Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

MINH GIÁO / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 


Tác giả Nguyễn Duy Chính

 

MINH GIÁO

NGUYỄN DUY CHÍNH

Hình như ai trong chúng ta khi đọc Ỷ Thiên Ðồ Long Ký của Kim Dung đều tự hỏi Minh Giáo 明教 có thực hay không, những bang phái, giáo hội đã sinh hoạt và ảnh hưởng thế nào trong xã hội.

Theo bộ tiểu thuyết kiếm hiệp này, Minh Giáo là một tôn giáo được tổ chức chặt chẽ và quy mô, đứng đầu phe tà và đã từng nhiều lần đụng độ với phe chính phái. Sự xuất hiện của họ thật kỳ bí và như một tấm màn dần dần vén lên, mỗi lúc lại cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về hoạt động, về tổ chức cũng như về giáo quy của họ.

Trong sử sách, Minh Giáo cũng được nhắc đến, tuy không phong phú như những tôn giáo khác, nhưng đại biểu cho hệ thống tư tưởng nhị nguyên là hệ thống dễ dàng được chấp nhận vì phân biệt trắng đen, thiện ác, có những tiêu chuẩn nhất định không mơ hồ như hệ thống nhất nguyên.

Nhìn theo quan điểm xã hội, hệ thống tư tưởng của Minh Giáo lại tương đồng với Tây Phương và trong một thời gian khá dài, những cơ sở đó tranh huy với những tôn giáo khác, tuy trên bình diện triết học không áo diệu bằng Phật Học hay Lão Học, nhưng về phương diện tổ chức, Minh Giáo có tính quần chúng hơn và phát triển cũng có quy củ hơn.

Chỉ về sau này, khi Nho Giáo được đưa lên thành hệ thống học thuật làm thước đo cho khả năng của kẻ sĩ và đẩy lùi các tôn giáo khác ra khỏi quan trường, Minh Giáo mới suy yếu và dần dần biến mất.

MINH GIÁO: BÁI HỎA GIÁO HAY MA NI GIÁO?

Khi nói tới Ba Tư (tức Iran ngày nay), chúng ta vẫn hình dung đó là xứ “nghìn lẻ một đêm” với những chuyện thần kỳ thật phong phú. Ít ai biết rằng ở những thế kỷ đầu Công Nguyên, khu vực Trung Ðông có nhiều giao tiếp với Trung Hoa, và tôn giáo của họ khi đó cũng khác hẳn với thế giới Muslim chúng ta thấy ngày nay. Ba Tư cũng có những triều đại thân cận với nước Tàu nên mỗi khi bị xâm chiếm lại chạy qua Trung Hoa cầu cứu và nhờ viện binh để quay về “phục quốc”, như một số vương tôn ở nước ta.

Ðời nhà Ðường, vì gốc tích của hoàng gia mang giòng máu ngoại vực, việc trao đổi văn hóa giữa Trung Ðông và Hán tộc được dễ dàng đưa đến chính sách tương đối khai phóng đem lại phát triển và thịnh trị. Không những khoa học, kỹ thuật, các loại sản phẩm công nghiệp được trao đổi, mà tôn giáo từ bên ngoài cũng du nhập Trung thổ rất nhiều.

Thời kỳ đó, phía Tây Trung Hoa có một chi lưu của người Khương tương đối phát triển là Thổ Phồn (tổ tiên của dân tộc Tây Tạng ngày nay). Khi vua Ðường Thái Tông lên ngôi (626 Công Nguyên), vua nước Thổ Phồn là Tùng Tán Hãn Bố giao hiếu với Trung Hoa, được vua nhà Ðường gả Công Chúa Văn Thành (641 Công Nguyên).

Sử sách chép rằng Công Chúa mang theo một đoàn tùy tùng đến hơn năm ngàn năm trăm người, lại không biết bao nhiêu là sản vật, gia súc, tư trang, hàng hóa. Từ đó những vương tôn công tử nước Thổ Phồn sang Trường An du học mở đầu cho một thời kỳ giao lưu văn hóa giữa Trung thổ và các nước phía Tây. Các phát kiến của Trung Hoa như nông cụ, dệt vải, nuôi tằm, xây cất, làm giấy, đồ gốm, luyện kim, lịch toán, y học... theo đó truyền ra ngoài và ngược lại nhiều kỹ thuật từ các nước Trung Ðông cũng truyền vào nước Tàu.([1])

Về tôn giáo, việc truyền bá từ bên ngoài vào Trung Hoa đã có từ lâu. Ngay thời Nam Bắc Triều, một tôn giáo từ Ba Tư có tên là Bái Hỏa Giáo 拜火教 (Zoroastrianism) được truyền vào Trung Quốc. Tôn giáo này do một người Ba Tư tên là Zarathushtra – nguyên nghĩa là con lạc đà già – thành lập từ thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên tại Ðại Hạ (nay ở biên giới A Phú Hãn). Người ta gọi họ là Majus hay Mazdeans.

Giáo đồ của tôn giáo này lấy kinh của Ba Tư là A Duy Tư Ðà (Avesta Gatha)([2]) làm kinh điển, chủ trương phân ra làm hai bên thiện ác, nhị nguyên. Theo họ, việc gì quang minh, lửa, thanh tĩnh, sáng tạo, sự sống thuộc về thiện đoan. Còn hắc ám, ác, dơ bẩn, phá hoại, chết thuộc về ác đoan. Con người được tự do chọn lựa để làm điều thiện hay điều ác. Khi chết đi sẽ được Thượng Đế (tức Ahura Mazda) phán xét; ai qua được thì lên thiên đường, người nào không qua thì xuống địa ngục. Vì thế khi còn sống mọi người phải làm lành, lánh dữ, bỏ chỗ tối mà tìm chỗ sáng. Châm ngôn đạo đức của họ là nghĩ điều lành, nói điều lành, làm điều lành. Họ có một nghi thức riêng để lễ “thánh hỏa” dưới quyền chủ tế của một “majus”. Tôn giáo này có thời là quốc giáo của Ba Tư trong triều đại Sasanian.

 Ðạo Bái Hỏa truyền vào bắc Trung Hoa khoảng năm 516-519 theo phái đoàn của người Ba Tư. Ðến đời Tùy, họ được thành lập ở Trường An những khu vực riêng để hành đạo. Ngoài việc trao đổi các sứ thần giữa hai bên, các thương nhân Ba Tư cũng sang Trung Hoa buôn bán. Hiện nay, tại Quảng Châu, Tuyền Châu, Dương Châu, Trường An, và Lạc Dương vẫn còn nhiều dấu tích của người Ba Tư thời đó.

Năm 621, đền thờ (shrine) đầu tiên được xây dựng cho người Hồ ở kinh đô và đến năm 631 thì một tu sĩ (magi) được vào làm quan trong triều. Ðến năm 652, khi người Muslim (Islam) từ Ả Rập sang xâm chiếm Ba Tư, họ bị đánh đuổi, một phần chạy sang phía tây nước Ấn (nay còn lại ở Bombay được gọi là Parsees có nghĩa là người Persian, tức người Ba Tư) nhưng một số lớn chạy sang Trung Hoa, khi đó vào đời nhà Ðường. Vua cuối cùng của triều đại Sasanian là Yazdegird đệ tam (Yazdagard III) cầu viện vua Ðường Thái Tông để đem quân khôi phục đất nước. Tuy nhiên, nhà Ðường từ chối và họ đành phải sống lưu vong với dân chúng vùng Tân Cương ở Trung Á nhưng lại bị thổ dân phản bội. Gần đây, khi khai quật một số địa điểm vùng Tây An, người ta đã tìm thấy một số tiền làm bằng bạc của Ba Tư thời kỳ này, nhiều mộ chí bằng cả hai thứ tiếng Ba Tư và chữ Hán (Dư Tử Lựu, tr. 183).

Nhà Ðường tiếp tục bảo vệ con của Yazdegird là Peroz (Firuz) và cho phép họ được xây cất đền thờ và tiếp tục hành đạo. Peroz vẫn được công nhận là vua nước Ba Tư và được phong một chức võ quan tại triều. Ông ta chết ở Trường An và con là Narseh được tập tước vương. Narseh cố gắng đem quân Tàu về lấy lại nước nhưng thất bại và những người thuộc triều đại Sasanian định cư tại Trung Hoa trong khoảng 200 năm. Một số tiểu quốc được hình thành nằm giữa biên giới Ba Tư và Trung Hoa không theo đạo Hồi (Islam), độc lập đã tồn tại trong nhiều năm và nhiều phái bộ, sứ thần đã đến kinh đô nhà Ðường trong khoảng 713-755 Công Nguyên.

Những cư dân của các tiểu quốc này trở thành những người buôn ngọc, phù thủy, thợ thủ công và thương nhân. Họ xây dựng bốn, năm tiên từ (thánh đường) tại Trường An; hai, ba tiên từ tại Lạc Dương; một tại Khai Phong và nhiều nơi khác như Dương Châu, Ðôn Hoàng, Thái Nguyên… Họ cũng di cư đến nhiều nơi khác, có người tới tận Hải Nam và nước ta nhưng không biết rồi ra sao.

Ðến năm 845, nhà Tống tiêu diệt tôn giáo và bài xích tất cả các đạo từ nước ngoài truyền vào, nhất là đạo Phật, thành thử Bái Hỏa Giáo cũng bị tiêu diệt. Vì họ coi lửa là đại biểu của quang minh (sáng sủa), nên việc thờ phụng “lửa thần” (thánh hỏa) là nghi lễ chính yếu. Người Trung Hoa gọi tôn giáo này dưới nhiều tên như Tiên Giáo, Hỏa Tiên Giáo, Bái Hỏa Giáo, Ba Tư Giáo… Bái Hỏa Giáo đến đời Nguyên hay Minh thì không còn ai biết đến.

Theo sách vở, Bái Hỏa Giáo là một tôn giáo chỉ thu hẹp trong phạm vi chủng tộc và không chủ trương bành trướng hay “độ” người ta theo đạo. Kinh điển của họ không được dịch sang tiếng Tàu và có lẽ người Tàu cũng không “cải giáo” theo đạo này. Tuy nhiên, họ cũng đem lại một số ảnh hưởng, vì đời Ðường là triều đại mở cửa nên nhiều kỹ thuật mới được du nhập, nhiều sắc thái văn hóa được đón nhận trong sinh hoạt hằng ngày.

Một tôn giáo khác cũng truyền từ Ba Tư là Ma Ni Giáo (tức Manichaeism, do Mani người Ba Tư sáng lập vào thế kỷ thứ III Công Nguyên). Ma Ni Giáo kết hợp nhị nguyên luận của Bái Hỏa Giáo, đồng thời dung hợp nhiều tôn giáo trong đó có một số tư tưởng của Phật Giáo và Ki-tô Giáo mà thành. Ma Ni Giáo được gọi là tôn giáo của ánh sáng (Religion of Light) và truyền vào Trung Hoa qua nhiều sự tích ly kỳ. Cho đến giờ phút này, người ta vẫn chưa rõ Mani là tên người hay là một cách xưng hô tôn quý. Nghĩa của chữ này cũng không rõ ràng, theo cổ ngữ Hy Lạp thì là skeuoshomilia, nhưng hình như nguyên thủy lại bắt nguồn từ tiếng Babylonian-Aramaic có nghĩa là Vua của Ánh Sáng.

Mani sinh ra tại Baghdad, khoảng thế kỷ thứ III, dưới thời mà người Ba Tư làm chủ cả khu vực Mesopotamia, ngày nay là Iraq. Cha ông hình như là người Mandaeans. Sau khi đi nhiều nơi trong vài năm, sống đời khổ hạnh để suy tưởng về giáo lý, năm 242 (có chỗ chép rõ là ngày 20-3) ông được mạc khải và tự cho mình là một nhà tiên tri (ngôn sứ, prophet), lập nên một giáo phái mới. “Cũng như Phật Thích Ca đến Ấn Ðộ, Zoroaster [tức Zarathustra theo tiếng Hy Lạp] với Ba Tư, hay Chúa Giê-su đến miền Tây, thời kỳ này thiên sứ đến với Ta, tức Mani, đến với vùng Babylonia.” Ðó là lời tuyên bố của ông và tự cho mình là một tông đồ của Thượng Đế.

Ông lại đi lên Bactria ở miền tây bắc Ấn Ðộ, và nghiên cứu thêm về Phật Giáo. Ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Gnostic (một nhánh của Ki-tô Giáo thời kỳ sơ khai, bị coi như tà giáo). Năm 241, ông quay về Ba Tư sau khi vua Shapur đệ Nhất lên ngôi, là người dung chứa các tôn giáo. Ông bắt đầu truyền giáo, dung hợp cả tư tưởng Gnostic, Bái Hỏa Giáo, Ki-tô Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo, và những tôn giáo địa phương tại Ba Tư.

Trong suốt thời vua Shapur, ông được tự do truyền giáo và hoạt động trong khối giáo đồ của mình. Thế nhưng khi vua Bahram đệ Nhất lên ngôi, người Bái Hỏa Giáo coi Mani là thù nghịch. Mani bị cầm tù và bị đóng đinh, xác bị bêu tại cổng thành để răn đe những người theo ông. Những tín đồ của Ma Ni Giáo cũng bị tàn sát không thương tiếc. Theo sử sách, Mani chết khoảng 276-277 Công Nguyên. Tôn giáo của ông truyền sang tận Bắc Phi, Nam Âu, và Trung Hoa.

Tư tưởng chính yếu của Ma Ni Giáo là nhị nguyên đối đãi và mục tiêu của con người là làm sao giải thoát được bằng cách khai mở luồng ánh sáng vốn bị vật chất giam hãm. Có hai đẳng cấp trong giáo phái này, đẳng cấp tu sĩ là thành phần được “thiên khải”, và “giáo đồ” là đại số quần chúng phục vụ cho thành phần được Thượng Ðế lựa chọn. Tu sĩ sống độc thân, khắc kỷ, chỉ lo đi truyền giáo và học đạo. Những tu sĩ chắc chắn sẽ được giải thoát ngay khi chết vì họ đã được ân sủng của Thượng Ðế. Giáo đồ có quyền lập gia đình nhưng phải chăm lo phục vụ các trưởng lão, và khi chết đi sẽ được tái sinh làm tu sĩ. Chính đạo này, dưới cái tên Ma Ni Giáo, Minh Tôn Giáo hay Minh Giáo đã ảnh hưởng quan trọng trong sinh hoạt xã hội của Trung Hoa trong một thời gian khá dài, hơn hẳn những tôn giáo khác cũng phát xuất từ Ba Tư.

Ma Ni Giáo truyền vào Trung thổ khoảng năm 694 đời nhà Ðường, mặc dù đạo này có một số ảnh hưởng đến Lão Giáo từ trước đó. Năm 694 cuốn Nhị Tông Kinh (Erzongjing) bộ kinh chính yếu của họ được đem vào nước Tàu.

Theo Minh Sử viết vào thế kỷ thứ XVII, một tu sĩ vào truyền giáo dưới thời vua Cao Tông (650-683) nhưng nhiều học giả không đồng ý mà chỉ công nhận là năm 719 có một đại trưởng lão của họ từ Tokharistan đến mà thôi. Năm 732, trong một chỉ dụ của nhà Ðường có nhắc tới họ đi truyền tà giáo mang danh nghĩa một tông phái của đạo Phật. Tuy nhiên vì đây là một tôn giáo của người Hồ nên triều đình không cấm chỉ, miễn là họ giới hạn việc sinh hoạt trong những dân tộc thiểu số.

Năm 745, người Hồi Hột (Uighur) kiến tạo một vương quốc rộng lớn, kéo dài từ sông Y Lê (Ili) đến tận Hoàng Hà. Một trong những tiểu vương (khans) theo Ma Ni Giáo năm 762 và Ma Ni Giáo trở thành quốc giáo của Tân Cương. Tới lúc đó, một số lớn người Hồi Hột đã cải đạo theo Ma Ni Giáo và sau khi họ giúp nhà Ðường chống lại loạn An Lộc Sơn, một số đông người Hán cũng theo. Họ có thể đã xây cất nhiều đền đài từ trước nhưng sách vở chỉ chắc chắn là có một đền Ma Ni – dưới tên chữ Hán là Ðại Vân Quang Minh 大雲光明 được thành lập tại Trường An năm 768.

Khoảng năm 771, tại các vùng Kinh, Dương, Hồng (Nam xương), Việt (Thiệu Hưng) cũng có đền Ma Ni và đầu thế kỷ thứ IX, tại Lạc Dương, Thái Nguyên đã có những đền thờ của họ được xây cất. Như vậy xét về mặt địa lý, Ma Ni Giáo bành trướng từ miền Tây Trung Hoa lan sang tận miền đông, sát bờ biển.

Ðến năm 842-843, khi dân tộc Hồi Hột suy yếu vì bị người Kirghiz đánh bại, triều đình lại bắt đầu một chính sách bài giáo, đặc biệt là những tôn giáo từ bên ngoài truyền vào Trung thổ, nhất là Phật Giáo. Ma Ni Giáo cũng bị càn quét, đền đài bị phá hủy, của cải bị tịch thu, kinh sách bị đốt. Tại Trường An, hơn bảy mươi nữ tu Ma Ni bị giết. Từ đó họ phải lui vào bóng tối, hoạt động âm thầm và biến thành một đoàn thể bí mật.

Họ chia ra thành nhiều nhánh, dưới nhiều tên khác nhau và cũng hoạt động trong những khu vực hay hình thái khác nhau. Nhánh mạnh nhất có tên là Minh Giáo, tôn Trương Giác đời Ðông Hán làm giáo tổ, còn thờ Ma Ni làm thần Quang Minh. Chính đây là tôn giáo mà Kim Dung đã huyền thoại hóa trong bộ Ỷ Thiên Ðồ Long Ký thành Minh Giáo, một đoàn thể vừa mang màu sắc bang hội, vừa có thêm một số nghi lễ thần bí, đứng đầu phe hắc đạo.

Giáo nghĩa của họ chủ yếu là phân biệt hai đằng thiện ác, sáng tối, dùng thuyết tam tế phân biệt ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai làm nền tảng, và tin tưởng rằng quang minh rốt ráo sẽ chiến thắng hôn ám. Tín đồ Minh Giáo mặc đồ trắng, sống giản dị, cần kiệm, ăn chay, không uống rượu, người chết thì để trần truồng đem bỏ ngoài sa mạc cho chim ăn, không thờ tổ tiên, Thần, Phật mà chỉ lễ bái mặt trời, mặt trăng.

Tổ chức trong Minh Giáo này rất nghiêm mật, trưởng lão của họ gọi là hành giả, giáo đồ chia thành thị giả, thính giả, cô bà, trai tỷ… Họ truyền bá mạnh tại các vùng Hoài Nam, Mân, Triết, Cám (Giang Tây). Về sau họ hợp nhất với Di Lặc Giáo, Bạch Liên Giáo. Minh Giáo phát triển mạnh khoảng thế kỷ thứ XI Công Nguyên. Theo Al-Beruni, một sử gia Ả Rập thì “đa số người Hồi, người Trung Hoa và Tây Tạng ở vùng Tây Vực, cả một số người Ấn Ðộ cũng theo Ma Ni Giáo”. Những kinh điển và tài liệu người ta tìm được ở Turfan gần đây phù hợp với những nhận định đó. Thời kỳ này Minh Giáo đã bành trướng mạnh và trở thành một tôn giáo có thế lực.

Qua đời Ngũ Ðại, Tống, Nguyên họ khởi nghĩa nhiều lần, đặc biệt là cuộc nổi dậy Mẫu Ất thời kỳ cuối của nhà Lương, hay Phương Lạp đời Tống (1120-1122). Cuộc khởi nghĩa quan trọng nhất mà họ tham gia có lẽ là cuộc nổi dậy chống lại người Mông Cổ vào thế kỷ thứ XIV, lập nên triều đại nhà Minh, mặc dầu nhiều học giả không cho rằng nhà Minh có liên quan đến Minh Giáo.

Hiện nay, đền thờ duy nhất của người Ma Ni còn sót lại trên thế giới ở tại Quan Châu (Phúc Kiến), vùng duyên hải Trung Hoa trong đó có khắc nổi tượng Ma Ni dưới danh hiệu Quang Minh Phật (Buddha of Light). Có lẽ vì tên Mani tương đồng với Thích Ca Mâu Ni nên nhiều người đã lầm lẫn giữa hai tên này. Tuy nhiên hình tượng khác hẳn hình tượng của Phật Giáo. Trên đầu có một vòng hào quang, với hai chùm tóc chảy từ đầu xuống vai. Hình tượng mặc áo trắng và theo tự tích khắc ở đó thì ngôi đền này do một giáo đồ kiến lập năm 1340. Tài liệu ngày nay người ta kiếm được để nghiên cứu về Ma Ni Giáo được gọi là Turfan (Turpan), là những kinh điển mà các khảo cổ gia người Ðức đào được ở Ðôn Hoàng (Dunhuang) vào khoảng 1902-1914. Trong số các tự tích tìm thấy có cả những đoạn mà từ lâu nay bị mất trong thánh kinh của họ, cả những văn chương viết bằng tiếng Pahlavi, Saghdian, Thổ Phồn và tiếng Hán. Một số tài liệu khác về Ma Ni Giáo thì kiếm thấy ở Ai Cập năm 1933 và trong những sách vở bài xích Ma Ni Giáo do người đạo Thiên Chúa, Muslim hay Bái Hỏa Giáo viết.

Thi nhân Bạch Cư Dị đã từng viết một bức thư thay mặt vua nhà Ðường trả lời cho vua nước Hồi khi họ xin triều đình Trung Hoa bảo vệ những người theo Ma Ni Giáo. Julia Ching nhận định là vấn đề của Ma Ni Giáo là họ vay mượn từ các tôn giáo khác khiến cho đối với các dân tộc Cận Ðông thì họ giống như Ki-tô Giáo hay Do Thái Giáo, trong khi đối với các dân tộc Viễn Ðông thì họ lại giống như Phật Giáo. Chính Mani cũng coi Giê-su là đấng tiên tri (ngôn sứ) của người Do Thái, Zoroaster là đấng tiên tri của người Ba Tư, còn Phật Thích Ca là đấng tiên tri của người Ấn Ðộ. Và khi ông tổng hợp được nhiều tôn giáo trong đạo của mình, ông ta tin rằng “Giáo Hội của Ta ưu việt hơn các giáo hội đã có từ trước, và những tôn giáo trước đây chỉ phổ biến tại một số quốc gia hay thành thị, còn Giáo Hội của Ta sẽ lan truyền đến khắp mọi thành phố, và lời giao rảng của Ta sẽ đến khắp thế gian.” (Julia Ching, Chinese Religions, tr. 174)

Một trong những đặc tính của các tôn giáo ở Trung Hoa là những tổ chức này không hoàn toàn mang tính chất tôn giáo mà luôn luôn pha thêm một số hình thức thế tục trên phương diện xã hội hay chính trị. Tôn giáo cũng không có một vị trí quyền lực cao cấp như tại Tây phương. Tuy có một số thời kỳ, nước Tàu có những quốc sư nhưng những vị cao tăng đó không thể nào sánh được với quyền lực của những giáo hoàng hay giáo chủ ở Âu Châu hay Trung Ðông.

Minh Giáo hình thành vào đời Ðường là giai đoạn văn hóa tương đối khai phóng nên được chấp nhận dễ dàng cũng như Phật Giáo. Nưng đến triều Minh, Thanh, khi Nho Giáo đã có một vị trí độc tôn, các tôn giáo có nguồn gốc từ bên ngoài không còn được coi trọng nữa. Chính vì thế, cũng như nhiều tôn giáo khác, Minh Giáo dần dần tàn lụi.

Trên thực tế, Minh Giáo là một tôn giáo rất khắt khe. Những tu sĩ của họ phải sống một đời sống khắc kỷ và giữ mình nghiêm nhặt. Theo kinh điển của Minh Giáo, những người được Thượng Đế lựa chọn (Primates Manichaeorum) có một đời sống khổ hạnh và phải luôn luôn di hành, không được ở yên một chỗ. Họ không được quyền có tài sản, không ăn thịt, uống rượu, và trấn áp mọi dục tình. Họ cũng không có quyền có nghề nghiệp, buôn bán, hay học những ma thuật hoặc nghiên cứu tôn giáo ngoài chính tôn giáo của họ.

Nhiệm vụ chính yếu của họ là kìm giữ và đóng kín ba cửa ải – miệng, tay, và ngực (oris, manuum, sinus). Ðể giữ miệng, họ không được nói năng độc địa, không ăn uống các chất độc hại. Thịt gia súc sẽ khởi động ma vương trong cơ thể con người, vì thế họ chỉ được ăn rau cỏ và trái cây. Ðể giữ gìn cho bàn tay khỏi ô uế, họ không được sát sinh, bẻ cây hái trái. Ðể giữ gìn cho trái tim được trong sáng, họ không được nghĩ ngợi bậy bạ chẳng hạn như nghĩ những điều không trong sạch hay trái với giáo lý của Ma Ni Giáo. Họ cũng không được lập gia đình vì coi sự truyền chủng là một hành động kéo dài sự tăm tối, và loài người sinh sản chính là vì bị Thượng Đế trừng phạt. Chính vì khó khăn như thế nên số người được ở trong hàng giáo phẩm rất hiếm hoi.

NGUYỄN DUY CHÍNH

* Xem tiếp Minh Giáo Theo Kim Dung, cùng người viết, trong Đạo Uyển Xuân 2021 (tập 37).



([1]) Dư Tử Lựu, Long Ðích Căn (Hongkong: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1985, tr. 176).

([2]) Kinh này gồm những bài hát trong đó dạy những điều luân lý. Người viết nghĩ rằng những bài hát Tiểu Chiêu hát trên Quang Minh Ðính và trên thuyền trong Ỷ Thiên Ðồ Long Ký có lẽ Kim Dung rút ra từ kinh này.