Trong kiếp sống mỗi con người ai cũng đều trải qua nhiều nỗi thăng trầm,
mới ngộ ra cái khổ không chỉ dành riêng cho những lúc khốn cùng; khi được cơ
hội thăng hoa giàu sang phú quý, địa vị chức quyền cũng không thoát khỏi nỗi
khổ của thân tâm, đôi khi cảm thấy ưu tư phiền lụy nhiều hơn. Chính vì thế đạo
giáo (tôn giáo) ra đời không ngoài mục đích dìu dắt con người vượt qua nỗi khổ
niềm đau để tìm được bình an cho tâm hồn.
Làm người ai cũng nghĩ rằng hạnh phúc của cuộc đời là tiền tài, danh vọng.
Khi hữu duyên gặp Đạo Thầy tôi mới tìm ra chân hạnh phúc. Đạo không chỉ hướng
con người về nhân cách và đạo làm người để đối nhân xử thế, mà còn dìu dắt con
người tìm đường giải thoát.
Thật vậy, sau bao nhiêu năm lăn lóc trường đời, lao tâm khổ trí chỉ đem
lại hạnh phúc nhất thời đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, may duyên được gặp Đạo
Thầy tôi mới hiểu ra mình từ lâu nay đã và đang bị giam hãm trong bốn vách trần
tù mà không hề hay biết. Tuy nhà tù ấy không hình không dáng nhưng không dễ thoát
ra, bởi từ lâu nay thâm nhiễm nhiều tham vọng, tác động bởi lục dục thất tình, chẳng
khác nào bị lọt vào mê hồn trận. Mỗi khi rơi vào cảnh khổ và tâm bất an, tôi
thường đổ thừa do số mệnh hoặc do hoàn cảnh tạo nên. Qua lời giáo hóa của các
Đấng tôi mới hiểu ra tất cả những gì hiện hữu ở trong ta đều do chính mình gây
tạo; muốn được giải thoát, không ai có thể cứu mình, phải do chính tự mình thắp
đuốc tìm đường mà đi, tự soi rọi lại nội tâm mình mà phán xét, phải kết hợp cả
thân-tâm-ý để soi xét tư tưởng, lời nói và hành động của mình. Tuy hiểu vậy
nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp.
Rất may duyên tôi gặp bài Phương Luyện
Kỷ của tiền khai Phạm Hộ Pháp. Qua đó tôi hiểu rằng bất kỳ tôn giáo nào
cũng lấy tâm và tánh làm căn bản. Thánh Đạo (Nho) dạy tồn tâm dưỡng tánh; Tiên Đạo (Lão) dạy tu tâm luyện tánh; Phật Đạo (Thích) dạy minh tâm kiến tánh. Vì thế trước khi ngủ nên dành thời gian để ngồi
quán tưởng mọi việc làm trong ngày, để tự xét lấy mình mà chuyển hóa
thân tâm. Như có được chìa khóa trao tay, tôi bắt đầu thực nghiệm ngay.
Giai đoạn đầu, khi ngồi tịnh tâm để quán chiếu tôi thấy xuất hiện dồn dập
cảnh tượng hiện ra xen lẫn mừng giận, buồn vui… không thể đè nén được, làm cho
tôi càng thêm rối rắm. Tôi mới ngộ ra khi tâm thanh tịnh cũng giống như mặt
nước yên lặng mới hiện rõ những gì có trong đáy nước. Bởi lẽ từ lâu nay chúng
ta sống trong loạn động để cho nhiều thứ xâm nhập; dù vô tình hay cố ý đều có
sự nuông chìu của mình để thỏa mãn dục vọng của mình. Thế nên chúng lung lăng
như đàn ngựa bất kham, không có người kiểm soát, chế ngự.
Từ đó tôi bình tâm nghĩ ra phương thức để cho phơi bày mỗi vụ việc một
cách khách quan rồi dừng lại, dùng chơn
tâm phán xét một cách vô tư chánh trực để chuyển hóa. Tôi xin nêu một mẩu
chuyện nhỏ trong ngày, khi ứng dụng phương pháp quán tưởng như xem lại một đoạn
phim do mình đóng vai chính:
Lúc 5 giờ sáng thức dậy tắm rửa và vệ sinh. Đến 6 giờ cúng thời Mẹo. Lối 6
giờ 30 sáng, trên đường đi ăn sáng có một tai nạn do em học sinh chạy xe đạp
đụng vào xe máy của tôi và em té ngửa. Tôi xuống xe nắm cổ áo, tát vào mặt em hai
bạt tay và còn nặng lời: “Đồ mất dạy! Mày đi ăn cướp hả?” Vẻ mặt tôi hầm hầm nên
em bé hoảng sợ, đứng dậy dẫn xe bỏ chạy. Tôi tiếp tục đi mà lòng vẫn chưa nguôi.
Khi quán tưởng vụ việc tôi thấy lại cảnh tượng diễn ra trên đường phố trước
sự chứng kiến nhiều người, trong khi mình là người lớn tuổi đáng cha chú, lại
là người có đạo. Bây giờ tôi mới cảm thấy hổ thẹn. Liền khi ấy tôi như đang
nghe lời phán xét này:
“Hôm nay bạn mới có dịp thấy lại
chính mình là người đã theo đạo nhiều năm nhưng lòng sân hận chưa chút gì thay
đổi. Với gương mặt giận dữ và lời nói lố lăng của bạn chứng tỏ bạn chưa thể
hiện người có tác phong đạo hạnh. Nếu như bạn bình tâm xuống xe đỡ cháu dậy và
chăm sóc cho cháu, xem cháu có bị thương tích gì không, và bạn có lời khuyên
cháu hãy cẩn thận khi ra đường để tránh tai nạn về sau thì hay biết mấy!”
Lời khuyên vừa nêu trên tuy mộc mạc nhưng đậm thắm chơn tình của một bậc
Minh Sư, có phải chăng đó chính là chơn tâm
đang ngự ở trong ta, bây giờ tôi càng thấm thía lời dạy của Đức Đại Từ Phụ:
“Thầy
là các con; các con là Thầy.” Thầy đang ở trong ta sẵn sàng chỉ dẫn
chúng ta để tiến hóa nếu chúng ta biết dành thời gian để soi rọi lại chính mình.
Nhờ vào việc quán tưởng hàng ngày tôi mới thấy chân giá trị thiết thực của
việc trau tâm sửa tánh. Thời gian sau đó, cũng có trường hợp tương tự, thấy mình
không có hành động cọc cằn như trước nhưng còn tức giận, cũng được lời khuyên:
“Bạn vẫn còn sân hận. Tuy chưa hoàn
thiện nhưng bạn có tiến bộ hơn trước rồi. Khi có điều gì uẩn khúc bạn phải lấy
sự cảm thông và tha thứ mới ngăn chặn được sân hận. Cũng như các thứ tình cảm khác,
bạn hãy tìm ra một tánh dược phù hợp. Bạn nhớ rằng tất cả đều xuất phát từ lòng
thương yêu và vô ngã. Bạn hãy cố gắng thêm nhé!”
Đã là con người không ai không phạm lỗi vì nhân vô thập toàn. Có người
nói rất ngộ nghĩnh nhưng rất thực tế: “Nếu ai không có lỗi thì đó không phải là
con người.” Biết được như vậy nên cần quán tâm hàng ngày để giúp chúng ta chuyển
hóa tánh phàm.
Phương pháp quán tưởng là xem xét lại nhiều việc trong ngày. Khi tập chủ
định được tâm tức là tâm luôn làm chủ thì chúng ta có thể áp dụng phương pháp
khác diệu dụng hơn trước khi chuyện đã rồi, như lời dạy của các bậc Thánh Nhân:
Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Muốn
làm điều gì trước hết phải xét hậu quả của nó. Khi làm điều gì phải phân biệt
đúng sai, nếu biết sai thì phải nhìn nhận để kiềm chế khắc phục. Người đáng sợ
nhất là người không nhận rõ việc mình làm và không dám nhìn nhận tội lỗi.
Nhờ vào quá trình tu tập tôi cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng thanh thản, không
còn bị chi phối như trước…
NGUYỄN VĂN NGHĨA
Tín hữu Cao
Đài Tây Ninh
____________
Tăng Tử nói: “Mỗi ngày ta tự xét mình
nhiều lần: Mưu tính việc gì cho ai có tận tâm hết sức không? Giao du với bạn bè
có thành thực không? Lời thầy dạy có thực hành không?” / Tăng Tử viết: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất
trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền bất tập hồ?” / 曾子曰: 吾日三省吾身: 為人謀而不忠乎? 與朋友交而不信乎? 傳不習乎?
(Luận Ngữ, Học Nhi, 4)
Chú: Tăng Tử tức Tăng Sâm 曾參 (505-435 trước Công Nguyên), tự
là Tử Dư 子輿, con của Tăng Tích 曾晳, tức Tăng Điểm 曾點. Hai bố con đều là học trò Đức Khổng Tử.
“Tam tỉnh
ngô thân” thường được dịch là xét mình
ba lần. Nhưng trong chữ Hán, tam
(ba) còn là số phiếm định, nghĩa là nhiều.
(Lê Anh Minh)