Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

VỀ BÀI KỆ KHAI KINH / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 


VỀ BÀI KỆ KHAI KINH

LÊ ANH MINH

Kệ là bài tụng (hymn, chant, song, verse) có vần điệu, đọc ngân nga. Thuật ngữ này gốc tiếng Phạn (Sanskrit) là gāthā mà các nhà Phật học phiên âm Hán là 伽陀 cà đà, 伽他 cà tha, 偈陀 kệ đà, 偈佗 kệ đà, gọi tắt là kệ; hoặc ghép âm Phạn với nghĩa Hán là 偈句 kệ cú, 偈言 kệ ngôn, 偈語 kệ ngữ, 偈頌 kệ tụng, 偈文 kệ văn.

Đọc giai thoại về các danh tăng, ta thường thấy các ngài nói: “Nghe kệ ta đây!” Tức là kệ có thể do cá nhân nói. Ngoài ra, kệ là một phần của kinh điển, thường gồm bốn câu (tứ cú k四句偈), mỗi câu có thể gồm bốn, năm, hay bảy chữ.

Thí dụ bài kệ nổi tiếng của ngài Huệ Năng (638-713) chép trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Hành Do phẩm đệ nhất), gồm bốn câu, mỗi câu năm chữ:

Bồ đề bản vô thụ / Minh kính diệc phi đài / Bản lai vô nhất vật / Hà xứ nhạ trần ai?

/ / /

(Bồ đề chẳng phải cây / Gương sáng chẳng phải đài / Xưa nay không một vật / Chỗ nào vướng trần ai?)

Hay bài kệ nổi tiếng trong Kim Cương Kinh, gồm bốn câu, mỗi câu năm chữ:   

Nhất thiết hữu vi pháp / Như mộng huyễn bào ảnh / Như lộ diệc như điện / Ưng tác như thị quán.

/ / /

(Tất cả pháp hữu vi / Như mộng, ảo, bọt, ảnh / Như sương cũng như chớp / Nên quán xét như thế.)

Bài kệ mở đầu các kinh Phật Hán tạng (Nhị Kỳ Phổ Độ) gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ:

Khai Kinh Kệ

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp / Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ / Ngã kim kiến văn đắc thọ trì / Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.

/ / /

Chú thích

Câu 1: Vô thượng: Tối cao, không có gì ở trên nữa. Thậm thâm: Rất sâu, sâu thẳm. Vi diệu: Tế vi (nhỏ nhặt, tinh tế) và huyền diệu. Pháp: Phật pháp. Câu 1: Phật pháp vi diệu, sâu thẳm, tối cao.

Câu 2: Bách (bá): Trăm. Thiên: Ngàn. Vạn: Muôn, mười ngàn. Bách thiên vạn: 1.000.000.000 (một tỷ), nhưng đây là số tượng trưng, ý nói nhiều lắm không kể xiết (countless), vô số. Kiếp: 1/ Nghĩa thông thường là kiếp người (human life), như nói: tiền kiếp (former life), kiếp này (this life), kiếp sau (afterlife). 2/ Kiếp gốc tiếng Phạn là kalpa, được chuyển âm Hán là 劫波 (kiếp ba), 劫簸 (kiếp bá), 劫跛 (kiếp bả), nói tắt là (kiếp). Kiếp là một khoảng thời gian rất dài (aeon) của vũ trụ. Từ lúc hình thành cho đến tái tạo, vũ trụ trải qua bốn đại kiếp 大劫 (mahākalpa): thành kiếp 成劫 (vivarta kalpa), trụ kiếp 住劫 (vivarta-siddha kalpa), hoại kiếp 壞劫 (saṃvarta kalpa), không kiếp 空劫 (diệt kiếp 滅劫: saṃvarta-siddha kalpa). Một đại kiếp chia ra hai mươi tiểu kiếp 小劫 (antara-kalpa). Theo Từ điển Phật học của William Edward Soothill, một tiểu kiếp dài 16.800.000 năm; một kiếp dài 336.000.000 năm; và một đại kiếp dài 1.334.000.000 năm. Tóm lại, dù hiểu kiếp người hay kiếp vũ trụ, thì bá thiên vạn kiếp là một thời gian vô cùng lâu dài. Nan: Khó. Tao ngộ: Gặp. Câu 2: Dù con người trải qua vô số kiếp cũng khó gặp [pháp Phật].

Câu 3: Ngã: Tôi. Kim: Ngày nay. Kiến: Thấy. Văn: Nghe. Đắc thọ trì: Được nhận lãnh và giữ lấy. Câu 3: Ngày nay tôi thấy, nghe, và được thọ trì [Phật pháp].

Câu 4: Nguyện: Mong muốn. Giải: Hiểu rõ (liễu giải 了解). Như Lai: Dịch từ tiếng Phạn là Tathāgata, một trong mười danh hiệu của Đức Phật Thích Ca. Kim Cương Kinh có câu: “Vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” 無所從來, 亦無所去, 故名如來. (Chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi đâu, nên gọi là Như Lai.) Chân thực nghĩa: Ý nghĩa chân thật. Câu 4: Tôi nguyện hiểu rõ ý nghĩa chân thật lời Phật dạy.

Cụ Đoàn Trung Còn (Thích Hồng Tại, 1908-1988) dịch:

Bài Kệ Khai Kinh

Pháp mầu của Phật sâu thẳm và cao diệu không chi sánh bằng,

Cho đến trăm ngàn muôn kiếp cũng khó mà gặp được;

Nay tôi thấy, nghe, và được thọ trì,

Nguyện rõ nghĩa chơn thật của Đức Như Lai.

Ngài D.T. Suzuki (Linh Mộc Đại Chuyết 鈴木大拙, 1870-1966) dịch:

Gatha on Opening the Sutra

The Dharma incomparably profound and exquisite

Is rarely met with, even in hundreds of thousands of millions of kalpas;

We are now permitted to see it, to listen to it, to accept and hold it;

May we truly understand the meaning of the Tathagata’s words!

(Phật pháp thâm sâu vô đối và tinh tế

Hiếm khi được gặp, dù trải hàng trăm hàng ngàn hàng triệu kiếp;

Chúng ta nay được gặp, nghe, nhận giữ,

Nguyện xin hiểu rõ ý nghĩa lời nói của Như Lai.)

Bài Kệ Khai Kinh của Phật Giáo được dùng trong Di Lạc Chơn Kinh của đạo Cao Đài với chút sửa đổi ở câu 3 (kiến văn thính văn) và câu 4 (Như Lai tân kinh).

Như vậy, trong hai câu “Ngã kim thính văn đắc thọ trì / Nguyện giải tân kinh chơn thiệt nghĩa”, hai từ gạch dưới có nghĩa:

Thính : (Chú ý) lắng nghe (listen). Văn : Nghe được, nghe ra, nghe thấy (hear). Chẳng hạn, ngồi làm việc trong nhà, dù không chú ý lóng tai nghe (thính / listen), chúng ta vẫn nghe được (văn / hear) tiếng xe cộ ngoài phố, v.v…

1. Khi đọc lại lời Phật thuyết, Ngài A Nan (Ānanda, thế kỷ 5-4 trước Công Nguyên) mở đầu mỗi quyển kinh bằng cách xác định: “Evaṃ mayā śrūtaṃ.” Các bản chữ Hán dịch là: Như thị ngã văn. 如是我. (Tôi đã nghe được như vy: So I have heard / Thus I have heard.)

2. Đạo Đức Kinh (chương 14): “Thính chi bất văn.” 聽之不聞. James Legge (1815-1897) dịch: We listen to it, and we do not hear it. (Chúng ta lắng nghe, mà không nghe được.)

Dùng như từ ghép (compound), thính văn 聽聞 có nghĩa là lắng nghe được với sự chú ý, chú tâm (listening; hearing what somebody says).

Tân kinh 新經: Kinh mới (new sutras), là các kinh của đạo Cao Đài (thuộc Tam Kỳ Phổ Độ), phân biệt với kinh cũ (cựu kinh 舊經: old sutras) là những kinh của các tôn giáo thuộc Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ.

LÊ ANH MINH

Bà Chiểu, 28-7-2020