Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

TẢN MẠN VỀ MÓN QUÀ THƠ XA / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 


TẢN MẠN VỀ MÓN QUÀ THƠ XA

HUỆ KHẢI

Vâng, cần nói ngay là “tản mạn” để liền xác định rằng đây chẳng phải một bài điểm sách, mà chỉ miên man chuyện mới chuyện cũ.

Còn “món quà thơ xa” thì quả đúng là món quà đặc biệt, đã vượt quãng đường xa hơn năm trăm cây số từ Tuy Hòa, ngày 15-8-2020 (theo con dấu bưu điện), để tới tôi ở Bà Chiểu đúng ba hôm sau. Kẻ hậu bối không khỏi chạnh lòng khi lần giở từng trang món quà “thân mến tặng Huệ Khải” của bậc tiền bối.

1. Gọi ông Trần Huiền Ân, tác giả tập thơ, là “tiền bối” thì đúng quá rồi. Ông sinh năm 1937, hai mươi tuổi chọn nghề gõ đầu trẻ. Hằng tuần, ông giáo thanh xuân tài hoa ở làng quê tỉnh nhỏ khi xưa sớm có bài vở cộng tác với tuần báo Tuổi Xanh do một nhóm giáo chức (Bùi Văn Bảo, Hà Mai Anh, Bùi Quang Kim, Đoàn Xuyên… ) chủ trương. Thuở ấy tôi còn là đứa bé con ở trường tiểu học Hội An A (xã Cái Tàu Thượng, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang); ba tôi dạy tại trường ấy, đặt mua cho tôi tuần báo này đọc cả năm. Dĩ nhiên tôi không nhớ nổi đã đọc những bài nào của ông Trần. Hồi đó mê nhất là những truyện tranh in màu kéo dài nhiều kỳ báo. Vẫn nhớ có một họa sĩ ký tên Tam Xuiên (vì chữ i ngắn lạ mắt), và chú bé con cứ quen đọc là “Tam Xiên”. Khi là thầy giáo trung niên, trong một đêm dự tiệc cưới ở Sài Gòn, tình cờ tôi được sắp chỗ ngồi cùng bàn, ngay bên cạnh họa sĩ ấy (nhờ nhà trai giới thiệu mà biết).

Niên khóa 1961-1962, thơ của thầy giáo trẻ họ Trần đăng trên tuần báo Tuổi Xanh được chọn làm các bài “học thuộc lòng” in trong bộ sách Việt Ngữ Tân Thư dành cho bậc tiểu học của nhóm soạn giả Bùi Văn Bảo, Bùi Quang Minh, Chu Đức Nhuận. Tôi vẫn nhớ bộ sách giáo khoa này, do nhà sách kiêm xuất bản Sống Mới (ở số 30 đường Phạm Ngũ Lão, quận Nhứt, Sài Gòn) in và phát hành khắp hai miền Nam, Trung. Lúc ba tôi thuyên chuyển về trường tiểu học Mỹ Luông A (xã Mỹ Luông, cùng quận Chợ Mới) thì tôi học trường này, dùng sách này. Vậy tôi đã sớm học thơ ông Trần từ tấm bé. Tôi nhớ, hồi đó ba tôi và các đồng nghiệp trước khi vào năm học mới đều được Sống Mới gởi biếu sách giáo khoa. Các trường mua sách trực tiếp từ nhà xuất bản để phân phối lại cho học trò trường mình đều được hưởng huê hồng tính trên bìa sách và số lượng đặt mua.

2. Năm 2019 tôi bắt đầu viết điện thư làm quen ông. Vẫn là “mộ kỳ văn, vị kiến kỳ nhan” 慕其文, 未見其顏 (mến yêu văn mà chưa thấy mặt), trừ chân dung trên các bìa sách, trên vài trang mạng. Ông gởi tôi khá nhiều sách, lời đề tặng mỹ miều nét chữ, xinh xắn triện son. Truyện ngắn của ông nhiều bài đọc rất lạ, thú vị. Có vài truyện tôi nghĩ chẳng khác tân liêu trai. Thơ, ông gởi bốn tập: Thuyền giấy (Nxb Bách Khoa, 1963); Năm năm dòng sông thơ (Nxb Đồng Dao, 1973); Lời trên lá (Nxb Trẻ, 1997); Rừng cao (Nxb Thanh Niên, 2007).

Thơ ông lắm câu phảng phất nét cổ kính:

- Người xưa bưng bát cơm tân khách / Ba lần cao giọng vỗ gươm ca

- Ta người mạt khách / Giày cỏ còn không / Gươm cùn cứ vỗ…

- Nụ cười đan thanh / Hồn thu cổ độ / Em về đứng đó / Nhìn bốn phương thành.

- Hoàng Hoa trang còn chăng / Những gót chân gõ giòn sạn đạo?

- Ta đốt hết cả năm xe khuyết sử / Tìm áo khăn em trong biển lửa vàng…

- Ngựa buộc đèo cao nghe vượn hú / Não nùng lạnh buốt cả sơn khê

- Điếm nguyệt cầu sương tiếng gà dặm cát / Bàn chân trần lơ lửng bước thanh hư

Đây là những câu thơ đẹp. Lần theo từng bài, rải rác trong tập này tập khác, trang nọ trang kia, gặp những câu như vậy, thử dừng lại, nhắm mắt, tưởng tượng một chút về hình ảnh câu thơ gợi ra, không thú vị lắm ru?

Cái thoang thoáng phong vị cổ kính điểm xuyết trong thơ như thế, có lẽ ông sớm thừa hưởng từ buổi ấu thơ, bên người cha là thầy dạy chữ Nho chăng? Bút danh của ông được ghép họ Trần với tên tự buổi thiếu thời thân phụ chọn giùm: Huyền Ân. Có câu chữ Nho giải thích tên tự này: Sĩ chi trí huệ thị huyền ân dã. 士之智惠是玄恩也. Chưa truy ra xuất xứ nhưng dõi theo mặt chữ, tạm hiểu người xưa bảo trí huệ kẻ sĩ (wisdom of scholars) là ơn Trời ban bố vậy. Trí huệ kẻ sĩ tức là Sĩ Huệ, cũng là phương danh thân phụ ông chọn cho con.

3. Thơ ông nhiều vẻ, nhiều cách dàn trải con chữ thành dòng, khi đủ vận đủ vần, khi như thể câu xuôi ngắn dài nối tiếp. Có một đoạn bốn câu mà ông hạ thủ tới hai câu nhã lệ, linh động với phép nhân cách hóa:

Anh ở cao nguyên chắc cũng buồn

Chiều nhìn chim gởi cánh qua truông

Con đường Gia Nghĩa nhiều cô quạnh

Khói xám tìm ai quyện dưới buôn.

Thỉnh thoảng tôi gởi điện thư hỏi ông về những tên gọi thảo mộc địa phương có nhắc tới trong thơ. Ông ân cần giảng giải, và tôi không khỏi nghĩ vụng nghĩ trộm: Lẽ ra khi in phải có thêm chú thích; nhưng chú thích nhiều thì hết còn là tập thơ, e ra thành sách giáo khoa văn học mất thôi.

Nhưng thiếu chú thích thì biết đâu phần nào gây ra trục trặc cho phần đông người đọc thời nay, bởi thơ ông không vắng điển cố. Chẳng hạn hai câu này: Ta trở lại tên Thừa Cung quá khứ / Chí tung trời từng mẫu tự dò la. Tôi không chắc bây giờ phần đông dễ hiểu nếu chưa đọc Chuyện người Thừa Cung, bài học thứ 17 trong Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị (Hà Nội: Nha học chính Đông Pháp, 1935).

Hoặc: Ba năm không được câu thơ nhỏ. Ai chưa đọc Giả Đảo (779-843), chưa từng ngâm nga: Nhị cú tam niên đắc / Nhất ngâm song lệ lưu 二句三年得/一吟雙淚流 (HK dịch: Ba năm làm được hai câu / Một lần ngâm để rơi châu đôi hàng), thì e khó thấm thía chỗ người nay “mượn” lời người xưa.

Oái oăm chỗ này nữa chứ: Ta chợt nhớ thương chàng lưu vô định / Một quả cà phẫn chí bữa mời trưa… Tôi tưởng lầm người sửa bản in trót bỏ sót lỗi, lẽ ra là Lưu, tức Lưu Bình có Dương Lễ bạn vàng. Nhưng ông bảo tôi rằng chủ ý không viết hoa, vì trước hai câu đó ông viết: Ta dẫu muốn xa đường danh lợi / Đến lòng do còn luyến bụi phù vinh... Nhắc tích Hứa Do ra suối rửa tai sau khi trót nghe vua Nghiêu ngỏ lời đề nghị truyền ngôi.

Và câu này nữa: Nhìn xiêm áo đã nhàu chăn gối lạ. Thoạt đọc thấy, tôi thích ngay bằng trực giác, dẫu mụ mị nghĩa lý. Đến chừng đọc truyện ngắn của ông (Câu chuyện của người giữ đền) mới vỡ lẽ có xa gần liên quan cái tích hai vua một hậu (Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, và Dương Vân Nga). Biết vậy rồi, càng thấy câu thơ hay vô cùng.

4. Tôi không còn dụng công học thuộc lòng những bài thơ yêu thích như thuở học trò mười lăm, mười sáu tuổi. Nhưng một số câu thơ của ông mà tôi nhớ lẻ tẻ cơ hồ như ám ảnh, để thỉnh thoảng lại giở xem tập thơ đã đọc, chẳng khác chi muốn củng cố trí nhớ.

Ví dụ câu này: Tờ thư xưa mòn dấu xếp dần rơi. Ôi chao, hình ảnh quá đỗi lãng mạn. Người xưa mờ nhân ảnh. Ngày cũ khuất xa rồi. Tờ pơ-luya mỏng manh nào gấp gọn, cất kỹ trong ví, cứ giở ra xem rồi gấp lại, lần này lượt nọ, nếp gấp mòn thêm hơn, rồi kỷ vật miếng manh rơi rụng… Không nhớ nổi trọn bài, lắm khi chỉ nhớ một câu như thế, mà đủ bâng khuâng với ý tình người viết.

5. Tuyển lại các bài đã in trong bốn tập thơ trước đây (THUYỀN giấy; Năm năm dòng SÔNG thơ; Lời trên LÁ; RỪNG cao), ông đặt nhan đề tập thơ vừa in xong tháng này là THUYỀN SÔNG LÁ RỪNG.([1]) Trên bìa lưng, ông gọi thơ mình là thơ tình cảm”. Đúng vậy, tập thơ có đủ tình mẹ con, tình cố hương, tình thơ dại, tình thầy trò, tình bạn bè, tình nam nữ, v.v…

Bốn tập thơ trước không đánh số các bài ở mục lục; tập này có, là chín mươi chín. Con số lẻ như ám chỉ điều gì dở dang, chưa tròn trịa à? Tôi mỉm cười, tự nhủ mình khéo vẩn vơ. Lại nghĩ, tuyển trong một trăm hai mươi tám bài đã in để chọn lấy đúng chín mươi chín, lúc tuế nguyệt đã vượt ngoài tám chục, phải chăng với bề dày lịch duyệt tuổi đời và già dặn trải nghiệm tuổi nghề, nhà thơ Trần Huiền Ân tự mình tinh lọc, và chắt lấy những giọt châu sáng đẹp mà thâm tâm ưng ý hơn cả?

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 23-8-2020



([1]) Nxb Hội Nhà Văn, 210 trang (13,5x20,5cm). Tranh bìa 1: họa sĩ Trương Vũ. Giá bìa 160.000 đồng.