Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

CỤ ÁN RÒM / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)


 Tác giả Trần Huiền Ân

CỤ ÁN RÒM

TRẦN HUIỀN ÂN

Thương em anh cũng muốn theo

Sợ truông Giựt Ngược, sợ đèo Đá Dăm.

Đó là câu ca dao nói về Láng Thơm, một làng nhỏ trên một cao nguyên nhỏ Nam Trung Bộ, phong cảnh kỳ vĩ, gió lành, nước ngọt, nhưng đường đến thì vô cùng hiểm trở. Chỉ có hai lối thông với bên ngoài, lối nào cũng là tử lộ. Phía đông có đèo Đá Dăm, quanh co gấp khúc, toàn đá dăm bén nhọn. Mùa nắng qua đèo, như đi trong lò thiêu, mồ hôi nhễ nhại, bước chân loạng choạng, thế nào cũng bị đá dăm cắt cứa chảy máu. Mùa mưa qua đèo, cái lạnh của đá núi đến buốt xương, trợ lực cho những giọt mưa như ngọn roi tàn bạo quất xuống, bước chân con người lại loạng choạng cho đá dăm cắt cứa chảy máu. Truông Giựt Ngược ở phía Tây, ngắn hơn, không ngoằn ngoèo bằng thì độ dốc cao hơn, khách bộ hành bám vào rễ cây, vào bực đất trèo lên, cứ bị giật ngược trở lại. Lồng ngực như muốn vỡ tung, thở đến hụt hơi.

Tạo Hóa trớ trêu, ban cho hết thế hệ này đến thế hệ khác con gái Láng Thơm trắng da dài tóc, gương mặt sáng sủa, đẹp hồn nhiên, đẹp tự tại; ngược lại con trai Láng Thơm cục mịch, đen đủi, dẫu nhà giàu có quanh năm ăn không ngồi rồi, chẳng hề biết một giọt sương, một tia nắng. Con gái Láng Thơm có dịp đi ra khỏi làng liền được các chàng trai phương xa để ý, song tất cả đều ngã lòng trước truông Giựt Ngược và đèo Đá Dăm, nên con trai Láng Thơm xấu xí, vụng về đến mức độ nào cũng cưới được cô vợ xinh xinh.

Nơi đầu đèo Đá Dăm cách xóm không xa, có ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Học Trò. Cứ như lời xưa truyền lại, vào thời nào đó có người học trò nghèo không rõ từ đâu định đến Láng Thơm làm nghề dạy học, trước là đem đạo lý Thánh Hiền giảng giải nơi quê mùa hẻo lánh này, sau nữa mong tìm một đời sống ấm no, vì nghe nói dân Láng Thơm từ lâu ao ước có được ông thầy. Người học trò còn trẻ có chút lãng mạn trong đầu, hình dung ra cái cảnh tượng được trọng vọng, rồi cưới một hoa khôi ở Láng Thơm, vợ chồng tâm đầu ý hiệp, anh ta lều chõng ứng thí, đỗ đạt, vinh quy, ơn Trời lộc nước, thỏa nguyện làm trai. Rất tiếc là bao nhiêu mộng mơ đẹp đẽ ấy không còn thực hiện kịp. Đói quá, mệt quá, anh ta lả người, gục xuống khi vừa vượt khỏi đèo Đá Dăm trong tầm mắt lờ mờ trông thấy mấy nóc nhà ẩn hiện. Gục xuống và vĩnh viễn nằm lại. Khi dân làng phát giác, anh ta đã là cái xác khô cứng, co quắp dưới nắng hè.

Không đào huyệt được, mọi người khuân đá đến đắp cho anh ta nấm mộ. Cảm cái ơn ấy, ngay đêm anh ta báo mộng với vị tiên chỉ. Ông thầy số luận rằng người này chết đúng giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ, năm Ngọ, bất đắc kỳ tử, ắt là linh hiển. Làng Láng Thơm liền lập miếu thờ. Không biết tên họ, nguyên lai, bài vị viết là ông Học Trò, ngôi miếu mang danh miếu Học Trò. Già trẻ, trai gái ở Láng Thơm hết lòng tôn kính ông Học Trò, vì nghiệm thấy từ khi ông chọn xứ này làm nơi định phận thì Láng Thơm mỗi ngày một khá hơn, mùa màng luôn luôn được, cây già trái chín sum suê, trâu bò heo gà không bị ác thú nhiễu hại. Từ tôn kính đi đến sợ sệt. Bạn bè kết nghĩa sinh tử, đưa nhau đến miếu Học Trò nguyện ước. Muốn bày tỏ sự ngay thật, tranh cãi, đôi chối, thách nhau đến miếu Học Trò khấn vái thề thốt. Lời nói tại miếu Học Trò bảo đảm sự trung thực tuyệt đối.

Rồi làng Láng Thơm phát được một người học giỏi. Đó là Tám Ròm, con ông Năm Râu. Vợ chồng Năm Râu hiền lành, nhưng không hiểu sao sinh sáu người con đều không nuôi được. Phải đến người thứ bảy. Tục lệ ở Láng Thơm không có thứ cả, người đầu là thứ hai, nên người thứ bảy gọi là tám. Cậu ta gầy đét, khẳng khiu, dân làng tặng cho cái tên Tám Ròm. Tám Ròm được cha mẹ cho xuống miền đồng học hành. Ở trường huyện rồi trường tỉnh, anh ta được thầy đồ, quan Huấn, quan Đốc khen ngợi và thương mến, vì thông minh, linh hoạt, ứng đối nhanh chóng, văn thơ già dặn, súc tích. Ở làng anh ta luôn giữ đúng lễ phép, khiêm cung, kính trên nhường dưới, chẳng mất lòng ai.

Năm ấy, Tám Ròm mười tám tuổi, chuẩn bị để sang năm lều chõng ứng thí. Ngày Tết, Tám Ròm về quê với gia đình.

Ba mươi tháng Chạp là tiết Lập Xuân. Tối hăm chín, Tám Ròm cảm thấy trong lòng bao nhiêu ý tưởng miên man. Sắp tới là một năm quan trọng của Tám Ròm. May nhờ ân đức, bảng vàng ghi tên thì con đường trước mặt thênh thang mở rộng đưa tới vinh dự tuyệt đỉnh. Ngày mai Lập Xuân, ngày mốt Nguyên Đán, Xuân và Tết liền kề nhau trong sự chuyển điệu nhiệm màu. Tám Ròm nghe như tứ thơ dâng tràn, khêu cao ngọn đèn, mở rộng trang giấy định viết nên bài thơ Xuân Ý. Khác với mọi lần, lúc này xúc cảm dào dạt quá, Tám Ròm thấy bài thơ mông lung, dàn trải, thiếu phần chặt chẽ. Anh ta buông bút, nhẹ nhàng mở tấm cửa phên bước ra ngoài, chủ ý tìm sự lắng đọng tịnh tâm.

Đêm thật yên lặng. Trời đầy sao tỏa ánh sáng mờ mờ lên cảnh vật. Nghe rõ cả tiếng gió thì thào trên ngọn trắc bá diệp, tiếng dế ri rỉ dưới chân rào. Tám Ròm thả bước chầm chậm quanh sân. Mùi lá cam hăng hăng lẫn trong mùi những nụ hồng thoang thoảng. Mấy khóm hoa ban ngày trông ẻo lả, giờ này vươn cao, thẳng cành, mở lá. Chợt có tiếng động ở sau hè, Tám Ròm vội vàng bước quành ra. Một người từ chuồng gà Tám Ròm bước tới trên tay ôm vật gì. Tám Ròm đến gần. Đó là Sáu Đét, chẳng biết từ đâu trôi dạt tới Láng Thơm hồi mùa thu, sống trong một căn lều nhỏ ở xóm dưới. Cái vật trên tay Sáu Đét là con gà trống, con gà duy nhất Tám Ròm dùng để cúng rước. Rất đỗi ngạc nhiên, Tám Ròm nắm hai tay Sáu Đét kêu lên:

- Ăn trộm.

Bị bắt quả tang bất ngờ, Sáu Đét khựng lại giây phút rồi vung mạnh, xô Tám Ròm ngã xuống để thoát thân, tất nhiên mang theo con gà. Tám Ròm lồm cồm gượng dậy, đánh thức hàng xóm kể lể sự việc, rồi không kìm được tức giận, chạy thẳng đến nhà Sáu Đét. Sáu Đét đã kịp phi tang, giả vờ chẳng biết ất giáp gì, buông lời mắng nhiếc Tám Ròm. Tám Ròm vô cùng ấm ức. Thà Sáu Đét chịu nhận lỗi, Tám Ròm dễ dàng bỏ qua. Đàng này, Sáu Đét tố ngược là Tám Ròm vu oan giá họa cho kẻ nghèo khó, thì sao chịu được. Tám Ròm về nhà trằn trọc thâu đêm. Bài thơ Xuân Ý thế là dang dở…

Sáng ngày Tám Ròm thưa làng. Trước mặt ông Lý, Sáu Đét vẫn một mực khai là chẳng biết gì. Ngày cuối năm rồi bận bao công việc, ông Lý hẹn ra Giêng, ngày dài tháng rộng, việc cũ giở ra sẽ mới. Không còn cách nào hơn, Tám Ròm thách Sáu Đét ra miếu Học Trò, Sáu Đét dám thề Tám Ròm sẽ bỏ qua. Sáu Đét nhận lời ngay…

Ở miếu Học Trò hai người đã nói lời thề độc, nếu gian dối sẽ bị Ông Học Trò vặn cổ hộc máu chết tươi tại sân, không ra khỏi cổng. Kết quả cả hai người đều ra về bình yên. Sáu Đét cười hí hửng; ngược lại, Tám Ròm ấm ức không thôi.

Bấy giờ dân làng có dịp bàn tán với nhau. Không ai nghi ngờ tính trung thực của Tám Ròm. Nhưng phái người già thì e rằng trời tối Tám Ròm đã nhận lầm ai đó là Sáu Đét chăng. Phái người trẻ bắt đầu hoài nghi sự linh thiêng của miếu Học Trò. Tên ăn trộm nhất định là Sáu Đét chứ còn ai nữa? Một tên vô lại không hiểu rằng ở đời nhập gia tùy tục, lại còn vênh váo đắc ý. Té ra dân làng Láng Thơm chỉ tự đánh lừa nhau, hù dọa nhau thôi. Làm gì có chuyện Thần Thánh vặn cổ con người hộc máu ngã lăn chết.

Đêm giao thừa, bài thơ Xuân Ý của Tám Ròm vẫn không làm xong. Sáng Nguyên Đán cũng vậy. Tám Ròm đành viết bốn chữ Minh Niên Khai Bút lên hồng đơn dán ở cột giữa. Không làm xong bài thơ, Tám Ròm giận Sáu Đét và càng trách ông Học Trò. Tám Ròm mang một nén hương đến miếu, khấn rằng ông là kẻ mị dân, mị đời. Đồng bào Láng Thơm cung kính thờ phụng ông để ông giữ yên thôn xóm, ai ngờ ông tiếp tay cho kẻ gian làm nhục người ngay. Tám Ròm nói sẽ không bao giờ bước chân vào miếu nữa.

Suốt ngày mồng một, cho đến tối bạn bè cứ hỏi Tám Ròm về chuyện mất gà và lời thề ở miếu. Trình bày, giải thích mãi, Tám Ròm thấy mệt mỏi, phiền bực. Đến gần khuya, mới thoát nạn. Tám Ròm lại bàn ngồi, quyết làm cho xong bài thơ Xuân Ý, sợ rằng mồng một Tết không viết được câu nào, cả năm vần điệu sẽ xiêu tán hết. Chống tay lên trán để tập họp chữ nghĩa, Tám Ròm thấy gió đêm lành lạnh.

Có tiếng động nhẹ, Tám Ròm nhìn ra. Một người khách lạ chưa hề gặp. Người khách mặc chiếc áo dài cũ, đã bạc màu, chiếc khăn xếp đã sờn. Tám Ròm chưa kịp chào hỏi, người khách nói:

- Ta là người học trò ở miếu. Bởi anh có lời trách cứ, ta phải đến.

Tám Ròm mừng rỡ, vội mời khách ngồi:

- Hân hạnh được đón tiếp ngài. Cảm ơn ngài đã hạ cố. Trước hết xin mời ngài một ly rượu xuân.

Người khách ngồi đối diện với Tám Ròm, đón ly uống cạn, hỏi:

- Anh có đồng tình với các quy ước bất thành văn trong dân gian, bắt gà bẻ bí chỉ là chuyện trộm vặt?

- Thưa ngài, đúng vậy. Tám Ròm đáp.

- Thế thì… sau này đỗ đạt làm quan, coi giữ hình án, anh có định kết tội tử hình một kẻ trộm gà chăng?

-Thưa ngài, làm gì có điều đó.

Người khách cười:

-Vậy, sao anh trách ta không vặn cổ Sáu Đét cho hắn hộc máu tươi ra chết ngay nơi sân miếu? Hắn còn một tội nữa là nói dối. Song, cả bắt trộm gà và nói dối, hai tội danh ấy hợp lại cũng chỉ là chuyện vặt, ở mức phạt vi cảnh…

- Thưa ngài…

Tám Ròm vừa mở miệng thì ông khách ngăn lại.

- Xin lỗi. Ta đang quá bận, anh để ta nói trọn ý. Khi được cầm quyền sinh sát trong tay, đâu phải dễ dàng tùy tiện hành xử. Ở cõi dương không thể muốn chém đầu ai thì chém. Ở cõi âm không thể muốn vặn cổ ai thì vặn. Kẻ có quyền, kẻ ở tầng lớp trên, nhiều khi phải thiệt thòi một chút, bị mang tiếng oan một chút. Trong trường hợp này, cả anh và ta đã gặp. Sáu Đét vốn là kẻ quá nghèo túng, bần cùng sinh đạo tặc, trôi dạt đủ phương, chân trời góc biển, mới đến Láng Thơm chưa được thuần phong mỹ tục xứ này cải hóa. Hắn sống cô đơn nên cái mặc cảm là kẻ cùng đinh cặn bã bị xa lánh vẫn đè nặng trong lòng. Ta đã từng nghèo đói, còn nghèo đói hơn hắn nữa, không ít lần toan làm điều sai quấy, may mà cố giữ được trong sạch, ngay thẳng để rồi cuối cùng phải chết đường vì nghèo đói. Có lẽ vì vậy ta hiểu hắn hơn anh. Mai sau, anh làm quan, thăng tiến trên hoạn lộ, ta mong anh luôn luôn nhớ rằng giúp dân no cơm ấm áo, hòa hiếu yêu thương nhau, là bổn phận của người làm quan. Đừng để trong hạt còn có hạng người sống bên lề như Sáu Đét. Hắn đã quá chán chường kiếp sống, đã nghĩ sống cơ cực như thế thì chết sướng hơn. Trước lúc thề hắn đã cầu khẩn ta: Ông hãy vặn cổ tôi đi cho tôi sớm về cùng cát bụi thoát khỏi thân phận đau khổ hèn hạ này… Nhưng, ta là một vị Thần vâng theo luật Trời chứ không thể nghe theo ý hắn, ý anh. Tất cả, từ sự linh ứng của Thần Thánh đến sự phán xét giữa con người với nhau đâu được vượt qua luật Trời. Do đó, phải thận trọng. Hết sức thận trọng.

Anh cũng nên lưu ý về sự bình tâm. Mất một con gà anh để mất luôn lòng yên tĩnh. Bài thơ Xuân Ý biết bao tứ hay, lời đẹp là vậy mà anh bỏ hỏng. Một Nho sĩ tài hoa mà tầm thường như vậy ư? Để cho ngoại cảnh chi phối thì làm sao có được những trang tuyệt cú tồn tại với thời gian?

Tám Ròm chưa kịp bày tỏ điều gì, người khách đã đứng dậy, thoắt đi như thoắt đến. Còn lại một mình Tám Ròm, bừng tỉnh, ngơ ngác trước trang giấy trắng, ngòi bút lông lăn nhọn gác trên nghiên mực.

Tám Ròm đậu Cử Nhân. Dân xứ Láng Thơm thân mật gọi là ông Cử Ròm. Được bổ làm tri huyện. Cả làng vui mừng, hãnh diện họ đã có một ông quan. Ông Huyện Ròm về tu bổ lại miếu Học Trò. Ông Huyện Ròm được thăng tri phủ. Ông Phủ Ròm kêu gọi sửa nắn đèo Đá Dăm. Rồi thăng án sát. Dân làng tôn là cụ, song vẫn giữ cái tên thân mật. Cụ Án Ròm kêu gọi bạt truông Giựt Ngược, hạ thấp độ dốc. Từ đó hai nơi này không còn nguy hiểm nữa. Suốt quãng đời ngồi ở công đường, từ huyện lên phủ lên tỉnh, ông quan Ròm là vị đường quan thanh cần liêm chính. Một phần lương bổng dùng cho công việc từ thiện. Về hưu, giữ địa vị tiên chỉ làng Láng Thơm, cụ Án Ròm cầm cân nảy mực, phân xử mọi việc, trên dưới một lòng, trong ngoài yên ổn.

Đó là vị quan duy nhất ở Láng Thơm. Trước ông và sau ông đều không có ai.*

TRẦN HUIỀN ÂN (1995)



* In trong tập truyện Khói Của Ngày Xưa (Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Phú Yên, 2003). Đạo Uyển in lại với sự cho phép của tác giả, bản thảo gởi về từ Tuy Hòa (Phú Yên), ngày 19-3-2020.