Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

ĐĐVU 20 / CHUYỆN VỀ TẤM ẢNH BỒNG LAI CẢNH TỊNH / PHAN LƯƠNG MINH


Năm 1999, tôi may mắn nhận được tờ Tiên Thiên Tuyên Bố số 13, năm thứ hai, phát hành vào ngày rằm tháng Bảy năm Kỷ Mão (29 Août 1939). Khi ấy tờ báo đã vương bụi trần được sáu mươi năm rồi. Sáu mươi năm nổi trôi theo dòng Đạo, sáu mươi năm trôi dạt qua những bến đời, tờ báo trông mong manh, tơi tả. Tờ bìa xác xơ quá không giữ đủ trọn vẹn 16 trang báo, hay 4 trang ruột đã được một độc giả vô tình nào cho đi làm việc khác? ([1])
Thế nhưng những gì còn lại là những tư liệu quý vô cùng:
1. Ngay từ bìa 1, ngôi BỒNG LAI CẢNH TỊNH, một cảnh trong Thất Thập Nhị Tịnh của phái Tiên Thiên, hiện lên khá rõ. Có thể từ xưa trong Đạo đã quen gọi đây là lư bồng. Thông thường khi gọi là thì phải có chân, như lư hương, thảo lư, lư bồng. Qua hình ảnh, Bồng Lai Cảnh Tịnh cũng như lư bồng ở thánh tịnh Trước Mai (ở Vàm Nhon, Ô Môn ngày xưa, nơi tọa lạc thánh tịnh Thiên Trước ngày nay) phần chân không để trống, được xây bằng gạch hay đóng vách ván, dùng làm tầng trệt, khá rộng. Các tầng trên có diện tích nhỏ hơn. Bồng Lai Cảnh Tịnh có ba tầng lầu.


2. Mở đầu bằng thư của Tiên Thiên Chưởng Quản mời dự Công Đồng Giáo Lý Cao Đài Đại Hội tổ chức tại Cửu Khúc Tòa trong ba ngày 26, 27 và 28 tháng 9 năm Kỷ Mão, để thảo luận điều luật Công Đồng hiệp nhứt cho nhơn sanh sớm hưởng một Thầy một Đạo, hầu đi đến chỗ đại đồng của nền Quốc Đạo, kẻo bấy lâu Thiên cơ cách trở, anh một nơi, em một ngả, chưa dịp nào đặng bắt tay giao mặt.([2])
3. Trang 3 có bài Thời Kỳ Hiệp Nhứt. Đàng xa dè lòng chia rẽ. Buổi tối sớm biết hiệp hòa. Tác giả Thất Đẩu Tinh Quân giải thích Thiên ý buổi khai sanh mối Đạo Trời:
Muốn cho nền Đại Đạo đặng thanh cao, thạnh hành, thoát khỏi vòng áp bức của tình đời thế đạo, trong lúc phổ thông, nên cần phải chia rẽ ra nhiều ngả, tách lẻ nhiều đường, hầu thong thả rộng đường tiến bộ, tránh chỗ họa gay nơi vòng thế sự, chừng đến ngày thành Đạo sẽ có vị Minh Chủ là Giáo Tông trổ mặt, trong mình đủ tài đức thì lo chi không vỗ về trong bá tánh nơi các chi phái mà đem về một lẽ chánh đặng.
Tuy nhiên thời kỳ chia rẽ đã khiến nhà Đạo phải thầm lo: … mối Đạo Trời khai mới 14 năm [tính đến năm 1939] mà sự chia rẽ đã ra tới 12 chi, nếu càng lâu ngày, e phải chịu chau mày với những con số lẻ, mà biết đâu Thiên cơ còn xa nên tùy theo trường hợp và sở dục của loài người, phải cam phần chia rẽ vì cơ Trời đã tiền định sanh ra nhiều lớp học. Kẻ tu muốn thành Phật hóa Tiên, người tu cũng muốn kiếm quyền cậy thế, kẻ lại tu muốn đoạt phép của Tạo Công, người tu sau muốn lăm le làm thầy giáo chủ. Kẻ lại cầu vui thấy số đông mà theo Đạo, người cũng vì tình thế ẩn núp vào cửa Không. Kẻ lại mê tín thấy cúng kiếng nhiều tưởng cầu phước rỗi tội cho tổ tiên siêu đường tội lỗi đặng, người lại quyết vô Đạo đặng học hỏi với Thần Tiên. Rốt rồi chỉ có một hạng trí hiểu Thiên cơ quyết tu lo chấn chỉnh nền nhơn đạo, đưa nhơn sanh đến chủ nghĩa đại đồng, không phân giống chia dòng, nhìn cả năm châu như một, trọng câu hòa bình lập đời Nghiêu Thuấn.
Sau cùng tác giả gióng lên tiếng chuông kêu gọi:
Ớ ai! Mau bươn giục lấy lương tâm đi, đừng dụ dự nữa, hãy bước về con đường mới mẻ cho được khỏe thân, đã đặng vui vầy cùng bạn lữ, không còn ai là chi phái nữa, đồng tâm một lòng hiệp chí, kẻ chèo người chống lo chỉnh đốn lái lèo lại, khắc kỳ phận sự, ngừa lúc còn phải chịu với lúc gió dông, nhứt dạ như phen này một lòng đưa nhau về bờ Cực Lạc sẽ thấy bến Hư Vô…
4. Thánh giáo tiếp trong Đại Hội chánh thức CÔNG ĐỒNG GIÁO LÝ HỘI, nơi Cửu Khúc Tòa.
5. Đại hội kết quả.
Lời điểm thống Thất Thánh, Thất Hiền:
Kêu ớ sĩ anh tài lãnh tụ
TÒNG, HIỂN ([3]) tua chăm chú bước bươn
LỢI, PHƯỚC ([4]) tiến bước qua đường
Bình sanh trả nợ tuần hoàn từ đây.
Gieo giống báu cho gây từ đấy
Gieo tài hay cho thấy từ đây
Cột đồng dựng đứng hôm nay
Đừng cho rời rạc ớ này hiền ôi!
TÀI, HOÀI ([5]) lòng đôi hồi đã quá
TỴ ([6]) nương đường khai phá bước qua
Chung trong một mối sơn hà
Để cho thỏa tấm lòng Già trên xanh.
Cuộc dâu bể lòng quanh cần kíp
Mối tang thương hầu tiếp không xa
Xây nên lũy, tạo nên nhà
Sức đồng mới gánh đặng mà nên cho.
THÂN, MẬU ([7]) đường quanh co càng tiến
Không nệ gì gay biến chi chi
Ngày giờ thong thả thêm thì
Để nâng chén rượu, xem thì câu thơ.
Vốn trông rõ cuộc cờ Tư Mã
Mà trải qua đường sá Tương Như
Từ đây, từ gặp, từ từ
Từ nhiên sẽ hiểu lời thư của Già.
TỶ, THANH ([8]) đến bao xa đường nội
Xem thế trần như sợi mây lăn
Vòng theo cội, bó từ cành
Chiếu gương thời cuộc sẽ sanh thế nào?
Giơ chiếc áo đây trao cho đó
Ráng lần mò chịu khó bận đi
Để kịp bước, kịp thời kỳ
Trải cơn sóng bể, vậy thì từ nay.
THỨ, BÁU ([9]) tua ra tài thi thố
Đường thiên sơn ngàn số trải qua
Từ lúc trẻ đến khi già
Đi rồi thì chẳng trở mà lại đâu.
Ráng từ đây lo âu mọi việc
Tế chúng cùng cần thiết di dân
Một thiết thạch, cái tinh thần
Tinh thần ấy để vững lần đường qua.
Chỉ đôi vé gọi mà chư vị
Rồi Lão than, Lão tỷ việc đời
Bóng hồng sớm mọc chiều vơi
Khuất trong đỉnh núi, sáng thời mọc ra.
Cứ luân chuyển, san hà cũng chuyển
Đạo mầu thì cũng biến như ni
Ráng chư vị, ráng bước đi
Để cho Lão thấy vui thì với nao!
Đừng để phải gan xào Lão lãnh
Trên THẦY rầy rằng nạnh đàn anh
Dưới thì chư vị cải canh
Thì giờ bỏ lãng biết thành sao đây?
Lời vui để gượng vầy tiệc nước
Nước đem ra lần lượt đãi qua
Chung cùng thệ với Xanh Già
Lão cùng chư vị ráng mà bước mau.
Cùng nhơn sanh một tàu lướt tới
Tìm đi về THẦY đợi Tây phương
Thương thì mau ráng lên đường
Đừng cho Lão phải khổ dường ni đây.
Lời kêu gọi cả Đông Tây!
6. Đại Hội Tiểu Phong Thần
Đức Thượng Đế giáng đàn cơ đêm 22 tháng Bảy năm Kỷ Mão nơi thánh tịnh Hiền Thiện Võ, cho bài Khuyến Tu.
Nối tiếp là phần Tin Tức Tam Giang và thông báo của Cơ Quan Truyền Giáo, nhóm Thanh Niên Cao Đài Giáo Lý Học về việc cổ động lập Ban Giáo Lý Học khắp các tịnh thất trong Tam Giang. Sau cùng là bài thánh giáo Tiến Thủ Trên Đường Đạo của Đức Quan Thánh Đế Quân giáng đàn cơ đêm mùng chín tháng Bảy năm Kỷ Mão tại thánh tịnh Đại Thanh.
*
Năm 2007, tôi có dịp đi Pháp và đến Vitrolles, một thành phố ở miền Nam, để thăm Dì Út tôi,([10]) là con của ông bà Hội Đồng Võ Văn Thơm. Trong thời gian gần một tháng, ngày ngày tôi được Dì tôi kể lại những hồi ức của bà về quãng đời bà đã trải qua ở Việt Nam. Tôi vừa nghe, vừa ngắm nghía những hình ảnh trong chồng album hình kỷ niệm. Một hôm vừa lật qua một tờ album mới, mắt tôi bất chợt thấy một tấm hình, tôi không tin vào mắt mình đang dán chặt vào tấm hình ấy.
Bồng Lai Cảnh Tịnh đang hiện ra rõ nét, một kiến trúc hình bát giác, đẹp giản dị nhưng không kém phần uy nghi. Trên ba tầng lầu, mỗi cạnh đều có cửa gắn kiếng. Nóc có rồng chầu, chữ Vạn gắn trên đỉnh. Nỗi ngạc nhiên của tôi khiến Dì Út tôi ngừng kể.
Tôi phải giải thích: Bên nhà con có tấm hình này in trên tờ báo Đạo. Tờ báo đã quá cũ nên không rõ đẹp bằng. Tấm hình này quý vô cùng.
Đến đây câu chuyện Dì Út tôi được chuyển sang đề tài đạo Cao Đài. Dì nói hồi đó Dì còn quá nhỏ không biết gì cả, nhưng có một kỷ niệm về Đức Ngô mà bà nhớ mãi từ lúc năm tuổi đến bây giờ. Bà đã kể cho tôi nghe, tôi mừng quá, lại có thêm một dật sử về Đức Ngô…
PHAN LƯƠNG MINH
Chánh Hội Trưởng
Thánh thất Tây Thành, Cần Thơ




([1]) Phần thất lạc gồm: Văn khuyên người tuổi trẻ. Đường tu hành nên vững trí. Lời cảm tạ. Đại Hội kết quả: Quần Tiên Hội Yến và Tiểu Phong Thần. Tại sao có Tòa Nội Chánh?
([2]) Bản in xưa sai chánh tả nhiều chỗ. Các đoạn trích lại đây đã được sửa lại cho đúng. [Văn Uyển]
([3]) Hai vị Phan Văn Tòng (1881-1945) và Nguyễn Thế Hiển (1886-1943).
([4]) Hai vị Trần Lợi (1879-1946) và Phan Bá Phước (1877-1942).
([5]) Hai vị Nguyễn Bửu Tài (1882-1958) và Nguyễn Tấn Hoài (1881-1949).
([6]) Tiền bối Lê Kim Tỵ (1893-1948).
([7]) Hai vị Lê Thành Thân (1895-1963) và Trương Như Mậu.
([8]) Tiền bối Lâm Quang Tỷ, và tiền bối Thanh.
([9]) Tiền bối Nguyễn Phú Thứ, và tiền bối Báu.
Bài thơ dẫn trên không nói tới tiền bối Nguyễn Hữu Chính (1890-1946). Chú thích từ (4) tới (10) do Văn Uyển thêm vào.
([10]) Bà Émilie Walter (Võ Thị Mỹ Thanh).


____________

Nguyệt san TIÊN THIÊN TUYÊN BỐ“Cơ quan quy nguyên và bảo tồn Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Quản lý và tin tức: Tiên Thiên Chưởng Quản Lê Kim Tỵ. Quản lý tài chánh: Lâm Quang Tỷ (Tây Ninh). Tòa soạn đặt tại thánh tịnh Đại Thanh, làng Hanh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định; sau chuyển về làng Bình Hòa, Gia Định.
Năm thứ nhất: số 1, ngày 01-8-1938. Số 7, ngày 03-02-1939, 10 trang. Số 9, ngày 20-4-1939, 12 trang. Số 13, ngày 29-8-1939, 16 trang. Đình bản: số 19, tháng 5-1940.
Báo in typo tại: nhà in Thanh Tân, Đa Kao; nhà in Bảo Tồn, số 175 đại lộ De la Somme [Hàm Nghi], Sài Gòn; nhà in S.A.T.I., số 92 Pellerin [Pasteur], Sài Gòn.
Khổ báo: 22,5x33 cm; 24x32 cm.
Giá một năm báo 2$; giá bán cho tịnh thất 6$.
Trích: MỤC LỤC BÁO CHÍ CAO ĐÀI (NIÊN BIỂU, CHO TỚI NĂM 1975), Huệ Khải biên soạn (chưa in).