Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

ÔNG GIÀ SAU CƠN BÃO / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 

ÔNG GIÀ SAU CƠN BÃO

LÊ THỊ TÂM

Quê tôi vùng đông Thăng Bình, Quảng Nam, miền đất mưa dầm nắng dãi, có dải cát trắng như sa mạc trải dài dọc theo con sông Trường Giang trong xanh hiền hòa, có biển ồn ào với những con sóng vỗ bờ ngày đêm. Quê tôi thật đẹp.

Vậy mà khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, quanh năm chỉ có hai mùa hạn hán và bão lũ. Mùa hè kéo dài từ cuối tháng Hai đến đầu tháng Mười âm lịch với cái nắng nung người mang theo từng đợt gió Lào như thiêu như đốt, cháy hết cỏ cây. Trên sa mạc cát trắng ấy, dưới cái nắng mùa hè nóng bỏng da chân đó chỉ có năm ba cây thông liễu cọc còi, vài bụi dứa dại mới tồn tại nổi mà thôi.

Dọc theo quốc lộ 1 về hướng tây cũng có những đồng lúa xanh tươi, những mùa vàng bội thu. Đó là vào vụ đông xuân, nước chưa khan hiếm. Vụ hè thu vì là ruộng ở cuối kênh thủy lợi nên đất thường nứt nẻ, lúa héo khô, phải đào ao, vét mương tìm nguồn nước để tưới cho lúa. Để rồi khi lúa vừa chín tới, nước lũ về, tất cả chìm trong biển nước mênh mông. Người nông dân trắng tay như loài dã tràng xây nhà trên cát biển. Họ kiếm ăn qua ngày rồi lại tiếp tục sản xuất. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, vẫn vui vẻ gắn bó với quê hương. Bởi sự khắc nghiệt ấy đã sinh ra những con người ý chí kiên cường. Khó khăn gian khổ không làm họ nản chí, biết chấp nhận và sống chung với lũ, và hơn ai hết họ hiểu ý nghĩa của hai chữ vô thường.

Có một chuyện làm tôi nhớ mãi không thôi. Những năm sau chiến tranh, vào một buổi chiều mùa thu, khi quê tôi vừa chịu một trận bão lũ lớn. Mưa đã dứt nhưng trời vẫn âm u xám xịt. Heo gà bị nước cuốn trôi, nhà cửa bay cả mái, cây cối ngả nghiêng, những bụi tre bật gốc, trụi lá nằm chắn cả lối đi. Tôi đang dọn dẹp trước nhà, lòng nặng trĩu âu lo. Một ông già tay chống gậy, người nhỏ bé, vai mang cái bọc có lẽ là áo quần, gói trong chiếc áo mưa cũ ngả màu vàng đất, đôi chân trần chai sần cong vẹo, đầu đội chiếc nón tạm gọi là lành hơn bộ đồ ông đang mặc. Ngửa bàn tay thô ráp trước mặt tôi, ông bảo: “Con ơi, nhà có gạo cho ông một ít. Cho ông miếng nước nóng nữa con hỉ. Đi từ sớm mai đến chừ mệt, khát nước quá!”

Nhìn ông tôi bỗng giật mình. Không biết ông đi bằng cách nào mà tới được đây. Không để ông đợi lâu, tôi đi vào trong xúc chén gạo đổ vào cái túi vải ông đeo trước ngực và cũng không quên đem ra mời ông ly nước nóng. Ông đón ly nước trên tay tôi, ngồi xuống thềm nhà và uống cạn. Đợi ông uống xong, tôi nhận lại ly trên tay ông rồi hỏi nhỏ: “Ông ở mô? Con cháu có đông không mà đi ri ông? Nhà cửa ông có hư không? Làng ông có thiệt hại nhiều không?”

Ông chậm rãi: “Ông ở thôn Thái Nam kế đây. Chỗ mô cũng y cảnh hết con ơi! Còn nhà hả?” Ông bỗng bật cười ngặt nghẽo. Tôi tò mò không biết ông cười vì điều gì, hay ông sắp kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị lắm chăng? Tôi chờ đợi.

Vẻ mặt bình thản, ông bắt đầu kể: “Hồi trước ông cũng có nhà cửa, có gia đình đàng hoàng chớ. Năm xảy chiến tranh, nhà ông trúng bom, vợ con chết hết, nhà cháy luôn. Lúc đó ông đang ở ngoài đồng, may còn sống sót. Bà con lối xóm cho tre, cho rạ ông cất lại cái chòi nhỏ trên nền đất cũ. Vừa rồi nó dột quá nên ông xuống bàu cắt cỏ lát lợp lại xong. Bão mới đây lại thổi bay mất rồi. Ông ở hiên trường bình dân xưa rày. Mưa thì lấy mấy miếng áo mưa che đỡ. Già tám mươi tuổi rồi, con ơi! Biết sống mấy bữa nữa mà lo nhà.”

Rồi ông lại cười và thong thả đứng lên: “Thôi, ông về kẻo tối không thấy đường đi. Nấy gạo đây để dành bữa mô mưa gió không đi được thì có nấu.”

Vừa nói ông vừa bước đi. Tôi áy náy: “Rồi ông ăn cơm với chi? Để con vào sớt cho ông ít nước mắm gởi ông hỉ?”

Ông khoát tay: “Thôi con ơi, nấu cơm bỏ vài hột muối hơi mặn mặn là ăn được rồi.”

Ông vừa nói vừa đi. Tôi chẳng biết nói chi, chỉ nhìn theo: “Dạ ông đi. Coi chừng đạp gai nghe ông.”

Thực sự trong lòng tôi muốn giúp ông lắm nhưng cái thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ mà cơn bão mới vừa tàn phá nữa. Thương lắm mà chẳng biết làm chi. Dáng liêu xiêu, ông lần ra ngõ, qua đám cành cây ngổn ngang chưa kịp dọn. Không biết ông có về kịp trước khi trời tối.

Tội nghiệp ông khi tuổi đã gần đất xa trời mà tất cả chỉ là con số không: không nhà cửa, không gia đình, không người thân, và cả miếng ăn cũng không có. Vậy mà ông vẫn vui vẻ chấp nhận, vẫn cười khi nhắc lại câu chuyện buồn của đời mình.

Tôi cảm phục ông quá, rồi bỗng nhiên tôi ngộ ra một điều: Phải chăng sướng khổ tự nơi tâm?

LÊ THỊ TÂM (Củ Chi)