì trong Thế Chiến thứ Hai (1939-1945), lá cờ Đức Quốc Xã có dấu hiệu chữ Vạn
nghiêng . (Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ, tr. 20.)
([19]) Hiệp Lý
Lê Trí Hiển (1879-1944), đắc quả vị thiêng liêng Nhị Đẳng Nhứt
Thừa Giám Đàn Thiên Quân, và đã giáng cơ ngày 17-01-1957:
LÊ dân
mong được phước hòa bình
TRÍ đức chung
phần cứu vạn linh
HIỂN đạt
cùng nhau chung thánh huệ
Giáng thăng pháp đạo hiện chơn tình.
([20]) 喜, 怒, 哀, 樂之未發, 謂之中. 發而皆中節, 謂之和. 中也 者, 天下之大本也. 和也者, 天下之達道也. 致中和, 天地位 焉, 萬物育焉. Hỷ, nộ,
ai, lạc chi vị phát, vị chi Trung. Phát nhi giai trung tiết, vị chi Hòa. Trung
dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung
hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên. (Trung Dung, chương 1)