ƠN THẦY,
ƠN CHÚA
TRẦN
DÃ SƠN
Mười bốn năm (1979-1993) kể từ khi đến sống
ở Phước An,([1]) lần đầu tiên tôi rủ
hai thanh niên trong xóm đi tìm đất để trồng đậu bắp. Lúc đó việc thuê đất của
người Ê Đê đang là phong trào khá rầm rộ.
Trong bọn tôi có người quen với Ma Noon là đội trưởng
sản xuất ở địa phương nên việc giao dịch tiến triển dễ dàng. Anh dẫn chúng tôi tới
nhà ông già Ea Thiem bàn bạc. Ông ấy đồng ý cho chúng tôi thuê một héc-ta đất
sạch trong sáu năm với giá sáu chỉ vàng. Tôi lớn tuổi nhất nên hai người kia cử
hôm sau tới nhà ông Ea Thiem để chồng vàng và nhận đất.
Người dân tộc bấy giờ rất tốt. Họ đã hứa cái gì là y
lời, không hề thay đổi nên chẳng cần viết giấy tờ. Xong việc tôi ra về, cùng với
hai người kia chọn ngày lên dọn rẫy.
Không ngờ mấy hôm sau chúng tôi hay tin đất ấy ông Ea
Thiem đã bán cho ông Ph. T. để trừ nợ làm nhà. Chuyện xảy ra quá đột ngột, tôi
lặng cả người. Ba chúng tôi đều khó khăn, túng thiếu, dành dụm được bấy nhiêu
để xoay xở làm ăn, chẳng lẽ bây giờ lại phủi tay không?
Vì là kẻ đứng mũi chịu sào, một mình tôi đạp xe đi
đòi nợ mất hai ngày. May được ông Ea Thiem trả cho bốn chỉ. Mấy đêm trằn trọc
không ngủ, tôi quyết định đem số vàng kia trả cho hai bạn trẻ, còn phần mình
đành trông vào số mệnh. Chẳng hiểu nhờ ân điển thiêng liêng nào mà tôi suy nghĩ
được thoáng như thế. Thông thường cái khó bó cái khôn, trong lúc đang nghèo khổ
dễ gì chịu thiệt về phần mình.
Có điều lạ là gia đình ông Ph. T kêu bán đất nhưng
chẳng ai hỏi mua vì họ đồn đại là đất tranh chấp.
Một hôm, tôi nhớ là Thứ Sáu, vừa đi làm về thì nghe
vợ tôi nói:
- Vợ ông Ph. T.
xuống tìm anh, hẹn trưa mai Thứ Bảy, lên nhà cho họ tính chuyện đất đai.
Đêm đó tôi cầu nguyện Thầy. Sáng ra vẫn còn nôn nao
lo lắng. Sau giờ cơm trưa, tôi lặng lẽ đạp xe đi. Tới nơi, tôi gõ cửa. Một
người đàn bà còn trẻ, tướng phúc hậu ra chào, mời tôi vào nhà. Chị không giới
thiệu mình, cũng chẳng hỏi tôi là ai, làm như chị đã biết tôi từ lâu. Chị nói:
- Anh ngồi chơi, chờ tôi một tý.
Rồi chị quày quả xuống nhà dưới. Trong lúc chờ đợi,
tôi đưa mắt quan sát phòng khách. Bất ngờ tôi thấy ảnh Chúa Giêsu in trên bức
sáo tre, chiều ngang độ bốn tấc, chiều cao chừng bảy tấc, được treo trang trọng
trên tường. Bên trên ảnh Chúa là hàng chữ in hoa màu đỏ: HÃY THỨC CANH VÀ CẦU NGUYỆN. Phía dưới cũng hàng chữ đỏ nhưng in
thường và cỡ chữ nhỏ hơn: Bền lòng trong
sự nhẫn nhục.
Tự nhiên lòng tôi thấy dịu lại, không còn bồn chồn lo
lắng như khi mới vào. Ảnh Chúa sáng tỏ hơn, đôi mắt Ngài nhìn tôi đầy nhân từ,
độ lượng. Cho đến bây giờ tôi vẫn không sao diễn tả được giây phút thiêng liêng
ấy. Lòng tôi thanh thản lạ thường. Tôi đắm mình trong huyền diệu yêu thương của
Chúa, không còn bận bịu tính toan.
Tiếng chị chủ nhà kéo tôi về thực tại:
- Mời anh dùng nước.
Tôi nhìn sang. Chị bưng một khay nhỏ, có hai ly nước
đá chanh, kế bên là chiếc đĩa để hai điếu thuốc lá Jet.
Sau khi dùng nước, chị thong thả nói:
- Mai là Chúa Nhật, một giờ chiều anh lên đây tôi dẫn
anh tới nhà con gái lớn Ea Thiem. Tôi sẽ đưa anh hai chỉ vàng gọi là cho họ
mượn để trả lại anh. Tôi bằng lòng. Chị nói tiếp:
- Tôi biết anh đã dọn sạch được năm sào. Hết bao
nhiêu công, tính tiền để tôi trả luôn.
- Tất cả mười công, mỗi công hai chục ngàn.
Chị đưa tiền không thắc mắc. Tôi cảm ơn chị rồi ra
về.
Đêm đó tôi ngủ một giấc thẳng tới sáng.
*
Cái tiếng đất tranh chấp kéo dài mãi về
sau, không ai dám hỏi mua. Cho tới ngày 02-9-1993 tôi mới rủ một người trong
đạo cùng mua, thời gian là hai mươi năm, và được hợp tác xã nông nghiệp Ea M’lô
giao trồng cà phê.
Lúc đầu cà phê còn xấu, tôi trồng xen hai vụ đậu
xanh, đậu phụng, dặm thêm ít bắp để chăn nuôi. Nhờ đó tôi có vốn, mấy năm sau
mua thêm năm sào đất nữa ở kế bên, cũng thời gian hai mươi năm.
Dần dà kinh tế gia đình khá hơn, không còn ăn bữa
trưa lo bữa tối như lúc trước. Rồi tôi xây được ngôi nhà cấp bốn, trên gác thờ
Thầy, có nơi ăn ở sinh hoạt tương đối tốt, có điều kiện cho con học hành đàng
hoàng.
Tôi thầm tạ ơn Thầy, tạ ơn Chúa Cứu Thế đã ban bố cho
gia đình tôi một cuộc sống yên lành trong những tháng năm dài.
TRẦN
DÃ SƠN