Người viết bài này rất đồng ý với bài “Nhập
Môn” trong quyển Hành Trang Người Đạo
Cao Đài của đạo tỷ Diệu Nguyên,([1]) nhất là hai trang 13 và 14.
Nhớ lại lúc nhập môn vào năm mười tám tuổi, quỳ sau vị chánh trị sự chứng
đàn, nghe vị này đọc lời minh thệ tới đâu, tôi nói theo y như vậy mà thật sự không
hiểu gì. Sau đó tôi chỉ nhớ “thiên tru địa
lục”.
Trong đời sống của một tín đồ Đại Đạo, ngoài việc cúng thời Dậu tại nhà,
sóc vọng tại thánh thất, tôi có những việc làm giống như những người không có Đạo:
cũng tranh giành, cũng hơn thua, cũng lừa lọc, cũng gạt gẫm…
Có lúc tôi muốn theo một tôn giáo khác nhưng lại nhớ mình đã thề trước
Thiên Bàn, dù chẳng nhớ một lời nào cả. Cho mãi đến năm 1991, tôi đọc thật kỹ
hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mới
giật mình biết rằng tôi đã sai lầm, sém chút nữa tôi đã lỗi thệ, có tội rất lớn
đối với Ơn Trên.
Tôi được may như vậy, nhưng có người không may. Đó là vài người thân của
tôi. Hồi trước họ cũng thờ Thiên Nhãn trong nhà, có đến tôi hỏi mượn kinh sách Đại
Đạo về đọc, nhưng sau lại quay sang gia nhập một tôn giáo khác, rồi còn đến tìm
tôi rao giảng với dụng ý cho tôi cũng cải đạo như họ.
Ôi, xót thương thay cho người thất thệ minh!
Ôi, tội thay cho người đã có lòng
hai!
Ôi, tiếc thay cho người đã để mất cơ hội được hưởng Đại Ấn Xá Kỳ Ba!
Ôi, lo sợ thay cho người phải chịu thiên
tru địa lục như thế nào đây!
Tôi nêu trường hợp vài người thân của tôi với tất cả lòng xót thương và
lo sợ. Tôi càng lo sợ hơn, không biết có ai làm giống như họ chăng.
Nếu cách nhập môn và lập minh thệ được thực hiện như đạo tỷ Diệu Nguyên
trình bày trong bài “Nhập Môn”, liệu
có ngăn nổi sự phạm tội của người đã lập minh thệ trước Thiên bàn chăng?
Do nỗi ưu tư, do thực trạng cải đạo đã xảy ra, tôi xin tha thiết thỉnh
nguyện các thánh sở Đại Đạo hãy xem xét, áp dụng ba đề nghị mà tác giả bài “Nhập Môn” đã nêu, nguyên văn như sau (sách đã dẫn, tr. 13-14):
“1. Trước khi nhập môn, người phát tâm cầu đạo cần có
một thời gian học hỏi những điều rất căn bản về đạo Cao Đài, luật lệ của Đạo
cùng những nghi thức cúng kính thường ngày. Người xin nhập môn phải hoàn toàn
tự nguyện và phải có ý thức về ơn phước lớn lao mà mình được thọ nhận một khi
được trở thành môn đệ Đức Cao Đài.
2. Hai người tiến dẫn phải thực sự có trách nhiệm lâu
dài trong việc hướng dẫn và giúp đỡ cho người đạo hữu cả trước và sau khi nhập
môn, không những trên phương diện tu học mà còn phải quan tâm giúp đỡ về mặt
đời sống để người tân tín đồ có thể an tâm tu học mà không bỏ Đạo nửa chừng.
Nếu cá nhân người tiến dẫn không đủ sức giúp đỡ thì có
thể nhờ đến thánh sở hoặc tập thể đạo chúng giúp đỡ. Nếu người tân tín đồ xao
lãng việc tu hành, không chấp hành luật pháp Đại Đạo hoặc bỏ Đạo nửa chừng thì
người tiến dẫn cũng chịu một phần trách nhiệm.
3. Người nhập môn cần phải đọc lời minh thệ trước
Thiên Bàn bằng tất cả tâm chí thành của mình. Muốn được vậy thì đương sự cần
phải hiểu rõ ý nghĩa và học thuộc lời minh thệ trước khi nhập môn, chứ không
nên cầm giấy đọc như một số thánh thất, thánh tịnh hiện nay vẫn làm.”
Quả thật, “chúng ta nên chuộng về chất chứ không
chuộng về lượng” (sách đã dẫn, tr. 13). Chớ nên miễn trừ
hay xuề xòa lễ nhập môn cho bất cứ ai, dù đó là con em nhà đạo dòng, chức việc,
chức sắc, hay đã có giấy chứng nhận đã tắm thánh. Người tiến dẫn nếu vì trường
hợp bất khả kháng không thể gần gũi để giúp đỡ tân tín hữu thì nên nhờ một vị
khác thay thế mình để dìu dắt người bạn mới bước vào cửa Đạo. Xin tha thiết cầu
nguyện rằng mọi tân tín đồ đều được nhập môn với đủ đầy nghi thức chặt chẽ.
VỊ CHÂN
Tín hữu Cao Đài Tây Ninh