Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

ĐÔI ĐIỀU THÚ VỊ KHI ĐỌC KỶ YẾU TRUNG LAO / ĐẠO UYỂN ĐÔNG 2020 (TẬP 36)

 


ĐÔI ĐIỀU THÚ VỊ KHI ĐỌC

KỶ YẾU TRUNG LAO

HUỆ KHẢI

Sách Kỷ Yếu Trung Lao do nhà xuất bản Đồng Nai in năm 2017 nhưng tôi mới được hiền huynh Vinh Sơn Vũ Đình Đường từ phương xa gởi tặng bản đặc biệt gần đây. Thật là hân hạnh cho tôi vì hai chúng tôi chỉ mới biết nhau không lâu, qua vài điện thư.

Nâng niu tập sách dày hơn 500 trang (16x24cm), bìa cứng bọc giả da nâu đỏ, chữ mạ vàng, lòng tôi thêm cảm kích tấm thạnh tình của Vũ huynh, là người chủ biên Kỷ Yếu này.

Lại qua điện thư Vũ huynh, tôi biết Kỷ Yếu có thể sắp tái bản, nên đang được sửa chữa và bổ sung nội dung. Bởi thế, không ngại bản thân rất kém hiểu biết về các cộng đoàn Công Giáo, tôi viết bài này để bày tỏ lòng cảm ơn được tặng sách quý, đồng thời chia sẻ một vài cảm nghĩ của một bạn đọc Cao Đài, gọi là chút ý mọn mạo muội đóng góp cho kỳ tái bản.

Tôi đã lần giở từng trang sách, dõi theo các bài viết, ngắm các ảnh chụp minh họa cho những thông tin rất phong phú. Đối với tôi, vốn dĩ là một người “non-Christian”,([1]) như cách định danh trong Nostra Aetate, thì tất cả những nội dung và hình ảnh về làng Công Giáo Trung Lao đều mới lạ, lôi cuốn.

*

1. Trước tiên, xin thú thật đây là lần đầu tiên tôi được biết địa danh Trung Lao. Trong quốc ngữ, từ Hán-Việt đồng âm dị nghĩa vốn có rất nhiều; do đó, hai chữ Trung Lao khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc.([2])

Các cụ chúng ta ngày xưa mỗi khi đặt tên làng, huyện, phủ, tỉnh… đều hàm ngụ trong đó ý nghĩa tốt đẹp, cũng là hoài bão, ước vọng cho dân sở tại. Tỷ dụ như chỗ tôi đang cư ngụ, từ xưa mang tên xã Phú Nhuận. Thầy Tăng Tử bảo: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân...” 富潤屋, 德潤身 (Giàu thì tô điểm nhà cửa, đức thì tô điểm bản thân…) Suy ra tiền hiền làng Phú Nhuận muốn cho dân làng được giàu có, nhà cửa đẹp đẽ. Thế thì, thử hỏi Trung Lao là chi?

À, đây rồi: Địa danh Trung Lao “có từ thuở nào, không ai nắm rõ niên đại chính xác, nhưng chắc chắn một điều là làng hình thành từ xa xưa lắm rồi” (tr. 26). Ngày nay, tên làng được hiểu theo ý nghĩa “lao động vừa phải mà vẫn đủ ăn”; cách giải thích này “được nhiều người làng nhắc đến và chấp thuận” (tr. 28).

Hiểu như vậy, thì tên làng quả thật đã “ứng” với đời sống dân làng vì hiện nay làng này “được xếp vào hàng những làng khấm khá, khang trang nhất ở vùng quê miền Bắc” (tr. 29); “lúc nào người Trung Lao cũng thong dong: Sáng lễ, chiều kinh, ăn trắng mặc trơn, đôi khi còn có của ăn, của để.” (tr. 55)

2. Đặc điểm của làng Trung Lao“đất đai dành cho nông nghiệp không nhiều, do đó giới các ông phần đông cất bước ra đi có mặt nhiều nơi, bán hàng bồ phiêu dạt tận Thái Nguyên, Lạng Sơn hoặc theo nghề gỗ lên đến Tuyên Quang, Việt Bắc” (tr. 64). Dân làng thì có đến 80% mang hai họ Phạm và Vũ (tr. 33).

Nghề truyền thống của làng gồm có: thêu ren (tr. 55-56); khai thác, mua bán gỗ (tr. 57-60); gánh Hàng Bồ (tr. 61-63) dành cho đàn ông, dùng đòn gánh, bốn sợi dây gai, và “hai cái bồ lớn đan bằng tre với hình dáng đáy vuông, bề cao khoảng một mét ta, trên miệng được vê tròn, có nắp đậy”, mà loại bồ này phải mua ở phố Hàng Bồ trên Hà Nội (tr. 61).

Tục làng: Khi thông gia (sui gia) này chết thì thông gia kia để tang cho tới khi đưa đám xong (ba ngày) vì coi hai thông gia là một nhà (tr. 35).

3. Đặc điểm chợ Tết làng Trung Lao (chợ Lao) là “phiên chợ ngày 30 Tết lại càng chen chân không lọt, vì chợ Lao là đầu ngõ tiêu thụ các nông sản, vải vóc, gia cầm, gỗ lạt, tre nứa, thịt cá cần thiết của dân làng cũng như các nơi khác chuyên chở đến” (tr. 65).

Có lẽ những người hâm mộ thơ tiền chiến nào ngờ rằng bài thơ Chợ Tết nổi tiếng một thời của Đoàn Văn Cừ (1913-2004) đã in lần đầu tiên trên tuần san Ngày Nay, số xuân Kỷ Mão (Hà Nội, 1939) chính là hình ảnh chợ Lao ngày xưa.

Bài thơ dài bốn mươi bốn câu, mở đầu là: Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi / Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh [tranh] / Trên con đường viền trắng mép đồi xanh / Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”; và kết thúc là: Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm / Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh / Trên con đường đi các làng hẻo lánh / Những người quê lũ lượt trở ra về / Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê / Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”.

Theo Kỷ Yếu Trung Lao (tr. 451), ngày 01-5-2003, tác giả bài thơ này xác nhận: “Bài thơ ‘Chợ Tết’ mà tôi viết đấy chính là cái cốt cách của phiên chợ ngày ba mươi Tết làng Trung Lao, nó tiêu biểu và là thực tế của nhiều chợ quê.”

4. Chuông cổ chùa Đức Long trong nhà thờ Đức Bà. Thêm một chi tiết thú vị là quả chuông đồng nặng khoảng một trăm ký của chùa Đức Long sau khi sư trụ trì đem cầm cố quá hạn mà không chuộc về, đã được chủ mới (bá hộ Vũ Đình Tứ) hiến cho nhà thờ Đức Bà nhân lễ khánh thành vào năm 1896. Vậy, tính từ lúc chuông được đưa vào nhà thờ thì đã trải qua hơn một thế kỷ, chuông chùa Phật vẫn vang tiếng trong nhà thờ đạo Chúa (tr. 446). Nói theo ngôn ngữ bây giờ, phải chăng chúng ta có thể mạo muội nghĩ rằng dân làng Trung Lao tận sâu xa trong tiềm thức đã sẵn có mầm mống của tinh thần “liên tôn” rất sớm, trước cả Nostra Aetate?

5. Trong nhiều năm biên khảo, tôi hay tìm hiểu các thuật ngữ; do đó, đọc về lễ cưới ở địa phương, tôi liền chú ý rằng dân làng Trung Lao có ba thuật ngữ rất riêng (tr. 31-32). Tôi thử tìm qua công cụ Google và tra một số từ điển thông dụng thì không thấy. Đó là:

“Cỗ dựa”: Cỗ bàn ăn uống tại chỗ. / “Cỗ biện”: Cỗ nhà gái làm ra mang đi biếu người có vai vế. / “Cỗ tống”: Cỗ nhà trai đưa sang cho nhà gái mang đi biếu.

6. Tôi lại thấy rằng người làng Trung Lao vẫn còn dùng từ Việt cổ (archaic). Bằng chứng là cửa hàng bán hòm (áo quan, quan tài, săng) ở Trung Lao gọi là “hàng xũ” (tr. 59, 60). Đây là danh từ chung, lẽ ra trong sách không cần viết hoa.

Có lẽ ít người biết rằng “xũ” là tiếng Việt cổ, đã được P.G. Vallot (thừa sai ở Bắc Kỳ / missionnaire au Tonkin) giải thích là “un cercueil”. Xem: Petit dictionnaire annamite-français (Hanoi: F.H. Schneider, 1904, 2e édition, tr. 289).

Ngoài ra, J. F. M. Génibrel (thừa sai tông tòa / missionnaire apostolique), khi giải thích mục từ “xũ” là “[un] cercueil” hay “[une] bière” còn giải thích thêm từ “thợ xũ” là “fabricant de cercueils” (những thợ đóng hòm). Xem: 南語釋西總約 / Nam Ngữ Thích Tây Tổng Ước / Petit dictionnaire annamite-français (Saigon: Imprimerie de la Mission, à Tân Định, 1906, 2e édition, tr. 805).

Tôi dè dặt suy đoán rằng có lẽ “xũ” là từ Việt cổ chỉ dùng ở Bắc Kỳ, nên sau này còn được ghi trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội: Trung Bắc Tân Văn, 1931, tr. 659).

Lại trộm nghĩ, có thể vì dân Nam Kỳ không dùng từ “xũ”, nên mục từ “cercueil” trong Petit dictionnaire français-annamite của P. J. B. Trương Vĩnh Ký không được giải thích là “xũ” (Saigon: Imprimerie de la Mission, 1884, tr. 334). Cũng vậy, Huình Tịnh Paulus Của không có mục từ “xũ” trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tome II (Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie., 1896, tr. 590-591). Petrus Ký và Paulus Của đều là người Nam Kỳ.

7. Nhân nói về chữ và nghĩa, khi có điều kiện tái bản Kỷ Yếu, tôi nghĩ rằng có lẽ cần thêm một ít chú thích để giải thích cho bạn đọc trẻ tuổi ngày nay dễ hiểu. Chẳng hạn:

Về “mét ta” (tr. 61): Thật ra phần đông dân gian quen gọi là “thước ta” hay “thước mộc”, và nên cho biết là một thước ta tương đương khoảng 0,425 mét (thước tây).

Về “xa-phăm” (tr. 78): Đây là danh từ chung, lẽ ra trong sách không cần viết hoa, và nên ghi chú là “sage-femme” (tiếng Pháp: bà mụ, bà đỡ); hoặc bỏ luôn cách phiên âm này mà viết là “bà mụ, bà đỡ” cho gọn.

*

Sau cùng, nếu cần một nhận định tổng quát, cô đọng về cả tập Kỷ Yếu rất dày dặn này, thì có thể nói ngay rằng đây là tập địa phương chí mang đặc điểm Công Giáo được biên soạn công phu, cung cấp nhiều hình ảnh và thông tin hữu ích về “Trung Lao là một làng nông thôn miền Bắc Việt Nam” (tr. 20), một làng toàn tòng ([3]) mà tên làng “đã được nhắc đến trong lịch sử truyền giáo cách đây 400 năm” (tr. 20). Nội dung và hình ảnh trong Kỷ Yếu, do đó, chủ yếu là lịch sử, sinh hoạt, v.v… của một làng Công Giáo toàn tòng, được ghi chép rất phong phú, tỉ mỉ. Trộm nghĩ, nếu có nghiên cứu sinh nào làm luận án về làng Công Giáo ở Việt Nam, thì chắc chắn kỷ yếu này là một tài liệu vô cùng cần thiết, không thể thiếu trong danh mục sách tham khảo. Và dĩ nhiên, giá trị của tập Kỷ yếu này không phải chỉ có như thế.

Tôi xin hiệp tâm cùng đồng bào Trung Lao đang ở chính quê cha đất tổ, hay đang lập nghiệp ở nhiều nơi khác trong và ngoài nước, kính thành cầu nguyện Thiên Chúa ban ơn lành phúc huệ đến tất cả mọi người.

Tôi cũng cầu nguyện Đức Thánh Đaminh Vũ Đình Tước ban ơn soi dẫn, phù trì để hiền huynh Vinh Sơn Vũ Đình Đường cùng các đồng sự tâm huyết sẽ tiếp tục không ngừng tăng bổ, hiệu đính, tái bản tập Kỷ Yếu Trung Lao, ngõ hầu sau này trong thư tịch văn hóa tôn giáo nước Nam nói chung, và trong thư tịch văn hóa Công Giáo nói riêng, sẽ có một quyển chính sử cho riêng ngôi làng Trung Lao toàn tòng cổ kính.

HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 18-5-2020



([1]) non-Christian: Theo từ điển Merriam-Webster, tiền tố (prefix) non- có nghĩa là not (không phải); other than (khác hơn). Do đó, tuy các văn bản phổ biến xưa nay trong Công Giáo hầu như đều dịch non-Christian là “ngoài Kitô Giáo”, tôi quen dịch non-Christian là “không phải Kitô Giáo”.

([2]) Xác định vị trí làng Trung Lao, Kỷ Yếu cho biết rằng làng này “chiếm trọn thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định”. (tr. 21)

([3]) toàn tòng: Tất cả các gia đình trong làng đều theo Công Giáo.